Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam
TĐKT - Ngày 20/9, tại Hà Nội, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 được Bộ Tài chính tổ chức với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam”. Đây là diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017. Chủ trì có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; ông Michael Greene - Giám đốc quốc gia của USAID tại Việt Nam; ông Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Quang cảnh Hội thảo Diễn đàn Tài chính Việt Nam quy tụ khoảng 300 đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và các tổ chức quốc tế: Cơ quan USAID, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Viện Nghiên cứu chính sách (Bộ Tài chính Nhật Bản)… các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Trong những năm qua, công tác tái cấu trúc nền tài chính quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, và công bằng xã hội. Các cấu phần của nền tài chính quốc gia đã từng bước được tái cấu trúc nhằm phát triển đất nước theo hướng nhanh, toàn diện và bền vững. Chính sách thuế đã được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu huy động nguồn lực phục vụ các chương trình phát triển kinh tế trong bối cảnh một số nguồn thu giảm như thu từ dầu thô, thu từ nhập khẩu (do thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết hội nhập quốc tế)… Quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) được mở rộng, tổng thu ngân sách năm 2017 tăng, tạo điều kiện để tăng chi đầu tư đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, cơ chế về phân cấp ngân sách được điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động của các địa phương. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn do được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các khoản thu gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tổng thu NSNN. Cơ cấu chi NSNN cũng được điều chỉnh theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển với việc đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn lực đầu tư, chi cho y tế, giáo dục nhằm mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội. Chính sách tài chính cho an sinh xã hội cũng tiếp tục được sửa đổi… Ngoài ra, các chính sách về bảo vệ môi trường cũng được tăng cường như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, chi sự nghiệp bảo vệ môi trường... Nhiều biện pháp đổi mới, tăng cường quản lý nợ công đã được thực hiện, qua đó, chỉ tiêu an toàn nợ công nằm trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công. Cơ cấu nợ được điều chỉnh hợp lý hơn, nghĩa vụ trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn. Để phát triển nhanh, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm từng bước được cơ cấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng tổ chức, kinh doanh chứng khoán, các doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển nhà đầu tư có tổ chức, qua đó tăng cường huy động vốn, tạo nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế. Cùng với đó, việc cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao năng lực quản trị của các DNNN cũng được chú trọng nhằm đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước. Hồng ThiếtKinh tế
TĐKT - Thành lập năm 1968, ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, trải qua hành trình 50 năm đồng hành và phát triển cùng ngành nông nghiệp nước nhà, bằng sự nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ, hạt giống Vinaseed ươm mầm ngày nào nay đã phát triển trở thành cây lớn mạnh, mang đến năng lượng của tri thức và công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao đời sống, tay nghề kỹ thuật và thu nhập cho bà con nông dân Việt Nam.
50 năm đồng hành cùng Nông nghiệp Việt
Chặng đường 50 năm qua của Vinaseed (Công ty cổ phần Giống Cây trồng Trung ương) đã có những đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất lương thực nói chung và cho sự phát triển của Vinaseed nói riêng.
Với mục tiêu mang đến những sản phẩm giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, thích nghi rộng với các vùng sinh thái, Vinaseed đã tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và đổi mới công nghệ, thực hiện công nghiệp hoá ngành giống cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (ngoài cùng bên phải) trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam
Ngay từ khi cổ phần hóa, Vinaseed xác định khoa học công nghệ là động lực để phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, công ty đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho hoạt động R&D với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng. Quyết định nhiều thách thức đó đã mở ra trang mới tươi sáng và tràn đầy năng lượng cho công ty. Vinaseed trở thành ngôi sao sáng trong ngành giống cây trồng Việt Nam khi là đơn vị đầu tiên được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ, từ một đơn vị chỉ kinh doanh giống lúa phổ thông, đến nay, hàng năm Vinaseed sản xuất, kinh doanh 8 vạn tấn hạt giống với 80% sản phẩm bản quyền, tương đương gần 2 triệu ha gieo trồng, chiếm 20% thị phần cả nước.
Công ty đã nghiên cứu, chọn tạo và chuyển giao thành công 45 giống cây trồng các loại, trong đó 4 giống lúa nằm trong Top 10 sản phẩm giống cây trồng phổ biến nhất Việt Nam.
Sau 15 năm cổ phần hóa, Vinaseed đã có những bước tiến mạnh mẽ, gặt hái nhiều thành công, trở thành công ty có quy mô lớn nhất trong ngành giống cây trồng Việt Nam. Năm 2017, doanh thu công ty đạt 1.512 tỷ đồng, trong đó giá trị sản phẩm khoa học công nghệ là 1.200 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng, hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; vốn chủ sở hữu 1.060 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2017 của công ty duy trì ở mức 40%/năm. Hệ thống mạng lưới trải rộng khắp cả nước với 29 đơn vị thành viên, 1200 đại lý cấp 1 và đội ngũ 1000 nhân sự lao động, trong đó 80% có trình độ đại học trở lên. Những con số nói trên là minh chứng rõ rệt của sự trưởng thành, lớn mạnh của Vinaseed sau quãng đường 50 năm đã đi qua.
Không những lan toả năng lượng mới từ khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất và chuyển giao tiến bộ mới cho bà con nông dân khắp mọi miền tổ quốc, Vinaseed còn tiếp sức và đóng góp cho xã hội bằng sự say mê và khát khao được khởi sắc cuộc sống người nông dân.
Thông qua các hình thức chuyển giao kỹ thuật liên kết sản xuất, khắp mọi miền đất nước, những nơi Vinaseed đặt chân đến đã hình thành nên các làng nghề công nghệ, góp phần nâng cao đời sống của hàng chục vạn hộ nông dân Việt Nam. Họ được đào tạo nghề, được chuyển giao công nghệ miễn phí, có việc làm ổn định và gia tăng thu nhập 1,3 - 1,5 lần so với làm lúa lương thực, góp phần thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn.
Chính thức đổi tên công ty và ra mắt Bộ nhận diện thương hiệu mới
Tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (15/9/1968 - 15/9/2018), bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vinaseed đã chính thức tuyên bố đổi tên công ty thành "Tập đoàn Giống Cây trồng Việt Nam" và ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới để khởi đầu cho một hành trình mới, một vóc dáng mới khẳng định vị thế, nâng tầm hoạt động và phù hợp với tầm nhìn chiến lược trở thành tập đoàn cung cấp các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững hàng đầu Việt Nam, vươn tầm quốc tế.
Hình ảnh logo trong bộ nhận diện thương hiệu mới của Vinaseed thừa hưởng nhận diện 3 hạt mầm, chồi non từ công ty cũ với biểu tượng mới 9 hạt giống vàng được tạo hình vững chãi, kế thừa truyền thống, nâng tầm quy mô và sự trường tồn của Vinaseed. 9 hạt giống được sắp xếp gắn kết thể hiện mô hình chuỗi gien như sự chín chắn và khả năng nắm vững công nghệ, sự đa dạng sinh học, nền tảng cốt lõi cho sự phát triển của Tập đoàn.
Logo thương hiệu Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam
Logo mới được tạo hình từ hình vuông là hình ảnh tượng trưng đất mẹ nguồn sống vạn vật, gợi nhớ từ sự tích bánh trưng truyền thống của dân tộc Việt Nam, đến sự tích Mai An Tiêm, câu chuyện Phùng Khắc Khoan đi sứ mang hạt giống quý về cho người dân. Nhận diện mới cũng hoàn toàn phù hợp với nền nông nghiệp Việt nam với màu xanh trưởng thành, vững chãi và đáng tin cậy, màu nâu của sự nuôi dưỡng, chở che.
Dịp này, Vinaseed cũng cho ra mắt thương hiệu gạo VJ Pearl Rice – sản phẩm chất lượng cao được sản xuất từ giống lúa tốt nhất với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, được kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ khâu chọn giống, canh tác và sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Gạo VJ Pearl Rice được chế biến, đóng gói bởi hệ thống sử dụng công nghệ hiện đại và được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và hương thơm tự nhiên.
Với chiến lược và quyết tâm hành động, Vinaseed đặt mục tiêu cho đến 2021, tầm nhìn 2025 sẽ chi phối thị trường giống cây trồng Việt Nam, duy trì tốc độ tăng trưởng, bình quân 20-25%/năm. “Hành trình phía trước còn nhiều gian nan, thử thách, chúng tôi tin rằng, với trí tuệ và năng lực khoa học công nghệ, sức mạnh tinh thần đoàn kết, kỷ cương, với khát vọng được cống hiến cho nông nghiệp Việt Nam các sản phẩm giống cây trồng tốt nhất góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, Vinaseed sẽ không ngừng vươn xa mang đến những bình minh ngày càng tươi sáng cho người nông dân Việt Nam” - Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vinaseed kỳ vọng.
Hưng Vũ
TĐKT - Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (Hội nghị WEF), chiều 13/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã cùng phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt nam 2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh 2018
Hội nghị đã tập trung hơn 1300 đại biểu trong và ngoài nước bao gồm các CEO của các tập đoàn lớn là thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Tinh thần doanh nghiệp và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thảo luận trong hai ngày vừa qua của Hội nghị WEF. Các đại biểu WEF đã cùng thống nhất với nhau rằng, đó cũng chính là những động lực mới trong sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam với chủ đề “Viet Nam: We mean Business” (Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy) chính là cam kết của Việt Nam với toàn thế giới.
Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới ông Borge Brende đã chúc mừng các thành tựu của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua. Ông Borge Brende cũng đã nêu rõ 5 điểm tích cực trong các nỗ lực tăng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Đó là: Nợ công Chính phủ giảm, Chính phủ đã có các biện pháp để đảm bảo kiểm soát nợ công. Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp để đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hệ thống tài chính trên thế giới có nhiều khủng hoảng. Thương mại phát triển nhanh và mạnh, Chính phủ Việt Nam là chính phủ ủng hộ phát triển thương mại tự do nhanh và mạnh nhất thế giới. Hệ thống nhà nước cũng đang từng bước được cải tiến theo hướng tư nhân hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ Việt Nam cũng đã có những bước tiến rõ rệt trong việc cải cách đơn giản hóa thủ tục đầu tư ở Việt Nam, rõ rệt nhất là trong báo cáo hàng năm của Ngân hàng thế giới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nêu một số thực trạng mà Việt Nam vẫn còn cần phải giải quyết như tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chỉ là 21%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN. Tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới chưa tương xứng với mục tiêu và tiềm năng; doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu đơn giản như lắp rắp, đóng góp sản phẩm. Đây là những mắt xích hạ nguồn của chuỗi cung ứng thường có giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước hiện chỉ đạt chưa tới 27% tổng giá trị đầu vào, phần còn lại là mua từ doanh nghiệp FDI khác hoặc nhập khẩu.
Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó, đồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Việt Nam đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới và là một điểm tựa cho các tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trên toàn cầu. Độ mở thương mại của quốc gia hiện nay đạt trên 200% GDP. Môi trường chính trị và xã hội của Việt Nam luôn được đánh giá là ổn định trong khu vực và trên thế giới, điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền chính trị xã hội một số nước đang bất ổn. Đồng thời các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định với tăng trưởng cao liên tục; thương mại tăng bình quân 15%/năm; nợ công, lạm phát được kiểm soát…
Trên nền tảng nền kinh tế mở và hội nhập, Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam có 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn; khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam được đánh giá là khá tốt trước các rủi ro thương mại quốc tế.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đã có phiên đối thoại với cộng đồng doanh nghiêp Việt Nam và quốc tế. Các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến các chính sách và kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới, thời gian Việt Nam dự kiến ký kết CPTPP và kế hoạch triển khai thế nào, kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử của Việt Nam, kế hoạch của Việt Nam đối với việc phát triển năng lượng tái tạo.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những trao đổi thẳng thắn, cởi mở với cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện cho phát triển môi trường kinh doanh ngày càng cởi mở, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt nam.
Phiên hai của Hội nghị với chủ đề “Việt Nam – Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh” là một phiên thảo luận cởi mở giữa lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, tổ chức quốc tế và đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phiên thảo luận cũng đã trình bày báo cáo mới nhất về nền kinh tế Việt Nam trong ASEAN và dưới tác động của công nghiệp 4.0, các cơ hội và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, cơ hội đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, cơ sở hạ tầng và hợp tác công tư.
Phương Linh
Ngành tài chính đạt nhiều kết quả cao trong thu ngân sách Nhà nước
TĐKT - Ngành tài chính đã thi đua đạt kết quả vượt bậc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách những tháng cuối năm. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 8/2018 ước đạt 84 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu NSNN 8 tháng ước đạt 871,8 nghìn tỷ đồng, bằng 66,1% dự toán, tăng 13,8% (so cùng kỳ năm 2017). Trong đó: Thu nội địa tháng 8 ước đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 31 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Lũy kế thu 8 tháng ước đạt 695,8 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán, tăng 14,8%. Không kể các khoản như thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế và thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu nội địa còn lại ước đạt 532,4 nghìn tỷ đồng, bằng 61,4% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 60,4% dự toán). Trong đó, có 5/12 khoản thu tiến độ đạt khá so dự toán và tăng mạnh so cùng kỳ năm 2017, gồm: Thuế thu nhập cá nhân đạt 65,9% dự toán. Các khoản thu về nhà, đất đạt 91,3% dự toán. Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 79% dự toán. Thu cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước đạt 105% dự toán. Thu NSNN 8 tháng ước đạt 871,8 nghìn tỷ đồng Có khoảng 7/12 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán, mặc dù tăng so với cùng kỳ năm trước: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,2% nhưng mới đạt 59,1% dự toán, chủ yếu do tăng trưởng hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đạt thấp hơn so dự kiến, số thu nộp ngân sách đạt thấp. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 53,5% dự toán. Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2017, nhưng cũng mới đạt 62,4% dự toán. Bên cạnh đó, về tình hình thu ngân sách tại các địa phương, có 44/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 67%) và 60/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, trong số các địa phương tiến độ thu đạt thấp so dự toán còn có cả những địa phương trọng điểm thu: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Đóng góp cùng số thu nội địa, thu từ dầu thô tháng 8 ước đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 8 tháng ước đạt gần 40,9 nghìn tỷ đồng, bằng 113,9% dự toán. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 ước đạt gần 25,8 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ mức thực hiện thu tháng trước. Lũy kế thu 8 tháng ước đạt 199,7 nghìn tỷ đồng, bằng 70,6% dự toán, tăng 4% so cùng kỳ năm 2017. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu cân đối NSNN đạt 132,94 nghìn tỷ đồng, bằng 74,3% dự toán. Đặc biệt, trong 8 tháng qua, cơ quan thuế, hải quan đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, thu hồi kịp thời nhiều khoản về ngân sách. Tính đến hết tháng 8/2018, cơ quan thuế đã thực hiện gần 41,4 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp và kiểm tra trên 41,1 nghìn hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế, qua đó kiến nghị xử lý thu vào NSNN 7,4 nghìn tỷ đồng (số đã nộp vào NSNN 3,4 nghìn tỷ đồng); chống chuyển giá, giảm lỗ trên 11,8 nghìn tỷ đồng; thu hồi được 21 nghìn tỷ đồng nợ thuế. Cơ quan hải quan tính đến hết tháng 8/2018 đã thực hiện 4,67 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, xử lý thu vào ngân sách gần 1,3 nghìn tỷ đồng; đôn đốc, xử lý thu hồi 934 tỷ đồng nợ thuế; phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 9,2 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tăng thu cho ngân sách 181 tỷ đồng. Mặt khác, cơ quan thuế, hải quan đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác thu thuế, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trước khả năng tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, tình hình bão lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường và tác động bất lợi đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân và công tác điều hành NSNN năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa qua đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị đẩy mạnh các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2018. Trong đó, Bộ Tài chính lưu ý các địa phương cần đặc biệt chú trọng đến các giải pháp điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương trong mọi tình huống, ưu tiên thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến con người, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. La GiangVSIC 2018: Khởi nghiệp sáng tạo và phát triển nghề nghiệp cho thanh niên
TĐKT – Được phát động từ cuối tháng 8/2018, Cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam (VSIC) - chủ đề năm 2018: “Khởi nghiệp sáng tạo và phát triển nghề nghiệp cho thanh niên” đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ. Cuộc thi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Microsoft Việt Nam thực hiện. Ba đơn vị trực tiếp thực hiện cuộc thi tại 3 miền là: Enactus FTU Hà Nội - Trường Đại học Ngoại thương; Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế; Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ITP). Được phát động từ 24/8/2018, cuộc thi thu hút sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI Phạm Hoàng Tiến, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng đòi hỏi các yêu cầu khắt khe đối với các doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ nâng cao sản xuất, kinh doanh. Điều đó cũng đòi hỏi các sáng kiến, sáng tạo đáp ứng yêu cầu, cũng như các lao động cần phải nâng cao trình độ chuyên môn. Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương Lê Thị Thu Thủy thông tin, VSIC tiếp tục trở lại với mùa 7 nhằm tìm kiếm, hỗ trợ ươm tạo các sáng kiến Startup xã hội giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường và kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, hướng đến việc truyền cảm hứng cho những người trẻ niềm đam mê Startup và hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm tốt hơn và Startup thành công trong bối cảnh nền kinh tế cạnh tranh, hội nhập. Cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam nằm trong khuôn khổ dự án “YouthSpark Career Readiness - Tăng cường kỹ năng làm việc, Startup cho thanh niên và kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa” sẽ diễn ra trong trong 4 tháng gồm 4 vòng thi hấp dẫn. Vòng 1 (18/8 - 12/10): Vòng đơn, các nhóm đăng ký dự thi; tổ chức 3 lễ khai mạc cuộc thi tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Ban giám khảo chọn ra top 24 đội thi vào vòng 2. Vòng 2 (17/10 - 3/11): Các khóa đào tạo tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thuyết trình, xây dựng mô hình kinh doanh và tham gia thuyết trình tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh cho top 24 để Ban giám khảo chọn ra top 12 đội thi vào vòng 3. Vòng 3 (4/11 - 25/11): Các khóa đào tạo tập huấn chuyên sâu về đánh giá tác động xã hội của dự án, ứng dụng công cụ Microsoft trong quản trị và vận hành dự án kinh doanh; Xây dựng kế hoạch tài chính, nhân sự và tham gia thuyết trình tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh cho top 12 để Ban giám khảo chọn ra top 6 đội thi xuất sắc vào vòng chung kết toàn quốc. Vòng 4 (26/11 - 22/12): Kết nối các đội thi với các cố vấn và chung kết toàn quốc tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, 6 đội thi xuất sắc nhất toàn quốc (2 đội thi miền Bắc, 2 đội thi miền Nam và 2 đội thi miền Trung) cùng nhau tranh tài để trở thành quán quân của cuộc thi và nhận nhiều giải thưởng có giá trị của chương trình. Kết thúc cuộc thi, 6 đội xuất sắc nhất toàn quốc sẽ được hỗ trợ ươm tạo tại các vườn ươm Startup ở 3 miền. Bên cạnh đó, vườn ươm CoplusIncubator (Huế) sẽ lựa chọn 2 đội thi bất kỳ đã tham gia cuộc thi để hỗ trợ ươm tạo sau khi cuộc thi kết thúc. Phương LinhHội nghị Bất động sản quốc tế lần thứ tư (IREC 2018) thông qua Thông điệp Hà Nội
TĐKT - Trong 3 ngày (từ ngày 5 – 7/9), tại Thủ đô Hà Nội, dưới sự đăng cai tổ chức của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và sự đồng hành chiến lược của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Hoa Kỳ (NARs), Hội nghị Bất động sản (BĐS) Quốc tế lần thứ tư (IREC 2018) với chủ đề chung “Việt Nam – Thế giới của cơ hội!”đã thành công tốt đẹp. Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam phát biểu tại Hội nghị Hội nghị có sự tham dự của nhiều đoàn đại biểu, đại diện các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Hội nghị đã vinh dự được đón tiếp nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam tới tham dự, có bài phát biểu và chúc mừng. Trong khuôn khổ của Hội nghị, các đại biểu tham dự IREC 2018 đã thảo luận về nhiều nhóm vấn đề quan trọng của thị trường BĐS thế giới: Vai trò và tầm quan trọng của thị trường BĐS với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi khu vực và trên thế giới; các xu hướng phát triển mới của thị trường BĐS hiện nay và trong tương lai; vai trò của thị trường BĐS trong việc hình thành các thành phố xanh – thông minh – hạnh phúc; vai trò của quy hoạch đô thị, của cách mạng 4.0 trong phát triển thị trường BĐS; vấn đề toàn cầu hóa và phát triển bền vững trong bất động sản; vấn đề định vị quốc gia và cơ hội hợp tác đầu tư trong BĐS … Qua các cuộc thảo luận thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần đồng thuận rất cao, các đoàn đại biểu tham dự IREC 2018 nhất trí ra Thông điệp Hà Nội với các nội dung cơ bản sau: Một là: Tăng cường giao lưu, đẩy mạnh hợp tác, tích cực chia sẻ kinh nghiệm… vì sự thịnh vượng và phát triển chung của thị trường bất động sản của mỗi quốc gia, mỗi khu vực và trên toàn cầu. Nhận thức sâu sắc về việc thị trường bất động sản không thể đứng ngoài xu thế tất yếu của tiến trình toàn cầu hóa và liên kết phát triển, IREC cam kết sẽ nỗ lực để trở thành trung tâm đoàn kết; đầu mối kết nối giao lưu, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm của các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản trên toàn cầu. IREC kêu gọi và chào đón các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp BĐS tích cực tham gia sâu rộng hơn nữa vào những sự kiện thường niên của IREC trong thời gian tới; đồng thời chủ động tăng cường các hoạt động liên kết phát triển song phương và đa phương trên tinh thần bình đẳng, các bên cùng có lợi. Đại diện các đoàn tham dự IREC 2018 Hai là: Hướng đến sự phát triển bền vững của các thị trường BĐS với các tiêu chí: Xanh, thông minh và nhân văn. Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt là vấn đề con người và môi trường. Từ Hội nghị này, IREC kêu gọi cộng đồng các nhà phát triển bất động sản cùng chung tay vì mục tiêu phát triển bền vững – “Phát triển nhằm thoả mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thoả mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai” (như khái niệm về Phát triển bền vững mà Liên Hiệp quốc đã đề ra). Theo đó, chúng ta cần tăng cường phát triển những thị trường BĐS xanh bằng việc xây dựng các công trình xanh, đô thị xanh; ứng dụng kiến trúc xanh, công nghệ xanh và vật liệu xanh nhằm giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần lấy con người làm trung tâm; đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và cộng đồng, giữa bảo tồn và phát triển để tạo ra những không gian sống nhân văn, hạnh phúc. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số cũng đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu. Công nghệ đang làm cho nhân loại trở nên kết nối và gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển, song cũng tạo ra không ít thách thức. Chúng ta cần ứng dụng một cách có trách nhiệm những tiến bộ khoa học công nghệ vào việc phát triển BĐS. Ba là: Thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng với tinh thần: Trong quá trình phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thế giới càng phát triển thì khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo giữa con người với con người, giữa các vùng miền và giữa các quốc gia càng tăng cao. Thị trường BĐS thế giới cũng đang biểu hiện rõ nét vấn đề này. Qua Hội nghị này, IREC kêu gọi các nhà phát triển BĐS thể hiện trách nhiệm xã hội bằng việc chia sẻ một phần lợi ích với cộng đồng, hỗ trợ cho các nhóm đối tượng thiệt thòi và góp phần tạo dựng sự công bằng xã hội. Cùng với việc phát triển các sản phẩm BĐS cao cấp, cần chú trọng phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ… để đáp ứng quyền và nhu cầu được tiếp cận nhà ở của người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm phát triển các sản phẩm BĐS chuyên biệt cho người già và những không gian sống an toàn, hạnh phúc cho phụ nữ và trẻ em. Và cuối cùng, việc hỗ trợ đầu tư nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp BĐS các quốc gia phát triển với những quốc gia đang phát triển cũng là vấn đề quan trọng mà chúng ta cần lưu tâm. Thông qua Thông điệp Hà Nội, IREC kêu gọi toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội BĐS cùng đoàn kết phát triển; đồng hành cùng chính phủ các quốc gia và chung tay cùng xã hội để hướng đến mục tiêu: Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế giới và mỗi người dân. Phương ThanhTổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
TĐKT - Ngày 7/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và các Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị. Cùng dự, có trên 200 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp. Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) là một chủ trương lớn đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện Nghị quyết, trong 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng (mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra) và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn; tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong 5 năm (2013 - 2017), chủ trương cơ cấu lại được ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và xuyên suốt, đang tạo chuyển biến tích cực, rõ nét, đã tạo được sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng (63 tỉnh/thành phố đều đã phê duyệt và triển khai Đề án hoặc Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn). Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu thể hiện rõ kết quả tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Nhờ đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (năm 2008 chỉ có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và 2 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD). Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Sau hơn 8 năm (2010 – 2018), phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, văn minh, hiện đại hơn. Tính đến nay, cả nước đã có 3.478 xã (38,98%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 tiêu chí/xã; có 53 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (so với năm 2010 chưa có xã đạt chuẩn; đến hết năm 2013 có 75 xã được công nhận đạt chuẩn, bình quân đạt 7,87 tiêu chí/xã, chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới). Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Bộ Chính trị có Nghị quyết hoặc Kết luận và thông báo chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X; nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp quan điểm phát triển “nông nghiệp toàn diện” và “bảo đảm an ninh lương thực quốc gia” trong bối cảnh nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng đề án tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, Bộ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là chính sách về Đất đai (đề xuất sửa Luật Đất đai) để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp và phát triển nông dân, nông thôn; ưu tiên nguồn lực tương xứng với mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã đề ra (5 năm sau tăng gấp 2 lần 5 năm trước). Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những kết quả nền tảng trong quá trình thực hiện Nghị quyết giai đoạn qua (sự hội nhập toàn cầu tốt, những tiến bộ khoa học kỹ thuật cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra…) là những tiền đề, cơ hội tốt để nông nghiệp, nông thôn, nông dân tiếp tục phát triển trong quá trình công nghiệp hóa. Bộ trưởng cũng chỉ ra thách thức lớn nhất là phải tổ chức nhanh, hiệu quả nền sản xuất nhỏ quy mô hộ thành liên kết sản xuất lớn vì nếu không có yếu tố này sẽ không thể thành công. Biến đổi khí hậu cực đoan cùng với sự hội nhập kinh tế sâu rộng nếu không cố gắng, quyết tâm thì sẽ thua ngay trên sân nhà. Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Cần xác định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa đất nước. Cùng với đó là sự ưu tiên nguồn lực bởi, đây là khu vực yếu thế, dễ tổn thương và nhiều rủi ro. Nguồn lực không chỉ về kinh tế mà bằng sự chỉ đạo, cơ chế, chính sách để khuyến khích nhiều thành phần kinh tế như hợp tác xã, doanh nghiệp… được ra đời để liên kết chặt chẽ với người dân. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách như tín dụng… để thu hút nhiều doanh nghiệp hơn và ưu tiên doanh nghiệp vùng miền để cùng liên kết với hợp tác xã, bà con, đưa sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng phát triển… Phương LinhKhai mạc Hội nghị quốc tế ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam lần thứ hai
TĐKT – Hội nghị quốc tế ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam lần thứ hai với chủ đề “Thiết kế sáng tạo – Gia tăng giá trị sản phẩm” là sự kiện quốc tế hàng đầu trong ngành thiết kế sáng tạo, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Công ty cổ phần Truyền thông và Sáng tạo RIO Việt Nam và Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP) vừa khai mạc chiều 7/9 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Hội nghị Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hiện nay, ngành thiết kế nói riêng và ngành công nghiệp sáng tạo nói chung của Việt Nam còn nhiều hạn chế và đi sau nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tuy có chất lượng tốt nhưng giá trị thu được chưa cao, một phần là do chưa có sự đầu tư thích đáng trong khâu thiết kế sáng tạo, là khâu quan trọng đem lại nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm. Trước bối cảnh đó, trong những năm gần đây, Bộ Công thương, cụ thể là Cục Xúc tiến thương mại đã tập trung thực hiện nhiều chương trình, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Đây là hoạt động trong khuôn khổ của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, với sự hợp tác của các đối tác trong và ngoài nước. Chương trình diễn ra trong hai ngày (từ ngày 7/9 – 8/9), dự kiến thu hút khoảng 500 – 800 đại biểu trong và ngoài nước tham gia, bao gồm chuỗi các sự kiện có liên quan đến thiết kế: Hội nghị quốc tế; các buổi hội thảo chuyên đề; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thiết kế sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong thiết kế sáng tạo; Cuộc thi thiết kế và Giao dịch thương mại giữa các nhà thiết kế, các doanh nghiệp thiết kế với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Trong ngày đầu tiên, Chương trình tập trung chủ yếu cho các đối tượng là cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và các tổ chức có liên quan tới thiết kế. Ngày thứ hai là sự kiện Vietnam Halography, dành cho đối tượng chủ yếu là các nhà thiết kế, qua đó, khách tham dự có thể đánh giá tổng quan về sự phát triển cũng như hiện trạng của ngành thiết kế Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của các khách mời trong nước và quốc tế, là những chuyên gia uy tín trong ngành thiết kế sáng tạo đến từ các doanh nghiệp: Richard Moore Associates, ADT Creative, Interactive Labs…và từ các quốc gia có ngành thiết kế sáng tạo phát triển và được đầu tư tốt trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… Bên lề Hội nghị có khu vực trưng bày dành cho các sản phẩm thiết kế sáng tạo, khu vực trưng bày dành cho các tổ chức, doanh nghiệp có thiết kế sản phẩm, thiết kế bao bì hoặc thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu tốt. Đây cũng là kết quả của hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thuê chuyên gia tư vấn phát triển sản phẩm, phát triển hoặc đổi mới thiết kế do Cục Xúc tiến thương mại thực hiện trong năm 2017. Minh PhươngHội nghị "Đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác"
TĐKT - Ngày 6/9, tại TP Kon Tum, Bộ Y tế, UBND tỉnh Kon Tum, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị “Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị. Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cho biết: Kon Tum là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về rừng, đất lâm nghiệp và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển các loài dược liệu tự nhiên, trong đó có nhiều loài quý, hiếm. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để tổ chức triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng ở triển lãm sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác Để triển khai hiệu quả Đề án, tỉnh Kon Tum đang yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển sản phẩm dược liệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng cho biết. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã trồng được trên 500 ha sâm Ngọc Linh (bao gồm cả vườn giống); các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến để cho ra đời những sản phẩm sâm Ngọc Linh thương mại đầu tiên, khắc phục tình trạng tiêu thụ sâm Ngọc Linh dưới dạng sâm củ, nhằm tạo giá trị gia tăng cao cho ngành dược liệu và tiếp cận thị trường quốc tế. Thông qua hội nghị này, tỉnh Kon Tum khẳng định sâm Ngọc Linh hiện chưa được đưa ra thị trường để tiêu thụ, tỉnh đang triển khai đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Ngọc Linh Kon Tum" để tiến tới giao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho Hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Những sản phẩm dán nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Ngọc Linh Kon Tum" sẽ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ được trồng từ vườn sâm gốc, đảm bảo cho việc xây dựng vững chắc thương hiệu sâm Ngọc Linh. Ngoài sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum còn có nguồn tài nguyên dược liệu rất phong phú và đa dạng, với hơn 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, thuộc 549 chi, 191 họ của 6 ngành thực vật khác nhau. Trong đó có 35 loài, thuộc 27 họ thực vật thuộc diện quý hiếm cần được bảo tồn. Qua công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát triển, tỉnh Kon Tum định hình và phát triển 4 khu vực nuôi trồng, nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển cây dược liệu thế mạnh của tỉnh: Đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, sa nhân tím, giảo cổ lam, lan kim tuyến... Đến nay, tỉnh cũng đã thu hút được 17 dự án đầu tư phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư 11.229 tỷ đồng trên quy mô 7.800 ha. Về định hướng phát triển dược liệu trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum phấn đấu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia vào năm 2030 với diện tích vùng trồng dược liệu đạt 25.000 ha, trong đó có 10.000 ha sâm Ngọc Linh. Mỗi năm, ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh... Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chuẩn bị cho hội nghị một cách chu đáo, ấn tượng và hiệu quả của tỉnh Kon Tum; đó là yếu tố quan trọng đem lại thành công cho hội nghị. Thủ tướng biểu dương những kết quả mà Kon Tum đạt được trong bảo tồn, nghiên cứu và thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong thời gian tới, địa phương phải có nhiều giải pháp để phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu và đem lại lợi ích cho nhân dân, để sâm Ngọc Linh xứng đáng là "quốc kế dân sinh", trong đó phải bảo tồn, giữ gìn sự quý hiếm thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn giống đưa vào trồng cũng như đầu ra sản phẩm; tạo ra nhiều sản phẩm từ sâm và giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách. Các bộ, ngành Trung ương cần khẩn trương hoàn thiện các chính sách liên quan nhằm tạo thuận lợi cho địa phương trong phát triển dược liệu, trong đó có chính sách về sử dụng rừng và đất rừng để nuôi trồng dược liệu; chính sách về thuế, về hỗ trợ vốn, giống... Hồng ThiếtHọp báo Triển lãm quốc tế Vietbuild 2018 tại Hà Nội lần thứ hai
TĐKT - Chiều 4/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì, phối hợp với Công ty Tổ chức Triển lãm quốc tế Bất động sản VNREBUILD tổ chức họp báo thông tin về Triển lãm quốc tế Vietbuild Hà Nội 2018 lần 2. Ban tổ chức thông tin về sự kiện Diễn ra từ ngày 6/9 - 10/9 tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng Quốc gia, dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, Triển lãm quốc tế Vietbuild 2018 tại Hà Nội lần 2 là sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ngành xây dựng Việt Nam, kỷ niệm 20 năm Triển lãm quốc tế Vietbuild trưởng thành, phát triển (1998 - 2018). Triển lãm lần này diễn ra đồng thời với các sự kiện của Hội nghị Bất động sản quốc tế IREC 2018 do Hiệp hội Bất động sản chủ trì và đăng cai tổ chức tại Việt Nam. Triển lãm giới thiệu và trưng bày các dự án về nhà ở và bất động sản, các sản phẩm đa dạng và phong phú của ngành bất động sản - trang trí nội, ngoại thất - xây dựng - vật liệu xây dựng cùng nhiều chương trình hoạt động phong phú và thiết thực nhằm phục vụ các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Với quy mô 1500 gian hàng, Vietbuild 2018 lần 2 giới thiệu sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến của gần 400 doanh nghiệp, trong đó có 261 doanh nghiệp trong nước, 75 liên doanh, 61 doanh nghiệp và các tập đoàn nước ngoài đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Thụy Sĩ, Đức, Ý, Liên bang Nga, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines, Campuchia, Pháp, Ấn Độ, Mông Cổ, Trung Quốc, Việt Nam... Đặc biệt, tại Triển lãm lần này, hầu hết các sản phẩm trưng bày tại Triển lãm đã được các doanh nghiệp nghiên cứu và đầu tư với các dự án về nhà ở và bất động sản có quy mô lớn, quy mô vừa và nhỏ, các sản phẩm về vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất có mẫu mã mới, tính năng và chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, xây dựng và trang trí nội ngoại thất ngày càng phát triển. Chương trình Hội thảo chuyên ngành với các đề tài thiết thực và phong phú liên tục diễn ra tại Triển lãm nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và liên tục sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mới, công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng và nhà ở đô thị theo hướng phát triển xanh, bền vững. Hội thảo chuyên đề "Tư vấn vay tiền mua nhà ở Mỹ" do Công ty Universal Commercial Capital phối hợp với ban tổ chức thực hiện sẽ diễn ra vào lúc 14h ngày 8/9 tại phòng hội thảo tầng 3 Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng Quốc gia. Ngoài ra, ban tổ chức thực hiện các chương trình giao lưu, gặp gỡ giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp tại các tỉnh và thành phố khu vực phía Bắc, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cùng với các tập đoàn, doanh nghiệp tại Triển lãm nhằm tạo cơ hội tốt cho các nhà quản lý, các tổ chức xã hội ngành nghề và các tập đoàn doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu tính năng, mẫu mã và những phát triển đột phá, đổi mới về công nghệ của các sản phẩm xây dựng. Chương trình giao lưu cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu phát triển mạnh mẽ của công cuộc hội nhập và phát triển toàn cầu Việt Nam về quản lý sản phẩm bất động sản, góp phần cho sự phát triển nhà ở, cảnh quan đô thị và môi trường sống tốt nhất cho con người. Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: Trong tình hình mới của năm 2018, ngành kinh tế toàn cầu cũng như tại Việt Nam, thị trường về bất động sản và vật liệu xây dựng đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Lĩnh vực bất động sản mở ra nhiều phân khúc đa dạng và phong phú, trong đó, phân khúc về nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội là nền tảng. Ngoài ra, công nghệ vật liệu xây dựng tại Việt Nam đã liên tục lớn mạnh và phát triển phong phú về nhiều thể loại, nhiều dòng sản phẩm mới, không chỉ đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu cho xây dựng trong nước mà còn mở rộng xuất khẩu. Vietbuild 2018 sẽ là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý trong việc đo lường và tìm hiểu rõ hơn về thị trường trong giai đoạn mới về phát triển kinh tế xuất nhập khẩu và đầu tư. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ định hướng chiến lược phát triển tốt hơn, mở rộng liên kết trên nhiều lĩnh vực hợp tác để phát huy chất lượng, mẫu mã và tính toán giá thành hợp lý để phục vụ người tiêu dùng và thị trường, góp phần bình ổn thị trường và phát triển bền vững. Phương ThanhTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 107
- 108
- 109
- 110
- 111
- …
- sau ›
- cuối cùng »