TĐKT - Dù trên mái tóc đã điểm vài sợi trắng hoa râm nhưng nhiệt huyết với các hoạt động đoàn và phong trào thanh niên luôn “ rực cháy” trong con người bác sĩ trẻ Nguyễn Vũ (sinh năm 1981), Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Thủ lĩnh đoàn không tuổi
Chúng tôi hẹn gặp anh trong những ngày chuẩn bị bước sang xuân mới 2018, cũng là lúc anh vừa chân ướt chân ráo trở về sau chuyến tình nguyện cuối cùng năm 2017, kéo dài 3 ngày tại xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Anh bảo, chuyến đi này làm anh và nhiều thành viên trong đoàn trăn trở lắm. Hình ảnh những đứa trẻ chân trần, với duy nhất một manh áo phông trên người, cõng nhau đến điểm tập kết để nhận quà trong cái lạnh dưới 10 độ C; hoàn cảnh đáng thương của 3 anh em nhà Hầu Mí Cớ 14 tuổi, Hầu Mí Dế 12 tuổi và Hầu Mí Thò 8 tuổi mồ côi cả cha, lẫn mẹ, tự nuôi nhau trong trong túp lều tranh dựng giữa đường xóm Dì Thành, xã Lũng Hồ… cứ trở đi trở lại trong đầu và thôi thúc anh phải làm một điều gì đó.
“Chắc chắn tôi và các bạn trẻ Đại học Y Hà Nội sẽ trở lại đó, cùng với các mạnh thường quân, chăm sóc sức khỏe cho các em bé, xây cho chúng những điểm trường học mới, những mái ấm tình thương” - Anh Vũ chia sẻ đầy quyết tâm.
Thay vì những chuyến đi du lịch đó đây, bác sĩ trẻ Nguyễn Vũ (ngoài cùng bên phải) cùng với các đoàn viên, thanh niên tổ chức nhiều chương trình tình nguyện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân khó khăn trên cả nước.
Gần 20 năm qua, tất cả những hình ảnh sau những chuyến thiện nguyện đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa đều được anh cẩn thận lưu lại trong tâm trí và nỗ lực tìm mọi cách truyền đạt, đánh thức tình yêu thương và lòng nhân ái trong cộng đồng, cùng trở lại những địa chỉ đó, chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn.
Đồng nghiệp và các sinh viên trong bệnh viện và trường Đại học Y Hà Nội thường gọi anh với cái tên vừa đáng kính, lại vô cùng đáng yêu “Thủ lĩnh đoàn không tuổi”. Tính đến nay, anh Vũ có gần 20 năm gắn bó với công tác đoàn và phong trào thanh niên. Với anh, nó đã trở thành một niềm đam mê, ngấm sâu vào máu của mình.
Gần chạm đến U40 nhưng tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ vẫn tràn đầy nhiệt huyết, và tiếp tục được tín nhiệm bầu làm cán bộ đoàn, chịu trách nhiệm dẫn dắt, định hướng, khơi dậy những hoạt động phong trào lành mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực cho hơn 600 đoàn viên thanh niên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng như gần 7000 đoàn viên thanh niên trong trường Đại học Y Hà Nội.
Vốn được “giác ngộ” và “bị lôi cuốn” vào các phong trào thanh niên và những hoạt động có hoài bão, có lý tưởng từ rất sớm, nên từ thời còn đi học, Vũ đã hăng hái tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Theo các chương trình do Đoàn trường đại học tổ chức, chàng sinh viên Nguyễn Vũ được đặt chân đến nhiều vùng núi cao, khó khăn nơi địa đầu Tổ quốc, được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm và chia sẻ với vô vàn những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn… Đó là cơ hội quý báu, giúp anh thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp sau này.
Từ nhiệt huyết và kinh nghiệm của bản thân, với vai trò là thủ lĩnh đoàn trường, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, anh Vũ đã dẫn dắt các phong trào thanh niên nơi đây phát triển mạnh mẽ, nhiều chương trình đã có thương hiệu. Anh đã thực tế hóa các hoạt động đoàn thông qua xây dựng nhiều tổ, đội, nhóm gắn với phát triển các kỹ năng xã hội cũng như chuyên môn, thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên.
Hiện tại, đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bận rộn trăm công nghìn việc, từ khám, chữa bệnh, phẫu thuật đến giảng dạy, nghiên cứu khoa học, rồi gia đình, con cái… nhưng anh Vũ vẫn luôn nỗ lực dành phần lớn quỹ thời gian “ngoài giờ” của mình cho các hoạt động đoàn và phong trào thanh niên. Anh bảo: “Đó là vì đam mê”.
Thay vì những chuyến đi du lịch đó đây, anh đang chắt chiu từng ngày, từng dịp, cùng với các đoàn viên, thanh niên tổ chức nhiều chương trình tình nguyện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước; tổ chức nhiều đợt tập huấn sơ cấp cứu tai nạn thương tích cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm đào tạo nghề nhân đạo Cô Tô (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh); tham gia các hoạt động “Lễ hội Xuân hồng” và các chương trình hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Chỉ tính trong năm 2017, anh Vũ đã tổ chức và tham gia 10 chương trình khám, chữa bệnh thiện nguyện vì sức khỏe cộng đồng cho đồng bào tại nhiều vùng khó khăn. Sau trận lũ quét lịch sử tại Mường La (Sơn La) và Mù Cang Chải (Yên Bái), anh cùng các tình nguyện viên đã có mặt kịp thời tham gia hỗ trợ đồng bào khám và hướng dẫn bà con phòng chữa bệnh sau lũ. Mỗi dịp Tết đến Xuân về anh cùng các đoàn viên thanh niên bệnh viện và trường Đại học Y Hà Nội tổ chức các hoạt động tình nguyện tặng quà Tết cho người dân nghèo ở nhiều huyện nghèo tại khu vực Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đặc biệt, các hoạt động, phong trào tình nguyện sức khỏe vì cộng đồng do Vũ khởi xướng không chỉ thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trong trường và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tham gia mà còn được sự quan tâm, giúp đỡ, đồng hành của nhiều lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo trường. Kể cả các giáo sư, tiến sĩ đã về hưu cũng rất hăng hái, trèo đèo, lội suối và cần mẫn ngồi khám, chữa bệnh cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Đáng nói là, với tầm nhìn xa, trông rộng, anh Vũ đã và đang đào tạo, xây dựng được thế hệ thanh niên kế cận có đầy đủ tài năng, phẩm chất và nhiệt huyết cùng anh, thậm chí là thay thế anh trong công tác “truyền lửa”, đào tạo chuyên môn cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Anh Vũ tự tin: Tôi rất tự hào vì đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, nếu ngay ngày mai tôi được điều động đi nhận một nhiệm vụ khác thì mọi hoạt động đoàn và phong trào thanh niên của Bệnh viện và Trường Đại học Y Hà Nội sẽ vẫn diễn ra và phát triển vững mạnh. Bởi bên cạnh tôi có rất nhiều những “thủ lĩnh đoàn giỏi” kế cận.
Với những nỗ lực đó, năm 2017, anh được Thành đoàn Hà Nội vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô.
Bác sĩ trẻ, tài cao
Nếu hoạt động tình nguyện là đam mê thì chăm sóc sức khỏe, cứu chữa cho người bệnh là mơ ước phấn đấu một đời của anh.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố là giáo viên, mẹ là công nhân quốc phòng tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cậu bé Vũ sớm được định hướng sẽ nối nghiệp cha trong môi trường giáo dục. Nhưng mơ ước được làm một bác sĩ cứu người từ thuở nhỏ đã thôi thúc Vũ thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, rồi sống trọn với nghề y cho đến nay.
Nguyễn Vũ là một bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, yêu nghề
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, năm 2008 Vũ về công tác tại Bệnh viện Việt Đức. Năm 2013 anh chuyển về công tác tại khoa Ngoại thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
“Không chỉ là thủ lĩnh đoàn giỏi, anh còn là một phẫu thuật viên có tiếng, với chuyên môn cao và tâm huyết với nghề tại Bệnh viện Đại học Y. Nhắc đến anh là nhắc đến hàng trăm ca mổ sọ não, dây thần kinh phức tạp đã thành công.” - Đó là nhận xét của các anh chị đồng nghiệp trong bệnh viện.
Cầm dao mổ từ năm 2008, với bác sĩ Vũ, có một đêm ngon giấc, không có chuông điện thoại vẫn luôn là ước mơ.
Công việc của một bác sĩ ngoại khoa, chuyên ngành mổ sọ não và cột sống luôn cẳng thẳng bởi luôn phải đối mặt với sự sống và cái chết. Có lúc, ban ngày các bác sĩ phải đón tiếp, khám bệnh, kê đơn cho gần trăm bệnh nhân; nhưng đêm đến, khi mọi người tròn giấc ngủ thì họ vẫn miệt mài, thức và chiến đấu với thần chết, giành lại sự sống cho các bệnh nhân.
“Phẫu thuật viên như tôi không có khái niệm thời gian; chỉ cần một cú điện thoại từ bệnh viện, mọi thứ đều phải để lại hết phía sau. Có những hôm, đã về đến nhà nhưng vì quá nhiều ca khẩn cấp, tôi phải quay lại mổ. Có hôm 6h30 sáng đã có mặt tại bệnh viện và trở về nhà ăn bữa cơm tối vào lúc 12h kém 15. Đó là chuyện thường ngày của bác sĩ chúng tôi” - bác sĩ Vũ chia sẻ.
Bờ - lu trắng nhọc nhằn là vậy, nhưng bác sĩ trẻ Nguyễn Vũ chưa bao giờ cảm thấy hối hận về nghề cao quý mà mình đã lựa chọn và nỗ lực phấn đấu. Anh chia sẻ, mỗi ca phẫu thuật thành công, đem lại sự sống cho người bệnh, chính là động lực để người bác sĩ như tôi vượt qua tất cả.
Mỗi một ca mổ, mỗi một hành trình thiện nguyện chính là hành trang để anh tự tin lên lớp, giảng bài, truyền lửa nghề, truyền nhiệt huyết đam mê cho sinh viên và đồng nghiệp của mình.
Minh, một sinh viên năm 3 trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Bài giảng của thầy Vũ luôn hấp dẫn bởi những ví dụ thực tiễn mà không có trong bất kỳ một tài liệu sách vở hay trang mạng nào mà được đúc kết từ các cuộc hành trình, trải nghiệm của bản thân thầy, trò, tập thể nhà trường và bệnh viện.
Vừa làm công việc chuyên môn, vừa tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện, với bác sĩ Nguyễn Vũ, dường như 1 ngày 24 tiếng vẫn chưa đủ. Vợ của anh thường trêu đùa “Thế khi nào thì chồng ốm?”. Câu trả lời hóm hỉnh của anh thường đính kèm nụ cười “Còn nhiều việc phải làm lắm, chưa được ốm”.
“May mắn nhất là có được một người vợ luôn thấu hiểu và tạo điều kiện để anh yên tâm làm tốt cả hai vai trò của một bác sĩ và của cán bộ hoạt động phong trào.”- Anh Vũ tâm sự.
Mai Thảo