Kinh tế

10 tháng đầu năm 2018, doanh thu toàn Tập đoàn TKV ước đạt 103.658 tỷ đồng

TĐKT - Theo báo cáo của Ban Kế hoạch, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, 10 tháng đầu năm, toàn Tập đoàn đã sản xuất 30,78 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 34,06 triệu tấn; sản xuất 1,09 triệu tấn alumin, tiêu thụ 1,08 triệu tấn; sản xuất 9.538 tấn đồng tấm, tiêu thụ 8.860 tấn; sản xuất 7,96 tỷ kWh điện; sản xuất 53.000 tấn vật liệu nổ công nghiệp, cung ứng 83.000 tấn… Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 103.658 tỷ đồng Theo đó, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 103.658 tỷ đồng, đạt 91,1% kế hoạch năm, bằng 119% so với cùng kỳ 2017. Tháng 11, Tập đoàn đặt kế hoạch sản xuất 3 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 3 triệu tấn; sản xuất alumina 115.000 tấn, 4.000 tấn tinh quặng đồng, 1.000 tấn đồng tấm, 900 tấn kẽm thỏi, 12.000 tấn tinh quặng sắt, 800 triệu kWh điện... Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải chỉ đạo trong 2 tháng cuối năm, Tập đoàn cần tập trung cung cấp than cho các hộ tiêu thụ chính, hoá chất, khối lượng than còn lại sẽ cung cấp cho các hộ xi măng và các hộ khác đảm bảo tiêu thụ năm 2018 từ 39 đến 40 triệu tấn; hoàn thiện các quy chế quản lý, phù hợp với NĐ 105/NĐ-CP trình Hội đồng thành viên để phê duyệt, báo cáo Bộ chủ quản, theo hướng phân cấp tối đa cho các đơn vị để đơn vị tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh đã được giao; đồng thời triển quyết liệt việc hiện đại hoá kho cảng Điền Công, nạo vét luồng cảng Làng Khánh nâng cao năng lực để nhập xuất than; tăng cường công tác tuyển dụng sử dụng lao động thợ lò. Tổng Giám đốc cũng yêu cầu các đơn vị hưởng ứng chiến dịch thi đua lao động sản xuất 90 ngày đêm với khả năng cao nhất đáp ứng đủ than cho các hộ tiêu thụ chính: Hộ điện, hộ hoá chất, phân bón… và cho xuất khẩu; tập trung chế biến các loại than từ đất đá lẫn than, than xấu để tăng tích trữ tồn kho; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Giám đốc về quản lý lao động và điều hành tiền lương các tháng cuối năm 2018 theo công văn số: 5611/TKV-TCNS ngày 26/10/2018. Đặc biệt, cần tăng cường công tác an toàn trong lao động sản xuất, phấn đấu không để xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng trong điều kiện nhịp độ sản xuất tăng cao. Hồng Thiết  

Tập đoàn Hoa Sen giữ vững vị thế số 1 trên thị trường tôn thép

TĐKT - Sản lượng và doanh thu tăng kỷ lục, đầu tư mở rộng sản xuất - phân phối trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, Tập đoàn Hoa Sen không ngừng vươn lên lớn mạnh và phát triển, khẳng định cam kết của một thương hiệu luôn tạo ra giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng và xã hội. Ngành Thép Việt Nam năm 2018 có nhiều diễn biến khá phức tạp khi giá thép nguyên liệu liên tục biến động, cạnh tranh gia tăng tại thị trường nội địa trong khi kênh xuất khẩu chịu nhiều áp lực trước các rào cản thương mại từ các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, với những chiến lược kinh doanh linh hoạt, sáng tạo, Tập đoàn Hoa Sen đã từng bước phát triển lớn mạnh, không ngừng vươn xa. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam niên độ tài chính (NĐTC) 2017 -  2018, Tập đoàn Hoa Sen đang dẫn đầu các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tôn, thép tại thị trường Việt Nam với hơn 34% thị phần tôn và gần 20% thị phần ống thép. Không ngừng lớn mạnh tại thị trường nội địa, sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục khẳng định vị thế số 1 khi có mặt tại hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Theo đó, kết thúc NĐTC 2017 – 2018, Tập đoàn Hoa Sen đạt sản lượng tiêu thụ hơn 1,7 triệu tấn thành phẩm, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ niên độ 2016 - 2017. Doanh thu thuần đạt 34.441 tỷ đồng, tăng trưởng 32%, tương ứng tăng 8.292 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu nội địa tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm 65% tổng doanh thu Tập đoàn. Nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội – Bình Định xuất khẩu lô hàng 15.000 tấn tôn đến châu Âu Đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và phân phối để chiếm lĩnh thị trường Thực thi chiến lược “mua tận gốc, bán tận ngọn”, Tập đoàn Hoa Sen hiện đang sở hữu hệ thống 11 nhà máy lớn và gần 500 chi nhánh phân phối bán lẻ rộng khắp cả nước. Ưu thế này giúp Tập đoàn Hoa Sen có thể tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Trong bối cảnh giá thép nguyên liệu biến động mạnh, hệ thống phân phối “đến tận ngọn” giúp Tập đoàn duy trì lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng ngành, có thể kiểm soát dòng vốn một cách chủ động và hiệu quả hơn. Hiện tại, các nhà máy của Tập đoàn đều đặt tại các vị trí chiến lược, gần các cảng biển quốc tế nên rất thuận lợi trong việc giao nhận và xuất khẩu hàng hóa. Cộng với việc Hoa Sen hiện có mối quan hệ chặt chẽ với hầu hết đối tác lớn và các hãng tàu uy tín trên thế giới giúp đảm bảo việc giao nhận hàng hóa luôn kịp thời và chính xác. Chất lượng sản phẩm là trọng tâm, lợi ích khách hàng là then chốt Từ những ngày đầu thành lập, Tập đoàn Hoa Sen luôn lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu để cạnh tranh tạo nên uy tín thương hiệu. Với việc tiên phong trong đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, các sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen luôn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất của các thị trường khó tính như châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, Trung Đông... Ngoài ra, Hoa Sen là một trong số rất ít nhà máy đã sản xuất thành công một số tiêu chuẩn đặc biệt như thép mạ cường độ cao đáp ứng các yêu cầu phức tạp trong xây dựng các dự án lớn: Kết cấu cho các công trình nhà xưởng, module cho các dự án điện năng lượng mặt trời. Tập đoàn Hoa Sen còn được biết đến như một đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào kinh doanh để tối ưu hóa tiện ích cho khách hàng thông qua hình thức bán hàng trực tuyến trên website www.hoasengroup.vn, giúp khách hàng có thể mua được những sản phẩm với chất lượng tốt nhất. Sản phẩm Tôn Hoa Sen tại nhà máy Chia sẻ cộng đồng là nghĩa vụ Xây dựng giá trị cốt lõi “Trung thực – Cộng đồng – Phát triển”, Tập đoàn Hoa Sen luôn tuân thủ các chính sách, pháp luật của nhà nước, minh bạch, công khai, đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. NĐTC 2017 – 2018, tổng nộp ngân sách nhà nước của Tập đoàn Hoa Sen trên toàn quốc đạt 2.392 tỷ đồng, liên tục được vinh danh trong bảng xếp hạng những doanh nghiệp lớn và uy tín nhất, Top 100 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước. 17 năm qua, từ năm 2001 đến nay, Tập đoàn đã đóng góp cho ngân sách nhà nước tới hơn 12.983 tỷ đồng. Chính sách phát triển nhân lực được Tập đoàn Hoa Sen quan tâm,  lấy nguồn nhân lực làm yếu tố trọng tâm phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực khác, hiện tại Tập đoàn đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 7.300 lao động trên khắp cả nước. Với phương châm “Mang hạnh phúc sẻ chia cùng cộng đồng” trong nhiều năm qua, bên cạnh việc phát triển sản xuất và kinh doanh, Tập đoàn Hoa Sen còn thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội và cộng đồng bằng nhiều hoạt động tài trợ, từ thiện đa dạng. Khẳng định một thương hiệu bền vững Ông Trần Ngọc Chu – Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực – Điều hành Tập đoàn Hoa Sen (bên trái) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì Liên tục tăng trưởng ngoạn mục trong nhiều năm liền cùng những đóng góp tích cực cho cộng đồng, Tập đoàn Hoa Sen đã nhận được những giải thưởng cao quý trong và ngoài nước như Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng, đạt Thương hiệu Quốc gia cho cả 3 dòng sản phẩm: Tôn Hoa Sen, ống kẽm Hoa Sen và ống nhựa Hoa Sen; Hàng Việt Nam chất lượng cao; Công ty được quản lý tốt nhất châu Á, Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam; Top 50 công ty niêm yết tốt nhất tốt nhất Việt Nam,... Với những kết quả kinh doanh vượt bậc, những giải thưởng danh giá về chất lượng sản phẩm cùng sự tin yêu của người tiêu dùng trên cả nước, Tập đoàn Hoa Sen không ngừng vươn lên lớn mạnh và phát triển, khẳng định cam kết của một thương hiệu luôn tạo ra giá trị tốt nhất cho người tiêu dùng và xã hội, hướng tới trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực. Thùy Dung

Khai mạc Triển lãm quốc tế Thiết bị điện, dây cáp điện - Tự động hóa Việt Nam

TĐKT - Sáng 30/10, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Triển lãm quốc tế Thiết bị điện, dây cáp điện - Tự động hóa Việt Nam chính thức khai mạc. Triển lãm do Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Dây và Cáp điện TP Hồ Chí Minh, Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ quản lý, Viện Điện - Điện tử tin học TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội dây cáp điện Ninh Ba, Hiệp hội dây cáp điện Đài Loan..., Công ty TNHH Triển lãm Thế kỷ, Công ty Cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam, Công ty Cổ phần quốc tế Khang Phát phối hợp tổ chức. Triển lãm giới thiệu những sản phẩm thiết bị điện, dây cáp điện, tự động hóa tiêu biểu Diễn ra từ ngày 30/10 - 1/11, triển lãm thu hút 150 gian hàng của gần 100 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ; trưng bày sản phẩm trong lĩnh vực dây cáp điện: Dây cáp điện (dây cáp đặc biệt, điện áp cao, cáp ngầm, cáp thông tin liên lạc, cáp chống cháy, đường sắt cáp tín hiệu, cáp hạt nhân, dây tần số vô tuyến điện và cáp điện, cáp đồng trực, dây và cáp tàu xe...); cáp (cáp video âm thanh, cáp dữ liệu, dây điện từ, dây cáp có vỏ bọc, dây cáp thép...); cáp sợi quang; máy móc, thiết bị, phụ kiện. Cùng với đó là sản phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực điện công nghiệp, dân dụng và tự động hóa: Thiết bị truyền tải điện, vật liệu dẫn điện, khí cụ điện, vật liệu cách điện, thiết bị, phụ kiện kỹ thuật điện liên quan đến xây dựng đường dây và trạm bộ ngắt điện, đầu nối, hệ thống kết nối, dịch vụ và thiết bị cơ điện, tủ bảng điện, thiết bị đo lường, hệ thống truyền tin, đường truyền... Trong khuôn khổ triển lãm diễn ra các hoạt động chuyên ngành: Hội thảo giới thiệu sản phẩm thiết bị điện chuyên dụng, Hội thảo giải pháp ổn định chất lượng nguồn điện cho nhà máy... được trình bày bởi các chuyên gia hàng đầu của các hãng đến từ CHLB Đức, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan... Ban tổ chức hy vọng triển lãm sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng, hiện đại hóa sản xuất, thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới. Phương Thanh

Cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp quốc tế

TĐKT - Tối 26/10, UP Coworking Space đã tổ chức sự kiện gặp gỡ hai nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm và uy tín đến từ Thung lũng Silicon là bà Danielle Strachman và ông Michael Gibson – đối tác điều hành của Quỹ 1517Fund (Đây là quỹ đầu tư được đỡ đầu bởi tỷ phú Peter Thiel (sáng lập Paypal và nhà đầu tư và các startup như Facebook, Quora, LinkedIn, Airbnb…). Sự kiện được điều phối bởi đối tác quỹ ESP Capital, cựu CEO adayroi – Lê Hoàng Phương Uyên với mục đích chia sẻ kinh nghiệp và kiến thức khởi nghiệp từ Thung lũng Silicon với các nhà sáng lập Việt Nam. Đây là dịp để các startup và các nhà đầu tư tại Việt Nam có thể trực tiếp học hỏi cách làm việc và kinh nghiệm của những nhà đầu tư mạo hiểm tại Sillicon Valley. 1517Fund là quỹ đầu tư mạo hiểm được đỡ đầu bởi tỷ phú người Mỹ –  Pete Thiel với mục đích tư vấn, hỗ trợ các nhà sáng lập và khởi nghiệp công nghệ gọi vốn từ nhiều quy mô khác nhau. Với mục đích “Đầu tư vào nhưng công ty lãnh đạo bởi nhà sáng lập trẻ” để tìm ra Zuckerberg tiếp theo, Peter Thiel là tỷ phú kỳ quặc với huyền thoại “buôn vua” trong giới đầu tư mạo hiểm, hầu hết các dự án ông tham gia đều thành công rực rỡ. Ông là nhà đầu tư đứng sau  những nhà khởi nghiệp lớn: Facebook, Airbnb, Linkedin, Quora, Yelp…  và tặng học bổng Thiel Fellowship cho những nhà sáng lập bỏ học đại học, học bổng này đã hỗ trợ rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công. Tại buổi Hội thảo, bà Danielle Strachman và ông Michael Gibson - những người đã nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ 1517Fund và thành công, đã chia sẻ cho các starup Việt Nam những kinh nghiệm, quá trình làm việc và lời khuyên để phát triển ý tưởng của mình từ kinh nghiệm quốc tế. Các nhà sáng lập trẻ của Việt Nam cũng đã chủ động trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ quốc tế để phát triển ý tưởng của mình. Mai Thảo

Thương hiệu thời trang Việt - Owen: Nỗ lực vươn tầm quốc tế

TĐKT - Ngày 26/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, thương hiệu thời trang nam Owen tổ chức họp báo "Lịch lãm thời trang, vững vàng bản lĩnh" nhằm kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển. Đồng thời, Owen cũng chính thức tuyên bố tầm nhìn và chiến lược thương hiệu mới, đánh dấu bước chuyển mình trong làng thời trang: Hiện đại, trẻ trung, đẳng cấp, giá trị hơn. Lễ ký kết hợp tác giữa Owen và các đại lý chính Ra đời từ năm 2008 đến nay, thương hiệu Owen đã có mạng lưới phân phối rộng khắp các tỉnh, thành phố toàn quốc, với gần 1000 điểm bao gồm đại lý và hệ thống cửa hàng bán lẻ. Trải qua 10 năm phát triển, Owen chinh phục khách hàng với dòng thời trang công sở chất lượng, đẳng cấp, giá trị. Owen dần trở nên quen thuộc với đại đa số phái mạnh và luôn nằm trong tốp đầu những thương hiệu thời trang dành cho nam tại Việt Nam. Với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, Owen từng bước chuyển mình nhằm mang đến những trải nghiệm đẳng cấp, nhiều cảm xúc, đậm chất thời trang cho khách hàng. Bên cạnh đó, Owen liên tục mở rộng dòng sản phẩm, mang tới giải pháp thời trang chất công sở nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng nam giới. Với chủ đề “Lịch lãm thời trang, vững vàng bản lĩnh”, Owen chính thức mở ra chương mới trong hành trình phát triển thương hiệu. Một hình ảnh trẻ trung, năng động, đậm chất thời trang và bản lĩnh chính là định hướng mới mà thương hiệu thời trang Owen hướng đến trong chặng đường tiếp theo. Để làm việc này, Owen đã hợp tác với nhà thiết kế Hoàng Minh Hà để cho ra đời các sản phẩm thời trang hướng tới khách hàng nam giới. Cạnh đó, hợp tác với Itochu - một tập đoàn may mặc toàn cầu và nằm trong số các công ty lớn nhất của Nhật Bản. Sự hợp tác với Itochu sẽ mang lại chất lượng và thổi hồn thiết kế Nhật Bản vào các sản phẩm Owen cho khách hàng. Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương bộ nhận diện thương hiệu mới của Owen Tại họp báo, ông Koichiro Tani, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Prominent Việt Nam (Tập đoàn Itochu), đối tác chiến lược của Công ty Cổ phần Thời trang Kowil (Tập đoàn Phú Thái) bày tỏ những cam kết đồng hành và hợp tác chiến lược giữa hai bên qua các hoạt động phát triển nguồn cung ứng, kiểm soát chất lượng, hợp tác chuyên gia, thiết kế sản phẩm, chuẩn hóa dịch vụ để tạo ra những giải pháp thời trang hiện đại, đẳng cấp và phù hợp nhất với đối tượng khách hàng Nam của Việt Nam. Ông Masashiro Yoshida, Giám đốc ngành hàng Owen chia sẻ về những tiềm năng của thị trường thời trang Việt Nam và định hướng của Owen trở thành thương hiệu thời trang Việt đạt các tiêu chuẩn quốc tế, với sản phẩm có chất lượng vải rất cao và các tính năng vượt trội, thiết kế và phom dáng hướng đến sự thoải mái của người dùng. Sau buổi họp báo, “Đêm thời trang Owen” tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Đông 2018 đã diễn ra với bộ sưu tập độc đáo “My Way” được thực hiện bởi Owen và nhà thiết kế Hoàng Minh Hà. Bộ sưu tập “My Way” phác họa thế giới năng động, lạc quan, ý chí, bản lĩnh chinh phục đầy sắc màu của những chàng trai trẻ với ước mơ, khát vọng vươn lên cuộc sống. Sự kết hợp giữa Owen và nhà thiết kế Hoàng Minh Hà sẽ mang một luồng gió mới vào làng thời trang Việt Nam. “Thời trang không đơn giản chỉ là quần áo, nó còn có ngôn ngữ riêng, mỗi người sẽ có cách thể hiện thời trang của riêng mình. Đó là điều mà chúng tôi muốn đưa ra trong dịp kỷ niệm 10 năm Owen”, nhà thiết kế Hoàng Minh Hà chia sẻ. Phương Thanh

Ra mắt sản phẩm Aquamine chăm sóc sức khỏe cho gia đình

TĐKT - Bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe gia đình mang thương hiệu Aquamine (bao gồm bình nước tạo kiềm; vòi tắm lọc bỏ gỉ sét, clo; miếng dán chăm sóc da…) đã chính thức ra mắt tại Việt Nam vào ngày 25/10. Sản phẩm do Công ty Aquamine Hàn Quốc sản xuất và do AquaLife Việt Nam phân phối tại Việt Nam. Ông Jinho Kim, CEO của Aquamine Hàn Quốc giới thiệu các tính năng vượt trội của các sản phẩm Phát biểu tại buổi ra mắt sản phẩm, ông Jinho Kim, CEO của Aquamine Hàn Quốc phân tích: Cơ thể con người có 70% là nước. Các bộ phận trong cơ thể cũng chủ yếu cấu tạo từ nước, cụ thể: Trong máu có 83% là nước, gan - 86%, tim - 70%, thận - 83%, phổi - 80%, hệ bạch huyết - 94%, xương - 22%, cơ - 75%, khớp - 83%, não - 75%, da - 64%. Có thể nói nước chính là nguồn sống của chúng ta. Cơ thể hấp thu nước qua ăn, uống, da. Tuy nhiên, nước máy chúng ta sử dụng hàng ngày chứa gỉ sét từ các đường ống dẫn nước cũ, cặn vôi lắng mà mắt thường không nhìn thấy, chất clo khử trùng nước và một số tạp chất khác... Khi chúng ta sử dụng nước máy hàng ngày cho việc nấu ăn, đun nước uống, tắm rửa..., những chất đó sẽ đi vào trong cơ thể, tích tụ lâu dần sẽ gây ra nhiều bệnh tật cho con người. Để loại bỏ gỉ sét và clo trong nước máy, phải sử dụng bộ lọc nước máy và vòi tắm có chức năng lọc nước. Đối với vôi nước, cần bộ lọc chức năng cao hơn. Tuy nhiên, các máy lọc nước thông thường không có khoáng chất (Mg, Ca, K, Na) giúp ích cho việc chăm sóc da. Aquamine Hàn Quốc đã nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm thông dụng hàng ngày có thể chăm sóc cho cả gia đình "bằng trái tim và tình yêu của người mẹ". Bình tạo nước kiềm MONY Tiêu biểu trong số đó, sản phẩm bình tạo nước kiềm MONY, máy lọc nước MONY có thể lọc và tạo nước kiềm giàu hydrogen và khoáng chất. Nước ion kiềm giàu hydro đã được kiểm chứng lâm sàng bởi các chuyên gia hàng đầu danh tiếng tại Nhật Bản trong việc cải thiện rõ rệt hệ tiêu hóa, bệnh dạ dày, chống oxy hóa… Ngày nay, nhiều người Nhật lựa chọn loại nước này như một phương thức bảo đảm sức khỏe. Các sản phẩm vòi tắm loại gỉ sét và vòi lọc Vitamin Sản phẩm vòi tắm loại bỏ gỉ sét, vòi lọc Vitamin (nhãn hiệu Vita Beauty) giúp lọc sạch gỉ sắt, clo và các tạp chất, mang lại hiệu quả chăm sóc da tuyệt vời: Làm sạch lỗ chân lông, giúp da sáng bóng, giảm kích ứng và ngứa ở da dị ứng và nhiệt gai; tăng cường trao đổi chất ở sợi tóc và dưỡng ẩm da đầu, giúp tóc mềm và suôn mượt. Miếng dán công nghệ chăm sóc da Sản phẩm miếng dán công nghệ mũi kim siêu nhỏ Llovizia Aqua và Llovizia Trouble N đưa chất dinh dưỡng da vào sâu trong da, cải thiện nếp nhăn, xử lý hiệu quả các vấn đề về da. Phương Thanh  

Đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo – Chìa khóa cho thành công của doanh nghiệp

TĐKT - Sáng 26/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam cũng các cơ quan liên quan tổ chức chương trình "Hội thảo Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo". PGS. TS Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phát biểu khai mạc Hội thảo. Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam liên tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc (đứng thứ 55/137 quốc gia), chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực. Đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực châu Á. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc. Có được các kết quả trên là nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong thời đại kỷ nguyên số. Hội thảo được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về phát triển bền vững cũng như lợi thế bền vững đến từ sự sáng tạo. Chương trình Hội thảo gồm 2 phần: "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thời đại số"; "Số hóa doanh nghiệp Việt Nam và Quốc gia khởi nghiệp".  Tại Hội thảo, các diễn giả và khách mời cùng nhau phân tích, làm rõ nhiều nội dung: Thực tế ứng dụng số hóa trong doanh nghiệp Việt Nam; những thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh doanh thay đổi, hướng dẫn cạnh tranh toàn cầu; chuyển đổi kinh doanh trong ngành công nghiệp 4.0; ứng dụng số hóa trong doanh nghiệp; quy trình chuyển đổi doanh nghiệp sang mô hình doanh nghiệp số; các xu hướng tiếp thị số làm thay đổi mô hình kinh doanh... Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là sự thay đổi liên quan tới việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động của doanh nghiệp như sản xuất, kinh doanh, kho vận, chăm sóc khách hàng, marketing… Các doanh nghiệp hiện tập trung đầu tư vào công nghệ số để tăng năng suất và tốc độ tăng trưởng. Thông qua chuyển đổi số, các doanh nghiệp, tổ chức sẽ đạt được 5 lợi ích lớn: Tăng tỷ suất lợi nhuận, tăng năng suất, giảm chi phí, tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ mới, tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ cũ và tăng lòng trung thành của khách hàng. Muốn tồn tại và phát triển trong thời đại kỷ nguyên số, doanh nghiệp phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị. Đổi mới sáng tạo đã tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hợp tác đổi mới sáng tạo, kết nối các ngành kinh tế, hình thành các chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phương Thanh – Mai Thảo

Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018: Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

TĐKT - Trung ương Hội (Liên hiệp thanh niên) LHTN vừa Việt Nam ban hành Kế hoạch số 56 – KH/TWH về việc tổ chức Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2018 với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” từ ngày 17 - 28/11/2018, đi qua 11 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 với chủ đề: Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự tham gia của 100 thanh niên, sinh viên có dự án, mô hình, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các thành viên tham gia sẽ xuất phát từ TP Hà Nội và TP Cần Thơ và đi theo 2 lộ trình: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng; đi từ Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng. Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi 2018” nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp Tại điểm xuất quân và nơi Hành trình dừng chân, sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động và sự kiện bao gồm chương trình giao lưu, tọa đàm, hội thảo tại địa phương. Đồng thời tổ chức các game thực tế: “Cùng nhau khởi nghiệp”; “Trải nghiệm một ngày làm doanh nhân”; “Sàn giao dịch ý tưởng”. Bên cạnh đó, các thành viên tham gia Hành trình sẽ được tham quan, giao lưu và trải nghiệm thực tế tại các mô hình của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu, các công ty, tập đoàn lớn tại địa phương. Đây là cơ hội để cho các starup được học hỏi, bổ sung kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; kết nối, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư từ các quỹ, các nhà đầu tư. Để tham gia Hành trình, các ứng cử viên sẽ gửi thông tin cá nhân và bài viết thuyết minh về dự án, mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo về Văn phòng Trung ương Hội LHTN Việt Nam, 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.62782663. Ngoài bì hồ sơ đề rõ: Hồ sơ tham gia Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi 2018” (có thể gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện). Hoặc gửi qua Email: hanhtrinhtoiyeutoquoctoi@gmail.com; đăng ký qua Chatbot Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”. Thời hạn nộp hồ sơ từ ngày 15/10 đến ngày 05/11/2018. Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi 2018, nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp, giúp các thành viên tham gia Hành trình có được kiến thức, sự hiểu biết và các mối quan hệ cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công. Đồng thời tạo cơ hội cho thanh niên, học sinh, sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo, áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi trong đời sống kinh doanh, hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; huy động, phối hợp, kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là sự kết nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư; phát triển và mở rộng mạng lưới khởi nghiệp với sự tham gia hoạt động tích cực, sôi nổi, hiệu quả và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cá nhân và nhóm khởi nghiệp, từ đó hình thành các câu lạc bộ khởi nghiệp tại địa phương tham gia chương trình. Thục Anh

Việt Nam đăng cai Hội nghị Tổng Cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13

TĐKT - Thực hiện nghĩa vụ thành viên trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổng cục Hải quan Việt Nam sẽ chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng Cục trưởng Hải quan tại Việt Nam, dự kiến vào tháng 10/2019. Bà Nguyễn Thị Việt Nga thông tin về một số nội dung quan trọng sẽ diễn ra tại Hội nghị Tổng Cục trưởng Hải quan tới đây Diễn đàn Hợp tác Á - Âu còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu là một diễn đàn liên khu vực được chính thức thành lập vào năm 1999 theo sáng kiến chính trị để tạo dựng mối quan hệ đối tác mới giữa châu Á và châu Âu nhằm tăng cường giao lưu và hiểu biết giữa hai châu lục. Điểm nổi bật của ASEM là đối thoại không chính thức, nhấn mạnh mối quan hệ đối tác bình đẳng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. ASEM mở ra cơ hội cho các nhà xây dựng chính sách và các quan chức thảo luận các vấn đề quan tâm chung về chính trị, kinh tế, xã hội, hỗ trợ cho công việc được thực hiện tại các diễn đàn đa phương khác như Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới. Diễn đàn ASEM đối thoại trên 3 trụ cột nòng cốt gồm chính trị, an ninh - kinh tế, văn hóa - xã hội và hợp tác hải quan trong Diễn đàn ASEM nằm trong tiến trình đối thoại an ninh - kinh tế với ưu tiên chính là bổ sung và tăng cường thực hiện hệ thống thương mại đa phương trong WTO. Cơ chế làm việc trong Diễn đàn Hải quan ASEM bao gồm nhóm công tác về hải quan họp thường niên và Hội nghị Tổng Cục trưởng Hải quan được tổ chức 2 năm một lần. Hội nghị Tổng Cục trưởng Hải quan ASEM đóng vai trò là diễn đàn định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác triển khai kế hoạch hành động theo các giai đoạn được các Tổng Cục trưởng Hải quan ASEM phê duyệt. Trong giai đoạn 2018 - 2019, kế hoạch hành động hải quan ASEM tập trung vào các biện pháp và định hướng hợp tác theo những lĩnh vực ưu tiên: Tạo thuận lợi thương mại và thủ tục hải quan; tạo thuận lợi đối với các quy trình thủ tục hải quan không giấy tờ; quản lý hải quan đối với thương mại điện tử qua biên giới; kết nối và quá cảnh; cơ chế một cửa để thông quan nhanh, quản lý rủi ro tự động và tích hợp; đấu tranh chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thực thi quản lý biên giới đối với các bưu kiện quốc tế và tầm nhìn về triển vọng ASEM. Việc triển khai thực hiện các nội dung trong kế hoạch hành động này được thực hiện chủ yếu dựa trên việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và khuyến nghị thực thi với sự hỗ trợ của các thành viên là điều phối.    Nối tiếp Kế hoạch hành động hải quan ASEM 2018 - 2019, với vai trò là nước chủ trì Hội nghị, Hải quan Việt Nam dự kiến đề xuất một số nội dung ưu tiên để đưa vào Chương trình hành động hải quan ASEM 2019 - 2020 gồm: Ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc tăng cường tích hợp, kết nối các hệ thống công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác quản lý hải quan hiệu quả; thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp; bảo vệ môi trường, xã hội, an ninh và tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng. Với nội dung ưu tiên này, Hải quan Việt Nam mong muốn các thành viên ASEM cùng trao đổi và đưa ra các đề xuất, khuyến nghị và sáng kiến trong thực hiện kết nối, tích hợp các hệ thống công nghệ thông tin nhằm thực hiện tốt vai trò quan trọng của cơ quan hải quan trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cũng như chung tay bảo vệ môi trường, xã hội và bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng để tạo thuận lợi thương mại.  Với việc chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM, Hải quan Việt Nam mong muốn góp phần tạo ra sự kết nối và hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực hải quan đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó là việc thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh trong chống khủng bố, vận chuyển hàng hóa nguy hại đến môi trường, xã hội với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi với khối lượng lớn; áp lực về duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh nhiệm vụ đạt được các thỏa thuận về nội dung ưu tiên trong kế hoạch hành động ASEM 2019 - 2020, Hải quan Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh triển khai công tác chuẩn bị về mặt lễ tân, hậu cần nhằm góp phần quảng bá văn hóa và đất nước Việt Nam đến bạn bè khu vực và quốc tế. Hồng Thiết

VIETWATER 2018: Cơ hội tiếp cận các công nghệ, thiết bị hiện đại ngành nước

TĐKT - Sáng 24/10, tại Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam phối hợp cùng Công ty UBM tổ chức họp báo Triển lãm quốc tế về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam (VIETWATER 2018). Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Cao Lại Quang và Tổng Giám đốc UBM Việt Nam BT Tee chủ trì họp báo. Họp báo Triển lãm quốc tế về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam Diễn ra từ ngày 7/11 - 9/11/2018 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), VIETWATER 2018 đánh dấu chặng đường 10 năm đồng hành cùng ngành nước Việt Nam với tổng diện tích triển lãm 13.000 m2, thu hút hơn 500 đơn vị tham gia. Sự kiện năm nay hy vọng chào đón hơn 15000 khách, các chuyên gia đầu ngành cùng nhiều hiệp hội và tổ chức đến tham quan và mở rộng kết nối giao thương tại đây. Ông BT Tee, Tổng Giám đốc UBM Việt Nam cho biết: Sự kiện năm nay thu hút 13 nhóm gian hàng quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển về ngành nước như Anh, Pháp, Bỉ, Phần Lan, Đức, Úc, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. Qua nhiều năm, VIETWATER đã khẳng định được uy tín khi số lượng đơn vị triển lãm quay lại qua các năm gia tăng, với những thương hiệu lớn: Tsurumi Pump, KSB, Haus, Tân Á Đại Thành, Tabuchi, Sawatech, Setfil, Vucico... Trong khuôn khổ triển lãm, Hội thảo quốc tế Vietwater2018 với chủ đề "Ngành nước Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" sẽ diễn ra vào sáng 8/11 với sự chủ trì của Hội Cấp thoát nước Việt Nam. Hội thảo sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vận dụng các giải pháp quản lý nước thông minh từ các diễn giả quốc tế vào việc điều hành doanh nghiệp của mình hiệu quả hơn trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Cao Lại Quang phát biểu tại họp báo Nét mới của triển lãm năm nay là giới thiệu thêm mảng công nghệ xử lý chất thải và môi trường, với kỳ vọng mang đến nhiều hơn những sản phẩm công nghệ và thiết bị ứng dụng trong ngành xử lý chất thải và môi trường: Công nghệ đốt rác phát điện của JFE từ Nhật; công nghệ sản xuất năng lượng bền vững từ chất thải của BMH (Phần Lan); công nghệ khí hóa hỗn hợp đa nhiên liệu phát điện; công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt... Hội thảo khoa học chuyên đề với tên gọi "Công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp điều kiện Việt Nam", do Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam chủ trì dưới sự phối hợp của Công ty UBM, diễn ra vào chiều 7/11. Tại đây, các chuyên gia sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm thú vị trong lĩnh vực xử lý chất thải và môi trường. Ngoài ra, với mục đích đóng góp nhiều hơn cho xã hội, bên lề triển lãm, Công ty UBM sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội nước Úc và UBND tỉnh Sơn La xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý nước sạch cho người dân nghèo tại khu vực vùng cao của tỉnh Sơn La. Điểm đặc biệt của thiết bị xử lý này chính là được thiết kế sử dụng động cơ xe đạp, không sử dụng động cơ điện như các thiết bị xử lý nước thông thường. Điều này phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân trong khu vực nông thôn, không tốn nhiều kinh phí và không tốn nhiều năng lượng. Thêm vào đó, thiết bị được đánh giá cao tính hữu dụng vào những thời điểm như thiên tai và nguồn năng lượng điện không được cung cấp. Với thiết bị xử lý nước bằng động cơ xe đạp này, sẽ có hơn 10000 lít nước sạch được mang đến cho người dân mỗi ngày. Đây là một hoạt động ý nghĩa to lớn và đóng góp nhiều lợi ích tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là những người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Phương Thanh

Trang