Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam
21/09/2018 - 14:53

TĐKT - Ngày 20/9, tại Hà Nội, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 được Bộ Tài chính tổ chức với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam”. Đây là diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017.

Chủ trì có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; ông Michael Greene - Giám đốc quốc gia của USAID tại Việt Nam; ông Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

Diễn đàn Tài chính Việt Nam quy tụ khoảng 300 đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và các tổ chức quốc tế: Cơ quan USAID, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Viện Nghiên cứu chính sách (Bộ Tài chính Nhật Bản)… các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.

Trong những năm qua, công tác tái cấu trúc nền tài chính quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, và công bằng xã hội. Các cấu phần của nền tài chính quốc gia đã từng bước được tái cấu trúc nhằm phát triển đất nước theo hướng nhanh, toàn diện và bền vững.

Chính sách thuế đã được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu huy động nguồn lực phục vụ các chương trình phát triển kinh tế trong bối cảnh một số nguồn thu giảm như thu từ dầu thô, thu từ nhập khẩu (do thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết hội nhập quốc tế)… Quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) được mở rộng, tổng thu ngân sách năm 2017 tăng, tạo điều kiện để tăng chi đầu tư đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Bên cạnh đó, cơ chế về phân cấp ngân sách được điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động của các địa phương. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn do được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các khoản thu gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tổng thu NSNN. Cơ cấu chi NSNN cũng được điều chỉnh theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển với việc đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn lực đầu tư, chi cho y tế, giáo dục nhằm mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội.

Chính sách tài chính cho an sinh xã hội cũng tiếp tục được sửa đổi… Ngoài ra, các chính sách về bảo vệ môi trường cũng được tăng cường như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, chi sự nghiệp bảo vệ môi trường...

Nhiều biện pháp đổi mới, tăng cường quản lý nợ công đã được thực hiện, qua đó, chỉ tiêu an toàn nợ công nằm trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công. Cơ cấu nợ được điều chỉnh hợp lý hơn, nghĩa vụ trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn.

Để phát triển nhanh, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm từng bước được cơ cấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng tổ chức, kinh doanh chứng khoán, các doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển nhà đầu tư có tổ chức, qua đó tăng cường huy động vốn, tạo nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế. Cùng với đó, việc cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao năng lực quản trị của các DNNN cũng được chú trọng nhằm đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.

Hồng Thiết