Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam
14/09/2018 - 15:16

TĐKT - Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (Hội nghị WEF), chiều 13/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã cùng phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ trì tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt nam 2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh 2018

Hội nghị đã tập trung hơn 1300 đại biểu trong và ngoài nước bao gồm các CEO của các tập đoàn lớn là thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Tinh thần doanh nghiệp và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thảo luận trong hai ngày vừa qua của Hội nghị WEF. Các đại biểu WEF đã cùng thống nhất với nhau rằng, đó cũng chính là những động lực mới trong sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam với chủ đề “Viet Nam: We mean Business” (Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy) chính là cam kết của Việt Nam với toàn thế giới.

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới ông Borge Brende đã chúc mừng các thành tựu của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua. Ông Borge Brende cũng đã nêu rõ 5 điểm tích cực trong các nỗ lực tăng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Đó là: Nợ công Chính phủ giảm, Chính phủ đã có các biện pháp để đảm bảo kiểm soát nợ công. Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp để đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hệ thống tài chính trên thế giới có nhiều khủng hoảng. Thương mại phát triển nhanh và mạnh, Chính phủ Việt Nam là chính phủ ủng hộ phát triển thương mại tự do nhanh và mạnh nhất thế giới. Hệ thống nhà nước cũng đang từng bước được cải tiến theo hướng tư nhân hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ Việt Nam cũng đã có những bước tiến rõ rệt trong việc cải cách đơn giản hóa thủ tục đầu tư ở Việt Nam, rõ rệt nhất là trong báo cáo hàng năm của Ngân hàng thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nêu một số thực trạng mà Việt Nam vẫn còn cần phải giải quyết như tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chỉ là 21%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN. Tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới chưa tương xứng với mục tiêu và tiềm năng; doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu đơn giản như lắp rắp, đóng góp sản phẩm. Đây là những mắt xích hạ nguồn của chuỗi cung ứng thường có giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước hiện chỉ đạt chưa tới 27% tổng giá trị đầu vào, phần còn lại là mua từ doanh nghiệp FDI khác hoặc nhập khẩu.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó, đồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Việt Nam đang trở thành một trong những công xưởng của thế giới và là một điểm tựa cho các tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh trên toàn cầu. Độ mở thương mại của quốc gia hiện nay đạt trên 200% GDP. Môi trường chính trị và xã hội của Việt Nam luôn được đánh giá là ổn định trong khu vực và trên thế giới, điều này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền chính trị xã hội một số nước đang bất ổn. Đồng thời các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định với tăng trưởng cao liên tục; thương mại tăng bình quân 15%/năm; nợ công, lạm phát được kiểm soát…

Trên nền tảng nền kinh tế mở và hội nhập, Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam có 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn; khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam được đánh giá là khá tốt trước các rủi ro thương mại quốc tế.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đã có phiên đối thoại với cộng đồng doanh nghiêp Việt Nam và quốc tế. Các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến các chính sách và kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới, thời gian Việt Nam dự kiến ký kết CPTPP và kế hoạch triển khai thế nào, kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử của Việt Nam, kế hoạch của Việt Nam đối với việc phát triển năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những trao đổi thẳng thắn, cởi mở với cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện cho phát triển môi trường kinh doanh ngày càng cởi mở, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt nam.

Phiên hai của Hội nghị với chủ đề “Việt Nam – Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh” là một phiên thảo luận cởi mở giữa lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, tổ chức quốc tế và đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phiên thảo luận cũng đã trình bày báo cáo mới nhất về nền kinh tế Việt Nam trong ASEAN và dưới tác động của công nghiệp 4.0, các cơ hội và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, cơ hội đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, cơ sở hạ tầng và hợp tác công tư.

Phương Linh