Kinh tế

Ngành Hải quan thu ngân sách hơn 360 nghìn tỷ đồng

TĐKT - Theo thông tin Tổng cục Hải quan đưa ra chiều 3/11, số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 10 đạt 32.490 tỷ đồng, qua đó, đưa tổng thu 10 tháng đầu năm 362.413 tỷ đồng, bằng 103% dư toán được giao cả năm 2022, đạt 86,3% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 14,6% so với cùng kỳ 2021. Kết quả thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng khá so với cùng kỳ 2021 Về hoạt động xuất nhập khẩu, tháng 10 ước đạt 58,27 tỷ USD, xấp xỉ với trị giá xuất nhập khẩu của tháng trước (tăng nhẹ 70 triệu USD). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% (tương ứng tăng 452 triệu USD) và nhập khẩu ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,3% (tương ứng giảm 382 triệu USD). Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng năm 2022 ước tính đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1%, tương ứng tăng 75,94 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 42,98 tỷ USD) và nhập khẩu ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% (tương ứng tăng 32,95 tỷ USD). Như vậy, trong tháng 10 cả nước ước xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 10 năm 2022, cả nước ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD. Hồng Thiết

Trí thức trẻ Việt Nam đề xuất các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch

TĐKT - Với chủ đề “Trí thức trẻ thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần phục hồi phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch”, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V sẽ tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung chính. Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ V do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức với sự tham gia của Nhà tài trợ Vàng là Ngân hàng Vietinbank. Các đại biểu trí thức trẻ trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019. Diễn đàn sẽ diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/11/2022 tại tỉnh Bến Tre, với sự tham gia của 165 đại biểu trí thức trẻ đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và Việt Nam đang học tập, làm việc và có các đề tài nghiên cứu có các giải pháp, sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với các nội dung của Diễn đàn. Với chủ đề “Trí thức trẻ thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần phục hồi phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch”, diễn đàn nhằm tiếp tục củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Đồng thời, định hướng công cuộc chuyển giao tri thức, công nghệ của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu theo các mục tiêu đổi mới và phát triển đất nước; góp phần tham gia thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tham gia thực hiện các mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch. Theo đại diện BTC diễn đàn cho biết, diễn đàn đã lựa chọn danh sách 165 đại biểu chính thức tham dự Diễn đàn là các trí thức trẻ Việt Nam đã, đang học tập, nghiên cứu, làm việc tại 22 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và Việt Nam (Ba Lan, Bê-la-rút, Bỉ, Canada, CHLB Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Ý, Đại công quốc Luxembourg, Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hungary, Liên Bang Nga, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Sĩ, Úc, Vương Quốc Anh, Vương quốc Bỉ). Một số đại biểu tiêu biểu tham dự Diễn đàn lần thứ V, có bác sĩ Đào Việt Hằng, sinh năm 1987, tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội vào năm 2011, hoàn thành chương trình Tiến sĩ y khoa vào năm 2016 và được phong Phó Giáo sư năm 2022; NCS. Nguyễn Thúy Anh, sinh năm 1987, hiện đang làm việc và làm nghiên cứu sinh tại trường ĐH California, Davis, Hoa Kỳ; TS. Lê Duy Tân, Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin - trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Trần Lê Hưng, giảng viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ III, năm 2020. Tại Diễn đàn, 165 đại biểu và khách mời sẽ tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp vào 4 nội dung chính. Lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương tặng hoa các anh, chị đại diện tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ III, năm 2020. Thứ nhất, đề xuất mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thảo luận các giải pháp hoàn thiện và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số tại Việt Nam; tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng và địa phương. Các đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ III, năm 2020 trao đổi, thảo luận các chủ đề về Diễn đàn. Thứ hai, quy hoạch và giải pháp sử dụng hiệu quả, đồng bộ các quy hoạch địa phương, vùng, quốc gia, thảo luận các giải pháp liên quan đến hạ tầng giao thông, năng lượng; hạ tầng công nghệ số, dữ liệu; hạ tầng đô thị, đô thị thông minh; hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển, hành lang kinh tế ven biển và các giải pháp phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn tặng hoa cho đại diện Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021. Thứ ba, phát huy vai trò của trí thức trẻ Việt Nam trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế: thảo luận các giải pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, vùng và quốc gia; phục hồi và phát triển du lịch; áp dụng chuyển đổi số trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; phát triển công nghiệp văn hóa. Thứ tư, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, gắn với đổi mới hệ thống y tế, giải pháp hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế các cấp, nâng cao chất lượng cán bộ y tế cấp cơ sở, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ giúp khám, chữa bệnh, tầm soát bệnh sớm; cơ chế, chính sách, chiến lược đầu tư toàn diện, đồng bộ hệ thống y tế. Các đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021 trao đổi, thảo luận về các chủ đề của Diễn đàn. Kết thúc diễn đàn, các đại biểu sẽ thông qua Báo cáo đề xuất, khuyến nghị của Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần V nhằm góp phần tham gia thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tham gia thực hiện các mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch. Bên cạnh đó, Diễn đàn sẽ ra mắt Ban Chấp hành Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu giai đoạn 2022 - 2025, phát huy vai trò và liên kết thành mạng lưới các trí thức trẻ trên toàn cầu vì mục tiêu xây dựng Việt Nam giàu mạnh, văn minh; hướng tới hình thành các CLB Trí thức trẻ tại các tỉnh, thành phố. Xây dựng định hướng hoạt động của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu trong giai đoạn 2022 – 2025; hình thành các nhóm nghiên cứu, đề tài nghiên cứu của Mạng lưới. La Giang      

Nestlé Việt Nam tiếp tục đạt Top 100 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

TĐKT - Mặc dù gặp thách thức từ dịch Covid-19, Công ty Nestlé Việt Nam đã không ngừng nỗ lực và phản ứng nhanh chóng nhằm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục trở thành một trong 100 công ty nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam năm 2021, theo Công văn số 3786/TCT-KK của Tổng cục Thuế, Bộ Tài Chính. Theo đó, trong 6 năm liên tiếp, kể từ lúc Tổng cục Thuế bắt đầu công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam vào năm 2016 cho đến nay, Nestlé Việt Nam luôn được vinh danh trong Top 100, đánh dấu nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp trong việc đóng góp vào ngân sách nhà nước và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, Nestlé Việt Nam còn được các cơ quan thuế và chính quyền tại các địa phương mà công ty có hoạt động sản xuất, kinh doanh tặng bằng khen vì thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế và đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Mới đây, Nestlé Việt Nam vừa được nhận Bằng khen của Cục Thuế Đồng Nai tại Hội nghị Tuyên dương doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2020 - 2021, diễn ra ngày 8/11. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Đồng Nai, cho biết năm 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn về tài chính, một bộ phận doanh nghiệp không đủ khả năng tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của Cục Thuế Đồng Nai và sự chủ động sáng tạo vượt khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thu ngân sách nhà nước năm 2020 - 2021 đạt kết quả tích cực (đều vượt dự toán thu ngân sách). Nestlé Việt Nam nhận Bằng khen từ Cục Thuế Đồng Nai tại Hội nghị Tuyên dương doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2020 - 2021, diễn ra ngày 8/11/2022. Trước đó, Nestlé Việt Nam nhận được Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Hưng Yên cho doanh nghiệp có thành tích chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế, Bằng khen cho doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động phòng, chống Covid-19, Bằng khen cho doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Chia sẻ về những thành tích mà công ty đạt được và sự ghi nhận của các cơ quan thuế từ trung ương đến địa phương trong những năm qua, bà Katrina Rennie, Giám đốc Tài chính Nestlé Việt Nam cho biết: “Sự minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là các quy định về thuế, là nguyên tắc cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của Nestlé Việt Nam. Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước cũng như đóng góp chung cho cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động thể hiện tinh thần và trách nhiệm của Nestlé với tư cách là một tập đoàn toàn cầu, luôn gắn kết và thấu hiểu địa phương. Chúng tôi cam kết đầu tư lâu dài, phát triển bền vững tại Việt Nam và luôn đánh giá cao sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương. Nestlé Việt Nam cam kết đầu tư lâu dài và phát triển bền vững tại Việt Nam. Hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995, Nestlé Việt Nam hiện vận hành 4 nhà máy và 2 trung tâm phân phối đặt tại tỉnh Đồng Nai và Hưng Yên, cùng đội ngũ hơn 2.000 nhân viên. Trong gần ba thập kỷ vừa qua, Nestlé Việt Nam liên tục mở rộng đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực phẩm, dinh dưỡng với mục tiêu tối ưu hóa vai trò của thực phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người hôm nay và những thế hệ mai sau. Tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam của doanh nghiệp hiện đạt hơn 700 triệu đô la Mỹ. Mai Thảo    

Phát động Cuộc thi LogiChain 2022 về lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng

TĐKT  - Tối 7/11, tại Hà Nội, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Câu lạc bộ Logistics & Chuỗi cung ứng LSC tổ chức sự kiện Opening Day và Opening Talkshow với chủ đề “GenZ - Straight to be The New Urbanistars” nhằm giải đáp những thắc mắc của thí sinh, doanh nghiệp, báo chí về Cuộc thi LogiChain 2022. Lễ phát động Cuộc thi LogiChain 2022 LogiChain là Cuộc thi giải Case Study về lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng đầu tiên tại miền Bắc với quy mô toàn quốc, được tổ chức bởi Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Câu lạc bộ Logistics & Chuỗi cung ứng LSC. Cuộc thi vinh dự khi nhận được sự bảo trợ chuyên môn của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và sự tham dự, cố vấn của Ban Giám khảo, khách mời là những chuyên gia đang công tác tại các tập đoàn đầu ngành. LogiChain mùa đầu tiên đã để lại ấn tượng sâu sắc và tạo ra những giá trị thiết thực cho cộng đồng sinh viên trẻ khi thu hút hơn 500 thí sinh đến từ 30 trường Đại học trên khắp cả nước và nhận được hơn 300.000 lượt tiếp cận truyền thông. Tiếp nối thành công vang dội đó, Cuộc thi LogiChain 2022 chính thức quay trở lại và tiếp tục mang tới một sân chơi lành mạnh, bổ ích để các bạn sinh viên có niềm đam mê với lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng được thể hiện và thử thách bản thân. Cuộc thi là cơ hội cho các bạn sinh viên trải nghiệm giải quyết tình huống thực tế trong doanh nghiệp, đồng thời là điểm chạm kết nối doanh nghiệp với các ứng viên giàu tiềm năng. Chủ đề của Cuộc thi là “City Logistics”, tập trung vào việc phân tích tình huống và hướng tới một đại chiến lược cuối cùng giữa các đội thi về lĩnh vực chuỗi cung ứng. Không chỉ đem đến Chuỗi sự kiện hấp dẫn như: Họp báo, Opening Day - Talkshow, Field trip và các buổi Training xen kẽ 3 vòng thi, LogiChain còn mang đến một format Chung kết mới lạ: 4 đội thi sẽ được chia thành 2 cặp đấu. Trong đó, mỗi cặp sẽ bao gồm hai đội thi có vai trò đối kháng nhau trong hai vai trò doanh nghiệp Retailer và doanh nghiệp LSP. Cuộc thi mở đơn đăng ký theo đội và ghép đội từ ngày 8/11 – 23/11/2022. Vòng loại diễn ra từ ngày 25/11 – 9/12/2022 (trắc nghiệm và giải Case Study). Vòng bán kết diễn ra vào ngày 24/12/2022, Top 8 đội mạnh nhất sẽ thi giải Case Study và đàm phán. Vòng chung kết của cuộc thi dự kiến được tổ chức vào ngày 14/01/2023 tại Hà Nội, Top 4 đội mạnh nhất sẽ giải Mini Case, đàm phán và đưa ra chiến lược chung. Tại sự kiện Opening Day và Opening Talkshow với chủ đề “GenZ - Straight to be The New Urbanistars”, các bạn sinh viên đã được giải đáp những thắc mắc về Cuộc thi LogiChain 2022, đồng thời thảo luận về các vấn đề logistics đô thị hiện nay. Phương Thanh

Phát triển trồng dược liệu quý tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

TĐKT - Ngày 4/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.  Đến dự và chủ trì Hội nghị có PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế cùng sự tham gia của lãnh đạo 21 UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,  22 huyện - nơi triển khai dự án trồng dược liệu quý và đại diện của các doanh nghiệp nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh dược liệu. PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và tập trung thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên đến năm 2025 theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội. Tại giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025, nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm thực hiện theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện, của 21 tỉnh với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao. Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thực hiện theo 2 hình thức gồm: Chuỗi liên kết 4 nhà: Nhà nông (vùng đồng bào dân tộc thiểu số) – doanh nghiệp – nhà quản lý – nhà khoa học – nhà bank (trong đó doanh nghiêp là trung tâm của chuỗi liên kết); chuỗi giá trị: Bảo tồn nguồn gien – nhân giống – trồng trọt – chế biến, sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Quang cảnh Hội nghị Để thực hiện hiệu quả chương trình này, Đảng và Nhà nước đã có chương trình hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu. Lần đầu tiên, sâm và dược liệu quý nhận được sự quan tâm đầu tư từ ngân sách nhà nước với mức hỗ trợ, đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Tổng mức đầu tư hỗ trợ có thể lên tới 65 tỷ cho một vùng dự án. Với các nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ: Mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/ 1 người lao động, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng/ 1 người lao động; hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh: Hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức tối đa 50% tổng kinh phí của hoạt động và không quá 1.000 triệu đồng/dự án. Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đề tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng: Mức hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ/kết quả nghiên cứu. Hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, tối đa không quá 150 triệu đồng/dự án. Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm. Mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 126 triệu đồng/ha. Đối với các dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao, Nhà nước hỗ trợ 1 lần tối đa 80% chi phí sản xuất giống gốc và 50% chi phí sản xuất giống thương phẩm (Thông tư 15/2022/TT-BTC). Hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến; bảo quản đảm bảo theo quy định về GMP và GSP; cơ sở hạ tầng trong hàng dào dự án như điện; nước, đường giao thông kết nối. Hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hành chính sách xã hội cho cơ sơ sản xuất kinh doanh tham gia vào dự án: Lần đầu tiên hạn mức cho vay lớn nhất từ trước đến nay, tổng mức cho vay tới 45% tổng mức đầu tư của dự án, không quá 96 tỷ đối với dự án vùng trồng dược liệu quý và không quá 92 tỷ đồng với dự án Trung tâm nhân giống, thời hạn cho vay lên tới 10 năm và lãi suất ưu đãi 3,96%/năm (Nghị định số 28/2022/NĐ-CP). Theo điều tra về nguồn gien dược liệu, Việt Nam có 5117 loài, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm và vốn tri thức y học truyền thống dân tộc với nhiều bài thuốc có giá trị, là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, sản phẩm chăm sóc bảo vệ sức khỏe từ dược liệu, hóa mỹ phẩm từ dược liệu… Hàng năm tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính 100.0000 tấn với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Cũng theo WHO có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR 11,32%. Có thể thấy, nước ta có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế nước nhà. Trong đó, sâm và dược liệu quý được xác định là đối tượng có nhiều tiềm năng và lợi thế của các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Chính phủ lựa chọn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập ổn định, bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án. Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, Văn phòng điều phối trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng các cơ quan liên quan đã trả lời, hướng dẫn những các vấn đề doanh nghiệp, chính quyền địa phương nơi triển khai dự án còn chưa rõ, những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thực hiện của chương trình. Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến liên kết chuỗi cần có sự liên kết chặt chẽ tránh tình trạng trồng có dược liệu nhưng không có đầu ra, dẫn đến các dự án rơi vào phá sản hoặc thực hiện không thành công. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế nhấn mạnh: Để triển khai hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững về phát triển dược liệu quý ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tôi đề nghị các địa phương được lựa chọn triển khai nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý tích cực, chủ động, phối hợp tốt hơn với Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để kịp thời lựa chọn chuỗi giá trị dược liệu, chủ trì liên kết triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Hồng Thiết

Khai mạc “Tuần lễ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề Hà Tĩnh tại Hà Nội”

TĐKT - Ngày 4/11, tại Trung tâm Thương mại Big C, TP Hà Nội, được sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh, sự phối hợp của Siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội, Sở Công Thương Hà Tĩnh tổ chức lễ khai mạc “Tuần lễ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề Hà Tĩnh. Đây là chương trình nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Lễ khai mạc Đây là lần đầu tiên tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chuỗi sự kiện có quy mô lớn với trên 40 gian hàng đặc sản của tỉnh, nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc sản có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB), sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh đến với người dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Tiêu biểu như: Các sản phẩm nhung hươu và sản phẩm chế biến từ nhung hươu; các sản phẩm chế biến từ nông sản như: Nem, giò chả, xúc xích; các sản phẩm bánh kẹo đặc sản như cu đơ, bánh da nem; các sản phẩm chế biến từ lâm sản như: Trầm hương, hương, gỗ mỹ nghệ và song mây mỹ nghệ; các sản phẩm thủy hải sản: Tôm, cá mực, nước mắm, nước chấm chẻo… Đại diện siêu thị Go Big C (bên trái) trao thỏa thuận hợp tác với Hợp tác xã Hà Tĩnh Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh, ông Võ Tá Nghĩa phát biểu: “Tuần lễ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNTTB, làng nghề Hà Tĩnh tại Hà Nội lần này là cơ hội để Hà Tĩnh giới thiệu tiềm năng, lợi thế và con người Hà Tĩnh, đặc biệt là quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội và du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kết nối, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển sản phẩm bền vững, đúng định hướng quy hoạch và chiến lược; từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương”. Người tiêu dùng Hà Nội mua đặc sản Hà Tĩnh tại sự kiện Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (vận hành hệ thống đại siêu thị GO!, Big C trên toàn quốc), cho biết: “Thực hiện cam kết “đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt”, của Central Retail tại Việt Nam, Big C Thăng Long rất lấy làm vinh dự được phối hợp với Sở Công Thương Hà Tĩnh triển khai sự kiện ngày hôm nay. Chúng tôi hy vọng, người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội sẽ quan tâm, ủng hộ Tuần lễ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề Hà Tĩnh tại Hà Nội, tương tự như đã ủng hộ các sự kiện “quảng bá thương hiệu cho bưởi Phúc Trạch” của Hà Tĩnh – đã được chúng tôi liên tục tổ chức các năm qua trên hệ thống Big C. Từ đó, tạo đầu ra ổn định và bền vững cho sản phẩm hàng hóa nói chung của tỉnh Hà Tĩnh trên hệ thống bán lẻ của Central Retail tại Việt Nam”. Trước đó, bưởi Phúc Trạch là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh với đặc điểm: Hương thơm ngát, ngọt đậm, tép khô và mọng nước, giòn… đã lần đầu tiên được giới thiệu tại hệ thống 17 siêu thị Big C và GO! khu vực miền Bắc, vào năm 2019. Kết quả, ngay khi vừa được giới thiệu tại Big C, bưởi Phúc Trạch đã lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội và sớm “cháy hàng”, nhiều siêu thị hết hàng sớm. Từ năm 2019 đến nay, bưởi Phúc Trạch luôn nằm trong top sản phẩm bán chạy trong hệ thống siêu thị Big C, GO! miền Bắc. Tuần lễ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề Hà Tĩnh tại Hà Nội sẽ kết thúc vào ngày 07/11/2022. Hồng Thiết

Công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp về thực hiện TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2021

TĐKT - Ngày 3/11, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USADID) tổ chức hội thảo công bố kết quả “Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2021”. Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp. Quang cảnh hội thảo Báo cáo công bố trong sự kiện ngày hôm nay là kết quả hợp tác tích cực trong một năm qua giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đây là nỗ lực nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ chế Một cửa quốc gia (NSW) trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cũng như giảm thiểu gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, từ đó tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Trong bối cảnh chịu tác động to lớn của dịch Covid-19 cùng những biến động khó lường của kinh tế - chính trị thế giới, song xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam thời gian gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, dự kiến cả năm có thể đạt trên 700 tỷ USD.  Những con số này cho thấy nỗ lực vượt khó phi thường của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, kết quả này cũng phản ánh những cố gắng to lớn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. “Báo cáo công bố ngày hôm nay cho thấy cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những cố gắng của các cơ quan nhà nước nói trên. Tổng hợp kết quả khảo sát của trên 3.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong năm 2022, báo cáo phản ánh nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Trong đó, số đông các doanh nghiệp cho biết Cổng NSW được vận hành tương đối tốt; quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến trên Cổng thuận lợi hơn; việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua NSW đã giúp giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng quan sát thấy những chuyển biến tích cực tương tự trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành…” – ông Phòng dẫn chứng. Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, kết quả khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng NSW và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp. Cuộc khảo sát được thực hiện với 2 phần nội dung chính: Đối với nội dung khảo sát việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin MCQG, tính đến tháng 4/2022, có 12 thủ tục hành chính của 5 bộ, ngành đang được thực hiện; Việc thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành được khảo sát chung với các thủ tục của 10 Bộ quản lý chuyên ngành. Kết quả khảo sát là sự phối hợp tích cực, nghiêm túc, khách quan và công tâm của Tổng cục Hải quan, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp. Báo cáo kết quả khảo sát đã phân tích các ưu, nhược điểm của Cơ chế một cửa quốc gia, nêu ra các tồn tại, vướng mắc trong khâu thực hiện thủ tục của từng bộ, ngành liên quan trên Cổng thông tin một cửa cũng như các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành; từ đó đề xuất các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quy trình thủ tục, phương pháp thực hiện để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong thời gian tới. Theo ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và là cơ quan đầu mối thực hiện Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, Bộ Tài chính. Với mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức phối hợp, hợp tác với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và hiện đại hóa các khâu thực hiện thủ tục trên cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Cơ chế này cũng như sẽ tích cực đẩy mạnh triển khai Đề án, hướng tới mục tiêu cải cách toàn diện và thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Hồng Thiết

Phát huy sức sáng tạo để nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ Việt

TĐKT - Tối 2/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội đã diễn ra Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022 với chủ đề “Kiến tạo tương lai”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại buổi lễ. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và đông đảo doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao biểu trưng vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Chương trình Thương hiệu Quốc gia là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu hàng hóa và dịch vụ. Đây là một chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình đã trở thành bệ phóng vững mạnh giúp cho các doanh nghiệp vươn ra thế giới, kiến tạo sức cạnh tranh trên trường quốc tế, xứng đáng là những doanh nghiệp đi đầu trong tương lai, kiến tạo những giá trị, sức mạnh mới cho đất nước vì một Việt Nam hùng cường - thịnh vượng và hạnh phúc. Triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai công tác xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022 từ hơn 1.000 doanh nghiệp đề cử. Ban Tổ chức đã công bố công nhận 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022 từ hơn 1.000 doanh nghiệp đề cử. So với năm 2020, năm nay, cả nước đã có thêm 48 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và chúc mừng sự nỗ lực, những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp của những doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được vinh danh. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất tin tưởng và kỳ vọng vào bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập của đất nước, ngày càng phát huy sức sáng tạo để nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trên thị trường thế giới. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong thời gian tới tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, tạo ra giá trị cho xã hội. Tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp cần đảm bảo và không ngừng củng cố, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm thương hiệu Việt thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến và hoạt động tài chính công khai, minh bạch, lành mạnh. Không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; tăng cường chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với đó, tập trung đào tạo đội ngũ người lao động có trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập trên các lĩnh vực. Không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức kinh doanh; tuân thủ đúng quy định, pháp luật của Nhà nước; xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Chú trọng hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, không ngừng xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Thủ tướng tin tưởng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế; hai tiếng “Việt Nam” gắn với hình ảnh sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng cao sẽ ngày càng phát triển và củng cố vững chắc vị thế, uy tín trên toàn thế giới. Nguyệt Hà

Tập đoàn Hoa Sen 6 lần liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho cả 3 nhóm sản phẩm Tôn Hoa Sen, Ống thép Hoa Sen, Ống nhựa Hoa Sen

Ngày 02/11/2022, Lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam. Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Chương trình tổ chức đánh giá, xét chọn doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia chu kỳ hai năm một lần theo hệ thống tiêu chí và quy trình xét chọn khắt khe của Ban Tổ chức. Năm 2022, vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia, Tập đoàn Hoa Sen là một trong 172 doanh nghiệp xuất sắc được vinh danh trong Chương trình. Được chứng nhận Thương hiệu Quốc gia lần đầu vào năm 2012, đây là lần thứ 6 liên tiếp Tập đoàn Hoa Sen được vinh danh Thương hiệu Quốc gia cho cả 3 nhóm sản phẩm Tôn Hoa Sen, Ống thép Hoa Sen, Ống nhựa Hoa Sen. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trao biểu trưng Thương hiệu Quốc gia 2022 cho Ông Nguyễn Tấn Hòa – Phó TGĐ Tập đoàn Hoa Sen Thành tích này tiếp tục khẳng định mạnh mẽ cam kết của một thương hiệu Việt luôn lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu để cạnh tranh, tạo nên uy tín thương hiệu Hoa Sen trên thị trường. Việc tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia cũng là một quá trình để Tập đoàn Hoa Sen cũng như các doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất - kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của Chương trình. Hơn 20 năm qua, Tập đoàn Hoa Sen đã chọn cho mình con đường xây dựng thương hiệu khác biệt dựa trên triết lý kinh doanh cốt lõi "Trung thực - Cộng đồng - Phát triển". Hoa Sen khẳng định giá trị thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng nhanh, dịch vụ hậu mãi tốt và thương hiệu gắn kết cộng đồng, luôn thực hiện nghiêm ngặt 4 cam kết vàng trong bán hàng: “Đúng giá, đúng tiêu chuẩn, đúng chất lượng, được bảo hành”. Đại diện Tập đoàn Hoa Sen cho biết: “Việc sản phẩm Tôn Hoa Sen, Ống thép Hoa Sen, Ống nhựa Hoa Sen tiếp tục được vinh danh trong Chương trình Thương hiệu Quốc gia 2022 sẽ là động lực to lớn để Hoa Sen tiếp tục đổi mới, sáng tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ; khẳng định uy tín thương hiệu Hoa Sen trong và ngoài nước; mang giá trị tốt nhất đến cho khách hàng, xã hội.” Hệ thống Siêu thị VLXD và Nội thất Hoa Sen Home của Tập đoàn Hoa Sen Với tầm nhìn trở thành Tập đoàn sản xuất và kinh doanh tôn, thép, vật liệu xây dựng và nội thất hàng đầu Việt Nam bằng chiến lược phát triển bền vững, đầu năm 2021 Tập đoàn Hoa Sen thực hiện chiến lược đa dạng hóa danh mục sản phẩm kinh doanh, phát triển Hệ thống Siêu thị VLXD và Nội thất Hoa Sen Home kinh doanh hơn 15 ngành hàng với hơn 3.000 mã hàng vật liệu xây dựng. Đến nay Tập đoàn đã sở hữu hơn 110 siêu thị Hoa Sen Home trải dài khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời, Tập đoàn Hoa Sen cũng là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng, đổi mới phương thức bán hàng, tiếp cận khách hàng thông qua thương mại điện tử, chuyển đổi số, tạo bước tiến mới trong ngành vật liệu xây dựng của Việt Nam. Tập đoàn Hoa Sen luôn tuân thủ pháp luật, chính sách về thuế, kê khai và nộp đúng, đầy đủ về tất cả các khoản thuế cho ngân sách quốc gia. Vào ngày 13/10/2022, Tập đoàn Hoa Sen đã được Tổng Cục Thuế Việt Nam vinh dạnh vị trí 57 trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021. Trước đó, Tập đoàn Hoa Sen còn là doanh nghiêp tư nhân duy nhất của Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp chế tạo, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tôn mạ được vinh danh Doanh nghiệp nộp thuế lớn, tuân thủ tốt pháp luật về hải quan do Tổng Cục Hải quan công bố vào tháng 9/2022. Trong 02 năm qua, Tập đoàn Hoa Sen đã được vinh danh ở nhiều giải thưởng danh giá: Giải thưởng Vàng Chất lượng Quốc gia 2019-2020, Top 10 Công ty vật liệu xây dựng uy tín năm 2022, Top 10 Thương hiệu xuất sắc 2022, Top 50 Doanh nghiệp đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2021, Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất năm 2021, Top 10 Doanh nghiệp Niêm yết có năng lực Quản trị tốt nhất 2021, Hoa Sen Home được vinh danh đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng, nội thất tiêu biểu,...    

Khai báo, tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu tại Quảng Ninh

TĐKT - Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (CNTT & TKHQ) và Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh tổ chức lớp tập huấn khai báo, tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử. Căn cứ quy định tại Điều 66 Luật Hải quan về việc chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan thông tin về phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam. Ngày 11/01/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 119/TCHQ-GSQL hướng dẫn việc chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện khai báo thông tin về phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam theo các chỉ tiêu thông tin tại Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu tại mẫu BKTTHH/2021/NK ban hành kèm công văn này thông qua Hệ thống.   Quang cảnh lớp tập huấn. Tại thời điểm công văn 119/TCHQ-GSQL ban hành, Hệ thống khai báo, tiếp nhận, xử lý và trả kết quả cho người khai chưa được hỗ trợ nên người khai thực hiện nộp 01 bản chính Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu (bản giấy) cho Chi cục Hải quan cửa khẩu. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã phối hợp với Cục CNTT & TKHQ xây dựng và hoàn thiện Hệ thống khai báo, tiếp nhận, xử lý Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu và bổ sung một số các chức năng hỗ trợ người dùng cũng như cơ quan hải quan thực hiện công tác quản lý, giám sát phương tiện vận tải nhập cảnh, hàng hóa nhập khẩu đưa vào đưa ra khu vực cửa khẩu, theo đó, Hệ thống đã có những ưu điểm vượt trội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện khai báo điện tử, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí và nhân lực cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan Hải quan.   Ông Nguyễn Vũ Thân - Phó Trưởng phòng Cục Giám sát quản lý về Hải quan giới thiệu về cơ sở pháp lý thực hiện việc khai báo bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu. Tham gia lớp tập huấn là 43 công chức hải quan tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh như Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Vạn Gia, Hòn Gai, Móng Cái, Cẩm Phả… có liên quan đến nghiệp vụ kiểm tra chi tiết hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, giám sát hàng hóa và đại diện 50 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tại lớp tập huấn, các doanh nghiệp được hướng dẫn triển khai việc khai báo, tiếp nhận, kiểm tra và xác nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử của Tổng cục Hải quan, được trang bị những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cơ bản liên quan đến 3 nội dung: Giới thiệu về Phần mềm khai báo, tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa điện tử dự kiến sẽ được triển khai chính thức trên toàn quốc; hướng dẫn chi tiết nghiệp vụ khai báo, tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử tại các khâu nghiệp vụ; tiếp nhận, trao đổi những tình huống, vướng mắc phát sinh liên quan. Lớp tập huấn nhằm kịp thời giới thiệu, hướng dẫn để triển khai hiệu quả việc tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử. Đây là một nghiệp vụ mới, quan trọng trong công tác cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan. La Giang

Trang