Kinh tế

Đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt lớn mạnh hơn

TĐKT - Nối tiếp nhiều sự kiện nổi bật như Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi, Chung kết cuộc thi khởi nghiệp Jumping to 4.0, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất tại TP Đà Nẵng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2018 có chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”. Diễn đàn đã thu hút gần 400 đại biểu thanh niên, doanh nhân trẻ, chuyên gia tham dự. Nhiều đề xuất vốn, cơ chế Về vấn đề nên có cơ chế đặc thù cho các starup, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, đại diện Nhà tài trợ Vàng của Diễn đàn chia sẻ ngân hàng rất muốn sử dụng các sản phẩm công nghệ khởi nghiệp nhưng vướng quy trình mua sắm, đầu thầu... “Vấn đề lúc này không phải là vốn, mà là thị trường, nếu cứ vướng mắc như vậy thì các starup bán sản phẩm cho ai? Ví dụ như muốn triển khai các công nghệ như vi sinh, nano, không người lái… thì bị vướng rất nhiều quy định. Thành thử, nhiều công nghệ mới, hữu ích bị từ chối vì không thể đăng ký và ứng dụng… Tôi nghĩ cần cơ chế đặc thù tháo gỡ cho cả bên mua lẫn bên bán”, ông nói. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Anh Trần Lê Văn (CEO Vexere.com) chia sẻ khó khăn tiếp cận vốn và kêu gọi đầu tư trong quá trình khởi nghiệp. Theo anh Văn, quá trình đầu tư và giải ngân vốn còn chậm. Một vòng gọi vốn kéo dài 6 tháng đến 1 năm với nhiều thủ tục giải ngân nguồn vốn. "Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi phải vay mượn để tồn tại cho đến lúc nhận được tiền nhà đầu tư. Tôi mong muốn các cơ chế, chính sách giải ngân vốn rút ngắn khoảng cách từ lúc ký kết đến lúc vốn đổ về", anh Văn bày tỏ. Bên cạnh đó, diễn đàn còn thu nhận nhiều kiến nghị đối với việc cơ chế chưa thực sự linh hoạt, nhất là trong việc tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài hay thoái vốn, chuyển nhượng vốn. Tổng Giám đốc Vina Capital Don Lam nhận định các nhà đầu tư trước khi vào đầu tư đã nghĩ đến việc rút vốn, Việt Nam cần có những cơ chế để các nhà đầu tư an tâm bỏ vốn. Ông Don Lam đề xuất việc thành lập một thị trường vốn cho startup. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện - Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) nhấn mạnh "Vì vấn đề cơ chế, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang mất đi cơ hội để có những bứt phá, để thu hút những phần đầu tư lớn hơn”. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhận định: "Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp là chạy rất nhanh, nên quan trọng nhất là tốc độ. Ta có nhiều người trẻ có khát vọng nhưng môi trường lại chưa bằng các nước hàng xóm". Đồng thời kiến nghị giải pháp tạo "đột phá" gồm mở sàn chứng khoán ASIAN cho các startup tại Việt Nam; có cơ chế phù hợp; giao một Bộ chăm sóc các doanh nghiệp. Khởi nghiệp sáng tạo là động lực đột phá Ông Vũ Duy Thức, chuyên gia từ Silicon Valey nhìn nhận yếu tố quan trọng để đột phá trong khởi nghiệp sáng tạo là nhân lực. Do đó cần phải có chương trình dạy về khởi nghiệp, sáng tạo, giúp thế hệ trẻ tiếp cận sớm. Riêng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay bên cạnh đề án 844 còn đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp. Trong đó, chú trọng đến các mục tiêu cụ thể như đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp… Tại diễn đàn này, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có sự kết nối giữa doanh nghiệp với HSSV để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, thành lập các chuỗi nghiên cứu, chuyển giao về khởi nghiệp. Ông cũng cho biết thêm Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường mở thêm các mã ngành liên quan đến lĩnh vực này. Nhìn nhận về sự đột phá, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đột phá là những gì chưa có luật lệ. Muốn có sự muốn đột phá phải có cách tiếp cận mới. Ông dẫn chứng: Chúng ta có hàng ngàn doanh nghiệp starup, vậy làm sao có đủ quỹ đầu tư thiên thần để đáp ứng được? “Lời giải là để doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp. Các công ty vừa, lớn hợp tác, đầu tư với các công ty sáng tạo, tất nhiên phải ưu tiên cho họ một số chính sách. Như vậy các starup mới có cơ hội phát triển mình”, ông nói. Ông cũng đề xuất chi tiêu Chính phủ nên tập trung vào các sản phẩm công nghệ, đặc biệt công nghệ starup. Các doanh nghiệp nhà nước cũng nên mua sắm, chi tiêu vào đây. “Khởi nghiệp muốn đột phá thì phải tính tới vấn đề toàn cầu. Tôi mong thủ tướng sớm tuyên bố Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam”, ông kỳ vọng. Hoàng Long  

Dự án Atiso Đỏ đoạt giải nhất hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi 2018”

TĐKT - Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi 2018” đã khép lại với không khí rộn ràng, tràn đầy năng lượng của hàng trăm bạn trẻ. Tại lễ tổng kết cuối tháng 11/2018 vừa qua, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận cho hơn 100 bạn trẻ tham gia hành trình, trao giải ba cho dự án “Du lịch Lạng Sơn”, giải nhì cho dự án “Trung tâm huấn luyện Game và giải nhất thuộc về dự án “Atiso đỏ” của các bạn trẻ An Giang. Anh Đặng Hoài Linh (28 tuổi) thành viên nhóm dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu chế biến và thương mại atiso đỏ tại An Giang” cho biết: “Tham gia chương trình, mình được học hỏi từ các anh chị đã thành công với những mô hình khởi nghiệp đi trước. Nghe họ chia sẻ hành trình đi từ khó khăn đến thành công, từ đó mình hiểu được khởi nghiệp thực sự khó khăn như thế nào. Đến mỗi vùng đất, mình học hỏi được nhiều điều, trang bị thêm hành trang để lập nghiệp với mô hình bền vững”. Dự án Atiso Đỏ đoạt giải nhất hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi 2018” Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi 2018” với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức cùng Nhà tài trợ chính Ngân hàng Viettinbank. Hành trình chia thành 2 đoàn xuất phát ngày 18/11 từ hai đầu cầu Hà Nội và Cần Thơ, kết thúc tại TP Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 100 thanh niên, sinh viên có dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Tại các điểm dừng chân, thành viên hành trình đã tham gia tọa đàm về các vấn đề xoay quanh chủ đề khởi nghiệp: Quản trị nguồn nhân lực trong đổi mới sáng tạo; thương mại điện tử trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam nhận định: Xuyên suốt hành trình 10 ngày, các bạn trẻ đã cùng nhau trải nghiệm văn hóa các vùng miền, tìm hiểu các thế mạnh, hạn chế của các tỉnh thành. Hơn ai hết, trong quá trình kinh doanh và phát triển ý tưởng, thị trường là quan trọng nhất, gắn liền với văn hóa tiêu dùng, với đặc điểm kinh tế, xã hội của các địa phương. Theo Ban tổ chức, hành trình giúp các bạn trẻ có thêm kiến thức, sự hiểu biết về các mối quan hệ cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công, tạo cơ hội cho thanh niên, học sinh, sinh viên, phát huy tinh thần sáng tạo, áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi trong đời sống kinh doanh. Hành trình hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư, qua đó xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thục Anh

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018

TĐKT - Vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội  Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 tại Đà Nẵng. Tới dự, có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương, cùng 250 đại biểu là các thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ với các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;  50 đại biểu là thành viên của Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp là những doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc đại diện cho hơn 300 doanh nhân trẻ trong cả nước. Vietinbank là nhà tài trợ vàng cho sự kiện. Thủ tướng ghi nhận và yêu cầu bằng mọi cách phải tìm ra giải pháp tạo đột phá để các nhà khởi nghiệp sáng tạo bắt kịp xu thế chung Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong bày tỏ hy vọng cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đề xuất, kiến nghị để Chính phủ quan tâm, có những cơ chế, chính sách cần thiết thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo đột phá trong thời gian tới. Anh Phong cho biết, hơn 2 năm kể từ khi phát động phong trào hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chúng ta đạt kết quả khích lệ bước đầu về mặt tiếp cận cơ chế chính sách và truyền thông. Nhiều thiết chế như quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từng bước được hình thành ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn nhiều vướng mắc. Thông qua diễn đàn, lãnh đạo Đoàn mong muốn các bạn thanh niên có thêm bản lĩnh, tri thức, kỹ năng, động lực và quyết tâm, học tập, rèn luyện thật tốt để tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu cho bản thân và góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, các đại biểu đối thoại với thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, các nhà đầu tư, các nhà tư vấn khởi nghiệp. Nội dung buổi đối thoại tập trung thảo luận, nhìn nhận thực trạng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong những năm qua, đánh giá từ cơ chế, chính sách tới diễn biến thực tiễn. Các đại biểu thảo luận, so sánh với hướng đi, cách làm của những quốc gia được coi là khởi nghiệp thành công để tìm những giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự bàn rõ hơn vai trò từng chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tổng hợp. Đồng thời, diễn đàn cũng kiến nghị Chính phủ những cơ chế, chính sách cần thiết để tạo sự đột phá. Đây cũng là cơ hội để thanh niên, doanh nhân trẻ có các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư, các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp… đưa ra đề xuất, sáng kiến, hiến kế. Theo kết quả của một khảo sát, ước tính Việt Nam có khoảng 1.000 dự án khởi nghiệp về công nghệ mỗi năm, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SMEs) và các mô hình khởi nghiệp (Startups). Lắng nghe kiến nghị của nhà đầu tư, startup, ý kiến từ các bộ, ngành Thủ tướng ghi nhận và yêu cầu bằng mọi cách phải tìm ra giải pháp tạo đột phá để các nhà khởi nghiệp sáng tạo bắt kịp xu thế chung. Cho rằng đã khởi nghiệp là phải dám làm, dám chấp nhận thất bại để thành công, song Thủ tướng đồng tình phải có sự vào cuộc của các bên với quyết tâm tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp sáng tạo lớn mạnh. Khẳng định cần có khung pháp lý, giải pháp thiết thực hơn cho khởi nghiệp sáng tạo, từ hạ tầng, thị trường, luật pháp với những điều kiện thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước “mạnh tay” hơn trong mỗi nhiệm vụ của mình. Cần đổi mới mạnh mẽ, tạo sân chơi cho các nhà khởi nghiệp. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tạo mọi điều kiện chính sách, môi trường để các ý tưởng khởi nghiệp thành công. Thủ tướng chỉ đạo trong tháng 12 các bộ liên quan phải có báo cáo cụ thể những giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được nêu. Hướng tháo gỡ theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, khởi tạo, chấp nhận chia sẻ một phần rủi ro với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Mai Thảo

NESCAFÉ tự hào quảng bá cà phê Việt ra thế giới

TĐKT -  Nằm trong chuỗi hoạt động phát triển và quảng bá cà phê Việt Nam ra thế giới, công ty Nestlé Việt Nam vừa tổ chức chuyến đi dành cho các phóng viên quốc tế đến thăm mô hình canh tác cà phê bền vững NESCAFÉ Plan cũng như tìm hiểu hoạt động gắn kết với nông dân, hoàn thiện chuỗi giá trị cà phê từ trang trại cà phê đến người tiêu dùng. Trong chuyến đi thực tế này, các phóng viên quốc tế lần lượt trải nghiệm quá trình những hạt cà phê Việt Nam sạch và chất lượng cao được hình thành từ vườn ươm của viện nghiên cứu hợp tác cùng Nestlé, được đưa đến tay người nông dân qua chương trình hỗ trợ tái canh cà phê và canh tác bền vững với sự hỗ trợ kỹ thuật của NESCAFÉ Plan, đồng thời tham quan nhà máy chế biến cà phê công nghệ hiện đại của Nestlé, nơi sản xuất những sản phẩm cà phê từ 100% cà phê Việt Nam cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nữ phát thanh viên đài MBC tự hào với thành quả hái quả cà phê chín dưới sự hướng dẫn của chị Nguyễn Thị Huệ, nông dân Đắk Lắk, tham gia dự án NESCAFÉ Plan từ năm 2012 Để có được nguồn cà phê sạch và chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, từ năm 2011 đến nay, công ty Nestlé Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ hàng trăm nghìn nông dân tái canh, phát triển nông nghiệp bền vững kết hợp các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị hạt cà phê Việt thông qua Chương trình NESCAFÉ Plan tại các tỉnh Tây Nguyên. Sau hơn 7 năm triển khai, NESCAFÉ Plan đã phân phối trên 27 triệu cây giống năng suất cao, kháng bệnh nhằm hỗ trợ cho nông dân tái canh trên 21.000 ha diện tích cây cà phê già cỗi. Không chỉ hỗ trợ người nông dân canh tác bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế 4C (Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê (gọi tắt là Bộ tiêu chuẩn 4C) do Hiệp hội 4C ban hành, về canh tác cà phê bền vững dựa trên một loạt các tiêu chuẩn về kinh tế, môi trường, xã hội), Chương trình NESCAFÉ Plan còn hỗ trợ người nông dân trồng cà phê nắm bắt về cách quản lý chất lượng cà phê thu hoạch, kỹ thuật thử nếm cũng như hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực nắm bắt thông tin thị trường. Các phóng viên thử nếm, đối chiếu các sản phẩm cà phê chất lượng cao sản xuất tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai Với nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam, Nestlé Việt Nam đã liên tục đầu tư dây chuyền sản xuất và chế biến hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao. Tháng 7 vừa qua, công ty đã đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất sản phẩm viên nén cà phê NESCAFÉ Dolce Gusto với công suất ban đầu khoảng 2.500 tấn cà phê/năm (tương đương 130 triệu viên) và dự kiến sẽ tăng công suất trong các năm tới. Dây chuyền này sử dụng 100% nguyên liệu là hạt cà phê chất lượng cao của Việt Nam nhằm sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người Việt và xuất khẩu đi 14 thị trường khác nhau trên toàn thế giới. Trước đó, Nestlé Việt Nam đã đầu tư nhà máy hạt cà phê khử caffeine lớn nhất khu vực châu Á tại Việt Nam cũng như phát triển dòng sản phẩm Nescafé Cà phê Việt để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Việt đến các thị trường khó tính trên thế giới. Toàn bộ các sản phẩm cà phê NESCAFÉ trong nước và xuất khẩu đều sử dụng 100% cà phê Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế 4C. Điều này phù hợp với chủ trương mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đẩy mạnh cho ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam để cải thiện tình trạng sản phẩm cà phê chế biến sâu mới chỉ chiếm 10% tổng sản lượng cà phê nhân trong cả nước. Đoàn phóng viên quốc tế thăm quan Trung tâm Thông tin NESCAFÉ vừa được đưa vào hoạt động tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai Đoàn báo chí quốc tế đã kết thúc chuyến thăm quan với kỳ vọng sẽ đem những quan sát thực tiễn và kiến thức phong phú chuyển tải đến người tiêu dùng yêu cà phê quốc tế qua những bài báo và thước phim sống động. Hoạt động truyền thông quảng bá này một lần nữa khẳng định những nỗ lực không mệt mỏi của NESCAFÉ thúc đẩy chế biến cà phê chất lượng cao trong nước và đưa thương hiệu cà phê Việt ra thế giới. Mai Thảo  

Nhận diện “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ

TĐKT - Ngày 6/12, Báo Lao Động tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến, với chủ đề: Nhận diện “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Tọa đàm được tổ chức nhằm giúp độc giả có những cái nhìn đa chiều về nội dung làm thế nào để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ tại Việt Nam hiện nay. Theo ông Khuất Việt Hùng, bất kỳ một đơn vị nào tham gia kinh doanh ở lĩnh vực nào cũng đều phải chịu sự quản lý, tuân theo các quy định trong sân chơi chung của lĩnh vực đó. Trong kinh doanh vận tải cũng vậy, các đơn vị kinh doanh như grab, uber hay taxi truyền thống đều phải tuân thủ Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, tạo nên sân chơi bình đẳng. Các đại biểu khách mời chia sẻ tại Tọa đàm Theo thống kê, mô hình kinh doanh taxi công nghệ Grab hiện có hơn 170.000 tài xế. Như vậy, vấn đề đặt ra trước mắt trong quản lý taxi công nghệ chính là quyền lợi của hơn 170.000 lái xe đang tham gia vào mô hình kinh doanh vận tải của Grab. Theo ông Hùng, việc đóng BHXH cần thực hiện theo thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp vận tải. Việc này phải có quy định ngay trong hợp đồng, việc đóng BHXH phải có từ nguồn nhất định, theo thỏa thuận giữa hai bên, có thể trích từ nguồn tài xế được hưởng mô hình taxi công nghệ Grap nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo Luật Bảo hiểm xã hội. Theo luật sư Trương Anh Tú, riêng về vấn đề lao động, Luật Lao động đã quy định rõ người lao động cho doanh nghiệp 3 tháng trở lên phải đóng BHXH. Tuy nhiên, Grab cho rằng chỉ là đơn vị chỉ kết nối giữa người mua và người bán nên không thể nộp BHXH cho tài xế. Nếu định danh Grab là người bán dịch vụ vận tải hành khách, hành khách là người mua dịch vụ của Grab và đưa ra cung đường, giá, điều tài xế đến đón khách thì người lao động (tài xế) nhất định phải được đóng BHXH. Để quản lý taxi công nghệ và tạo sân chơi bình đẳng cho các hãng taxi truyền thống, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến, Nhà nước cần đưa ra chính sách quản lý chung với hai loại hình taxi truyền thống và công nghệ, các hãng sẽ tự cạnh tranh với nhau, doanh nghiệp nào làm ăn chất lượng thì tồn tại và ngược lại. “Nếu cứ tách riêng làm hai chính sách sẽ dễ tạo sự xích mích, nghi kỵ, có tâm lý so sánh”, ông Hỷ nêu. Hưng Vũ

Ra mắt Trung tâm Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam

TĐKT - Chiều 6/12, tại Hà Nội, Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam trao Quyết định thành lập cho đại diện Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam Phát biểu tại Lễ ra mắt, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp cho biết: Kinh tế HTX, HTX được khẳng định là một trong ba trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã là tất yếu khách quan trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với kinh tế thế giới. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế đầy tiềm năng, lợi thế này. Tuy nhiên, kinh tế hợp tác, HTX ở Việt Nam chưa phát huy được sức mạnh vốn có của nó do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân chủ quan: Sự ảnh hưởng của HTX kiểu cũ dẫn đến việc người nông dân chưa mặn mà tham gia HTX. Mặt khác, do ảnh hưởng của công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhân lực trong khu vực này gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ quan: Tuổi đời cán bộ HTX thường cao, năng lực, trình độ cán bộ HTX rất hạn chế, tiếp cận với kinh tế thị trường còn chậm, phần đa còn trông chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước… dẫn đến HTX chậm phát triển và phát triển chưa phù hợp. “Do đó, việc ra đời Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.” – Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định. Trung tâm có vai trò cầu hỗ trợ các HTX trên cả nước tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ, các nhà khoa học, doanh nghiệp, tập đoàn, thông tin thị trường từng bước rút ngắn khoảng cách của các HTX với các thành phần kinh tế khác hiện nay (hỗ trợ, giúp đỡ, thành lập mới, tái cấu trúc HTX, xây dựng phương án kinh doanh, tư vấn phương án tài chính, định hướng sản xuất, định hướng tiêu thụ, xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến thị trường… cho các HTX). Nhân dịp này, Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam đã cắt băng khai trương Cửa hàng Giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản an toàn tại số 4 đường Mạc Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội. Nguyệt Hà

Thương mại nông sản Việt Nam - EU: Đối tác phát triển bền vững

TĐKT - Nhằm tăng cường kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), sáng 6/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu và Đại sứ quán một số nước thành viên tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU với chủ đề "Thương mại nông sản Việt Nam - EU: Đối tác phát triển bền vững". Quang cảnh Hội thảo Diễn đàn được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, các đại sứ quán các nước EU tại Việt Nam và gần 100 doanh nghiệp. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi với nhau về các định hướng phát triển nông sản giữa Việt Nam và EU trong tương lai, chia sẻ kinh nghiệm, phương hướng phát triển, xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường châu Âu. Các chuyên gia đến từ Anh, Pháp, Ý, Hà Lan đã chia sẻ các xu hướng thị trường tại các nước nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam cũng như kinh nghiệm phát triển nông nghiệp thông minh - một trong những chiến lược của EU. Các chuyên gia của châu Âu nhận định nông sản Việt Nam là mặt hàng rất có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU. Nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu: Hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải... Nhân dịp này, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng chia sẻ triển vọng to lớn của việc thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản giữa hai bên thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến xem xét và thông qua trong thời gian sắp tới. Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và một số địa phương phía Bắc đã có cơ hội gặp và kết nối trực tiếp với đại diện thương mại đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu và đại sứ quán các nước thành viên tại Việt Nam để trao đổi cụ thể hơn về thị trường và các cơ hội hợp tác trong tương lai. Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 768.200 tỷ đồng và tăng 4,5% so với năm 2016. Trong đó, nông nghiệp: 560.000 tỷ đồng; lâm nghiệp: 37.000 tỷ đồng; thủy sản: 171.200 tỷ đồng. Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất châu Á: Thương mại hai chiều được định giá vào khoảng 165% GDP vào năm 2017. Việt Nam đã gia nhập WTO vào tháng 1/2007 và đã ký và đang triển khai 14 FTA... Tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới và có mặt tại 180 quốc gia. Các nước EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu đạt 52,89 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2016. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Việc thực thi EVFTA là động lực lớn thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai bên trong tương lai gần. Phương Thanh

Hải quan nỗ lực thu hồi nợ đọng và triển khai thuế điện tử

TĐKT - Ngày 5/12, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã tổ chức họp báo về kết quả, các giải pháp thu ngân sách, thu hồi nợ thuế, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao và đánh giá 1 năm triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7 của ngành hải quan. Cụ thể, tổng số thu đạt 284.202 tỷ đồng, bằng 100,42% dự toán, bằng 97,00% chỉ tiêu phấn đấu. Quang cảnh họp báo Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) Lê Mạnh Hùng, số thu 11 tháng đạt tỷ lệ cao so với dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh so với dự toán và so với cùng kỳ năm 2018. Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đầu năm đạt 439,96 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 223,76 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 216,20 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước là nguyên nhân tăng thu chủ yếu. Đặc biệt, mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, do giá dầu thô tăng mạnh so với thời điểm xây dựng dự toán cùng với nhu cầu tiêu thụ tăng cũng làm tăng lượng nhập khẩu. Do đó, 11 tháng đầu năm số thu từ xăng dầu nhập khẩu tăng gần 20.000 tỷ đồng so với dự toán, tăng 3.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước 2017. Ngoài ra, với sự nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 555/CT-TCHQ về việc triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018 và giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN, chỉ tiêu thu hồi nợ cho từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố và nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết nghiệp vụ trong các lĩnh vực trị giá, phân loại, xuất xứ, quản lý nợ thuế.  Kết quả, thu hồi và xử lý nợ thuế đến 30/11/2018 đạt 1.425,7 tỷ đồng; việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra sau thông quan, giá, phân loại… đạt khoảng 2.954 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, Tổng cục Hải quan đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với 39 ngân hàng; trong đó, có 24 ngân hàng đã thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7. Đến hết tháng 11/2018, số thu thuế của ngành hải quan qua hệ thống ngân hàng phối hợp thu (thu thuế điện tử) đạt 269.990 tỷ đồng, đạt 95% tổng thu (284.202 tỷ đồng). Mặc dù đánh giá số thu NSNN năm 2018 vượt dự toán được giao, Tổng cục Hải quan vẫn tích cực đẩy mạnh các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách. Cùng đó, tăng cường thu hồi nợ thuế như tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của các chi cục trực thuộc. Đồng thời, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng tờ khai, từng doanh nghiệp nợ. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng để được áp dụng mức thuế suất thấp. Đánh giá 1 năm triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7, đến nay, có 3.235 doanh nghiệp đã thực hiện thanh toán nộp thuế điện tử 24/7; 21 ngân hàng và chi nhánh có phát sinh giao dịch đạt 14.902 tỷ đồng và 87.006 giao dịch; trong đó, có 3 ngân hàng VCB, BIDV, Vietinbank có số thu chiếm khoảng 79,1% tổng số thu nộp thuế điện tử 24/7. Tổng cục Hải quan nhận định, việc triển khai nộp thuế điện tử 24/7 là bổ sung thêm kênh thanh toán tạo thuận lợi doanh nghiệp khi thực hiện nộp tiền vào NSNN. Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp mở tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài, các doanh nghiệp lớn, mở nhiều tờ khai nộp thuế, làm thủ tục hải quan ngoài giờ làm việc. Hồng Thiết

Trong gian khó Hoa Sen vẫn tăng trưởng không ngừng

TĐKT- Toàn cảnh ngành thép năm vừa qua là một bức tranh nhiều gam màu tối, khi giá thép cán nóng liên tục biến động khó lường, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng những biện pháp phòng vệ thương mại khiến thị trường xuất khẩu gặp muôn vàn khó khăn. Xu thế này đẩy thị trường nội địa vào tình thế cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước, thêm vào đó là hàng nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn vào khiến nguồn cung vượt xa cầu. Đây là thực sự là cơn “sóng dữ” mà tất cả các doanh nghiệp ngành thép đều phải đối mặt. Điều quan trọng là họ đã làm gì để vượt qua cơn sóng dữ đó. Hoa Sen vốn được biết đến như “người khổng lồ” trong ngành tôn thép Việt. Trong những ngày qua Hoa Sen đã được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện báo chí truyền thông. Tuy nhiên, ít người biết và hiểu về cuộc chiến tăng trưởng sản lượng và giữ vững thị phần của Hoa Sen. Tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm nợ vay tối đa Vấn đề nợ vay đã trở thành đề tài nóng. Song chúng ta cần có cái nhìn thấu đáo về cơ cấu và sử dụng hợp lý các khoản vay trong cơ chế thị trường đầy biến động như hiện nay. Trong vòng 3 năm qua, nắm bắt cơ hội vay với lãi suất thấp, Tập đoàn Hoa Sen đã  tích cực đầu tư xây dựng các nhà máy mới trên toàn quốc và mở rộng hệ thống chi nhánh phân phối bán lẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, Hoa Sen đã đầu tư và đưa vào hoạt động 11 nhà máy trên cả nước. Chính nhờ việc đầu tư mở rộng sản xuất, công suất của các nhà máy Hoa Sen được nâng lên gấp đôi từ 1,2 triệu tấn/năm vào năm 2015 đến khi hoàn tất đầu tư đạt mức 2,5 triệu tấn/năm, trở thành công ty có nhiều nhà máy với công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Việc đầu tư nhà máy tại cả 3 miền Bắc – Trung – Nam đã giúp cho Tập đoàn Hoa Sen giảm được chi phí vận chuyển, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu khách hàng, từ đó tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Song song với việc đầu tư nhà máy, Tập đoàn Hoa Sen đã thực hiện chiến lược mở rộng hệ thống chi nhánh phân phối bán lẻ trên toàn quốc. Hiện tại, tập đoàn Hoa Sen đang sở hữu gần 500 chi nhánh trên cả nước, tăng gấp 2,5 lần so với con số 190 chi nhánh vào năm 2015. Tuy nhiên, đầu tư luôn đi đôi với việc chi phí nợ vay tăng lên. Trong bối cảnh Chính phủ đang áp dụng những biện pháp siết chăt tín dụng, trong thời gần đây, Tập đoàn Hoa Sen đã tập trung giảm mạnh chi phí nợ vay, với những “chiến lược thần tốc”.   Tập đoàn Hoa Sen hiện đang nắm giữ thị phần tôn số 1 Việt Nam Nhằm giải quyết một cách hiệu quả về tài chính, Lãnh đạo Tập đoàn đã đưa ra những chính sách cụ thể và thiết thực. Thứ nhất: Giảm hàng tồn kho về định mức tối thiểu. Thứ hai: Giảm chi phí bán hàng bằng cách tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh, tối ưu hóa chi phí hoạt động của từng chi nhánh, tạm dừng việc mở thêm các chi nhánh mới. Thứ ba: Tinh gọn bộ máy nhân sự, đưa vào vận hành thành công hệ thống ERP đã tiết giảm chi phí nhân sự, quản lý bộ máy doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp. Thứ tư: Thu gọn các dự án đầu tư trái ngành bằng việc quyết định tạm dừng và chấm dứt đầu tư các dự án bất động sản như:  Dự án Khu du lịch sinh thái đầm Vân Hội, Yên Bái; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Hội Vân, Bình Định,…Chuyển nhượng dự kiến đầu tư bất động sản tại đường Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Long B, Quận 9, TP. HCM với giá có lãi… Bằng những động thái tích cực, trong thời gian rất ngắn (hơn 1 tháng) Tập đoàn Hoa Sen đã giảm nợ vay hơn 3.140 tỷ đồng. Đây là một con số ấn tượng chứng tỏ được sự nhanh nhạy và quyết liệt của Hoa Sen trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh .   Năm 2018, Hiệp hội thép Đông Nam Á đã chọn NM Tôn Hoa Sen Phú Mỹ là địa điểm làm việc và thăm quan duy nhất trong ngành tôn tại Việt Nam Tăng sản lượng, duy trì thị phần, giữ vững vị thế dẫn đầu Trong hoàn cảnh những cơn “sóng dữ” dồn dập đổ xuống thị trường tôn thép, Hoa Sen vẫn chèo lái con thuyền doanh nghiệp đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam 09 tháng đầu năm 2018, thị phần tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen chiếm 35,2%, sản lượng tăng gần 100 ngàn tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả NĐTC 2017-2018 Tập đoàn Hoa Sen đã khẳng định sự tăng trưởng không ngừng: Sản lượng đã vượt mốc 1,8 triệu tấn, doanh thu đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng, trong đó mức tăng trưởng lần lượt là 13% và 32% so với niên độ trước. Điều đáng chú ý là cả doanh thu nội địa và doanh thu xuất khẩu đều tăng trưởng vượt bậc. Trong đó doanh thu nội địa đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng ( tăng 34%), doanh thu xuất khẩu đạt hơn 538 triệu USD, (tăng 27%). Lợi nhuận sau thuế của trong niên độ vừa qua đạt 410 tỷ đồng. Trong bối cảnh ngành thép đối mặt với những thách thức lớn trên cả hai “mặt trận”:  thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu thì doanh nghiệp cần phải linh hoạt ứng phó với những khó khăn đó. Tăng trưởng doanh thu và sản lượng là chiến lược cần thiết để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.   Tiên phong nghiên cứu sản phẩm mới, Ống kẽm nhúng nóng Hoa Sen chính thức có mặt trên thị trường từ tháng 5/2018 Riêng đối với mặt hàng ống thép, Tập đoàn Hoa Sen trong nhiều năm liền vẫn giữ vững vị trí thứ hai trong ngành, chiếm 17,8% thị phần. Sản lượng ống thép của Tập đoàn tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.. “Vua tôn thép” phát triển thành công ở ngành nhựa Với vị thế vững chắc trong ngành tôn thép, hơn 10 năm nay, Tập đoàn Hoa Sen đã bước chân vào ngành sản xuất và kinh doanh ống nhựa, vươn lên trở thành một trong 03 doanh nghiệp dẫn đầu ngành. Hiện tại sản lượng ống nhựa tăng trưởng đáng kể đạt tới 5.000 tấn/tháng, chất lượng sản phẩm cao đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng trên cả nước. Hiện tại, Tập đoàn Hoa Sen đang sản xuất và kinh doanh 3 loại sản phẩm ống nhựa chính: uPVC, HDPE, PPR và đầy đủ các loại phụ kiện đi kèm. Đặc biệt, Tập đoàn Hoa Sen có các nhà máy sản xuất ống nhựa tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam được đầu tư hệ thống máy móc thiết bị đồng bộ, cho ra những sản phẩm chất lượng cao, ổn định nên có thể giảm được chi phí vận chuyển, giảm giá bán, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của khách hàng theo từng khu vực.   Sản lượng Ống nhựa Hoa Sen tháng 11/2018 đạt mốc 5.000 tấn/ tháng Bức tranh ngành thép năm 2018 có nhiều gam màu tối nhưng xen lẫn vào đó vẫn là những điểm sáng đáng kể của những doanh nghiệp đầu ngành đã nỗ lực vượt “sóng dữ” để gặt hái được những thành công. Phần lớn những thành công đó là do đội ngũ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, năng động và bản lĩnh cùng với đội ngũ nhân sự tinh nhuệ và sáng tạo. Bước sang niên độ mới, con thuyền doanh nghiệp ấy chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn của thị trường. Tuy nhiên với những chiến lược và kế sách cụ thể, phù hợp cho từng khu vực bao gồm cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, chúng ta có thể hy vọng bức tranh ngành thép trong năm tới sẽ tươi sáng hơn. Thuỳ Dung – Trần Lê

Công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của EVN

TĐKT – Chiều 30/11, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức họp báo Công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo báo cáo năm 2017, sản lượng điện thương phẩm của EVN thực hiện là 174,65 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,24%, thấp hơn 0,36% so với kế hoạch và thấp hơn 0,33% so với tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2016 (7,57%). Quang cảnh buổi họp báo Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 là 291.278,46 tỷ đồng, giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 là 1.667,77 đ/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Chi phí sản xuất, kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2017 là 289.954,78 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.660,19 đ/kWh. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện trong năm 2017 là 4.115,76 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2017 EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện các năm trước cũng chưa được tính vào giá điện. Việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp: Báo cáo chi phí và giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của EVN do kiểm toán độc lập - Công ty TNHH Deloitte Việt Nam kiểm toán; báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện thông qua kiểm tra chọn mẫu; tài liệu do các đơn vị được kiểm tra cung cấp theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.  EVN chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính trung thực của các số liệu báo cáo cho Đoàn kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện. Việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 không bao gồm thanh kiểm tra việc chấp hành của EVN đối với các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản, các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp, các quy định về đầu tư, đấu thầu xây dựng công trình điện và mua sắm, thanh lý thiết bị. Khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan, chi phí/giá thành sản xuất, kinh doanh điện sẽ được hiệu chỉnh tương ứng. Tại buổi họp báo, chia sẻ về những khó khăn, thách thức của việc cung ứng điện trong năm 2019, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc phụ trách EVN cho biết: Để bảo đảm đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ năm 2019, cần thực hiện nhiều giải pháp: Tuyên truyền tiết kiện điện, giải pháp với các doanh nghiệp trong việc chủ động điều hành lịch sản xuất nhằm san tải và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đại diện EVN cũng kiến nghị các giải pháp nhằm huy động, đấu nối hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo góp phần bảo đảm việc cung ứng điện trong thời gian tới. Thục Anh

Trang