TĐKT - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”, những năm qua, cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luôn phấn đấu, rèn luyện “Sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật”, xây dựng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, tác phong chính quy, nêu cao trách nhiệm, nhiệt tình, chu đáo, mang đến sự hài lòng đối với người bệnh và niềm tin của bộ đội, nhân dân đối với người thầy thuốc quân y.
Thầm lặng “đi trước, về sau”
Dù công việc nhiều vất vả và căng thẳng, hàng ngày, phải bao quát, sắp xếp công việc, trực tiếp tham gia phục vụ trung bình từ 100 - 120 ca mổ phiên, mổ cấp cứu, phẫu thuật ngoại trú và phẫu thuật theo yêu cầu... nhưng gần 30 năm nay, Đại tá Nguyễn Minh Lý, Chủ nhiệm Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luôn dành trọn tình yêu với nghề.
Chị Lý tâm sự: Nếu chọn nghề y là đã tự chọn cho mình một con đường đi không ít chông gai thì những ai chọn “gây mê hồi sức” còn gian nan hơn gấp bội. Từ đảm bảo gây mê, hồi sức cho các ca mổ đơn thuần đến các kỹ thuật đặc biệt như mổ tim kết hợp chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi lồng ngực, mổ phổi, trung thất, gây mê, hồi sức cho phẫu thuật sọ não, cột sống, chấn thương, bụng, sản, nhi, tạo hình, mổ nội soi, vi phẫu, trồng nối chi thể đứt rời, mổ ghép tạng…đều có sự đóng góp tích cực của đội ngũ y, bác sĩ gây mê hồi sức.
Bác sĩ Lý đang hướng dẫn cho đồng nghiệp trẻ
Người ta thường bảo, gây mê hồi sức là một công việc thầm lặng, đi trước về sau, quả không sai. Thông thường, trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê-kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ: Đánh giá tình trạng bệnh nhân, chuẩn bị phòng mổ, tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân... sau đó mới đến phiên của bác sĩ phẫu thuật viên.
Tuy nhiên, đằng sau tấm vải xanh, đằng sau những thao tác của bác sĩ phẫu thuật, cả ê-kíp gây mê vẫn miệt mài làm việc. Họ vẫn phải tiêm thuốc, truyền dịch, dõi theo máy đo các chỉ số dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân; duy trì chức năng hô hấp của người bệnh, ứng phó với những trường hợp xấu có thể xảy ra như: Chảy máu, rối loạn huyết động, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ... Nhiệm vụ của họ thầm lặng nhưng đóng vai trò quyết định trong thành công của ca mổ.
Sau ca mổ, ê-kíp phẫu thuật có thể tháo găng, cởi đồ mổ nhưng ê-kíp gây mê, hồi sức vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình, giúp bệnh nhân thoát mê và có thể từ từ thở tự nhiên không phụ thuộc vào máy thở.
Chị Lý chia sẻ: “Có những ca mổ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, “y, bác sĩ chúng tôi cũng phải thay phiên nhau túc trực trong phòng mổ từ sáng đến tối, cơm trưa nhiều lúc không kịp ăn, giờ đón con cũng lỗi hẹn...”
Dường như công việc ở phòng mổ và công việc của một quản lý Khoa đã chiếm hết quỹ thời gian trong ngày của chị. Nhưng bao nhiêu năm qua, chị vẫn không ngừng tự học, nghiên cứu, nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn, có nhiều sáng kiến cải tiến, làm chủ nhiều máy móc, kỹ thuật hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và phục vụ người bệnh. Chị là tấm gương truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ hôm nay.
Không từ bỏ hy vọng, làm hồi sinh những trái tim
Cũng giống như bác sỹ Lý, với bác sĩ Đỗ Văn Chiến (sinh năm 1981), khoa Nội Tim mạch, mong muốn lớn nhất khi theo đuổi nghề y của anh đó là luôn nỗ lực phấn đấu trở thành người bác sĩ tốt trong mắt bệnh nhân.
Để làm được điều đó, theo anh Chiến, người thầy thuốc nhất định phải giỏi chuyên môn, không ngừng nghiên cứu, đưa ra những phương pháp chữa bệnh mới, tốt nhất cho người bệnh của mình. Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng mà bất kỳ người thầy thuốc nào cũng cần có đó là không bao giờ được từ bỏ hy vọng để cứu sống bệnh nhân.
Bác sĩ Đỗ Văn Chiến đang động viên bệnh nhân
Về công tác tại Bệnh viện 108 từ năm 2006 sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, đến nay bác sĩ Đỗ Văn Chiến đã hơn một thập kỷ gắn bó với công việc hồi sinh những nhịp đập cho hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân khắp mọi miền đất nước.
Với quan niệm “không bao giờ từ bỏ hy vọng”, anh đã cứu sống nhiều bệnh nhân ngay cả khi trái tim họ đã ngừng đập.
Nhớ lại một đêm khuya năm 2016, bị đánh thức bởi cuộc điện thoại từ bệnh viện báo rằng có một bệnh nhân vào cấp cứu, bị nhồi máu cơ tim cấp, đã ngưng tim, anh Chiến vội khoác chiếc áo gió rồi vụt phóng xe khỏi nhà trong đêm.
Đến viện, các bác sĩ khác đã lắc đầu. Nhưng qua quan sát, anh thấy bệnh nhân còn khá trẻ, mới chỉ trên 40 tuổi; bên ngoài phòng cấp cứu là người vợ và hai đứa con nhỏ đang ôm nhau khóc lóc. Như một mệnh lệnh thôi thúc anh “còn nước, còn tát”. Anh bắt đầu ép tim, can thiệp và đặt stent cho bệnh nhân.
Như một điều kỳ diệu, lượng oxy trong máu bệnh nhân bắt đầu tăng lên. Sau 3 giờ đồng hồ liên tục can thiệp, cùng với sự hỗ trợ của ê-kíp hơn 10 bác sĩ, cơ thể bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi, chân tay cựa quậy.
Đến ngày hôm sau, các chỉ số tốt dần lên, bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Gia đình, người nhà như vỡ òa trong hạnh phúc. Còn riêng anh, niềm hạnh phúc như nhân lên gấp ba, gấp bốn lần bởi nhờ sự quyết đoán trong tích tắc, quyết tâm không từ bỏ cơ hội, anh không chỉ cứu sống được một bệnh nhân mà còn giữ được cho người phụ nữ một người chồng, giữ cho những đứa trẻ một người cha và giữ cho hạnh phúc của cả một gia đình.
Anh bảo: Những cảm xúc quý giá đó không phải nghề nào cũng có được. Vì vậy, dù có khó khăn, vất vả, có phải san sẻ hạnh phúc của cá nhân, anh vẫn luôn nỗ lực, tâm huyết với nghề, cần mẫn “gom” những xúc cảm thiêng liêng của cuộc sống.
Không ngừng chinh phục những cái mới
Với bác sĩ Ngô Đình Trung, không ngừng chinh phục những cái mới là phương châm làm việc trong gần 10 năm khoác trên mình chiếc áo bờ lu trắng tại Bệnh viện 108.
Công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - một đơn vị chuyên cấp cứu, điều trị các trường hợp bệnh nhân hồi sức nặng, một trong những nhiệm vụ trung tâm của bác sĩ Trung cũng như các y, bác sĩ khoa Hồi sức được xác định là cấp cứu và điều trị bệnh nhân, tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào công tác điều trị. Đồng thời, triển khai công tác huấn luyện, nghiên cứu khoa học một cách thiết thực, hiệu quả.
Bác sĩ Trung đang kiểm tra, thăm khám cho người bệnh
Với cương vị bác sĩ điều trị - phụ trách Phó chủ nhiệm khoa Khoa Hồi sức tích cực, anh đã cùng với lãnh đạo, chỉ huy khoa chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ cấp cứu và điều trị, chăm sóc toàn diện bệnh nhân; hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chuyên môn trên giao.
Với trình độ chuyên môn tốt, đồng chí đã tham gia điều trị thành công nhiều bệnh nhân nặng như suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhiễm khuẩn nặng, bệnh nhân hồi sức phẫu thuật tim và các phẫu thuật lớn khác; thành thạo các kỹ thuật hồi sức hiện đại như oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO), điều trị thay thế thận liên tục, thay huyết tương, đo cung lượng tim liên tục, đặt bóng đối xung nội động mạch chủ.
Đặc biệt từ năm 2016, bệnh viện triển khai đề án ghép tạng – một lĩnh vực chuyên môn mới, trong đó, Khoa hồi sức tích cực có vai trò rất quan trọng, đảm nhiệm nhiệm vụ hồi sức cho các bệnh nhân chết não hiến tạng và hồi sức bệnh nhân sau ghép. Nhiệm vụ này đặt ra những yêu cầu rất lớn cho tập thể khoa Hồi sức, từ công tác tổ chức cũng như năng lực chuyên môn cho các bác sỹ và điều dưỡng.
Để có thể hoàn thành nhiệm vụ trên, bản thân bác sĩ Trung ngay từ những ngày tham gia thực hiện dự án, đã tích cực chủ động tham gia vào ghép tạng thực nghiệm trên lợn như ghép phổi, ghép gan, ghép thận, ghép ruột…; từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu về các biện pháp hồi sức. Đồng thời, tích cực tìm tòi tài liệu, xây dựng quy trình hồi sức nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho ghép trên người.
Từ năm 2017, bác sĩ Trung đã tích cực cùng với tập thể Khoa Hồi sức tích cực tìm nguồn bệnh nhân chết não và tiến hành hồi sức cho bệnh nhân chết não hiến tạng tiềm năng. Xuất phát từ thực tế nguồn người hiến tạng tại nước ta còn chưa nhiều, trong quá trình tham gia tìm nguồn cho tạng, anh đã cùng với các thành viên Ban công tác xã hội xuống nhiều bệnh viện ở các tuyến để phối hợp, hướng dẫn nhân viên y tế chẩn đoán, đánh giá bệnh nhân chết não. Khi có bệnh nhân chết não, chủ động xuống các bệnh viện để vận chuyển bệnh nhân về Bệnh viện 108 để tiếp tục công tác điều trị.
Đặc biệt, tháng 2/2018, anh đã cùng đội ngũ thầy thuốc của Khoa tiến hành hồi sức bệnh nhân hiến đa tạng (tim, phổi, thận, giác mạc); trong đó, hiến 2 phổi để thực hiện ghép phổi cho 1 bệnh nhân bị suy hô hấp nặng. Đây là ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não được tiến hành tại Việt Nam, là một lĩnh vực chuyên môn rất khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, với năng lực chuyên môn và tinh thần quyết tâm, bác sĩ Trung đã cùng tập thể khoa tiến hành hồi sức thành công người bệnh.
Thành công của ca ghép phổi cũng là kết quả của nỗ lực rất lớn của tập thể thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; qua đó giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Bác sĩ Lý, bác sĩ Chiến và bác sĩ Trung, dù mỗi người một vị trí công tác, một lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Nhưng điểm chung giữa họ đó là không ngừng trau dồi y khoa, bồi đắp y đức, nỗ lực hết mình với nhiệm vụ được giao. Dù là thời bình hay thời chiến, những người bác sĩ chiến sĩ ấy luôn có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực và hiệu quả; dốc sức, dốc lòng với người bệnh của mình bằng một trái tim nồng ấm.
Mai Thảo