TĐKT - Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca cách mạng, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.
Người đi tìm hình của nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc đều lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của nhân dân ta đứng trước khủng hoảng sâu sắc về đường lối.
Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Người đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước. Ngày 5/6/1911 với tên gọi mới là Văn Ba, Người đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác xây (Pháp).
Cuộc hành trình gần mười năm sau đó đã đưa Hồ Chí Minh đến nhiều vùng đất thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ... Những chuyến đi đã giúp Người có cơ hội được quan sát, nhận biết sâu sắc diện mạo của thế giới tư bản chủ nghĩa, trong đó hiện lên rất rõ nét những đặc trưng cơ bản của sự phân hóa, đối nghịch giữa người giàu và người nghèo, giữa những người bị áp bức, bóc lột và những kẻ thống trị nắm quyền uy, giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với một số ít dân tộc đế quốc xâm lược và thống trị. Đó cũng là quá trình Người học tập, tích lũy tri thức, nghiên cứu lý luận và đối chiếu lý luận với thực tế, tham gia hoạt động trong một số tổ chức chính trị - xã hội.
Tháng 7/1920, Hồ Chí Minh tiếp cận, nghiên cứu “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Đây là sự kiện đánh dấu sự chuyển hướng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc quyết tâm đi theo chủ nghĩa Lênin và con đường của cách mạng Tháng Mười. Từ một người yêu nước, đến tháng 7/1920, Người đã trở thành người cộng sản yêu nước.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. (Ảnh tư liệu).
Ra đi tìm đường cứu một quốc gia là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng tìm thấy con đường ấy và điều quan trọng tiếp theo là bổ sung, hoàn thiện nó cho phù hợp với điều kiện cụ thể rồi đưa về áp dụng trong nước là việc khó gấp bội phần. Sau khi được tiếp thu đầy đủ Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã ngày đêm nghiên cứu kỹ lưỡng, vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
Cùng với việc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, Nguyễn Ái Quốc còn dày công chuẩn bị về mặt tổ chức để huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) tiến tới thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925). Chính những thanh niên trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã tham gia phong trào “vô sản hoá” để cùng ăn, cùng ở, lao động, đồng thời truyền bá lý luận Mác - Lênin và đường lối cách mạng đúng đắn vào phong trào công nhân, giác ngộ họ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác. Thông qua phong trào “vô sản hóa”, lớp lớp thanh niên yêu nước được rèn luyện trong thực tiễn, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân sâu sắc, hiểu rõ nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, tiến tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện chín muồi và hợp quy luật cho sự ra đời của Đảng.
Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập vào năm 1930, cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam đã cơ bản được xác định. Điều này không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu của cách mạng Việt Nam.
Chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.
Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của ta đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng đã sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng. Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính” phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương được ký kết, hoà bình lập lại ở Đông Dương, nhưng đế quốc Mỹ can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Lại một lần nữa với tinh thần và quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, từng bước đánh bại Chiến lược chiến tranh đơn phương, Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hoá chiến tranh, từ Đồng khởi đến Tổng tấn công Mậu Thân (1968), tiếp đó là Điện Biên Phủ trên không và cuối cùng là Tổng tấn công mùa xuân 1975, cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm của nhân dân Việt Nam đã thắng lợi. Miền Nam đã được giải phóng, đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, đang phát triển hội nhập cùng bạn bè quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho dân tộc (Ảnh tư liệu)
Những thắng lợi vẻ vang đó gắn liền với đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho nhân dân và xây dựng CNXH.
Vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho dân tộc, như Người đã tâm sự “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”. Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người chỉ có một tâm nguyện và ham muốn “...ham muốn đến tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Cho đến khi phải từ biệt thế giới này, Người chỉ tiếc “...tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Chính ham muốn và mục đích vô cùng cao đẹp ấy đã tạo cho Người một ý chí và nghị lực vô cùng mãnh liệt, là điểm tựa giúp Người vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dẫn dắt nhân dân ta đến bến bờ hạnh phúc.
Đi theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra; trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vận dụng phát triển, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch của đất nước sau gần 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế là minh chứng sinh động khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; khẳng định sự đúng đắn về đường lối cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra; và chính trong quá trình vận động của cách mạng, tư tưởng, đường lối đó ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Phương Thanh