Diễn đàn

Hội thảo khoa học “Vai trò của truyền thông trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp”

TĐKT - Sáng 21/5, tại Hà Nội, Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty cổ phần Truyền thông ALO tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của truyền thông trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp”, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của hệ thống truyền thông gồm truyền hình kết hợp cùng hệ thống mạng xã hội. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá vai trò của truyền thông (truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội) trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp. Hội thảo khoa học “Vai trò của tuyền thông trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp” Ông Trương Công Tú, Trưởng phòng Khoa học xã hội - VTV2 nhấn mạnh, truyền hình có vai trò tiên phong trong công tác truyền thông cho khởi nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, truyền hình đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với mạng xã hội. Tuy nhiên, truyền hình với tư cách là cơ quan ngôn luận nên nguồn tin đáng tin cậy do được kiểm định chặt chẽ, kể cả những thông tin quảng cáo. Trong khi đó, mạng xã hội thì nguồn tin không được kiểm định nên có nhiều thông tin sai sự thật. Để nâng cao vai trò của truyền hình trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, theo ông Trương Công Tú, các kênh truyền hình cần chú trọng hơn nữa trong việc kiểm định thông tin để tránh sai sót. Bên cạnh đó, truyền hình cần tập trung truyền thông kiến thức khởi nghiệp để doanh nghiệp khởi nghiệp nắm được những kiến thức về khởi nghiệp, định giá đúng được giá trị của doanh nghiệp. Ngoài ra, truyền hình cần tận dụng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả truyền thông, trong đó truyền hình đóng vai trò trung tâm, xây dựng hệ sinh thái xoay quanh mạng xã hội và internet. Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, CEO của MED Link - top 3 cuộc thi khởi nghiệp tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng Techfest 2018, cho rằng truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm, thu hút các nhà đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp. “Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, chưa đầy 1 năm thành lập, MED Link đã nhận được 600 nghìn USD tài trợ của các nhà đầu tư. Khi chúng tôi hỏi các nhà đầu tư biết đến MED Link thông qua kênh nào thì họ cho biết là thông qua các kênh truyền hình, báo điện tử”, bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền chia sẻ. Mong muốn nhận được sự hỗ trợ truyền thông cho cộng đồng khởi nghiệp từ các cơ quan truyền thông, bà Huyền cho rằng, có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm tốt nhưng chưa tham gia cuộc thi nào nên chưa được biết đến rộng rãi. Vì vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần tới các cơ quan truyền thông để đưa sản phẩm của họ tới công chúng, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư. Thục Anh

Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” như lời Bác dặn

TĐKT - Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 - 2019), chiều 18/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo chuyên đề "Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” và việc rèn luyện lề lối, tác phong cán bộ Đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình, gồm 3 phiên chuyên đề: Phiên chuyên đề 1 với chủ đề: “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” diễn ra tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Phiên chuyên đề 2 với chủ đề: “Phong trào hành động cách mạng - môi trường thực tiễn sinh động để đào tạo, bồi dưỡng thanh niên theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” diễn ra tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phiên chuyên đề 3 với chủ đề: “Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” và việc rèn luyện lề lối, tác phong cán bộ Đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” diễn ra tại trụ sở Bộ Công An, số 47 Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Quang cảnh Hội thảo Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm yêu thương, ân cần, chăm lo, quan tâm sâu sắc đến thế hệ trẻ, đến thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước. Cho đến tận lúc đi xa, trong Di chúc, ngay sau khi nói về Đảng, Người nói về đoàn viên, thanh niên. Người ghi nhận đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Người yêu thương, căn dặn, nhắc nhở thanh niên phải trở thành những người “vừa hồng, vừa chuyên”, kế thừa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những lời dạy ân cần và tấm gương đạo đức, phong cách của Người là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn, là định hướng quan trọng, thôi thúc lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng học tập, rèn luyện. 50 năm qua, khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn phấn đấu không ngừng để xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của Người; luôn xác định nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt là giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi; thực hiện tốt chức năng trường học xã hội chủ nghĩa để thanh niên Việt Nam rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam nhấn mạnh, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người là dịp quan trọng để mỗi đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Đoàn thanh niên các cấp chúng ta một lần nữa tìm về bên Bác, qua cuộc đời, sự nghiệp của Bác, qua những lời dạy của Người để lại được tiếp thêm sức mạnh, ý chí, nghị lực, vững vàng hơn trong lao động, học tập, sản xuất, chiến đấu…  "Hội thảo như lời nhắc nhở đối với mỗi cán bộ Đoàn hôm nay và mai sau học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện những lời dạy trong Di chúc thiêng liêng của Người, từ đó khẳng định mạnh mẽ niềm tin của thanh niên Việt Nam hôm nay vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta và các thế hệ thanh niên đi trước đã chọn; thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ trong tiếp nối truyền thống yêu nước, thắp sáng lý tưởng cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay” – đồng chí Bùi Quang Huy khẳng định. Hội thảo đã tập trung trao đổi, làm rõ một số vấn đề: Những giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; việc sửa đổi lề lối làm việc, rèn luyện tác phong cán bộ trẻ sáng tạo, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, sâu sát cơ sở theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cán bộ trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phát huy dân chủ, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của thanh thiếu nhi; học tập và làm theo Bác gắn với xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; gắn với việc xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam hiện nay và các chương trình, hoạt động, đề án, kết luận đã được Trung ương Đoàn ban hành trong thời gian vừa qua. Hưng Vũ

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Chiến thắng hào hùng của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng

TĐKT – Những thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, chiến dịch biên giới 1950, chiến cuộc đông xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hoàn toàn thắng lợi, chấm dứt 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ và miền Bắc được hòa bình để tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó không chỉ là thắng lợi của tinh thần quật cường, quả cảm của dân tộc Việt Nam mà đó là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh. Cờ Quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm De Castries tại cứ điểm Điện Biên Phủ Cách đây 70 năm, ngày 11/6/1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tại bản Là Nọn, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá." Thực hiện Lời kêu gọi của Người, các phong trào thi đua ái quốc được phát động và lan rộng khắp các vùng miền, cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước thi đua hăng say lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói; thi đua học tập, xoá nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm… Với ý chí "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, quân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Sau thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, chiến dịch biên giới 1950, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là một chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quân sự, chính trị, ngoại giao rất quan trọng và dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi Đại tướng ra mặt trận: Phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Từ đầu năm 1954, hưởng ứng lời phát động thi đua của Chính phủ “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng thực dân pháp xâm lược…”, cả nước đều hướng ra mặt trận, cán bộ, nhân dân các khu, các tỉnh đã xốc lên chạy đua với giặc, chạy đua với thời gian, mưa lũ nhằm đảm bảo tốt nhất nhu cầu chiến đấu của bộ đội. Nhân dân các vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm đã hăng hái, tự nguyện cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Nhân dân tích cực đóng góp, ủng hộ để tiếp tế cho bộ đội. Cùng với đó là phong trào thi đua “tăng chuyến, tăng tốc” được phát động rầm rộ trên các tuyến đường. Với khí thế đó, hậu phương đã dốc sức người, sức của và tinh thần phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết quả, hàng chục nghìn tấn vũ khí đạn dược, 27.000 tấn gạo, hơn 1.800 tấn thịt đã được chuyển ra mặt trận. Riêng đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc đã đóng góp được 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt và 31.818 dân công với 1.296.075 ngày công. Trên khắp các chiến trường, từ Bắc tới Nam, cả ở các vùng địch còn tạm chiếm, quân và dân ta đã liên tục tiến công, hợp đồng tác chiến với Điện Biên Phủ, không cho địch tập trung binh lực tiếp viện, giải cứu cho Điện Biên Phủ. Trên chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi thực hiện sự chỉ đạo chiến lược và phương châm đánh địch đúng đắn của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc” vào ngay trước giờ chiến dịch mở màn. Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, quân ta đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân Pháp ở Đông Dương, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 16 nghìn quân địch. Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới, xây dựng miền Bắc trong hòa bình, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn, vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; của đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý: Một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, nếu có một Đảng Mác xít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì nhất định đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù kẻ thù đó mạnh hơn nhiều lần. Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Phương Thanh

Sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong đại thắng mùa xuân năm 1975

TĐKT - Trong những ngày tháng 4 lịch sử, đâu đâu trên cả nước cũng thấy sự trang hoàng, lộng lẫy của cờ hoa rợp trời, của không khí vui tươi ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sức sống trường tồn của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của sự hội tụ và tỏa sáng bản lĩnh, ý chí và sức mạnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã phát huy cao độ sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng, thực hiện trọn vẹn lời căn dặn thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu: “Vì độc lập, tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào, Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn”. Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, của đường lối kháng chiến, của sức mạnh chiến tranh nhân dân. Đó là hồi kết đầy chất anh hùng ca của câu chuyện tựa như huyền thoại trong thế kỷ XX: Một dân tộc nhược tiểu, bé nhỏ, đất không rộng, người không đông, nghèo nàn, lạc hậu với vũ khí hết sức thô sơ, tự tạo, dám chống lại tên đế quốc hùng bạo có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh bậc nhất thế giới lúc bấy giờ; chỉ trong 50 ngày đêm, dân tộc ta đã vụt dậy như Phù Đổng bước đi thần tốc, táo bạo, chắc thắng, đập tan bộ máy chiến tranh khổng lồ gồm hơn một triệu quân Nguỵ cùng bộ máy Nguỵ quyền tàn bạo và chế độ thực dân mới đã được Mỹ dốc sức xây dựng suốt 5 đời tổng thống, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước ta, kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Câu hỏi đặt ra là, cái gì làm nên chiến thắng đó, câu trả lời ở đây là sức mạnh của chiến tranh nhân dân, cả nước thành một mặt trận, mỗi người dân là một dũng sĩ, mỗi làng, xóm, thôn, bản là một pháo đài bất khả xâm phạm. Thế trận thiên la địa võng đã được bố trí, sử dụng và phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi nào, chỗ nào cũng là thế trận của quân và dân ta, tạo thành những gọng kìm, mũi giáp công quan trọng liên tục bủa vây lấy quân xâm lược. Có thể khái quát sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong đại thắng mùa xuân năm 1975 trên một số nét cơ bản sau: Thứ nhất, sức mạnh của chiến tranh nhân dân đã khơi dậy, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông đất nước. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, nhân dân miền Nam lại bước vào cuộc chiến mới đầy những chông gai, thử thách, lịch sử lại một lần nữa chọn Việt Nam làm nơi thử nghiệm các loại vũ khí của chiến tranh, đấu trí giữa các bên tham chiến với nhau. Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã thi hành những chính sách cai trị, bóc lột cực kỳ tàn bạo, dã man, lê máy chém khắp miền Nam, đặt những người cộng sản ra ngoài phòng pháp luật, biến miền Nam thành vùng đất đau thương, chết chóc. Được dự báo từ trước, nhân dân miền Nam đã không run sợ trước uy lực, sức mạnh của kẻ thù, càng trong những tình huống như vậy, càng thúc bách, củng cố ý chí quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng với quân thù xâm lược, nhanh chóng tổ chức lực lượng đập tan âm mưu, thủ đoạn của chúng. Hàng loạt những cuộc bãi công, biểu tình, tuần hành, thị uy đã diễn ra trên khắp chiến trường miền Nam, thu hút, lôi kéo được đông đảo các thành phần, lực lượng tham gia không phân biệt già, trẻ, gái trai, đỉnh cao của hoạt động đó là phong trào Đồng Khởi năm 1960 đã dẫn tới sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Động viên toàn dân đoàn kết chống Mỹ, đồng thời phải nâng cao kiến thức quân sự cho toàn dân; giáo dục nhân dân từ các cháu thiếu nhi đến ông, bà già về chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu.  Lòng yêu nước của quân và dân miền Nam đã biến thành sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn trong cuộc đọ sức với đế quốc Mỹ xâm lược, vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy, hy sinh cả tính mạng vẫn một lòng, một dạ bám chắc thắt lưng địch để đánh, giữ vững lời thề sắt son với non sông, đất nước. Tinh thần, ý chí chiến đấu của quân và dân miền Nam đã không ngừng nảy nở, phát triển như hoa mùa xuân thông qua những trận đánh, làm phá sản các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, từng bước làm chủ mọi mặt trận ở cả đồng bằng, đô thị, nông thôn và rừng núi. Vì thế, cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược của nhân dân miền Nam đã khơi dậy mọi phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam đã được lịch sử kiểm nghiệm, chứng minh. Trong cuộc chiến tranh này, tinh thần đó nhân lên thành khát vọng cháy bỏng Nam - Bắc sum họp một nhà để dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam liền một dải. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Miền Nam luôn trong trái tim tôi, Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.  Xe tăng của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975 Thứ hai, sức mạnh của chiến tranh nhân dân đã thể hiện được sự đa dạng, phong phú trong các hình thức đánh giặc. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong đại thắng mùa xuân năm 1975 là sự kế thừa, tiếp nối của truyền thống đấu tranh trong lịch sử dân tộc, của tinh thần “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, “cả nước đồng lòng, chung sức đánh giặc”. Tới Đại thắng mùa xuân năm 1975 thì sức mạnh của chiến tranh nhân dân đã phát triển lên một trình độ mới, một chất lượng mới cao hơn, trở thành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. Đánh địch trên khắp các mặt trận, chiến trường, chính sách đánh chính quy, đánh du kích, kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; lúc nghi binh lừa địch, khi lại dùng sức mạnh quân sự áp đảo, có chiến dịch đánh thẳng vào tiêu diệt cơ quan đầu não rồi tỏa ra đánh địch tháo chạy ở vòng ngoài, có chiến dịch lại kéo địch ra ngoài để tiêu diệt rồi mới cô lập xiết chặt vòng trong: Phối hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công; đánh địch trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự, binh vận, ngoại giao... Đánh địch với tất cả vũ khí có trong tay, từ vũ khí thô sơ tự tạo đến vũ khí hiện đại, sử dụng hiệu quả các loại vũ khí của ta đồng thời lấy vũ khí địch đánh địch. Hàng trăm xe tăng, tàu chiến, súng pháo hạng nặng, hàng ngàn xe quân sự cùng các phương tiện chiến tranh thu được của địch đã kịp thời đưa vào sử dụng. Ngay cả máy bay tiêm kích hiện đại A37 của Mỹ cũng được phi công Việt Nam điều khiển dội lửa xuống phi trường Tân Sơn Nhất và dinh Tổng thống Nguỵ. Từ gậy tầm vông, giáo mác đánh du kích, đến lối đánh hiệp đồng quân binh chủng quy mô nhiều quân đoàn chủ lực, dân tộc ta đã viết lên những trang sử vàng chói lọi nhất trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Sự nghiệp chính nghĩa và sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam đã biến mảnh đất đau thương và bão lửa thành một Việt Nam huyền thoại, một Việt Nam tràn ngập sắc xuân, một Việt Nam anh hùng. Thứ ba, sức mạnh của chiến tranh nhân dân là cơ sở để củng cố ý chí quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Trước sự phát triển như vũ bão của các phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân và sự thắng lợi vang dội của các chiến dịch của quân và dân miền Nam, trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã họp mở rộng: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam vào năm 1975. Thực hiện quyết tâm chiến lược đó, quân và dân miền Nam đã không quản ngày, đêm, nắng, mưa, khó khăn, hy sinh, “phải nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt”. Với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, theo chỉ thị của Bộ Chính trị: “Nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 không thể để chậm”, đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta đang hàng ngày, hàng giờ thay da đổi thịt. Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đang giành được những thành tựu to lớn, từng bước đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp, sánh vai với các cường quốc năm châu và khu vực. Sự nghiệp cách mạng cũng đặt ra yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bất cứ tình huống nào, trước bất kỳ kẻ thù nào và đánh thắng bất cả loại hình chiến tranh gì, kể cả chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao. Điều này đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn thấy trước, chuẩn bị trước. Để giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nếu xảy ra, phải là chiến tranh nhân dân. Đương nhiên, tính chất ác liệt, quy mô cuộc chiến có thể thay đổi, một cuộc chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới thì phải hiện đại hóa, hiện đại hóa không chỉ về trang bị vũ khí mà cả về tư duy quân sự, phương thức tác chiến, tổ chức lực lượng và nghệ thuật triển khai chiến tranh. Song, tinh thần cơ bản của chiến tranh nhân dân trong giai đoạn hiện nay vẫn là toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đánh giặc bằng tất cả phương tiện và sức mạnh có trong tay. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong đại thắng mùa xuân năm 1975 như đang chiếu sáng vào mỗi suy nghĩ, hành động của con người Việt Nam, thúc giục mỗi người bằng tinh thần, trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ phát huy cao độ truyền thống, khí phách của dân tộc bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trọng Sơn  - Quang Nhật

Thêm nhiều góp ý về dự thảo Luật Giáo dục

TĐKT - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã có nhiều đóng góp và ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục tại Hội thảo góp ý kiến Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần phải bổ sung lại Điều 1, đó là “Luật Giáo dục quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác; nhà giáo, người học; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục; quyền, trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với hoạt động giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục”. Quang cảnh hội thảo Còn tại Điều 2, thì cần lược bỏ những từ ngữ có nghĩa trùng lặp, cụ thể: Chỉ chọn 1 trong 2 cụm từ “có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc “ hoặc “trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; Bỏ toàn bộ cụm từ “hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân” vì “nhân cách, phẩm chất, năng lực” trùng lặp với “đạo đức, tri thức, năng lực thẩm mỹ và nghề nghiệp”. Ngay trong cụm từ “nhân cách, phẩm chất, năng lực” thì “nhân cách” cũng bao hàm cả “phẩm chất” và “năng lực”. Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến như về mục tiêu giáo dục, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học đều có mục tiêu chung là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phát triển con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, sức khỏe, năng lực thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, biết phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng nhu cầu phát triển của bản thân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Các cấp học và trình độc đào tạo này chỉ khác nhau về mức độ thực hiện mục tiêu chung, không khác nhau về bản chất. Đó không phải là căn cứ để phân biệt về quyền tự chủ. Về sách giáo khoa, cơ sở giáo dục phổ thông được quyền chọn sách giáo khoa. Trong tương lai, cơ sở giáo dục phổ thông có thể biên soạn sách giáo khoa riêng. Như vậy, thực chất không có gì khác biệt với cơ sở giáo dục đại học. Còn về hội đồng trường, theo các đại biểu những quy định về hội đồng trường trong Dự thảo Luật về cơ bản không khác quy định hiện hành. Đối với trường công lập, hội đồng trường vẫn chỉ đóng vai trò hình thức nếu chưa giải quyết được vấn đề quan hệ với cấp ủy. Nên quy định hội đồng trường do bí thư đảng ủy hoặc bí thư chi bộ làm chủ tịch. Ngoài các quyền đã quy định trong dự thảo Luật, hội đồng trường có quyền: Tổ chức bầu hiệu trưởng hoặc lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng khi cần thiết; công nhận các kết quả bầu, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với hiệu trưởng; phê chuẩn phó hiệu trưởng hoặc miễn nhiệm phó hiệu trưởng theo đề nghị của hiệu trưởng hoặc theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm khi cần thiết. Đối với trường tư thục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bao gồm trường có vốn đầu tư nước ngoài, không nên quy định đại diện nhà đầu tư được bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp. Chỉ có trường tư thục hoạt động vì mục đích lợi nhuận mới thực hiện cơ chế hoạt động của doanh nghiệp: Bầu đại diện nhà đầu tư vào hội đồng quản trị theo tỷ lệ vốn góp; hội đồng quản trị thực hiện quyết định của đại hội cổ đông; đại hội cổ đông và hội đồng quản trị quyết định các vấn đề theo tỷ lệ vốn góp. Các ý kiến tâm huyết của đại biểu tham dự Hội thảo sẽ được Quốc hội xem xét và đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi) trong thời gian sắp tới. Hồng Thiết    

Sửa Nghị định số 56/2015/NĐ-CP: Những nội dung cần phải bàn

TĐKT - Từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều chính sách khen thưởng người có công với cách mạng như Bằng Có công với nước, Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến… đặc biệt là chính sách đối khen thưởng đối với những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Chính sách khen thưởng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đã được thực hiện từ năm 1994 thế kỷ XX cho đến nay và sẽ còn tiếp tục thực hiện ở những năm tiếp theo, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, của Nhà nước và cộng đồng xã hội, nhằm ghi nhận, tôn vinh những bà mẹ bản thân là liệt sĩ, có chồng, con là liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Thực hiện Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" năm 1994 và Nghị định 176-CP ngày 20 tháng 10 năm 1994, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ trong cả nước, trong đó có các bà mẹ tiêu biểu: Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam có 9 con, 1 rể, 2 cháu ngoại là liệt sĩ; Mẹ Phạm Thị Ngư ở Hàm Hiệp, Hàm Thuận, Bình Thuận có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Mẹ Trần Thị Mít ở Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị có 9 con là liệt sĩ; Mẹ Nguyễn Thị Rành, ở Phước Hiệp, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; mẹ Nguyễn Thị Dương ở Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị có 8 con thì 5 con là liệt sĩ (3 người con khác là: Đại tướng Đoàn Khuê, Trung tướng Đoàn Chương và Đại tá Đoàn Thúy).  Qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua dư luận, nhân dân và cộng đồng xã hội rất hoan nghênh chính sách này của Nhà nước, từ đó đã dấy lên phong trào thi đua xây “Nhà tình nghĩa”, nhận phụng dưỡng "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đối với với các bà mẹ còn sống, neo đơn… Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Pháp lệnh về Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2014 giữa Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 10 tháng 10 năm 2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo văn bản của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 22/2/2018,  sau 4 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" năm 2013, cả nước đã có 81.687 Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (trong đó phong tặng 11.895 Bà mẹ, truy tặng 69.792 Bà mẹ). Nhìn chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cơ bản hoàn thành chính sách này. Tuy nhiên, qua văn bản của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình, kết quả thực thi chính sách, qua trao đổi với lãnh đạo các địa phương trong chỉ đạo thực hiện, cả nước còn khoảng 4.500 trường hợp chưa được làm thủ tục đề nghị. Các trường hợp này hầu hết là vướng mắc trong quy định về đối tượng, thủ tục hồ sơ dẫn đến việc xét duyệt tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhiều thân dân của các bà mẹ đang làm thủ tục đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" tỏ ra rất bức xúc, đã đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương mình gửi câu hỏi chất vấn Chính phủ, thành viên của Chính phủ trong các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội hoặc làm đơn thư gửi trực thiếp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trả lời, làm rõ. Để có giải pháp khắc khục những tồn tại trên, cần phân tích những hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi chính sách ưu đãi danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" trong quy định Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2014  giữa Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 10 tháng 10 năm 2104). Thứ nhất, việc giao Bộ Quốc phòng chủ trì, xây dựng và tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" 2013 là chưa đầy đủ.  Do Bộ Quốc phòng không quản lý hồ sơ liệt sĩ, không quản lý chế độ người có công với cách mạng nói chung và "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" nói riêng nên việc thu thập thông tin về liệt sĩ, tình hình thực hiện chế độ liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình liệt sĩ để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2013/NĐ-CP có nhiều điểm chưa sát với thực tiễn (Nghị định 176 NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 1994 trước đây hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" năm 1994 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng tham mưu).   Thứ hai, tại Khoản 1 Điều 2Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về đối tượng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng": “Điều 2. Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” “1. Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: a) Có 2 con trở lên là liệt sĩ; b) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; c) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ; d) Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; đ) Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên. Người con là liệt sĩ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”, bao gồm con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật. Người chồng là liệt sĩ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” mà bà mẹ là vợ của người đó. Thương binh quy định tại Điểm b, Điểm đ Khoản 1 Điều này là người đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thương binh, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, bao gồm cả người còn sống và người đã từ trần. Trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch nhưng bà mẹ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì vẫn được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Trường hợp quy định tại Mục b, Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 chỉ quy định người mẹ có 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh trên 81% đủ tiêu chuẩn đề nghị danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" nhưng không quy định đối với trường hợp bà mẹ có 2 con là thương binh trên 81%. Thứ ba, qua quá trình triển khai thực tế, tại địa phương còn có rất nhiều đối tượng mà Nghị định 56/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP chưa bao quát đến. Những đối tượng này cũng được thân nhân làm thủ tục đề nghị danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", đó là: - Bà mẹ có 1 con chồng và 1 con đẻ là liệt sĩ. - Bà mẹ là người nước ngoài lấy chồng Việt Nam hoặc là người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài, có 2 con đẻ là liệt sĩ; - Bà mẹ có chồng là liệt sĩ nhưng không có con với người đó, lại có con duy nhất ngoài giá thú là liệt sĩ; - Bà mẹ có 4 người con trong đó 2 con đi lính Việt Nam cộng hòa, 2 con thoát ly đi cách mạng. 2 con đi tham gia cách mạng hy sinh được công nhận là liệt sĩ, được cấp Bằng Tổ quốc ghi công; - Bà mẹ có 2 chồng (chồng trước và chồng sau) là liệt sĩ; - Bà nội, bà ngoại có công nuôi dưỡng cháu là liệt sĩ khi mồ côi bố mẹ từ nhỏ; - Bác, cô, dì, thím, mợ có công nuôi dưỡng cháu là liệt sĩ khi mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Thứ tư, tại Khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2104 quy định về đối tượng đề nghị Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" trong đó có mẹ kế trong khi Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ không quy định. Mặc dù vậy, trường hợp người mẹ kế được làm thủ tục đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" như trong Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP quy định, thì tiêu chuẩn mẹ kế lại phải nuôi 2 con chồng trở lên mới được đề nghị. Điều này đã gây bức xúc trong xã hội và nhân dân đối với những bà mẹ chỉ nuôi 1 con chồng (trường hợp liệt sĩ là con độc nhất của chồng). Thứ năm, theo phong tục tập quán của Việt Nam trước đây, việc cho, nhận con nuôi chỉ bằng sự đồng ý của bố mẹ hai bên nên không có căn cứ để chứng minh là mẹ nuôi, con nuôi. Vì vậy, bổ sung những thủ tục để công nhận bà mẹ nhận liệt sĩ là con nuôi trước đây theo quy định Luật con nuôi mới được ban hành năm 2010 là không thực hiện được, hiện tại chỉ căn cứ vào biên bản họp của dòng họ, gia đình và xác nhận của chính quyền địa phương. Căn cứ như vậy cũng không đảm bảo chính xác vì nhừng người thân trong gia đình thuộc thân nhân được ưởng quyền, lợi, chính sách của bà mẹ nếu được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Như vậy cần có căn cứ gì để xác nhận mà mẹ là mẹ nuôi của liệt sĩ khi lập hồ sơ đề nghị khen thưởng (Khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2104). Thứ sáu, Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2104 chưa quy định đối tượng, thủ tục đối với những bà mẹ của liệt sĩ có đủ tiêu chuẩn nhưng đã định cư ở nước ngoài hoặc định cư và từ trần ở nước ngoài. Thủ tục đối với các bà mẹ từ Nam vĩ tuyến 17 từ Quảng Trị trở vào, khi có 4 người con, trong đó 2 con đi lính Việt Nam Cộng hòa, 2 con thoát ly tham gia cách mạng, 2 con tham gia cách mạng hy được công nhận là liệt sĩ, đã được cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Thứ bảy, việc thực hiện chế độ giữa bà mẹ được phong tặng "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" khác với bà mẹ được truy tặng  "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Cụ thể: “Bà mẹ được phong tặng thì được hưởng trợ cấp hàng tháng là 1.118.000 đồng, bà mẹ được truy tặng thì được hưởng trợ cấp một lần là: 28.340.000 đồng (so sánh mức hưởng trợ cấp hàng tháng với mức trợ cấp một lần khác nhau). Điều quan trọng là các bà mẹ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” tuổi đã quá cao, không còn sống được bao nhiêu lâu nữa. Thứ tám, các bà mẹ còn sống có thể được tặng 1 ngôi nhà tình nghĩa và có người chăm sóc nếu neo đơn. Trong trường hợp bà mẹ có con cháu ở cùng, phụng dưỡng, đến khi bà mẹ mất con cháu cũng không được sử dụng ngôi nhà đó mà có thể bị nhà nước thu lại sử dụng vào mục đích công cộng khác. Thứ chín, do đặc điểm vùng miền nên trong số hơn 4500 bà mẹ chưa được làm thủ tục đề nghị phong tặng danh hiệu có hơn 200 bà mẹ của tỉnh Quảng Nam, phần lớn rơi vào các xã, huyện vùng sâu, vùng xa.  Việc triển khai thực hiện ở các huyện này chưa được tiến hành đồng bộ, khó khăn. Thêm vào đó, do yếu tố lịch sử, cao trào cách mạng, tình hình tương quan lực lượng giữa ta và địch khác nhau dẫn đến những căn cứ lịch sử khi xét danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cũng khác nhau. Chính sách khen thưởng người có công với cách mạng nói chung và chính sách khen thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" nói riêng được Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã ban hành là một chính sách đúng đắn, hợp với lòng dân nhằm ghi nhận, tôn vinh các mà mẹ có chồng, con và bản thân hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Tuy nhiên, qua quá trình thực thi chính sách ưu đãi này đã xuất hiện những bất cập, vướng mắc về đối tượng, thủ tục, chế độ ưu đãi như đã nêu ở phần trên. Qua báo cáo của các tỉnh và tỉnh Quảng Nam, qua trao đổi với các lãnh đạo của các địa phương, qua phần phân tích ở trên, tôi xin đề xuất những giải pháp để khắc phục những hạn chế trong thực thi chính sách, giải quyết dứt điểm hơn 4500 trường hợp tồn đọng, chưa được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trong đó có hơn 200 bà mẹ của tỉnh Quảng Nam. Cụ thể: Thứ nhất, bổ sung Bộ Tài chính vào Ban soạn thảo xây dựng chính sách, sửa đổi một số nội dung trong Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2014 để thống nhất về chế độ ưu đãi giữa bà mẹ được phong tặng và truy tặng. Thứ hai, bổ sung thêm những đối tượng sau vào Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định về đối tượng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng": “…- Bà mẹ là người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài; - Bà mẹ có chồng là liệt sĩ nhưng không có con với người đó, lại có con duy nhất ngoài giá thú là liệt sĩ”. - Bà mẹ có 1 con chồng và 1 con đẻ là liệt sĩ. - Riêng đối với bà mẹ có 4 người con trong đó 2 con đi lính Việt Nam Cộng hòa, 2 con thoát ly tham gia cách mạng. Hai người con tham gia cách mạng hy được công nhận là liệt sĩ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Cần phải có quy định thêm về thủ tục xét thái độ chính trị của bà mẹ (ủng hộ hay chống đối cách mạng, hai con đi lính Việt Nam Cộng hòa vì nghĩa vụ bắt buộc hay tự nguyện trở thành tay sai, tề ngụy gian ác) mà xem xét, đề nghị. Thứ ba, bãi bỏ quy định trong Khoản 4, Điều 3 Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2014 về đối tượng là mẹ kế vì Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ không quy định đối tượng mẹ kế (Thông tư trái với Nghị định). Thứ tư, mặc dù phát sinh trong thực tế triển khai nhưng không bổ sung đối tượng là bà nội, bà ngoại có công nuôi dưỡng cháu là liệt sĩ khi mồ côi bố mẹ từ nhỏ; bác, cô, dì, thím, mợ, chị ruột có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Cần phải giải thích cho nhân dân hiểu rõ những đối tượng trên thuộc đối tượng là thân nhân của liệt sĩ được quy định tại Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2012, không được công nhận là mẹ nuôi (Luật Con nuôi 2012). Trường hợp đủ tiêu chuẩn thì mẹ đẻ của liệt sĩ cũng đã được đề nghị truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" rồi.   Không bổ sung đối tượng “Bà mẹ là người nước ngoài lấy chồng Việt Nam” vì không đúng với chủ trương về danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" khen cho người mẹ dân tộc Việt Nam và trái với quy định thân nhân đang hưởng chế độ gia đình liệt sĩ tại Việt Nam.  Thứ năm, bổ sung tiêu chuẩn đề nghị Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đối với: - Bà mẹ có chồng trước là liệt sĩ, sau đó lấy chồng sau cũng là liệt sĩ; - Bà mẹ có 2 con là thương binh trên 81% Thứ sáu, bổ sung quy định về thủ tục đối với trường hợp liệt sĩ là con nuôi khi lập hồ sơ đề nghị danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", bao gồm: - Giấy báo tử trong đó có ghi tên bà mẹ (mẹ nuôi); - Biên bản dòng họ của liệt sĩ (hoặc biên bản dòng họ xác nhận việc nhận nuôi liệt sĩ là đúng); - Xác nhận của chính quyền địa phương về tính chính xác nội dung họp của dòng họ; - Sổ hưởng chế độ trợ cấp gia đình liệt sĩ mà bà mẹ đó đang thụ hưởng nếu đang còn sống hoặc thân nhân của bà mẹ đang thụ hưởng trường hợp bà mẹ đó đã từ trần (chứng minh là thân nhân của liệt sĩ). Thứ bảy, quy định thêm thủ tục đối với những trường hợp mẹ của liệt sĩ có đủ tiêu chuẩn nhưng đã định cư ở nước ngoài hoặc đã định cư và từ trần ở nước ngoài, cụ thể: - Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đối với trường hợp bà mẹ đó định cư ở nước ngoài, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh phải tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có văn bản gửi Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao xác nhận với 2 nội dung: - Về thái độ chính trị của bà mẹ đối với Nhà nước Việt Nam; - Về việc chấp hành pháp luật của Nhà nước sở tại (kể cả còn sống hay đã từ trần). Thứ tám, bổ sung thêm quy định về việc con cháu, thân nhân đã có công chăm sóc "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" từ lúc còn sống đến khi từ trần được hưởng phần chế độ của bà mẹ để lại bao gồm nhà tình nghĩa, các chế độ thờ cúng hàng năm. Thứ chín, bổ sung thêm quy định về hỗ trợ về tài chính, phương tiện trong việc triển khai chính sách này đối với những vùng núi khó khăn, những nơi có yếu tố lịch sử cách mạng phức tạp (cao trào cách mạng thay đổi theo từng giai đoạn khi bị địch khủng bố gắt gao) những yếu tố liên quan đến điều kiện thực hiện chính sách, nhận thức của người dân, số lượng các "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".... Hoặc bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan lao động, thương binh và xã hội, cơ quan thi đua - khen thưởng chủ động, phối hợp tiến hành các thủ tục với những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khi làm thủ tục đề nghị khen thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thay cho thân nhân bà mẹ như đối với việc kê khai khen thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ (Thông tư Liên bộ số 44/LBXH giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Viện Huân chương). Thứ mười, bổ sung thêm một nội dung trong Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BQP ngày 10 tháng 10 năm 2014  ngày 10 tháng 10 năm 2104 quy định thủ tục ủy quyền người thân đang thờ cúng bà mẹ đứng ra đại diện làm thủ tục đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" là người được hưởng chế độ của bà mẹ khi có quyết định của Chủ tịch nước truy tặng. Trên đây là một số nội dung cần được nghiên cứu, sửa đổi trong quá trình thực thi chính sách khen thưởng đối với các bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại. Phùng Thị   TÀI LIỆU THAM KHẢO  - Ông Trương Quốc Bảo (2010), Vận dụng tư tưởng Hồ Chí minh về thi đua yêu nước trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật thi đua, khen thưởng của Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội; - Luận văn thạc sĩ của ông Nguyễn Hữu Đoạt: “Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác thi đua, khen thưởng ở Việt Nam hiện nay”. - TS. Trần Hữu Nam (2010), Chủ nhiệm đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước “Lịch sử thi đua, khen thưởng”;  - Ths. Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban thi đua – Khen thưởng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay". Mã số: 02/2010. - Luận văn thạc sĩ của bà Dương Thị Thanh (2007): “Đổi mới quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng ở địa phương”;  - PGS. TS Nguyễn Thế Thắng, Chủ nhiệm đề tài: “Những vấn đề lý luận chung về thi đua, khen thưởng”, thuộc đề tài nhánh của đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay” năm 2012. - Đề án: “Đổi mới công tác Thi đua - Khen thưởng” do Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chủ trì trình Bộ Chính trị. - Một số tài liệu tham khảo như: “Kỷ yếu về Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc và một số địa phương trong thời kỳ đổi mới”... - Một số bài viết đăng trên Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã đề cập các nội dung liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng làm đề tài nghiên cứu. - Báo cáo tình hình thực hiện chính sách ưu đãi Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” của các tỉnh, thành phố và tỉnh Quảng Nam. - Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1993; - Nghị định 176-CP ngày 23 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. - Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2012. - Luật Con nuôi năm 2013. - Luật Thừa kế 2015. - Thông tư Liên bộ số 44/TBXH –VHC/LB của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Viện Huân chương hướng dẫn thực hiện chủ trương của Hội đồng Nhà nước về việc tặng thưởng Huân chương Độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. - Trao đổi nghiệp vụ tại hội nghị triển khai chính sách khen thưởng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” các địa phương và tỉnh Quảng Nam. - Bài giảng của TS Nguyễn Khắc Bình, Tổng thư ký Hội đồng Khoa học Học viện Khoa học - Xã hội về thực thi chính sách công. - Một số khái niệm của các học giả Việt Nam và nước ngoài về chính sách công và thực thi chính sách.  

Tổ chức phong trào thi đua ở cơ sở trên tinh thần kiên quyết, quyết liệt, sáng tạo hơn

TĐKT – Sáng 26/2, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức Phiên họp thường kỳ nhằm đánh giá thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Hội đồng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương chủ trì Hội nghị. Cùng dự, có các đồng chí là Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng TĐKT Trung ương; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban TĐKT Trung ương… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Hội đồng TĐKT Trung ương Theo báo cáo của Hội đồng TĐKT Trung ương, năm 2018, công tác TĐKT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật là các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc được tổ chức trang trọng, thiết thực, tạo không khí sôi nổi, rộng khắp trong cả nước. Thể chế về thi đua, khen thưởng được tập trung xây dựng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Các bộ, ban, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hội đồng TĐKT các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Năm qua, các phong trào thi đua trong toàn quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; nòng cốt và trọng tâm là các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến có bước chuyển biến bước đầu quan trọng, là điểm sáng của năm 2018. Công tác khen thưởng được triển khai kịp thời và rất ít xảy ra sơ suất. Năm 2018, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho 65.702 trường hợp. Trong tổng số cá nhân được khen thưởng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ khen thưởng chuyên đề, đột xuất chiếm 1,2%; khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp công tác chiếm 21% tổng số cá nhân được khen thưởng. Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã đóng góp ý kiến vào việc tổ chức phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, cuộc thi viết về gương “người tốt, việc tốt”, các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước năm 2019. Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận công tác TĐKT đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sắc. Có nơi phong trào thi đua chưa bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, có nơi “giao khoán” cho Ban TĐKT. Công tác nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số nơi còn hạn chế. Khen thưởng trực tiếp người lao động được cải thiện hơn nhiều nhưng thực sự chưa tạo hiệu ứng sâu rộng. Nhấn mạnh phương châm hành động “12 chữ” năm 2019 của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu công tác TĐKT cần tập trung vào việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người, coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Các phong trào thi đua phải thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị, đi liền với đó là công tác đôn đốc kiểm tra, tổ chức phong trào thi đua ở cơ sở, tinh thần là kiên quyết, quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt kết quả cao hơn trong 2018. Bộ Nội vụ cần phối hợp với cơ quan liên quan chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời có giải pháp, bảo đảm hoạt động tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng được chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Kế hoạch phát động phong trào thi đua về văn hóa công sở phải được kiểm tra, uốn nắn, đôn đốc. Tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, nhất là cần kịp thời, nhanh hơn. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Hội đồng TĐKT Trung ương và cơ quan thường trực của Hội đồng tiếp tục chủ động triển khai các nhiệm vụ được phân công, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trên tinh thần “bứt phá, hiệu quả”. Nguyệt Hà

89 mùa xuân có Đảng: Vững niềm tin và ước vọng vào tương lai

TĐKT - Trong không khí náo nức đón chào xuân Kỷ Hợi 2019, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tự hào kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2019). 89 mùa xuân qua, Đảng ta vẫn luôn vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao phong ba bão táp, qua bao thác ghềnh để đi tới bến bờ vinh quang. Mừng Đảng, mừng xuân mới, trong mỗi người dân đất Việt lại trào dâng niềm tin, sự kỳ vọng lớn lao vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đất nước ta chìm trong đêm dài nô lệ. Nhân dân ta liên tiếp đứng lên chống ách áp bức, bóc lột của thực dân cướp nước và phong kiến tay sai. Các phong trào diễn ra mạnh mẽ, tràn đầy khí phách bất khuất và sáng ngời tinh thần yêu nước, nhưng tất cả đều không thành công, vì thiếu một đường lối đúng. Trong bối cảnh ấy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc với nhiệt tình yêu nước cháy bỏng, đã bôn ba khắp thế giới để tìm đường cứu nước, cứu dân và Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Người, ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam khi đó (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) đã họp Hội nghị hợp nhất thành một Đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thảo luận và thông qua "Chánh cương vắn tắt", "Sách lược vắn tắt", "Chương trình tóm tắt" và "Điều lệ vắn tắt" của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, đồng thời định kế hoạch lập Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Các văn kiện trên đã xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam là đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, lập ra Chính phủ của nhân dân, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân được sống tự do, hạnh phúc. Với sự kiện lịch sử trọng đại này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức được thành lập. Từ đây cách mạng nước ta có đường lối đúng đắn. Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự trở thành người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Đây là sự phát triển tất yếu của lịch sử, là kết quả của sự phát triển phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. 89 năm qua, được nhân dân tin yêu, ủng hộ, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, không một thế lực nào ngăn cản nổi. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vượt lên phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đất nước ta không những đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá được thế bị bao vây cấm vận, vượt qua được những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực và thế giới những năm 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây, mà vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng GDP ước đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua; 12/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt mức đề ra (9 chỉ tiêu vượt mức). Lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đạt nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong suốt 89 năm qua đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta; đồng thời chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang. Sắt son niềm tin theo Đảng Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là một sự nghiệp cách mạng vô cùng to lớn, vĩ đại, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước bên cạnh mặt thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Chúng ta đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp phải giải quyết. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, hơn bao giờ hết, phải phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Cùng với các giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng chính trị, tổ chức, cán bộ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được triển khai quyết liệt, đồng bộ với tinh thần nói đi đôi với làm, tạo hiệu ứng tích cực, mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm thứ tư của nhiệm kỳ 5 năm, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là năm thứ 4 thực hiện phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Với niềm phấn khởi, tự hào, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Phương Thanh

Đa dạng hóa hoạt động thi đua để nâng cao chất lượng học tập theo chuyên đề cho học viên hệ 6 ở Học viện Chính trị

TĐKT - Trong những năm gần đây, để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, Học viện Chính trị đã tích cực, chủ động đổi mới phương pháp dạy và học, trọng tâm hướng đến việc nâng cao chất lượng học tập theo chuyên đề cho các đối tượng học viên, đặc biệt là đối với học viên hệ 6. Bởi đây là đối tượng đào tạo sau đại học nên nội dung và phương pháp phải hướng tới phát huy tính tích cực trong tự học của họ. Nhận thức được vấn đề đó, cơ quan đào tạo, phòng sau đại học, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý hệ 6 ở Học viện Chính trị đã tổ chức những buổi sinh hoạt phối kết hợp với nhau giữa các lực lượng có liên quan để trao đổi, bàn bạc thống nhất về các nội dung, phương pháp của một chuyên đề, trả lời cho được câu hỏi: Chuyên đề là gì, học tập theo chuyên đề bao gồm những nội dung ra sao; cách lên lớp giảng theo chuyên đề của giảng viên, cách học theo chuyên đề của học viên…từ đó, lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm để giảng dạy cho học viên. Đặc thù của học tập theo chuyên đề mang tính bao quát rất lớn, xuyên suốt các nội dung, phương pháp, có sự liên quan chặt chẽ với nhau giữa các môn học, chủ đề khác nhau. Vì vậy, việc giảng dạy theo chuyên đề đòi hỏi người giảng viên có sự uyên thâm về kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng về những kiến thức xã hội để có thể khát quát hoá, trừu tượng hoá thành những luận điểm, đồng thời, có kinh nghiệm đứng lớp, có phương pháp, tác phong khoa học bao quát được lớp học, xử trí được tình huống một cách linh hoạt, sáng tạo thì mới bảo đảm được chất lượng trong quá trình lên lớp, thu hút được học viên từ đầu đến cuối. Học viên hệ 6 đa phần là những người đã trải qua cương vị, chức trách khác nhau, do vậy, việc giảng dạy theo chuyên đề của giảng viên cũng cần mang tính gợi mở, định hướng, chỉ đường cho họ về cách khai thác, hướng đi để tư duy độc lập sáng tạo trong họ được khơi dậy, phát huy, huy động một cách tối đa tâm lực, trí lực của mình vào việc thẩm thấu và lan toả những nội dung, những phương pháp đó ra bên ngoài thông qua những hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng như thảo luận, toạ đàm, diễn đàn, thi kiểm tra kết thúc học phần, nghiên cứu khoa học, viết báo… Chất lượng học tập theo chuyên đề của học viên hệ 6 bao gồm nhiều yếu tố tác động khác nhau, trong đó có yếu tố không thể thiếu được là phải đa dạng hoá các hoạt động thi đua để đánh thức những tiềm năng, thế mạnh của mỗi học viên, tạo ra những đột thi đua đột kích vào từng môn học, từng thời điểm khác nhau. Theo đó, những hoạt động thi đua của hệ cần đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của từng học viên, làm cho mỗi học viên nhận thấy tầm quan trọng của việc học tập theo chuyên đề, trở thành nhu cầu thúc đẩy mỗi học viên, nếu không tích cực học tập theo chuyên đề thì không hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Vì vậy, phải xây dựng chỉ tiêu thi đua cho từng lớp, tăng cường công tác kiểm tra đối với việc học tập của học viên, phát động phong trào diễn thuyết theo chủ đề nhất định do học viên tự chọn dưới sự định hướng của cán bộ quản lý hệ, tổ chức những buổi diễn đàn về nâng cao chất lượng học tập theo chuyên đề cho học viên trong toàn hệ, lựa chọn những học viên có năng lực tốt đứng ra làm mẫu, làm điểm sau đó nhân rộng ra toàn hệ; tổ chức cho các lớp sinh hoạt quán triệt nhiệm vụ, ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ học tập theo chuyên để cho học viên; thường xuyên phối hợp với các lực lượng có liên quan để cập nhật, nắm bắt những thông tin mới phục vụ cho việc học tập theo chuyên đề của học viên. Cùng với đó, tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm đánh giá về việc học tập theo chuyên đề của học viên và làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến đối với những tập thể, cá nhân có nhiều cố gắng trong việc học tập, rèn luyện. Trong năm 2018, hệ đã tổ chức được 8 buổi thảo luận theo chuyên đề cho học viên ở các chuyên ngành đào tạo khác nhau: Lớp cao học chủ nghĩa xã hội khoa học, lớp cao học kinh tế chính trị; 3 diễn đàn về học tập theo chuyên đề… Những hoạt động như vậy đã góp phần rất quan trọng vào việc định hình cho học viên cách thức học tập theo chuyên đề, xây dựng cho mỗi học viên tinh thần, thái độ đúng đắn trong thời gian đào tạo tại Học viện để sau này trở thành những nhà giáo giỏi của Quân đội. Hiện nay, Học viện đang khuyến khích giảng viên đẩy mạnh việc giảng dạy cho các đối tượng theo chuyên đề để buộc học viên phải liên tục vận động những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân vào quá trình học tập của giảng viên. Thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ của người học viên, hoà nhập vào những hoạt động thi đua của hệ là góp phần vào việc nâng cao chất lượng học tập theo chuyên đề cho học viên của Học viện nói chung và của học viên hệ 6 nói riêng. Phạm Chí Thịnh

Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

TĐKT – Sáng 9/1, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành TĐKT. Hội nghị được tổ chức tại 63 điểm cầu. Chủ trì Hội nghị, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà; Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang. Các đại biểu chủ trì Hội nghị Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành; Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; các đồng chí là Phó Chủ tịch Hội đồng và thành viên Hội đồng TĐKT Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; lãnh đạo Vụ (Phòng, Ban) TĐKT; Chủ tịch Hội đồng TĐKT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội nghị Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà cho biết: Năm 2018, công tác TĐKT đã có nhiều chuyển biến tích cực: Các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc được triển khai hiệu quả. Thể chế về thi đua, khen thưởng được tập trung xây dựng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Các bộ, ban, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hội đồng TĐKT các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Năm qua, các phong trào thi đua trong toàn quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; nòng cốt và trọng tâm là các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều đổi mới, cách làm hay, nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Nhiều nơi đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ phù hợp với điều kiện cụ thể để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Đến nay, trên cả nước đã có 3.787 xã và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn  nông thôn mới. Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được triển khai tích cực; hiện nay cả nước có 121.248 doanh nghiệp thành lập mới. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai rộng khắp, tạo được sự thống nhất trong nhận thức của nhân dân, đồng thuận trong xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 5,5% vào cuối năm 2018. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà báo cáo tại Hội nghị Công tác khen thưởng được quan tâm chỉ đạo, chất lượng khen thưởng được nâng lên, các cấp, các ngành đã chú trọng sử dụng các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền và tăng tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp; khen thưởng thành tích kháng chiến được tập trung giải quyết. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho 55.463 trường hợp; trong đó, khen niên hạn cho lực lượng vũ trang 29.481 trường hợp (chiếm 53,15%), khen thưởng thành tích kháng chiến 8.351 trường hợp (chiếm 15,06%), khen cống hiến 2.161 trường hợp (chiếm 3,9%), khen thưởng đối ngoại 150 trường hợp (chiếm 0,27%), khen thành tích thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 15.320 trường hợp (chiếm 27,6%). Trong tổng số cá nhân được khen thưởng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ khen chuyên đề, đột xuất trên 1,2% và khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp lao động trên 21%. Công tác tuyên truyền các phong trào thi đua và các điển hình tiên tiến có những chuyển biến rõ nét. Ban TĐKT Trung ương đã phối hợp giới thiệu với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương tuyên truyền được 112 tập thể, 306 cá nhân điển hình do các bộ, ngành, địa phương giới thiệu. Các cơ quan thông tin và truyền thông đã tăng thời lượng, xây dựng nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục chất lượng giới thiệu những gương “Người tốt, việc tốt”, các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua. Cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình các địa phương xây dựng nhiều tin bài, phim phóng sự, phát hành tập san chuyên đề về các phong trào thi đua và tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần tôn vinh các điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong xã hội, là động lực thúc đẩy các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2019, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, toàn ngành TĐKT sẽ tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm: Tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về TĐKT. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, thiết thực chào mừng các ngày kỷ niệm, sự kiện chính trị lớn của đất nước. Chuẩn bị tổ chức Đại hội Thi đua, Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, nhân điển hình tiên tiến. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng TĐKT các cấp. Kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác TĐKT; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả đạt được trong công tác TĐKT năm 2018. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 trên tất cả các lĩnh vực, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, biến phong trào trở thành động lực cách mạng, một phương thức lãnh đạo của Đảng, công cụ quản lý hữu hiệu của Nhà nước. Ngành TĐKT cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TĐKT, coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên. Hoàn thiện chính sách, pháp luật TĐKT, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Cùng với đó, tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trên mọi lĩnh vực, nhất là các nhân tố mới, các mô hình mới để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng, tạo động lực phát triển và lan toả sâu rộng. Tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tin tưởng rằng toàn ngành TĐKT trong năm 2019 sẽ quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để đạt được những kết quả to lớn hơn nữa đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đồng thời ghi nhận các ý kiến tham luận, kiến nghị xác đáng của các đại biểu tại Hội nghị. Hội đồng TĐKT Trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu, trực tiếp giao Ban TĐKT Trung ương tiếp thu, tham mưu, đề xuất để thực hiện, khắc phục những nhược điểm, hạn chế trong thời gian qua để công tác TĐKT trong thời gian tới được tốt hơn.   Phó Chủ tịch nước mong muốn phong trào thi đua năm 2019 phải bứt phá để đạt được những thành tích cao hơn, tạo đà để đạt và vượt các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp cũng như kế hoạch 5 năm 2015 – 2020. Quan tâm sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 34/CT-TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới công tác TĐKT,”. Tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật TĐKT, trình quốc hội tháng 10/2019. Tập trung thực hiện 3 phong trào thi đua trọng tâm của cả nước do Thủ tướng Chính phủ đã phát động… Phương Thanh

Trang