Khai mạc Triển lãm Thiết bị và Công nghệ nông lâm ngư nghiệp 2018
TĐKT - Sáng 21/11, tại Trung tâm Triển lãm ICE, Hà Nội, Công ty cổ phần ADPEX, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức khai mạc Triển lãm Thiết bị và Công nghệ nông lâm ngư nghiệp - Vietnam Growtech 2018. Tới dự có Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm Được trưng bày trên diện tích 7.000 m2, Vietnam Growtech 2018 thu hút sự tham gia của 150 doanh nghiệp với 200 gian hàng đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền khoa học kỹ thuật nông nghiệp thông minh: Belarus, Bỉ, Bồ Đào Nha, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Ý, Thái Lan... Triển lãm có sự góp mặt của những thương hiệu lớn của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và phân phối sản phẩm: Công ty Công nghệ Eplusi - sản phẩm ứng dụng IoT cho môi trường nước thủy sản, kho lạnh, tưới tự động trong nông nghiệp; Công ty Đồng Xanh Hà Nội - cung cấp vật tư, thiết kế thi công nhà lưới, nhà màng chịu bão cấp 8; Công ty cổ phần Giống và Cây trồng Trung ương với các sản phẩm giống chất lượng cao và hiệu quả… Triển lãm cũng quy tụ các sản phẩm đến từ các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến: Nhà Bè Agri với sản phẩm bộ tưới Nelson R2000 series công nghệ Israel có độ ổn định cao, tưới phủ đồng đều, bán kính lớn; Công ty Kim Nguyễn - thiết bị phục vụ chăn nuôi gia súc đến từ Ý; Bauer đến từ nước Áo - chuyên gia quản lý và xử lý các vấn đề về chất thải và nước thải trong chăn nuôi... Lần đầu tiên tại triển lãm, UBND TP Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội có khu gian hàng dành cho các Viện nghiên cứu thuộc Học viện Nông nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội có phát minh, sáng chế mới được ứng dụng và chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Trong thời gian diễn ra Triển lãm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán các nước... sẽ liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo với các chủ đề về giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận các gói ngân sách từ chính phủ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng thành công công nghệ vào lĩnh vực nuôi trồng của một số doanh nghiệp nông nghiệp điển hình... Ban tổ chức hy vọng Growtech Vietnam 2018 sẽ là địa chỉ đáng tin cậy để hỗ trợ xúc tiến thương mại giữa nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế, giúp cá nhân, tổ chức trong nước có cơ hội học hỏi những sáng kiến của doanh nghiệp nước ngoài để từ đó đưa ra những ý tưởng phát triển riêng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước và thị trường khu vực. Triển lãm cũng được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá những phát kiến, giới thiệu nhiều sản phẩm hỗ trợ sản xuất đáp ứng việc giảm thiếu tối đa ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, hướng tới phát triển bền vững cho nông, lâm, ngư nghiệp toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Phương ThanhKinh tế
Vietbuild Hà Nội 2018 lần 3: Giới thiệu 1600 gian hàng sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến
TĐKT - Chiều 19/11, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Bộ Xây dựng và Công ty Tổ chức Triển lãm Quốc tế Bất động sản VNREBUILD phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội lần 3 năm 2018. Ban tổ chức giới thiệu về Triển lãm Triển lãm diễn ra tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng Quốc gia từ ngày 23/11 - 27/11/2018, giới thiệu, trưng bày các sản phẩm đa dạng và phong phú của ngành bất động sản, trang trí nội, ngoại thất, kiến trúc, xây dựng và vật liệu xây dựng. Triển lãm lần này thu hút sự tham gia của 1600 gian hàng với sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến của gần 450 doanh nghiệp, trong đó có 273 doanh nghiệp trong nước, 108 doanh nghiệp liên doanh, 60 doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Triển lãm Vietbuild Hà Nội 2018 lần 3, hầu hết các sản phẩm trưng bày đã được các doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư với các dự án về bất động sản, các sản phẩm vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất có mẫu mã mới, tính năng cùng chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng, trang trí nội, ngoại thất ngày càng phát triển. Triển lãm là nhịp cầu để doanh nghiệp và công chúng gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng để định hướng chiến lược trong kinh doanh. Hầu hết các gian hàng có quy mô lớn, người tiêu dùng và các đối tác sẽ có cơ hội tìm hiểu sản phẩm một cách toàn diện cùng những tư vấn thiết kế xây dựng, kiến trúc cho một công trình xây dựng hay ngôi nhà của mình. Cùng với đó, Ban tổ chức thực hiện các chương trình giao lưu, gặp gỡ giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp tại các tỉnh và thành phố khu vực phía Bắc, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cùng với các tập đoàn, doanh nghiệp tại triển lãm nhằm tạo cơ hội tốt cho các nhà quản lý, các tổ chức xã hội ngành nghề và các tập đoàn doanh nghiệp tham gia tìm hiểu tính năng, mẫu mã và những phát triển đột phá, đổi mới về công nghệ của các sản phẩm xây dựng tại triển lãm. Chương trình giao lưu cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc hội nhập và phát triển toàn cầu về ứng dụng các công nghệ thông minh, công nghệ xanh, sạch nhằm tạo lập môi trường sống thân thiện, an toàn và bền vững cho cộng đồng. Đến nay đã có 17 tổ chức hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong và ngoài nước đăng ký tham gia: Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Nam Định... cùng các nước và khu vực: Hoa Kỳ, Ý, Úc, Thái Lan, Singapore... Phương ThanhTĐKT - Hội chợ Làng nghề Việt Nam và Hội thảo Quốc tế về Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) chỉ đạo tổ chức đã khai mạc tối 17/11 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Người dân Thủ đô và các vùng lân cận có thêm cơ hội mua hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản vùng miền của hơn 100 làng nghề, hợp tác xã sản xuất tiêu biểu trong cả nước.
Dự lễ khai mạc Hội chợ có các đồng chí: Hoàng Văn Thắng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Vũ Xuân Thủy, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; Nguyễn Văn Tốn, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương; Triệu Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; cùng các đồng chí đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ, ban, ngành Trung ương, Hội Nông dân Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Trung tâm khuyến công các tỉnh, thành phố trong cả nước; các đơn vị làng nghề, phố nghề, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ; các nghệ nhân, thợ thủ công, hộ gia đình; các hiệp hội, hợp tác xã, cơ sở làng nghề; các doanh nghiệp phụ trợ, dịch vụ, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thống tấn, báo chí và truyền hình ở Trung ương và Hà Nội.
Lễ cắt băng khai mạc Hội chợ làng nghề và Hội thảo Quốc tế về Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP 2018
Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức dựa trên thành công của chuỗi các Hội chợ Thủ công Mỹ nghệ, làng nghề - Craftviet những năm trước.
Đặc biệt, Hội chợ Làng nghề Việt Nam và Hội thảo Quốc tế về Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2018 nhằm chào mừng 73 năm thành lập Bộ Canh nông và 23 năm thành lập Bộ Nông nghiệp và PTNT; thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm làng nghề; quảng bá và giới thiệu về chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP; khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công nhằm nâng cao chất lượng, phát triển tinh hoa nghề thủ công truyền thống Việt Nam; góp phần bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống và ngành nghề mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, giới thiệu mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống và những đóng góp của ngành nghề nông thôn trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.
Ông Hoàng Văn Thắng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các đại biểu đi tham quan các gian hàng tại triển lãm
Hội chợ quy tụ hơn 100 đơn vị là các tổ chức, công ty, hiệp hội, hợp tác xã, làng nghề, nghệ nhân đến từ 22 tỉnh thành trong cả nước tham gia. Với 200 gian hàng, các đơn vị mang đến Hội chợ nhiều mặt hàng đa dạng phong phú, nông lâm thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống, lương thực, thực phẩm, trái cây và đồ uống sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Các sản phẩm được trưng bày: Lụa Vạn Phúc, dệt thổ cẩm, ngọc trai trạm khảm, gốm sứ, mây tre đan, tranh thêu, tranh chữ thư pháp, trầm hương, gốm Chu Đậu, đá phong thủy Bát Tràng, gỗ mỹ nghệ phong thủy; trà, cà phê cacao nguyên chất; đông trùng hạ thảo, tinh dầu thảo dược; tiêu các loại, hành tỏi Lý Sơn; trái cây đặc sản 3 miền: Trái cây Tiền Giang, cây có múi các loại, chuối ngự Đại Hoàng; chả mực Quảng Ninh… Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm lạ, độc đáo, rõ nguồn gốc xuất xứ đến từ các làng nghề truyền thống được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội chợ (ngày 20/11/2018), Ban tổ chức Hội chợ sẽ tổ chức “Hội thảo quốc tế về Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP” tại Phòng Hội thảo tầng 2, Nhà Triển lãm Nông nghiệp Việt Nam do Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và Trưởng đại diện IFAD/UNIDO tại Việt Nam chủ trì.
Hội thảo sẽ diễn ra với quy mô 200 đại biểu đến từ đại diện các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam: Đại diện Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, một số tổ chức liên Hợp Quốc (FAO, IFAD, UNIDO, IOM, UNESCO..), cơ quan hợp tác Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản Jica, đại diện Đại sứ quán Úc, Thái Lan… tại Hà Nội.
Trong thời gian Hội chợ sẽ có khu trình diễn do các đoàn nghệ nhân, thợ thủ công giỏi đến từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng trong cả nước trình diễn, chế tác sản phẩm ngay tại Hội chợ: Làng nón chuông; làng dát vàng Quỳ, thôn Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội; dệt lụa Hà Đông; mây tre đan Thừa Thiên Huế; dệt thổ cẩm Hà Giang; thêu tranh truyền thống Thường Tín, Hà Nội; điêu khắc gỗ nghệ thuật Lâm Thao, Phú Thọ; đúc đồng Văn Lâm, Hưng Yên.
Đến với Hội chợ, ngoài việc thăm quan, mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến từ các làng nghề truyền thống, khách thăm quan sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa nghệ thuật truyền thống qua những làn điệu quan họ, những khúc hát dân ca ví giặm cũng như thưởng thức trà đạo.
Lễ tổng kết Hội chợ và trao Bằng khen sẽ diễn ra ngày 21/11/2018.
Hội chợ sẽ mở cửa đón khách thăm quan từ 8h30 đến 21h00 các ngày từ 17 đến 21/11/2018.
Hưng Vũ
TĐKT - Chiều 14/11, tại Hà Nội, Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam tổ chức họp báo công bố Chương trình Tuần lễ vàng bất động sản - RED FRIDAY nhằm tạo sự đột phá cho thị trường BĐS dịp cuối năm trước Tết Nguyên đán.
Ban tổ chức giới thiệu về sự kiện
Sự kiện sẽ chính thức diễn ra từ ngày 7/12 - 14/12/2018. Người mua nhà sẽ có cơ hội để sở hữu những sản phẩm BĐS với mức chiết khấu và ưu đãi vô cùng hấp dẫn (lên tới 30%), cao hơn hẳn so với bất kỳ ưu đãi nào khác trong năm mà các chủ đầu tư đã dành cho khách hàng.
Hàng chục ngàn sản phẩm, từ nhà ở chung cư (các phân khúc trung bình đến cao cấp) đến biệt thự, liền kề, đất nền và cả các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng được chào bán trong thời gian diễn ra sự kiện tới từ các chủ đầu tư hàng đầu của thị trường BĐS khu vực miền Bắc: Eurowindow Holding, Hải Phát Invest, Tập đoàn Sunshine, Hateco, MIK, Tân Hoàng Minh, Ciputra, Gamuda...
Không chỉ hấp dẫn về mức giá, các sản phẩm tham gia sự kiện còn được đảm bảo về pháp lý, được cấp phép, đủ điều kiện giao dịch theo quy định của nhà nước.
RED FRIDAY là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa xã hội, quan trọng nhất, khác biệt với hàng hóa thông thường ưu đãi để xả hàng, đây là dịp để các chủ đầu tư dự án BĐS có cơ hội thể hiện sự tri ân dành cho khách hàng, những người mua nhà. Do vậy, dự án càng có nhiều ưu đãi lớn hấp dẫn, càng thể hiện ý thức trách nhiệm xã hội cũng như mức độ thành công của chủ đầu tư.
Về phía người mua, sự kiện cũng là cầu nối quan trọng giúp hàng triệu người đang có nhu cầu ở thực có thêm cơ hội được chạm tới những căn nhà mơ ước phù hợp với tình hình tài chính của mình.
Bên cạnh đó, RED FRIDAY sẽ hợp tác với những ngân hàng hàng đầu để hỗ trợ khách hàng trong việc thu xếp tài chính linh hoạt với lãi suất ưu đãi nhất.
Mục đích của Hội Môi giới BĐS hướng tới khi phát động Tuần lễ vàng BĐS là thúc đẩy kinh doanh và tạo dựng hình ảnh về sự minh bạch đối với thị trường BĐS với người mua nhà.
Theo đó, mọi sản phẩm khi tham gia chương trình sẽ phải công khai chính xác thông tin sản phẩm trên hệ thống website online www.redfriday.com.vn của Hội Môi giới BĐS Việt Nam và sẽ được thẩm định về: Pháp lý dự án, các chương trình khuyến mại và chính sách ưu đãi hiện hành do chủ đầu tư cung cấp và chính sách ưu đãi đặc biệt mà chủ đầu tư áp dụng cho khách hàng trong sự kiện này.
Các giao dịch diễn ra trong sự kiện sẽ được công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Hội Môi giới BĐS Việt Nam.
Hội sẽ là nơi trung gian nhận tiền đặt cọc của khách hàng và có trách nhiệm chuyển về chủ đầu tư, đồng thời giám sát việc chủ đầu tư lập hợp đồng cho khách hàng và thực hiện đúng, đầy đủ các cam kết ưu đãi.
Bình Nguyên
Cần xử lý triệt để hành vi gian lận trong kinh doanh khí gas
TĐKT - Sáng 14/11, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Hội thảo Thách thức và Triển vọng thị trường gas”. Hội thảo được tổ chức nhằm mang đến diễn đàn trao đổi thẳng thắn, đa chiều về thách thức và triển vọng thị trường gas, làm rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp khí đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hội thảo Thách thức và Triển vọng thị trường gas Chương trình có sự tham gia của gần 250 đại biểu, gồm đại diện các bộ, ban ngành, cán bộ, nhân viên trong cộng đồng doanh nghiệp khí trên toàn quốc. Hội thảo đã tập trung thảo luận 3 chủ đề chính: Thực trạng của thị trường gas tại Việt Nam và tầm quan trọng của ngành công nghiệp khí đối với phát triển kinh tế đất nước; triển vọng ngành công nghiệp khí trong tương lai; hướng đi cho các doanh nghiệp để phát triển thị trường khí. Hội thảo là nơi các chuyên gia về kinh tế chia sẻ về những khó khăn, thách thức của thị trường gas, đồng thời là cầu nối giúp các doanh nghiệp chia sẻ những rào cản, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là cơ hội quý báu để các lãnh đạo cơ quan, bộ, ban ngành của Đảng và Nhà nước gặp gỡ, thảo luận để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hoá gây tổn hại tới các doanh nghiệp. Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay ngành công nghiệp khí Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành dầu khí nói riêng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương về tình hình ngành công nghiệp khai khoáng trong nửa đầu năm 2018, khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 5,3 tỷ m3, tăng 1%; khí hóa lỏng ước đạt 437,6 nghìn tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017. Điều đó cho thấy bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp khai khoáng nói chung, ngành công nghiệp khí nói riêng đang ngày càng được phát triển cơ bản đáp ứng yêu cầu, không xảy ra thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên trong năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đang cạnh tranh quyết liệt nhằm giành thị trường bằng nhiều thủ đoạn khác nhau rất khó kiểm soát, dẫn đến có những thời điểm thị trường không ổn định, hiệu ứng dư luận không tốt, cơ quan quản lý nhà nước bị động trong quản lý. Ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho hay, vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua và liên tục kéo dài đến hiện nay là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường. Thực trạng này làm thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhà nước thất thu thuế và đặc biệt đó là những mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ, gây bất bình trong dư luận, xã hội. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm thu lợi bất chính do không phải chi phí đầu tư vỏ bình, kiểm định, kiểm định định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa…. Các hình thức gian lận thương mại này đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh gas tại thị trường của Việt Nam. Điển hình là các thương hiệu nổi tiếng như Shell gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas phải thu gọn lại hoặc phải rút khỏi Việt nam do tình trạng gian lận thương mại. Theo ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, đặc điểm lớn nhất của mặt hàng gas và kinh doanh gas là mặt hàng có nguy cơ cháy, nổ cao. Bình (chai) chứa gas là một loại bao bì đặc biệt, là thiết bị chịu áp lực, có liên quan mật thiết đến quá trình tồn trữ, sang chiết, nạp, vận chuyển và sử dụng vì vậy có yêu cầu rất nghiêm ngặt trong thiết kế, chế tạo, kiểm định, về an toàn lao động, về phòng cháy, chữa cháy, an toàn trong chiết nạp, vận chuyển, sử dụng gas. Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh gas, nhất là hành vi chiếm dụng, san chiết trái pháp luật, giả nhãn hiệu, vi phạm về sở hữu trí tuệ, chiếm đoạt, hoán cải vỏ bình gas của thương nhân chủ sở hữu bình ...của các cơ quan chức năng thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng ổn định thị trường. Tuy nhiên vấn đề vẫn chưa được xử lý triệt để, việc xử phạt, xử lý còn thiếu rõ ràng. Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất: Để thị trường gas hoạt động lành mạnh, đẩy lùi nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, cần phải có những quy định kiểm soát chặt chẽ nơi chiết nạp, kênh phân phối, bám sát thị trường, tố cáo với các cơ quan chức năng những doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật. Xây dựng và ban hành thông tư về xử lý trách nhiệm hình sự về một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas; có chế tài xử phạt thật nặng để răn đe, hạn chế tái vi phạm tình trạng san chiết nạp trái phép dù chỉ là một chai gas… Phương ThanhNgày mua sắm trực tuyến 2018: Hướng tới sự hài lòng của người tiêu dùng
TĐKT - Sáng 14/11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức họp báo công bố Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2018. Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday được tổ chức, cũng là năm thị trường thương mại điện tử nói riêng tiếp tục tăng trưởng, có nhiều đột phá, cũng như chứng kiến sự sôi động của xu hướng phát triển nền kinh tế số với chủ trương đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ số, phát huy các cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ. Họp báo công bố Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday 2018 Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday đã được Chính phủ phê duyệt tổ chức thường niên vào ngày thứ 6 đầu tiên của tháng 12. Bộ Công thương là đơn vị chủ trì, giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là đơn vị đầu mối tổ chức, phối hợp cùng các tổ chức và doanh nghiệp triển khai. Năm 2018, sự kiện ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm của Việt Nam sẽ diễn ra trong 24h thứ 6 ngày 7/12/2018 với chủ đề "Giảm giá siêu chất và chất lượng chính hãng". Ban tổ chức đã phối hợp cùng các doanh nghiệp, tổ chức đồng hành, chuẩn bị nhiều giải pháp xoay quanh trục chính là sự hài lòng của người tiêu dùng, với 2 trọng tâm: Sản phẩm chính hãng và rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ; nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng. Từ đầu năm 2018, thông qua các chương trình thứ 6 hàng tuần, hàng tháng, sự kiện BigDay mùa hè, mùa thu, Ban tổ chức đã hợp tác với các doanh nghiệp, thương hiệu lớn để triển khai nhiều chương trình đến người tiêu dùng với số lượng doanh nghiệp giới hạn và truyền thông đến một nhóm khách hàng phù hợp nhằm hoàn thiện các quy trình và hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia sự kiện, từ đó phát triển một quy trình tham gia sản phẩm trong ngày 7/12. Theo đó, đối với sản phẩm chính hãng, Ban tổ chức sẽ dành ưu tiên hỗ trợ với hệ thống banner, hiển thị thuận tiện nhất cho người dùng khi truy cập vào website OnlineFriday.vn trong ngày diễn ra sự kiện với ước tính lượng truy cập trên 2 triệu lượt khách. Đối với sản phẩm khác, Ban tổ chức yêu cầu doanh nghiệp có cam kết, khi đưa sản phẩm lên hệ thống phải có văn bản, cung cấp thông tin chứng nhận về xuất xứ của hàng hóa. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng phối hợp với các hệ thống so sánh giá để đảm bảo các sản phẩm trước khi được đưa lên hệ thống được kiểm tra giá so với giá thị trường. Bên cạnh giải pháp về công nghệ, Ban tổ chức cũng phối hợp cùng với nhà sản xuất và phân phối hãng chính hãng, để triển khai các chương trình dành riêng cho Online Friday 2018. Việc nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng trong sự kiện là một nội dung quan trọng, đảm bảo thông tin về những sản phẩm chất lượng đến được người tiêu dùng toàn quốc. Hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định, đảm bảo lượng truy cập đến 5 triệu lượt truy vấn và 150.000 tương tác tại cùng thời điểm. Ứng dụng điện thoại di động và QR Code trong các tương tác giữa người tiêu dùng và ban tổ chức bao gồm: Hoạt động tham gia các deal giảm giá sốc bằng việc quét QR Code (trên truyền hình, màn hình máy tính, điện thoại di động, gian hàng QR tại sự kiện BigOff); mua hàng bằng QR Code, thanh toán điện tử tại sự kiện BigOff. Đặc biệt, nhân dịp này, Bộ Công thương sẽ phối hợp UBND thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện trải nghiệm công nghệ số và thương mại điện tử, xung quanh khu vực Hồ Gươm, phố đi bộ, trong thời gian từ 20/11 – 9/12. Đây là cơ hội để người tiêu dùng tương tác, trải nghiệm và gặp gỡ những thương hiệu uy tín nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam. Đáng chú ý, các doanh nghiệp tham gia chương trình Ngày mua sắm trực tuyến 2018 sẽ được các nhà chuyển phát đồng hành cùng chương trình như VnPost, ViettelPost, Ninjavan, Lalamove… hỗ trợ chi phí chuyển phát trong thời gian diễn ra sự kiện. 20 ngân hàng đồng hành cùng Ban tổ chức sẽ hỗ trợ hoạt động thanh toán, cash – back cho người tiêu dùng sử dụng thẻ thanh toán để mua sắm trong thời gian diễn ra sự kiện. Các hệ thống trung gian thanh toán, cổng thanh toán, trang thương mại điện tử sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tích hợp thanh toán và phí thanh toán trong thời gian diễn ra chương trình. Phương ThanhTổng cục Hải quan Việt Nam xếp thứ 3 về ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính 2018
TĐKT - Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính đã công bố Báo cáo đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính năm 2018 (ICT Index ngành Tài chính 2018). Đây là lần thứ 10 báo cáo này được thực hiện. Bắt đầu từ năm 2008, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính triển khai xây dựng ICT Index hàng năm của ngành Tài chính để xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành từ Trung ương đến địa phương, đồng thời phục vụ trực tiếp việc cung cấp số liệu hàng năm để xây dựng ICT Index của Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam thực hiện. Tổng cục Hải quan Việt Nam trong "top 3" ICT index ngành Tài chính 2018 ICT Index ngành Tài chính giúp cho các đơn vị của ngành Tài chính hiểu rõ về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị để có các biện pháp, chính sách phù hợp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả phục vụ các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và doanh nghiệp. Năm 2018 là năm đầu tiên, Cục Tin học và Thống kê tài chính áp dụng phương pháp tính của Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên Hiệp quốc, thay cho phương pháp Phân tích thành phần chính đã được sử dụng suốt 9 năm vừa qua. ICT Index ngành Tài chính 2018 được khảo sát trên 2 khối với 252 đối tượng gồm: Khối các cơ quan Trung ương của các hệ thống có 6 đối tượng; khối các đơn vị cấp tỉnh, thành phố (Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước) có 246 đối tượng. Với 27 nhóm chỉ tiêu, ICT Index ngành Tài chính 2018 tập trung vào các lĩnh vực: Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (6 chỉ tiêu); ứng dụng công nghệ thông tin (9 chỉ tiêu); nhân lực công nghệ thông tin (8 chỉ tiêu); đầu tư cho công nghệ thông tin (4 chỉ tiêu). Kết quả đánh giá cho thấy, ở khối Trung ương: Năm 2018, Tổng cục Thuế dẫn đầu, vị trí thứ 2 thuộc về Cơ quan Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xếp vị trí thứ 3. Trong bảng xếp hạng của các Cục Hải quan địa phương, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam cũng bứt phá từ vị trí thứ 3 năm 2017 lên vị trí thứ 1. Các vị trí sau đó thuộc về Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk và Cục Hải quan Quảng Ninh. Các chỉ số được Cục Tin học và Thống kê tài chính đánh giá trên cơ sở các số liệu thu thập được từ các nguồn tin cậy và từ các số liệu thực tế. Có thể nói, thông qua số điểm và thứ hạng của ICT Index, có thể đánh giá được tương quan phần nào thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị thuộc ngành Tài chính. La GiangTĐKT – Sáng 12/11, thương hiệu G7 taxi chính thức ra mắt tại Hà Nội. G7 taxi là một trong những đơn vị áp dụng mức giá cước cạnh tranh nhất trên thị trường (chỉ từ 9,900 đ/km và không áp dụng tăng giá giờ cao điểm).
Thật dễ dàng để nhận ra G7 taxi với chiếc mào mới lạ
Thị trường vận tải taxi tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Trong khi các nhà quản lý đang tìm lời giải cho bài toán định danh taxi công nghệ và quản lý thì trong 3 năm qua, taxi truyền thống gặp phải những thách thức lớn do sự tăng lên nhanh chóng về số lượng của taxi công nghệ vốn nằm ngoài quy hoạch giao thông của các thành phố lớn.
Trước những thách thức đó, các đơn vị taxi truyền thống không chỉ phải thay đổi bằng cách đầu tư công nghệ, dịch vụ để giữ chân khách hàng mà còn phải tìm ra mô hình hoạt động mới để cạnh tranh trong hoàn cảnh số lượng taxi công nghệ đang gấp hơn 10 lần số lượng taxi của mỗi hãng taxi đơn lẻ.
Qua nghiên cứu các mô hình phát triển của các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… G7 taxi đã ra đời dưới mô hình là đơn vị chỉ phát triển thương hiệu mà không sở hữu một phương tiện nào. G7 taxi sử dụng sức mạnh tài chính để phát triển thị trường, khách hàng và hợp tác với các đơn vị có thương hiệu tốt, người lái tốt, phương tiện tốt và tài chính tốt để cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng.
Ngày 14/8, G7 taxi đã ký kết hợp đồng hợp tác với 3 đơn vị taxi lớn trong Top đầu tại Hà Nội là taxi Thành Công, taxi Ba Sao, taxi Sao Hà Nội. Theo đó các phương tiện của cả 3 hãng sẽ chuyển đổi hoạt động dưới cùng một nhận diện chung G7 taxi. Ngày 1/10, những chuyến xe thử nghiệm đầu tiên của G7 taxi lăn bánh và nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía lái xe, khách hàng.
Đại diện của G7 taxi cho biết: G7 taxi là một trong những đơn vị áp dụng mức giá cước cạnh tranh nhất trên thị trường khi niêm yết mức giá cước chỉ từ 9,900 đ/km và không áp dụng tăng giá giờ cao điểm.
Theo tính toán của đơn vị, mức giá cước này là một trong những đơn vị có mức giá cước thấp nhất tại thị trường Hà Nội, thấp hơn phần lớn mức cước mà Grab áp dụng ngay cả trong giờ thấp điểm. Việc áp dụng mức giá cước này nhờ việc thị trường mở rộng, lái xe chạy rỗng ít hơn nên G7 taxi có thể áp dụng mức giá cước thấp, không tăng giá, thuận lợi nhất cho người tiêu dùng.
Sau khi hợp tác với 3 đơn vị với số lượng phương tiện khoảng 3,000 xe, G7 taxi trở thành thương hiệu taxi có số lượng taxi lớn nhất tại Hà Nội, với phạm vi hoạt động trải khắp 12 quận nội thành. Theo tính toán của đơn vị, trung bình khách hàng chỉ cần chờ 2 phút là xe sẵn sàng đến điểm để phục vụ.
Sử dụng chiếc mào phá cách và bộ logo ấn tượng mang phong cách châu Âu, các lãnh đạo của G7 taxi mong muốn G7 taxi được khách hàng nhận diện một cách dễ dàng nhất.
Điểm đặc biệt, G7 taxi cũng được trang bị giải pháp công nghệ hiện đại. Khách hàng sử dụng smartphone trên Android, IOS có thể tải ứng dụng G7 taxi để đặt xe của G7 taxi. Ứng dụng đáp ứng được việc gọi xe nhanh chóng trong cả những khung giờ cao điểm, giờ đêm. Khách hàng không có smartphone, vẫy xe trên đường cũng có thể yêu cầu lái xe ước tính trước giá cước chuyến đi thông qua phần mềm của lái xe.
Phương Thanh – Hồng Thiết
TĐKT - Sáng 10/11, tại Hà Nội, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp
Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong số ít bộ, ngành tiên phong thực hiện tái cơ cấu ngành trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức....
Tuy vậy, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn ngành và cố gắng vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân nên nhiều chỉ tiêu phát triển của Đề án đã đạt hoặc gần tiệm cận được mục tiêu của năm 2020 về cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường.
Về mục tiêu kinh tế, tổng quan chung cả giai đoạn 5 năm, nông nghiệp đạt được tăng trưởng 2,55%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2 % so với bình quân của 5 năm trước; năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, tăng gần 10 triệu đồng/lao động so với năm 2012, tăng trung bình 6,67%/năm, đạt gấp đôi so với mục tiêu đề ra trong Đề án.
Về mục tiêu xã hội, cùng với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại nông nghiệp đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017 (gấp 1,71 lần so với năm 2012 và 3,5 lần so với năm 2008), qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm.
Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, dự kiến cuối năm 2018 sẽ đạt 40% và năm 2020 sẽ đạt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn. Về mục tiêu môi trường, đến hết năm 2017 tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45% (mục tiêu đến năm 2020 đạt 42%); tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong sản xuất đã được từng bước giám sát, xử lý nghiêm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị
Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng: Điểm nổi bật nhất là đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất về quan điểm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của các nhà khoa học, của bà con nông dân và cộng đồng các doanh nghiệp nông nghiệp…
Chính vì vậy, 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều thành quả hết sức phấn khởi, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn tới vẫn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để thực hiện được quá trình đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực này, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn mỗi người nông dân tiếp tục chủ động, tích cực, các doanh nghiệp không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Các bộ, ban, ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu lại nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đồng thời, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền. Hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh.
Nguyệt Hà
PVN hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch trong tháng 10
TĐKT - Trong tháng 10/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả, an toàn, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất từ 2 - 8,7% kế hoạch tháng. Về các chỉ tiêu sản xuất, tổng sản lượng khai thác quy dầu toàn Tập đoàn tháng 10 đạt 1,93 triệu tấn, tính chung 10 tháng đạt 20,1 triệu tấn, vượt 4,9% so với kế hoạch 10 tháng và bằng 87,9% kế hoạch năm. PVN hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch trong tháng 10 Trong đó, sản lượng khai thác dầu tháng 10 đạt 1,15 triệu tấn, vượt 7,2% so với kế hoạch tháng, khai thác 10 tháng đạt 11,71 triệu tấn, vượt 5,5% so với kế hoạch 10 tháng và bằng 88,5% kế hoạch năm. Khai thác dầu ở trong nước 10 tháng đạt 10,07 triệu tấn, vượt 5,8% so với kế hoạch 10 tháng; ở nước ngoài 10 tháng đạt 1,64 triệu tấn, vượt 3,3% kế hoạch 10 tháng. Sản lượng khai thác khí tháng 10 đạt 0,78 tỷ m3, tính chung 10 tháng đạt 8,39 tỷ m3, vượt 4,1% kế hoạch 10 tháng và bằng 87,4% kế hoạch năm. Sản xuất đạm tháng 10 đạt 145 nghìn tấn, sản xuất 10 tháng đạt 1,38 triệu tấn, vượt 7,2% kế hoạch 10 tháng và 89,6% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn tháng 10 đạt 1,0 triệu tấn, vượt 2,0% so với kế hoạch tháng, tính chung 10 tháng đạt 7,46 triệu tấn, bằng 84,2% kế hoạch 10 tháng. Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn hoàn thành vượt mức từ 2 - 8,7% kế hoạch tháng. Tính chung 10 tháng năm 2018, các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn hoàn thành và hoàn thành vượt mức từ 3,3% - 14,3% kế hoạch 10 tháng đề ra. Bên cạnh việc hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, giá dầu trung bình trong tháng 10 cũng có sự khởi sắc nên các chỉ tiêu tài chính của PVN cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch và cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. PVN đã hoàn thành kế hoạch cả năm chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước, trong đó 10 tháng toàn Tập đoàn nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 90,9 nghìn tỷ đồng, vượt 23,2% kế hoạch năm. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 499,5 nghìn tỷ đồng, vượt 21,1% kế hoạch 10 tháng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2017. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được xếp hạng 1 trong Bảng xếp hạng Profit500 - Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018. Bên cạnh việc hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, PVN còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, trong đó Tập đoàn đã đăng ký ủng hộ hơn 250 tỷ đồng cùng chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2018. Sự kiện nổi bật nhất trong hoạt động của PVN tháng 10 vừa qua là việc Nhà máy Nhiên liệu sinh học (NLSH) Dung Quất chính thức khởi động lại sau 3 năm ngừng sản xuất. Sau 5 ngày khởi động toàn bộ nhà máy, Nhà máy NLSH Dung Quất thuộc Công ty Cổ phần NLSH dầu khí miền Trung (BSR -BF) đã cho ra dòng sản phẩm cồn sinh học (E100). Trong những tháng cuối năm, PVN tiếp tục tập trung vào việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, an toàn tại các dự án, nhà máy, hướng đến mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2018, tạo đà cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của năm 2019 và các năm tiếp theo. Hồng ThiếtTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 102
- 103
- 104
- 105
- 106
- …
- sau ›
- cuối cùng »