TĐKT - Phát huy truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển (2/9/1976 - 2/9/2021), trường Đại học Phòng cháy chữa cháy đã nêu cao tinh thần thi đua dạy tốt, học tốt và rèn luyện, xây dựng trường ngày một vững mạnh.
Thiếu tướng, TS. Lê Quang Bốn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho biết, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tiền thân là Tổ giáo dục Phòng cháy thuộc Khoa Cảnh sát nhân dân, Trường Công an Trung ương (năm 1963), Phân hiệu Cảnh sát PCCC thuộc Trường Cảnh sát nhân dân (năm 1971).
Sau khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ làm công tác PCCC trong tình hình mới, ngày 2/9/1976, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ký Quyết định số 5062-NV/QĐ thành lập Trường Hạ sĩ quan Cảnh sát PCCC. Đây là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực làm công tác PCCC duy nhất ở Việt Nam. Từ đó, ngày 2/9 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của nhà trường.
Đoàn công tác Quốc hội do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn thăm, làm việc với trường Đại học PCCC vào năm 2020
Cùng với sự phát triển của đất nước, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, đổi mới và hội nhập quốc tế, Trường Hạ sĩ quan Cảnh sát PCCC đã không ngừng phát triển với những tên gọi khác nhau. Năm 1984, trường được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng PCCC và có khóa đầu tiên đào tạo trình độ Kỹ sư an toàn PCCC ở nước ta. Ngày 14 tháng 10 năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 203/1999/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học PCCC trên cơ sở Trường Cao đẳng PCCC. Trường có nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học và các trình độ thấp hơn; bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC; nghiên cứu khoa học về PCCC phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học PCCC luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn khẳng định được vị thế của mình trong nền giáo dục Việt Nam nói chung, trong hệ thống các học viện, nhà trường công an nhân dân nói riêng.
Đến nay, nhà trường đã xây dựng, phát triển và tổ chức đào tạo đủ các cấp học và trình độ khác nhau, từ trung cấp, cao đẳng, liên thông, văn bằng 2, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và là cơ sở duy nhất được Bộ Công an giao nhiệm vụ đào tạo học viên hệ ngoài ngành công an, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nội dung, chương trình đào tạo, quy định về chuẩn đầu ra của các hệ học, bậc học từng bước được chỉnh lý, bổ sung, hoàn hiện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Năm 2021, nhà trường đã được Bộ Công an kiểm tra, đánh giá ngoài và cấp Giấy chứng kiểm định chất lượng giáo dục; đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an.
Các giảng viên, học viên Trường PCCC thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ
Trong 45 năm qua, nhà trường đã tổ chức đào tạo 25.000 học viên các hệ học, bậc học, trong đó có nhiều học viên của Bộ Công an nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia; nhiều học viên quân đội và học viên dân sự cho các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội trên cả nước.
Các thế hệ học viên tốt nghiệp từ nhà trường đều có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có sức khỏe, nắm vững kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn xác định phương châm giáo dục “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”; không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, thao tác thực hành; giảng dạy theo tình huống nghiệp vụ; sử dụng giáo án điện tử; sử dụng giáo cụ trực quan trong giảng dạy...
Nhà trường đã thành lập 2 “Đội Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ học tập” tại Cơ sở 1 (Hà Nội) và Cơ sở 3 (Đồng Nai) nhằm phục vụ tốt việc đào tạo các môn học chuyên ngành. Bình quân mỗi năm, đã tham gia cứu chữa 40 vụ cháy trên địa bàn Hà Nội, Đồng Nai, trong đó có những vụ cháy lớn, cứu được nhiều người, bảo vệ được nhiều tài sản có giá trị cho nhân dân.
Nhà trường đã tham gia nghiên cứu thành công 4 đề tài cấp nhà nước; chủ trì nghiên cứu 56 đề tài cấp bộ, 146 đề tài cấp cơ sở; hoàn thành 478 chuyên đề, sáng kiến cải tiến; biên soạn 278 giáo trình, tài liệu dạy học; xuất bản 143 số Tạp chí PCCC (2000 bản/số); tổ chức 1 hội thảo quốc tế, 12 hội thảo khoa học cấp Bộ về công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã có 1 giáo sư, 9 phó giáo sư, 61 tiến sĩ, 220 thạc sĩ, 1 Nhà giáo Nhân dân, 12 Nhà giáo Ưu tú. Nhà trường đã có 3 cơ sở đào tạo (tại Hà Nội, Hòa Bình, Đồng Nai) với diện tích trên 33 ha gồm đầy đủ các hạng mục công trình với nhiều tiện ích khác nhau phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động thực tiễn.
Trong quan hệ quốc tế, nhà trường đã duy trì tốt quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới như: Học viện PCCC, Học viện Phòng vệ dân sự của Liên Bang Nga; Học viện Phòng vệ dân sự Singapore; Trường Đại học đào tạo cán bộ chỉ huy Bộ tình trạng khẩn cấp nước Cộng hòa Belarus; Tổng cục PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Cơ quan hợp tác quốc tế của Chính phủ Nhật Bản; Học viện Vũ cảnh Trung Quốc...
Với những cống hiến và kết quả to lớn trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cho xã hội, trong 45 năm qua, Trường Đại học PCCC đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 1 Huân chương Quân công Hạng nhất, 2 Huân chương Quân công Hạng nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, hàng trăm huân chương, huy chương các loại và nhiều cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an.
Phát huy truyền thống vẻ vang 45 năm qua, Trường Đại học PCCC sẽ tập trung đầu tư nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng nhà trường không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó tập trung vào một số công tác trọng tâm:
Rà soát, sắp xếp, xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, xây dựng mã ngành đào tạo phù hợp với xu thế của các nước phát triển và thực tiễn công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ tại Việt Nam. Xây dựng định hướng đào tạo cán bộ đa năng “biết nhiều nghề và giỏi một nghề”; phù hợp với việc tăng cường cán bộ cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho cơ sở (xã, phường, thị trấn). Chú trọng việc giáo dục lý tưởng nghề nghiệp, việc rèn luyện sức khỏe, bản lĩnh chiến đấu dũng cảm, gan dạ cho học viên; nghiên cứu những yêu cầu về sức khỏe, kỹ năng, thao tác nghề nghiệp cần có của chiến sĩ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Song song với đó, trường tập trung nghiên cứu các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ về: Chế tạo rô bốt, xe ô tô, xe mô tô chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đa năng; chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với công trình siêu cao tầng, công trình ngầm sâu dưới lòng đất, trên sông, trên biển; chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở xăng dầu, hóa chất, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy điện; chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình huống biểu tình, bạo loạn, khủng bố và các vấn đề An ninh phi truyền thống… Tích cực phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để nghiên cứu, chế tạo, sản xuất phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mang thương hiệu Việt Nam.
Hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường và các đơn vị trực thuộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo trong từng giai đoạn. Xây dựng quy hoạch các danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, quy hoạch các chức danh giáo sư, phó giáo sư trong đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường. Báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xây dựng nhà trường trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực PCCC, cứu nạn, cứu hộ ở Việt Nam; là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ về PCCC, cứu nạn, cứu hộ theo kịp trình độ phát triển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nghiên cứu, báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư, nâng cấp nhà trường thành Học viện PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Hồng Thiết