Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải: Phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm
17/07/2018 - 14:00

TĐKT - Sáng 17/7, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) tổ chức Hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải - phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm”, với sự tham dự của gần 100 đại biểu là các đại diện đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm, các văn phòng luật sư, đơn vị nghiên cứu, các cơ quan truyền thông trên địa bàn TP Hà Nội.

Những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng tốt trở lại của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã thể hiện sự tăng trưởng ổn định và bền vững, ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng của mình đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy vậy, theo bà Phạm Thanh Hải - Trưởng Ban bán chuyên trách Ban Pháp chế phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, các vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tại Việt Nam cũng ngày càng gia tăng về số lượng vụ việc và ngày càng phức tạp về nội dung với nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Toàn cảnh Hội thảo

Theo bà, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp định hướng cho các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án.

Chỉ ra thực tế giải quyết tranh chấp bảo hiểm tại VIAC thời gian qua, bà  Trương Thanh Thủy,Trọng tài viên VIAC cho biết: Các loại tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng bảo hiểm mà VIAC đã giải quyết trong thời gian qua rất đa dạng: Tranh chấp về doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ giải thích điều kiện; tranh chấp về hiệu lực của đơn bảo hiểm; tranh chấp về nộp chậm phí bảo hiểm và tranh chấp trong việc nhận “Thế quyền” truy đòi bên thứ 3…

Bà Thủy cũng thẳng thắn chia sẻ nhiều kinh nghiệm, ví dụ thực tiễn của mình trong quá tình giúp các khách hàng giải quyết tranh chấp bảo hiểm sao cho hiệu quả.

Giải quyết tranh chấp tại trọng tài có nhiều ưu điểm. Đó là thủ tục nộp đơn khỏi kiện đơn giản, thuận tiện; không phải dịch thuật tài liệu sang tiếng Việt; phán quyết chỉ có các bên trong phiên họp được biết (bảo mật thông tin); phán quyết là chung thẩm sẽ cưỡng chế thi hành theo luật thi hành án dân sự; không mất thời gian, không mất cơ hội kinh doanh với khách hàng và giữ được chữ tín.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh: Với tính ưu việt về thời gian giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục cũng như việc trao quyền cho các bên được lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực bảo hiểm để giúp các bên phân xử, trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp bảo hiểm, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho các doanh nghiệp và cộng đồng.

Hội thảo cũng chỉ ra rằng: Bên cạnh phương thức trọng tài thương mại, một phương thức giải quyết tranh chấp mới cũng đang được doanh nghiệp quan tâm hiện nay đó chính là hòa giải thương mại.

Theo ông Phan Trọng Đạt, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam, Chính sách của nhà nước về hoà giải có Nghị quyết 49 năm 2005, các đạo luật như Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Liên quan mật thiết nhất là Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Các Nghị định, chính sách này tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại. Tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải.

Đồng thời, đảm bảo quyền lợi của các bên khi sử dụng hòa giải, giải quyết được các bất cập (hiệu lực kết quả hòa giải, Tòa án công nhận kết quả hòa giải); giảm tải công việc của tòa án, tiết kiệm chi phí cho xã hội. 


Tại VIAC, ông Đạt cho biết có hai dịch vụ là dịch vụ trọng tài và dịch vụ hoà giải. Trung tâm nhận được nhiều câu hỏi về quy trình thủ tục và hướng dẫn thủ tục tranh chấp. Trong đó, hòa giải trong tố tụng trọng tài phổ biến hơn, số vụ nhiều hơn.

Theo đó, hòa giải là thủ tục không bắt buộc nhưng luôn được Hội đồng Trọng tài tiến hành, khuyến nghị trước khi xét xử. Đặc trưng của phương thức này là doanh nghiệp thường không chủ động hoà giải trước khởi kiện, đến khi khởi kiện thông qua Trọng tài, các bên mới chịu ngồi lại với nhau…

Hội thảo được tổ chức góp phần mở ra hướng đi cho doanh nghiệp bảo hiểm có cơ hội tìm thấy hướng đi mới trong giải quyết tranh chấp bảo hiểm hiện nay.

Mai Thảo – Phương Thanh