Hội thảo cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe
31/08/2018 - 13:55

TĐKT - Ngày 30/8, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô tổ chức Hội thảo cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bến xe.

Tại Hội thảo các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đã phản ánh nhiều vấn đề khó khăn trong quản lý vận tải đường bộ của nước ta hiện nay, tập trung vào lĩnh vực: Di chuyển bến xe, taxi công nghệ, “xe dù, bến cóc”, quá tải trọng,… Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị tới các cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề liên quan tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

https://image.bnews.vn/MediaUpload/Content/2018/08/30/161806_van-tai-1.jpg

Quang cảnh Hội thảo

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 86), các địa phương đã triển khai và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả góp phần tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải. Đồng thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu về siết chặt kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, lập lại trật tự trong hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông, cải cách thủ tục hành chính. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện Nghị định 86 cũng bộc lộ một số bất cập và vướng mắc.

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu trong hội thảo là chủ trương đẩy các bến xe ra xa trung tâm đô thị. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết: Hầu hết các địa phương đều có chung một quan niệm là muốn đẩy các bến xe ra xa trung tâm trong quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị. Quan niệm trên không những không giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị mà còn khiến tình hình trật tự, an toàn giao thông và công tác vận tải hành khách bị ảnh hưởng, đặc biệt với vận tải hành khách theo tuyến cố định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng Đặng Thế Phương đề cập nhiều hơn đến tình trạng phí bảo trì đường bộ và phí cầu đường. Theo ông Phương, hiện nay xuất hiện rất nhiều tuyến đường được đầu tư, cải tạo trên cơ sở tuyến đường cũ do Nhà nước xây dựng từ trước đó nhưng chủ đầu tư lại được phép thu phí BOT giống như tuyến đường mới. Trong khi đó, tất cả các phương tiện đều đã phải đóng phí bảo trì đường bộ nhưng khi ra đường lại tiếp tục bị thu thêm phí BOT. Điều này là rất bất hợp lý và thiếu công bằng.

Theo ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, những năm gần đây tình hình vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô có nhiều diễn biến phức tạp. Tình hình xe dù, bến cóc lại tiếp tục tái diễn nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dẫn đến phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xu hướng giảm dần, nhiều phương tiện đã chuyển sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Nhiều đơn vị vận tải đầu tư loại xe Limousine, xe cải tạo từ 16 chỗ xuống 10 chỗ, lập các văn phòng trên các tuyến phố kinh doanh vận tải theo hợp đồng nhưng thực chất đây là loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.

Hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước về vận tải và dư luận xã hội cũng rất bức xúc về tình trạng xe dù, bến cóc nhưng thực chất chưa có những giải pháp hữu hiệu để quản lý.

Tình trạng xe dù, bến cóc đối với hoạt động vận tải hành khách có nhiều nguyên nhân: Hình thức tổ chức các đơn vị vận tải chưa hợp lý, doanh nghiệp, hợp tác xã manh mún, thiếu tập trung, Cơ quan quản lý Nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu trong kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm, tâm lý hành khách ngại đến bến để đi xe…

Còn Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh bày tỏ không ủng hộ về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa taxi truyền thống và Grab - mô hình vận tải bằng giải pháp công nghệ.

Thục Anh