Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN tạo thuận lợi thương mại
23/07/2018 - 11:11

TĐKT - Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua, các bộ, ngành đã tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác quản lý và thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã thông tin rộng rãi để nắm rõ hơn về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã ghi nhận những kết quả tích cực của việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa Asean và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành

Cơ chế một cửa quốc gia được triển khai chính thức từ tháng 11/2014 - 15/7/2018, 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với 1,34 triệu hồ sơ của 22.800 doanh nghiệp được xử lý thông qua đây.

Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.

Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các Bộ, ngành.

Bên cạnh đó, về Cơ chế một cửa Asean, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ điện tử ATIGA C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.

Tính đến ngày 30/6/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước này là 30.674 C/O, tổng số C/O gửi tới 04 nước là 15.372 C/O. Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Philippines thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời phối hợp với Thái Lan, Indonesia, Malaysia thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm tờ khai hải quan Asean.

Không chỉ dừng lại trong khu vực Asean, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư và chuẩn bị xây dựng hệ thống để kết nối và trao đổi thông tin với Liên minh Kinh tế Á – Âu về tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.

Ngoài ra, về công tác kiểm tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Theo đó: Bộ đã chủ động nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện các bất cập, vướng mắc; tổng hợp và kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổi sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành; tham gia, góp ý vào các dự án xây dựng văn bản nghị định, thông tư liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành do các Bộ, ngành xây dựng, ban hành.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc các bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, vướng mắc, chưa đáp ứng được theo chỉ đạo tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và các Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Đồng thời chuẩn hóa danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu kèm mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam kèm theo Thông tư số 65/2017/TT- BTC của Bộ Tài chính. Rà soát chỉ rõ các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chồng chéo trong quản lý và kiểm tra, đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp cụ thể.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong đó quy định rõ trách nhiệm của các Bộ quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện các quy định: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành; Ban hành Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành trước thông quan phải đảm bảo các tiêu chí: có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra, quy trình, thủ tục, cơ quan kiểm tra, có mã số HS...

Với những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã ghi nhận những kết quả tích cực của việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa Asean và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng thẳng thắn cho biết thêm, nhìn nhận kết quả triển khai vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Số lượng thủ tục triển khai còn thấp so với yêu cầu tại Quyết định số 2185/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 53/284 thủ tục).

Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn (trong năm 2017, số lô hàng bị kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng xuất nhập khẩu chiếm khoảng 19,4 %); hiệu lực hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp, còn nhiều chồng chéo và trùng lặp; phí kiểm tra một số mặt hàng xuất nhập khẩu vẫn còn cao…

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ (từ 58 giờ xuống còn 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảmgiờ (từ 62 giờ xuống còn 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.

Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu. Kết quả này phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hoá biên giới.

Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hoá qua biên giới đứng đầu trong khu vực Asean.

Thông qua cơ chế một cửa quốc gia, các cơ quan nhà nước làm quen và dẫn chuyển đổi sang thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; các giao dịch hành chính được ghi nhận trên hệ thống giúp cơ quan nhà nước đo lường thời gian, tính toán hiệu quả thực hiện TTHC, góp phần cải cách thủ tục để phục vụ doanh nghiệp và người dân được tốt hơn.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giúp Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thoả thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử nhằm đơn giản hoá TTHC tại nước nhập khẩu; giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…..

Hồng Thiết