Cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của TP Hà Nội
TĐKT - Ngày 23/7, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Hà Nội”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản chủ trì Hội thảo. Hội thảo tổ chức nhằm phân tích, đánh giá kết quả chỉ số PAPI của TP Hà Nội giai đoạn từ năm 2011 (năm đầu tiên áp dụng trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước) đến năm 2018 trên các trục nội dung: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Quang cảnh hội thảo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, qua hơn 30 năm đổi mới, Hà Nội đang dần trở thành một siêu đô thị phát triển nhanh, năng động của khu vực và thế giới, là điểm đến thân thiện, là nơi kinh doanh thành công của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước bởi những tiềm năng, lợi thế riêng có. Trong quá trình xây dựng, phát triển, chỉ số PAPI của Hà Nội là vấn đề được đặc biệt quan tâm để có các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của thành phố trong thời gian tới. Lãnh đạo thành phố luôn lắng nghe, cầu thị; mong muốn các đại biểu dự Hội thảo chỉ rõ tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và hiến kế cho thành phố nhằm cải thiện Chỉ số PAPI trong thời gian tới. Nhấn mạnh chỉ số PAPI của Hà Nội tuy đã được cải thiện qua mỗi năm, nhưng nhiều đại biểu nhận định, Hà Nội vẫn là địa phương trong nhóm các tỉnh, thành phố có thứ tự xếp hạng thấp nhất cả nước (năm 2018 xếp thứ 56/63). Theo đó, điểm và vị trí xếp hạng của Hà Nội đối với chỉ số PAR Index (chỉ số cải cách hành chính) và PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) có biến đổi rất rõ theo chiều hướng tích cực trong những năm qua nhưng chỉ số PAPI (cả ở điểm số và vị trí xếp hạng) thì biến đổi rất chậm, chỉ 3 năm gần đây mới có khá hơn một chút. Điều đó có nghĩa là việc điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh và công tác cải cách hành chính của chính quyền thành phố được đánh giá ngày càng tốt hơn nhưng hiệu quả quản trị và hành chính công của chính quyền thành phố (thông qua chỉ số PAPI) thì chưa được người dân ghi nhận và đánh giá tốt. Chuyên gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Đỗ Thị Thanh Huyền quan tâm đến nội dung “trách nhiệm giải trình với người dân” hay nội dung “quản trị môi trường” (đạt 3,58 điểm) của Hà Nội còn chưa đạt điểm cao. Mặc dù UBND thành phố đã chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao chất lượng bộ phận "một cửa"; lập nhiều đoàn thanh tra công vụ kiểm tra đột xuất và theo vụ việc.., song điểm công khai, minh bạch cũng đạt mức trung bình thấp -5,09 điểm. Để cải thiện các con số này, thành phố cần xây dựng và phát triển chính quyền điện tử ở tất cả các cấp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tư duy của cán bộ, công chức. Các đại biểu cũng lưu ý, chỉ số PAPI hình thành dựa trên ý kiến đánh giá từ phía người dân với tư cách là đối tượng phục vụ của bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chưa hiểu rõ về chỉ số này để tập trung khắc phục những chỉ số thành phần còn thấp. Do vậy, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong việc cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI. La GiangHà Nội thi đua ái quốc
TĐKT - Thực hiện phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, đến ngày 22/7, Hà Nội đã vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt trên 30,6 tỷ đồng (138,4% kế hoạch). Đó là thông tin được đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội đưa ra tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 23/7.
Theo số liệu thống kê đến ngày 22/7/2019, ngoài vận động hơn 30 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố còn tặng 4.038 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí 5.001 triệu đồng, đạt 152,7% so với kế hoạch; tu sửa, nâng cấp 86 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 55.003 triệu đồng, đạt 132,3% so với kế hoạch; trích ngân sách địa phương, vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 365 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí 15.803 triệu đồng, đạt 139,3% kế hoạch (trong đó: 204 nhà xây mới, 161 nhà sửa chữa); 167 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng.
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin với báo chí về các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công.
Thành phố cũng đã tổ chức đoàn đại biểu đi thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ nơi có nhiều liệt sĩ Hà Nội đang yên nghỉ như: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Tân Biên, tỉnh Tây Ninh; nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, tỉnh Điện Biên và nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Trị.
Tiếp đó, dự kiến ngày 26/7/2019, được sự ủy quyền của UBND thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức lễ dâng hương tại 3 nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch, nghĩa trang liệt sĩ Nhổn và nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồii nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Từ ngày 23/7 - 25/7/2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham gia phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019.
Ngoài kết quả triển khai thực hiện các hoạt động hướng tới kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019) của UBND các quận, huyện, thị xã; các Sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố cũng đã có những hoạt động thiết thực nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh như: Vận động cán bộ, nhân viên, người lao động ủng hộ Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa của thành phố; phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có công; tổ chức thăm hỏi tặng quà đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và gia đình liệt sĩ, tổ chức hội nghị gặp mặt người có công tiêu biểu...
Mai Thảo
Liên đoàn Lao động quận Ba Đình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
TĐKT - Sáng 23/7, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Ba Đình, TP Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 90 thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ hai). Đại diện lãnh đạo LĐLĐ quận Ba Đình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất Phát huy truyền thống 90 năm lịch sử vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam, Công đoàn quận Ba Đình đã tổ chức, triển khai nhiều hoạt động và đạt được các kết quả nổi bật. Tổ chức Công đoàn quận đã làm tốt công tác nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc phát sinh của công nhân, viên chức, lao động ở cơ sở, bảo đảm mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa về lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Chủ động tham gia giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với lao động tại các cơ sở, đảm bảo việc làm và các quyền lợi cho hàng ngàn lao động. Chú trọng nâng cao chất lượng thương lượng của việc ký kết thỏa ước lao động tập thể, góp phần cụ thể hóa các quy định của pháp luật với các điều khoản có lợi hơn cho người lao động, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của đơn vị… Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức công đoàn có thỏa ước lao động tập thể giai đoạn 2008 - 2012 đạt 38%, đến năm 2013 - 2018 đạt 60%. Trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, hàng năm, LĐLĐ quận đã phối hợp với UBND quận tổ chức hội nghị tập huấn và phổ biến thực hiện quy chế dân chủ cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn cơ sở để phối hợp tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), hội nghị người lao động (NLĐ) tại cơ sở, đồng thời tổ chức các cuộc kiểm tra, hướng dẫn người sử dụng lao động và NLĐ để nắm bắt diễn biễn, tình hình tư tưởng, giải quyết những kiến nghị, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đoàn viên và NLĐ. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin giữa NLĐ với chính quyền, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Cùng với đó, nhiều năm qua, LĐLĐ quận còn quan tâm chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động; tuyên truyền giáo dục nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tổ chức các phong trào thi đua phấn đấu đạt danh nghiệu “Công nhân giỏi”, phong trào đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, sáng kiến - sáng tạo; xanh, sạch, đẹp; người tốt, việc tốt… Từ năm 2008 - 2018, toàn quận có hơn 1.000 hội thi lao động giỏi các cấp, các doanh nghiệp cũng xét chọn được hơn 10.000 “Công nhân giỏi”, có hơn 700 công nhân giỏi được tôn vinh; 902 gia đình tiêu biểu được khen thưởng cấp quận, 45 gia đình tiêu biểu cấp thành phố, 40.235 lượt nữ công nhân, viên chức “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, 1.020 cá nhân được khen thưởng Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua, “Người tốt - việc tốt”, giáo viên dạy giỏi… Trải qua 58 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, CNVCLĐ và cán bộ đoàn viên Công đoàn quận Ba Đình đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất. Tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, LĐLĐ quận Ba Đình được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2). Đây là kết quả của sự đoàn kết, tâm huyết, chung sức đồng lòng của các thế hệ cán bộ đoàn viên CNVCLĐ quận Ba Đình. Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Trọng, Chủ tịch LĐLĐ quận Ba Đình kêu gọi toàn thể cán bộ đoàn viên CNVCLĐ tiếp tục quyết tâm vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ về tổ chức và phương thức hoạt động, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Ba Đình lần thứ XXV. Hưng VũLiên đoàn Lao động quận Hoàng Mai đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
TĐKT - Ngày 23/7, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàng Mai, TP Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/219) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đại diện LĐLĐ quận Hoàng Mai đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy Hoàng Mai, sự chỉ đạo của LĐLĐ TP Hà Nội…, kể từ khi thành lập đến nay, LĐLĐ quận Hoàng Mai đã trải qua 4 kỳ đại hội, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên. Hiện nay, toàn quận có 343 công đoàn cơ sở (CĐCS) với gần 20.000 đoàn viên. Cùng với việc duy trì tổ chức và nâng cao chất lượng các hoạt động, LĐLĐ quận Hoàng Mai thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức và tổ chức nhiều hoạt động đêm lại hiệu quả thiết thực như: Chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CĐCS”, “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”… Đặc biệt, các cấp Công đoàn quận luôn coi trọng công tác cán bộ, xác định đây là điều kiện tiên quyết giúp tổ chức công đoàn duy trì, phát triển bền vững. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương chủ tịch CĐCS tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm, luôn năng động sáng tạo… Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, LĐLĐ quận Hoàng Mai đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào đúng dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam. Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai Bùi Thị Ngọc Thủy khẳng định: “Những thành tựu, phần thưởng cao quý mà LĐLĐ quận Hoàng Mai đạt được, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Quận ủy, LĐLĐ thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các phòng, ngành, các cấp chính ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể doanh nghiệp và sự quyết tâm, nỗ lự bền bỉ, tinh thần trách nhiệm cao của các thế hệ cán bộ, công chức, đoàn viên công đoàn trong quận. Ban Thường vụ LĐLĐ quận tin tưởng rằng, mỗi CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn quận tự hào với chặng đường cách mạng vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam 90 năm qua sẽ hướng tới tương lai với những quyết tâm mới, nỗ lực mới, xác định rõ trách nhiệm của mình, ra sức phấn đấu, góp phần xây dựng quận Hoàng Mai và Thủ đô ngày càng giàu đẹp”. Cũng tại lễ kỷ niệm, LĐLĐ quận Hoàng Mai đã biểu dương 37 chủ tịch CĐCS tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thời gian qua. Thục AnhTĐKT - Hoạt động tại địa bàn Thủ đô không ngừng phát triển với mật độ dân số đông, lưu lượng phương tiện giao thông lớn khiến nhiệm vụ của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội càng trở nên nặng nề, đòi hỏi cao hơn tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu của tập thể Sở. Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Sở cũng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Bộ GTVT. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, sự chủ động, sáng tạo cùng quyết tâm cao của đội ngũ nhân sự cũng là những yếu tố giúp Sở hoàn thành tốt trọng trách được giao.
Nhận thức rõ việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng đóng vai trò quan trọng, Sở đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) bằng những nội dung, hình thức phong phú, hấp dẫn. Cụ thể: Tổ chức hội nghị; trưng bày ảnh tại trường học; thông tin trên 8 bảng LED tại khu vực bến xe, điểm trung chuyển xe buýt; tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ qua hệ thống loa phát thanh tại các nút giao thông trọng điểm; phát sóng video kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho nhạn nhân tai nạn giao thông…
Ông Đỗ Nga Việt - Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”
Trong thời gian qua, Sở luôn tích cực tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở đã hoàn thiện dự thảo Quy chế “Quản lý hoạt động kinh doanh taxi trên địa bàn thành phố”, dự thảo Quyết định mức chi hỗ trợ giá vé tháng đối với người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông; đề cương dự toán Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”… Các tham mưu xây dựng kế hoạch, quy hoạch, đề án chuyên ngành của Sở vừa cụ thể hóa định hướng phát triển vừa phù hợp với đặc thù của Thủ đô.
Ra quân xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông
Hướng tới mục tiêu tạo dựng diện mạo giao thông Hà Nội ngày càng đồng bộ, hiện đại, Sở đã dành sự quan tâm lớn cho công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay, Sở đã hoàn thiện, trình Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt dự án Cải tạo, sửa chữa tuyến đường Nguyễn Trãi - quận Thanh Xuân, đường Trần Phú - quận Hà Đông, đường Quang Trung - quận Hà Đông; hoàn thiện trình UBND thành phố xem xét phê duyệt tiêu chí kỹ thuật và phương án lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác quản lý đảm bảo ATGT, an ninh trật tự đô thị trên địa bàn các quận thuộc TP Hà Nội; dự án đầu tư hệ thống nhà chờ xe buýt và biển quảng cáo trên dải phân cách giữa tại 12 quận nội thành theo hình thức hợp đồng BOO…
Chốt trực, phân luồng đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Nhằm bảo đảm trật tự ATGT, Sở đã phối hợp với các lực lượng chức năng bố trí chốt trực phân luồng hướng dẫn giao thông, chống ùn tắc thường xuyên tại 92 vị trí có nguy cơ cao trong các giờ cao điểm; sắp xếp điểm trông giữ phương tiện tại các sự kiện lớn; tổ chức giao thông phục vụ thi công các dự án trọng điểm; bổ sung biển báo, gờ giảm tốc, điều chỉnh chu kỳ đến đối với các điểm đen về tai nạn giao thông, đến nay đã khắc phục 15/21 điểm đen về tai nạn giao thông.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, 6/33 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm đã được xử lý như: Láng - Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Khang - Cầu 361, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ…
Hệ thống hạ tầng giao thông được duy tu, sửa chữa kịp thời. Sở đã lắp đặt thiết bị rada tại nút giao thông Trung Kính - Mạc Thái Tổ và Phạm Văn Bạch - Dương Đình Nghệ để thu thập thông tin tín hiệu tại các nút giao thông điển hình phù hợp với việc điều khiển tín hiệu giao thông thông minh, đa chiều.
Từ ngày 01/01/2019 đến ngày 19/6/2019 đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 9.891 trường hợp đối với các lĩnh vực vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, đường thủy nội địa, trật tự đô thị (phạt 22.974.660.000 đồng, tạm giữ 140 phương tiện, tước giấy phép lái xe (GPLX) có thời hạn 962 trường hợp, tước có thời hạn phù hiệu và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của 144 phương tiện).
Việc quản lý vận tải, phương tiện và người lái được tăng cường. Hoạt động vận tải từng bước đi vào nền nếp; chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Tính đến nay, toàn thành phố có 123 tuyến xe buýt với sản lượng vận tải 6 tháng đầu năm đạt hơn 2,9 lượt xe, trên 202 triệu lượt khách; điều chỉnh được 134/410 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh chạy qua Hà Nội; thí điểm 6 điểm dừng đón trả khách cho xe taxi. Công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe và đăng kiểm xe cơ giới chặt chẽ, đúng quy định, 6 tháng đầu năm đã tổ chức 696 kỳ sát hạch (mô tô: 371 kỳ, ô tô: 325 kỳ), cấp mới 85.641 GPLX, cấp đổi 29.951 GPLX.
Đằng sau thành công của Sở GTVT TP Hà Nội phải kể đến sự sáng suốt, tài tình của lãnh đạo Sở cùng tinh thần đoàn kết, nỗ lực của tập thể. Ngay từ đầu năm, Sở đã giao nhiệm vụ cho từng cá nhân đồng thời áp dụng nhiều biện pháp cải tiến lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều phong trào thi đua đã được phát động, tạo không khí sôi nổi, khích lệ mỗi cá nhân sáng tạo trong mọi mặt công tác.
Trên nền tảng là những thành quả đã đạt được, tập thể Sở GTVT thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Thu Phương
TĐKT - Sáng 22/7, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 90 thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2019) và tuyên dương 90 chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu.
Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội; Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đặng Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách LĐLĐ TP Hà Nội.
Đồng chí Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ
Đây là cơ hội để những người làm công tác công đoàn nhìn lại chặng đường 90 năm xây dựng và phát triển của Công đoàn Thủ đô – tổ chức thể hiện rõ tinh thần dũng cảm và lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng của dân tộc. Đó là kết quả của sự nhiệt huyết, tận tâm, tận lực của đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức lao động Thủ đô trong suốt thời gian qua.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách LĐLĐ TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết: 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động Công đoàn Thủ đô đã có những bước phát triển với nhiều đổi mới, nổi bật.
Các cấp công đoàn đã làm tốt công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thông qua việc chủ động triển khai tuyên truyền phổ biến, quán triệt các bộ luật lao động, luật công đoàn… đến công nhân, lao động (CNLĐ) và chủ sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức đối thoại giữa công đoàn - người sử dụng lao động - CNLĐ; giữa lãnh đạo thành phố với CNLĐ, chủ doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; giải quyết kịp thời các vụ đình công lãn công, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp…
Công đoàn các cấp còn tích cực triển khai, vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tích cực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn hoá công nghiệp”, xây dựng “Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá” góp phần nâng cao tác phong công nghiệp, nếp sống văn hoá, văn minh trong giao tiếp, ứng xử của CNVCLĐ, thực hiện năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị TP Hà Nội”. Tổ chức sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, "Sáng kiến sáng tạo Thủ đô", góp phần vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương vàtThành phố.
Với những thành tích đã đạt được trong 90 năm xây dựng và trưởng thành, tổ chức Công đoàn Hà Nội đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập vào năm 1998 và Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 2008; Huân chương Độc lập hạng Nhất vào năm 2018. Hàng nghìn cán bộ công đoàn, công đoàn cơ sở đã vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND thành phố và LĐLĐ TP Hà Nội.
Đồng chí cũng hy vọng rằng: Mỗi công nhân, viên chức, lao động, đoàn viên công đoàn Thủ đô sẽ quyết tâm và nỗ lực hơn nữa để xác định rõ nhiệm vụ của mình, ra sức phấn đấu góp phần cùng nhân dân Thủ đô hoàn thành tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2015 – 2020, thực hiện thắng lơị các chương trình công tác lớn của Thành ủy, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng thời, tạo đà cho sự phát triển của Thủ đô trong những năm tới, ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.
Nhân dịp này, LĐLĐ TP Hà Nội đã tuyên dương 90 chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu của Thủ đô vì có những đóng góp tích cực trong công tác công đoàn và phong trào CNVCLĐ trong thời gian qua.
Các Chủ tịch Công đoàn tiêu biểu được vinh danh tại Lễ kỷ niệm
Thay mặt cho 90 đồng chí được tuyên dương là chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu thành phố, đồng chí Phạm Thị Vân Hương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đã phát biểu ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và bày tỏ những nguyện vọng để công tác đoàn cơ sở ngày một hiệu quả hơn.
Tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội mong muốn: Công đoàn các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động toàn thể đoàn viên, CNVCLĐ các đơn vị học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, kiến thức pháp luật để phấn đấu hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đề ra, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; có các giải pháp thiết thực, chuẩn bị tốt nguồn lực và đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) để có phương pháp hoạt động phù hợp trong điều kiện mới...
Mai Thảo
Giao lưu cùng gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt Cụm thi đua số 10 TP Hà Nội
TĐKT - Ngày 16/7, tại UBND huyện Sóc Sơn, Cụm thi đua số 10 (gồm các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Mê Linh và Sóc Sơn) phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề “Tự hào thành phố vì hòa bình". Tới dự có các đồng chí: Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội; Đinh Việt Thắng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội; Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn; Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn và 75 gương điển hình tiến tiến người tốt, việc tốt thuộc Cụm thi đua số 10. Các tấm gương người tốt, việc tốt giao lưu tại Chương trình Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO công nhận Thành phố vì hòa bình; đồng thời là dịp để người dân Thủ đô nói chung và nhân dân các huyện ngoại thành nói riêng cùng nhìn lại những việc làm tốt đẹp của công dân Thủ đô, mang lại giá trị nhân văn cao cả, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Chương trình đã lắng nghe những chia sẻ của gương nhà báo Ngô Văn Học - xã Quang Tiến huyện Sóc Sơn, cả cuộc đời cầm bút, trách nhiệm với nghề và trách nhiệm với đời. Tác phẩm của anh khai thác về nhiều đề tài, trong đó anh luôn tâm đắc với việc đi tìm những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống đời thường để viết và truyền cảm hứng cho cộng đồng. Nhiều tác phẩm hay của anh đã được tặng nhiều giải thưởng cao quý. Đó còn là tấm gương thầy giáo Trần Xuân Hiệp, trường THPT Tiến Thịnh - huyện Mê Linh với tình yêu thương học trò tha thiết, thầy cùng với các giáo viên trong nhà trường đã xây dựng các nguồn quỹ hỗ trợ học sinh để giúp cho con đường đến trường của các em học sinh nghèo nơi đây bớt phần vất vả. Là một Bí thư đoàn trường, thầy Hiệp đã phát huy sức trẻ của mình, nỗ lực truyền thụ kiến thức cho nhiều thế hệ học sinh vượt qua khó khăn, đạt thành tích cao, trở thành những học sinh xuất sắc. Các cá nhân thuộc các huyện trong Cụm thi đua số 10 được tặng danh hiệu “Người tốt – Việc tốt” năm 2019 của TP Hà Nội Đó còn là tấm gương bác Nguyễn Trọng Khoát, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh đã tự nguyện hiến tạng 5 bộ phận cơ thể người vợ đã mất của bác để cứu sống 5 cuộc đời ở lại. Nghĩa cử cao đẹp đó mang đậm giá trị nhân văn, rất đáng trân trọng và vinh danh. Buổi giao lưu còn có rất nhiều câu chuyện người thật, việc thật, những việc làm tình nguyện vì cộng đồng đã và đang làm cho mỗi làng quê ngày càng đổi mới, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, thanh lịch, xứng đáng với danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Thục AnhMTTQ Việt Nam TP Hà Nội sẽ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
TĐKT - Với chủ đề: "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Hiệu quả" Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 sẽ diễn ra vào ngày 24 - 25/7/2019 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Dự kiến có khoảng 330 đại biểu chính thức tham dự. Đặc biệt, dịp này, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội sẽ vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Đó là thông tin được bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đưa ra tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 16/7. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, nhiệm kỳ 2014 – 2019, MTTQ các cấp đã để lại nhiều dấu ấn tích cực, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của mặt trận trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, góp phần cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí Mục tiêu của Đại hội lần này nhằm tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, kịp thời tổng hợp và định hướng dư luận xã hội theo quan điểm của Đảng; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đại hội tăng cường dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng; tăng cường đồng thuận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại góp phần giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Về chương trình đại hội, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, Đại hội với chủ đề: "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Hiệu quả" sẽ diễn ra từ ngày 24 và 25/7/2019 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Dự kiến có khoảng 330 đại biểu chính thức tham dự. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc quy trình và hướng dẫn để chuẩn bị nhân sự Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội nhiệm kỳ 2019 - 2024 theo đúng điều lệ MTTQ Việt Nam và sự chỉ đạo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thành ủy Hà Nội về số lượng, cơ cấu, thành phần. Đến nay, công tác hậu cần được chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để Đại hội diễn ra thành công... Tính đến thời điểm hiện tại, MTTQ Việt Nam 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã tổ chức đại hội với tổng số ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện là 1.788 đại biểu. Nhìn chung, công tác tổ chức Đại hội MTTQ các cấp đã được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở, vật chất và phối hợp để tổ chức thành công đại hội. Công tác nhân sự, quy trình, văn kiện đại hội về cơ bản đã được thực hiện đúng, bảo đảm theo chỉ đạo của Thành ủy và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. "Nét mới đột phá trong công tác nhân sự của Đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2024, 100% Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp xã trong độ tuổi là công chức và kiện toàn bổ sung các đồng chí Ủy viên Thường vụ cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp..." - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội thông tin. Thục AnhTiếp tục nhân lên những tấm gương người tốt, việc tốt Thủ đô
TĐKT – Chiều 15/7, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2019. Tham dự có Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng cùng 4 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt: Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, bà Phan Thị Phúc, ông Lưu Viết Thục, chị Lê Hoàng Phương. Các khách mời đã cùng tham gia buổi giao lưu trực tuyến, chia sẻ những câu chuyện xúc động, cách làm hay góp phần giúp Thủ đô thêm đẹp. Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng phát biểu tại buổi giao lưu. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Mạnh Hoạt, người đã có sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư ở tổ dân phố”. Nhờ sáng kiến của ông, công tác quản lý dân cư rõ ràng, minh bạch và có hiệu quả, tránh được những nhầm lẫn về số liệu theo cách quản lý ghi chép sổ sách trước đây. Đó là tâm sự của bà Phan Thị Phúc, người thành lập Đội văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội. Hơn 20 năm qua, cứ vào sáng Chủ nhật hàng tuần, bà cần mẫn dạy múa hát, kỹ năng sống miễn phí cho trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, giúp các em hòa nhập cộng đồng. Bà Phúc chia sẻ: “Tôi nhận thấy, nghệ thuật có thể giúp các em hòa nhập xã hội, nhưng không thể giúp các em kiếm sống. Vì vậy, tôi kết hợp việc dạy nghệ thuật và dạy những nghề đơn giản, vừa sức cho các em. Đa phần các em đều tìm được công việc nuôi sống bản thân, nhiều em đã xây dựng gia đình, có cuộc sống hạnh phúc như mong muốn”. Hay như câu chuyện của chị Lê Hoàng Phương, Trưởng Nhóm tình nguyện thu gom rác thải điện tử tại nhà. Nhận thấy mối nguy hại của rác thải điện tử, Nhóm dành thời gian ngoài giờ làm việc của cơ quan, tình nguyện tới từng gia đình thu gom miễn phí đưa về điểm xử lý của TP Hà Nội theo đúng quy trình. Đến nay, sau hơn một năm, việc làm của nhóm đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo người dân và người dân còn tình nguyện thu gom rác điện tử cùng nhóm. Còn ông Lưu Viết Thục, người chiến sĩ năm xưa dù đã ở tuổi 75, với cơ thể bị ảnh hưởng chất độc da cam, nhưng đều đặn hàng ngày, bất kể nắng, mưa vẫn tình nguyện phân luồng giao thông trên đoạn đường liên thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Mỗi khi đoạn đường không xảy ra ùn tắc, ông lại làm công tác “vá đường”, tranh thủ bốc đất đá, san phẳng những ổ gà để mọi người lưu thông an toàn. Ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội trao tặng Danh hiệu ''Người tốt - Việc tốt'' năm 2019 của TP Hà Nội cho bà Phan Thị Phúc Những tấm gương người tốt, việc tốt như thế đã và đang góp sức nhỏ bé của mình giúp ích cho đời, xây dựng Thủ đô thêm đẹp, giúp lan tỏa và nhân lên những nghĩa cử, hành động tốt trong xã hội. Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao danh hiệu “Người tốt - Việc tốt” TP Hà Nội cho bà Phan Thị Phúc ở tổ dân phố 13, phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Mai ThảoTĐKT - Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, anh Bùi Tiến Anh, thôn Xâm Dương 3, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, TP Hà Nội sớm có tình yêu với nghề mây tre đan. Bằng sự say mê ấy, anh đã gây dựng nên cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mang thương hiệu quê hương; đồng thời có nhiều đóng góp tích cực trong sự phát triển chung cho mảnh đất Thường Tín trù phú, nghĩa tình.
Gìn giữ và phát triển nghề truyền thống
Vốn sinh ra trong gia đình nhiều đời làm nghề sản xuất mây, tre đan thủ công, Bùi Tiến Anh đã sớm có tình yêu với nghề. Ngày ngày được tiếp xúc với mây, tre, nứa, tình yêu ấy cứ lớn dần lên trong anh theo những lần được cha mẹ dạy cách đan nong mốt, nong đôi. Để rồi từ đó, anh thành thạo các kỹ thuật đan phức tạp và tự sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, mới lạ.
Lớn lên, khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa, Tiến Anh lại tiếp tục gắn bó với nghề như một mối lương duyên không thể rời bỏ. Bằng sự nhanh nhẹn và nhạy bén của mình, anh được các chủ xưởng tin tưởng giao đi thu mua các mặt hàng mây, tre đan từ khắp nơi về.
Chính từ những chuyến buôn hàng vất vả ấy, chàng thanh niên Bùi Tiến Anh càng trở nên gắn bó hơn với nghề. Sự khéo léo trong cách chọn lựa sản phẩm từ con mắt tinh tế của một người làm nghề lâu năm cùng tài buôn bán đã giúp anh có được nhiều kinh nghiệm trong việc duy trì và phát triển nghề sau này của mình.
Anh Bùi Tiến Anh đang giới thiệu những mẫu hàng được khách ưa chuộng
Năm 2003, sau rất nhiều năm làm thuê cho các chủ xưởng, anh quyết định tự mở xưởng sản xuất của riêng mình bằng những kinh nghiệm tích lũy được. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh vừa duy trì những kĩ thuật truyền thống vốn có của địa phương, vừa tích cực học hỏi các mô hình sản xuất, kinh doanh của tỉnh bạn để tạo ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Nhờ đó, những sản phẩm do xưởng sản xuất của anh làm ra như: Lẵng hoa, treo đèn, giỏ quà... luôn là những mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ở thời điểm cực thịnh nhất, những mặt hàng do xưởng sản xuất của anh làm chủ đã có mặt trên kệ hàng của các siêu thị lớn như BigC, Metro, Ocean... với doanh thu vài tỷ một năm.
Cùng với đó, các sản phẩm thủ công được làm ra từ bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề Thường Tín cũng được thị trường Nga, Đan Mạch, Ba Lan, Đài Loan ưa chuộng. Lúc cao điểm nhất, xưởng của anh nhập cho thị trường Ba Lan 2 công-te-nơ mỗi tháng với hàng triệu sản phẩm tiện dụng, bắt mắt, đem lại doanh thu khá cao.
Tuy thành công và trở thành người có vị trí nhất định trong xã hội nhưng ông chủ Bùi Tiến Anh vẫn sống rất khiêm nhường, giản dị. Trưa nắng, khi công nhân về hết, anh vẫn tự tay phơi những giỏ hàng để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách hàng.
Có lần, một siêu thị ở Vĩnh Phúc đặt hàng với số lượng ít, anh không nề hà gì, chất hàng lên xe máy rồi chở tận nơi, giao hàng cho khách. Khi thanh toán, nhân viên siêu thị mới biết, anh là giám đốc – vị giám đốc chân chất, mộc mạc như chính những sản phẩm thủ công được nhiều người yêu thích của anh.
Sống tốt đời, đẹp đạo
Trước sự phát triển đô thị hóa nhanh chóng, các làng nghề thủ công phải đối mặt với không ít khó khăn, không còn nhiều người thực sự mằn mà, thì anh Bùi Tiến Anh vẫn quyết tâm bám trụ và nỗ lực giữ lại hồn cốt nghề mây tre đan truyền thống.
Anh đã thuê những người dân cao tuổi trong làng còn sức lao động để cải thiện cuộc sống của họ lúc nông nhàn. Với trung bình 100 ngàn đồng/ngày, nhiều bà con không còn đủ sức khỏe làm ruộng đã có thể sống được bằng nghề truyền thống.
Cùng với đó, anh đã tổ chức 3 đợt đào tạo nghề cho những người trong xã có nhu cầu theo học. Đồng thời, giúp đỡ 300 lao động, trong đó có 50 hộ khó khăn của địa phương về vốn, vật tư, kỹ thuật cũng như nhận tiêu thụ mặt hàng của hội viên đã làm. Riêng năm 2017, anh đã tổ chức hướng dẫn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm hàng tre đan cho hơn 100 hội viên của địa phương và hội viên các xã bạn liền kề học tập phương pháp làm hàng tre đan.
Dù trưa nắng, anh vẫn đi kiểm tra, phơi sản phẩm đúng cách nhằm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách
Đặc biệt, là một người công giáo mang tấm lòng lương thiện, sống phúc âm trong lòng dân tộc, anh đã cùng với mọi người trong giáo họ giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong làng, xã khám, chữa bệnh miễn phí trong thời gian dài, kể cả những người không cùng đạo.
Bên cạnh đó, anh đã vận động anh em trong gia đình, họ hàng chung tay xây dựng lại nhà thờ giáo họ. Hiện nay, với sự vận động của anh, đã có hàng vạn gạch, hàng chục bộ cửa và nhiều ngày công được quyên góp để công trình nhà thờ được xây dựng ngày một to đẹp, khang trang hơn.
Với những đóng góp đó, năm 2017, anh đã được UBND huyện Thường Tín khen thưởng có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước. Mới đây, anh được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.
Đây là sự khích lệ và là nguồn động viên lớn lao để anh tiếp tục say mê với nghề làm mây, tre đan, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động nghèo và sống có tình nghĩa trong cộng đồng, xã hội.
Hưng Vũ – Ngọc Huyền
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 67
- 68
- 69
- 70
- 71
- …
- sau ›
- cuối cùng »