Điển hình tiên tiến

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc

TĐKT - Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên (Đại học Sư phạm Thái Nguyên) đã trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, xứng đáng là lá cờ đầu của ngành sư phạm nói riêng và lá cờ đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc và trong cả nước, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên thành lập năm 1966 với tên gọi Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của các tỉnh miền núi phía Bắc. Hơn 50 năm qua, Trường đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển cùng sự chuyển biến của đất nước. Trong đó, thầy và trò Nhà trường đã có giai đoạn vừa dạy và học vừa bổ sung lực lượng tham gia nhập ngũ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc. Đã có hàng chục tấm gương thầy giáo, sinh viên dũng cảm hy sinh trên chiến trường để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Những thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo mà nhà trường đã đạt được trong hơn nửa thế kỷ qua, nhất là trong 10 năm gần đây được khẳng định qua những kết quả cụ thể. Trường đã khẳng định rõ nét vai trò, vị thế của một trường đại học sư phạm đầu tiên ở khu vực miền núi, đóng góp to lớn, xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học có chất lượng; kiên định mục tiêu đào tạo giáo viên chuyên nghiệp. Tính đến nay, Trường đã đào tạo và bồi dưỡng gần 100.000 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp - chủ yếu là con em các dân tộc vùng Việt Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên, trong đó có gần 3.000 thạc sĩ và tiến sĩ, gần 80.000 cử nhân; bồi dưỡng hàng chục nghìn giáo viên các cấp. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo tại trường đã và đang công tác ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và được đánh giá có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực lãnh đạo, là lực lượng giáo viên cốt cán ở các địa phương. Cùng với đó, trường luôn đi đầu và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, là đơn vị tiên phong trong việc gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tiễn giáo dục miền núi. Nhiều đề tài khoa học giáo dục mang tính đột phá, được ứng dụng có hiệu quả trong công tác đào tạo, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho vùng và đất nước. Trường là đơn vị đầu tiên xây dựng mô hình các nhóm chuyên gia về các lĩnh vực khoa học chuyên ngành, liên ngành để tư vấn, đề xuất, xây dựng các đề tài, dự án khoa học công nghệ có quy mô lớn. Liên tục trong 10 năm qua, trường là đơn vị có số lượng đề tài cấp cấp Bộ được phê duyệt qua tuyển chọn, đấu thầu lớn nhất trong các trường sư phạm khu vực miền núi phía Bắc. Trường Đại học Sư phạm là trường sư phạm duy nhất triển khai Dự án Giáo dục Đại học theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (POHE). Những kết quả của dự án đang được triển khai phát triển chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo của Nhà trường. Vượt qua mọi khó khăn, nhà trường đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên có trình độ cao. Trong 10 năm gần đây, tỷ lệ đội ngũ có trình độ tiến sĩ đã tăng gấp 5 lần, đứng hàng đầu trong các trường đại học trên cả nước. Hiện nay, trường có gần 400 giảng viên, trong đó trên 40% là tiến sĩ (đang có gần 100 giảng viên học NCS trong và ngoài nước). Để đạt được điều đó, trường là đơn vị tiên phong trong khối các trường sư phạm triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đồng thời, đề xuất, triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm đổi mới nội dung, chương trình đào tạo giáo viên trước khi có Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nhà trường đã chủ động đón đầu những định hướng đổi mới giáo dục, sử dụng các kênh thông tin từ nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, sinh viên cuối khóa đánh giá lại chương trình đào tạo hiện hành, làm cơ sở vững chắc để phát triển chương trình đào tạo giáo viên theo định hướng đổi mới. Trường đã khẳng định bước đột phá, đi đầu trong khối các trường đại học sư phạm về đổi mới chương trình, thể hiện vai trò định hướng đổi mới giáo dục phổ thông thông qua đổi mới chương trình, quá trình đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý. Kinh nghiệm xây dựng chương trình đào tạo mới của Nhà trường đã được chia sẻ, trao đổi với nhiều trường sư phạm, các Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước và đã được thừa nhận. Trường Đại học Sư phạm luôn triển khai và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng tập thể đoàn kết, nhất trí, dân chủ, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong công cuộc đổi mới sự nghiệp giáo dục. Kỷ cương, nền nếp, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và phong cách quản lý của nhà trường đã tác động tích cực tới chất lượng đào tạo, giúp cho Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên trở thành một điểm sáng trong hệ thống các trường sư phạm, là địa chỉ đáng tin cậy về đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trong nhà trường luôn đạt trong sạch, vững mạnh và được tặng nhiều Huân chương, Bằng khen, Cờ thi đua. Đảng bộ luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, là đơn vị tiêu biểu trong Đảng bộ Đại học Thái Nguyên. Ghi nhận những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Lao động hạng Ba (1967, 1982); 2 Huân chương Lao động hạng Nhì (1989, 1991); Huân chương Lao động hạng Nhất (1996); Huân chương Độc lập hạng Ba (2001);  Huân chương Độc lập hạng Nhì (2005); Huân chương Độc lập hạng Nhất (2011). Trong 10 năm gần đây, Trường được tặng thưởng 17 Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Thái Nguyên và Bộ Công an; được tặng thưởng 45 Bằng khen của tỉnh, các bộ, ngành. Đặc biệt, năm 2015, Trường Đại học Sư phạm vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng Lao động; năm 2016, được Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị. Ngọc Long

Nữ hiệu trưởng năng động, sáng tạo

TĐKT - Nhiều năm qua, cô Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung (TP Vũng Tàu) luôn được đồng nghiệp, bạn bè, phụ huynh và các em học sinh yêu quý, nể phục không chỉ bởi đức tính cần cù mà cô còn là cán bộ quản lý năng động, sáng tạo trong mọi công việc. ­ Cô Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung Với vai trò là người đầu tàu, cô Hoa luôn gương mẫu, tận tâm với nghề. “Là một cán bộ quản lý, mình luôn có ý thức tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trau dồi kiến thức. Bởi sự hoàn thiện bản thân từng ngày mới giúp người lãnh đạo xứng đáng nhận được sự tin cậy của đồng nghiệp và học sinh. Mỗi ngày đến trường tôi luôn tâm niệm mình phải là người khơi nguồn, truyền cảm hứng tâm huyết sáng tạo tới đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường.” – cô Hoa chia sẻ. Cũng theo cô Hoa, sự gần gũi giữa các đồng nghiệp trong ngôi trường sẽ giúp mọi người gắn kết và làm thật tốt công việc của mình. Phương châm: “Người biết nhiều chỉ bảo người biết ít, người biết ít phải biết lắng nghe, học những cái hay để hoàn thiện bản thân” được cô sử dụng như một bí quyết lãnh đạo, không những định hướng để mỗi giáo viên tự hoàn thiện mình, mà còn là động lực để mọi người cùng nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với vai trò của mình, cô Hoa luôn chú trọng công tác đổi mới giáo dục, tích cực chỉ đạo, dẫn dắt đội ngũ tìm tòi những sáng kiến hay, vận dụng vào thực tiễn để tổ chức các hoạt động tại trường đạt hiệu quả cao. Thường xuyên đổi mới, kiến tạo cảnh quan môi trường sư phạm trong nhà trường, tạo cảnh quan đẹp, thân thiện.   Đồng thời, Ban giám hiệu của trường luôn tạo điều kiện giúp giáo viên học tập, nâng cao trình độ trên chuẩn về học tin học, học ngoại ngữ, âm nhạc để nâng cao chất lượng dạy và học. Dưới sự dẫn dắt của cô Hoa, năm học 2015 - 2016 và 2016 – 2017, trường đã đạt được những kết quả vượt bậc so với những năm học trước đây: 11 Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 1 Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và 5 Bằng khen của UBND tỉnh; 2 giáo viên Chủ nhiệm Giỏi; 10 giáo viên Giỏi cấp thành phố; 2 giáo viên dạy Giỏi cấp Quốc gia. Học sinh nhà trường đạt 11 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng ở các Hội thi qua mạng; 244 em đạt thành tích học sinh giỏi cấp thành phố; 145 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Riêng năm học 2017 - 2018, đội ngũ giáo viên của nhà trường bứt phá vươn lên dẫn đầu thành phố với 11 giáo viên đạt giải trong Hội thi “Giáo viên dạy Giỏi cấp thành phố” cùng với giải nhất tập thể trong Hội thi; 2 giáo viên đạt danh hiệu dạy Giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, tháng 3/2018, có 4 giáo viên và 9 học sinh của trường đạt giải cao qua các ky thi Quốc gia và Quốc tế... Không chỉ là nhà quản lý giỏi, dẫn dắt các giáo viên, cô Hoa còn thành công trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục. Với ước muốn cải tạo cảnh quan sư phạm, tạo điều kiện ưu tiên tối đa cho các em học sinh của trường có một khung cảnh vui chơi xanh - sạch - đẹp - an toàn và thân thiện, cô cùng nhà trường đã tổ chức huy động nguồn tài chính từ các mạnh thường quân để xây dựng các công trình ý nghĩa phục vụ cho chính lợi ích của học sinh. Chính cách làm như vậy đã tạo lòng tin tưởng, sự đồng thuận và ủng hộ rất cao từ các bậc cha mẹ học sinh. Kết quả chỉ trong 2 năm học cô cùng tập thể nhà trường đã huy động được 500 triệu đồng để đầu tư, xây dựng công trình ý nghĩa: Công viên xanh, hệ thống 30 xích đu, 6 khung bạt che nắng di động, 2 thư viện mở trưng bày 500 đầu sách tại sân trường. Trong quá trình công tác, cô Hoa còn có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm áp dụng hiệu quả ở các cấp. Điển hình: Đề tài  “Bồi dưỡng đạo đức học sinh ở trường tiểu học” với 2 giải pháp nổi bật “Đổi mới tiết Chào cờ đầu tuần” và “Đổi mới phương pháp giảng dạy An toàn giao thông” của cô đã được Hội đồng Khoa học tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp toàn quốc. Các giải pháp cô đưa ra trong đề tài đã góp phần rất lớn trong việc định hướng phát triển nhân cách, đạo đức lứa tuổi thiếu nhi ở các góc độ: Sống, học tập và lao động theo pháp luật và bồi dưỡng lòng nhân ái, bao dung, tính cộng đồng theo truyền thống sống đẹp của con người Việt Nam. Có thể nói, với tâm huyết và sáng tạo của mình, cô Vũ Thị Việt Hoa đã tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp xây dựng nhà trường thành một tổ chức học tập mà “mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”, mang lại niềm tin cho các phụ huynh, rằng con em mình được học một môi trường tốt nhất. Tùng Chi

Tặng Giấy khen cho 1 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong bắt giữ tội phạm ma túy

TĐKT-  Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn vừa ký Quyết định 1796/QĐ-TCHQ tặng Giấy khen cho Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan Hà Nội và các cá nhân thuộc Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy Cục Hải quan Hà Nội, Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy Khu vực miền Bắc (Đội 5), Cục Điều tra chống buôn lậu, Đội Xuất nhập khẩu Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện, 4 cá nhân Đội 5, PC47 Công an TP Hà Nội. Các đơn vị nêu trên  đã có thành tích bắt giữ 9.349,9 gram ma túy tổng hợp được vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh từ Bỉ về sân bay Nội Bài trong tháng 4/2018. Tang vật vụ việc Vào ngày 20/4/2018, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy và Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) chủ trì, phối hợp với Đội 5 - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) đã tổ chức phương án phối hợp đấu tranh và phá thành công đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia qua đường bưu chính, tang vật thu giữ là 5 gói ma túy tổng hợp, trọng lượng 9.349,9 gram. Lô hàng này khi khai báo làm thủ tục hải quan là bánh kẹo, tuy nhiên khi về tới Việt Nam không có người đến nhận, địa chỉ người nhận ghi trên bao bì cũng là địa chỉ giả. La Giang  

Viết tiếp truyền thống 50 năm của một mô hình giáo dục đặc biệt

TĐKT – Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học  tốt”, 50 năm qua, các thế hệ thầy và trò trường Giáo dưỡng số 2 (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, chủ động đổi mới trong dạy và học, khẳng định thương hiệu của một ngôi trường giáo dục đặc biệt có hiệu quả, đã và đang được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Được thành lập ngày 2/6/1967, tại xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, với tên gọi đầu tiên là Trường Phổ thông Công nông nghiệp 2, trường có nhiệm vụ  quản lý, giáo dục trẻ em hư, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự quốc gia. Sau đó năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra, trường được di chuyển về huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và được đổi tên thành Trường Giáo dưỡng số 2 từ năm 1996 đến nay. Học sinh trường Giáo dưỡng số 2 đang luyện tập thể dục, thể thao Từ một ngôi trường có cơ sở vật chất nghèo nàn, lớp học bằng nhà tranh vách đất, bàn ghế đơn sơ, mộc mạc, lại đóng trên vùng đất sình, lầy trũng sâu rộng trên 10 ha ngập đầy cỏ năn, với 6 cán bộ, chiến sĩ, quản lý 105 em học sinh … đến nay, Trường Giáo dưỡng số 2 đã là một ngôi trường khang trang, bề thế, sạch đẹp. Trường có khu nội trú của học sinh, thư viện, bệnh xá, nhà ăn, khu học văn hóa, học nghề với đầy đủ phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và tổ chức các hoạt động ngoại khóa; với trên 500 lượt cán bộ; tiếp nhận, quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng hơn 20 ngàn học sinh, giúp các em làm lại cuộc đời, trở về hòa nhập với cộng đồng, là những công dân tốt, sống có ích cho xã hội và gia đình. Thượng tá Trần Hữu Trung, Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 cho biết: Đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực không ngừng vượt qua bao khó khăn vất vả, thậm chí hy sinh cả máu xương và tuổi trẻ của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên Trường Giáo dưỡng số 2. Với phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm”, công tác giáo dục học sinh ngày càng được đổi mới, đa dạng về hình thức, sâu sắc về nội dung, đặc biệt quan tâm đến điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập. Tất cả những điều đó đã có tác dụng cải biến rõ rệt tư tưởng, hành vi của các học sinh vào trường. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo không khí vui tươi, lành mạnh cho học sinh  trong toàn trường Người ta gọi Trường Giáo dưỡng số 2 là một trường học đặc biệt. Bởi ở đó, học sinh là những trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, mắc lầm lỗi, với độ tuổi từ 12 - 18 tuổi. Hành vi phạm tội chủ yếu là trộm cắp tài sản. Ngoài ra còn có các hành vi lừa đảo, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, giết người, ngược đãi cha mẹ … Phần lớn các em học sinh đó đều đã từ chối mọi hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nơi địa bàn cư trú; là những học sinh yếu, kém, có hoàn cảnh khó khăn hoặc gia đình không hoàn thiện do cha mẹ ly hôn, bỏ đi hoặc đã chết Nhiều học sinh vào trường còn mang theo nhiều thói hư, tật xấu: Lười lao động, ngại học, thích sống buông thả, tự do, lại mắc các bệnh hiểm nghèo như viêm gan B, C, lao, HIV/AIDS... Do vậy, công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh đặt lên vai những người làm thầy, làm cô mang sắc phục công an gian nan hơn bội phần. Tuy vậy, 50 năm qua, Trường Giáo dưỡng số 2 đã tổ chức quản lý học sinh chặt chẽ theo đúng các quy định của pháp luật. Thực hiện phương châm “Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên” nhà trường đã thực hiện phong trào thi đua “Ba cùng” trong cán bộ, giáo viên: Cùng học, cùng lao động, cùng vui chơi với học sinh. Phong trào đã được đông đảo cán bộ, giáo viên tích cực hưởng ứng mà nòng cốt là giáo viên chủ nhiệm. Phòng ở của học sinh được bố trí sát với phòng ở của thầy cô, để khi có học sinh ốm đau, bệnh tật, học sinh gây mất trật tự… cán bộ, giáo viên sẽ có mặt kịp thời giải quyết. Cán bộ đội bảo vệ - cơ động, giáo vụ hồ sơ thường xuyên trực 24/24h trong ngày để quản lý, giám sát các em. Có những thầy cô đã dũng cảm kê giường ngủ ngay trong phòng ở của học sinh để kịp thời quản lý, chia sẻ, chăm sóc, động viên học sinh của mình. Chính lòng yêu thương học sinh thật sự của các thầy cô giáo đã dần cảm hóa những tâm hồn khiếm khuyết trẻ thơ. Các em tìm lại được tinh thần vui vẻ, hạnh phúc và thêm niềm tin trong cuộc sống; từ đó phấn đấu học tập và rèn luyện, trở thành người có ích. Học sinh học nghề và trực tiếp thực hành tại trường Bên cạnh đó, để giúp những đối tượng học sinh sớm tái hoà nhập cộng đồng, ngoài thực hiện hướng dẫn, tư vấn tâm lý, cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm sống, Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình còn hướng nghiệp và đào tạo nghề, giúp các các em học sinh có niềm tin và kỹ năng cần thiết để vượt qua những khó khăn, sau này trở về sẽ là người có ích cho gia đình và xã hội. Các học sinh học và thực hành nghề đan lát, thủ công Từ năm 2013 đến nay nhà trường đã mở 27 lớp có 678 học sinh tham gia học các nghề: Cơ khí, mộc, điện dân dụng, vi tính văn phòng, cắt may, sửa chữa xe máy, đan lát thủ công mỹ nghệ... số học sinh tham gia học nghề tăng 25,3%;  mở 45 lớp xóa mù chữ; xét và cấp bằng bổ túc trung học cơ sở cho 237 học sinh và hoàn chỉnh hồ sơ học tập, cấp giấy giới thiệu cho 256 học sinh học tiếp. Gian nan, vất vả đồng hành cùng với lớp lớp các thế hệ học sinh cá biệt nhưng với mỗi người thầy, người cô ở trường Giáo dưỡng số 2, tương lai, sự tiến bộ của mỗi học sinh chính là động lực để họ vượt qua mọi khó khăn, gắn bó với nghề. Trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển, bằng bản lĩnh, trí tuệ, sự quyết, tập thể Trường Giáo dưỡng số 2 đã quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục hơn 20.000 học sinh với tính chất, mức độ, hành vi vi phạm pháp luật rất đa dạng, phức tạp. Đa số học sinh ra trường đều hoàn lương, trở thành người công dân có  ích cho xã hội. Không ít em đã tham gia vào quân đội, chiến đấu dũng cảm. Đã có người hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc được phong tặng liệt sĩ. Không ít em trở thành đảng viên, bác sĩ, kỹ sư, nhà doanh nghiệp giỏi... Năm tháng đã qua đi, lịch sử của trường lại thêm những trang mới, mang đậm dấu ấn thành quả giáo dục rất ý nghĩa và đáng tự hào. Qua khảo sát gần 600 học sinh đã học tập rèn luyện tu dưỡng ở trường từ năm 2007 đến năm 2012 tại 7 tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh và Nghệ An cho thấy, có gần 65% học sinh về địa phương tiếp tục học văn hóa, học nghề, tham gia lao động, sản xuất, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, sống lương thiện. Năm 2015, nhà trường đã khảo sát 71 học sinh không có nơi cư trú ổn định (theo hồ sơ) của 13 tỉnh thành phố, có 81,1% học sinh chấp hành tốt quy định của pháp luật, sống lương thiện… Năm 2018, Trường Giáo dưỡng số 2 vinh dự được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì Sự trưởng thành của học sinh chính là động lực tiếp thêm sức mạnh giúp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Giáo dưỡng Số 2 vững bước tiến lên trong sự nghiệp cao cả mà Đảng, Nhà nước và ngành giao phó. Tính đến nay, đã có hàng trăm đoàn khách trong nước, quốc tế đến thăm, nghiên cứu, làm việc tại trường đều có chung quan điểm và đánh giá cao về giá trị nhân đạo, nhân văn, vì quyền con người. Đồng thời, cũng ghi nhận, khẳng định vai trò của Trường Giáo dưỡng Số 2, góp phần phòng ngừa tội phạm, giữ vững vững trật tự, an toàn xã hội. Ghi nhận những đóng góp đó, Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và nhiều cá nhân Trường Giáo dưỡng số 2: Huân chương Độc lập hạng Nhì; 3 Huân chương chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 1 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; 4 Nhà giáo ưu tú… Mới đây, tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường (2/6/1968 – 2/6/2018), Trường Giáo dưỡng số 2 vinh dự được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.  Đây là phần thưởng cao quý đối với tập thể cán bộ chiến sĩ và lãnh đạo nhà trường. Đồng thời là động lực để cán bộ chiến sĩ tiếp tục đoàn kết phấn đấu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mai Thảo  

Vị lương y luôn lấy đức làm đầu

TĐKT- 38 năm gắn bó với nghề đông y, với cái tâm, cái đức của một người thầy thuốc, lương y Bùi Văn Phượng (xóm Tân Thành, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hoà Bình) đã cứu sống được nhiều người bị bệnh viêm gan, u gan, xơ gan cổ chướng và là một tấm gương sáng trong chữa bệnh cứu người. Ông Phượng (ngoài cùng bên phải) trao đổi với người bệnh Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống chữa bệnh bằng thuốc Nam, với mong muốn chữa bệnh, cứu người, ông đã từ bỏ tấm bằng đại học nông nghiệp để gắn bó với đông y. Sau hơn 20 năm học hỏi, năm 2001 ông được Sở Y tế Hòa Bình cấp giấy phép hành nghề chữa bệnh bằng bài thuốc nam gia truyền cho 3 loại bệnh chính là bệnh gan, bệnh thận và bệnh về đường tiêu hóa. Theo lương y Bùi Văn Phượng, những bài thuốc trị bệnh của ông đều bắt nguồn từ thuốc nam gia truyền với nguyên liệu thuốc hoàn toàn từ tự nhiên. Cùng với sự hiểu biết về y học hiện đại ông đã kết hợp các vị thuốc thành bài thuốc trị bệnh, đưa ra phương pháp, hướng dẫn sử dụng đúng cách, để chữa được nhiều bệnh, trong đó có cả bệnh nan y, bệnh cấp tính… Với những bài thuốc của mình, ông đã chữa thành công bệnh viêm gan - xơ gan với tỷ lệ khỏi là 70 - 80%, bệnh viêm cầu thận với tỷ lệ khỏi là 80 - 90% và các bệnh về đường tiêu hóa với tỷ lệ khỏi là 70 - 75%. Năm 2006, ông được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận Người có bài thuốc chữa bệnh xơ gan cổ chướng đạt hiệu quả cao. Hàng năm số bệnh nhân tham gia khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế của ông khoảng 10.500 người, bình quân 1 ngày khoảng 35 lượt. Cũng theo lương y Bùi Văn Phượng, thuốc đông y tuy tác động không nhanh và mạnh, lại khó uống (do đắng) nhưng với tay nghề của người thầy thuốc, tùy vào dược tính trong từng loại thảo dược, từng loại bệnh mà kết hợp các loại thảo dược khác nhau, liều lượng khác nhau để khi sử dụng an toàn và mang lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh. Do vậy việc sử dụng thuốc đông y chữa bệnh là phương pháp luôn được tin dùng. Khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, vấn đề đặt ra là cần chủ động được nguồn dược liệu, trong khi đó, nguồn dược liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Để giảm thiểu kinh phí khám, chữa bệnh, thuốc thang cho người bệnh, ông đã xây dựng vườn trồng dược liệu với nhiệu loại cây thuốc quý hiếm: Xạ vàng, xạ đen, xạ ngạn, chân chim, giả cổ lam, xa nhân, khôi nhung, dương quy, đinh lăng…, diện tích trồng 1 ha. Bên cạnh đó, để phục vụ tốt cho công tác khám, chữa bệnh, ông đã xây khu vực sân phơi sạch sẽ rộng gần 800 m2, nhà kho lớn, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ để chứa được khoảng 50 - 60 tấn thuốc khô và lò sấy thuốc có công suất 13 - 15 tấn thuốc tươi/lần sấy. Khu vực khám, chữa bệnh rộng 160 m2 và khu vực nhà bốc thuốc rộng 150 m2. Nhờ vậy mà thuốc luôn đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, an toàn. Không chỉ trồng tại gia đình, ông còn hướng dẫn nhân dân địa phương trong xã trồng dược liệu, cách chăm sóc, thu hoạch. Ông thu mua lại số dược liệu đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho nhân dân. Hàng năm, gia đình thu mua dược liệu của nhân dân khoảng 2,5 tỷ đồng. Với y đức của người thầy thuốc, chữa bệnh chỉ để cứu người, lương y Bùi Văn Phượng còn khám, chữa bệnh miễn phí hoàn toàn cho trên 200 bệnh nhân thuộc các đối tượng nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... Với thời gian chữa bệnh từ 6 - 7 tháng, chi phí cho 1 bệnh nhân là 4 triệu đồng. Ông còn khám và cấp thuốc miễn phí 1 nửa cho hơn 300 bệnh nhân thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình thương binh, liệt sĩ. Bên cạnh đó, ông cùng gia đình luôn tích cực tham gia và vận động bà con thực hiện tốt các phong trào thi đua ở địa phương đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông đã ủng hộ xóm Tân Thành 103 triệu đồng cho xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra ông còn ủng hộ xóm Minh Thành (xã Yên Trị) 55 triệu đồng; xóm Phú Yên 5 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa xóm; hội đông y xã 15 triệu đồng…Tổng số điền ủng hộ trên 1,6 tỷ đồng. Không chỉ vậy, với cương vị là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động của thôn xóm như tham gia hoà giải, giải quyết ngay từ cơ sở các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong khu dân cư. Gia đình luôn được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá và gia đình văn hoá tiêu biểu. Với những thành tích đạt được trong những năm qua,  ông đã  vinh dự được tặng Bằng khen của Bộ Y tế, 2 Bằng khen của Trung ương Hội Đông y Việt Nam, Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Đông y Việt Nam, 2 Bằng khen của UBND tỉnh Hòa Bình. Ông còn được Hội Đông y Việt Nam phong tặng danh hiệu Lương y tiêu biểu toàn quốc. Tùng Chi

Đại học Anh quốc Việt Nam được tặng Cờ Thi đua của UBND TP Hà Nội

TĐKT - Ngày 17/6, Đại học Anh Quốc Việt Nam (British University Vietnam - BUV) vinh dự được tặng Cờ thi đua từ Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vì những đóng góp xuất sắc trong các nhiệm vụ được Thủ tướng và UBND TP Hà Nội giao phó trong ngành giáo dục năm 2017. Ngày 17/6, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2018 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Tại Hội nghị, TP Hà Nội đã đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô các năm 2016, 2017; đánh giá kết quả công tác triển khai các nội dung đã cam kết tại Hội nghị năm 2017, giới thiệu định hướng và trọng tâm thu hút đầu tư của thành phố giai đoạn 2018 - 2020, đồng thời gặp mặt các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đại diện các đại sứ quán, các cơ quan tham tán thương mại… để tham vấn về các giải pháp hợp tác cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. BUV cam kết tiếp tục đóng góp vào sự phát triển ngành giáo dục của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung Đồng thời, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã trao bằng khen và Cờ thi đua cho các cá nhân và doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc đóng góp và phát triển kinh tế của Hà Nội trong đó có Đại Học Anh Quốc Việt Nam (BUV). BUV cũng tham dự lễ kí cam kết tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của giáo dục Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong các năm kế tiếp. Không chỉ tập trung đào tạo một thế hệ nhân lực trẻ chất lượng cao với thành tích 100% sinh viên tốt nghiệp và 100% sinh viên có việc làm sau khi ra trường trong vòng 3 tháng, BUV luôn nỗ lực thực hiện mục tiêu đã đề ra và cam kết đóng góp lâu dài cho giáo dục Việt Nam. Riêng trong năm 2017, BUV đã đầu tư 11 tỷ đồng vào sự phát triển của nền giáo dục Thủ đô, một đóng góp được UBND TP Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao. Vừa qua, BUV tiếp tục vinh dự nhận giải thưởng Rồng Vàng lần thứ 6 liên tiếp nhờ những nỗ lực và đóng góp cho lĩnh vực giáo dục. Đây là giải thưởng thường niên vinh danh những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thành tựu vượt bậc trong hoạt động sản xuất và kinh doanh cũng như đóng góp tích cực cho kinh tế Việt Nam. Giáo sư Tiến sĩ, Hiệu trưởng BUV, ngài Ray Gordon (ngoài cùng bên trái) lên nhận Cờ Thi đua của UBND TP Hà Nội trao tặng Sau gần một thập kỷ mang nền giáo dục Anh quốc đến Việt Nam, 2018 là một năm mang nhiều bước ngoặt quan trọng đối với BUV. Để chào mừng sự kiện khánh thành cơ sở Ecopark giai đoạn 1 trong năm nay, BUV đã khởi động Quỹ học bổng mừng khánh thành cơ sở Ecopark trị giá 34 tỷ đồng dành cho học sinh, sinh viên xuất sắc và tài năng trên nhiều lĩnh vực. Với những lợi thế mới, BUV tiếp tục giữ vững vai trò là trường đại học quốc tế hàng đầu tại Việt Nam cung cấp chương trình giáo dục, đào tạo tiêu chuẩn quốc tế cho những sinh viên Việt Nam có khát vọng và hoài bão trong sự nghiệp và cuộc sống. Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ - Hiệu trưởng Ray Gordon vui mừng: “Chúng tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam và TP Hà Nội luôn nỗ lực đẩy mạnh chính sách mở cửa, tạo cơ hôi cho các nhà đầu tư nói chung và đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nói riêng. Với cương vị là nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, vấn đề khó khăn nhất của chúng tôi đó là kết hợp hai hệ thống giáo dục của Anh Quốc và Việt Nam và đương nhiên bên cạnh sự khác biệt của hai hệ thống giáo dục là sự khác biệt của hai hệ thống pháp lý, cấp phép. Tuy nhiên, chúng tôi luôn nhận được nhiều sự hợp tác và ủng hộ từ phía TP Hà Nội trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục pháp lý thông thoáng linh hoạt để giúp chúng tôi có thể mang lại những chương trình đào tạo vừa phù hợp với quy định của pháp luật vừa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp với yêu cầu và nhu cầu của học sinh Việt Nam.” Mai Thảo  

MEDLATEC vinh dự nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ: Củng cố niềm tin vươn ra biển lớn

TĐKT - Ngày 17/6, tại Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển", MEDLATEC vinh dự nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Đại diện Bệnh viện đa khoa MEDLATEC – Tổng Giám đốc Nguyễn Trí Anh nhận Cờ thi đua do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là Bệnh viện tư nhân đầu tiên được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và được ghi nhận là một trong 7 đơn vị đã có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua Khối doanh nghiệp năm 2017 và đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Sự kiện nhận Cờ thi đua do Thủ tướng trao tặng lần này là mốc sơn điểm thêm vào bề dày thành tích mà MEDLATEC xứng đáng được đón nhận. Trải qua 22 năm hình thành và phát triển, MEDLATEC đã lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt. Tự hào là đơn vị y tế tiên phong triển khai dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi, đến nay MEDLATEC đã trở thành địa chỉ uy tín trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong 5 năm trở lại đây, MEDLATEC đã phục vụ gần 3 triệu khách hàng. Riêng năm 2017, MEDLATEC phục vụ gần 1 triệu khách hàng, ngày cao điểm lên tới 5.000 bệnh nhân. Với những kết quả đạt được, thời gian qua, MEDLATEC đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, đó là Huân chương Lao động Hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng năm 2016; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 29/02/2016; Cờ thi đua thành phố theo Quyết định số 3207/QĐ-UBND ngày 17/06/2016, Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng ngày 4/3/2018 nhân kỷ niệm 22 năm thành lập MEDLATEC... Cùng với Cờ Thi đua mà Thủ tướng Chính phủ lần này, những phần thưởng cao quý mà Đảng và nhà nước đã trao tặng chính là động lực, là niềm tin và trách nhiệm để mỗi cán bộ, nhân viên MEDLATEC phát huy nội lực, đưa con tàu MEDLATEC vươn ra biển lớn. Hồng Thiết

Khoa Dược (Bệnh viện Quân y 103) đón nhận danh hiệu Anh hùng

TĐKT - Sáng 16/6, tại Hà Nội, Khoa Dược, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Chủ tịch nước tặng Khoa Dược Khoa Dược (tên ban đầu là Tổ Dược) thuộc Đội Điều trị 3 (nay là Bệnh viện Quân y 103) ra đời ngày 20/12/1950 tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Trải qua các thời kỳ, Khoa Dược luôn gắn liền với sự phát triển của Bệnh viện Quân y 103. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm công tác dược. Vượt qua khó khăn, gian khổ ác liệt của chiến tranh, cán bộ, nhân viên Khoa Dược đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thuốc, trang bị, bào chế, sản xuất thuốc phục vụ kịp thời hơn 2.000 ca mổ, cứu chữa hơn 3.000 thương binh, bệnh binh và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về thuốc và cơ sở vật chất, Khoa Dược đã chủ động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, xây dựng quy trình, triển khai pha chế dịch tiêm truyền phục vụ cho công tác điều trị; tổ chức khảo sát tìm và khai thác các nguồn dược liệu, tìm hiểu các phương thuốc cổ truyền chữa bệnh trong dân gian đạt hiệu quả tốt... Trong đó có một số sản phẩm tiêu biểu: Tinh chế muối ăn làm nguyên liệu pha chế dịch truyền, pha chế dung dịch thuốc tím, thuốc đỏ sát trùng, cồn diêm sinh chữa ghẻ, viên hoàn ngậm trị ho, thuốc đắp cầm máu, viên hen, viên mật... Một số thuốc được bào chế từ dược liệu có giá trị đặc biệt quan trọng trong thời chiến như thuốc điều trị sốt rét, tiêu chảy, ghẻ, lao, an thần, thuốc bột chữa dạ dày Đơn số 12... Cũng trong thời kỳ này, nhiều cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Khoa Dược đã trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc giúp đỡ các đơn vị chiến đấu ở chiến trường miền Nam, giúp đỡ nước bạn Lào, Campuchia. Ngoài ra, Khoa Dược còn tham gia huấn luyện, đào tạo góp phần cung cấp nhân lực ngành dược cho các đơn vị quân đội trong cả nước. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Khoa Dược, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, ba lần được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” và nay là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nguyệt Hà  

Biểu dương 150 nữ điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và xây dựng nông thôn mới

TĐKT – Sáng 16/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tới dự. Cùng dự còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương Sơn Minh Thắng; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà. Thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tham gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành việc làm thường xuyên của các cấp Hội phụ nữ trên cả nước. Các điển hình tiên tiến được biểu dương tại Hội nghị Bằng những hành động cụ thể, thiết thực, cách làm sáng tạo, hai năm qua, các cấp Hội, nhất là cấp cơ sở đã đăng ký và thực hiện hiệu quả 12.000 phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Hàng nghìn mô hình tạo cảnh quan môi trường nông thôn sạch, đẹp và đảm bảo an toàn thực phẩm: “Sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Tuyến đường hoa, cây thuốc nam”, “Làng quê không rác thải”, “Tổ phụ nữ thay đổi hành vi an toàn, vệ sinh thực phẩm”, “Hộ gia đình không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn”, “Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn”... Nhiều mô hình thực hành tiết kiệm theo gương Bác gắn với an sinh xã hội có hiệu quả lớn, sức lan tỏa mạnh mẽ, đạt trên 3.700 tỷ đồng. Điển hình: Mô hình “Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”, “Heo đất tiết kiệm”, “Từ phế thải đến thẻ bảo hiểm y tế”... giúp gần 100.000 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo hằng năm; vận động xây dựng trên 7.400 mái ấm tình thương và hỗ trợ trên 400.000 hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Đặc biệt, cán bộ Hội Phụ nữ trên cả nước đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm “lấy sự hài lòng của hội viên phụ nữ là mục tiêu phấn đấu, là thước đo hiệu quả hoạt động Hội” đang được đông đảo phụ nữ và nhân dân cả nước nhiệt tình ủng hộ... Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn ghi nhận, biểu dương những thành tích mà phụ nữ cả nước đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam cần triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017 - 2022), đặc biệt là những nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018). Hội cần tiếp tục quán triệt, chỉ đạo, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên của mỗi cấp hội. Tiếp tục cụ thể hóa các phẩm chất: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” phù hợp với từng đối tượng. Chủ động, sáng tạo, đăng ký thực hiện những công trình, phần việc cụ thể của đơn vị mình tại địa phương. Phối hợp, huy động sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, vận động nguồn lực từ xã hội để nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, để các tiêu chí đạt được phải bền vững, lâu dài, góp phần xây dựng nông nghiệp phát triển, nông thôn khởi sắc, nông dân ấm no, hạnh phúc... Tại Hội nghị, 150 điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020” được biểu dương, khen thưởng. Hưng Vũ  

Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Điện ảnh - Truyền hình Bộ đội Biên phòng

TĐKT - Chiều 15/6, tại Hà Nội, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Điện ảnh - Truyền hình BĐBP (15/6/1968 - 15/6/2018). Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP dự và phát biểu ý kiến. Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP trao Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP cho Điện ảnh - Truyền hình BĐBP Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ công tác tuyên truyền phục vụ sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, ngày 15/6/1968, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ tư lệnh BĐBP) đã ra Quyết định số 40/QĐ-BTL thành lập Đoàn Điện ảnh Công an nhân dân vũ trang, nay là Điện ảnh - Truyền hình BĐBP. Trải qua 50 năm hoạt động, công tác và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ phóng viên, công nhân viên Điện ảnh - Truyền hình BĐBP đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, xây dựng tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức quốc gia, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân nơi biên giới, biển đảo ngày càng vững mạnh. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Điện ảnh - Truyền hình BĐBP luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ, tuyên truyền, sản xuất và phát sóng hàng trăm phim phóng sự, phim tài liệu và xây dựng các chương trình truyền hình chuyên biệt có chất lượng tốt: “Tạp chí Truyền hình Biên giới - Biển đảo”; “Chương trình truyền hình BĐBP tiếng Mông”. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Đài truyền hình, các chương trình truyền hình làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền thường xuyên của quân đội và BĐBP. Đơn vị đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên rộng khắp thông qua các chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo”, "Biên phòng toàn dân” phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình các địa phương. Với những cống hiến xuất sắc trong công tác tuyên truyền, đến nay, Điện ảnh - Truyền hình BĐBP đã có 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đơn vị được Nhà nước tặng thưởng 7 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng,Chính ủy BĐBP nhấn mạnh: Để phát huy tốt truyền thống 50 năm, góp phần cùng toàn lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP yêu cầu Điện ảnh - Truyền hình BĐBP thường xuyên nắm vững tình hình nhiệm vụ công tác biên phòng và yêu cầu nhiệm vụ công tác tuyên truyền của quân đội, BĐBP trong giai đoạn hiện nay. Tổ chức quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh ĐĐBP về xây dựng và bảo vệ biên giới, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 06/NQ-ĐU của Đảng ủy BĐBP ngày 10/12/2006 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa - thông tin đáp ứng yêu cầu công tác biên phòng trong tình hình mới”. Bên cạnh đó, Điện ảnh - Truyền hình BĐBP cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng các mặt công tác điện ảnh, truyền hình, với phương châm: Nhạy bén, kịp thời, hiệu quả, luôn cập nhật và làm chủ được các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Duy trì tốt mối quan hệ mật thiết với các cơ quan, đơn vị ngành điện ảnh, truyền hình trong và ngoài quân đội để tổ chức tuyên truyền kịp thời nhiệm vụ quản lý, xây dựng và bảo vệ biên giới. Đồng thời, tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hành dân chủ, nội bộ đoàn kết, thống nhất cao, không ngừng bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác… Nhân dịp này, Điện ảnh - Truyền hình BĐBP được Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Tư lệnh BĐBP, Hội Điện ảnh Việt Nam tặng Bằng khen; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư khen về những thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tặng Bằng khen cho 4 cá nhân và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thông tin và truyền thông cho 10 cá nhân tiêu biểu. Phương Thanh

Trang