Đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn
12/07/2018 - 10:41

TĐKT - Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo "Đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn". Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm (ATTP) trong kinh doanh thực phẩm ngành công thương với tên gọi "Hành động vì an toàn thực phẩm".

Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Các đại biểu giao lưu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước ta từ lâu đặc biệt quan tâm, coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định sự cần thiết phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn về an toàn thực phẩm.

Quan điểm chỉ đạo của Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 chỉ rõ, bảo đảm ATTP chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân, là một nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công thương là một trong ba đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP. Bộ Công thương đã và đang rất tích cực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Đáng chú ý, việc đẩy mạnh cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ATTP đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Năm 2018, nhằm khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, Bộ Công thương đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đồng thời hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản an toàn của các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước.

Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc chỉ đạo triển khai và kiểm tra thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện ATTP tại các chợ, siêu thị, đặc biệt là các chợ đầu mối; kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, phân phối thực hiện ATTP.

"Việc tổ chức Hội thảo lần này hết sức có ý nghĩa, góp phần định hình rõ nét hơn nữa về những cơ hội và kinh nghiệm xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ Việt Nam, mạng lưới các cơ sở kinh doanh thực phẩm của nước ta cũng tăng dần hàng năm về số lượng và chất lượng.

Hiện cả nước có 8.539 chợ (tăng 26 chợ so với 2016), 957 siêu thị, tăng 88 siêu thị tương đương hơn 10% so với 2016, 189 trung tâm thương mại (tăng 21 Trung tâm thương mại tương đương 12,5% so với 2016) và khoảng 2 triệu cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ của hộ gia đình, ngoài ra còn hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn.

Trước thực trạng sản phẩm “thực phẩm chưa kiểm soát được theo chuỗi cung cấp thực phẩm; việc phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công, thực phẩm tươi sống vẫn là khâu yếu, chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu” thì nhu cầu tiêu dùng thực phẩm bảo đảm là biện pháp tự vệ chính đáng của người dân và cũng là cơ hội tốt cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Tại Hội thảo, các cơ quan hữu quan, các hiệp hội ngành hàng, nhà phân phối cũng như các doanh nghiệp, chuyên gia đã trao đổi, phân tích về những vấn đề: Quản lý nhà nước đối với ATTP; chính sách phát triển mạng lưới các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn, bảo vệ người tiêu dùng; hỗ trợ phát triển các thương hiệu thực phẩm an toàn; kinh nghiện của các doanh nghiệp thành công trong công tác sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; kinh nghiệm xử lý các sự cố về ATTP.

Hội thảo đã chia sẻ cái nhìn toàn diện và rõ nét về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, hội thảo cũng góp phần kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn với những kênh phân phối hiện đại và tới tay người tiêu dùng.

Phương Thanh