Thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam
29/09/2018 - 15:18

TĐKT - Ngày 28/9, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức Hội thảo “Chuỗi cung ngành cao su: Thực trạng, rủi ro và giải pháp phát triển bền vững” .

Hội thảo đã chia sẻ các nội dung chính của 2 báo cáo: “Chuỗi cung các sản phẩm cao su tự nhiên: Thực trạng, cơ hội, rủi ro và khía cạnh chính sách”; “Chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam: Thực trạng, cơ hội, rủi ro và chính sách”. Đây là các báo cáo đầu tiên phác họa những nét chính trong bức tranh tổng quan về chuỗi cung ứng của ngành cao su, gỗ cao su Việt Nam, từ khâu sản xuất, chế biến, thương mại đến tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả của nghiên cứu này góp phần làm rõ vai trò và vị thế hiện nay của ngành cao su, các thuận lợi và khó khăn mà ngành đang đối mặt trong bối cảnh hội nhập thị trường. Thông tin từ nghiên cứu này sẽ giúp các nhà quản lý đưa ra các chính sách và cơ chế quản lý sát thực tế, từ đó góp phần mở rộng cơ hội phát triển, giảm thiểu rủi ro về thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.

Các Hiệp hội: Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES); HAWA, BIFA, FPA Bình Định và Hội cao su Việt Nam (VRA) cùng tổ chức FOREST TRENDS ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác và chia sẻ thông tin

Ông Tô Xuân Phúc, đại diện của Tổ chức Forest Trends cho biết: Sản xuất và chế biến sản phẩm cao su là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, diện tích cao su tiểu điền vẫn chiếm phần lớn và đây sẽ là một thách thức để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của thị trường về sản phẩm cao su bền vững.

Đến năm 2017, diện tích cao su của cả nước đạt 969.700 ha, với gần 67% diện tích đang trong giai đoạn cho thu hoạch mủ. Hiện, có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào khâu sản xuất, trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm khoảng 51% trong tổng diện tích.

Sản lượng cao su Việt Nam đã tăng nhanh theo đà tăng diện tích. Việt Nam đã trở thành một trong những nước dẫn đầu về năng suất ở châu Á, là nước đứng thứ ba về cung cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, đứng sau Thái Lan và Indonesia.

Trong những năm gần đây, các yêu cầu của thị trường về sản phẩm cao su bền vững ngày càng tăng, đặc biệt ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật…

Các yêu cầu này không chỉ đơn thuần là về chất lượng sản phẩm đảm bảo, mà còn bao gồm sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về luật pháp, về lao động, môi trường, xã hội. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất ngày càng phải thực hiện các trách nhiệm về luật pháp, xã hội và môi trường chặt chẽ hơn.

Phương Thanh