Điển hình tiên tiến

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu

TĐKT - Chiều 24/6, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương phối hợp cùng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, UBND TP Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tới dự. Cùng dự, có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và TP Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu Đồng chí Nguyễn Quốc Triệu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Khóa XIII-XIV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khóa X; Bộ trưởng Bộ Y tế khóa XII và hiện là Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Đồng chí đã có 48 năm công tác liên tục trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quân đội, 47 năm tuổi Đảng, đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Với sự tận tâm, tận lực của mình, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu đã được lãnh đạo tin tưởng, xã hội trân trọng, nhiều người yêu quý. Trong sự nghiệp công tác của đồng chí đã dành nhiều thành tựu, để lại nhiều dấu ấn cho sự phát triển của Thủ đô, của ngành y tế, đặc biệt là hạ tầng văn hóa - xã hội, nhiều ứng dụng công nghệ cao trong công tác khám, chữa bệnh, đưa ra nhiều đề án thiết thực để chăm sóc sức khỏe cán bộ cũng như sức khỏe của nhân dân. Với quan điểm phòng bệnh từ xa, đồng chí đã áp dụng nhiều thành tựu của các nước trong lĩnh vực y tế trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; từ đó góp phần tích cực vào hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.  Ghi nhận những thành tích đó, ngày 11/6/2019, Chủ tịch nước đã có Quyết định số 990/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu. Tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu. Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu là một tấm gương tốt về sự gần gũi, thân tình, trách nhiệm cao, luôn hết mình vì công việc với tinh thần lạc quan. Thủ tướng mong rằng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu vẫn luôn vui khỏe, là tấm gương, điểm tựa tinh thần cho con cháu phát huy truyền thống gia đình để học tập tốt, công tác tốt, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Bày tỏ vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Quốc Triệu cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cũng như Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã giúp đỡ, hỗ trợ đồng chí trong công việc, nhiệm vụ. Đồng thời, khẳng định, sẽ tiếp tục cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân với tinh thần luôn hết mình vì công việc. Hưng Vũ

Liên hiệp Hội Việt Nam tôn vinh 16 Nhà báo xuất sắc

TĐKT- Nhân kỷ nệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), Ngày 20/6/2019 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm đồng thời tôn vinh 16 Nhà báo đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác báo chí của LHHVN. Thay mặt Thường trực lãnh đạo LHHVN, Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Phan Tùng Mậu đã chúc mừng các cơ quan báo chí, các Nhà báo, Phó Chủ tịch nhấn mạnh báo chí LHHVN đã luôn đồng hành cùng LHHVN trong suốt thời gian qua, hôm nay chúng ta gặp nhau trong ngày hội của những người làm công tác báo chí, để cùng nhau tự hào về sự phấn đấu không mệt mỏi của các Toà soạn, Ban biên tập và các cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên trong niềm vui nghề nghiệp. Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức Đặng Vũ Cảnh Linh báo cáo về hoạt động báo chí của LHHVN. Những kết quả đạt được trong thời gian qua của các cơ quan báo chí, trong và ngoài hệ thống báo chí LHHVN là rất đáng khích lệ, tuy nhiên yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra và cả những thách thức cho các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện tại cũng như sắp tới là rất nặng nề, đòi hỏi các cơ quan báo chí trong hệ thống và những người làm báo chúng ta cố gắng hơn nữa... Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Phạm Văn Tân; Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Phan Tùng Mậu trao Bằng khen của LHHVN cho các Nhà báo đạt thành tích xuất sắc năm 2018. Tại buổi lễ, Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức Đặng Vũ Cảnh Linh đã báo cáo tóm tắt một số hoạt động trong công tác báo chí của LHHVN trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019. Theo ông Đặng Vũ Cảnh Linh, hiện nay toàn hệ thống LHHVN có 104 cơ quan báo chí và 403 ấn phẩm thông tin báo chí (gồm 127 báo, tạp chí; 65 bản tin và 211 trang tin điện tử tổng hợp. Nhiệm vụ của báo chí LHHVN đã được khẳng định đó là báo chí LHHVN không ngừng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, truyền thông phổ biến kiến thức KH&CN, giới thiệu các thành tựu khoa học, công nghệ mới của Việt Nam và thế giới, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, các hoạt động tôn vinh trí thức KH&CN Việt Nam, thông tin chính trị, thời sự, văn hóa, xã hội phục vụ nhu cầu của công chúng cả nước. Theo đó, mặc dù năm 2018 -2019 đã có nhiều thành công trong hoạt động báo chíLHHVN, tuy nhiên, hoạt động báo chí của các đơn vị và hoạt động quản lý báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam còn có khá nhiều khó khăn. Do cơ chế tự chủ, tự hạch toán, số lượng quảng cáo trên các ấn phẩm giảm, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, hoạt động chuyên môn, tác nghiệp, tổ chức đội ngũ nhân sự và đào tạo nhân sự còn có nhiều hạn chế. Công tác quản lý báo chí của LHHVN cũng ngày càng khó khăn khi cơ quan chủ quản ngày càng phải thể hiện trách nhiệm cao cho trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động báo chí, trong khi các cơ quan chủ quản lại ít nhân lực và thiếu các kỹ năng chuyên môn cần thiết trong việc xử lý các tình huống, sự vụ.        Bên cạnh đó yêu cầu của việc Quy hoạch báo chí LHHVN đang phải gấp rút triển khai, hoàn thành trong năm 2019 theo Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ đã tạo ra những áp lực không nhỏ đối với Ban Quy hoạch báo chí LHHVN, bởi lẽ Quy hoạch báo chí không chỉ là việc sáp nhập cơ quan báo chí một cách cơ học mà còn là việc nghiên cứu, sắp xếp, tái cơ cấu các mô hình hoạt động báo chí một cách khoa học, xây dựng định hướng, chiến lược phát triển lâu dài, ổn định cho cơ quan báo và tạp chí chủ chốt trong hệ thống LHHVN... Hồng Thiết

Người “tiếp lửa” cho phong trào nghiên cứu khoa học y học

TĐKT – Trở thành người đi tiên phong trong việc nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm phát hiện gien kháng kháng sinh ở Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ y học Lê Hữu Song, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 xuất sắc giành giải nhất Giải thưởng Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) và giải thưởng WIPO của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới năm 2018. Đằng sau thành công ấy chính là sự say mê trong công tác nghiên cứu khoa học và tận tâm của một bác sĩ, người thầy giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Gian nan con đường đến với nghiên cứu khoa học Vốn sinh ra trên mảnh đất Hà Tĩnh hiếu học, ngay từ khi còn nhỏ, vì có ấn tượng đặc biệt với những nhà khoa học, các y, bác sĩ khoác áo bờ lu trắng ngày đêm miệt mài bên phòng thí nghiệm xuất hiện trên các bộ phim truyền hình, cậu bé Lê Hữu Song đã không ngừng cố gắng học tập, rồi thi đỗ vào Học viện Quân y để thỏa mãn ước mơ. Tốt nghiệp đại học, năm 1994, Lê Hữu Song vinh dự là một trong ba người xuất sắc nhất được chọn về làm việc tại Bệnh viện TWQĐ 108 – môi trường làm việc đáng mơ ước của rất nhiều sinh viên ngành y lúc bấy giờ. Nhớ lại những năm tháng đó, bác sĩ Song cho biết: “Nền y học nước nhà khi đó chưa phát triển, nhất là phương pháp điều trị các bệnh về truyền nhiễm còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm thường ra viện bằng một trong hai tình huống: Hoặc có thể được chữa khỏi, hoặc tử vong, ít khi bị mạn tính phải vào ra viện nhiều lần. Chứng kiến những điều ấy, tôi đã tình nguyện về công tác tại khoa Truyền nhiễm với khát khao có cơ hội được nâng cao trình độ, thực hiện sứ mệnh cứu chữa cho người bệnh, giảm tỷ lệ tử vong cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm”. Phó Giáo sư - Tiến sĩ y học Lê Hữu Song tại Hội nghị tập huấn giám sát nhiễm khuẩn huyết Tuy nhiên, thực tế cuộc sống lúc đó còn rất nhiều khó khăn, với đồng lương eo hẹp khiến người bác sĩ trẻ nhiều lúc không khỏi băn khoăn, cân nhắc nhiều chuyện rất đời thường như: Nên để dành tiền đi học thêm ngoại ngữ hay để mua sữa cho con? Lúc khó khăn quá thì có nên nhận quà của bệnh nhân hay không?... Nhưng vớisự dìu dắt, truyền cảm hứng của những người thầy tài năng, đức độ như nguyên Giám đốc Bệnh viện GS.TS. Bùi Đại, GS.TS. Vũ Bằng Đình, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện GS.TS. Nguyễn Văn Âu… bác sĩ Song đã từng bước vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, sống đúng với lương tâm của người thầy thuốc. Năm 2001, nhận được học bổng của Cơ quan trao đổi hàn lâm CHLB Đức (DAAD), bác sĩ trẻ Lê Hữu Song háo hức lên đường sang nước Đức xa xôi để thực hiện những dự định, hoài bão của người thầy thuốc chân chính.  Nơi đất khách quê người, với vốn ngoại ngữ khiêm tốn, bác sĩ trẻ Lê Hữu Song gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với những kiến thức cũng như hướng nghiên cứu hoàn toàn mới so với những điều đã được học trong nước. Nhưng với sự quyết tâm cao độ, người bác sĩ trẻ khoác áo lính ấy đã vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực tiếp nhận tối đa những kiến thức tiên tiến nhất của nền y học phương Tây. Sau gần 4 năm miệt mài học hỏi và nghiên cứu, anh đã thực hiện thành công luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Tübingen (Eberhard Karls University of Tübingen) CHLB Đức bằng công trình nghiên cứu về bệnh lý do nhiễm virut viêm gan B với 4 bài báo khoa học quốc tế được đăng tải (vượt chỉ tiêu 2 bài so với yêu cầu). Những công trình mang dấu ấn đặc biệt Trở về từ một viện đào tạo y khoa hàng đầu nước Đức, bác sĩ Lê Hữu Song được giao nhiệm vụ xây dựng Khoa Sinh học phân tử, một chuyên ngành rất mới trong thời gian đó ở Việt Nam. Bệnh viện TWQĐ 108 cũng là bệnh viện duy nhất trong cả nước có khoa chuyên về sinh học phân tử. Với vai trò là người đứng đầu một chuyên khoa hoàn toàn mới ở Việt Nam,anh phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất.Tuy nhiên, với kinh nghiệm, trí tuệ và bản lĩnh của một chiến sĩ, bác sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, anh đã dồn mọi tâm huyết để đưa khoa Sinh học phân tử trở thành một trong những nơi đi đầu trong cả nước về triển khai các phương pháp chẩn đoán, theo dõi điều trị các bệnh về vi rút, vi khuẩn, ung thư…ở mức phân tử. Tháng 2 năm 2014, cùng với sự phát triển của bệnh viện, khoa Truyền nhiễm được nâng tầm thành Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm và bác sĩ Lê Hữu Song đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Bệnh viện TWQĐ 108 tin tưởng giao nhiệm vụ mới là Bí thư Đảng bộ viện, Viện trưởng, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới, Viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108. Một thời gian ngắn sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Lê Hữu Song, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm đã có những bước phát triển vượt bậc. Chất lượng chuyên môn, nghiên cứu khoa học, đào tạo, tác phong làm việc của Viện đã có những bước đột phá, tạo được niềm tin của lãnh đạo cũng như người bệnh. Từ những thành tích đó, tháng 10 năm 2014 Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã bổ nhiệm bác sĩ Song làm Phó Giám đốc Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện TWQĐ 108. Phó Giáo sư, Tiến sĩ y học Lê Hữu Song ( thứ 5 từ phải sang) cùng cộng sự được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng VIFOTEC 2018 Mặc dù, công việc quản lý bộn bề nhưng anh luôn dành thời gian nghiên cứu khoa học, huấn luyện đào tạo các thế hệ sau. Đặc biệt, bác sĩ Song luôn quan tâm đến tạo dựng, duy trì và tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại, hợp tác khoa học trong và ngoài nước. Nhờ việc duy trì các hợp tác với Trường Đại học Tübingen, CHLB Đức, anh đã giúp 9 bác sĩ Việt Nam sang Đức nghiên cứu theo chương trình đào tạo tiến sĩ. Đến nay, có 5 bác sĩ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại CHLB Đức. Đồng thời qua hợp tác quốc tế, anh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo chuyên sâu do các chuyên gia quốc tế giảng dạy cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Nhiều đề tài nghiên cứu hợp tác quốc tế cũng đã được tổ chức hiệu quả. Từ đó, đầu năm 2018 Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu y học Việt - Đức và anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm. Hơn 30 năm trong ngành quân y, 25 năm khoác trên mình chiếc áo bờ lu trắng, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, dù gặp không ít khó khăn, anh luôn dành trọn tâm sức, trí tuệ cho việc học tập, nghiên cứu và áp dụng những phương pháp mới trong chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Anh là chủ nhiệm của 5 đề tài cấp Nhà nước, trong đó có 3 đề tài đã nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc. Đồng thời là tác giả của gần 50 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín trong hệ thống ISI với hơn 1000 lần trích dẫn và hơn 70 công trình đăng in trên các tạp chí khoa học trong nước. Mới đây, công trình đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gien kháng kháng sinh” do anh làm chủ nhiệm vừa đạt giải nhất VIFOTEC năm 2018. Chia sẻ về công trình đạt giải thưởng VIFOTEC 2018, Phó Giáo sư, Tiến sĩ y học Lê Hữu Song cho biết: Đây là một trong những đề tài mà anh rất tâm đắc. Thành công của công trình nghiên cứu đã giải quyết một vấn đề khó khăn trong chẩn đoán bệnh nhiễm khuẩn huyết (còn gọi là nhiễm trùng máu), một căn bệnh nguy hiểm, phổ biến, khó xác định căn nguyên và tiên lượng xấu, đặc biệt trên người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính. Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu khám phá, xây dựng được quy trình xác định mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết phổ biến và gien kháng kháng sinh. Mang lại lợi ích to lớn cho người bệnh bởi khi ứng dụng công nghệ này, việc phát hiện nhanh chóng và chính xác tác nhân vi khuẩn gây bệnh giúp bác sĩ sớm đưa ra được phác đồ điều trị, rút ngắn thời gian nằm điều trị đồng thời giảm thiểu nguy cơ tiến triển bệnh nặng cho bệnh nhân. Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, Bộ Khoa học công nghệ đã đầu tư phát triển thành dự án sản xuất với sự hợp tác của Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm). Cho đến nay, với sản phẩm này đã được tiến hành ứng dụng để chẩn đoán gần 1000 bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, cứu sống được hàng trăm người bệnh. Truyền lửa đam mê khoa học cho giới trẻ Tâm sự với chúng tôi anh bảo: Sức khỏe, mạng sống của bệnh nhân chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho những người thầy thuốc vượt qua mọi gian nan, vất vả, tiếp tục sáng tạo và cống hiến. Là người luôn quan tâm đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học đối với lớptrẻ, dù phải đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ y học Lê Hữu Song luôn cố gắng cân bằng thời gian để truyền cảm hứng cũng như niềm đam mê và thực hiện trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn thế hệ trẻ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Phó Giáo sư - Tiến sĩ y học Lê Hữu Song đang trao đổi kinh nghiệm cùng các chuyên gia nước ngoài Với vai trò là “thủ lĩnh” của Trung tâm nghiên cứu y học Việt – Đức, anh thường xuyên duy trì các hoạt động sinh hoạt khoa học một cách hiệu quả và sôi nổi vào các buổi trưa thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Từ các bài báo cáo, ý tưởng của các nhóm nghiên cứu trình bày, anh đưa ra nhận xét, đánh giá chi tiết và định hướng nghiên cứu một cách hiệu quả. Đặc biệt, với những y, bác sĩ trẻ, có đam mê, anh dành nhiều thời gian để hướng dẫn, hướng họ tiếp cận với những vấn đề mới của y khoa thế giới; động viên, tạo điều kiện đểhọ phát huy hết năng lực. Tính đến nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ y học Lê Hữu Song đã hướng dẫn thành công 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 3 bác sĩ chuyên khoa 2 cùng 6 bác sĩ đang là nghiên cứu sinh. Anh thường nói với các học viên, những thế hệ sau của mình rằng: Chúng ta đang nợ người bệnh nhiều lắm, kiến thức khoa học y học rất bao la, thay đổi hàng giờ, mỗi người luôn phải phấn đấu hết sức mình để không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn để nắm bắt kịp sự phát triển. Trong điều kiện vô cùng thuận lợi như hiện nay khi nguồn thông tin mở, chúng ta có thể ngồi ở ngay tại bệnh viện cũng có thể nắm bắt thông tin như ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Bên cạnh đó, Bệnh viện TWQĐ 108là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối của toàn quân, có chức năng đặc biệt và là cơ sở nghiên cứu đào tạo có truyền thống và có thương hiệu. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của bệnh viện ngang tầm khu vực và quốc tế. Trong những điều kiện thuận lợi như vậy nếu chúng ta không vượt lên những nhu cầu ngắn hạn, tầm thường do mặt trái của cơ chế thị trường để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì sẽ có lỗi với người bệnh. “Nghiên cứu khoa học y học là công việc thầm lặng, có thể mang đến cho chúng ta những vinh quang trong cuộc đời nhưng cũng không ít những chông gai, đòi hỏi sự dấn thân và chấp nhận vượt qua thử thách. Những người thầy thuốc trẻtuổi hôm nay cần phải có đam mê, có tầm nhìn xa hơn, cần vượt qua được những lợi ích trước mắt, tầm thường. Con đường khoa học y học không chỉ là đam mê mà còn vì trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và người bệnh. Hãy vì người bệnh mà học tập để có kiến thức cao hơn, có kiến thức tốt thì chất lượng chăm sóc điều trị người bệnh sẽ tốt hơn; góp phần đưa Bệnh viện TWQĐ 108 là nơi trí tuệ và tình yêu thương hội tụ”  - Phó Giáo sư,Tiến sĩ y học Lê Hữu Song chia sẻ. Với nhiều cống hiến cho ngành y học nước nhà, bác sĩ Lê Hữu Song đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý: Đồng tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ năm 2017, Giải thưởng Alexander Yersin năm 2018, Giải Nhất VIFOTEC năm 2018, Giải thưởng WIPO năm 2018, 2 Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm (2018, 2019), 3 Bằng khen của Bộ Quốc phòng (2013, 2014, 2016), Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội (2018), Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang (2018), 3 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (2016, 2017, 2018)... Mai Thảo  

Đại hội Thi đua Quyết thắng lực lượng vũ trang Quân khu 4 giai đoạn 2014 - 2019

TĐKT - Sáng 18/6, tại Nghệ An, Quân khu 4 tổ chức Đại hội Thi đua Quyết thắng (TĐQT) lực lượng vũ trang (LLVT), giai đoạn 2014 - 2019. Đây là Đại hội được Bộ Quốc phòng chọn làm điểm trong toàn quân. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo Đại hội. Toàn cảnh Đại hội Dự Đại hội có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang… Cùng dự có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4; Thiếu tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4; đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đại biểu lãnh đạo các cơ quan chức năng Tổng cục Chính trị và Quân khu 4… Trong 5 năm qua, phong trào TĐQT của LLVT Quân khu 4 đã được triển khai đồng bộ, thường xuyên, toàn diện có sự đột phá mới, hướng trọng tâm vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và địa phương đạt hiệu quả thiết thực. Phong trào TĐQT 5 năm qua đã nở rộ nhiều phong trào, mô hình hay, cách làm sáng tạo. Tiêu biểu như phong trào: “Huấn luyện giỏi, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm”; “Luyện giỏi, rèn nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”, “Chính quy, mẫu mực, kỷ luật nghiêm minh, an toàn tuyệt đối”, “Ba bám, ba rèn, ba khắc phục”; “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”; “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, “Nói thật nhiều lời hay, làm thật nhiều việc tốt”, “Mỗi người, mỗi ngày làm một việc tốt”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ba nhất, ba không”, “Hai chủ động, ba trách nhiệm”; “Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác Hồ dạy”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Giữ xe tốt, lái xe an toàn”, “Nhà kho kiểu mẫu”; “Tuổi trẻ LLVT Quân khu 4 xung kích, sáng tạo quyết thắng”; “Xanh, sạch, đẹp - an toàn vệ sinh lao động”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Phụ nữ Quân khu 4 đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”… Các mô hình tiêu biểu: “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”, “Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân đi biển”, “Bệnh viện văn hóa”, “Bệnh xá văn hóa”… Các phong trào thi đua đã tạo động lực to lớn cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT Quân khu 4 được nâng lên. Nội bộ đoàn kết, thống nhất; dân chủ được phát huy; kỷ cương, kỷ luật được giữ nghiêm; xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Giai đoạn 2014 - 2019, LLVT Quân khu 4 có 64 tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong các cuộc kháng chiến; 18.665 huân, huy chương các loại; 169 cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân khu và Ủy ban nhân dân các tỉnh; 1.258 Đơn vị Quyết thắng; 12.308 Chiến sĩ thi đua; 58.767 tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng, trên 3.000 điển hình tiên tiến được biểu dương, tôn vinh ở cấp cơ sở; trên 500 điển hình tiên tiến được biểu dương, tôn vinh ở cấp trên cơ sở; gần 100 điển hình tiến tiến được biểu dương, tôn vinh ở cấp Quân khu, 4 cá nhân được tôn vinh cấp Bộ Quốc phòng… Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Đại hội Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Quốc phòng biểu dương và đánh giá cao kết quả phong trào TĐQT của LLVT Quân khu 4 trong 5 năm qua. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trực thuộc Quân khu tiếp tục quán triệt sâu sắc Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Gắn kết chặt chẽ phong trào TĐQT với phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Tinh thần thi đua phải được thể hiện ở công việc hàng ngày, bằng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, hướng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị; đồng thời khắc phục có hiệu quả các khâu yếu, mặt yếu còn tồn tại; thông qua phong trào thi đua để xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thật sự gương mẫu, tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân... Bộ Tư lệnh Quân khu đã tặng Cờ thi đua cho 12 tập thể có nhiều thành tích xuất sắc. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới các khâu, các bước tổ chức thi đua và tiến hành công tác khen thưởng, tạo bước chuyển biến mới về chất, bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, bền vững, sâu rộng trong hoạt động thi đua, khen thưởng. Làm tốt công tác xây dựng, nhân điển hình tiên tiến; tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng xây dựng nhân điển hình tiên tiến gắn với xây dựng các mô hình thi đua, lấy điển hình toàn diện làm trung tâm, điển hình từng mặt để thúc đẩy; phấn đấu mỗi ngành, mỗi đơn vị có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến với sức lan tỏa rộng, được phổ biến, học tập trong LLVT Quân khu 4 và toàn quân, toàn quốc. Công tác khen thưởng phải thực chất, công khai, chính xác, kịp thời, hướng về cơ sở; chú trọng khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và lập được thành tích xuất sắc, đột xuất; tập thể, cá nhân làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ… Tại Đại hội, Bộ Tư lệnh Quân khu đã trao Cờ thi đua của Bộ Tư lệnh Quân khu tặng 12 tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua quyết thắng của LLVT Quân khu giai đoạn 2014 - 2019. Đức Anh

Người cựu chiến binh tận tâm với cộng đồng

TĐKT - Nhắc đến ông Nguyễn Đắc Thừa, Phó Trưởng Ban khánh tiết tổ dân phố Bình Nam, thị trấn Bình Mỹ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) ai cũng bày tỏ lòng quý mến và kính trọng người cựu chiến binh (CCB) gương mẫu, tận tụy, dám nghĩ, dám làm, hết mình vì cộng đồng. Ông Thừa chăm sóc hoa quanh khu vực đình làng Từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, sau xuất ngũ trở về quê hương, ông Thừa được phân công công tác tại Trường THCS Mỹ Thọ (huyện Bình Lục) và giữ các cương vị phó hiệu trưởng, hiệu trưởng nhà trường. Sau đó, ông được phân công phụ trách công tác nhân sự của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Lục. Năm 2006, sau khi về hưu, ông Thừa luôn mong muốn sẽ tiếp tục đóng góp sức mình để xây dựng tổ dân phố, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Xuất phát từ tấm lòng đó, ông luôn thể hiện vai trò, phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ. Ông đã tích cực, hăng hái tham gia các phong trào do chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương phát động. Bằng tinh thần gương mẫu và những việc làm hiệu quả, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Trưởng Ban khánh tiết tổ dân phố Bình Nam. Từ khi nhận trọng trách này, ông luôn tận tụy với công việc được giao. Ngoài các buổi họp tổ dân phố, sinh hoạt chi hội CCB, ông còn được mời tham gia và đóng góp nhiều ý kiến trong các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên… Trong công tác tuyên truyền, ông Thừa là một điển hình của tổ dân phố Bình Nam cũng như của thị trấn Bình Mỹ. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông đã cùng với lãnh đạo tổ dân phố, các hội, đoàn thể không quản ngại khó khăn đến từng hộ dân vận động bà con góp công, góp của xây dựng đường giao thông trên địa bàn. “Muốn bà con làm theo, người cán bộ phải gương mẫu đi đầu. Bởi vậy, gia đình tôi đã tự nguyện dịch tường rào và hiến 40 m2 đất để mở rộng đường đi.”- ông Thừa chia sẻ. Từ đó, nhiều hộ dân trong tổ dân phố Bình Nam đã tự nguyện hiến đất, phá tường rào, hiến đất ao, vườn và ủng hộ nhiều ngày công lao động để san nền, làm đường. Đến nay, hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn tổ dân phố Bình Nam đều đã được sửa chữa, mở rộng trên 4 m, nhiều đoạn có bề mặt rộng tới 6 m. Song song với đó, ông còn phối hợp với tổ dân phố thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo đường thông, hè thoáng, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Hàng tuần, ông cùng lãnh đạo tổ dân phố đều ra quân tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, để thùng đựng rác trong khuôn viên gia đình. Các hộ mặt đường không để chậu hoa cây cảnh, kinh doanh hàng hóa, bán hàng ăn, rửa xe lấn chiếm hè đường, đảm bảo an toàn giao thông. Nhờ có sự kiên trì, bền bỉ không quản mưa nắng của những người làm công tác như ông mà các ngõ xóm, khu dân cư, tuyến đường của tổ dân phố Bình Nam đã trở nên sạch đẹp, thông thoáng. Đặc biệt, ông Thừa còn là người tiên phong trong phong trào xây dựng đường hoa tại địa phương. Ông đã tự bỏ tiền của mình để mua giống hoa về trồng ở đoạn đường trước cổng nhà và khu vực đình làng. Việc làm này của ông đã góp phần đẩy mạnh phong trào trồng hoa của người dân nơi đây. Theo ông Thừa, người dân nhận thấy việc ông trồng hoa quanh ngõ không chỉ làm đẹp cho gia đình mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan của tổ phố. Do đó nhiều hộ đã làm theo. Những gia đình trồng hoa đều được ông ươm giống hoa và tặng 2 - 3 khóm hoa các loại để trồng. “Phong trào trồng hoa trước cổng nhà lan tỏa rộng rãi đã giúp việc vận động bà con góp công, góp của trồng hoa dọc các tuyến đường của tổ dân phố và đường ra đồng cũng thuận lợi hơn.”- ông Thừa chia sẻ. Đến nay, gần như 100% tuyến đường của tổ phố đều đã được trồng hoa, cây cảnh. Các loại cây được trồng chủ yếu là các loại cau cảnh, chiều tím, hoa mười giờ, hoa lan tiêu, hoa ngâu… Bên cạnh đó, với vai trò Phó Trưởng Ban kiến thiết tổ dân phố, ông luôn trăn trở, suy nghĩ làm cách nào để huy động tối đa nguồn lực để kiến thiết, xây dựng quê hương. Nghĩ là thực hiện, dù tuổi cao nhưng ông đã trực tiếp vào TP Hồ Chí Minh và Lào Cai, nơi có số lượng đông bà con Bình Nam sinh sống để kết nối mọi người, thành lập hội đồng hương Bình Nam tại đây. Nhờ đó, trong những năm qua, ông đã huy động rất tốt sự quyên góp, ủng hộ của các hội đồng hương để có kinh phí xây dựng, kiến thiết đền, đình của tổ dân phố; xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo ở địa phương. Với số tiền huy động được, ông và tổ dân phố đã tặng sổ tiết kiệm cho trên 20 gia đình liệt sĩ, người có công trên địa bàn, trị giá 5 - 10 triệu đồng/sổ. Vừa qua, ông cùng với các thành viên Ban khánh tiết của tổ dân phố quyên góp, vận động được kinh phí để mua tặng 20 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó của tổ dân phố. Là một cán bộ dân phố nhiệt huyết, có nhiều đóng góp cho địa phương, nhiều năm gắn bó với công tác xã hội, với ông Thừa, phần thưởng lớn nhất không phải là những danh hiệu hay những tấm giấy khen, bằng khen mà chính là sự đoàn kết, là tình cảm quý mến, kính trọng của mọi người trong khu dân cư dành cho mình. Bảo Linh

Người khơi mầm thiện nơi Trại giam Ninh Khánh

TĐKT - Hơn 2 thập kỷ gắn bó với công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, với Thượng tá Trần Đức Phong, Giám thị trại giam Ninh Khánh (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an), đây là một nghề đặc biệt. Với anh, mỗi một cuộc đời lầm lỡ được đánh thức, hồi sinh là động lực để anh tiếp tục công việc đầy khó khăn, vất vả nơi đất trại. Chiến sĩ trẻ trách nhiệm với nghề Tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, năm 1999, anh đầu quân về công tác tại Trại giam Ninh Khánh trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân (PN). Mới ra trường, tuổi đời còn trẻ nhưng với tinh thần trách nhiệm, cùng sự nhạy bén, sức sáng tạo không ngừng, anh nhanh chóng bắt nhịp với công việc, được lãnh đạo, chỉ huy và đồng chí, đồng đội tin tưởng, đánh giá cao. Từ một cán bộ trinh sát trại giam, anh tiếp tục được đề bạt, bổ nhiệm làm Phó Đội trưởng, rồi Đội trưởng Đội Trinh sát, sau này là Phó Giám thị và Giám thị Trại giam Ninh Khánh năm 2018. Thượng tá Trần Đức Phong, Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Ninh Khánh Nhớ lại những ngày đầu về công tác tại đây, Thượng tá Trần Đức Phong cho biết: Lúc bấy giờ, các đối tượng đưa đến trại giam liên tục tăng; thành phần, tính chất phạm tội đa dạng, phức tạp, mức độ chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt, PN thường xuyên không yên tâm cải tạo, luôn tỏ thái độ liều lĩnh, chống đối quyết liệt, vi phạm pháp luật và nội quy trại giam. Điều kiện cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phục vụ công tác giam giữ, quản lý các loại đối tượng còn thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ trẻ, chưa qua đào tạo, thiếu kinh nghiệm thực tiễn công tác…. Được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trại giam, trinh sát trẻ Trần Đức Phong gặp không ít khó khăn. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, hầu hết thời gian anh ở trong đơn vị, tập trung cho công tác nắm bắt tình hình PN, dự báo, lên kế hoạch phối hợp bóc gỡ, cảm hóa, giáo dục PN không để xảy ra đột xuất bất ngờ; đảm bảo trại an toàn trong mọi tình huống. Có những chuyên án khiến anh ròng rã cả tuần trắng đêm đấu trí căng thẳng, cả tháng đau đầu lần theo những manh mối, khám phá, loại bỏ những thủ đoạn tinh vi của PN. Có thời điểm, chỉ một mình đảm nhận nhiệm vụ, công việc căng thẳng, tưởng chừng như quá sức, phải bỏ cuộc… Nhưng sau tất cả, anh cùng tập thể cán bộ chiến sĩ trại giam Ninh Khánh đã đoàn kết, thống nhất, vượt qua những khó khăn ban đầu, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.     Tình người nơi đất trại Hơn 20 gắn bó với nghề cảnh sát trại giam, chưa có khó khăn, vất vả nào làm anh chùn bước. Nhưng điều làm anh luôn trăn trở đó là làm thế nào để đưa các PN trở về nẻo thiện, về với gia đình và xã hội. Anh chia sẻ: “PN dù phạm tội gì thì trong họ luôn còn một phần lương tri của con người; bởi vậy công việc của người cảnh sát trại giam không chỉ đơn thuần là quản lý PN mà cần phải đánh thức được mầm thiện trong họ, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực, để có một cuộc sống mới tốt hơn sau khi ra trại”. Vì vậy, ở bất kỳ giai đoạn, vị trí công tác nào, Thượng tá Trần Đức Phong luôn đặt mình ở vị trí của người làm nhiệm vụ cải tạo những “sản phẩm” chưa hoàn thiện của xã hội. Anh cho rằng, công tác giáo dục PN chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi tạo được môi trường lành mạnh để PN yên tâm học tập, lao động, cải tạo tiến bộ. Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục C10 trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho Thượng tá Trần Đức Phong Là người đứng đầu, quản lý trại giam, hàng năm anh chỉ đạo toàn trại duy trì nền nếp các hoạt động: Học tập thời sự, chính trị, chính sách, pháp luật, nội quy trại giam; tổ chức dạy văn hóa xóa mù chữ, giáo dục công dân cho PN, giáo dục chung, giáo dục riêng; tổ chức phát động các đợt thi đua trong PN toàn trại gắn với phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy trại giam. Để giúp PN hướng thiện, có niềm tin trong cuộc sống, khơi dậy khát vọng hoàn lương, góp phần hình thành nhân cách tích cực cho họ, Trại giam Ninh Khánh tổ chức thi viết tự truyện với chủ đề “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, thi vẽ tranh “Khát vọng hoàn lương”, viết thư “Gửi lời xin lỗi” người bị hại, thân nhân người bị hại, thân nhân PN, cơ quan, chính quyền địa phương nơi PN đã từng học tập, công tác; cuộc thi “Tiếng hát tình đời”; thi “Viết cảm nhận về sách”… Các hoạt động lôi cuốn đông đảo PN tham gia, với hàng ngàn trang viết, bức tranh, bức thư có giá trị tác động trở lại giáo dục, cảm hóa PN. Đồng thời, các Hội nghị gia đình PN được Thượng tá Trần Đức Phong quan tâm tổ chức hằng năm. Đây là dịp để PN được gặp gỡ, trao đổi những tâm tư, tình cảm với thân nhân, giúp họ có động lực để cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình, xã hội… Các phong trào văn hóa, văn nghệ được duy trì và thúc đẩy, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh cho PN, làm chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, hành vi của họ, từ đó giúp họ yên tâm phấn đấu cải tạo, sớm được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và nhà nước. Nhờ đó, trong 10 năm qua, tỷ lệ PN cải tạo khá, tốt trong toàn trại tăng; tỷ lệ PN cải tạo kém giảm đáng kể, từ 7,3% năm 2015 giảm xuống còn 2,4% năm 2018; tỷ lệ tái phạm tội sau khi ra trại thấp. Toàn trại có 7988 PN hết án, trở về với xã hội, tái hòa nhập cộng đồng trở thành công dân lương thiện. Kể về PN Vũ Quang, Phân trại số 1 do anh phụ trách, Thượng tá Phong cho biết: Trước khi vào trại, Quang là một sinh viên tài năng của Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nhưng do không tu dưỡng, rèn luyện, bị bạn bè xấu lôi kéo nên đã sa vào con đường ma tuý. Quang mang trong mình căn bệnh HIV đến trại với án phạt 7 năm tù. Thời gian đầu mới đến trại, Quang bất cần, chống đối, thường xuyên vi phạm nội quy, cải tạo kém. Sự tâm huyết, bao dung của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đặc biệt là sự quan tâm, chân thành của Thượng tá Phong đã thắp lên ngọn lửa yêu thương, ấm áp, giúp PN Quang có thêm niềm tin, hi vọng trên cuộc hành trình tìm về nẻo thiện. Hiện nay, PN Quang là một tấm gương tiêu biểu trong lao động, học tập, cải tạo, là một tuyên truyền viên tích cực trong phong trào đấu tranh phòng, chống ma túy của trại. Một trường hợp khác là PN Hoàng Thị Lư chịu mức án 30 năm tù về tội giết người nhưng không nhận tội. Đi thi hành án, PN Lư để lại 2 đứa con nhỏ dại không có người chăm sóc, trong đó đứa con gái bé bỏng bị tim bẩm sinh rất nặng. Anh Phong đã vận động cán bộ, chiến sĩ toàn trại giam quyên góp, ủng hộ kinh phí cho cháu bé mổ tim với số tiền là 34 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Điện ảnh, Phát thanh, Truyền hình Công an nhân dân tổ chức chương trình “Niềm tin và sự hướng thiện”, tạo điều kiện cho PN được gặp và ôm lấy đứa con yêu của mình trên sân khấu. Chính tình người, lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ của cán bộ đơn vị đã khiến PN Lư cảm động, viết đơn xin nhận tội, yên tâm cải tạo để sớm được về chăm sóc con thơ. “Mỗi một nhiệm vụ được hoàn thành, được chứng kiến PN từ chỗ thường xuyên vi phạm nội quy, xếp loại cải tạo kém trở nên yên tâm tư tưởng, phấn đấu cải tạo, chấp hành tốt, sớm hoàn lương trở về với gia đình và xã hội, tái hòa nhập cộng đồng…, tôi lại tìm thấy niềm vui, thấy được ý nghĩa nhân văn của nghề, nên càng có động lực để gắn bó với nghề mình đã chọn.” - Thượng tá Phong bộc bạch. Tạo hành trang cho PN hòa nhập với cộng đồng Bên cạnh giáo dục, cảm hóa, Thượng tá Trần Đức Phong cho rằng công tác tái hòa nhập cộng đồng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng giúp người phạm tội trở thành những người có ích cho xã hội. Anh chú trọng phát triển công tác tổ chức lao động sản xuất, dạy nghề cho PN. Cùng với lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mở rộng sản xuất các ngành nghề, nhất là khai thác nguyên vật liệu xây dựng, Thượng tá Trần Đức Phong còn tập trung chỉ đạo và có định hướng ngành nghề để tổ chức cho PN học nghề, truyền nghề theo độ tuổi, sức khỏe. Không chỉ dừng lại ở những ngành nghề thủ công truyền thống, Trại đã mở rộng liên kết hợp tác, lao động sản xuất với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh đào tạo, dạy nghề vừa tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho PN, vừa tái đầu tư sản xuất. Việc chuyển đổi ngành nghề đã đạt được kết quả tích cực. Từ 80% PN lao động ngoài trời với công việc vất vả, nặng nhọc, năng suất thấp, đến nay các PN được lao động trong nhà xưởng với máy móc, kỹ thuật hiện đại, chuyên môn hóa, năng suất lao động cao. Cán bộ trai giam Ninh Khánh đang hướng dẫn nghề may cho PN Đồng thời, Trại chủ động liên kết sản xuất với các cá nhân, tổ chức trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, tổ chức cho trên 40.000 lượt PN lao động, sản xuất, theo học nhiều ngành nghề như sản xuất vật liệu xây dựng, nghề may, đan lát và một số ngành nghề thủ công khác. PN mới đến trại được học nghề và được tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề ngay tại trại. Trong 10 năm, có trên 16.000 PN được truyền nghề. Đặc biệt, một số ngành nghề đặt ra yêu cầu kỹ thuật và an toàn lao động cao, đơn vị đã mời giáo viên trường cao đẳng nghề đến giảng dạy. Đơn vị phối hợp Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên, Trung cấp nghề Thanh Hóa tổ chức 46 lớp dạy nghề cho 1610 PN học tập (10 lớp nghề nề hoàn thiện cho 350 PN, 24 lớp điện tử dân dụng và điện dân dụng cho 840 PN; 12 lớp may công nghiệp cho 420 PN). Sau kết thúc các khoá học, PN được thi cấp chứng chỉ nghề. Thông qua công tác tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, hầu hết PN đã xây dựng, nêu cao được ý thức tự giác trong lao động, yêu lao động, trân trọng và sử dụng tiết kiệm thành quả lao động, yên tâm tư tưởng học tập, cải tạo, tích cực học hỏi tiếp thu kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề. Với ngành nghề đã được học trong trại, nhiều PN sau khi hết án trở về với cuộc sống đời thường có cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo dựng cuộc sống ổn định, hạn chế tỷ lệ tái phạm. Để các PN có điều kiện tốt nhất để làm lại cuộc đời, Trại chủ động cung cấp thông tin PN sắp chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú để địa phương có kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ tạo lập cuộc sống mới. Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Trần Đức Phong rất vui mừng: Kết quả khảo sát người chấp hành xong hình phạt tù về địa phương, có rất nhiều tấm gương sáng trên nẻo đường hoàn lương. Tiêu biểu trong số đó là Trần Văn Sùng, sinh năm 1982, ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, can tội lưu hành tiền giả, bị phạt 7 năm tù. Trước khi vào trại, Sùng cũng là sinh viên của một trường đại học, nhưng do không có tiền tiêu, Sùng đã cùng một số đối tượng đi tiêu thụ tiền giả và bị bắt trên đường đi tiêu thụ. Quá trình cải tạo tại trại, Trần Văn Sùng đã nhận rõ hành vi phạm tội của mình và tích cực lao động, cải tạo. Tuổi đời còn trẻ lại có chút khéo tay, Sùng được phân về Đội 41 – Phân trại số 1, nơi Thượng tá Trần Đức Phong trực tiếp phục trách. Ở đây, Sùng được học nghề làm thủ công mỹ nghệ và là một trong những PN có tay nghề cao, làm ra nhiều sản phẩm nhất đội. Năm 2009, Sùng được đặc xá vào dịp Tết Nguyên đán. Trở về quê với hai bàn tay trắng, sẵn có tay nghề, Sùng nhận làm các mặt hàng đá mỹ nghệ. Với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, Sùng nhanh chóng thành lập một cơ sở sản xuất nhỏ. Cho đến ngày hôm nay, cơ sở ấy đã được phát triển thành Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Thành với hàng trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ được xuất khẩu mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Với những nỗ lực không ngừng trong công tác quản lý, giáo dục cải tạo PN, nhiều năm liền Thượng tá Trần Đức Phong được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2018, với sự chỉ đạo đúng đắn và sáng suốt của đồng chí, Đảng ủy, đơn vị Trại giam Ninh Khánh ngày càng phát triển về mọi mặt, tập thể thống nhất đoàn kết, giữ vững danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”. Đơn vị vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ “Đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Bộ Công an”; được các tổ chức quần chúng tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và các danh hiệu cao quý khác. Tin rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của một vị thủ lĩnh toàn tâm, toàn tài như Thượng tá Trần Đức Phong, Trại giam Ninh Khánh sẽ tiếp tục phát triển không ngừng, gặt hái thêm nhiều thành tích đáng tự hào hơn nữa trong sự nghiệp quản lý và giáo dục cải tạo PN. Mai Thảo

Cục Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

TĐKT - Sáng 13/6, tại Hà Nội, Cục Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống (13/6/1979 - 13/6/2019) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Tới dự, có: Thiếu tướng Hoàng Quang Thuận, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Pháo binh. Thiếu tướng Đỗ Tất Chuẩn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh. Cục Kỹ thuật vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì Phòng Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh (tiền thân của Cục Kỹ thuật ngày nay) được thành lập ngày 13/6/1979, với chức năng, nhiệm vụ: Tham mưu giúp Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng về công tác kỹ thuật (CTKT) pháo binh, chỉ đạo toàn diện CTKT của lực lượng pháo binh, nắm vững tình hình CTKT của pháo binh toàn quân. Kể từ đó, ngành kỹ thuật pháo binh trở thành một ngành độc lập có hệ thống cơ quan chuyên trách về CTKT từ binh chủng đến các đơn vị cơ sở. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển không ngừng của ngành kỹ thuật pháo binh. Thiếu tướng Đỗ Tất Chuẩn, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh phát biểu tại Lễ kỷ niệm Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh, Cục Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh luôn đoàn kết, thống nhất cao, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Nổi bật là: Luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt chức năng là cơ quan tham mưu cho Đảng ủy Bộ tư lệnh Pháo binh trong chỉ đạo tổ chức thực hiện CTKT, tập trung xây dựng hệ thống cơ quan, cơ sở kỹ thuật phù hợp, vững mạnh đưa CTKT vào nền nếp chính quy, tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành nhiệm vụ. Thường xuyên quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, bám sát nhiệm vụ được giao, phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường trong quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật, không ngừng nâng cao chất lượng bảo đảm trang bị, kỹ thuật và đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng tốt yêu cầu công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Binh chủng Pháo binh. Cùng với đó, Cục luôn chú trọng xây dựng Đảng ủy vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cơ quan Cục vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đạt được, năm 1984, Cục Kỹ thuật được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; năm 2014, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật, Binh chủng Pháo binh tặng nhiều cờ thi đua và bằng khen, giấy khen các loại. Tại Lễ kỷ niệm, Cục Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Phương Thanh

Quyết tâm vươn lên làm giàu của chàng trai nghèo

TĐKT - Với tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, anh Bùi Văn Huế, xóm Đảng 1 (xã Chí Thiện, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã vượt lên khó khăn, mạnh dạn phát triển cơ sở ấp trứng gia cầm. Mô hình này đã giúp anh thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Anh Huế (bên trái) vinh dự được tặng Giấy khen cá nhân tiêu biểu trong 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của tỉnh Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nghèo, đông anh em, Huế chỉ được học hết lớp 9. Sau khi nghỉ học, Huế ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc nhà nông. Trải qua cuộc sống bữa no, bữa đói, Huế đã sớm nung nấu trong mình ý chí vươn lên thoát nghèo. Năm 17 tuổi, Huế quyết định cùng bạn bè đi làm ăn xa. Anh đã làm thuê tại một lò ấp trứng ở Hà Tây (nay là Hà Nội). “Khi đó, với đồng lương ít ỏi từ công việc, tôi dành dụm chi tiêu tiết kiệm để gửi tiền về phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Tuy công việc vất vả nhưng tôi luôn cố gắng làm việc tốt, coi đây là kinh nghiệm để mình có thể tự phát triển kinh tế sau này. Khi đó, trong đầu tôi đã suy nghĩ tới hướng nuôi gà ri và mua máy ấp trứng” - anh nhớ lại. Để thực hiện được dự định của mình, với số vốn dành dụm được sau gần 3 năm làm thuê, anh tiếp tục vào Thanh Hóa để học thêm kinh nghiệm ấp trứng và đầu tư trứng gà vào thuê ấp để lấy con giống về nuôi. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, năm 2008 anh trở về quê hương để xây dựng kinh tế gia đình với hướng phát triển nuôi gà ri và mua máy ấp trứng. Ban đầu, anh đầu tư phát triển với quy mô nhỏ. Đàn gà từ 300 - 500 con/lứa. Theo anh Huế, vì có kinh nghiệm nên thời gian đầu, việc chăn nuôi khá thuận lợi. Giống gà bản địa mà anh nuôi phù hợp với khí hậu, giá thành bán ra thị trường khá cao. Do vậy anh quyết định mở rộng quy mô, tăng lên 1.000 - 2.000 con/lứa.   Để có thêm kiến thức nuôi gà, ngoài việc tìm đọc tài liệu qua sách báo, trên mạng, anh Huế còn chủ động đăng ký tham gia tập huấn về công tác thú y tại huyện Lương Sơn để có thêm kiến thức; đồng thời, thường xuyên nhờ cán bộ thú y viên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gà. Thành công từ nuôi gà ri, anh mạnh dạn vay mượn anh em, họ hàng vào Đồng Nai mua máy ấp trứng về ấp tại gia đình. “Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất đối với tôi. Lứa đầu tiên tự ấp và phát triển đàn với 700 con nhưng đến lúc xuất chuồng bị chết gần một nửa.”- anh Huế nhớ lại. Thất bại này khiến anh quyết định ngừng công việc chăn nuôi, đi tìm hướng khác. Anh bàn bạc với gia đình mua xe đầu ngang với số tiền là 80 triệu đồng để chở thuê vật liệu mong đem lại thu nhập và phục vụ nhân dân trong khu vực. Tuy nhiên, được một thời gian ngắn, anh nhận thấy công việc rất bấp bênh, nhu cầu của bà con cũng không nhiều, giao thông đi lại khó khăn khiến xe thường xuyên bị hỏng, phải tu sửa nhiều lần. Bởi vậy, anh đã bán xe với giá 45 triệu đồng. Thất bại lại đến thất bại, khó khăn, nợ nần chồng chất có lúc anh định đi làm ở các công ty để kiếm tiền trả nợ. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình và sự quyết tâm của bản thân, anh lại một lần nữa quay lại với lò ấp trứng với quyết tâm phải thành công. Để có thêm kiến thức về ấp trứng, anh đã không quản ngại khó khăn, đến các cơ sở ấp trứng trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm và tự tìm hiểu trên sách, báo bổ sung kiến thức. Khi đã nắm bắt được kiến thức về ấp trứng, năm 2010, với số vốn còn lại và vay mượn thêm 20 triệu đồng từ bạn bè, anh mua máy ấp mới và sửa sang chuồng trại. Thời gian đầu anh chưa dám mạo hiểm, chỉ ấp và nuôi tại gia đình. Về sau bà con nhân dân thấy thành công đã tìm đến để mua con giống của gia đình. Từ đó anh quyết định hướng đi mới là ấp trứng bán giống, ấp thuê cho khách hàng kết hợp với hướng dẫn cách chăm sóc gà mới nở và phòng bệnh cho gà nên ngày càng được bà con tin tưởng. Khách tìm đến mua và đặt hàng mỗi ngày một nhiều, công việc kinh doanh từ đó ổn định và phát triển. Hiện nay cơ sở ấp trứng gà, ngan, vịt Hoàng Huế của anh có 4 máy ấp và 3 lò nở. Mỗi ngày cho ra lò từ 1.500 đến 2.000 con gà giống. Ngoài ra còn cung cấp thức ăn chăn nuôi, chọn lọc bảo tồn gà ri Lạc Sơn. Tổng thu nhập cả năm của gia đình đạt từ 650 đến 700 triệu đồng/năm. Mô hình ấp trứng gia cầm của anh còn được lựa chọn là nơi tập huấn kỹ thuật cho hội viên nông dân do huyện tổ chức. Nhờ vậy cơ sở Hoàng Huế được nhiều người biết đến. Gà giống của anh Huế luôn được người nuôi tin tưởng, chọn mua. Thị trường được mở rộng, khách hàng không những ở địa phương mà ở các tỉnh khác như Nghệ An, Thanh Hóa… cũng đã tìm mua con giống với số lượng lớn, đầu ra cho sản phẩm ổn định. Chia sẻ về mô hình kinh tế gia đình, anh Huế cho biết: “Làm nghề ấp trứng giống như nuôi con mọn vậy. Phải thật tỉ mỉ và cẩn thận bởi thừa nhiệt cũng hỏng, thiếu nhiệt cũng hỏng. Nhu cầu gà giống hiện tại trên thị trường là rất lớn, do đó thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô để phục vụ người dân. Trong thời buổi hiện nay, khách hàng rất khó tính, nếu sản phẩm mình làm ra không đảm bảo chất lượng, không giữ chữ tín thì sẽ mất khách ngay. Bởi vậy tôi luôn lấy chữ tín làm đầu.” Với mô hình kinh tế của gia đình, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng và 3 lao động thời vụ với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Không chỉ phát triển kinh tế, anh Huế còn cung cấp gà giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh không lấy lãi và hướng dẫn cách phòng bệnh cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn. Anh cũng nhiệt tình tham gia công tác đoàn, hội, các hoạt động xã hội và phong trào xây dựng nông thôn mới, được đông đảo đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương tin tưởng, ủng hộ. Thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, anh hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, tư vấn dịch vụ thú y để thanh niên trong địa phương cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Tuệ Minh

Đảng ủy Nhà máy Z176 sơ kết 5 năm Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”

TĐKT - Sáng ngày 8/6, Đảng ủy Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Dự và chỉ đạo Hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Viết Xuân, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Thiếu tướng Nguyễn Viết Xuân, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị Trong 5 năm qua, Nhà máy Z176 đã triển khai thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động theo Chỉ thị 788-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Nhà máy đã nhận thức đúng ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động. Tập thể Đảng ủy, chỉ huy và các bộ phận luôn đoàn kết, thống nhất cao, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng; luôn chủ động tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, đơn vị vững mạnh toàn diện, là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua liên tục của Tổng cục. Khen thưởng các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Viết Xuân, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Tổng cục đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương những thành tích và kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện các nội dung của Cuộc vận động tại Nhà máy, giai đoạn 2014 - 2019, đồng thời định hướng nhiệm vụ tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới. Hội nghị đã biểu dương, khen thưởng 2 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2014 - 2019). Nguyệt Hà

Học viện Quân y tuyên dương 53 điển hình tiên tiến

TĐKT - Sáng 8/6, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Học viện Quân y long trọng tổ chức Lễ báo công dâng Bác và tuyên dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” (2014 - 2019). Thiếu tướng, PGS. TS. Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Quân y chủ trì buổi lễ. Thiếu tướng, PGS. TS.  Nguyễn Viết Lượng trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Cuộc vận động. Thời gian qua, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đã được Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Quân y và cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ Học viện triển khai thực hiện nghiêm túc, trở thành một nội dung lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy, chi bộ, là hành động hàng ngày của các tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Qua 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động trong đảng bộ và toàn Học viện, đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Thông qua học tập, quán triệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nội dung của Cuộc vận động. Phát huy truyền thống của Học viện Quân y - Đơn vị ba lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, mỗi cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ của Học viện đã luôn cống hiến sức lực, trí tuệ, tâm huyết và tài năng của mình để xây dựng đơn vị, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Thông qua thực hiện Cuộc vận động, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực: Huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị, chăm sóc sức khỏe phục vụ bộ đội và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất…. Đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được công nhận và ứng dụng vào thực tiễn, đem lại không chỉ lợi ích về kinh tế, tiết kiệm được nhân lực mà còn là cơ sở khẳng định vị thế, quá trình vươn lên làm chủ khoa học hiện đại, y học quân sự. Tại Lễ báo công, Học viện Quân y ghi nhận và tuyên dương 34 tập thể và 19 cá nhân điển hình tiên tiến đã có nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc trong 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần to lớn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm của Học viện, xây dựng Đảng bộ Học viện Quân y trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ tiêu của Cuộc vận động, góp phần cổ vũ, khích lệ đơn vị vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; giữ vững và phát huy truyền thống Học viện Quân y Anh hùng, toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ của Học viện đã hứa với Bác: Tuyệt đối trung thành, kiên định với mục tiêu, lý tưởng, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn; tích cực chủ động trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân; xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện; tiếp tục triển khai thực hiện sâu rộng hơn nữa Cuộc vận động gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về công tác xây dựng Đảng, phấn đấu là một trong những đơn vị đi đầu trong toàn quân về học tập và làm theo Bác. Phương Thanh

Trang