Hoàn chỉnh cơ chế quản lý đất đai tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế
13/07/2018 - 16:18

TĐKT - Ngày 13/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kinh tế đất". Dự Hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà; Chuyên gia cao cấp về đất đai, Trưởng nhóm công tác hỗ trợ sửa đổi Luật Đất đai - TS. Kathrine Kelm.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu, chuyên gia đến từ các bộ, ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện nghiên cứu và chuyên gia quốc tế về lĩnh vực đất đai đến từ Pháp, Nhật Bản…

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho biết: Thời gian gần đây, công tác quản lý đất đai ngày càng được quan tâm, cơ chế chính sách, pháp luật đất đai đang được hoàn chỉnh để tiếp cận với cách thức quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Vấn đề đưa kinh tế đất đai phù hợp với thị trường là yêu cầu cấp thiết hiện nay, do vậy cần phải xem xét giá trị tổng thể về đất đai, các phương án chính sách và quản lý cho Việt Nam nhằm khuyến khích sử dụng đất có hiệu quả, hiệu suất cao cả về kinh tế - xã hội, môi trường và sửa đổi Luật Đất đai.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các nội dung: Định giá và hình thành giá đất, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về định giá đất và điều tiết giá trị tăng thêm từ đất; kinh tế học đất đai - những vấn đề cốt lõi và nội dung phục vụ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; cơ sở kinh tế của chính sách đất đai; kinh nghiệm của Nhật Bản về vấn đề kinh tế đất; điều chỉnh đất đai - công cụ điều tiết giá trị tăng thêm từ đất; vấn đề quản lý đất công và giá đất; thuế tài sản (đất và công trình trên đất) - các phương án chính sách và quản lý cho Việt Nam; vấn đề về xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính và tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; hệ thống thuế tài sản tại Pháp; thảo luận đề xuất sửa đổi Luật Đất đai...

GS, TSKH. Đặng Hùng Võ, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng: Trong sửa đổi Luật Đất đai, các quy định về tài chính đất đai gồm quản lý giá đất, tạo nguồn lực từ thuế đất và giá trị đất công đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với vận hành đất đai trong cơ chế thị trường. Các nước công nghiệp phát triển đã trở thành các cường quốc tài chính ngày nay là nhờ nguồn lực từ đất đai thông qua thuế đất và giá trị đất công trong giai đoạn tích lũy vốn ban đầu. Hiện nay, các nước đang phát triển đã trở thành các nước công nghiệp mới cũng bắt đầu từ nguồn lực thuế đất và giá trị đất công.

Ở Việt Nam, nguồn lực đất công, tài sản công vô cùng lớn, tạo nên cơ hội thuận lợi cho tăng vốn đầu tư phát triển nếu biết cách thu từ đất công. Thách thức chủ yếu là thất thoát quỹ đất công do tham nhũng. Hiện nay, thuế đất thì thấp và giá trị đất công bị thất thoát dưới nhiều hình thức khác nhau mà chủ yếu gắn với rủi ro tham nhũng. Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần đặt nhiệm vụ cải cách thực chất hệ thống tài chính đất đai, vượt qua mọi thách thức, rào cản về tư duy nhằm tạo cơ hội cho phát triển đất nước.

Ông Yamashita Masayuki, Chủ tịch Hội đồng tiêu chuẩn thẩm định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thẩm định giá Bất động sản Nhật Bản cho biết: Điều cơ bản và quan trọng nhất trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế đất đai là nắm bắt chính xác xu hướng giá đất, thu thập đầy đủ thông tin liên quan đến đất đai để làm rõ nguyên nhân biến động giá đất. Chính vì vậy, cần cải thiện hệ thống khung giá đất và bảng giá đất. Cụ thể là nên định giá đất phù hợp theo thị trường, đồng thời có biện pháp để điều chỉnh mức gánh chịu chi phí sử dụng đất (tăng mức gánh chịu trong phạm vi biến động giá cả thông thường).

Phương Thanh