TĐKT - Ngày 28/6, tại Brussele, Vương Quốc Bỉ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn và những người đứng đầu cơ quan Hải quan trung ương của các nước Ac-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Liên bang Nga, Kư-rơ-gứt-xtan đã ký kết Nghị định thư về trao đổi thông tin điện tử về hải quan nhằm triển khai thực hiện Điều 5.7 của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn ký kết Nghị định thư trao đổi thông tin điện tử hải quan
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) gồm Ac-mê-ni-a, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Liên bang Nga, Kư-rơ-gứt-xtan được ký kết và có hiệu lực từ ngày 5/10/2016 (sau đây gọi tắt là Hiệp định).
Nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc thực thi hoạt động hải quan, đẩy nhanh quá trình giải phóng hàng hóa và ngăn chặn vi phạm pháp luật hải quan, theo quy định của Điều 5.7 của Hiệp định, các bên tham gia Hiệp định có nghĩa vụ thực hiện việc trao đổi thông tin điện tử về hải quan. Căn cứ vào khoản 4 của Điều 5.7 của Hiệp định, sau các phiên tham vấn và trao đổi, các bên đã thống nhất các điều khoản cụ thể của Nghị định thư để tiến hành trao đổi thông tin điện tử theo quy định của Hiệp định.
Nội dung chính: Nghị định thư ký kết nhằm thực hiện cam kết về trao đổi thông tin điện tử về hải quan giữa các cơ quan hải quan trung ương của các quốc gia thành viên của Liên minh Kinh tế Á – Âu và cơ quan hải quan trung ương của Việt Nam quy định tại Điều 5.7 Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu. Nghị định thư gồm 10 Điều và 3 phụ lục kỹ thuật.
Lộ trình thực hiện sẽ tuân thủ theo các cam kết tại khoản 6 Điều 5.7 của Hiệp định, cụ thể: Trong 1 năm thử nghiệm, từ 5/10/2018 đến trước 5/10/2019, thực hiện trao đổi thông tin điện tử đối với một số hàng hóa. Từ 5/10/2019 đến trước 5/10/2021: Thực hiện trao đổi thông tin đối với hàng hóa có kim ngạch thương mại giữa các bên tăng hơn 20% tính từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Từ 5/10/2021: Thực hiện trao đổi thông tin đối với toàn bộ hàng hóa giao dịch giữa các bên.
Việc ký kết Nghị định thư khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Việc ký kết và thực hiện Nghị định thư với cơ chế trao đổi, truyền thông tin thường xuyên và ngay sau khi thông quan hàng hóa sẽ góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm hải quan, góp phần thu đúng, thu đủ các khoản thu cho ngân sách, qua đó tạo môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho hoạt động thương mại đầu tư kinh doanh giữa các bên, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi nước.
Hơn nữa, cơ chế trao đổi thông tin trước khi hàng đến cũng sẽ góp phần giúp đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho thương mại và thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của mỗi nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang xuất khẩu nhiều hơn sang các nước thuộc Liên minh thì sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước này.
Trong thời gian qua, nhằm giúp các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin và chủ động trong các chiến lược kinh doanh của mình, Tổng cục Hải quan đã tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền và cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp về việc triển khai thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do trong đó có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Hồng Thiết
Kinh tế
TĐKT – Sáng 28/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018. Dự và chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, các đồng chí là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ…
Quang cảnh Hội nghị
Sáu tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện khá thuận lợi về thời tiết, khí hậu; cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ đó, sản xuất toàn ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh, tốc độ tăng trưởng vượt mục tiêu đã đề ra và đạt mức cao.
Ngành trồng trọt tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả (đã chuyển 32.800 ha đất lúa) sang trồng các loại rau, quả, cây công nghiệp lâu năm có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, tăng cường sử dụng giống chất lượng cao và tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” không chỉ trên lúa mà còn trên các đối tượng cây rau màu khác. Cùng đó, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP.
Sản xuất chăn nuôi nhìn chung thuận lợi, thị trường tiêu thụ và giá các sản phẩm thịt bò, gia cầm ổn định; chăn nuôi lợn bắt đầu có dấu hiệu tái đàn khi giá thịt lợn hơi tăng cao. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu được sang những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp cũng đã có chuyển biến rõ rệt trên thực tiễn, có nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp giá trị cao, mô hình kinh doanh gỗ lớn. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thị trường gỗ nội địa có những chuyển biến và khởi sắc.
Sáu tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành nông nghiệp đã vượt mục tiêu đã đề ra. Dự kiến GDP nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm tăng từ 3,95% - 4,05%, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản 10,3 tỷ USD (tăng 9,7%); giá trị xuất khẩu thủy sản 3,94 tỷ USD (tăng 10,5%); giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính 4,33 tỷ USD (tăng 12,7%) so với cùng kỳ năm 2017.
Các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 6 tháng đầu năm 2018 là gạo khoảng 3,57 triệu tấn, giá trị 1,81 tỷ USD, tăng 12,5% về khối lượng và 42% về giá trị so với cùng kỳ 2017), rau quả (2 tỷ USD, tăng 20%), điều (1,71 tỷ USD, tăng 16,4%), thủy sản (3,94 tỷ USD, (tăng 10,5%) so với cùng kỳ năm 2017.
Phong trào Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao. Tính đến 25/6/2018, cả nước có 3.370 xã (37,76%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2018 vượt mục tiêu có ít nhất 40% số xã, 54 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trang Lê
Việt Nam xuất khẩu thành công lô thịt lợn đầu tiên theo đường chính ngạch
TĐKT - Chiều 25/6, tại Hà Nội, Tập đoàn Mavin cùng Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản tổ chức Lễ công bố xuất khẩu thịt lợn thành công và ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản. Tới dự có: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám. Lễ ký kết hợp tác xuất khẩu thịt lợn Năm 2018, ngành chăn nuôi đề ra nhiều mục tiêu gắn với tái cơ cấu ngành, đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững tiến đến quá trình hội nhập và hướng đến xuất khẩu. Tính đến hết năm 2017, Việt Nam đã có 5 doanh nghiệp xuất khẩu thành công trứng ăn liền, 1 doanh nghiệp có lô thịt gà đầu tiên xuất khẩu. Tháng 5/2018 đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành chăn nuôi khi một doanh nghiệp của Việt Nam - Tập đoàn Mavin đã có lô hàng thịt lợn đầu tiên xuất khẩu sang Myanmar. Đáng chú ý, sản phẩm của Mavin được sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín: Hoạt động chăn nuôi (Mavin Farm) - Thức ăn chăn nuôi (Mavin Austfeed) - Thuốc thú y (Mavinvet) - Thực phẩm chế biến (Mavin Food). Nhờ sở hữu và kiểm soát toàn bộ quy trình chăn nuôi, chế biến theo chuỗi, Tập đoàn Mavin đảm bảo sản phẩm thịt lợn sạch từ nguồn, an toàn vệ sinh tuyệt đối và có thể truy xuất được nguồn gốc. Ông David John Whitehead, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mavin, cho rằng chất lượng và điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế và đây là rào cản khiến Việt Nam, một quốc gia có sản lượng thịt lợn lớn nhưng không thể xuất khẩu ra nước ngoài. Sau một thời gian dài Tập đoàn Mavin hợp tác với Công ty Sojitz Nhật Bản, thịt lợn Việt Nam đã vượt qua các điều kiện về kỹ thuật cũng như chất lượng để xuất khẩu thành công vào thị trường Myanmar. Người tiêu dùng Myanmar bước đầu có ấn tượng tốt và rất thích sản phẩm thịt lợn tươi của Việt Nam. Đây là cơ hội để sản phẩm thịt lợn tươi mở rộng thị trường tại Myanmar trong thời gian tới. Tập đoàn Mavin và Công ty Sojitz Nhật Bản cũng công bố, theo hợp đồng đã ký với đối tác Myanmar, mỗi tháng sẽ có ít nhất 1 đơn hàng khoảng 26 tấn thịt lợn tươi Việt Nam được xuất khẩu vào Myanmar. Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Tập đoàn Mavin là doanh nghiệp đầu tiên làm được việc xuất khẩu thịt lợn tươi cấp đông sang thị trường quốc tế theo đường chính ngạch. Đây là niềm vui không chỉ của Mavin mà còn là niềm vui với ngành chăn nuôi và Việt Nam nói chung. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng khẳng định, muốn xuất khẩu thịt lợn tươi sang các thị trường nước ngoài cần đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của thị trường và cần có chứng nhận của tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tập đoàn Mavin với thành công trong xuất khẩu lô thịt lợn đầu tiên sang thị trường Myanmar với mức giá cao hơn so khá nhiều so với giá thị trường trong nước, đã mở ra một hướng đi đầy triển vọng cho ngành chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung. Phương ThanhTĐKT - Ngày 22/6, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo giới thiệu chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín” năm 2018. Chương trình diễn ra với mục tiêu đưa trái bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh việc liên kết với các doanh nghiệp trong và quốc tế, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, sự kiện còn là cơ hội để tỉnh Đắk Nông kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của địa phương.
Quang cảnh họp báo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết: Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, với diện tích gần 2.600 ha, trồng chuyên canh hơn 700 ha, trồng xen canh gần 1.900 ha và năng suất bình quân từ 10 - 15 tấn/ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện: Đắk Mil, Đắk R’Lấp, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa.
Theo các chuyên gia, cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác, với giá bơ ổn định như nhiều năm qua, mỗi héc - ta sẽ cho thu hoạch từ 300-500 triệu đồng/năm. Hiện nay trên thị trường nhiều giống bơ cho quả ngon, chất lượng, năng suất cao được nông dân trồng nhiều như bơ Cuba, bơ 034, bơ Booth, bơ Hass, bơ sáp…
Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khác hơn so với các tỉnh nên Đắk Nông trồng được nhiều giống bơ cho trái quanh năm từ tháng 1 - 11 hằng năm. Bơ Đắk Nông đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi trái to hơn, dẻo hơn, màu vàng sậm hơn, mẫu mã đẹp hơn và chín kéo dài so với bơ các địa phương khác và là cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, được xem là một loại quả “siêu thực phẩm” ít nơi nào có được.
Tuy nhiên, dù có lợi thế lớn nhưng giá trị hàng hóa bơ Đắk Nông còn thấp do việc hạn chế trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, tình trạng bà con nông dân trồng tự phát không theo quy hoạch, nguồn vật tư đầu vào, quy trình sản xuất chưa đảm bảo, đầu ra sản phẩm không ổn định, chưa xây dựng thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc xuất xứ…
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của cây bơ, chương trình “Đắk Nông – Mùa Bơ chín” năm 2018 gồm 5 sự kiện chính: Khai mạc, bế mạc; hội thảo phát triển bơ bền vững; hội chợ thương mại kết nối cung cầu bơ và các sản phẩm nông nghiệp; hội thi trái bơ ngon và tham quan, trải nghiệm các mô hình nông nghiệp diễn ra từ ngày 18 - 23/7/2018.
Lễ khai mạc chương trình Đắk Nông – Mùa bơ chín sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh Tây Nguyên.
Hồng Thiết – Phương Thanh
Hải quan – doanh nghiệp thực hiện tốt việc kết nối, chia sẻ, đồng hành
TĐKT - “Hải quan – doanh nghiệp: Kết nối, chia sẻ, đồng hành” chính là chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 theo Quyết định 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 và các Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan (các giai đoạn 2011-2015; 2016 - 2020) và đã được Tổng Cục Hải quan chia sẻ tại buổi tọa đàm ngày 21/6. Cho đến nay, Tổng cục Hải quan đã hình thành bộ máy tổ chức về phát triển quan hệ đối tác, đưa công tác này trở thành công việc thường xuyên của cơ quan hải quan các cấp. Hoạt động đối tác đã tích cực tham gia xây dựng sự hiểu biết đồng thuận, đồng hành giữa cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp. Quang cảnh tọa đàm Với phương châm lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, hợp tác, đồng hành, cơ quan hải quan các cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động đối tác với cộng đồng doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Các hoạt động đối tác trong những năm gần đây đã có sự đổi mới về cách làm, đi vào chiều sâu, thiết thực và gắn bó với doanh nghiệp. Cụ thể, cơ quan hải quan các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức các hội nghị doanh nghiệp theo chuyên đề, qua đó thu hút đúng đối tượng doanh nghiệp đến tham gia, tập trung đi vào các vấn đề thời sự mà doanh nghiệp quan tâm. Các cuộc đối thoại từng bước được chuyển biến về cách thức tổ chức, nội dung đối thoại, thực sự trở thành công cụ hữu ích trong việc giải quyết các bất đồng giữa các bên. Các cuộc tham vấn giữa hải quan - doanh nghiệp được tổ chức đi vào các nội dung cụ thể, hướng đến các nhóm đối tượng với sự tham gia của các bên liên quan. Kết quả tham vấn được thông tin đầy đủ đến các bên liên quan, từ đó xây dựng sự tin cậy trong hoạt động tham vấn. Tính trong năm 2017, cơ quan hải quan đã tổ chức 53 hội nghị doanh nghiệp, 89 cuộc đối thoại định kỳ với người khai hải quan, người nộp thuế về nhiều chủ đề thời sự: Thủ tục hành chính công trực tuyến, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa Asean, hoạt động giám sát cảng biển đối vói doanh nghiệp kinh doanh cảng; chuẩn hóa thông điệp, dữ liệu quy trình trao đổi thông tin, phân loại hàng hóa, xử lý vi phạm hành chính... Hoạt động tham vấn doanh nghiệp cũng ghi nhận nhiều điển hình tích cực. Cục Hải quan Quảng Ninh đã tổ chức 17 buổi tham vấn, với nhiều ý kiến đóng góp và giải pháp phù hợp thực tiễn cho sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC. Cục Hải quan Hải Phòng tổ chức 125 lượt tham vấn. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh với khoảng 500 lượt tham vấn. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành: Với mong muốn hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan hải quan đặc biệt quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan hải quan lấy phương tiện thông tin đại chúng là công cụ thường xuyên truyền tải thông tin một cách nhanh nhất đến doanh nghiệp, với nòng cốt là cổng thông tin điện tử của cơ quan Hải quan các cấp, báo Hải quan kết hợp với báo, đài Trung ương và địa phương. Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cũng có nhiều đổi mới. Bên cạnh việc tiếp nhận, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc tại trụ sở cơ quan hải quan, nhiều địa phương, tỉnh thành cả nước đã chủ động đến với doanh nghiệp, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó có phương án hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất. Tại các địa bàn đặc thù, cơ quan hải quan đã chủ động biên tập tài liệu hướng dẫn, dịch ra tiếng nước ngoài, phát tờ rơi đến doanh nghiệp làm thủ tục, giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt quy định, chính sách, pháp luật, tuân thủ đúng pháp luật. Từ kiến nghị của phía doanh nghiêp, cơ quan hải quan đã điều chỉnh tăng cường các buổi tập huấn, hướng dẫn xuống cơ sở, đưa hoạt động tập huấn, hướng dẫn gần với doanh nghiệp hơn, trực tiếp đến với người làm thủ tục. Tính trong năm 2017, cơ quan hải quan các cấp đã thực hiện 16.353 tin, bài; phối hợp thực hiện 574 phóng sự truyền hình; biên tập, in ấn, phát hành 14.617 tờ rơi, tờ gấp về pháp luật hải quan, tổ chức hàng chục lượt tập huấn, hướng dẫn ở cả cấp trung ương và địa phương. Cùng với việc thúc đẩy và tăng cường hoạt động quan hệ đối tác với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đặc biệt quan tâm thiết lập quan hệ đối tác thường xuyên với hiệp hội doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ động, tích cực và sẵn sàng hợp tác với cơ quan hải quan để xây dựng lực lượng nòng cốt trong quan hệ đối tác với cộng đồng doanh nghiệp. Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, cơ quan hải quan đã ký bản thỏa thuận hợp tác với 232 doanh nghiệp để xây dựng đối tác thường xuyên làm lực lượng nòng cốt trong hoạt động đối tác hải quan - doanh nghiệp. Để quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp trong thời gian tới ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất, cơ quan hải quan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia hợp tác với cơ quan hải quan trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng và đóng góp cho cơ quan hải quan. Trong đó, doanh nghiệp nói chung và các hiệp hội doanh nghiệp nói riêng cần tăng cường kết nối và chia sẻ với cơ quan hải quan qua các kênh thông tin hiện có, tích cực đóng góp ý kiến, hiến kế các giải pháp cho cơ quan hải quan. Hồng ThiếtTĐKT - Thuế và Hải quan là hai lĩnh vực quan trọng, có tác động lớn đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Hiệu quả từ cải cách thuế, hải quan hiện nay là vấn đề vô cùng cần thiết.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại bộ phận một cửa
Nhờ những nỗ lực đổi mới, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan nên số thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 của ngành Thuế đạt 1.019.041 tỷ đồng (bằng 105,2% dự toán); ngành Hải quan đạt 297.082 tỷ đồng (tăng 5,04% so với năm 2016). Hai ngành này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 560.000 doanh nghiệp, lực lượng quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Bình quân giai đoạn 2012 – 2017, mỗi năm khu vực này thu hút thêm 15,2% nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, thu hút hơn 14 triệu lao động. Năm 2017, riêng khối doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp 32,3% cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Và một điểm đáng chú ý, trong 3 năm liên tiếp (2014 - 2016), Bộ Tài chính luôn được xếp thứ 2 trong bảng chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Nam cho biết: Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp thực hiện lộ trình cải cách thủ tục hành chính, nhất là việc kê khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử, qua đó tạo thuận lợi cho người nộp thuế và nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Việc đưa dịch vụ nộp thuế điện tử đến với cộng đồng doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần đơn giản hóa thủ tục giấy tờ khi thực hiện nghĩa vụ thuế, xử lý thông tin nộp thuế nhanh chóng, chính xác, đa dạng hóa các kênh thu NSNN.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết: Để đạt hiệu quả trong thời gian tới thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải cải cách, phối hợp chẽ với cơ quan Thuế và Hải quan địa phương để phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực thi pháp luật để được hướng dẫn, tháo gỡ.
Song song với đó là nâng cao vai trò của các hiệp hội trong việc chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ nghiên cứu, nắm chắc các quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu để không bị động khi làm thủ tục nhập khẩu. Đồng thời, hưởng ứng và hợp tác để thực hiện các giải pháp mà các cục hải quan đã đưa ra nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thông quan.
Để đạt được kết quả cao, Bộ Tài chính sẽ đưa ra các giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật về cải cách thủ tục hành chính, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thuế và hải quan.
Thứ hai, nghiên cứu, sửa đổi Luật Quản lý thuế theo hướng đổi mới phương thức quản lý thuế, đảm bảo mục tiêu kiểm soát tốt các nguồn thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế trên cơ sở áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, cơ sở tính thuế.
Thứ ba, sớm hoàn thiện thể chế quản lý tài chính doanh nghiệp và minh bạch thông tin tài chính doanh nghiệp của khu vực ngoài quốc doanh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả ngành thuế và hải quan. Đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, đề nghị các bộ, ngành có liên quan xem xét, thu gọn Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành, chi tiết tên hàng, có mã số hồ sơ và có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để kiểm tra, tránh sự chồng chéo giữa các bộ; tránh việc một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều bộ gây mất thời gian, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Hơn hết, cần phải có cơ chế lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân, doanh nghiệp nhiều hơn nữa, đặc biệt tăng cường đối thoại, trao đổi trực tiếp, đề cao vai trò người đứng đầu các đơn vị thuế nhằm rút dần khoảng cách giữa cơ quan quản lý về thuế, hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội.
La Giang
Cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp
TĐKT - Ngày 19/6, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018. Toàn cảnh Diễn đàn Diễn đàn thu hút hàng trăm đại biểu từ các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp có thành tích cao trong hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường, đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các đơn vị phối hợp, doanh nhân trên cả nước. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận xung quanh 2 chủ đề: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Chương trình được thiết kế nhằm tạo một diễn đàn đa chiều, thảo luận về tình hình kinh tế, phát triển kinh doanh trên thế giới và Việt Nam, tổ chức sản xuất và cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tăng dần các sản phẩm mang hàm lượng giá trị gia tăng cao, động viên các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế kinh doanh. Diễn đàn là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư nhìn lại toàn cảnh nền kinh tế và định hướng cho những năm tiếp theo, thảo luận và đối thoại về những nhu cầu, những vấn đề thực tiễn cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có 41.295 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 412 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,8%. Nếu tính cả 749 nghìn tỷ đồng của gần 12,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2018 là 1.161 nghìn tỷ đồng. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), môi trường kinh doanh đã được nâng cao chất lượng một bước đáng kể, đáng ghi nhận; nhận được phản hồi tích cực và đồng thuận từ phía dư luận và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, niềm tin vào tương lai kinh doanh, khát vọng tham gia thị trường được củng cố và nâng lên một bước quan trọng, thể hiện rõ về việc gia tăng số lượng doanh nghiệp mới đăng ký thành lập. Hàng loạt điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy định bất hợp lý đã được cơ quan quản lý rà soát, bãi bỏ mang lại sự hỗ trợ và thuận lợi hóa thiết thực đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cũng bộc lộ một số vấn đề đáng lo ngại, cần nhận diện rõ ràng để khắc phục càng sớm càng tốt. Đó là tình trạng quy mô trung bình của doanh nghiệp dân doanh ngày càng nhỏ, thiếu sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và có sự cạnh tranh gay gắt. Ngoài ra, mức độ tham gia vào hoạt động xuất khẩu quốc gia, kết quả xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng thấp hơn hẳn so với các đơn vị thuộc khu vực khác. Hiện doanh nghiệp tư nhân phải đối diện với nhiều yếu tố, quy định bất lợi về điều kiện kinh doanh: Các quy định về diện tích nhà xưởng, trang thiết bị chuyên dùng, quy định về nhân sự trong bộ máy quản lý, điều kiện về vốn hoạt động ... trong nhiều trường hợp lại bị đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn so với các đơn vị FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực… TS Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhiều, song hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Để giải quyết bài toán này, cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Nhất là cải cách mạnh hệ thống pháp luật về doanh nghiệp theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo trật tự và tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác hậu kiểm… Phương LinhTuần lễ quảng bá trái na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn năm 2018 tại Hà Nội
TĐKT - “Hội chợ sản phẩm nông nghiệp an toàn, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; tuần lễ quảng bá trái na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn năm 2018 tại Hà Nội” sẽ diễn ra từ ngày 22 - 28/8/2018 tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại Hà Nội. Đó là thông tin được bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đưa ra tại cuộc họp báo sáng nay. Hội chợ được tổ chức nhằm hỗ trợ quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm an toàn, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đặc sản vùng miền của tỉnh Lạng Sơn. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm trong doanh nghiệp và người tiêu dùng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Lê Thị Thanh Nhàn trao đổi thông tin với báo chí về Ngày hội na Chi Lăng 2018 Tuần lễ quảng bá trái na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội năm 2018 dự kiến quy mô 200 gian hàng với các sản phẩm: Nông sản, thực phẩm an toàn, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam; sản phẩm na Chi Lăng và nông đặc sản của Lạng Sơn; các loại hoa, cây cảnh; sản phẩm thủ công mỹ nghệ và quà tặng. Tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ tổ chức Ngày hội na Chi Lăng năm 2018 tại tỉnh vào trung tuần tháng 8/2018. Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, diện tích trồng na của tỉnh Lạng Sơn là trên 2.800 ha với sản lượng trên 26.000 tấn, giá trị kinh tế năm 2017 ước đạt trên 700 tỷ đồng. Riêng na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt gần 152 ha, GlobalGAP 5 ha. Thời gian qua, na Chi Lăng chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước, được người tiêu dùng trong nước đón nhận tích cực và đánh giá cao về chất lượng. Thời gian tới, không chỉ xuất tươi quả na mà tỉnh đang tính đến việc chế biến ra các sản phẩm khác. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã làm thử một số sản phẩm chế biến từ na: Na sấy khô, na dẻo, rượu na nhưng còn quy mô nhỏ. Bà Nhàn cũng cho biết, tỉnh cũng đang nỗ lực tìm thị trường xuất khẩu na Chi Lăng đi các nước khác trên thế giới. Trước mắt là hai thị trường Trung Quốc và Úc. Mai ThảoHội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 18 – AgroViet 2018
TĐKT – Sáng 18/6, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo về “Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 18 – AgroViet 2018”. Theo đó, AgroViet 2018 sẽ diễn ra từ ngày 28/6 đến ngày 1/7/2018 tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Đà Nẵng, TP Đà Nẵng. Với chủ đề “Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao – hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững”, AgroViet 2018 hướng tới mở rộng hợp tác quốc tế, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo cơ hội để doanh nghiệp củng cố và khai thác thị trường nội địa. Đồng thời, tôn vinh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, giới thiệu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp. Toàn cảnh họp báo AgroViet 2018 là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng được tổ chức thường niên của ngành nông nghiệp, với mục đích nâng cao hình ảnh của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế; giới thiệu các thành tựu đạt được về khoa học - công nghệ, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông, lâm, thủy sản an toàn và hữu cơ; tạo cơ hội cho các tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức có điều kiện quảng bá, giới thiệu về tiềm năng lực của mình để xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hội chợ dự kiến có quy mô 180 gian hàng. Các gian hàng sẽ trưng bày các sản phẩm máy móc chế biến nông sản thực phẩm, máy móc nông nghiệp, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, giống cây, giống con… Tham gia hội chợ còn có đoàn gồm 18 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản của Thái Lan. Trong khuôn khổ chương trình AgroViet 2018 có hội thảo “Bàn về sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp tại TP Đà Nẵng”. Ngoài ra, ban tổ chức cũng tổ chức cho đoàn nông dân tiêu biểu đến tham quan, học tập mô hình, kinh nghiệm hay tại hội chợ. Thục AnhHapro đưa vải thiều Thanh Hà chất lượng đến tay người tiêu dùng Thủ đô
TĐKT – Sáng 16/6, tại Siêu thị Hapro C13 Thành Công, Hà Nội, Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) phối hợp với Sở Công thương tỉnh Hải Dương, UBND huyện Thanh Hà tổ chức “Tuần lễ vải thiều Thanh Hà – Hải Dương tại Hà Nội ”. Theo đó, từ ngày 16/6, tại 24 điểm Hapromart và Haprofood của Hapro và 9 siêu thị Intimex của Công ty cổ phần Intimex, vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo quy trình Vietgap, Global Gap đảm bảo chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm sẽ được trưng bày tại các vị trí bắt mắt, tiện lợi cho việc mua sắm của người tiêu dùng, với giá bán niêm yết là 25.000 đồng/kg. Người tiêu dùng mua vải thiều Thanh Hà tại siêu thị C13 Thành Công, Hà Nội Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro cho biết: Thương mại nội địa là một trong hai lĩnh vực kinh doanh chính của Hapro. Thời gian qua, công ty đã hỗ trợ cho rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tiêu thụ, cũng như quảng bá nhiều sản phẩm có giá trị thông qua hệ thống Hapro. Bằng chứng là, 80% các mặt hàng kinh doanh tại công ty là các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam. Riêng năm 2018, công ty đã và đang triển khai mạnh mẽ chương trình quảng bá, phân phối và tiêu thụ một sản lượng lớn gạo Đồng Tháp, vải thiều Thanh Hà và vải thiều Bắc Giang, được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực. “Thực sự Việt Nam còn rất nhiều sản phẩm có giá trị, mà người tiêu dùng còn chưa biết đến. Hapro luôn mong muốn bằng kinh nghiệm cũng như thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng của mình có thể giới thiệu ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng của Việt Nam đến với người tiêu dùng Việt. Không những vậy, thời gian tới, Hapro còn hỗ trợ xuất khẩu vải thiều Thanh Hà ra các nước trên thế giới. Cụ thể, tuần tới đây, lô hàng vải thiều Thanh Hà đầu tiên sẽ được Hapro xuất sang tiêu thụ tại Malaysia và một số thị trường khác nữa” Bà Thanh cho hay. Lễ ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải quả và các sản phẩm từ vải giữa Hapro và hợp tác xã, công ty của Thanh Hà Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội đánh giá cao vai trò tích cực của Hapro trong việc chung tay giúp đỡ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm vải thiều; đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm ngon, tốt, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và giá cả hợp lý. Bà Lan mong muốn, thời gian tới, tỉnh Hải Dương tiếp tục rà soát các nông sản chất lượng khác trên địa bàn đưa về các kênh phân phối tại Hà Nội nói chung và của hệ thống Hapro nói riêng nhằm mang đến sự yên tâm cho người tiêu dùng. Các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông sản cần tiếp tục nghiên cứu biện pháp đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà đúng vụ đạt được sản lượng cao nhất. Đối với người tiêu dùng, bà Lan kêu gọi hãy sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tại buổi lễ, đại diện Công ty Siêu thị Hà Nội (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) đã ký biên bản ghi nhớ cam kết tiêu thụ vải quả và các sản phẩm từ vải với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Hợp Đức (Thanh Hà) và Công ty TNHH Ong mật Phương Bắc (Thanh Hà). Thương hiệu vải thiều Thanh Hà nổi tiếng cả trong và ngoài nước, được sản xuất theo quy trình Vietgap, Global Gap để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Quả vải Thanh Hà rất đặc biệt, có hương vị đặc trưng riêng, ngon hơn hẳn các loại vải khác ở Việt Nam bởi điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của mảnh đất Thanh Hà mang lại. Vải khi chín có sắc vỏ màu hồng nhạt, lớp vỏ lụa dai căng tròn, sờ hoặc nhìn vào phần gai vỏ lì hơn vải trồng những nơi khác, cùi vải ráo, trắng nõn, hạt vải rất nhỏ, màu nâu sẫm có nhiều trái gần như không có hạt. Hiện diện tích trồng vải khoảng 3.865 ha, chiếm 40% diện tích đất nông nghiệp của huyện Thanh Hà. Thương hiệu và thị trường tiêu thụ vải ngày càng được mở rộng và vượt qua được những yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu trái cây khó tính nhất như Mỹ, Úc, Pháp, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và các nước Châu Âu. Mai ThảoTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 112
- 113
- 114
- 115
- 116
- …
- sau ›
- cuối cùng »