Điển hình tiên tiến

Mệnh lệnh của trái tim nhà báo nhân ái

TĐKT - Sinh ra và lớn lên ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, từ năm lên sáu tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Lực đã theo mẹ đi phát gạo, phát muối, phát mì tôm cho người nghèo. Năm 1969, anh gia nhập Đoàn Thanh niên Hồng thập tự Đà Lạt khi tròn 16 tuổi, được tham gia nhiều hoạt động trợ giúp những mảnh đời bất hạnh, chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, giúp trẻ mồ côi và người khuyết tật. Sau năm 1975, anh làm công tác báo chí, phát thanh truyền hình rồi về làm lãnh đạo chuyên trách công tác Hội Nhà báo và là Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo Lâm Đồng. Cuộc đời cứ đưa đẩy anh làm hết việc này đến việc khác, nhưng có một việc chẳng ai phân công, chẳng ai “bổ nhiệm” vậy mà nó cứ cuốn hút và thôi thúc người đàn ông ấy hơn 50 năm qua, đó là công việc từ thiện. Tâm sự với chúng tôi anh bảo rằng: Những năm làm báo, được đi nhiều, thấy nhiều, hiểu nhiều, anh càng cảm nhận rõ hơn và thấu hiểu được nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh. Ngòi bút của anh viết về hoàn cảnh của những người bị bệnh hiểm nghèo, về cái chết luôn rình rập cướp đi sinh mạng của những cháu bé bị bệnh tim, về sự trống trải, cô đơn của những đứa trẻ mồ côi, của những cụ già không nơi nương tựa… đã chạm đến trái tim của hàng triệu độc giả. Hàng trăm nghìn nhà hảo tâm trong số hàng triệu độc giả ấy đã chủ động tìm đến anh để tìm hiểu và trao đổi cách thức để giúp cho những đối tượng này. Anh Nguyễn Văn Lực cùng các nhà hảo tâm đến trao hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn 10 năm qua, từ ngày được bầu làm Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng đến nay, anh đã vận động hơn 500 tỷ đồng để giúp đỡ hơn 1.300 trẻ em và bệnh nhân nghèo được phẫu thuật tim, giúp đem lại ánh sáng đôi mắt cho gần 10.000 người cao tuổi; tặng 4.000 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật và bệnh nhân bị tai biến, bại liệt. Hơn 1.500 xe đạp và 1.200 suất học bổng đã được trao cho học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật và học sinh nghèo, gần 100 ngôi nhà tình thương được xây dựng. Đã có 421 cháu bé bị dị tật bẩm sinh được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; hơn 4.000 lượt học sinh mầm non và học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số được tài trợ nâng cao thể trạng từ những bữa ăn dinh dưỡng; 5.000 thẻ bảo hiểm y tế được tặng cho những gia đình khó khăn; hơn 100 hoàn cảnh được hỗ trợ từ các chương trình Tiếp sức hồi sinh, Vượt lên chính mình, Mở cửa tương lai, Khát vọng sống, Thắp sáng ước mơ Xanh, Nhịp tim Việt Nam, Nâng cao chất lượng dinh dưỡng, Phẫu thuật đem lại nụ cười, Trợ vốn khởi nghiệp… Nhiều gia đình được hỗ trợ từ 100 - 500 triệu đồng. Nhiều công trình công cộng như giếng khoan, hệ thống nước sạch, thư viện trường học, cầu giao thông, bếp ăn tình thương được xây dựng để phục vụ đồng bào, bệnh nhân và học sinh vùng sâu, vùng xa... Đó thực sự là những con số “biết nói”, cho thấy sự đam mê, nhiệt huyết của một con người hết lòng vì cộng đồng. Ấy vậy mà khi được vinh danh là Tấm gương sáng vì cộng đồng, được Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và tặng Bằng Khen, được phóng viên báo chí quan tâm phỏng vấn, đề nghị chia sẻ về những việc mình làm... anh khiêm tốn nói: “Người ta nói, khi đã giúp gì đó cho ai thì đừng nhớ việc mình đã giúp, khi đã cho người ta cái gì thì đừng kể và khi đã hết lòng để ai đó giành lại mạng sống thì đừng nhắc. Cho nên khi viết những dòng báo cáo, nói ra những việc mình đã làm như thế nào, tôi thấy khó vô cùng”.                 Song thực tế 10 năm qua, được làm việc, hợp tác với anh, chưa ngày nào người ta thấy anh ngơi nghỉ. Với trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Hội, có lúc anh phải làm việc 30 ngày một tháng và có khi suốt nhiều tuần lễ phải di chuyển liên tục, đến với đồng bào nghèo vùng xa, đến với những hoàn cảnh khó khăn vùng sâu. Cũng có thể do công việc cuốn đi nên sức khỏe của anh có phần giảm sút. Nhưng với anh, được sẻ chia nỗi đau với những người mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, góp phần lau đi những giọt nước mắt của những người cha, người mẹ khi con mình không có tiền mổ tim, khi mạng sống của các cháu mong manh... mới là niềm vui, là hạnh phúc thực sự. Đó không chỉ là trách nhiệm của người làm công việc bảo trợ mà đó còn là mệnh lệnh của trái tim, là trách nhiệm xã hội của một nhà báo chân chính. Nhà báo Nguyễn Văn Lực đến thăm bệnh nhân Lý Trung Tấn sau khi mổ  tim thành công Anh Lý Trung Tấn, ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là một người bán vé số dạo. Hàng ngày, anh đi bán vé số để kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng thỉnh thoảng bị khó thở, không đi nổi nên có ngày chẳng bán được tờ vé số nào. Anh đến trung tâm y tế huyện khám và được chuyển lên tuyến tỉnh. Các bác sĩ chẩn đoán tim của anh Tấn hở van 3 lá, 2 lá và hẹp động mạch chủ phải vào TP Hồ Chí Minh mổ gấp. Gia đình quá nghèo nên anh Tấn không thể xoay sở số tiền 133.760.000 đồng để mổ tim theo giấy báo của Bệnh viện Tim TP Hồ Chí Minh. Người ta chỉ anh tìm đến Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng để xin tài trợ mổ. Nhưng các nhà tài trợ chỉ hỗ trợ chi phí mổ tim cho đối tượng từ sơ sinh đến 21 tuổi, trong khi thời điểm đó anh Tấn đã 37 tuổi. Không đành nhìn một người trụ cột của gia đình phải đầu hàng trước bệnh tật, anh Lực đã xoay sở mọi cách, nhắn tin nhờ bạn bè hỗ trợ. Trong 1 tuần, anh đã giúp bệnh nhân Tấn có đủ số tiền 133,76 triệu đồng để thực hiện ca mổ thành công. 3 năm sau, đến lượt con gái của anh Tấn nhập viện mổ tim, cũng với chi phí gần 100 triệu đồng và đã được Hội Bảo trợ Lâm Đồng lo toàn bộ chi phí phẫu thuật. Một trường hợp khác là chị Trương Đan Vân, 37 tuổi, cư trú tại 30/1, Khởi Nghĩa Bắc Sơn, thành phố Đà Lạt, mang trong mình 2 căn bệnh hiểm nghèo: Suy thận mạn và Lupus ban đỏ, lại phải nuôi 2 con nhỏ trong độ tuổi ăn học. Chồng của người phụ nữ này là Nguyễn Phi On, 39 tuổi, quanh năm làm thuê, làm mướn để kiếm tiền cho vợ chạy thận nhân tạo. Bốn người trong gia đình nghèo đó ở trong căn nhà dột nát bên cánh rừng thông ở ngoại ô thành phố. Biết được hoàn cảnh éo le đó, anh Lực đã tự hứa phải cứu người phụ nữ này, phải giúp họ sửa lại căn nhà và phải tìm cách lo cho 2 đứa bé nghèo được ăn học. Chỉ trong một buổi vận động, anh Lực và các tấm lòng nhân ái đã mang đến cho gia đình 177.270.000 đồng từ chương trình Khát Vọng Sống. Đó là một số tiền không lớn nhưng đã giúp chị Vân có tiền chữa bệnh, gia đình có tiền sửa lại ngôi nhà, các con của Vân có tiền để yên tâm học hành và tìm cơ hội đổi đời. Đó chỉ là hai trong số hàng trăm ngàn trường hợp nhận được sự trợ giúp từ nhà báo Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng. Thấy anh mê mẩn với công việc bảo trợ, có người hỏi anh rằng: Có phải vì anh có “khẩu khiếu” và vì anh là nhà báo nên mới dễ thuyết phục người khác “rút túi tiền” giúp cho người nghèo, xây trường học, dựng nhà tình thương... Anh đã thẳng thắn trả lời rằng: Không hẳn là như vậy, bởi vì trong mỗi con người đều có trái tim nhân ái, một khi chúng ta khơi dậy được lòng nhân ái trong họ thì ai cũng sẵn lòng. Bớt đi gói thuốc lá để bệnh nhân nghèo có thêm ký gạo, bớt đi ly rượu, chai bia để người bệnh có được viên thuốc đặc trị, bớt đi tô phở để các cháu mồ côi có bát cơm đầy... việc đó ai cũng làm được. Vấn đề là sự giúp đỡ của họ phải đến đúng đối tượng, người được giúp phải tự vươn lên, các công trình do các nhà hảo tâm giúp đỡ phải được sử dụng có hiệu quả. Rồi bằng mọi cách, hãy mời những mạnh thường quân, những tấm lòng vàng đến tận nhà những người cần giúp, đến bên giường bệnh nhân nghèo để trao tận tay những đồng tiền nhân ái; cùng nhà tài trợ trao cho người tàn tật chiếc xe lăn, tặng cho các cháu mồ côi hộp sữa, chiếc cặp, cây bút… Chính những việc đó đã giúp các nhà hảo tâm không chỉ “tai nghe” mà còn “mắt thấy”, không chỉ hỗ trợ mà còn cảm thông. Anh Nguyễn Văn Lực (ở giữa) đưa các cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh nhập viện phẫu thuật tại Bệnh viện Tim Tâm Đức TP Hồ Chí Minh Nhiều người gọi anh với cái tên đặc biệt là “Kẻ đi xin có thương hiệu” – một chức danh chưa từng ghi trong thang bảng lương cán bộ, viên chức nhà nước nhưng anh lại thấy vui vô cùng. Anh bảo: Càng nhiều “Kẻ đi xin có thương hiệu” thì càng có nhiều bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi được giúp đỡ, cưu mang. Điều quan trọng là tiền của các nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo, cho trẻ mồ côi hoặc người khuyết tật phải được chuyển ngay đến đúng địa chỉ. Những nỗ lực của anh Nguyễn Văn Lực đã góp phần thắp lên niềm tin về lòng nhân ái, khơi dậy cái tâm, cái thiện trong cộng đồng và thu hút ngày càng nhiều người tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện. Năm 2018, anh được tỉnh Lâm Đồng tuyên dương và tặng danh hiệu “Gương sáng đời thường”; năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được vinh danh Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng. Mai Thảo

Chàng trai người Tày đưa gia vị xứ Lạng vươn xa

TĐKT - Những năm gần đây, tại Lạng Sơn, cùng với hoa hồi, cây mác mật dần mang lại giá trị cao, diện tích trồng được người dân mở rộng. Với những bà con vùng cao xứ Lạng, mác mật là loại gia vị không thể thiếu trong các món ăn hàng ngày như vịt, lợn quay… Nhận thấy giá trị của cây mác mật, chàng thanh niên người Tày - Dương Hữu Điện ở xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn đã quyết định khởi nghiệp từ cây gia vị này. Dương Hữu Điện thuyết trình ý tưởng tại Vòng bán kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo dành cho thanh niên nông thôn năm 2019 Điện cho biết, mác mật là loại cây gia vị đặc trưng có ở vùng Đông Bắc bộ như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Quả mác mật có thể ăn tươi hoặc dùng để nấu, kho trong một số món ăn đặc sản vùng cao, bởi mùi thơm của loại cây gia vị này rất đặc biệt, tạo cho món ăn trở nên đậm đà, thơm, bùi. Với loại đặc sản vùng cao này, khi ướp vào các món nướng, quay sẽ tạo nên mùi vị lạ và thơm ngon, ngậy và bùi, lại không độc hại, dễ tiêu hoá… Đặc biệt, người dân thường dùng hạt mác mật để chế biến thêm món nước chấm sền sệt. Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 350 ha cây mác mật, trong đó, chủ yếu thu hoạch và bán quả tươi với giá trung bình khoảng 15.000 đồng/kg. Diện tích tương đối lớn song trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở chế biến quả, lá mác mật theo hướng hàng hóa. Là người con của Lạng Sơn, nhiều năm làm nghề thu gom lá, Điện chứng kiến quả mác mật bán cho thương lái đưa sang Trung Quốc, giá trị mang lại không cao. Trong khi đó, loại gia vị này ngày càng được sử dụng phổ biến ở thị trường nội địa. “Từ người làm thuê, mình thay đổi nhận thức, vì nhận thấy mác mật là nguồn tài nguyên đặc biệt ở địa phương, cần phải tìm cách nâng cao giá trị gia tăng thay vì bán thô, giá rẻ mạt cho Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân để mình nghiên cứu và chế biến lá, quả mác mật thành nước sốt, một dạng sản phẩm tiện dụng cho người tiêu dùng, giảm chi phí vận chuyển, kho bãi… Chỉ có làm như vậy thì mới nâng cao được giá trị của loại cây gia vị này, người dân tộc mới có thêm việc làm và nguồn thu nhập”, Điện tự tin chia sẻ. Dương Hữu Điện giành được suất đào tạo ngành thương mại quốc tế tại các nước trong khu vực châu Á Tận dụng 6 ha diện tích mác mật tại vườn nhà, Điện đã đầu tư khoảng 30 triệu để mua các thiết bị như máy ép, máy xay để chiết xuất, chế biến sản phẩm từ mác mật. Tháng 4/2020, Điện bắt tay vào thử nghiệm, chế biến, xây dựng công thức cho các loại sốt có hương vị mác mật. Điện cho biết: “Khó khăn nhất là gia giảm sao cho các loại gia vị hòa quyện lại với nhau nhưng vẫn phải giữ được hương vị đặc trưng của mác mật. Sau hàng chục lần gia giảm thành phần, khối lượng, thử tẩm ướp và chế biến các món ăn, 2 sản phẩm gia vị mác mật sấy khô và nước sốt dạng lỏng đã ra đời. Thành phần chính của 2 loại sốt này là quả mác mật, lá mác mật, hồi, quế, hồ tiêu… Tuy đã qua chế biến song hương vị mác mật không bị giảm đi mà còn thơm ngon hơn do có những loại gia vị khác bổ trợ. Đặc biệt, thời gian bảo quản lên đến 1 năm. Với 2 loại sốt này, người tiêu dùng có thể sử dụng để tẩm, ướp các món kho, chiên, nướng, rán, làm nước chấm… Hiện nay, sản phẩm của Điện đã có mặt ở 5 cơ sở quay nướng tại khu vực xã Chiêu Vũ. Tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo dành cho thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức năm 2019, dự án các loại sốt hương vị mác mật của Điện đã vượt qua hàng nghìn sản phẩm để lọt vào vòng chung kết. Anh nhận được suất đào tạo ngành thương mại quốc tế tại các nước trong khu vực châu Á. Hướng xa hơn, Điện chia sẻ anh sẽ chế biến tinh dầu mác mật và nhiều sản phẩm khác với mong muốn thu hút đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh niên tại địa phương tham gia. Dự án nếu được triển khai rộng sẽ mang lại giá trị rất lớn cho người dân và xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Nguyệt Hà

Phát triển kinh tế từ trồng ổi nữ hoàng

TĐKT -  Những năm gần đây, trên địa bàn xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng ổi nữ hoàng của ông Nguyễn Thanh Hùng, ấp Hòa Linh bước đầu mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Ông Hùng thu hoạch ổi Nữ hoàng Trên diện tích đất sau vườn nhà, hơn 2 năm về trước, gia đình ông Hùng chủ yếu trồng rau màu. Tuy nhiên, theo ông Hùng cho biết, các loại cây này cho năng suất thấp, bán không được giá nên thu nhập không đáng kể. Vốn là người làm nông thuần túy, bao năm vất vả, một nắng hai sương, nhưng trồng hoa màu không mang lại hiệu quả, năm 2019 vợ chồng ông Hùng quyết định chuyển đổi sang trồng ổi nữ hoàng. Lý do đưa ra quyết định này, theo ông Hùng, qua tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, nhận thấy mô hình ổi nữ hoàng có tiềm năng và phù hợp với vùng đất Long Thạnh, ông đã tìm hiểu quy trình chăm sóc, hiệu quả mà giống ổi này mang lại và tìm nguồn tiêu thụ… Vậy là ông quyết định về cải tạo mảnh đất nhà mình và mua 300 cây ổi nữ hoàng về trồng. Qua 8 tháng trồng, đến tháng 9/2019, vườn ổi đã bắt đầu cho thu hoạch mỗi ngày. “Với số vốn đầu tư ban đầu chưa đến 5 triệu đồng, sau 8 tháng trồng, mỗi ngày tôi thu hoạch từ 30 - 50 kg ổi (15.000 đồng/kg), thu về từ 400.000 - 750.000 đồng. Với nguồn lợi nhuận thu được từ trồng ổi nữ hoàng, gia đình tôi mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị, kinh tế gia đình khá giả hơn so với trước.”- ông Hùng chia sẻ. Tiếng lành đồn xa, hiện nay có rất nhiều người trong và ngoài xã tìm đến vườn ổi của ông để tham quan và chia sẻ kinh nghiệm. Ông cũng đang chuẩn bị chiết giống để cung cấp cho một số người có nhu cầu mua về trồng. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng ổi nữ hoàng, ông Hùng cho biết: Trồng ổi nữ hoàng vốn đầu tư ít, chi phí không cao. Ổi nữ hoàng có thể trồng bất cứ lúc nào trong năm, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao. Trái ổi ngọt, giòn, ít hạt, ít sâu bệnh và cho thu hoạch quanh năm. Chỉ cần đầu tư cây giống một lần, sau khi cây cứng cáp có thể chiết nhánh hoặc ươm hạt để phát triển cây mới. Cũng theo ông Hùng cho biết, khi trái ổi to bằng ngón tay cái (2cm) dùng túi ni-lông bọc kín bên ngoài nhằm hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục trái. Khoảng hai tháng sau khi bọc trái là có thể thu hoạch. Với sự cần cù, biết nắm bắt thông tin, nhìn ra hướng đi đúng để phát triển kinh tế, ông Hùng đã biến mảnh vườn của mình thành mô hình trồng trọt cho hiệu quả cao.    Tuệ Minh

Thắp sáng niềm tin cho những số phận bất hạnh, tật nguyền

TĐKT - “Tuy hiện tại sức khỏe không tốt nhưng nếu có cơ hội được đi thiện nguyện, tôi sẽ vẫn lên đường” – Đó là lời bộc bạch của bà Phùng Thị Nhung – Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Với bà, từ thiện đã gắn bó như hơi thở cuộc sống trong suốt hơn 20 năm nay, trở thành động lực để bà sống vui, sống khỏe và sống có ích mỗi ngày. Tham gia công tác thiện nguyện từ rất sớm nên bà Phùng Thị Nhung được xem như một trong những người đầu tiên đặt viên gạch xây dựng và phát triển Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Với vai trò là hội viên rồi Phó Chủ tịch Hội, bà đã có nhiều cống hiến, góp phần cải thiện đời sống cho trẻ em cơ nhỡ, tật nguyền, thăm và tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lụt, thậm chí lan tỏa tấm lòng nhân ái và bao dung tới cả những nơi miền núi xa xôi, hay nơi thường ít được chú ý tới như trại phong Hải Dương, Thái Bình, Trung tâm điều trị HIV/AIDS ở Hà Nội, Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Bình... Bà kể: “Có lần, đoàn chúng tôi đến Quảng Bình để trao quà cho đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. Khi đến bờ sông, do lũ lên cao phải đi phà mới vào được bên trong làng. Nguy hiểm và đói đến mức ai trong đoàn cũng tưởng đó là chuyến đi cuối cùng của mình. Thế nhưng, chúng tôi vẫn kiên quyết không dùng hàng cứu trợ của bà con mà mua tạm cơm nguội để ăn mới có sức đi tiếp. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất trong hơn 20 năm đi làm thiện nguyện của tôi”.   Bà Phùng Thị Nhung (áo xanh, thứ ba từ phải sang) – Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao tặng xe đạp cho trẻ em Đặc biệt, trên cương vị là Phó Chủ tịch, Phó Trưởng ban Dự án, bà đã tích cực xây dựng và vận động tài trợ cho các dự án, đề án phát triển Hội. Chỉ trong 5 năm (2000 - 2005), bà đã xây dựng được 7 dự án lớn nhỏ, quyên góp được 6 tỷ đồng giúp trẻ em khuyết tật có cơ hội được phục hồi chức năng và học nghề tại các cơ sở của Hội. Cùng với đó, chính bà cũng là người vận động thành công 5 tỷ đồng và 10000 m2 gạch lát nền, ốp tường để xây dựng bệnh viện trẻ em khuyết tật tại Hải Dương cùng 10000 suất quà để ủng hộ trẻ em thiếu may mắn ở khắp các cơ sở của Hội. Với vai trò là điều phối viên của dự án “Nâng cao năng lực phục hồi” do một tổ chức của Mỹ tài trợ, bà Nhung đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và tích cực đào tạo được 30 kỹ thuật viên và trang bị được các thiết bị phục hồi chức năng trị giá 4 tỷ đồng để đáp ứng được nhu cầu của trẻ em khuyết tật ở cơ sở. Ngoài ra, bà Nhung còn phối hợp với đơn vị khác như Công ty sự kiện Hà Thành, Công ty cổ phần truyền thông VietSky tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa: “Xuân ấm cho em”, “Thắp sáng niềm tin cho em”… để trao những phần quà cho gần 2000 trẻ em khuyết tật có nhiều cố gắng trong học tập và cuộc sống vào các dịp 1/6, tết Trung thu, tết Nguyên đán,… Vốn là một doanh nhân, lại dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho hoạt động thiện nguyện nên ngoài việc vận động tài trợ cho những chuyến đi thăm và trao quà, bà Nhung cũng luôn làm tốt nhiệm vụ đảm bảo tài chính cho công tác hoạt động Hội. Nhất là trong 6 tháng đầu năm 2010, tuy kinh tế bị suy thoái nặng nề nhưng bà vẫn kêu gọi được 500 triệu đồng ủng hộ cho quỹ Hội và giúp đỡ, cải thiện đời sống cho cán bộ, hội viên của mình. Đồng thời, bà cũng đều đặn mỗi năm tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác xã hội và kỹ năng chuyên môn cho cán bộ công tác của Hội cùng hội thi “Tiếng hát cán bộ, hội viên Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam” nhằm động viên, khích lệ mỗi người cố gắng và có trách nhiệm với công việc mình đang làm. Bà Phùng Thị Nhung (bên trái) không quản mưa nắng, tìm đến tận các gia đình khó khăn để trao quà hỗ trợ Để có được nhiều đóng góp tích cực hơn nữa cho cộng đồng xã hội, bà Nhung đã lan tỏa tấm lòng nhân ái của mình tới mọi thành viên trong gia đình. Người con gái của bà đang sinh sống ở nước ngoài cũng thường xuyên đóng góp không nhỏ vào những chuyến đi của mẹ. Đó là nguồn động viên to lớn giúp bà tiếp tục chặng hành trình từ thiện không biết mệt mỏi của mình. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, gia đình bà đã ủng hộ tới hơn 1 tỷ đồng cho đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thông qua những chuyến đi xa tới Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Gần đây nhất, cuối năm 2020, khi vừa mới bình phục sau điều trị bệnh đau lưng, nghe tin vùng lũ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đang gặp nhiều khó khăn, bà đã đến tận nơi, trao hàng trăm suất quà vô vùng ý nghĩa, bao gồm những nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con và xe đạp cho học sinh đến trường. Từ những cống hiến cho hoạt động thiện nguyện ấy của bà nói riêng và hoạt động của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam nói chung, bà Phùng Thị Nhung đã vinh dự nhận được các cấp lãnh đạo và các ban, ngành, đoàn thể tặng nhiều bằng khen và giấy khen như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Kỷ niệm chương   của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị, Bảng vàng vinh danh của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam... Đặc biệt, năm 2020, bà vinh dự được tôn vinh là “Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.  Thế nhưng, người phụ nữ thiện tâm ấy vẫn luôn khiêm tốn cho rằng, đó là đam mê của bản thân nên chẳng có gì đáng kể và cũng bởi chỉ có từ thiện mới có thể giúp bà sống vui khỏe mỗi ngày để góp phần nhỏ bé vào sự công bằng, tiến bộ của xã hội./. Hưng Vũ    

Người đàn ông 98 lần hiến máu cứu người: Tất cả vì cộng đồng

TĐKT - Với truyền thống “Thương người như thể thương thân”, hiến máu cứu người là một việc làm rất cụ thể, nhân đạo và đầy tính nhân văn, thể hiện lòng yêu thương con người của dân tộc Việt Nam. Chính vì nghĩa cử cao đẹp đó, mà trong 25 năm qua (từ năm 1996 - 2021), anh Ngô Văn Dư, sinh năm 1974 - số nhà 528/24 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh là nhân viên bảo vệ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã hiến 98 lần được 146 đơn vị máu và anh đã vận động mọi người cùng tham gia hiến máu cứu giúp người bệnh, góp một phần nhỏ của mình vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tại buổi Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”, anh Dư chia sẻ: “Đây là niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi. Đặc biệt, đây là lần thứ hai tôi được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (lần đầu tiên năm 2014). Đối với tôi, hành trình hiến máu sẽ tiếp tục đến khi bản thân không còn đủ điều kiện thì sẽ dừng lại”. Anh Ngô Văn Dư được vinh danh trong “Top 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2020” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về những hoạt động thiện nguyện của mình vào tháng 11 năm 2020 tại Hà Nội. Cơ duyên để anh Dư gắn bó với công tác hiến máu tình nguyện, đó là vào năm 1995 tình cờ vào thăm người bạn nằm chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh chứng kiến một trường hợp có người nhà đang cấp cứu. Họ chạy đôn, chạy đáo tìm người cho máu. Ngay lúc đó, bản thân anh rất muốn tình nguyện cho máu. Nhưng tâm lý rất sợ nhìn thấy máu và nghĩ liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của mình hay không nên anh đã ra về. Những ngày sau đó, hình ảnh bệnh nhân ấy cứ ám ảnh; lương tâm anh thấy cắn rứt vì nghĩ đến người nhà bệnh nhân đó không tìm được người cho máu và nếu không mua máu để bác sĩ cấp cứu kịp thời thì tính mạng họ sẽ ra sao...  “Đến đầu năm 1996 khi tôi tham gia công tác Chi đoàn Dân quân tự vệ và biết đến phong trào vận động tham gia hiến máu nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Trung ương phát động… tôi đã đăng ký tham gia ngay. Cho đến nay là 25 năm, tôi đã hiến máu được 98 lần”, anh Dư cho biết. Sống tự lập từ nhỏ, đến khi trưởng thành, được huấn luyện trong môi trường quân đội, anh Dư luôn có lối sống lành mạnh, không rượu bia, thuốc lá và tinh thần lạc quan, tích cực chơi thể thao. Suốt 25 năm qua, mặc dù đã hiến máu 98 lần nhưng sức khỏe vẫn bình thường, anh duy trì thể lực tốt và ít bệnh tật... Khi được biết việc làm của anh, những người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp luôn ủng hộ, động viên và chia sẻ. Dù vợ và con gái đang ở Mỹ nhưng khi biết tin về những hoạt động của ba mình, cô con gái nhỏ đáng yêu Ngô Đặng Phương Vy Cindy (13 tuổi) rất hãnh diện về người ba của mình. “Con gái rất thương và luôn tự hào về tôi, dù còn nhỏ nhưng con đã có ý thức về việc làm của ba nó. Mới đây, Cindy đăng ảnh hai cha con hồi bé lên mạng xã hội. Tôi rất xúc động và mong sớm được gặp vợ con”, anh Dư xúc động nói.  Ngân hàng SCB, nơi anh Dư đang làm công tác bảo vệ, ở đó anh được đồng nghiệp đánh giá là người hiền lành, chăm chỉ, luôn làm việc thiện vì cộng đồng. Anh Dư chính là điển hình trong hoạt động hiến máu nhân đạo và là tấm gương để toàn bộ cán bộ, nhân viên tham gia đóng góp hiến máu. Năm 2020, chương trình nhân đạo “Trái tim hồng” do Ngân hàng SCB tổ chức đã hiến được 820 đơn vị máu. Chị Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB chia sẻ: “Tôi rất trân quý tấm lòng của anh Dư, một người đơn giản những lại không đơn giản, việc làm của anh không phải ai cũng làm được. Thay mặt anh, chị em cán bộ trong Ngân hàng SCB, tôi chúc anh Dư luôn khỏe mạnh để giúp được nhiều người hơn”. Lần hiến máu thứ 97 của anh Dư trong chương trình hiến máu nhân đạo “Trái tim hồng” do Ngân hàng SCB nơi anh công tác tổ chức năm 2020. Khi được hỏi dự định của anh khi sắp chạm mốc 100 lần hiến máu, anh có nghĩ đó sẽ là mốc lịch sử, kỷ lục của 1 người hiến máu không, Anh Dư trầm ngâm nói: “Bản thân tôi không ngờ thời gian đã 25 năm và được 98 lần. Tôi không đặt chỉ tiêu hay chạy theo thành tích. Con số 100 cũng là con số đáng nhớ và kỷ niệm trong cuộc đời tôi và tôi mong đó là động lực để các bạn trẻ phấn đấu tham gia hiến máu. Riêng bản thân tôi luôn nghĩ tham gia hiến máu cứu người mang tính nhân văn giữa con người với con người, là một công việc thiện nguyện liên quan đến mạng sống của con người. Nên ngày nào sức khỏe còn cho phép và còn trong tuổi được và đủ điều kiện tham gia hiến máu thì tôi vẫn tham gia cho đến ngày cuối cùng. Tôi có ước nguyện, nếu sau này có mất đi thì xin hiến xác cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để nghiên cứu khoa học hay cứu người”. Theo anh Dư, bản thân anh hay một vài người hiến thì không thể đủ được. Việc này cần sự chung tay, góp sức của cả động đồng. Chính vì vậy, ngoài việc vận động anh em, bạn bè và các bạn trẻ tình nguyện, anh Dư còn vận động những người thân trong gia đình cùng tham gia, thuyết phục họ bằng chính kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân: “Hiến máu giúp sàng lọc máu cũ, sản sinh máu mới, giúp cơ thể khỏe mạnh và quan trọng, hiến máu là góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi người, trong đó có cả những người thân yêu của mình. Đặc biệt, hiến máu là cơ hội để mình kiểm tra sức khỏe, được xét nghiệm xem có mắc các bệnh lây truyền như viêm gan A, B, C, ký sinh trùng sốt rét, HIV hay không…”, anh Dư nói. Trong mỗi chúng ta, dù ở trong hoàn cảnh thế nào, nếu có tấm lòng từ bi, dù công khai hay thầm lặng, đóng góp nhiều hay ít thì đều có điểm chung là mong muốn xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, bớt người nghèo khổ, khó khăn. Bản thân anh Dư cũng thế, mong muốn chung tay vì cộng đồng, tạo sức lan tỏa để mọi người cùng tham gia hiến máu nhân đạo cứu người. Đã từ lâu và đến bây giờ, nhu cầu cần máu cứu người rất cao và khan hiếm. Anh Dư mong muốn mọi người tham gia bởi vì: “Những giọt máu cho đi sẽ thêm những tính mạng con người cần máu được cứu sống và ở lại, và những người khó khăn do không có điều kiện tiếp máu không bị bỏ lại phía sau”. Tố Như

Nữ y tá hết lòng với bệnh nhân phong

TĐKT - Ở tuổi 64, là tuổi đã được nghỉ hưu nhưng nữ y tá Nguyễn Thị Xuân, công tác tại Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh vẫn hết lòng với bệnh nhân phong, không chịu nghỉ ngơi, nhất định cùng ăn, cùng sống, gắn bó cả cuộc đời với bệnh nhân phong. Bà chính là hiện thân của của sự sống, là người cứu rỗi những mảnh đời bất hạnh từng bị hắt hủi ở trại phong. Y tá Nguyễn Thị Xuân Y tá Xuân cho biết, bà sinh ra và lớn lên tại thôn Xuân Hòa, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh trong gia đình có 5 anh chị em. Lớn lên, bà làm giáo viên dạy trẻ mầm non. Cuộc đời cứ thế lặng lẽ, êm đềm bên những đứa trẻ cho đến khi bà Xuân vô tình đọc được cuốn sách Lạc quan trên miền thượng của Linh mục Giuse Phùng Thanh Quang. Nội dung câu chuyện kể về cuộc sống nhiều nỗi đau và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của những bệnh nhân phong ở trại phong Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Có lẽ là một cơ duyên. Những câu chuyện trong cuốn sách đã làm thức tỉnh và tạo bước ngoặt trong nhận thức của bà Xuân về sự lựa chọn nghề nghiệp sau này. Để hiểu thêm về những số phận trong cuốn sách đó, bà đã giấu gia đình và tự tìm đến trại phong Quả Cảm (thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Tại đây, bà chứng kiến nỗi đau về thể xác của những bệnh nhân với tấm lòng đầy thương cảm. Bởi thế, năm 1988, bà quyết định vào học trung cấp y ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Chưa dừng lại ở đó, năm 1992, bà tiếp tục vào TP Hồ Chí Minh học cách gò sắt làm chân giả cho bệnh nhân phong. Bà Xuân hiện đã có hơn 30 năm sống và phục vụ bệnh nhân phong tàn tật tại Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh. Vững tay nghề, bà Xuân đã giúp nhiều bệnh nhân ở rất nhiều trại phong trên cả nước có đủ đôi tay, đôi chân lành lặn. Qua đó, giúp họ thuận tiện hơn rất nhiều trong đi lại, sinh hoạt. Đồng thời, bà giúp bệnh nhân phục hồi chức năng. Nhờ sự tập luyện thường xuyên này đã giúp bệnh nhân mỗi ngày một tiến triển tốt hơn cả về tinh thần lẫn sức khỏe. Y tá Xuân thăm hỏi cụ Nguyễn Xuân Phước, 88 tuổi - 1 trong 2 người lớn tuổi ở trại phong Quả Cảm Không chỉ làm công việc giúp đỡ những bệnh nhân về cơm nước, thuốc thang, sinh hoạt thường ngày, bà còn nghĩ làm sao cho con cháu họ cũng có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Bà đã xin các nhà hảo tâm kinh phí xây dựng nhà ở cho bệnh nhân phong, phòng mổ, nhà ăn tập thể, nhà khách, nhà tang lễ, sửa chữa đường đi nội viện, giúp phát triển kinh tế cho bệnh nhân phong bằng cách đào 3 ao cá lớn, cải tạo 2 ao cá nhỏ, san ủi 2 đồi, chuyển đổi cây trồng trên các vườn đồi có thu nhập cao hơn. Tiếp đó là xây 250 ngôi mộ vô danh cho bệnh nhân phong tại trại phong Quả Cảm và giúp đỡ các bệnh nhân phong trong 13 khu điều trị phong Miền Bắc, hỗ trợ cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân phong, bà Xuân còn giúp đỡ xây dựng 201 ngôi nhà cho bệnh nhân, huy động và cấp vốn cho 173 gia đình (từ 8 - 10 triệu đồng), tặng xe cho con em bệnh nhân. Nhờ sự giúp đỡ của bà Xuân, đến nay, nhiều con em bệnh nhân phong được học hành, trở thành cán bộ, công chức..., xóa đi mặc cảm về bệnh tật. Mỗi năm, bà giúp được trên dưới 300 em học sinh, trung bình mỗi năm từ 2 đến 2,5 triệu đồng; trên dưới 40 sinh viên, trung bình mỗi năm từ 4 đến 6 triệu đồng. Các em đều là con, cháu bệnh nhân phong và các sinh viên khuyết tật. Hàng năm, bà còn kêu gọi hỗ trợ 50 suất học bổng cho học sinh, sinh viên Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh. Để theo kịp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin thời đại mới, bà đầu tư 10 máy vi tính và mời thầy dạy miễn phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền xe cho các học viên là nhân viên, con em bệnh nhân phong ở các khu điều trị phong miền Bắc, Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh. Năm 2012, bà đã mở được 3 khóa, tặng 3 máy vi tính xách tay cho 3 sinh viên là con bệnh nhân phong. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương các cấp, bà đã chủ động kết hợp với các nhà hảo tâm, tổ chức các cuộc giao lưu cho bệnh nhân, con em của bệnh nhân phong ở 12 khu điều trị phong của miền Bắc. Những buổi giao lưu đã giúp cho bệnh nhân, các cháu hòa nhập với cộng đồng xã hội, xóa mặc cảm về bệnh phong. Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong ở Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, bà Xuân đã thuộc nằm lòng từng thói quen, sở thích của mỗi người, bà lại vừa như một chiếc đồng hồ báo thức, một tờ giấy nhớ nhắc lịch cho từng bữa ăn, giờ uống thuốc của bệnh nhân. Để tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh đã thành lập Khoa Phong là khoa chuyên dành chăm sóc cho các bệnh nhân nặng hoặc các bệnh nhân phong bị nhiều bệnh phối hợp. Những người ở Khoa Phong gần như không thể tự làm được việc gì mà mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải dựa vào sự chăm sóc tỉ mỉ, ân cần của các cán bộ y tế, trong đó không thể không kể đến vai trò của y tá Xuân.  Được biết, trại phong Quả Cảm từ lúc ban đầu đón gần 300 bệnh nhân, giờ đây, chỉ còn lại 71 người. Đa phần là người già. Cho nên dù đến tuổi nghỉ hưu từ tháng 10/2012, bà Xuân vẫn tình nguyện ở lại để giúp đỡ bệnh nhân, tiếp thêm nghị lực sống cho họ bởi càng sống với bệnh nhân phong, bà càng thương. Nhiều người tuổi già tàn tật đau ốm, sống cô đơn, bà thương như cha mẹ, người thân của bà. Được ở lại làm việc tại đây cũng chính là nguyện vọng duy nhất của bà. Sự hy sinh thầm lặng của nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen; Giấy chứng nhận giải thưởng nhân vật sống vì cộng đồng của Báo Tuổi trẻ; Kỷ niệm chương vì hạnh phúc người mù Việt Nam; Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế; nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Giải thưởng phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... Mới đây, y tá Nguyễn Thị Xuân là 1 trong 400 cá nhân tiêu biểu dự Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng", chương trình do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội. Bà cũng vinh dự là 1 trong 50 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen vì những đóng góp thầm lặng vì cộng đồng. Hồng Thiết

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

TĐKT - Sáng 23/3, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Cùng dự, có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ; lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc Trung ương Đoàn, Bí thư các Tỉnh, Thành Đoàn, Đoàn trực thuộc các thời kỳ; các cán bộ đoàn, đoàn viên tiêu biểu nhận các giải thưởng cao quý của Đoàn cùng hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên. Đây là dịp để Đoàn Thanh niên ôn lại truyền thống hào hùng, những đóng góp của tổ chức Đoàn và tuổi trẻ cả nước trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc; từ đó xác định trách nhiệm của Đoàn và thanh niên Việt Nam trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ Đọc diễn văn buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Từ buổi đầu ra đời chỉ với 8 đoàn viên, đến nay đã hình thành nên một tổ chức lớn mạnh hàng hàng lớp lớp. Sự trưởng thành của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua các thời kỳ đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với lịch sử cách mạng; đồng thời cũng phản ánh công lao trời biển của Đảng, của Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện để Đoàn ta hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình. Nhìn lại chặng đường 90 năm lớn mạnh và trưởng thành trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã luôn chứng tỏ lòng yêu nước vô hạn, trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, trường học xã hội chủ nghĩa, tổ chức hạt nhân chính trị của thanh niên Việt Nam. Trong suốt hành trình phát triển, Đoàn đã không ngừng đổi mới, kế thừa và phát huy các giá trị, truyền thống của thế hệ cha anh để thực hiện tốt hơn chức năng và nhiệm vụ của tổ chức mình. Ở mỗi thời kỳ cách mạng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đều có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau chiến đấu, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc, tô thắm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng. Từ thế hệ những đoàn viên đầu tiên, kiên trung bất khuất, điển hình là anh Lý Tự Trọng với câu nói bất hủ “con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng” đến thế hệ thanh niên khát khao độc lập, tự do, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, của Bác Hồ, đã cùng với dân tộc làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử, giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, với các phong trào đã đi vào lịch sử dân tộc, để lại dấu ấn khó phai mờ, mà tiêu biểu là phong trào “Tòng quân giết giặc lập công”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”. Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đọc diễn văn tại buổi lễ kỷ niệm Tinh thần đó lại được một thế hệ thanh niên mới kế thừa, đi đầu trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, kiên định giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh biến động ở Liên Xô và Đông Âu. Trong đổi mới và hội nhập, lớp lớp thanh niên đã tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thông qua các phong trào hành động cách mạng, các chương trình, cuộc vận động, các công trình thanh niên cộng sản, công trình thanh niên làm theo lời Bác của tổ chức Đoàn. Trải qua 90 năm, đến nay Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã không ngừng lớn mạnh với hơn 6,2 triệu đoàn viên; mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên ngày càng được mở rộng; quan hệ hợp tác với tổ chức thanh niên các nước và các tổ chức thanh niên quốc tế được củng cố, tăng cường; vị thế thanh niên Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng biểu dương và khen ngợi những thành tích xuất sắc của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ghi nhận sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đoàn viên, sự nỗ lực vươn lên của thanh niên, các cháu thiếu niên, nhi đồng yêu quý trong cả nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước, cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên với tư cách là lực lượng xã hội đông đảo, trẻ tuổi, giàu tiềm năng. Điều đó đòi hỏi Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, nâng cao hơn nữa chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả phong trào hành động cách mạng, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên. Để làm được điều đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn các bạn trẻ và tổ chức Đoàn khẩn trương triển khai việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thành những chủ trương công tác lớn của Đoàn, coi đây là kim chỉ nam để triển khai công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ rõ những công việc cụ thể mà mỗi tổ chức Đoàn, Đội, mỗi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng cần thực hiện để chung tay cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đặc biệt là nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng xây dựng đất nước và nhận thức rõ sứ mệnh, trách nhiệm của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú ý xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, lao động, giải trí để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về thể lực, trí tuệ và tâm hồn; có tình yêu lớn và trách nhiệm cao đối với gia đình, quê hương và đất nước. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát huy vai trò quan trọng trong phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc. "Thanh niên phải là những người xung phong đi đầu trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phải là những người đầu tiên, tích cực nhất trong hội nhập sâu rộng với thế giới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ. Chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn thực sự vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và hành động, thực sự trở thành đội quân xung kích của cách mạng, lực lượng nòng cốt của tuổi trẻ, đội dự bị tin cậy của Đảng. Tăng cường công tác quốc tế thanh niên; mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; đầu tư chăm lo phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Nhấn mạnh chăm lo cho thanh niên, công tác thanh niên là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp thực hiện thật tốt công tác thanh niên; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để tổ chức Đoàn và thanh niên lao động, rèn luyện, xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ nhiệt huyết, bản lĩnh, mẫu mực, có năng lực dẫn dắt, truyền cảm hứng. Trong chương trình, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh dự được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước để ghi nhận những đóng góp, cống hiến của Đoàn và tuổi trẻ cả nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mai Thảo  

Đoàn Thanh niên Bộ Công an đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì

TĐKT - Chiều 23/3, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Bộ Công an tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 65 năm truyền thống Đoàn Thanh niên Bộ Công an và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Dự Lễ kỷ niệm, có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND), Tổng cục Chính trị CAND, Cục Công tác đảng và công tác quần chúng, Cục Công tác đảng và công tác chính trị. Trung tá Đồng Đức Vũ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Công an cho biết: Cách đây 65 năm, từ một Liên Chi đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Lao động các cơ quan trung ương với vài trăm đoàn viên, đến nay Đoàn Thanh niên Bộ Công an đã trưởng thành, lớn mạnh với 63 đầu mối trực thuộc, gồm 12 tổ chức đoàn cấp huyện và tương đương, 243 tổ chức cơ sở đoàn, 1.411 chi đoàn và trên 45.000 đoàn viên, thanh niên. Đại tướng Tô Lâm trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì tặng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Công an Với những thành tích xuất sắc trong 65 xây dựng, cống hiến và trưởng thành, Đoàn Thanh niên Bộ Công an đã vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Hồ Chí Minh (2001); Huân chương Độc lập hạng Nhất (2016); 2 Huân chương Quân công hạng Nhất (1996, 2006); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2012); Huân chương Lao động hạng Ba (2019); 5 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Trung ương Đoàn và các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương tặng nhiều Bằng khen; Đoàn Thanh niên Bộ Công an nhiều năm liền được tặng “Cờ đơn vị xuất sắc công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi”; nhiều tập thể, cá nhân của các tổ chức Đoàn trực thuộc cũng vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý với những chiến công xuất sắc trên các lĩnh vực công tác... Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 65 năm truyền thống Đoàn Thanh niên Bộ Công an, cán bộ, đoàn viên, thanh niên Bộ Công an được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì vì thành tích xuất sắc trong chiến đấu và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao vai trò và những đóng góp to lớn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công an và đoàn viên, thanh niên Công an qua các thời kỳ cách mạng; chúc mừng những kết quả mà Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công an đã đạt được trong thời gian qua.  Đại tướng Tô Lâm đề nghị các bạn đoàn viên, thanh niên cùng nhau rèn đức, luyện tài, tự hào về truyền thống vẻ vang của lực lượng, ra sức học tập, rèn luyện, tiếp thu tinh hoa văn hóa, khoa học, công nghệ hiện đại của nhân loại để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm mong muốn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công an tiếp tục đóng vai trò là hạt nhân chính trị, nòng cốt trong phong trào thanh niên CAND, xứng đáng là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, xung kích đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Mai Thảo      

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”

TĐKT - Dự kiến trong tháng 4/2021, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống và đón nhận danh hiệu Anh Hùng Lao động thời kỳ đổi mới - danh hiệu cao quý được Nhà nước trao tặng cho đơn vị lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động và công tác. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống bệnh viện (1/4/1951 – 1/4/2021) tổ chức chiều 23/3, tại Hà Nội. Theo Trung tướng, GS. TS. Mai Hồng Bàng, đây là danh hiệu Anh hùng lần thứ 3 Bệnh viện vinh dự được nhận. Ra đời năm 1951 trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tên gọi ban đầu là Bệnh viện Trung ương Yên Trạch, sau đó, Bệnh viện lần lượt được đổi tên thành Phân viện 8 (tháng 7/1951); Quân y Viện 108 (năm 1956) rồi Viện Quân y 108 (năm 1960). Qua các thời kỳ phát triển của đất nước, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả và đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau song Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ 30 cán bộ, nhân viên phục vụ 100 giường bệnh, cùng với cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, đến nay, Bệnh viện TWQĐ 108 đã phát triển lớn mạnh với 2.830 nhân viên, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại; là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa khoa sâu tuyến cuối toàn quân, Bệnh viện hạng đặc biệt Quốc gia, thành viên y tế chuyên sâu của Hà Nội và cả nước. Trung tướng, GS. TS. Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí Đặc biệt, trong những năm gần đây, Bệnh viện liên tục đổi mới và cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, thu dung điều trị, tạo những điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện; thực hiện đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh; nâng cao toàn diện chất lượng khám bệnh, đặc biệt là khu khám bệnh cán bộ cao cấp và cán bộ cấp tướng tại khoa khám bệnh cán bộ cao cấp được cải tiến và tạo những điều kiện thuận lợi tối đa cho các tướng lĩnh và cán bộ cao cấp, lão thành cách mạng đến khám và điều trị tại Bệnh viện… Thay đổi phong cách phục vụ với phương châm phục vụ “Lấy người bệnh là trung tâm”, thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên từ “ban ơn” sang “cảm ơn" người bệnh đã tin tưởng và lựa chọn Bệnh viện làm địa chỉ khám chữa bệnh… đã đem lại sự hài lòng cho người bệnh trong quá trình khám và điều trị. Bệnh viện TWQĐ 108 là bệnh viện đầu tiên trong Quân đội triển khai mô hình hoạt động của Ban Quản lý chất lượng, Ban Công tác xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng chăm sóc, phục vụ, mang lại những giá trị lợi ích to lớn cho người bệnh và người nhà người bệnh. Nhờ vậy, Bệnh viện ngày càng được đông đảo cán bộ, bộ đội và nhân dân yêu mến, tin tưởng lựa chọn làm địa chỉ tin cậy cho việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Trong 7 năm qua, số lượng bệnh nhân đến khám liên tục tăng cao, trung bình từ 1.500 đến 1.800 người/ngày (vào năm 2014), thì nay số lượng bệnh nhân đến khám trung bình luôn ở mức 4.500 đến 5.500 người/ngày (năm 2020). Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị người bệnh; có những kỹ thuật mũi nhọn đạt tầm khu vực và quốc tế. Bệnh viện tự hào là một trong những trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực: Chấn thương chỉnh hình; kỹ thuật vi phẫu trong tạo hình thẩm mỹ, kỹ thuật mổ nội soi 1 lỗ; kỹ thuật gây tắc mạch xạ trị Y90 điều trị ung thư gan. Đặc biệt, Bệnh viện thực hiện thành công đề án ghép mô tạng, đã triển khai nhiều kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người như: Ghép tế bào gốc, ghép tủy, ghép giác mạc, ghép thận thường quy, ghép gan từ người cho sống, lấy - ghép đa phủ tạng từ người cho chết não…. Đặc biệt, tháng 2/2018, Bệnh viện đã tổ chức thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện TWQĐ 108, đồng thời cũng là ca lấy, ghép và vận chuyển đa phủ tạng xuyên Việt lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của y học nước nhà. Tháng 1/2020, Bệnh viện tổ chức thực hiện thành công lần đầu tiên ghép chi thể từ người cho sống và tháng 9/2020 thực hiện thành công ca ghép 2 cẳng tay từ người cho chết não đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đã thực hiện được 361 ca ghép mô tạng, trong đó ghép thận, ghép gan, ghép tủy, ghép tế bào gốc… thường quy, thực hiện thành công 3 ca ghép phổi từ người cho chết não; 2 ca ghép chi thể, góp phần nâng cao vị thế, trình độ của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện lên ngang khu vực và thế giới. Bệnh viện 3 lần được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng bao gồm: 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong khánh chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước (năm 1985 và năm 2018); 1 lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” (năm 2020). Ngoài ra, Bệnh viện từng được tặng Huân chương Sao vàng năm 2010; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2001; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1989; Huân chương Quân công hạng Hai, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Độc lập của Nhà nước Lào; 10 đơn vị trực thuộc Bệnh viện được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều loại Huân, Huy chương, Cờ thi đua các loại của Đảng, Nhà nước, quân đội. Mai Thảo

Điển hình trong công tác cải cách hành chính ở Ninh Kiều

TĐKT - Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, những năm qua, anh Ngô Thành Duy, chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể trong quận để làm tốt công tác tham mưu của mình và đã có nhiều sáng kiến mang tính ứng dụng cao. Anh Duy tham dự Hội thi sáng kiến CCHC trong cán bộ, công chức, viên chức trẻ năm 2019 do UBND TP Cần Thơ tổ chức Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, Trường Đại học Cần Thơ năm 2014, anh Duy đã thi tuyển công chức và được phân công về công tác tại Phòng Nội vụ quận Ninh Kiều. Đến tháng 10/2016, anh được phân công về phụ trách công tác CCHC tại Văn phòng HĐND và UBND quận Ninh Kiều cho đến nay. Theo anh Huy chia sẻ, công tác CCHC là một lĩnh vực rộng, quá trình thực hiện liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, đặc biệt là hay phát sinh va chạm do quá trình kiểm tra công vụ và đánh giá thường động chạm đến những vi phạm, tồn tại, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, đơn vị, như việc chấp hành văn hóa công sở, thời giờ làm việc; việc tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính... Bởi vậy, anh Duy đã luôn tích cực học tập, trau dồi chuyên môn, giữ vững lập trường tư tưởng, đặt mục tiêu, lợi ích của Nhà nước, của nhân dân lên trên hết để có thái độ đúng đắn, khách quan trong nhận xét, đánh giá, hướng dẫn đối với những cơ quan, đơn vị còn nhiều thiếu sót. Công tác tham mưu ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, báo cáo đánh giá, kiểm tra về công tác CCHC được anh chủ động xây dựng dự thảo, đề xuất lãnh đạo cơ quan kịp thời, không để tình trạng tồn đọng hoặc bỏ sót công việc. Theo quan điểm của anh Duy, để làm tốt công tác CCHC, bên cạnh các yếu tố về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính thì yếu tố xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ rất quan trọng bởi nó quyết định đến hiệu quả làm việc, phục vụ của chính quyền và cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Bởi vậy, công tác kiểm tra, hướng dẫn được anh quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt anh Duy còn có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực CCHC và có tính ứng dụng cao. Nổi bật là sáng kiến “Ứng dụng Zalo xây dựng trang tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị về TTHC”. Sáng kiến này của anh đã đạt giải khuyến khích hội thi sáng kiến CCHC trong cán bộ, công chức, viên chức trẻ năm 2019, do UBND TP Cần Thơ tổ chức. Chia sẻ về ý tưởng sáng kiến này, anh Duy cho biết: Trước đây, việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện TTHC, phản ánh, kiến nghị về các hành vi, thái độ của cán bộ, công chức chủ yếu được thực hiện thông qua đường dây nóng của Sở Nội vụ TP Cần Thơ, đường dây nóng của quận. Việc phản ánh, kiến nghị theo cách thức này tồn tại một số hạn chế như: Chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về hình thức thông qua số điện thoại trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu; chuyên viên phụ trách cũng thường xuyên có sự thay đổi do công tác bố trí, điều động nhân sự. Do đó việc tiếp nhận hình ảnh về tài liệu, hồ sơ có liên quan đến phản ánh, kiến nghị để xử lý chưa được kịp thời. Để khắc phục những hạn chế trên, anh Duy cùng đồng nghiệp nghiên cứu và đưa ra đề xuất sử dụng ứng dụng Zalo để xây dựng trang tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị về TTHC. Qua đó, giúp người dân phản ánh, kiến nghị về CCHC thuận tiện và nhanh chóng hơn, đồng thời góp phần nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, với vai trò là chuyên viên phụ trách kiểm soát TTHC, từ năm 2019 đến nay, anh đã phối hợp với chuyên viên Phòng Tư pháp quận xây dựng kế hoạch cắt giảm thời gian giải quyết đối với 4 TTHC. Đó là các thủ tục: “Ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài”, giải quyết trong 5 ngày làm việc (cắt giảm 7 ngày làm việc so với quy định); “Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài” giải quyết trong 11 ngày làm việc (cắt giảm 4 ngày làm việc so với quy định); thủ tục “Ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài” giải quyết trong 4 ngày làm việc (cắt giảm 8 ngày làm việc so với quy định)… “Để làm tốt công tác quản lý, điều hành về hoạt động chuyên môn, tôi luôn cố gắng học hỏi, cầu thị, trong tiếp xúc, trao đổi với người dân, luôn lắng nghe và tận tình hướng dẫn để góp phần cùng với tập thể công chức, viên chức, người lao động tại Trung tâm xây dựng nét văn hóa phục vụ của cơ quan hành chính, hướng đến sự hài lòng cao nhất của người dân, tổ chức” - anh Duy chia sẻ. Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ, anh Duy đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân thực hiện TTHC nhanh chóng, thuận tiện hơn; góp phần giúp đơn vị, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ CCHC. Với những đóng góp của mình, anh Ngô Thành Duy đã được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác CCHC năm 2019. Tùng Chi    

Trang