Kinh tế

Hội nghị "Đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác"

TĐKT - Ngày 6/9, tại TP Kon Tum, Bộ Y tế, UBND tỉnh Kon Tum, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị “Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị. Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cho biết: Kon Tum là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về rừng, đất lâm nghiệp và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển các loài dược liệu tự nhiên, trong đó có nhiều loài quý, hiếm. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để tổ chức triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng ở triển lãm sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác Để triển khai hiệu quả Đề án, tỉnh Kon Tum đang yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển sản phẩm dược liệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng cho biết. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã trồng được trên 500 ha sâm Ngọc Linh (bao gồm cả vườn giống); các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến để cho ra đời những sản phẩm sâm Ngọc Linh thương mại đầu tiên, khắc phục tình trạng tiêu thụ sâm Ngọc Linh dưới dạng sâm củ, nhằm tạo giá trị gia tăng cao cho ngành dược liệu và tiếp cận thị trường quốc tế. Thông qua hội nghị này, tỉnh Kon Tum khẳng định sâm Ngọc Linh hiện chưa được đưa ra thị trường để tiêu thụ, tỉnh đang triển khai đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Ngọc Linh Kon Tum" để tiến tới giao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho Hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Những sản phẩm dán nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Ngọc Linh Kon Tum" sẽ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ được trồng từ vườn sâm gốc, đảm bảo cho việc xây dựng vững chắc thương hiệu sâm Ngọc Linh. Ngoài sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum còn có nguồn tài nguyên dược liệu rất phong phú và đa dạng, với hơn 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, thuộc 549 chi, 191 họ của 6 ngành thực vật khác nhau. Trong đó có 35 loài, thuộc 27 họ thực vật thuộc diện quý hiếm cần được bảo tồn. Qua công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát triển, tỉnh Kon Tum định hình và phát triển 4 khu vực nuôi trồng, nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển cây dược liệu thế mạnh của tỉnh: Đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, sa nhân tím, giảo cổ lam, lan kim tuyến... Đến nay, tỉnh cũng đã thu hút được 17 dự án đầu tư phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư 11.229 tỷ đồng trên quy mô 7.800 ha.     Về định hướng phát triển dược liệu trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum phấn đấu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia vào năm 2030 với diện tích vùng trồng dược liệu đạt 25.000 ha, trong đó có 10.000 ha sâm Ngọc Linh. Mỗi năm, ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh... Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chuẩn bị cho hội nghị một cách chu đáo, ấn tượng và hiệu quả của tỉnh Kon Tum; đó là yếu tố quan trọng đem lại thành công cho hội nghị. Thủ tướng biểu dương những kết quả mà Kon Tum đạt được trong bảo tồn, nghiên cứu và thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong thời gian tới, địa phương phải có nhiều giải pháp để phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu và đem lại lợi ích cho nhân dân, để sâm Ngọc Linh xứng đáng là "quốc kế dân sinh", trong đó phải bảo tồn, giữ gìn sự quý hiếm thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn giống đưa vào trồng cũng như đầu ra sản phẩm; tạo ra nhiều sản phẩm từ sâm và giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách. Các bộ, ngành Trung ương cần khẩn trương hoàn thiện các chính sách liên quan nhằm tạo thuận lợi cho địa phương trong phát triển dược liệu, trong đó có chính sách về sử dụng rừng và đất rừng để nuôi trồng dược liệu; chính sách về thuế, về hỗ trợ vốn, giống... Hồng Thiết

Họp báo Triển lãm quốc tế Vietbuild 2018 tại Hà Nội lần thứ hai

TĐKT - Chiều 4/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì, phối hợp với Công ty Tổ chức Triển lãm quốc tế Bất động sản VNREBUILD tổ chức họp báo thông tin về Triển lãm quốc tế Vietbuild Hà Nội 2018 lần 2. Ban tổ chức thông tin về sự kiện Diễn ra từ ngày 6/9 - 10/9 tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng Quốc gia, dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, Triển lãm quốc tế Vietbuild 2018 tại Hà Nội lần 2 là sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ngành xây dựng Việt Nam, kỷ niệm 20 năm Triển lãm quốc tế Vietbuild trưởng thành, phát triển (1998 - 2018). Triển lãm lần này diễn ra đồng thời với các sự kiện của Hội nghị Bất động sản quốc tế IREC 2018 do Hiệp hội Bất động sản chủ trì và đăng cai tổ chức tại Việt Nam. Triển lãm giới thiệu và trưng bày các dự án về nhà ở và bất động sản, các sản phẩm đa dạng và phong phú của ngành bất động sản - trang trí nội, ngoại thất - xây dựng - vật liệu xây dựng cùng nhiều chương trình hoạt động phong phú và thiết thực nhằm phục vụ các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Với quy mô 1500 gian hàng, Vietbuild 2018 lần 2 giới thiệu sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến của gần 400 doanh nghiệp, trong đó có 261 doanh nghiệp trong nước, 75 liên doanh, 61 doanh nghiệp và các tập đoàn nước ngoài đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Thụy Sĩ, Đức, Ý, Liên bang Nga, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines, Campuchia, Pháp, Ấn Độ, Mông Cổ, Trung Quốc, Việt Nam... Đặc biệt, tại Triển lãm lần này, hầu hết các sản phẩm trưng bày tại Triển lãm đã được các doanh nghiệp nghiên cứu và đầu tư với các dự án về nhà ở và bất động sản có quy mô lớn, quy mô vừa và nhỏ, các sản phẩm về vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất có mẫu mã mới, tính năng và chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, xây dựng và trang trí nội ngoại thất ngày càng phát triển. Chương trình Hội thảo chuyên ngành với các đề tài thiết thực và phong phú liên tục diễn ra tại Triển lãm nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và liên tục sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mới, công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng và nhà ở đô thị theo hướng phát triển xanh, bền vững. Hội thảo chuyên đề "Tư vấn vay tiền mua nhà ở Mỹ" do Công ty Universal Commercial Capital phối hợp với ban tổ chức thực hiện sẽ diễn ra vào lúc 14h ngày 8/9 tại phòng hội thảo tầng 3 Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng Quốc gia. Ngoài ra, ban tổ chức thực hiện các chương trình giao lưu, gặp gỡ giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp tại các tỉnh và thành phố khu vực phía Bắc, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cùng với các tập đoàn, doanh nghiệp tại Triển lãm nhằm tạo cơ hội tốt cho các nhà quản lý, các tổ chức xã hội ngành nghề và các tập đoàn doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu tính năng, mẫu mã và những phát triển đột phá, đổi mới về công nghệ của các sản phẩm xây dựng. Chương trình giao lưu cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu phát triển mạnh mẽ của công cuộc hội nhập và phát triển toàn cầu Việt Nam về quản lý sản phẩm bất động sản, góp phần cho sự phát triển nhà ở, cảnh quan đô thị và môi trường sống tốt nhất cho con người. Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: Trong tình hình mới của năm 2018, ngành kinh tế toàn cầu cũng như tại Việt Nam, thị trường về bất động sản và vật liệu xây dựng đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Lĩnh vực bất động sản mở ra nhiều phân khúc đa dạng và phong phú, trong đó, phân khúc về nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội là nền tảng. Ngoài ra, công nghệ vật liệu xây dựng tại Việt Nam đã liên tục lớn mạnh và phát triển phong phú về nhiều thể loại, nhiều dòng sản phẩm mới, không chỉ đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu cho xây dựng trong nước mà còn mở rộng xuất khẩu. Vietbuild 2018 sẽ là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý trong việc đo lường và tìm hiểu rõ hơn về thị trường trong giai đoạn mới về phát triển kinh tế xuất nhập khẩu và đầu tư. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ định hướng chiến lược phát triển tốt hơn, mở rộng liên kết trên nhiều lĩnh vực hợp tác để phát huy chất lượng, mẫu mã và tính toán giá thành hợp lý để phục vụ người tiêu dùng và thị trường, góp phần bình ổn thị trường và phát triển bền vững. Phương Thanh

Đoàn Đại sứ Thanh niên nông nghiệp Đài Loan giao lưu tại Việt Nam

TĐKT - Đoàn Đại sứ Thanh niên Nông nghiệp nền kinh tế Đài Loan với 16 đại diện thanh niên tiêu biểu nhất trong tổng số hơn 200 ứng viên trên toàn Đài Loan đã đến Việt Nam và tham gia Chương trình giao lưu phát triển nông nghiệp hai nước từ ngày 26/8 - 2/9/2018. Nhằm tích cực thúc đẩy thực hiện “Chính sách hướng Nam mới”, tăng cường giao lưu giữa thanh niên ưu tú của Đài Loan và đối tác thuộc chính sách hướng Nam mới, Chương trình giao lưu quốc tế của Đoàn Đại sứ Thanh niên Nông nghiệp Đài Loan đã được thực hiện từ năm 2017 và nhận được những đánh giá cao của công dân Đài Loan và cộng đồng quốc tế. Đoàn Đại sứ Thanh niên nông nghiệp Đài Loan giao lưu tại Việt Nam Trên tinh thần đó, đoàn Đại sứ Thanh niên Nông nghiệp Đài Loan 2018 đến Việt Nam là những đại diện thanh niên xuất sắc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy hải sản, có chuyên môn phong phú, đa dạng về kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng hữu cơ, cắt tỉa vườn cảnh, chăn nuôi, y tế nông nghiệp… Họ là đại diện cho top 100 nông dân tiêu biểu tại Đài Loan làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp có mục tiêu lập nghiệp hoặc chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Trong thời gian thăm tại Việt Nam, Đoàn Đại sứ Thanh niên Nông nghiệp sẽ đến thăm Học viện Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Chăn nuôi, Viện Nghiên cứu Thủy sản I và các cơ quan nghiên cứu về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và chăn nuôi…, qua đó tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam cũng như cơ hội hợp tác giữa hai bên, tình hình tiêu thụ nông sản, cơ chế vận hành của thị trường cũng như hình thức sản xuất, tiêu thụ nông sản địa phương. Bên cạnh đó, đoàn cũng sẽ tham quan các nhà máy, trang trại của doanh nghiệp Đài Loan hiện đang đầu tư thành công trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy hải sản tại Việt Nam và tiến hành giao lưu với đại diện các cơ quan nghiên cứu, học giả, doanh nghiệp của Việt Nam, để lắng nghe những kinh nghiệm kinh doanh khởi nghiệp và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai. Trong khuôn khổ chương trình thăm Việt Nam, Đoàn Đại sứ Thanh niên Nông nghiệp Đài Loan đã tổ chức chương trình Tọa đàm về tình hình phát triển nông nghiệp Việt Nam và Đài Loan. Qua đó giới thiệu những thành quả phát triển nông nghiệp, mô hình phát triển nông nghiệp, cơ chế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đồng thời giới thiệu một số sản phẩm nông sản đặc sắc của Đài Loan. Thông qua chương trình này, Ban tổ chức mong muốn khích lệ thanh niên trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia các hoạt động quốc tế, phát huy năng lực và sức sáng tạo trong thời đại nông nghiệp mới, đẩy mạnh quan hệ giao lưu giữa thanh niên Đài Loan và thanh niên các đối tác trọng điểm thuộc “Chính sách hướng Nam mới”, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời xây dựng mối liên kết hợp tác nông nghiệp giữa hai bên. La Giang

Hội thảo cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe

TĐKT - Ngày 30/8, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô tổ chức Hội thảo cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe. Tại Hội thảo các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đã phản ánh nhiều vấn đề khó khăn trong quản lý vận tải đường bộ của nước ta hiện nay, tập trung vào lĩnh vực: Di chuyển bến xe, taxi công nghệ, “xe dù, bến cóc”, quá tải trọng,… Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị tới các cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề liên quan tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Quang cảnh Hội thảo Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 86), các địa phương đã triển khai và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả góp phần tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải. Đồng thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu về siết chặt kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, lập lại trật tự trong hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông, cải cách thủ tục hành chính. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện Nghị định 86 cũng bộc lộ một số bất cập và vướng mắc. Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu trong hội thảo là chủ trương đẩy các bến xe ra xa trung tâm đô thị. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết: Hầu hết các địa phương đều có chung một quan niệm là muốn đẩy các bến xe ra xa trung tâm trong quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị. Quan niệm trên không những không giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị mà còn khiến tình hình trật tự, an toàn giao thông và công tác vận tải hành khách bị ảnh hưởng, đặc biệt với vận tải hành khách theo tuyến cố định. Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng Đặng Thế Phương đề cập nhiều hơn đến tình trạng phí bảo trì đường bộ và phí cầu đường. Theo ông Phương, hiện nay xuất hiện rất nhiều tuyến đường được đầu tư, cải tạo trên cơ sở tuyến đường cũ do Nhà nước xây dựng từ trước đó nhưng chủ đầu tư lại được phép thu phí BOT giống như tuyến đường mới. Trong khi đó, tất cả các phương tiện đều đã phải đóng phí bảo trì đường bộ nhưng khi ra đường lại tiếp tục bị thu thêm phí BOT. Điều này là rất bất hợp lý và thiếu công bằng. Theo ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, những năm gần đây tình hình vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô có nhiều diễn biến phức tạp. Tình hình xe dù, bến cóc lại tiếp tục tái diễn nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dẫn đến phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xu hướng giảm dần, nhiều phương tiện đã chuyển sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Nhiều đơn vị vận tải đầu tư loại xe Limousine, xe cải tạo từ 16 chỗ xuống 10 chỗ, lập các văn phòng trên các tuyến phố kinh doanh vận tải theo hợp đồng nhưng thực chất đây là loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước về vận tải và dư luận xã hội cũng rất bức xúc về tình trạng xe dù, bến cóc nhưng thực chất chưa có những giải pháp hữu hiệu để quản lý. Tình trạng xe dù, bến cóc đối với hoạt động vận tải hành khách có nhiều nguyên nhân: Hình thức tổ chức các đơn vị vận tải chưa hợp lý, doanh nghiệp, hợp tác xã manh mún, thiếu tập trung, Cơ quan quản lý Nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu trong kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm, tâm lý hành khách ngại đến bến để đi xe… Còn Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh bày tỏ không ủng hộ về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa taxi truyền thống và Grab - mô hình vận tải bằng giải pháp công nghệ. Thục Anh

Họp báo Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018

TĐKT - Chiều 30/8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018 (VBS 2018). Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chủ trì họp báo. Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (Hội nghị WEF ASEAN 2018) sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11-13/9. Hội nghị được Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới cùng phối hợp tổ chức. Hội nghị WEF có sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu và các đối tác truyền thông lớn trên thế giới. Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018 (VBS 2018) là sự kiện kinh tế đặc biệt của nước chủ nhà do VCCI chủ trì tổ chức nhân dịp WEF ASEAN 2018. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại họp báo Với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và Sáng tạo”, VBS 2018 dự kiến được tổ chức từ 13h30 – 17h30 ngày 13/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội và tập trung thảo luận về vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; giới thiệu môi trường chính sách và các cơ hội đầu tư và kinh doanh của Việt Nam đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, kết cấu hạ tầng… Phiên khai mạc của Hội nghị sẽ được vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende tham gia phát biểu khai mạc và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, thảo luận vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu. Bên cạnh đó, phiên thứ hai tập trung giới thiệu những cơ hội mới trong kinh doanh của Việt Nam, với sự tham gia thảo luận của lãnh đạo các bộ ngành, các tổ chức quốc tế cũng như doanh nghiệp. Tham dự Hội nghị dự kiến có hơn 1200 đại diện doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp hàng đầu thế giới là thành viên WEF, doanh nghiệp từ các nền kinh tế lớn (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN….), các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, kinh tế và các tổ chức quốc tế. Hội nghị VBS 2018 là dịp để doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận các cơ hội: Kết nối trực tiếp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực ASEAN và thế giới; cập nhật chuyên sâu về nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và ASEAN; tìm hiểu cơ hội kinh doanh mới trong các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế tại Việt Nam; trao đổi cơ hội và kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh trong nhiều ngành đa dạng; nắm bắt xu hướng mới, tầm nhìn mới về hoạt động kinh doanh trong khu vực để phát triển kế hoạch và hoạch định chiến lược phù hợp. Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018 là diễn đàn để doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế có cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế, cơ hội đầu tư và kinh doanh trong các lĩnh vực trọng điểm của Việt Nam và tiếp cận những đối tác hợp tác, đầu tư tiềm năng. Phương Thanh

11 thực phẩm hàng đầu Hàn Quốc đã có mặt tại Hà Nội

TĐKT - Ngày 30/8, tại Hà Nội, K-Foorand Việt Nam 2018 đã tổ chức gặp mặt báo chí công bố lần đầu tiên 11 nhãn hàng ẩm thực nổi tiếng của xứ sở Kim chi Hàn Quốc đã có mặt tại Hà Nội Chương trình “K-Foorand Việt Nam 2018” là chương trình xúc tiến, quảng bá và thúc đẩy bán các sản phẩm hàng tiêu dùng, thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của 11 công ty thực phẩm đến từ Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên, các sản phẩm được phân phối đến người tiêu dùng Hà Nội và được nhập khẩu trực tiếp từ Hàn Quốc, đảm bảo về chất lượng cũng như giá thành hấp dẫn, giúp người tiêu dùng Hà Nội có cơ hội sử dụng những sản phẩm được phân phối một cách chính thống. Quang cảnh họp báo Chương trình là hoạt động thúc đẩy thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam nhằm xúc tiến bán hàng, quảng bá cho các sản phẩm thực phẩm của Hàn Quốc, có sự tham gia của các thương hiệu nổi tiếng với 86 sản phẩm, được bán đến người tiêu dùng Hà Nội qua siêu thị Vinmart tại 4 địa điểm: Vincom Bắc Từ Liêm, Vicom Mega Mali Royal City, Vincom Nguyễn Chí Thanh, Vincom Gardenia — Hàm Nghi, Mỹ Đình. Các sản phẩm được bày bán tại khu vực dành riêng trong siêu thị Vinmart giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu và mua sản phẩm. Chương trình lần này có sự tham gia của các công ty: Nongshim, Daesang, Binggrae, Sahmyook, Dr. Chung's Food, Paldo, Our Home, LCA Global, Samyang, Maeil và Korea Jisengvới các sản phẩm thuộc lĩnh vực: Đồ tiêu dùng, đồ uống, thực phẩm chế biến, các loại sữa từ đậu nành, nhân sâm, tương ớt, canh rong biển các loại... Các sản phẩm có chất lượng cao, được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Hiệp hội Thực phẩm Hàn Quốc và được các cơ quan quản lý chất lượng Việt Nam cấp phép, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế Việt Nam. Qua chương trình quảng bá và thúc đẩy bán hàng lần này, khách hàng có cơ hội tham gia vào những chương trình khuyến mại, kích cầu và có cơ hội trúng những phần thưởng có giá trị lớn: Giải nhất: 1 xe máy Honda SH Mode. Giải nhì: 1 xe máy Honda Vision. Giải ba: 3 xe máy Honda Wave Anpha 2018. Giải tư: 5 Smart Samsung TV 43 Inches. Giải khuyến khích: 5 điện thoại smartphone Samsung Galaxy A6 - 2018 Giải bốc thăm trúng thưởng: 10 điện thoại Smart Phone Samsung Galaxy J7 Pro. Tổng giá trị các giải thưởng là 300.000.000 VNĐ. Hồng Thiết – Mai Thảo

Tuần lễ quảng bá Na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn năm 2018

TĐKT - Tối 22/8, tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức Lễ khai mạc “Hội chợ sản phẩm nông nghiệp an toàn, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; Tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn năm 2018”. Với quy mô 200 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất đến từ các địa phương trên cả nước, Hội chợ bày bán nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản; lương thực; thực phẩm đa dạng, phong phú với nhiều nhãn hàng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như hoa hồi Lạng Sơn, quế Văn Yên, gạo Mường Lò, mật ong Bạc Hà Mèo Vạc, hồng không hạt Bắc Kạn, chè Tân Cương, cà phê Sơn La, chè Shan tuyết Mộc Châu, nhãn lồng Hưng Yên… Các đại biểu tham quan gian hàng na Chi Lăng (Lạng Sơn) tại Hội chợ Đặc biệt tại Hội chợ lần này có sự kết hợp với chương trình Quảng bá na Chi Lăng và đặc sản tỉnh Lạng Sơn, đây là điểm nhấn góp phần tạo nên sự hấp dẫn của Hội chợ. Đến với Hội chợ, khách hàng có cơ hội được mua sắm, thưởng thức nhiều loại nông, đặc sản đặc sắc, các món ẩm thực hấp dẫn, đảm bảo chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm đến từ Lạng Sơn và nhiều địa phương khác. Hội chợ sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, địa phương quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của doanh nghiệp và địa phương. Mai Thảo

Hải quan Việt Nam với việc thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA)

TĐKT - Chiều 22/8, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề về việc thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO (TFA). Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Hải quan Nguyễn Thị Việt Nga cho biết: Theo quy định của Hiệp định, các biện pháp kỹ thuật (cam kết) cụ thể về nghĩa vụ của các nước thành viên được phân thành 3 nhóm cam kết: Cam kết nhóm A – thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực; cam kết nhóm B – thực hiện sau một thời gian quá độ tính từ khi Hiệp định có hiệu lực; cam kết nhóm C – cần một thời gian quá độ tính từ khi Hiệp định có hiệu lực và và hỗ trợ xây dựng năng lực để thực hiện. Quang cảnh họp báo Đối với Việt Nam, cam kết nhóm A (gồm 15 cam kết) đã được thông báo cho WTO vào tháng 7/2014. Đối với cam kết B, C, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đã rà soát và đề xuất Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện cam kết nhóm B và C của Hiệp định TFA. Theo phê duyệt của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế để thực hiện thủ tục thông báo cho WTO. Theo đó, nhóm B gồm 14 cam kết và nhóm C gồm 9 cam kết. Lộ trình B, C này đã được Phái đoàn Việt Nam tại WTO thông báo cho WTO vào ngày 2/8/2018. Từ sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm thực thi các cam kết của Hiệp định. Việt Nam đã theo dõi và triển khai các cam kết liên quan đến tiếp cận thông tin và tính minh bạch, cơ chế khiếu nại, hàng hóa tạm giữ để kiểm tra, giải phóng nhanh hàng hóa.           Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thực thi cam kết theo Hiệp định; huy động nguồn hỗ trợ kỹ thuật thực thi Hiệp định; triển khai nhóm cam kết về thể chế, trong đó có việc thành lập và duy trì hoạt động của Ủy ban Quốc gia về tạo thuận lợi thương mại (NTFC) theo Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 4/10/2016 của Chính phủ. Những nội dung của Hiệp định hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ. Việc tham gia TFA và triển khai các cam kết theo Hiệp định sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình cải cách thủ tục hải quan, đơn giản và chuẩn hóa, tăng cường tính minh bạch trong quy trình thủ tục hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bước đầu xuất khẩu, thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO (TFA) được các nước thành viên WTO thống nhất thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 (7/12/2013) tại Bali (Indonesia) và trở thành một phần của hệ thống các Hiệp định bắt buộc của WTO từ tháng 11/2014. Ngày 22/2/2017, Hiệp định TFA đã chính thức có hiệu lực sau khi được 110/164 quốc gia thành viên phê chuẩn. Đây là một thỏa thuận đa phương đầu tiên được ký kết trong lịch sử 21 năm của WTO, là cột mốc quan trọng đối với hệ thống thương mại toàn cầu và là sự khích lệ đối với quá trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều khó khăn hiện nay do vấp phải chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Theo báo cáo thương mại thế giới, việc thực hiện đầy đủ TFA có thể giảm trung bình 14,3% chi phí giao dịch và thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu lên tới 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. TFA cũng được đánh giá có khả năng tiết kiệm 1,5 ngày thời gian thông quan hàng nhập khẩu, giảm 47% so với mức trung bình hiện tại và tiết kiệm gần 2 ngày thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, giảm 91% so với mức trung bình hiện tại. Hồng Thiết  

Diễn đàn “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp”

TĐKT - Ngày 21/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã tổ chức Diễn đàn “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp”. Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu giúp doanh nghiệp có cách tiếp cận và lời giải thích hợp đối với bài toán vừa tiết kiệm tối đa chi phí vừa đem lại nhiều lợi ích nhất cho các bên liên quan, cũng như tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chỉ ra rằng: Chuỗi cung ứng toàn cầu không còn xa lạ với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi nền kinh tế Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cách đây 30 năm. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt mới chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng thứ cấp nên giá trị gia tăng không cao. Diễn đàn “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp” Hiện nay mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, con số này ở Thái Lan là hơn 30%, Malaysia là 46%, do vậy, doanh nghiệp Việt ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý. Các đại biểu cũng chỉ ra rằng: Một trong những yếu kém nổi bật là chuỗi cung ứng hàng hóa chưa hình thành một cách đầy đủ, đồng bộ, còn phát triển rời rạc, lạc hậu, còn mang nhiều dáng dấp của kiểu cung ứng thời bao cấp hoặc của nền sản xuất nhỏ lẻ. Chính vì vậy, khi chúng ta hội nhập kinh tế toàn cầu thì thị trường cung ứng này đã không đáp ứng được yêu cầu khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém. Qua những báo cáo tổng kết, phân tích chỉ ra rằng, chi phí logistics tại Việt Nam cao gấp đôi, gấp ba so với các nước có hoàn cảnh tương đồng. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Nam Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược và thương hiệu cạnh tranh: Chúng ta cần hình thành được một chuỗi cung ứng hàng hóa không chỉ làm tốt việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ở trong nước mà còn phục vụ tốt cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới; làm sao để chúng ta có thể hiện đại hóa chuỗi cung ứng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay áp dụng công nghệ 4.0 và cần phải hình thành chuỗi cung ứng hiện đại hóa, tối ưu hóa nhằm giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Diễn đàn bao gồm hai phiên thảo luận: “Quản trị chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” và “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp”. Trong phiên thảo luận, bên cạnh những bài trình bày cả về lý luận cùng những ví dụ thực tiễn sinh động, các chuyên gia cũng giải đáp nhiều câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến cách tiếp cận khách hàng và thị trường, quản lý tồn kho và vốn hoạt động, nhận diện và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng… Thục Anh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy Tanifood tại Tây Ninh

TĐKT - Ngày 20/8, trong khuôn khổ buổi làm việc tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Nhà máy Tanifood do Công ty Cổ phần Lavifood đầu tư tại Quốc lộ 22B, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Cùng dự, có: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cơ quan sở, ban, ngành tỉnh Tây Ninh… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo sau khi thăm dự án Nhà máy chế biến nông sản Tanifood Nhà máy Tanifood là dự án đầu tiên của Lavifood tại tỉnh Tây Ninh và là một dự án trọng điểm của Lavifood trong năm 2017. Dự án này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tanifood (thành viên của Lavifood) làm chủ đầu tư. Nhà máy Tanifood được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 15 ha với tổng số vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng. Với dây chuyền sản xuất tiên tiến và công nghệ hiện đại của Đức, Thụy Điển, Ý, Nhật, cụm nhà máy Tanifood sẽ là nơi sản xuất ra các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Nhà máy Tanifood dự kiến sẽ cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên vào  cuối năm 2018. Cụ thể, nhà máy Tanifood sẽ bao gồm dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi, xử lý nhiệt có công suất 10.000 tấn năm; dây chuyền sản xuất đông lạnh 20.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất sấy khô, sấy dẻo, sấy thăng hoa 5.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc 6.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước Juice bao gồm đóng lon 144 triệu lon/năm, đóng chai PET 230 triệu chai/năm, đóng chai thủy tinh 72 triệu chai/năm, đóng hộp giấy Tetrapak 144 triệu hộp/năm. Sau khi tham quan nhà máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Công ty Cổ phần Lavifood đã đầu tư nhà máy hiện đại, chế biến sâu để nâng cao giá trị cho ngành rau củ quả Việt Nam, nâng cao thu nhập cho nông dân Việt Nam mà cụ thể là nông dân tỉnh Tây Ninh. Thủ tướng cho rằng, khi nhà máy đi vào hoạt động hiệu quả sẽ góp phần giải “bài toán” mà Thủ tướng “đặt hàng” đối với ngành nông nghiệp tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức mới đây, đó là trong 10 năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Đánh giá nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, nhất là trong cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần có thêm nhiều nhà máy như Tanifood nữa để chung sức đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh hỗ trợ nông dân chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu, tránh tình trạng nhà máy xây dựng xong không có nguyên liệu. Cùng với đó phải đảm bảo giá cả thu mua ổn định cho người nông dân. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà máy cần nghiên cứu thị trường thế giới để khi đi vào hoạt động, có thể xuất khẩu mang lại doanh thu lớn. Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Tanifood nghiên cứu nhu cầu và cung ứng sản phẩm cho thị trường 100 triệu dân trong nước; chuẩn bị các phương án phân phối giá trị hợp lý trong chuỗi giá trị để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, giúp người nông dân gắn bó với nhà máy. Trong quá trình sản xuất cần gắn với các hợp tác xã và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lavifood, sự ra đời của nhà máy Tanifood là một trong những kết quả của chương trình kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp Tây Ninh. Nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao Tanifood là đơn vị dẫn dắt chuỗi, là mắt xích quan trọng tiếp cận thị trường tiêu thụ toàn cầu, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới để định hình quy chuẩn sản xuất trong các khâu tiếp theo. Đây là mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ với sự liên kết 6 nhà theo thông điệp được Thủ tướng nêu ra. Trong chuỗi giá trị đó, yếu tố công nghệ cao, các mô hình sản xuất, các mô hình dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân được phát triển một cách đồng bộ và đầu tư chiều sâu, gắn với chuỗi giá trị trong nước cũng như thị trường quốc tế. Ông Thắng cũng chia sẻ thêm, mục tiêu của nhà máy Tanifood khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2018 sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu/ngày với các mặt hàng như xoài, khóm, thanh long, mãng cầu, chuối… Hiện nay, các đơn hàng của các tập đoàn lớn đối với nhà máy Tanifood đã lên đến 200 triệu USD. Nhà máy có dây truyền sản xuất với công nghệ chế biến sâu hiện đại, thuộc tốp những nhà máy đứng đầu châu Á, đảm bảo tiêu thụ toàn bộ nguyên liệu cho nông dân của Tây Ninh tham gia chuỗi giá trị này, góp phần tránh tình trạng nông dân được mùa, mất giá, nâng cao thu nhập cho người nông dân, từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2. Nhà máy Tanifood có vị trí mặt tiền Quốc lộ 22B, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, nằm gần hệ thống đường Xa lộ Xuyên Á, dễ dàng thông thương hàng hoá đi toàn quốc và các nước trong khu vực ASEAN bằng đường bộ và tiếp cận hệ thống cảng container của TP Hồ Chí Minh bằng đường thủy. Nhà máy chỉ cách TP Hồ Chí Minh một giờ xe chạy (khoảng 55 km) nên có thể sử dụng các công trình kỹ thuật hạ tầng như cảng biển, sân bay… hiện có của thành phố. Ngoài Tây Ninh, hiện nay, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ đang phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam triển khai một số chương trình để tham gia tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới Việt Nam, trước hết tập trung phát triển các chuỗi giá trị của HTX. Các HTX cần tái cơ cấu sản phẩm dựa trên các tiềm năng, sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương cũng như của cả nước. Nguyễn Hùng

Trang