Điển hình tiên tiến

Tôn vinh 8 sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin chất lượng cao 2017

TĐKT – Sáng 1/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017, Hiệp hội An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam VNISA đã công bố và tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ đạt giải ATTT chất lượng cao 2017. Sự kiện Ngày ATTT Việt Nam năm 2017 Chương trình bình chọn Sản phẩm, dịch vụ đạt giải ATTT chất lượng cao 2017 được VNISA triển khai nhằm phát hiện, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm về ATTT của doanh nghiệp trong nước, khuyến khích, thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ ATTT của Việt Nam. Trong quá trình bình chọn, các sản phẩm được phân loại thành 3 nhóm: giám sát, kiểm tra, bảo vệ website; bảo vệ hạ tầng, hệ thống thông tin và công nghệ đám mây; phòng, chống mã độc. Điểm mới năm nay là lần đầu tiên ban tổ chức bình chọn các dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu. Bộ tiêu chí bình chọn nhấn mạnh đến vấn đề trình độ nhân lực và quy trình, tiêu chuẩn áp dụng của dịch vụ. Trước khi trình Hội đồng bình xét, các sản phẩm, dịch vụ ATTT được phân tích, đánh giá sâu về tính năng, công nghệ, chất lượng tại các nhóm kỹ thuật thuộc 4 tiểu ban bình xét (3 tiểu ban ở Hà Nội và 1 tiểu ban ở TP Hồ Chí Minh) Năm 2017, trong tổng số 10 sản phẩm và 3 dịch vụ được đưa vào bình xét chung khảo, có 6 sản phẩm và 2 dịch vụ ATTT đã được bình chọn đạt danh hiệu. Cụ thể, các sản phẩm ATTT chất lượng cao năm 2017: giải pháp phòng, chống mã độc cho doanh nghiệp: CMC Internet Security Enterprise của Công ty cổ phần An ninh An toàn CMC; giải pháp giám sát website tập trung – VNCS Web Monitoring của Công ty cổ phần Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam; sản phẩm SecurityBox 4Website của Công ty cổ phần ATTT MVS; sản phẩm SecurityBox 4Network của MVS; sản phẩm CyRadar Internet Shield của Công ty CyRadar; hệ thống giám sát, chống thất thoát dữ liệu và diệt phần mềm gián điệp dựa trên truy vấn tên miền độc hại MiAV-DLP của Phòng thí nghiệm trọng điểm ATTT Bộ Quốc phòng. Các dịch vụ ATTT tiêu biểu năm 2017: dịch vụ kiểm thử xâm nhập chuyên nghiệp của Công ty cổ phần dịch vụ Công nghệ Tin học HPT; dịch vụ kiểm tra, đánh giá ATTT mạng của Công ty cổ phần Phát triển phần mềm và Hỗ trợ công nghệ Misoft. Trang Lê  

Bộ Y tế trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú

TĐKT - Ngày 30/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và “Nhà giáo Ưu tú” cho 17 nhà giáo thuộc các đơn vị của Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi lễ Tại buổi lễ, 10 nhà giáo đã vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và 7 nhà giáo được trao tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khoá XII xác định “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Có lẽ không có một người thầy nào đặc biệt như những người thầy thuốc kiêm thầy giáo. Họ chính là người thầy của những người “thầy”, họ vừa tham gia vào sự nghiệp “trồng người” lại vừa tích cực trong sự nghiệp “cứu người”. Người thầy thuốc - thầy giáo gánh trên vai trách nhiệm lớn lao nhưng cũng đầy nhân văn và cao cả. Các thầy, các cô vừa là thầy thuốc trị bệnh cứu người, vừa là thầy giáo đào tạo các thế hệ thầy thuốc tương lai. Bởi vốn dĩ trong cuộc sống không có việc gì là không có khó khăn, vất vả. Làm việc trong ngành y vốn đã đầy vất vả, áp lực, thiếu thốn thời gian dành cho gia đình. Khi đảm nhiệm thêm vai trò của một người thầy, những khó khăn này càng nhân lên gấp bội. Với những giảng viên khác chỉ làm việc trên giảng đường hay trong các phòng thí nghiệm. Điều đặc biệt với những người làm công tác giáo dục trong ngành y là nhiều khi giảng đường chính là bệnh viện, là phòng bệnh nhân hay phòng cấp cứu. Bài giảng của họ không chỉ gói gọn trong những trang lý thuyết hay những mô hình thực hành mà là những giây phút căng thẳng cực độ khi đứng trước mạng sống con người, cả thầy và trò đều cố gắng hết mình với tiết học đặc biệt này. Giờ dạy của những thầy giáo kiêm thầy thuốc nhiều khi không thể biết trước được nó sẽ diễn ra bao lâu và vào lúc nào, tất cả phụ thuộc vào sinh mạng của bệnh nhân. Người làm thầy là người truyền đạt tri thức cho người khác, cho thế hệ trẻ. Khi tri thức ấy chính là tính mạng, là sức khỏe của con người thì quá trình “truyền đạt” cần tâm huyết và sự nỗ lực lớn nhất. Người thầy giáo - thầy thuốc vừa phải làm sao cho học trò của mình hiểu được kiến thức mà phải là hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu chắc và có thể thực hành tốt, vừa phải giúp các em hiểu được đạo đức nghề nghiệp và phát huy được nó trong công việc. Trong số 18 hồ sơ đề nghị của 6 đơn vị (gồm 10 hồ sơ đề nghị Nhà giáo Nhân dân và 8 hồ sơ đề nghị Nhà giáo Ưu tú), Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” cấp Bộ Y tế đã thẩm định và chọn ra 10 hồ sơ đề nghị xét tặng Nhà giáo Nhân dân và 7 hồ sơ đề nghị xét tặng Nhà giáo Ưu tú để trình lên cấp Nhà nước. Tất cả các hồ sơ trình lên đều được xét duyệt trong đợt này. Hồng Thiết

Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII năm 2017

TĐKT – Ngày 30/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII, năm 2017. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và phát biểu. Các cá nhân được trao giải thưởng Giải thưởng Lương Định Của là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm cổ vũ, động viên thanh niên nông thôn xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của đất nước. Qua 12 năm tổ chức, Giải thưởng Lương Định Của đã được trao cho 1.821 thanh niên. Năm 2017, Giải thưởng Lương Định Của vinh danh 86 thanh niên trên toàn quốc, trong đó có 5 nữ thanh niên, 14 thanh niên là người dân tộc thiểu số: Dao, Giáy, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Thổ…; 4 thanh niên có trình độ thạc sĩ, 34 thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng; 33 thanh niên là đảng viên; 59 thanh niên trực tiếp phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nghiên cứu tại địa phương… Ngoài ra, có 10 thanh niên là chủ của các nghiên cứu khoa học với sáng kiến tạo ra các sản phẩm thiết thực, được bà con ứng dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; 17 thanh niên là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ nhiệm hợp tác xã, tổ hợp tác… 76 mô hình do thanh niên làm chủ đạt doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên, đặc biệt có mô hình đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng như mô hình sản xuất gỗ của anh Đoàn Văn Dũng, sinh năm 1984 (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang); mô hình nuôi vịt trời của anh Nguyễn Đức Diệp, sinh năm 1982 (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Các mô hình của 86 thanh niên được nhận Giải thưởng năm nay đã tạo việc làm thường xuyên cho 1.245 lao động. Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Văn Bình biểu dương và khen ngợi những thành tích xuất sắc của 86 thanh niên tiêu biểu được trao Giải thưởng Lương Định Của; đồng thời khẳng định 86 nhà nông trẻ xuất sắc được trao giải thưởng là những bông hoa đẹp nhất trong số hàng triệu thanh niên tiêu biểu đang ngày đêm đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương bày tỏ tin tưởng, niềm tự hào, vinh dự của mỗi bạn trẻ được nhận giải thưởng sẽ lan tỏa tới động đảo đoàn viên, thanh niên ở mỗi địa phương, đơn vị, sẽ tiếp tục là động lực góp phần làm cho Giải thưởng Lương Định Của ngày càng có uy tín sâu rộng trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ ở khu vực nông thôn, miền núi, từ đó nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế với những thời cơ và thách thức đan xen, đặc biệt là trong lĩnh vực nông dân, nông thôn, Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị thời gian tới các cấp bộ Đoàn tập trung tổ chức động viên thanh niên thi đua lao động sáng tạo, làm kinh tế giỏi, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích, hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác phát triển kinh tế trong thanh niên, nhân rộng các mô hình sáng tạo, hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cần phối hợp các ngành hỗ trợ các mô hình kinh tế của thanh niên nông thôn tham gia liên kết “4 nhà”; hỗ trợ thanh niên nông thôn tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trang bị cho thanh niên những kiến thức, mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập với thế giới. Tổ chức Đoàn tiếp tục phát hiện, biểu dương, tôn vinh các tài năng trẻ, các gương thanh niên nông thôn tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, mô hình thanh niên vượt khó, vươn lên làm giàu cho gia đình, cộng đồng và xã hội để tuyên truyền, nhân rộng. Đề nghị các ban, bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm hơn nữa đến thanh niên và công tác thanh niên, ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để tuổi trẻ cả nước và tổ chức Đoàn nói chung, thanh niên nông thôn nói riêng cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ, xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dịp này, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khai trương ứng dụng điện thoại thông minh để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên (App Mobi Thanh niên với nông nghiệp) nhằm tuyên truyền, cung cấp các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nền nông nghiệp. Bên cạnh đó, ứng dụng này còn cung cấp các thông tin liên quan đến kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của thanh niên nông thôn và một số mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, nông, lâm, ngư nghiệp; kết nối giữa thanh niên với doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Trung ương Đoàn mong muốn ứng dụng sẽ góp phần giúp thanh niên xây dựng được một cộng đồng trao đổi các thông tin, kết nối giữa các nhà nông trẻ, cùng tạo dựng một môi trường lập nghiệp, khởi nghiệp bền vững, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0. Hưng Vũ

Chủ nhân “tiệm cắt tóc không lời” Nguyễn Thái Thành

TĐKT – Dù bị câm điếc bẩm sinh nhưng chàng trai Nguyễn Thái Thành (sinh năm 1991), quê ở Bắc Giang đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, trở thành chủ nhân salon tóc Thành Nguyễn khang trang ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Đáng quý là Thành còn giúp đỡ dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Ở tiệm cắt tóc Thành Nguyễn, việc giao tiếp giữa chủ tiệm và tất cả khách hàng đều được thực hiện qua những mẩu giấy nhỏ, hoặc qua tin nhắn điện thoại, dường như chẳng ai nói với nhau câu nào. Đến phỏng vấn, trò chuyện cùng với chủ nhân của salon tóc này, chúng tôi phải có sự hỗ trợ của một phiên dịch viên đặc biệt. Thành kể: Sinh ra, Thành vốn là một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường. Thế nhưng cứ lớn dần lên thì khả năng nghe của Thành gần như không có. Sau khi đi khám bệnh, gia đình mới biết Thành bị bệnh điếc bẩm sinh. Nhiều lần mang con đi hết bệnh viện nọ đến phòng khám kia, cuối cùng bố mẹ cậu cũng chấp nhận sự thật là con mình không giống như những đứa trẻ bình thường. Đến tuổi bắt đầu nhận thức được mọi chuyện xung quanh Thành luôn muốn được tìm hiểu, khám phá thế giới bên ngoài và cũng như bao đứa trẻ khác Thành luôn muốn có những người bạn. Đến tuổi đi học nhưng ở Bắc Giang chưa có trường dành cho trẻ câm điếc nên Thành được bố mẹ xin cho học ở một ngôi trường mà học sinh ở đó nghe, nói bình thường, với hy vọng sẽ giúp con có cơ hội cải thiện khả năng nghe, nói. Thành đang cắt tóc cho khách hàng, đồng thời dạy cho học viên Trái lại với suy nghĩ ấy, Thành trở thành chủ đề bàn tán, trêu chọc của bạn bè, thậm chí trong lớp cô giáo giảng gì Thành đều không hiểu. Những tháng ngày đi học với Thành là những kỷ niệm buồn. Thành bảo “duy nhất có môn Mỹ thuật là cô khen tôi, còn lại các môn khác tôi đều học rất kém. Hồi ấy, người bạn duy nhất của tôi là tờ giấy trắng, mong muốn điều gì tôi đều thể hiện qua những bức tranh của mình”. Năm 13 tuổi, Thành được theo học tại Trường dạy trẻ điếc Nhân Chính (Hà Nội). Ở đây, lần đầu tiên Thành được nói lên những suy nghĩ, những cảm xúc của mình thông qua các ký hiệu. Vậy là sau 13 năm Thành mới có những người bạn, những người không thấy Thành khác biệt. “Với tôi đó như một điều kỳ diệu, bao nhiêu năm không ai hiểu tôi muốn gì và tôi cũng không thể hiểu mọi người cần gì thì giờ tôi đã có được ngôn ngữ của riêng mình; tôi có những người bạn đầu tiên, với tôi cuộc đời như bước sang một trang mới”- Thành bộc bạch. Sau khi học xong ở trường Nhân Chính, Thành cũng mong muốn tìm cho mình một nghề để lập nghiệp. Tình cờ một lần chứng kiến một người câm điếc cắt tóc, chiếc kéo trên tay của người thợ ấy được sử dụng một cách điệu nghệ, khiến Thành tò mò và quyết định xin được học nghề của bác thợ ấy. Tuy nhiên, người thợ ấy chuyên cắt tóc nam nên Thành cũng không học được gì nhiều. Sau này, bố mẹ có tìm hiểu và xin cho Thành học tại một tiệm tóc lớn ở Bắc Giang. Sau đó, Thành lại về Hà Nội để tiếp tục theo đuổi con đường trở thành nhà tạo mẫu tóc. Thế nhưng mọi chuyện không đơn giản như Thành nghĩ, bởi tất cả các hiệu cắt tóc đều từ chối nhận cậu làm học viên. Không nản lòng, hàng ngày Thành vẫn đạp xe đi khắp Hà Nội để tìm kiếm cho mình một cơ hội. Và may mắn cũng mỉm cười khi Thành được thầy Quốc, chủ một salon tóc khá nổi tiếng ở phố Khâm Thiên nhận làm học viên. Thời gian đầu, Thành khá vất vả để tiếp thu những kiến thức về tạo mẫu tóc, vì thế phải tranh thủ thời gian nghỉ để học hỏi thêm từ các học viên khác. Sự chăm chỉ đã giúp tay nghề của Thành ngày một tiến bộ. Cơ hội đầu tiên đến với cậu học viên chăm chỉ là khi Thành được lựa chọn vào ê kíp tham gia làm tóc, trang điểm cho một số MC tại nhiều chương trình truyền hình. Thành đã rất vui và cậu cũng học hỏi được rất nhiều điều. Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long có Cuộc thi "1000 năm tóc", Thành đã đăng ký tham gia và giành được giải thưởng triển vọng. Từ sau cuộc thi này, Thành đã tham gia thêm nhiều khóa đào tạo để nâng cao tay nghề. Năm 2011, khi đã tích góp được một số vốn nho nhỏ, Thành vay thêm bố mẹ để thuê một cửa hàng và mở salon tóc mang tên Thành Nguyễn ở ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên (Hà Nội). Dù tiệm tóc đặc biệt khi cả chủ, nhân viên và khách đều giao tiếp với nhau bằng chữ viết, nhưng tiệm tóc Thành Nguyễn luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Hiện salon tóc Thành Nguyễn có 4 nhân viên, mỗi ngày đón khoảng 20 khách đến để làm các dịch vụ về tóc. Ở một góc nhỏ xinh xắn của quán là nơi lưu lại vô số lời nhắn gửi của khách hàng khi đến đây. Với mong muốn các bạn đồng cảnh có chung đam mê về tạo mẫu tóc từ năm 2014, Thành đã nhận đào tạo cho 7 bạn đồng cảnh từ nhiều tỉnh, thành đến làm học viên. Đến nay, Thành đã đào tạo cho 40 học viên học và làm nghề, nhiều bạn đã tự mở cho mình được một tiệm tóc riêng. Mỗi học viên ở đây đều ở một vùng quê và có những số phận khác nhau. Thế nhưng trải qua một thời gian làm việc cùng nhau, họ gắn bó như anh em. Tiệm cắt tóc này như một ngôi nhà chung, luôn đầy ắp tiếng cười. Nguyễn Việt Long ở Hoài Đức, Hà Nội bắt đầu đến học nghề tại salon tóc Thành Nguyễn được hơn 1 năm. Long cho biết, khi đến học ở đây Long cảm thấy rất thích và được chia sẻ rất nhiều điều không chỉ liên quan đến tạo mẫu tóc mà còn là các câu chuyện về cuộc sống, về kỹ năng giao tiếp. "Em biết đến anh Thành qua lời giới thiệu của một người bạn đã từng là học viên và hiện đã có một cửa hiệu riêng ở Kiên Giang. Theo học ở đây được gần 1 năm dù xa gia đình nhưng em và các bạn học viên khác không cảm thấy bị lạc lõng bởi anh Thành rất tốt với mọi người. Em mong muốn sau một thời gian nữa khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm e sẽ trở về quê và mở một tiệm tóc cho riêng mình". Nguyễn Xuân Việt, 22 tuổi, ở Rạch Giá, Kiên Giang chia sẻ. Về chặng đường phía trước, Thành cho biết, cùng với việc phát triển thêm một số cơ sở tạo mẫu tóc tại nhiều tỉnh thành, Thành sẽ đẩy mạnh việc đào tạo các bạn trẻ đồng cảnh ngộ, với mong muốn các bạn sẽ có được một công việc để có thể tự lo cho bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng. Với những thành tích đạt được, Thành vinh dự nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tạo mẫu tóc. Năm 2015, Thành là một trong những gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được Trung ương Đoàn tuyên dương, đồng thời Thành cũng vinh dự nhận được giải thưởng tình nguyện quốc gia với dự án dạy học miễn phí cho các bạn khuyết tật. Hưng Vũ  

Tôn vinh 74 doanh nghiệp vì người lao động năm 2017

TĐKT - Sáng 29/11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Báo Lao động tổ chức Lễ tôn vinh Doanh nghiệp vì người lao động năm 2017. Tới dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường. Xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” 2017 là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về chăm lo nguồn lực quý giá nhất là con người, qua đó động viên các doanh nghiệp chăm lo thiết thực hơn nữa cho người lao động, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế. Đây cũng là diễn đàn tôn vinh, lan tỏa trách nhiệm xã hội và thương hiệu của các doanh nghiệp đến cộng đồng. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi lễ Sau 4 năm tổ chức, chương trình đã xếp hạng 275 lượt doanh nghiệp, tặng Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho 119 lượt doanh nghiệp, 15 doanh nghiệp được nhận Giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động”, 12 doanh nghiệp được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình giao lưu với đại diện các doanh nghiệp vì người lao động tiêu biểu Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí chặt chẽ do các chuyên gia về lao động và công đoàn xây dựng. Bộ Tiêu chí đảm bảo phản ánh sâu sát tình hình thực tế sử dụng và đãi ngộ người lao động của doanh nghiệp trên các khía cạnh thu nhập, đào tạo, môi trường làm việc, các phúc lợi xã hội và các hoạt động bồi dưỡng thể chất cũng như tinh thần. Đặc biệt, bộ tiêu chí dành điểm ưu tiên đặc biệt đối với những doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cho người lao động cao hơn và thực hiện tốt hơn quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp được xếp hạng cũng được lấy ý kiến từ các cấp công đoàn ở ngành, địa phương và các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên toàn quốc. Năm 2017, Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” lấy chủ đề là “Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững”. Có 74 doanh nghiệp được vinh danh lần này, đặc biệt có 30 doanh nghiệp xuất sắc được nhận Bằng khen. Đây là những tấm gương điển hình, tiêu biểu cho việc lấy con người là trung tâm, là động lực phát triển của doanh nghiệp. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trao Bằng khen cho các doanh nghiệp vì người lao động tiêu biểu Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh: “Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của người lao động và ngược lại, cuộc sống ngày càng tốt hơn về vật chất lẫn tinh thần của  người lao động sẽ là động lực giúp doanh nghiệp phát triển. Tổ chức Công đoàn luôn đồng hành, hết lòng ủng hộ và trân trọng những doanh nghiệp bền bỉ ngày đêm nỗ lực xây dựng mối quan hệ hài hòa, coi trọng lợi ích của người lao động chính là lợi ích của  doanh nghiệp.” Mai Thảo  

Người bắc cầu cho thương hiệu gạo Séng Cù Mường Vi tới thị trường

TĐKT - Từ một ý tưởng được cho là mạo hiểm – nhân rộng vùng sản xuất gạo Séng Cù và quảng bá sản phẩm tới mọi vùng miền trên cả nước, giám đốc trẻ Cao Xuân Diễn của HTX Tiên Phong, xã Mường Vi, huyện Bát Xát, Lào Cai đã từng bước xây dựng được thương hiệu cho đặc sản quê hương và giúp đỡ nhiều nông dân thoát nghèo. Bà con trìu mến gọi HTX của anh bằng cái tên “bà đỡ của nông dân”. Anh Cao Xuân Diễn, Giám đốc HTX Tiên Phong cùng người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Vi Xuất thân từ một gia đình nông dân tại Mường Vi, từ nhỏ, Cao Xuân Diễn đã gắn bó với đồng ruộng và những nông sản đặc trưng nơi đây. Mong muốn thoát nghèo và giới thiệu đặc sản quê hương tới mọi miền đã nung nấu trong Diễn tự bao giờ. Sau nhiều năm mày mò tìm hiểu thị trường, đặc tính canh tác của người dân bản địa, năm 2014, giám đốc trẻ Cao Xuân Diễn vận động bà con thành lập HTX Tiên Phong để làm cầu nối cho gạo Séng Cù với thị trường. Anh cho biết: chúng tôi quyết định chọn mặt hàng kinh doanh của mình từ thóc Séng Cù Mường Vi bởi đây chính là đặc sản quê hương, giúp cho người dân có nguồn thu nhập ổn định. Gạo Séng Cù Mường Vi ngon hơn mọi nơi khác bởi nơi đây có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác với các vùng khác, nắng nhiều làm cho cây lúa được quang hợp tốt, nhiệt độ trung bình trong năm dao động từ 28 – 30 độ C. Biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau tương đối lớn. Điều đó làm cho cây lúa không bị mất năng lượng, hạt thóc liên tục được bổ sung dinh dưỡng. Mường Vi ít có những ngày thời tiết âm u nên sâu bệnh hại lúa ít phát triển. Do đó các loại thuốc hóa học không sử dụng nhiều. “Gạo Séng Cù không những thơm ngon tự nhiên mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng vitamin cao gấp hơn 3 lần so với gạo thông thường nên đã xứng danh là "Đặc sản Tây Bắc" được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên nhiều năm qua, người nông dân thu hoạch thường bị tư thương ép giá. Vì lẽ đó mà tôi đã đứng lên thành lập HTX và kêu gọi các thành viên tham gia.” – Anh chia sẻ. Ban đầu HTX liên kết với 26 hộ dân trên địa bàn xã Mường Vi chuyên sản xuất lúa Séng Cù. Các hộ dân này được HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Không còn nỗi lo bị mất giá hay bị lái thương ép giá, các hộ dân được chọn để thực hiện mô hình liên kết đều đồng tình, hưởng ứng, yên tâm lao động, sản xuất, tích cực chăm bón đồng ruộng, ra sức học tập, trau dồi kinh nghiệm về nông nghiệp, học hỏi kỹ năng kinh doanh, đầu tư và dồn mọi tâm huyết đẩy hoạt động của HTX ngày càng phát triển đi lên. Những ngày đầu thành lập, do thiếu vốn, việc thu mua cũng gặp nhiều hạn chế, công đoạn chế biến gạo còn thô sơ, nên kết quả hoạt động của HTX đạt thấp, không tương xứng với tiềm năng của địa phương và chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhận thấy thị trường lúa gạo có tiềm năng phát triển mạnh hơn, Diễn đã bàn với các thành viên đầu tư thêm hệ thống máy liên hoàn, xây dựng kho bãi để HTX đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn. Khi nhận được sự đồng tình, HTX đã huy động vốn đầu tư dây chuyền sản xuất gạo trên 1 tỷ đồng, máy tách màu, máy đóng bao bì. Dây truyền sản xuất gạo của HTX Tiên Phong Mỗi một công đoạn xay xát, chế biến sản phẩm đều được thực hiện tỉ mỉ, kỳ công. Sản phẩm thóc Séng Cù thu mua về được HTX sấy ở nhiệt độ nhất định để đảm bảo độ khô, giữ được tinh chất của gạo và giúp gạo bảo quản được lâu hơn. Từ hạt thóc đó, HTX chế biến ra thành 3 sản phẩm: gạo lứt Séng Cù, gạo mầm Séng Cù và gạo tẻ Séng Cù để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Anh Cao Xuân Diễn cho biết: “Tất cả sản phẩm gạo của HTX đều tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Sản phẩm của người dân làm ra được thu mua kịp thời, nên không còn hiện tượng tồn thóc gạo trong dân.” Để sản phẩm không bị làm nhái, Hội đồng quản trị HTX đã đăng ký thương hiệu, lô gô, thiết kế mẫu mã bao bì đủ tiêu chuẩn có thể đưa sản phẩm vào siêu thị và xuất khẩu ra thị trường. Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay, HTX Tiên Phong đã có số vốn lưu động trên 2 tỷ đồng. Kho xưởng được xây dựng khang trang, kiên cố với hệ thống máy móc hiện đại. Năm 2015 HTX sản xuất được trên 170 tấn gạo. Từ đầu năm 2016 đến nay sản xuất được trên 200 tấn gạo các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.  Hoạt động của HTX tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động của địa phương với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ những nỗ lực của Cao Xuân Diễn và HTX Tiên Phong, đời sống của bà con nông dân xã Mương Vi đã có nhiều đổi khác. Một vùng nguyên liệu rộng lớn nơi thung lũng Mường Vi vẫn trải dài ngút ngàn, hứa hẹn mang lại những vụ mùa bội thu và ấm no cho bà con. Nguyệt Hà

Đảm bảo cung cấp điện liên tục ổn định, an toàn trên địa bàn quận Thanh Xuân

TĐKT – Sáng 29/11, tại Hà Nội, Công ty Điện lực Thanh Xuân long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (1997 – 2017). Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty Điện lực Thanh Xuân (1997 – 2017) 20 năm qua, Công ty Điện lực Thanh Xuân đã nỗ lực không ngừng để xây dựng phát triển lưới điện ngày càng sâu rộng và hiện đại; không ngừng vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay, Công ty có số lao động là 227 người quản lý 581 TBA/705 MBA dung lượng 543.910  KVA với gần 91 nghìn khách hàng, quản lý 269,95 km đường dây trung thế và  712,75 km đường dây hạ thế. Từ năm 1997 đến nay, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện bình quân của Công ty Điện lực Thanh Xuân hàng năm khoảng 9 - 10%. Cùng với công tác quản lý vận hành lưới điện. Công ty Điện lực Thanh Xuân luôn thực hiện tốt công tác kinh doanh điện năng, nâng cao chất lượng dịch vụ cho gần 91 nghìn khách hàng sử dụng điện trên địa bàn quận, trong đó khách hàng sinh hoạt tư gia chiếm 96% . Bên cạnh đó, Công ty chú trọng công tác kiện toàn, củng cố bộ máy, xây dựng và phát triển con người nhằm đảm bảo nguồn nhân lực của Công ty giỏi về nghề nghiệp, vững vàng về chính trị, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa Thủ đô và đất nước; quan tâm công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể vững mạnh. Hàng năm, Đảng bộ Công ty được đánh giá đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên Công ty liên tục đạt trong sạch, vững mạnh. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển với chặng đường đầy gian nan và thử thách, cán bộ, đảng viên, công nhân viên Công ty Điện lực Thanh Xuân vẫn luôn vững vàng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó: đảm bảo cung cấp điện liên tục ổn định, an toàn, xây dựng và phát triển lưới điện, góp phần đắc lực cho công cuộc bảo vệ an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong quận Thanh Xuân. Với những thành tích đó, Công ty Điện lực Thanh Xuân đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ Công thương. Nhiều tập thể, cá nhân được cấp trên khen thưởng. Phương Thanh

Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016

TĐKT  - Ngày 28/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam long trọng tổ chức Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. Đây là năm thứ 4 Lễ tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được tổ chức. Sau khi phát động chương trình tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Ban tổ chức đã nhận được hồ sơ của 181 sản phẩm tiêu biểu thuộc 58 tỉnh, thành phố. Hội đồng bình chọn cấp trung ương tiến hành bình xét và lựa chọn 157/181 sản phẩm xứng đáng nhận danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. Trong đó, 67 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp; 64 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chế biến; 26 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm phục vụ nông nghiệp. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn khẳng định: đây không chỉ là dịp để tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp, phục vụ nông nghiệp tiêu biểu mà còn mở ra diễn đàn để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mở rộng hợp tác, giới thiệu sản phẩm, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ với cộng đồng. Đây là cầu nối gắn kết sản phẩm “4 nhà” với người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn trao danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận, biểu dương các tập thể, cá nhân với 157 sản phẩm tiêu biểu được tôn vinh tại buổi lễ, đặc biệt là 25 sản phẩm tiêu biểu được tôn vinh 4 lần liên tục. Đồng chí khẳng định, qua hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Nước ta từ chỗ thiếu lương thực trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo, nông sản hàng đầu thế giới; đời sống và thu nhập của người nông dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn đã có những thay đổi căn bản. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp tăng về số lượng, chủng loại và chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Những thành tựu đó được làm nên từ công sức, trí tuệ của hàng chục triệu nông dân trên cả nước, trong đó, Hội Nông dân Việt Nam đã góp phần tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đánh giá cao sáng kiến tổ chức Lễ tôn vinh nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nêu tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng, đồng chí nhấn mạnh: trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia và thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới, hàng hoá của Việt Nam nói chung, hàng nông sản nói riêng sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng đứng trước không ít thách thức. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân các cấp cần nỗ lực hơn nữa trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại. Bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất cần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho dân cư nông thôn. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tin tưởng với sự nỗ lực, cố gắng của các ban, bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam và sự đồng lòng, chung sức của bà con nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016 cho 157 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất và bằng khen cho 25 đơn vị có sản phẩm tham dự và được bình chọn 4 năm liên tục. Mai Thảo

Chủ nhân của nhiều sáng kiến giá trị ngành xi măng

TĐKT – Với tập thể nữ cán bộ, công nhân, viên chức ngành xi măng, chị Nguyễn Ngọc Mai, công nhân dệt bậc 2/5 Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam là một trong những tấm gương sáng để mọi người noi theo. Mới đây, chị Mai vinh dự là một trong những cá nhân tiêu biểu được tặng Giải thưởng Phụ nữ năm 2017. Hơn 12 năm gắn bó với  Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy, công việc hàng ngày của chị như một mắt xích quan trọng trong  sản xuất vỏ bao xi măng KPK. Ngày nào chính tay chị cũng thoăn thoắt se những sợi nhựa PP trong dây chuyền để tạo ra vỏ bao xi măng Vicem Hoàng Thạch. Với chị, những sợi nhựa nhiều màu sắc, những tiếng máy móc hoạt động hay lượng bụi bặm hàng ngày đã trở thành những thứ trở nên gắn bó, thân thuộc. Một tiếng kêu to hay vài sợi nhựa bị đứt cũng khiến chị quan tâm và tìm cách khắc phục. Tình yêu và đam mê với nghề đã giúp chị đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đem lại giá trị làm lợi hàng tỷ đồng cho công ty. Chị kể, trong quá trình làm vận hành dây chuyền máy móc, chị nhận thấy máy thuộc tổ mình ngày một kêu to hơn, bụi dày hơn, vận hành khó hơn, sợi đứt cũng nhiều hơn. Nhiều đồng nghiệp khác thường kêu ca, phàn nàn vì tiếng ồn và lượng bụi xung quanh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân. Với suy nghĩ, coi máy móc như con, chị đã bỏ thời gian, tâm huyết, công sức tìm tòi, nghiên cứu, đưa ra giải pháp khắc phục. Chị Nguyễn Ngọc Mai (ở giữa) được trao tặng Giải thưởng Phụ nữ năm 2017 Chị nhanh chóng xác định máy khó vận hành, nhiều bụi là do dầu Silicon của máy lâu ngày đã cạn, cần phải thay. Tuy nhiên, dầu Silicon rất khó mua, chỉ đặt hàng tận nước ngoài mới có, trong khi giá thành lại cao, rồi phải chờ đợi hàng tháng trời hàng mới về, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Lâu nay, Xí nghiệp đã thử nhiều loại dầu bôi trơn khác nhưng không hiệu quả, hay gây đứt sợi trong quá trình dệt. Chị đã mày mò trên mạng rồi ra các của hàng bán dầu máy, sau đó chị biết đến loại dầu Emerson. Đây là một loại dầu dễ mua, giá thành rẻ, có khả năng thay thế dầu Silicon. Chị đã mua dầu này về thử nghiệm với một số máy móc sơ đẳng tại nhà, thấy hiệu quả rõ rệt, chị đã mạnh dạn đề xuất với tổ giải pháp và ban lãnh đạo Xí nghiệp về sáng kiến sử dụng dầu Emeson thay dầu Silicon để làm mát và bôi trơn sợi dệt. Ban lãnh đạo Xí nghiệp đồng ý tạo điều kiện để thực hiện sáng kiến của chị trên dây chuyền máy. Từ khi máy được bôi trơn bằng dầu Emerson, tình trạng máy kêu, sợi đứt, bụi bặm đã được giải quyết khá triệt để. Chị tiếp tục đề nghị thử nghiệm nhiều lần và tìm ra tỷ lệ thích hợp cho dầu Emeson với nước 1% là dung dịch thay thế. Kết quả rất khả quan, các máy dệt sử dụng tốt, giảm tần suất đứt sợi, từ 30 lần xuống còn 20 lần/ca và quan trọng là dầu Emeson rất dễ mua, pha chế và dễ sử dụng. Được ứng dụng năm 2013, sáng kiến “Nghiên cứu sử dụng dầu Emeson thay dầu Silicon để làm mát và bôi trơn sợi dệt” đã làm lợi cho xí nghiệp 20 triệu đồng/năm. Ý tưởng nối tiếp ý tưởng, năm 2014, trong quá trình làm việc, chị Mai nhận thấy phế phẩm của xí nghiệp khá nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là không tìm ra được bộ phận gây lỗi, ca gây lỗi và người gây lỗi để quy trách nhiệm, có biện pháp xử lý đúng, dẫn tới người làm, đôi khi biết phần của mình có phần sơ suất nhưng cứ kệ để sản phẩm chạy theo dây chuyền; đến khi thành sản phẩm rồi thì không đạt yêu cầu của khách hàng nên phải bỏ lại.  “Trước đây, cả dây chuyền sử dụng một sợi màu giống nhau; để phân biệt, từng tổ đánh dấu công đoạn của mình bằng mực. Mực này theo dây chuyền sẽ mờ dần, bay dần, thậm chí mất hẳn nên không thể nhận biết được phần việc của từng tổ”, chị Mai cho hay.  Từ trăn trở đó, giải pháp "Cải tiến quy trình đánh dấu sản phẩm công đoạn dệt" được đưa ra. Để thực hiện, chị Mai đề xuất tổ giải pháp việc mỗi tổ sẽ sử dụng một màu sợi khác nhau. Khi sản xuất, kể cả lúc đã ra thành sản phẩm rồi vẫn xác định được tổ nào, ca nào hoàn thành nhiệm vụ của mình đến đâu. Sáng kiến này đã giúp kiểm soát được các kíp sản xuất; kiểm soát sản lượng và chất lượng sản phẩm của từng công nhân dệt; truy tìm được nguồn gốc sản phẩm; nâng cao ý thức trách nhiệm của công nhân đối với sản phẩm mình làm ra, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, số sản phẩm lỗi, phế phẩm giảm nhiều. Vốn là một người tinh tế, ưa quan sát và suy ngẫm về những gì mình nhìn thấy, trong quá trình sản xuất, chị Mai nhận thấy bề rộng sợi và mật độ sợi chưa hợp lý dẫn đến hiện tượng vỏ bao thành phẩm bị bục, rách. Năm  2015, chị tiếp tục đưa ra sáng kiến “Thay đổi chiều rộng sợi vải dệt tại công đoạn tạo sợi và phân bố lại sợi dọc trong máy dệt”. Theo chị Mai cách làm cũ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tạo ra cuộn vải quá to hoặc nhỏ hơn cũng tác động đến các công đoạn tiếp theo, gây lãng phí nguyên liệu. Chị đã nghiên cứu, tìm hiểu và có sáng kiến chỉnh kích thước sợi vải và bố trí lại sợi vải dệt hợp lý, điều chỉnh sợi vải dọc theo một sơ đồ nhất định. “Đây là sáng kiến không chỉ giảm tiết kiệm vật tư, giúp cho năng suất lao động tăng lên, giảm tiêu hao vật tư, khoảng 50kg nhựa/ca, lượng phế cũng giảm từ 5 -8 kg/ca còn 2 - 4 kg/ca mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho xí nghiệp tiết kiệm khoảng 1,5 triệu đồng/ca và khoảng hơn 1 tỷ/năm chi phí sản xuất.  Chưa dừng lại ở đó, năm 2016, chị còn có sáng kiến "Nghiên cứu chêm chốt trên chốt an toàn của cuộn vải dệt”. Chị bảo, là người công nhân trực tiếp ở công đoạn dệt, cuộn vải khi đặt ra là trên 10.000 m thì bắt đầu mới cắt nhưng qua vận hành, chị thấy bất cập, mất an toàn. Bởi chêm chốt trước kia làm bằng nhựa, qua thời gian sử dụng, chêm chốt bị mài mòn dễ gây mất an toàn nên chị đã cải tiến thay thế chêm chốt đó bằng thép. Nhờ sáng kiến này mà cuộn vải dệt được giữ cố định, không bị rơi làm mất an toàn cho người lao động trong quá trình sản xuất. Sáng tạo, trách nhiệm với công việc nhưng chị rất khiêm tốn. Chị bảo, mình đứng máy vất vả thì người khác cũng vất vả như thế. Do đó, bản thân luôn mong muốn tìm tòi, sáng tạo trong công việc để giúp tiết kiệm vật tư, giảm giờ làm và tăng năng suất lao động, để giúp chị em làm việc hiệu quả, có thời gian dành cho gia đình sau mỗi giờ làm việc. Với những đóng góp, sáng kiến trong công việc, những năm qua, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở (2013 – 2015), được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen “Phụ nữ xuất sắc toàn quốc giai đoạn 2012 - 2016”  của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Mới đây, dịp 20/10/2017, chị vinh dự là 1 trong 10 cá nhân nhận “Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng. Mai Thảo  

Công bố 15 cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh Hà Nội năm 2017

TĐKT - Sáng 25/11, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (thuộc UBND TP Hà Nội) và Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đã chủ trì Lễ công bố và trao danh hiệu Cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh Hà Nội năm 2017. Tại buổi lễ, 15 cơ sở, công trình đã được vinh danh. Đại diện 5 cơ sở sử dụng “Năng lượng xanh” trong công trình xây dựng được vinh danh tại buổi lễ Năm 2017 là năm đầu tiên TP Hà Nội tổ chức chương trình đánh giá, công nhận danh hiệu Cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh. Chương trình đã thu hút 51 đơn vị tham gia, trong đó có 35 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; 16 công trình xây dựng. Các cơ sở tham gia chương trình được hỗ trợ đánh giá hiệu quả năng lượng bằng công cụ mô phỏng năng lượng, hỗ trợ tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; đánh giá ứng dụng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật có mức tự động hóa cao theo hướng công nghệ công nghiệp thế hệ 4.0. Trải qua các vòng đánh giá, Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thành phố đã lựa chọn 15 cơ sở, công trình để trao tặng danh hiệu. 5 Cơ sở sử dụng “Năng lượng xanh” trong sản xuất công nghiệp: Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam; Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; Chi nhánh Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội – Nhà máy bia Hà Nội Mê Linh; Công ty TNHH Một thành viên cơ khí 17; Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam. 5 Cơ sở sử dụng “Năng lượng xanh” trong công trình xây dựng: Tòa nhà EVN thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội; tòa nhà ConerStone thuộc Công ty TNHH Daibiru CSB; tòa nhà Keangnam Landmark 72: khu vực bán lẻ thuộc Công ty TNHH một thành viên AON VINA; Trung tâm MM Mega Market Thăng Long thuộc Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại TP Hà Nội. 5 Công trình xây dựng sử dụng “Năng lượng xanh”: Dự án Roman Plaza thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát; Khách sạn Mercure Hanoi La Gare thuộc Công ty cổ phần Prodigy Pacific Việt Nam; tòa nhà Harec thuộc Công ty cổ phần Harec Đầu tư và Thương mại; tòa nhà Vietinbank 126 Đội Cấn thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; tòa nhà Zodiac thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Đạo. Minh Phương

Trang