Tạo thuận lợi cho nông nghiệp phát triển bền vững
27/11/2018 - 14:47

TĐKT - Trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chiều 26/11, tại Hà Nội, Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số bộ, ngành liên quan tổ chức 3 hội thảo chuyên đề với các chủ đề: “Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì một Việt Nam thịnh vượng”; “Thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”; “Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo chuyên đề 3

Tại Hội thảo chuyên đề 1, với chủ đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của một số nước; định hướng phát triển các chương trình tín dụng hỗ trợ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Qua 5 năm triển khai, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Bộ đã xây dựng 6 đề án tái cơ cấu các lĩnh vực nhằm cụ thể hóa nội dung, giải pháp và lộ trình tái cơ cấu trong từng lĩnh vực/phân ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản và muối. Bên cạnh đó, Bộ đã hoàn thiện nhiều văn bản, chính sách thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp - nông thôn.

Nhờ vậy, nông nghiệp đã thực sự chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Đến tháng 11/2018, cả nước có 3.595 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 40,3% tổng số xã và 56 đơn vị cấp huyện, thị đạt nông thôn mới.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, trong quá trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn, giải quyết các vấn để nông dân trở nên cần thiết và cấp bách. Cần hướng tới mục tiêu đưa nông thôn sát lại gần hơn với thành thị, đô thị hóa nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo hướng quy hoạch là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt.

Tại Hội thảo chuyên đề 2, các tham luận tiếp tục làm rõ: Khoa học và công nghệ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Khoa học và công nghệ được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua. Với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, khoa học và công nghệ đã không ngừng vươn lên đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản, dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các giải pháp công nghệ hiện đại, công nghệ chế biến cho nông nghiệp; chia sẻ thực tiễn ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; gắn kết đào tạo nguồn nhân lực với nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp; thúc đẩy ứng dụng các công nghệ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong hiện đại hóa nông nghiệp…

Tại Hội thảo chuyên đề 3, các đại biểu đến từ đại diện Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng NN&PTNT... đã tập trung thảo luận về chủ đề thúc đẩy đầu tư cho hàng hóa nông nghiệp Việt Nam: “Cơ hội cho hàng hoá nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do - FTA thế hệ mới”; “Các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với đầu tư nông nghiệp”; “Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.

Đây là cơ hội tốt để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tìm lời giải cho bài toán phát triển thị trường hàng hóa nông sản tại Việt Nam và thế giới. Hội thảo cũng có nhiều bài phân tích đánh giá của các chuyên gia đặt ra những vấn đề từ tiềm năng, cơ hội phát triển... đến định hướng, giải pháp hữu ích cho các doanh nghiệp về nông nghiệp, nông sản.

Nguyệt Hà