Hà Nội thi đua ái quốc

Biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện xây dựng "Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân"

TĐKT - Sáng 4/9, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội phối hợp với Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện xây dựng "Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân". Tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho 3 tập thể, cá nhân Nhằm động viên công nhân, lao động (CNLĐ) tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn dân cư, tạo điều kiện để CNLĐ an tâm sinh sống, học tập và công tác, năm 2012, Liên đoàn Lao động và Công an thành phố phối hợp chỉ đạo triển khai Hướng dẫn số 1036-HD/LĐLĐ-CA ngày 11/7/2012 xây dựng mô hình tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân trên địa bàn thành phố... Qua 5 năm triển khai mô hình đã khẳng định bước đầu việc xây dựng tổ tự quản là một hình thức tập hợp CNLĐ trong tình hình mới, góp phần tích cực trong việc tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền, công đoàn, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của công nhân, nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của công nhân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, hạn chế xảy ra các vụ lộn xộn, gây mất trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Thông qua hoạt động mô hình các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, các cấp công đoàn Thủ đô đã tích cực phối hợp cùng với công an và các ngành chức năng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục CNLĐ các khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố đi đầu trong thực hiện các đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thi đua lao động, sản xuất, đóng góp tích cực cho sự phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đồng thời tích cực tham gia thực hiện nghĩa vụ nơi tạm trú, tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. 5 năm qua, 2012 - 2017, toàn thành phố đã xây dựng được 92 tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân với trên 20.000 CNLĐ tham gia. 100% các tổ đã xây dựng được “Quy ước tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”,  nhiều tổ đã xây dựng được lịch sinh hoạt tổ hàng tháng, quý. Các tổ tự quản đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở, góp phần trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, 5 năm qua, các tổ tự quản đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, giải quyết tốt các vụ việc phát sinh ở cơ sở. Số vụ việc được các tổ tự quản tham gia hòa giải, giải quyết tại cơ sở: 155 vụ việc; số vụ phạm pháp hình sự các tổ tự quản cung cấp thông tin, góp phần điều tra, làm rõ: 35 vụ. Đặc biệt, trên địa bàn có một số điểm tranh chấp đất đai, vi phạm trật tự xây dựng… có tính chất phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm, thu hút sự chú ý của nhân dân. Các tổ tự quản đã chủ động phối hợp, tuyên truyền vận động nhân dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Trong những năm qua, đã vận động thành công các hộ gia đình bàn giao đất, tránh được việc cưỡng chế tốn kém và có thể gây phát sinh phức tạp.. Bên cạnh đó, LĐLĐ các quận, huyện đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an huyện, xã và các tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phát động xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phát động phong trào CNLĐ tham gia phát hiện và tố giác tội phạm, thông báo tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn, nâng cao tinh thần cảnh giác của công nhân lao động trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm, góp phần ổn định tư tưởng CNLĐ, yên tâm lao động, sản xuất…. Thời gian tới, LĐLĐ quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện Hướng dẫn số 1036-HD/LĐLĐ-CA ngày 11/7/2012 của LĐLĐ - Công an TP Hà Nội về xây dựng mô hình tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân trên địa bàn thành phố. Tập trung triển khai xây dựng nhân rộng mô hình tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân trên địa bàn thành phố, đặc biệt trên địa bàn các khu công nghiệp và chế xuất, khu công nghiệp tập trung. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền và công an cùng cấp và hệ thống chính trị xã hội ở cơ sở, xây dựng cơ chế phối hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đơn vị, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cho CNLĐ.  Nhân dịp này, 2 tập thể, cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen; 2 tập thể, cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen; 3 tập thể, cá nhân được UBND TP tặng Bằng khen; 21 tập thể, cá nhân được LĐLĐ TP khen thưởng. Mai Thảo  

Cụm thi đua số 4 (TP Hà Nội): Biểu dương 50 gương người tốt, việc tốt

TĐKT - Ngày 30/8, Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội phối hợp với Cụm Thi đua số 4 (Cụm Thi đua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội) tổ chức Chương trình giao lưu toạ đàm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Người là niềm tin”. Các cá nhân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019 tại buổi giao lưu Chương trình giao lưu là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019); đồng thời là dịp để cán bộ, đảng viên, hội viên và người lao động trong các đoàn thể thành phố tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, thi đua làm nhiều việc tốt, góp phần thiết thực xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Nghinh, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh thành phố, Cụm trưởng Cụm thi đua số 4 cho biết: Cụ thể hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm, các đơn vị trong Cụm thi đua số 4 đã xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Mỗi đơn vị thuộc Cụm đều có những phong trào thi đua rộng rãi và hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí các cấp hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Cụ thể: Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, vận động ủng hộ “Quỹ vì biển đảo”, ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững. Liên đoàn Lao động TP Hà Nội với chương trình “Tết Sum vầy”, tổ chức “Xe đưa công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở xa về quê đón Tết”; quyết định hỗ trợ 95 mái ấm công đoàn; chuỗi hoạt động Tháng công nhân… Hội Cựu chiến binh thành phố với phong trào “Cựu chiến binh Thủ đô gương mẫu, hành động, hiệu quả”, “Cựu chiến binh dân vận khéo”… Hội Nông dân tiếp tục phát triển 3 phong trào thi đua trọng tâm “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hội phụ nữ với phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”; Thành đoàn Hà Nội với phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”… Tại chương trình, 6 tấm gương, người tốt, việc tốt tiêu biểu từ các đơn vị thuộc Cụm thi đua số 4 đã cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, việc làm tốt của mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, thanh lịch, xứng đáng với danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Đó là tấm gương ông Trần Quân Bảo, Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Văn Miếu, quận Đống Đa, dù ở tuổi 85 nhưng không ngừng phấn đấu sống và làm việc theo gương của Bác từ những việc nhỏ thiết thực nhất, tích cực tham gia giáo dục thế hệ trẻ. Bà Lâm Thị Hiệu, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Tân Xuân 3, Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, học theo Bác tư tưởng “lấy dân làm gốc”, luôn kề vai sát cánh với người dân, lắng nghe ý kiến, bàn bạc với dân trong mọi việc. Bằng sự chân thành, gần gũi với nhân dân, bà đã đồng cảm và chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện để nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, thoát nghèo. Đồng thời, vận động nhân dân bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Công nhân Nguyễn Văn Định, Công ty TNHH Kỹ thuật chính xác Ngọc Đức, luôn đổi mới, sáng tạo, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho công ty. Không những vậy, anh còn truyền đạt, hướng dẫn nhiều công nhân mới về kỹ năng tay nghề… Dịp này, 50 cá nhân tiêu biểu thuộc Cụm thi đua số 4 đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2019. Phát biểu tại buổi giao lưu, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến biểu dương những thành tích, những việc làm tốt của những cá nhân tiêu biểu được khen thưởng lần này. Đồng chí tin tưởng rằng các cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương hôm nay sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, không ngừng nỗ lực phấn đấu để gặt hái thêm nhiều thành tích; là hạt nhân để nhân rộng thêm nhiều điển hình tiên tiến tiêu biểu, xứng đáng là tấm gương để mọi người noi theo.  Mai Thảo

Khẳng định vai trò của Đảng trong phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

TĐKT - Sáng 29/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 - CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội. Tới dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng. Qua 5 năm triển khai, Chỉ thị số 40 – CT/TW đã được quán triệt, phổ biến rộng rãi, được cấp ủy Đảng các cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản gắn với các cơ chế đặc thù của TP Hà Nội. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn, nhận thức rõ hơn về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội cũng như tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội  cho 15 tập thể, 13 cá nhân có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 40 Chỉ thị 40 đã huy động, tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị xã hội các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đã thực sự vào cuộc tích cực, qua đó góp phần triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Nội đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, an toàn, chất lượng và hiệu quả. Qua 5 năm, Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội và đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay, toàn thành phố đang quản lý và triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ cho vay đến 30/6/2019 đạt 7.913 tỷ đồng, tăng 3.192 tỷ đồng so với năm 2014, với tổng số 487 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Đáng chú ý, dư nợ cho vay nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đến 30/6/2019 đạt 2.817 tỷ đồng, với gần 81 nghìn khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 36% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho 10 tập thể, 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 40 Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai thực hiện đến 100% xã, phường, thị trấn của thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi, kịp thời. Nguồn vốn giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã giúp cho trên 487 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó có gần 170 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần giúp cho 57 nghìn hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo; cho vay gần 170 nghìn lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 186 nghìn lao động; giúp cho trên 17 nghìn lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, cho vay xây dựng mới và cải tạo gần 250 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây mới, sửa chữa cải tạo 3906 căn nhà cho hộ nghèo. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của thành phố, hiện nay, đã có trên 18 huyện, thị xã và 325 trên 386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đồng thời, vốn tín dụng chính sách góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, đầy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, thay đổi nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả hơn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ghi nhận những nỗ lực trong triển khai thực hiện Chỉ thị 40, tại Hội nghị, 10 tập thể, 9 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc đã được tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; 15 tập thể, 13 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Kết quả đạt được trong 5 năm qua đã khẳng định Chỉ thị 40 là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước đề ra. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội nghị Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đồng chí cũng đề nghị phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, hiệu quả triển khai thực hiện của chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Gắn việc thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội lồng ghép với thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân; với phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen” gây mất ổn định xã hội. Mai Thảo

Huyện Thường Tín (TP Hà Nội) đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

TĐKT - Sáng 28/8, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Thường Tín (TP Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” trên địa bàn huyện. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự và phát biểu. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho cán bộ và nhân dân huyện Thường Tín Thường Tín là địa danh có từ rất sớm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long. Vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều mối giao thông huyết mạch tạo nên thế mạnh cho Thường Tín phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh nhưng đồng thời cũng là trọng điểm đánh phá của địch trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 18/8/1945, nhân dân Thường Tín đã vùng lên đấu tranh giành chính quyền. Ngày 23/9/1945, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào cách mạng ở Thường Tín. Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, huyện Thường Tín đã đóng góp nhiều công sức vào chiến thắng của đất nước. Toàn huyện có 2.058 người con lên đường nhập ngũ, hàng vạn thanh niên tham gia dân quân, du kích. Trong đó, 898 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, 116 chiến sĩ bị thương, 1.458 gia đình cách mạng, 1.020 cá nhân được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến và 5 xã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt, ngày 4/1/2002, huyện Thường Tín vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì có thành tích xuất sắc trong kháng chiến thực dân Pháp. Tiếp tục công cuộc bảo vệ đất nước, trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ (1965 - 1975), toàn huyện đã tổ chức 32 đợt tuyển quân, qua đó, có 14.586 thanh niên nhập ngũ, 1.055 người tham gia thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến; 1.835 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh và 905 chiến sĩ đã gửi lại một phần máu thịt nơi chiến trường và gần 3.000 chiến sĩ bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Hòa bình lập lại, Đảng bộ huyện Thường Tín đã cùng nhân dân vượt qua các khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã thu được nhiều thành quả quan trọng. Đến tháng 6/2019, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 9.160 tỷ đồng, đạt 53,2% kế hoạch năm; tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 642 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển khá, toàn huyện có 48 làng nghề, 10 cụm công nghiệp và gần 180 doanh nghiệp, hàng nghìn hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Tổng giá trị thương mại - dịch vụ đạt 5.510 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch năm. Các xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho năng suất và giá trị kinh tế cao. Huyện đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn, hoa quả, nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung. Thực hiện chương trình Quốc gia về xây dựng NTM, Chương trình số 02 của Thành ủy, đến nay, toàn huyện đã có 24 xã đạt chuẩn NTM và đang nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2019 có thêm 4 xã trở thành xã NTM, phấn đấu đến 2020 trở thành huyện NTM. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Nguyễn Tiến Minh Ghi nhận những thành tích đã đạt được của đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín, tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất tặng huyện và Huân chương Lao động hạng Ba tặng ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ghi nhận và biểu dương các kết quả huyện Thường Tín đã đạt được. Để kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân có những bước phát triển mới, vững chắc hơn, xứng đáng với truyền thống của huyện, đồng chí đề nghị Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín tiếp tục phát huy những thành quả mà nhiều thế hệ đã xây dựng lên. Đồng thời, phải tận dụng và phát huy tốt hơn nữa những thế mạnh, tiềm năng, nguồn lực của địa phương, xây dựng kế hoạch hợp lý trong phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, trong hệ thống chính trị để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mai Thảo

Cụm Thi đua số 7 (TP Hà Nội) giao lưu điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt

TĐKT - Ngày 27/8, Cụm Thi đua số 7 (bao gồm các Sở: Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa và Thể thao; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu với các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề “Những bông hoa trong vườn Bác”. Đây là hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các cá nhân điển hình tiên tiến Tại buổi giao lưu, 6 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, đại diện cho hàng trăm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt thuộc các đơn vị trong Cụm thi đua số 7 đã cùng nhau giao lưu, chia sẻ về những việc làm tốt của mình. Đó là câu chuyện của bà Đào Thị Huyền - Trưởng phòng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội; ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc công ty Lữ hành và Dịch vụ Quốc tế Ánh Dương và ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam, những doanh nhân trách nhiệm với xã hội và cộng đồng… Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua số 7 cho biết, ngay từ đầu năm nay, các đơn vị trong Cụm thi đua đã xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua với nhiều cách làm hay, sáng tạo; mỗi đơn vị thuộc Cụm thi đua số 7 đều có những phong trào thi đua phù hợp với đặc thù của đơn vị. Tiêu biểu, Sở Du lịch Hà Nội năm 2019 đã triển khai cuộc thi phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến để nhân rộng gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong toàn ngành; tiếp tục triển khai mô hình “Mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực về du lịch Hà Nội”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”… Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì các phong trào thi đua do thành phố phát động như: Phong trào thi đua thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị”; duy trì hiệu quả Mô hình phục vụ trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa theo phương châm “3 không, 4 luôn”... Thông qua các phong trào thi đua đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong đời sống hàng ngày. Mỗi năm, từng đơn vị đều đã có hàng trăm gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt được biểu dương, khen thưởng cấp Sở; có từ 3 - 10 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu được thành phố khen thưởng. Nhân dịp này, UBND TP Hà Nội đã khen thưởng 12 cá nhân điển hình tiêu biểu thuộc Cụm thi đua số 7. Thục Anh

Gần 30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở Thủ đô

TĐKT - Trong khi nhiều người chọn cuộc sống an nhàn để thụ hưởng tuổi già và vui vầy bên con cháu thì bà Trương Thị Hội Tố– Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ quận Thanh Xuân lại chọn cho mình công việc tư vấn, khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Không lương, cũng không có chế độ đãi ngộ và thậm chí còn phải tự trích lương hưu để duy trì công việc thiện nguyện, nhưng với tình yêu thương con người, bà đã sống và làm việc theo đúng lời dạy của Bác: “Lương y như từ mẫu” suốt gần 30 năm nay.   Bác sĩ Trương Thị Hội Tố Chúng tôi tìm đến phòng khám bệnh và tư vấn miễn phí nằm trên ngõ 119 đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai vào buổi sáng sớm thứ hai đầu tuần. Dù đồng hồ mới điểm 7h45 nhưng căn phòng khám rộng chừng 20 m2 đã nhộn nhịp tiếng cười nói, hỏi han của các bác sĩ đầu tóc bạc phơ và những người bệnh đã cao tuổi. Xịch xịch, chiếc xe máy chở một cụ già có mái tóc cũng đã bạc phơ dừng lại trước sân. Từ từ bước xuống, một tay bà chống gậy, 1 tay vịn vào vai cô hội viên Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát, lê bước đi nặng nề. Giấu nét mặt nhăn nhó do bị đôi chân đau hành hạ, bà bước vào phòng khám với những câu chào hỏi rôm rả và nở nụ cười hồn hậu, làm cho không khí căn phòng trở nên ấm và thân thiện với tất cả những người đang có mặt ở đây. Ông Vũ Hồng Hưởng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát giới thiệu: Đó là bác sĩ Trương Thị Hội Tố, chủ nhân của phòng khám từ thiện này. Năm nay đã gần 90 tuổi rồi, nhưng gần 30 năm nay, thứ 2 tuần nào cũng vậy, không kể trời mưa rét hay gió nóng, bà đều thuê xe ôm từ nhà (quận Thanh Xuân) đến đây cùng với các “đồng nghiệp tóc trắng” khác khám bệnh và tư vấn miễn phí cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu... đa phần già yếu và có hoàn cảnh khó khăn trong phường cũng như các khu vực lân cận. Bác sĩ Trương Thị Hội Tố đang tư vấn cho bệnh nhân tại phòng khám Bà Tố vốn là một người phụ nữ kiên cường và giàu lòng nhân hậu. Cuộc đời của bà sớm phải chịu nhiều mất mát, đau thương khi có 2 người chồng đều là liệt sĩ trong chiến tranh, một mình bà âm thầm chịu đựng khổ đau, vất vả nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Tuy vậy, bà luôn cố gắng phấn đấu, từng làm Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Nam Định rồi làm chuyên gia y tế nhiều năm ở Cộng hòa Ăng-gô-la. Năm 1992, khi được Nhà nước cho nghỉ chế độ, bỏ qua mọi lời mời làm thêm từ các cơ sở y tế với mức lương hấp dẫn, bà dành thời gian tham gia xây dựng phong trào ở Hội Chữ thập đỏ quận Hai Bà Trưng. Nhớ lời Bác Hồ dạy “Cán bộ, hội viên chữ thập đỏ phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”, bác sĩ Trương Thị Hội Tố đã dùng chuyên môn của mình thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa. Bà cùng với một số bác sĩ về hưu rủ nhau đạp xe hàng chục cây số đi khám, chữa bệnh lưu động miễn phí cho những người nghèo, người cao tuổi, cựu chiến binh, gia đình chính sách, gia đình neo đơn, quả phụ… Ban đầu là những hoàn cảnh trên địa bàn quận, sau dần mở rộng ra cả những quận, huyện khác. Những lần đến gần với các bệnh nhân, bà cảm nhận rõ nỗi nhọc nhằn của những người khó khăn khi mắc phải bệnh tật, bà ước ao sẽ có một phòng khám từ thiện riêng với đầy đủ trang thiết bị, để là địa chỉ tin cậy cho các bệnh nhân nghèo tìm đến chữa bệnh. Nghĩ rồi làm, bà Tố thuyết phục, vận động trước hết là những bác sĩ trong nhóm; sau đó là các cán bộ y tế, bác sĩ về hưu chung tay xây dựng phòng khám từ thiện. Gặp được y tá Lê Thị Sóc đang công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn tâm đầu ý hợp, họ đã cùng đứng ra xây dựng phòng khám. Vừa ngồi phân loại từng túi thuốc khác nhau, bà Lê Thị Sóc vừa bồi hồi nhớ lại những buổi ban đầu khó khăn: Nói là xây dựng phòng khám nhưng để tìm được địa điểm quả thật không dễ dàng ở giữa Thủ đô tấc đất, tấc vàng. Phải trải qua 7 lần thay đổi địa điểm, lúc thì mượn nhà dân, lúc thì mượn trụ sở của phường Giáp  Bát, sau này, mới được Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát tạo điều kiện cho đặt phòng khám nhỏ tại chính trụ sở của Hội nên ổn định cho đến nay. Trong khi đó, đa phần các bác sĩ làm việc cho phòng khám là những người có kinh nghiệm, được nhiều nơi mời mọc với ưu đãi cao.  Nhưng nhờ sự động viên của bà Tố, họ đều tích cực làm việc thiện vì bà con nghèo.  “Để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động của phòng khám, chúng tôi đã tự đóng góp, kêu gọi con cháu trong gia đình ủng hộ và nhờ các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Tôi và bà Tố hàng tháng vẫn phải trích từ lương hưu của mình để ủng hộ thêm tiền để bệnh nhân mua thuốc uống. Bây giờ, nhà bà Tố chuyển đến quận Thanh Xuân, ở xa phòng khám, nhưng mỗi tuần 2 lần, bất kể trời mưa gió, nắng nóng, bà Tố đều đến phòng khám đúng giờ” - Bà Lê Thị Sóc cho biết. Còn bác sĩ Nguyễn Văn Đức vừa khám xong cho bệnh nhân thứ 5, ông tranh thủ uống ngụm nước chè rồi hào hứng chia sẻ: Được biết, phòng khám trước đây có nhiều bác sĩ kinh nghiệm làm việc nhưng vì tuổi cao, sức yếu, có người đã mất, có người phải nghỉ vì bệnh nặng, nên khi được bà Tố vận động, tôi cũng mong muốn đóng góp sức mình vào sự nghiệp chữa bệnh cho người nghèo. Tôi gắn bó với phòng khám mới được hơn 4 năm nay, nhưng tôi thấy thực sự ý nghĩa, đây không chỉ nơi lan tỏa tình yêu thương giữa người với người của những vị thầy thuốc chân chính mà còn giúp mình cải thiện và nâng cao trình độ chuyên môn sau khi về hưu. Hiện nay, phòng khám có 3 người làm việc chính cùng 2 dược sĩ cao cấp luôn hỗ trợ kịp thời khi có yêu cầu từ các bác sĩ. Trung bình mỗi tháng, phòng khám từ thiện có tới 100 bệnh nhân. Phòng khám không chỉ là địa chỉ khám, tư vấn bệnh cho nhiều người mà hơn thế nữa, đây còn là nơi tâm tình, bầu bạn cho những người già có cùng hoàn cảnh với nhau cần được tôn trọng, sẻ chia Trải qua 27 năm làm công tác khám và tư vấn sức khỏe miễn phí, bà Tố cùng các đồng nghiệp của mình đã giúp đỡ không ít những trường hợp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh éo le, không đủ điều kiện đi khám, chữa bệnh ở những bệnh viện lớn. Bà Vũ Thị Bích Dần, một bệnh nhân thường xuyên tìm đến để tư vấn thuốc và khám bệnh nhiều năm tại đây cho biết: “Tôi luôn mong muốn phòng khám được duy trì và phát triển hơn nữa để những người già có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được thăm khám bệnh thường xuyên. Phòng khám tuy có quy mô nhỏ nhưng chứa chan tình người. Nó không chỉ là địa chỉ khám, chữa bệnh cho nhiều người và hơn thế nữa, đây còn là nơi tâm tình, bầu bạn cho những người già có cùng hoàn cảnh với nhau cần được tôn trọng, sẻ chia”. Được biết, bên cạnh việc khám bệnh cứu người, bà Tố còn tích cực vận động cán bộ, hội viên ủng hộ hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương, hỗ trợ ủng hộ xây dựng cầu dân sinh vượt lũ “Cầu tràn Cốc Lụ” tại Hà Giang. Cùng với đó, bà cũng ủng hộ thuốc cấp miễn phí cho phòng khám nhân đạo Hội Chữ thập đỏ quận, ủng hộ quỹ nhân đạo; vận động người thân trong gia đình mỗi năm nhận nuôi dưỡng thường xuyên 3 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 15 triệu đồng. Tổng trị giá hàng năm bà vận động ủng hộ nhân đạo trên 60 triệu đồng. Hy vọng rằng, với tấm lòng thơm thảo của những lương y từ mẫu, bác sĩ Trương Thị Hội Tố và những “đồng nghiệp tóc trắng” sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chăm sóc người bệnh, tiếp tục góp những viên gạch hồng, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp. Mai Thảo

Quận Hai Bà Trưng biểu dương người tốt, việc tốt năm 2019

TĐKT - Sáng 22/8, quận Hai Bà Trưng tổ chức Hội nghị biểu dương “Người tốt, việc tốt”, tổng kết đợt thi đua kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 20 năm Hà Nội được công nhận “Thành phố vì hòa bình”. Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng tới dự. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp”, năm 2019, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của quận tiếp tục có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng và mọi tầng lớp nhân dân. Quận đã xây dựng cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” không bao gồm thành tích cộng dồn, trùng với thành tích công tác năm hoặc tổng kết chuyên đề thi đua, thành tích đột xuất trong công tác và thực hiện nhiệm vụ được giao. Quy trình xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cũng giảm thủ tục theo hướng đơn giản hóa thành phần hồ sơ, nhằm động viên kịp thời hơn. Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong phát biểu tại Hội nghị Đặc biệt, cuộc thi “Viết về gương ĐHTT, NTVT” năm nay tiếp tục được triển khai hiệu quả. Từ gần 300 bài dự thi, Ban Tổ chức đã đề nghị UBND quận khen thưởng 21 cá nhân gương ĐHTT được phát hiện qua cuộc thi, 17 cá nhân tích cực tham gia cuộc thi và 487 cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019. Ngoài ra, trong 22 bài dự thi gửi thành phố, có 13 gương điển hình được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố, 1 cá nhân đang thực hiện quy trình xét công nhận “Công dân Thủ đô ưu tú”. Vì vậy, không khí thi đua sôi nỏi, rộng khắp diễn ra trên khắp các lĩnh vực đời sống xã hội; xuất hiện nhiều tấm gương người tốt với nhiều việc làm đáng trân trọng, nhiều tấm gương thầm lặng đang ngày đêm cống hiến... Tặng Giấy khen của UBND quận cho 10 cá nhân tích cực tham gia cuộc thi Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và chính quyền các cấp; hướng các phong trào vào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng năng lực quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.  Bên cạnh đó, các phong trào thi đua cần triển khai thiết thực, hiệu quả, thi đua lao động giỏi, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, tạo môi trường và động lực phát triển; tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào “chung sức xây dựng nông thôn mới”, xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Song song với đó, đẩy mạnh thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào trên lĩnh vực giáo dục, khoa học - công nghệ, y tế, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa…, đảm bảo thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tại Hội nghị, 13 cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố được tặng Bằng khen; 10 cá nhân “Người tốt, việc tốt” cấp quận và10 cá nhân tích cực tham gia cuộc thi “Viết về gương ĐHTT, NTVT” được tặng Giấy khen của UBND quận. Thục Anh

Bông hoa đẹp ở thị trấn Vân Đình

TĐKT – Xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, từ nhỏ đã chịu nhiều thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng với nghị lực sống, không chịu khuất phục trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào, người phụ nữ trẻ tuổi Mỹ Duyên (sinh năm 1990) ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội đã nỗ lực học tập và phấn đấu trở thành một nữ doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp; có tấm lòng nhân ái, luôn sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời cơ cực ở quê hương. Cô gái giàu nghị lực… Tìm đến không gian làm đẹp Mỹ Duyên Spa ở thị trấn Vân Đình vào một ngày nắng nóng, oi bức lên đến gần 40 độ C, nhưng không khí như dịu lại khi chúng tôi chứng kiến cô gái trẻ Mỹ Duyên đang miệt mài soi da và nhẹ nhàng tư vấn cho một nam thanh niên ăn mặc rất giản dị. Chúng tôi nghe Duyên bảo với khách rằng: Nhớ học thật tốt nhé, khi nào kiếm được tiền thì chị lấy tiền thuốc. Rồi cô dúi vào tay cậu thanh niên ấy một liệu trình thuốc sử dụng trong vòng 6 tháng. Vừa rót nước mời chúng tôi, Duyên vừa tâm sự: Chàng thanh niên đó chính là Nguyễn Hữu Nguyên, từng là học sinh lớp 11A3, trường THPT Ứng Hòa A. Cách đây 3 năm, em từng bị mụn nước mọc chằng chịt trên mặt, đến nỗi không dám ngẩng lên nói chuyện với ai, thiếu tự tin khi đến lớp. Hai mẹ con họ đã dắt nhau đến Mỹ Duyên Spa để được tư vấn về cách điều trị, nhưng họ đã lặng lẽ ra về vì gia cảnh quá nghèo. Biết được điều đó, chính Duyên đã đồng ý chữa trị miễn phí cho em ấy. Đến nay, sau 3 năm, khuôn mặt của cậu bé đã gần như sạch mụn, cậu đã tự tin giao tiếp và trở thành một sinh viên đại học năng động. Vì muốn chia sẻ gánh nặng nuôi con ăn học với người mẹ già của Nguyên nên hiện tại Duyên vẫn tiếp tục hỗ trợ chăm sóc da định kỳ miễn phí cho em. Được biết, không chỉ Nguyên mà nhiều bạn trẻ gặp vấn đề về da, Duyên cũng sẵn sàng giúp đỡ bằng các hoạt động thiết thực: Chữa mụn miễn phí cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn, giảm giá 50% cho các khách hàng là học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, với những người bị bỏng, Duyên luôn cố gắng giúp đỡ họ bằng cách phát thuốc miễn phí để họ tự chữa trị tại nhà… Mỹ Duyên chụp ảnh cùng cậu sinh viên nghèo Nguyễn Hữu Nguyên sau thời gian được chăm sóc, hồi phục làn da. Tâm sự với chúng tôi, người phụ nữ mới gần 30 tuổi đời nhưng vô cùng chín chắn kể rằng, cuộc đời cô từng chịu nhiều cay đắng. Do hoàn cảnh gia đình ly tán nên từ nhỏ Duyên đã thiếu hơi ấm và bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Ở cùng với ông bà ngoại đã già yếu lại không có điều kiện kinh tế nên trong cuộc sống, mọi thứ muốn có được với cô đều không dễ dàng, phải xuất phát từ chính sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của bản thân. Nhưng có lẽ chính hoàn cảnh đó đã tạo nên một Mỹ Duyên bản lĩnh và mạnh mẽ. Cô học rất giỏi, trở thành thủ khoa cả đầu ra và đầu vào của chuyên ngành Chèo và Kịch nói, khoa Quản lý văn hóa, trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Tuy nhiên, xin việc đúng với chuyên ngành mình học quả thật không dễ dàng. Tạm gác ước mơ tuổi  trẻ, Duyên theo mẹ đẻ vào miền Nam để kiếm sống. Không xin được việc làm như mong muốn cô phải đi làm thuê các công việc như: Bán hàng thuê tại các khu chợ, bán mỹ phẩm thuê cho các cửa hàng, siêu thị rồi xin vào học và làm tại các cơ sở làm đẹp để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Vốn thông minh nhanh nhẹn lại chịu khó, Duyên học hỏi được nhiều điều bổ ích, nhất là những kinh nghiệm, kiến thức về nghành làm đẹp. Năm 2014, với những khoản tiền dành dụm được khi đi làm, Duyên trở về quê hương Ứng Hòa mở một cơ sở làm đẹp nho nhỏ của riêng mình. Bằng cái tâm trong nghề nghiệp cùng với sự chịu khó nghiên cứu các phương pháp làm đẹp an toàn, hiệu quả, Duyên đã giúp rất nhiều khách hàng lấy lại vẻ đẹp và sự tự tin trong cuộc sống. Thương hiệu Mỹ Duyên - vua trị mụn bằng phương pháp “Nuôi da từ gốc”  được nhiều người dân xa gần tìm đến. Để không ngừng nâng cao tay nghề của mình, cô đã tham gia các khóa học chăm sóc và trị liệu về da. Hàng tháng, Duyên đều cập nhật các kiến thức mới để giúp khách hàng thêm tin tưởng vào chuyên môn của mình. Bên cạnh đó, Duyên còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho hàng trăm, nghìn người về làm đẹp bằng các sản phẩm “Nuôi da từ gốc” tự nhiên, an toàn. …và có tấm lòng nhân hậu Trải qua nỗi vất vả khó khăn, hơn ai hết Duyên hiểu rõ sự bế tắc của những số phận không may mắn, nghèo khổ. Đó cũng là lúc cô cảm nhận được hết giá trị của sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ từ những tấm lòng nhân hậu. Từ đó, Duyên quyết định trong 1 tháng tùy theo thu nhập, dành ra 1 phần nhỏ, có thể 5 triệu 10 triệu hoặc nhiều hơn để làm từ thiện. Dù thường xuyên bận rộn với công việc tại spa và những hội thảo lớn nhưng hễ có thời gian hay tìm hiểu được có tổ chức hoạt động từ thiện, nhất là ở huyện nhà, Duyên lại thu xếp để chung tay cùng mọi người góp một phần nhỏ vào công việc thiện nguyện. Mỹ Duyên (ở giữa) cùng nhân viên tại cơ sở làm đẹp Mỹ Duyên Spa Từ năm 2014, Duyên đã cùng một số đơn vị như: Hội Chữ thập đỏ thị trấn Vân Đình, Ban chỉ đạo các cuộc vận động: Cuộc vận động quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì trẻ  em, CLB tình nguyện “Kết nối trái tim”… thường xuyên giúp đỡ cho những mảnh éo le kém may mắn. Tháng 8/2018, sau đợt mưa bão kéo dài, trên địa bàn thị trấn Vân Đình có một số gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn bị ngập úng gây thiệt hại. Với tấm lòng tương thân, tương ái, Duyên đã tham gia ủng hộ 10.000.000 đ và một số lương thực, đồ dùng thiết yếu trợ giúp các gia đình trong lúc khó khăn. Năm 2019, khi được biết UBND thị trấn Vân Đình phát động phong trào ủng hộ quỹ Tết vì người nghèo và xây nhà chữ thập đỏ, Duyên đã tham gia ủng hộ 15.000.000 đ giúp người nghèo có được một cái tết đầm ấm. Đồng thời, cơ sở Mỹ Duyên Spa của cô hiện tại còn tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ của huyện Ứng Hòa không có điều kiện học đại học bằng cách: Nhận họ về spa của mình học việc với mức lương từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Đây vừa là cách tạo điều kiện cho lao động tại địa phương có thêm thu nhập, vừa hướng dẫn, dạy nghề để họ có thể tự kiếm tiền bằng chính năng lực của mình. Tuy đã làm được nhiều việc có ý nghĩa nhưng với bản tính giản dị, không vì mục đích làm từ thiện để phô trương, quảng cáo cho công việc của mình, Duyên thường không thích nói quá nhiều về bản thân và hạn chế chia sẻ những công việc thiện nguyện của mình trên mạng xã hội. Chị Bùi Thị Thúy – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Vân Đình cho biết: “Chị Duyên luôn là người nhiệt tình tiên phong ủng hộ các phong trào từ thiện của địa phương. Không những thế, để nhân rộng công tác từ thiện, chị còn kêu gọi, vận động các đồng nghiệp, bạn bè và khách hàng của mình cùng tham gia, góp phần chăm lo tạo điều kiện giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn sớm vượt lên hòa nhập với cuộc sống”. Từ những việc làm ý nghĩa đó, Mỹ Duyên trở thành một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên, có tấm lòng nhân ái, bao la; là bông hoa đẹp trong vườn hoa “từ thiện”, giúp cho xã hội thêm tốt đẹp, gắn kết mỗi con người ngày càng gắn bó, thân ái và đoàn kết với nhau hơn. Mai Thảo

Quận Bắc Từ Liêm: Biểu dương 10 điển hình trong phòng chống tội phạm

TĐKT - Ngày 17/8, quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) tổ chức tuyên dương 10 gương điển hình tiên tiến trong phong trào phòng, chống tội phạm năm 2019. Năm nay là năm đầu tiên quận Bắc Từ Liêm tổ chức bình chọn, tuyên dương 10 gương điển hình tiên tiến trong phong trào phòng, chống tội phạm. Đây là 10 cá nhân có thành tích thực sự xuất sắc, tiêu biểu, mưu trí, dũng cảm, không ngại khó khăn, nguy hiểm phối hợp, giúp đỡ tích cực cho lực lượng Công an trong công tác đấu tranh chống tội phạm trên địa bàn quận. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng lãnh đạo Bộ Công an trao thưởng cho 10 gương điển hình tiên tiến. Thời gian qua, quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo Công an quận triển khai hơn 2.000 thư mời toàn dân tham gia tố giác tội phạm, thiết lập 14 hệ thống đường dây nóng của Công an quận và phường, rà soát củng cố trên 5.500 biển cảnh báo phòng ngừa tội phạm, củng cố hệ thống hòm thư tố giác tội phạm. Triển khai thí điểm kênh tương tác thông tin giữa lực lượng công an với quần chúng nhân dân thông qua việc thiết lập các nhóm facebook, zalo; tổ chức hội thi tuyên truyền ma túy bằng hình thức sân khấu hóa cho 13 phường. Mở 52 buổi tuyên truyền, huấn luyện phòng cháy chữa cháy cho 2.000 người tham dự; hướng dẫn trực tiếp 300 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận thực tập phương án chữa cháy, góp phần phòng ngừa, hạn chế cháy nổ, giảm thiệt hại về người và tài sản của người dân. Công tác xây dựng thế trận an ninh liên hoàn, trong từng tổ dân phố, cụm dân cư, từng cơ quan doanh nghiệp đã được thực hiện hiệu quả. Nhiều mô hình hoạt động thiết thực linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của quận như: Khu chung cư, tổ dân phố, cơ quan, trường học an toàn về an ninh trật tự; tuyến phố tự quản về an ninh trật tự; tự quản nhà thuê trọ; nhóm, ngõ tự quản...  Các mô hình, chuyên đề phù hợp đối tượng, lứa tuổi được triển khai trong các nhà trường, đoàn thanh niên: Đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường và tuyên truyền luật lệ an toàn giao thông... hay các mô hình cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư đã thực sự phát huy tác dụng. Các gương điển hình giao lưu tại lê tuyên dương. Trong 6 tháng đầu năm 2019, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an 434 đơn thư, tin báo tố giác tội phạm, giúp điều tra xác minh làm rộ 246 vụ việc. Trong đó, ra quyết định khởi tố 161vụ, 217 đối tượng và tham gia phối hợp đấu tranh, truy bắt 28 đối tượng truy nã…. Thông qua thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã xuất hiện nhiều quần chúng không sợ nguy hiểm, dũng cảm tham gia bắt tội phạm. Nhiều tấm gương tận tình cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi cải tạo tiến bộ, sống hoàn lương, hòa nhập với cộng đồng. Nhiều vụ việc phức tạp về an ninh trật tự được nhân dân tìm cách hóa giải, không để xảy ra điểm nóng, nhiều tập thể và cá nhân có thành tích trong phòng, chống tội phạm được khen thưởng. Hưng Vũ  

Bệnh viện Tim Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Ngày 17/8, Bệnh viện Tim Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và kỷ niệm 15 năm hoạt động, phát triển (2004 - 2019). Bệnh viện Tim Hà Nội được thành lập ngày 15/11/2001 theo Quyết định số 6863/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội, trên cơ sở tổ chức lại Bệnh viện Hoàn Kiếm. Ngày 19/8/2004, Bệnh viện Tim Hà Nội được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động. Sau 15 năm hoạt động và phát triển, với tôn chỉ và mục tiêu “Vì một trái tim khỏe”, phương châm 3TH “Bệnh viện thân thiện - dịch vụ thuận tiện - nhân viên thanh lịch”, Bệnh viện Tim Hà Nội đã xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, quy mô 380 giường bệnh với 5 mũi nhọn chuyên môn: Phẫu thuật tim mạch, can thiệp tim mạch, tim mạch nội khoa, tim mạch nhi khoa và tim mạch chuyển hóa. Đến nay, bệnh viện đã có 5 trung tâm, 37 khoa phòng, đơn nguyên với đội ngũ 687 cán bộ, nhân viên cùng các chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành tim mạch, làm việc với tiêu chí 3H “Head - Hand - Heart” - trí tuệ từ khối óc, kỹ năng từ đôi tay và lương tâm từ trái tim người thầy thuốc. Số lượng bệnh nhân đến với bệnh viện ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2005, bệnh viện mới tiếp nhận 11.370 lượt bệnh nhân đến khám, thì đến năm 2018 đã tăng lên gần 355.000 lượt bệnh nhân (gấp hơn 30 lần) và số người điều trị nội trú cũng tăng gấp hơn 13 lần so với trước… Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã trao Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ 2 cho tập thể Bệnh viện Tim Hà Nội và Huân chương Lao động hạng Ba cho Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện. Đặc biệt, từ một bệnh viện chuyên khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội đã được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối về chuyên ngành tim mạch. Tính đến nay, bệnh viện đã mang kỹ thuật can thiệp tim mạch tới hơn 20 bệnh viện trên toàn quốc. Hầu hết các đơn vị được Bệnh viện Tim Hà Nội giúp đỡ hỗ trợ đào tạo chuyên môn đều có tăng trưởng nhanh và tạo được niềm tin đối với lãnh đạo cũng như người dân tại các địa phương. Qua đó, giúp cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị nội khoa, thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch…, nhất là “giữ chân” được bệnh nhân tim mạch không phải chuyển lên tuyến trên. Với khát vọng vươn xa, Bệnh viện đang tiếp tục phát triển, kết nối và lan tỏa thương hiệu ra cả các nước trong khu vực, đưa bệnh viện phát triển vươn xa hơn nữa. Tới đây, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng có kế hoạch xây dựng một khu điều trị hiện đại 21 tầng, quy mô 500 giường bệnh tại cơ sở 2 để đáp ứng nhu cầu phát triển và khám, chữa bệnh của nhân dân. Ghi nhận những đóng góp của Bệnh viện, tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã trao Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ 2 cho tập thể Bệnh viện Tim Hà Nội và Huân chương Lao động hạng Ba cho Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện. Mai Thảo

Trang