Chuyên đề

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Khẳng định vai trò trong sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể tại địa phương

Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiền thân là Hội đồng lâm thời các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập theo quyết định số 284/QĐ.UB ngày 6/4/1993, đến nay đã trải qua 3 kỳ Đại hội. Liên minh HTX tỉnh có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phát triển HTX; hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho HTX; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan; đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên. Những nỗ lực cùng sự chủ động, sáng tạo, đoàn kết của Liên minh HTX tỉnh trong thời gian qua được khẳng định qua sự phát triển không ngừng của mô hình kinh tế tập thể, HTX. Ban chấp hành khóa III (2016-2021) ra mắt đại hội Trong hoạt động hỗ trợ, tư vấn Liên minh HTX tỉnh thường xuyên tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Luật HTX, Chỉ thị, Nghị quyết có liên quan thông qua việc xuất bản bản tin kinh tế tập thể; phối hợp đăng - phát tin bài trên báo, đài truyền hình tỉnh, website của Liên minh HTX tỉnh; mở lớp đào tạo, bồi dưỡng về kinh tế tập thể cho cán bộ quản lý HTX, thành viên HTX… Người dân, cán bộ, thành viên đã ý thức được tầm quan trọng, tính hiệu quả của mô hình HTX trong nền kinh tế, từ đó tích cực tham gia, thành lập HTX. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 120 HTX, Liên hiệp HTX với tổng số gần 11.500 thành viên, thu hút hơn 4.700 lao động. Với vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên, Liên minh HTX tỉnh luôn bám sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho HTX phát triển. Trong thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tư vấn các HTX tiếp cận chương trình cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, phối hợp cấp bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho đặc sản địa phương; đăng ký nhãn hiệu, xây dựng hệ thống truy suất nguồn gốc cho HTX. Để tạo cơ hội giao lưu, tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm cho các HTX, từ năm 2017- nay Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức 3 lễ hội triển lãm sản phẩm các HTX trong và ngoài tỉnh, dẫn đoàn tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại và công nghệ HTX toàn quốc… Quỹ hỗ trợ Kinh tế tập thể tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thể hiện được vai trò trong hỗ trợ vốn cho các HTX có phương án kinh doanh khả thi, đồng thời kiểm tra, giám sát đảm bảo các HTX sử dụng vốn đúng mục đích. Từ khi ra đời và hoạt động đến nay (2009 - 2018), Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trợ vốn cho 99 dự án của các hợp tác xã thành viên với tổng doanh số trợ vốn  là 48,692 tỷ đồng. Nghiệm thu đề án tham gia xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm tại HTX NN Long Hải Sự trợ giúp thiết thực của Liên minh HTX đã đem lại những tín hiệu tích cực trong tiến trình phát triển của các HTX. Trong năm 2018, tổng số vốn hoạt động của các HTX là 645,058 tỷ đồng, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân đạt 54 triệu đồng/lao động/năm, đánh giá xếp loại có 21% HTX đạt loại giỏi, 40% HTX đạt loại khá. Mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị đã giúp HTX tiết kiệm được chi phí sản xuất, kiểm soát được hàng hóa của đơn vị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tranh thủ được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng đưa sản phẩm của HTX đến gần hơn với người tiêu dùng. Sản phẩm của các HTX nông nghiệp như bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap, thanh long ruột đỏ, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bơ không hạt, trứng sạch, cá lóc bông, tôm thẻ, gà đông tảo, trứng chim trĩ, tiêu sữa - tiêu không hạt, ca cao bột, socolate… ngày càng được thị trường đón nhận và ưa chuộng. Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối cho các HTX năm 2017 Ông Huỳnh Lam Phương, Phó Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen cho các HTX HTX khai thác thủy sản Quyết Thắng nhận Cờ thi đua của Chính phủ Một trong những điểm nổi bật của Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải kể đến công tác thi đua, khen thưởng. Các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Liên minh HTX tỉnh và yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trên địa bàn. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Liên minh HTX tỉnh cùng việc đề ra tiêu chí cụ thể, bình xét công bằng, các phong trào thi đua đã tạo sức lan tỏa rộng khắp đến từng thành viên, người lao động trong các HTX. Năm 2018, Liên minh HTX tỉnh đã nhận Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam bộ do Liên minh HTX Việt Nam trao tặng; Cờ thi đua dẫn đầu khối các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp do UBND tỉnh trao tặng; có 1 HTX đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ, 1 HTX đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 5 HTX được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối. Nhìn chung, các HTX tại tỉnh dù hoạt động trong lĩnh vực nào đều tích cực tham gia vào các phong trào thi đua, là những tấm gương tiêu biểu cho ý chí quyết tâm, sự năng động, sáng tạo, niềm tự hào về sự vượt khó đi lên và giàu lòng nhân ái. Sự lớn mạnh của Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng những đóng góp đáng trân trọng trong việc phát triển kinh tế tập thể, HTX đã được ghi nhận thông qua: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cờ thi đua của Liên minh HTX Việt Nam.

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày: “Địa chỉ đỏ” tri ân các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) là đơn vị đặc thù, có một không hai, cán bộ, nhân viên phần lớn là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, được rèn luyện trong quân ngũ, thử thách trong chiến đấu, tôi luyện khi đối mặt với kẻ thù, bản lĩnh vững vàng, một lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và Tổ quốc. Tháng 10/2006, Bảo tàng chính thức được thành lập với hơn 2.000 hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của các chiến sĩ, đồng đội trao tặng lại. Khi nghe tin bảo tàng được thành lập, ban đầu là đồng đội, sau đó là du khách khắp nơi trong và ngoài nước về tham quan, tìm hiểu, qua đó đã gửi gắm được phần nào cho mọi người thấy được giá trị cuộc sống. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, hiện Bảo tàng đang trưng bày, lưu giữ và tái hiện hơn 4.000 hiện vật, được chia thành 10 khu khác nhau để giúp cho du khách dễ tham quan, tìm hiểu. Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng hiện thực, sống động, là góc khuất của bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của địch, cũng là những tư liệu, tài liệu vô giá để giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, con người, nhắc nhở thế hệ trẻ hiểu sâu hơn công lao của Đảng, sự hy sinh của lớp người đi trước, phải đổi bằng xương máu để có được cuộc sống ngày hôm nay. Trong những năm qua, thường xuyên Bảo tàng đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước về thăm quan, trải nghiệm vào các ngày lễ lớn. Trong đó có nhiều đoàn học sinh, sinh viên, bộ đội, công an, người có công với cách mạng về thăm: Trường Đại học Đông Đô, Học viện Quân sự Z117, Học viện Chính trị, Đại học Cảnh sát, Học viện Tóc Quốc tế, Tổng cục 2, nhiều cơ quan, đoàn thể ở các quận huyện trên địa bàn Thủ đô và địa phương lân cận... Đặc biệt, đơn vị được đón đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố về thăm, Huyện ủy - UBND huyện Phú Xuyên, các ban, ngành trong huyện về thăm tri ân anh hùng liệt sĩ. Theo chia sẻ của ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (vốn là cựu tù binh bị giặc bắt và tù đày tại nhà tù Phú Quốc), hằng năm Bảo tàng kết hợp chặt chẽ với Hội Cựu chiến binh (CCB), Huyện đoàn, Nhà văn hóa, Phòng Giáo dục huyện, tổ chức mở cửa thư viện Bảo tàng đón học sinh, sinh viên, độc giả trong và ngoài huyện về đọc sách, xem phim tư liệu, giao lưu trong dịp hè. Vào cuối kỳ nghỉ hè, đơn vị tổ chức buổi giao lưu tài năng trẻ, giúp các em nối vòng tay lớn với bạn bè, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong học tập và giao lưu tiếng hát quê hương.  Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hàng năm, Bảo tàng cùng Hội CCB, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, thân nhân gia đình liệt sĩ, học sinh ra nghĩa trang huyện thắp nến tri ân và hát cho đồng đội nghe tại nghĩa trang huyện, nghĩa trang các xã, dâng hương Mẹ Việt Nam anh hùng tại địa phương. Đặc biệt, vào cuối dịp hè, đơn vị kết hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh địa phương cùng sinh hoạt đoàn, trao đổi kinh nghiệm sống, để phấn đấu trong công tác, truyền cho các đoàn viên trẻ tình yêu quê hương đất nước, con người... Trong năm 2018, Bảo tàng đã đón gấn 12.460.000 lượt khách về thăm quan, 27.000.000 lượt người thăm quan triển lãm lưu động; tổ chức 107 buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử ở các trường học, các đoàn học sinh, sinh viên. Tháng 7 năm 2018, Bảo tàng kết hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức triển lãm tại ngã tư Tràng Tiền, đón 8700 lượt người đến thăm quan. Những hình ảnh, hiện vật trưng bày đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc tự hào xen lẫn sự xúc động nghẹn ngào, qua đó khắc sâu hơn tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của thế hệ cha anh. Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, sự chỉ đạo của Ban liên lạc toàn quốc, nhìn chung các Hội và Ban liên lạc các tỉnh, thành hoạt động có hiệu quả, để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân, chính quyền các cấp. Đến nay đã có 7 tỉnh, thành phố phía Bắc thành lập Hội với số hội viên là 8.803 hội viên; 16 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban liên lạc với 10.731 hội viên; toàn quốc có trên 144.000 hội viên. Đặc biệt, Đội tiếp lửa truyền thống cách mạng của Bảo tàng được thành lập đã thường xuyên đi phục vụ các lễ hội, đem lời ca tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ và giữ gìn văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc của dân tộc, được UNESCO tặng Bằng khen. Hiện nay, hàng ngày tại Bảo tàng có 16 cựu chiến binh thường trực đảm nhận mọi công việc, họ chính là những hướng dẫn viên am hiểu nhất về những hiện vật tại bảo tàng. Có người đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đạp xe hàng chục cây số đến đây để thắp cho đồng đội nén nhang, gặp gỡ bạn bè, đồng chí cũ. Mọi người đều đến đây với tinh thần tự nguyện, như nhà của mình, thấy việc thì làm, mỗi người góp chút công sức như một sự tri ân với đồng đội đã hi sinh. Khách về tham quan mà gặp bữa cơm trưa thì mọi người đều vui vẻ dùng bữa cơm đạm bạc cùng với các anh hùng liệt sĩ và cùng với các bác trong ban thường trực Bảo tàng. Hằng ngày, trong các bữa ăn đều có thêm 2 bát, 2 đôi đũa, một mời hương hồn đồng đội nam, một mời hương hồn đồng đội nữ cùng ăn. Gắp cho đồng đội rồi mới gắp vào bát của mình. Với sự tận tâm tận lực của ông Lâm Văn Bảng và những người đồng đội, những nhân chứng sống của một thời gian lao và hào hùng, Bảo tàng làm rất tốt vai trò giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương, nhất là cho thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên xã Nam Triều. Bảo tàng đã nhiều lần vinh dự được các cấp lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội khen thưởng. Chi bộ Đảng của Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhiều năm liền là chi bộ đảng trong sạch vững mạnh. Cá nhân ông Lâm Văn Bảng vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác… Để phát huy tốt hơn hoạt động của Bảo tàng trong thời gian tới, ông Lâm Văn Bảng mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, các cơ quan, đoàn thể, cùng với sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm để gìn giữ những kỷ vật của thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” đã một thời hy sinh xương máu cho hòa bình của đất nước, là nơi thăm quan, tri ân anh hùng liệt sĩ, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo: Dấu ấn 2018

Tự hào là một trong những đơn vị khai thác chế biến Vonfram hiệu quả nhất thế giới, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) đã đi qua năm 2018 với nhiều dấu ấn đánh dấu bước phát triển mới trên hành trình khai mở “Kho báu quốc gia”. NuiPhao Mining và tinh thần “Vietnam can do” Với tinh thần “Vietnam can do”, tập thể đội ngũ NuiPhao Mining đã nỗ lực không ngừng nghỉ và được ghi nhận bởi nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá và uy tín: Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam do Việt Nam Report bình chọn; Top 100 Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - VCCI tổ chức trao tặng; Top 100 Doanh nghiệp Sao vàng Đất Việt 2018 do Hội Doanh Nghiệp trẻ Việt Nam tổ chức thẩm định và trao giải; Top 50 Nhãn hiệu hàng đầu Việt Nam 2018 do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam trao tặng; danh hiệu Doanh nghiệp, doanh nhân xuất sắc tỉnh Thái Nguyên năm 2018 do UBND tỉnh Thái Nguyên trao tặng; Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ tặng Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018 và nhiều giải thưởng quan trọng khác của các bộ, ngành trung ương và địa phương… Một dấu mốc lớn mang tính bước ngoặt được xác lập vào ngày 15/8/2018, Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo mua lại cổ phần của H.C.Starck Gmbh (“H.C.Starck”) tại Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck trị giá 29,1 triệu USD. Từ đây, Công ty TNHH Vonfram Masan sở hữu 100% và vận hành nhà máy chế biến Vonfram hoạt động ứng dụng công nghệ cao đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á, đưa doanh thu năm 2018 của Masan Resources - MSR đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, chiếm 36% thị phần Vonfram ngoài Trung Quốc. Công ty đạt giá trị xuất khẩu 260 triệu USD, góp phần thực hiện mục tiêu xuất khẩu nội địa trên 600 triệu USD/năm vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX. Mô hình khai thác và chế biến khoáng sản theo phương thức bền vững và nâng cao giá trị tài nguyên bằng công nghệ hiện đại đánh dấu một năm sản xuất thành công của Công ty. Chu trình tuyển vonfram HG được nâng cấp đầy đủ, hoàn thiện quy trình sản xuất ổn định bền vững của nhà máy tuyển trọng lực chủ chốt, góp phần nâng cao hiệu suất thu hồi tổng thể đạt trên 70%, khẳng định thế mạnh khai thác chế biến Vonfram hiệu quả nhất thế giới. Lĩnh vực tuyển florit, bằng việc tối ưu hoá thiết bị và thuốc tuyển đã một lần nữa phá vỡ kỷ lục sản xuất với gần 240.000 tấn, được ghi nhận là đơn vị có sản phẩm florit chất lượng tốt nhất trên thị trường. Năm 2018, Công ty cũng tiếp tục đạt kỷ lục sản xuất ở cả khâu tuyển Đồng và Bismut với tỷ lệ thu hồi ổn định. Việc hoàn thiện quy trình sản xuất cũng thúc đẩy tính sáng tạo của đội ngũ chuyên gia, công nhân và người lao động. Kỹ sư tuyển khoáng cao cấp Nguyễn Văn Thuẫn vui mừng tâm sự về giải thưởng Charming Award do tập đoàn trao tặng về những sáng kiến đề xuất, tiêu biểu là sáng kiến đổi dòng đuôi quặng thải góp phần nâng cao hiệu năng, chất lượngvà giảm chi phí sản xuất. Kết quả trong sản xuất là minh chứng cho cam kết không ngừng nghiên cứu, nâng cấp và cải tiến nâng cao hiệu suất để phát triển của NuiPhao Mining. Năm 2018, nhóm nghiên cứu và phát triển thuộc bộ phận sản xuất của Công ty MTC đã nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm AMT (Ammonium MetaTungstate) từ sản phẩm APT. Bên cạnh các dòng sản phẩm APT/YTO/BTO, sản phẩm muối AMT được nghiên cứu và phát triển với độ tinh khiết cao sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Báo cáo khả thi về sản phẩm ATM đang được xây dựng phục vụ quyết định đầu tư trong thời gian tới. Tất cả cho thấy một NuiPhao Mining đang chuyển mình mạnh mẽ từ một công ty khai thác chế biến khoáng sản trở thành nhà sản xuất Vonfram cao cấp với các dòng sản phẩm giá trị gia tăng hàng đầu thế giới, hướng tới trở thành tập đoàn công nghệ kim loại và nhà sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăngtrong tương lai. Đó không chỉ là sự phát triển sản xuất, mà quan trọng hơn là phát triển con người. Phát triển sản xuất gắn với phát triển con người Điều đó thể hiện rõ nét trong văn hóa gắn kết - nét văn hóa đặc trưng của NuiPhao Mining, tạo nên một môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo và kết nối. Trong năm 2018, bộ phận nhân sự đã khởi động chương trình Kaizen 5S -  Chương trình xây dựng một môi trường làm việc an toàn và sạch sẽ được nhiều bộ phận trong Công ty hưởng ứng nhiệt tình. Kỹ sư Ngô Tùng Lâm cho biết, Kaizen 5S đã được tập huấn đầy đủ cho bộ phận bảo trì, tạo ra một khí thế mới trong các hoạt động ở đây. Nhiều năm liên tục, NuiPhao Mining được đánh giá là doanh nghiệp có chế độ chính sách chăm lo cho người lao động tốt nhất. Trong năm, Công ty đã tổ chức nhiều hoạt động như: Ngày hội Công ty, cuộc đua kỳ thú, giải bóng đá mở rộng, tiệc tất niên nhằm xây dựng đời sống tinh thần của CBCNV, tăng tính gắn kết trong tập thể và nâng cao năng suất làm việc của người lao động. Sản xuất an toàn, tăng trưởng ổn định đi đôi với gìn giữ môi trường tạo nên giá trị phát triển bền vững của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo. Công ty đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải; lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động và truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên; lắp đặt các trạm quan trắc khí tự động tại xóm 3, 4 xã Hà Thượng và các công trình xử lý môi trường khác theo khuyến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Những nỗ lực trong công tác này đã được ghi nhận và đánh giá cao tại kết quả kiểm tra của Tổng cục Môi trường phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan. Masan Resources - MSR đã thể hiện là một trong những mỏ làm tốt nhất công tác bảo vệ môi trường và hỗ trợ dân sinh vì mục tiêu phát triển bền vững, khẳng định danh hiệu: Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam. Trong năm 2018, Công ty tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 1.100 tỷ đồng. Mỗi năm đóng góp 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh Thái Nguyên; tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động địa phương; hỗ trợ trên 6.000 người dân địa phương bị ảnh hưởng thông qua các chương trình phục hồi kinh tế... Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là tại các xã vùng dự án, xây dựng và cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ cải tạo công trình di tích lịch sử Thương binh liệt sĩ 27/7 và các hoạt động cộng đồng, chương trình trách nhiệm xã hội khác; với tổng kinh phí gần 5,4 tỷ đồng. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Công ty ngày 14/11/2018, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của Công ty trong phát triển kinh tế, tạo ra những sản phẩm có giá trị trong lĩnh vực công nghiệp cao; nỗ lực trong bảo vệ môi trường, nộp ngân sách, bảo đảm đời sống cho người lao động, công tác xã hội… Với tinh thần “Thái Nguyên vì Núi Pháo - Núi Pháo vì Thái Nguyên”, đồng chí cũng đề nghị Công ty cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện trách nhiệm với địa phương về lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên. Hơn 40 đoàn khách trong nước và quốc tế với trên 640 lượt người đến thăm Công ty trong năm đã ghi nhận về những đóng góp trong nỗ lực minh bạch thông tin đến cộng đồng. Năm 2018 tiếp tục định vị NuiPhao Mining trong vai trò doanh nghiệp khai khoáng hàng đầu nâng cao giá trị tài nguyên Việt Nam, lấy khoa học kỹ thuật làm động lực phát triển, kết nối các giá trị văn hóa - thương hiệu và phát triển con người. Ông Craig Bradshaw – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cho rằng, năm 2019 sẽ mang đến thêm nhiều cơ hội: “Với Masan Resources, năm Kỷ Hợi 2019 hứa hẹn một năm rất hanh thông, chúng tôi đang trong quá trình đưa ra một số sản phẩm mới, tạo dấu ấn phát triển mới, đồng thời cũng đang trong quá trình mở rộng kinh doanh không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn tầm quốc tế. Việc này liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng căn cứ trên những cơ hội, chúng tôi đánh giá, Công ty hy vọng sẽ biến cơ hội thành hiện thực trong năm Kỷ Hợi, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty phát triển hơn, trên quy mô toàn cầu”. Năm 2018 khép lại với nhiều dấu mốc ý nghĩa, trong sự yêu mến của các đối tác và niềm hạnh phúc của đội ngũ NuiPhao Mining. Đó là thành quả và cũng là động lực để giữ vững giá trị thương hiệu, tăng cường văn hóa gắn kết, lan tỏa khát vọng dẫn dắt và thay đổi cán cân thị trường theo những chuẩn mực tiến bộ. Với quyết tâm mạnh mẽ và lòng kiên trì, NuiPhao Mining không ngừng kiến tạo những thành công.

Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng – Bạn đồng hành đáng tin cậy của công nhân, viên chức, lao động

Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng hiện có hơn 86.500 đoàn viên với 172 Công đoàn cơ sở bao gồm 05 đơn vị hành chính sự nghiệp, 167 doanh nghiệp. Trong thời gian qua, với phẩm chất chính trị tốt, chuyên môn cao, lối sống văn hóa cùng sự quyết tâm, cán bộ Công đoàn đã phát huy tốt năng lực, cống hiến hết mình vì lợi ích của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Thị Nghĩa - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng dự chương trình Phiên chợ Tết công nhân 2019 của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng luôn được đánh giá cao nhờ làm tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CNVCLĐ. Việc giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với CNVCLĐ được tiến hành chặt chẽ. Hiện thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng; 100% lao động được ký hợp đồng lao động; 93,4% người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN; 97,5% doanh nghiệp tổ chức cho lao động đi tham quan, du lịch hàng năm; 100% người lao động được khám sức khỏe định kỳ. Vai trò đại diện cho CNVCLĐ của Công đoàn Khu kinh tế được khẳng định thông qua việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với các điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Trong năm qua đã có 37/37 đơn vị ký kết Thỏa ước lao động. Dưới sự hướng dẫn của Công đoàn Khu kinh tế, trong năm 2018 đã có 5/5 đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, 115/155 đơn vị tổ chức Hội nghị người lao động, 154/155 đơn vị tổ chức đối thoại định kỳ. Tuyên truyền chính sách, pháp luật cho công nhân lao động Với mục tiêu nâng cao hơn nữa nhận thức, trình độ, phẩm chất cho CNVCLĐ, Công đoàn Khu kinh tế đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chế độ có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của CNVCLĐ. Công đoàn cơ sở luôn khuyến khích CNVCLĐ tự học tập, rèn luyện; vận động chủ doanh nghiệp bố trí thời gian, kinh phí học tập cho công nhân, lao động (CNLĐ)… Năm 2018, có 25.140 người đã được giúp đỡ trở thành lao động lành nghề, được cải thiện năng lực chuyên môn. Tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn Tết Kỷ Hợi 2019 Nhằm kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động, Công đoàn Khu kinh tế đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể trong năm qua, Công đoàn đã tổ chức thành công Tết Sum vầy 2018 với sự tham dự của trên 7.000 CNLĐ; phối hợp bán hàng giảm giá từ 10% - 70% cho công nhân; trợ cấp, tặng quà cho 2.977 CNLĐ; hỗ trợ sửa chữa, xây nhà cho 3 CNLĐ; tổ chức 59 chuyến xe đưa CNLĐ về quê ăn Tết; thăm hỏi, tặng quà CNLĐ bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo. Trong Tháng công nhân, đã có 10 CNLĐ được nhận học bổng của Thủ tướng Chính phủ; 4.698 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà; 17 CNLĐ được hỗ trợ xây nhà từ quỹ Mái ấm công đoàn thành phố. Các chương trình liên hoan văn nghệ, thể thao, tham quan, du lịch được tổ chức thường xuyên đã đem tới khoảng thời gian thư giãn thoải mái cho CNVCLĐ. Tổ chức chương trình  “Tết sum vầy 2019 - Xuân trao yêu thương 9” Các phong trào, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xanh, sạch, đẹp và an toàn vệ sinh lao động” được triển khai rộng khắp… Qua đó, đã có nhiều tấm gương điển hình được biểu dương, khen thưởng kịp thời. Chỉ tính riêng năm 2018, Công đoàn Khu Kinh tế đã ghi nhận 4.215 sáng kiến làm lợi 52,4 tỷ đồng, 16 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo, 1 tập thể và 1 cá nhân được UBND thành phố khen thưởng thành tích Lao động sáng tạo giai đoạn 2012 - 2017, 5 cá nhân được UBND, Liên đoàn Lao động thành phố tặng Bằng khen, 1 cá nhân nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh.   Công đoàn Khu kinh tế nhận cờ Đơn vị vững mạnh xuất sắc năm 2018 của Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng Với nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đã vinh dự đón nhận: Bằng khen của Chính phủ, Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bằng khen của Thành ủy Hải Phòng, Bằng khen của UBND TP Hải Phòng, Cờ thi đua vững mạnh xuất sắc của Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng…  

Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầy Giấy): Điểm sáng của giáo dục Thủ đô

Hình ảnh Trường THCS Nghĩa Tân hiện lên trong tâm trí người dân quận Cầu Giấy là một cơ sở đào tạo hiện đại với chất lượng giáo dục toàn diện, nơi lớp lớp thế hệ học sinh gắn bó và trưởng thành. Trải qua một quá trình dài không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cần thiết, nhà trường đã có những bước tiến vững chắc cả về quy mô và chất lượng, trở thành điểm sáng của giáo dục Thủ đô. Dưới sự quan tâm của UBND quận Cầu Giấy, năm 2014, Trường đã được đầu tư xây dựng lại với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng, được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á. Trên diện tích 11.562 m2 hiện tại, Trường có 49 phòng học, 22 phòng bộ môn, phòng đa năng, bếp ăn, 12 phòng bán trú đáp ứng nhu cầu cho khoảng 1.000 học sinh, bể bơi bốn mùa. Ngoài sân trường chính, nhà trường còn có 3 sân chơi nằm giữa các dãy nhà được lát cỏ nhân tạo, được trang bị đồ chơi thể thao hiện đại của Nhật. Thư viện đạt xuất sắc cấp thành phố với nhiều hoạt động thu hút đông đảo học sinh, góp phần xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường. Luôn tâm niệm người thầy tài năng, tâm huyết sẽ truyền ngọn lửa đam mê khám phá tri thức nhân loại, nhà trường đã dành sự quan tâm không nhỏ cho công tác bồi dưỡng đội ngũ nhân sự. Trường hiện có 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn chiếm 91% với 27 Thạc sĩ, 62 cử nhân. Giáo viên Trường THCS Nghĩa Tân đã đạt nhiều giải thưởng trong hội thi giáo viên giỏi với 52 giải cấp quận, 22 giải cấp thành phố, 167 sáng kiến kinh nghiệm cấp quận, 83 sáng kiến cấp Sở từ năm học 2008 - 2009 đến nay.   Mỗi giờ học đều được thiết kế sinh động, hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia xây dựng bài. Hàng năm, nhà trường thực hiện khoảng 48 chuyên đề cấp thành phố, quận, trường ở các bộ môn, hoạt động ngoài giờ lên lớp và các môn tăng cường ở buổi học thứ hai, nâng cao chất lượng ôn thi vào lớp 10 môn Toán, Văn. Vấn đề hình thành nhân cách, định hướng giá trị sống, thẩm mỹ cho học sinh cũng được Trường xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong thời gian qua, Trường đã tổ chức nhiều chuyên đề như: “Dưới cờ Tổ quốc”; giáo dục giới tính; phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học; sử dụng mạng xã hội văn hóa, thông minh, hiệu quả… Học sinh của Trường cũng tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao do ngành phát động và phục vụ một số hội nghị lớn của trung ương, thành phố, quận, phường. THCS Nghĩa Tân cũng được biết tới là trường đầu tiên của Quận đưa phổ cập bơi vào tiết dạy chính khóa cho học sinh. Thương hiệu và uy tín của Trường được khẳng định thông qua nền tảng kiến thức tốt, khả năng bắt kịp nhanh với môi trường bậc THPT, thái độ ứng xử lễ phép của học sinh. Các em đã xác định đúng đắn về động cơ, thái độ học tập, ý thức trách nhiệm đối với xã hội. Năm học 2017 - 2018, Trường có 100% học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và khá; 88,4% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; 99,6% học sinh tốt nghiệp THCS; tốp đầu trong số các trường công lập của Quận có kết quả cao trong kỳ thi vào lớp 10 THPT. Bảng vàng thành tích của nhà trường cũng được tô thắm với nhiều phần thưởng trong các cuộc thi học sinh giỏi các môn văn hóa, Olympic Tiếng Anh, Tin học trẻ, Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng, Viết thư UPU, Giai điệu tuổi hồng, Festival tiếng Anh... Học sinh nhà trường cũng để lại ấn tượng mạnh trong các cuộc thi thể dục thể thao các cấp. Trong 10 năm học vừa qua, Trường đã giành 328 Huy chương cấp Quận, 100 Huy chương cấp Thành phố. Phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của tập thể nhà trường trong suốt thời gian qua chính là sự trưởng thành của học sinh, niềm tin của phụ huynh cùng sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước thông qua: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của UBND TP Hà Nội, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc… Tin tưởng rằng bằng ý chí quyết tâm, bản lĩnh và sức sáng tạo, thầy và trò Trường THCS Nghĩa Tân sẽ phát huy truyền thống của ngôi trường 32 năm tuổi và vươn tới những thành công mới.    

Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ: Mái ấm ngập tràn tình yêu thương dành cho trẻ mồ côi

Không nằm ngoài mục đích mang tới cho trẻ em mồ côi một mái ấm, nơi các em nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng như một gia đình, Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ đã được thành lập. Nằm trong hệ thống Làng trẻ em SOS Quốc tế và đã đi vào hoạt động được 10 năm, Làng hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 161 trẻ mồ côi với 14 nhà gia đình và một Lưu xá Thanh niên. Làng có tổng số 42 cán bộ, nhân viên, trong đó có 13 bà mẹ, 6 bà dì, 9 cô trường mẫu giáo luôn tận tâm, tận lực, trao gửi tình yêu thương, tạo dựng niềm tin cho những trẻ em thiếu may mắn trong cuộc sống. Quang cảnh Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ Một trong những yếu tố được Làng dành sự quan tâm đặc biệt trước hết phải kể đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ. Trẻ em của Làng được tạo điều kiện thuận lợi để học tập tại các trường trong cộng đồng. Làng hiện có 4 sinh viên đang theo học đại học và học nghề, 29 học sinh THPT, 87 học sinh THCS, 34 học sinh tiểu học và 7 trẻ mầm non. Các mẹ, các dì, anh chị trong Làng luôn gần gũi, hỗ trợ trẻ trong học tập. Làng đã kết hợp với sinh viên, giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh tổ chức dạy kèm cho trẻ vào dịp hè và buổi tối cuối tuần; mở lớp học tiếng Anh vào dịp hè. Không phụ sự kỳ vọng của các mẹ, các dì và các bác, các cô, các chú, trẻ của Làng luôn nỗ lực trong học tập và gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào. Chỉ tính riêng năm học 2017 - 2018, 10 trẻ của Làng đã đạt 10 giải cao trong cuộc thi Olympic; 1 học sinh giỏi Toán cấp tỉnh; 2 học sinh giỏi Toán cấp huyện; 35 học sinh giỏi cấp trường; 86 học sinh khá; 33 học sinh hoàn thành. Đội bóng đá của Làng đã đạt giải Ba trong giải đấu Bóng đá Futsal (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt) lần thứ 19 - Cup Tôn Hoa Sen năm 2018 do Báo Công an tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Song song với việc giáo dục văn hóa cho trẻ, Làng đã tích cực mở các lớp học thêu khăn Piêu, học nấu ăn, câu lạc bộ bóng đá, cầu lông, chơi cờ… để trẻ phát huy năng khiếu, sở trường của bản thân cũng như tạo nên những giờ phút thư giãn thoải mái cho trẻ. Trẻ lớn trong Làng được tham gia những buổi sinh hoạt chuyên đề về tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì, kỹ năng sống, định hướng học tập, nghề nghiệp trong tương lai. Việc tổ chức cho trẻ đi viếng nghĩa trang liệt sĩ đã góp phần giáo dục cho trẻ tinh thần yêu nước, lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh đi trước. Sinh sống tại Làng, trẻ được giáo dục một cách toàn diện để biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, biết cách ứng xử lễ phép, có văn hóa đối với bề trên và những người xung quanh. Với mục tiêu đảm bảo sự phát triển về thể chất cho trẻ, công tác chăm sóc y tế được tiến hành thường xuyên, kịp thời. Tất cả trẻ khi được đón vào Làng đều được kiểm tra sức khỏe toàn diện, làm xét nghiệm HIV, viêm gan B, tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định của Bộ Y tế. 100% trẻ được mua BHYT, các trẻ đi học phổ thông được mua bảo hiểm học sinh. Nhằm đem tới đời sống tinh thần phong phú, không khí sôi nổi trong Làng, nhiều trò chơi, chương trình giao lưu nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Rằm Trung thu… đã được tổ chức dưới nội dung, hình thức đa dạng. Những thành tựu của Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ đã được ghi nhận thông qua: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bằng khen của UBND tỉnh Điện Biên, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc… Tin tưởng rằng, sự đồng hành của các cấp chính quyền, các mạnh thường quân cùng tâm huyết của đội ngũ nhân sự đã, đang và sẽ là nguồn sức mạnh to lớn để Làng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải: Thương hiệu “Xây dựng” hàng đầu tỉnh Thái Nguyên

Nhắc đến Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải là nhắc tới một nhà thầu xây dựng giao thông hàng đầu tỉnh Thái Nguyên. Trải qua hai thập kỷ hoạt động, dấu ấn Hoàng Hải đã in đậm trên nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm của tỉnh nhà và các tỉnh bạn. Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Hải được thành lập ngày 27/12/1999 với ngành nghề chính là xây dựng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Vượt qua bao khó khăn, thách thức, Công ty đã trưởng thành vững mạnh, khẳng định vị thế của một doanh nghiệp xây dựng hàng đầu tỉnh Thái Nguyên với đội ngũ đông đảo cán bộ, công nhân kỹ thuật giàu kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc mạnh cả về số lượng và chất lượng. Luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, Hoàng Hải đã sớm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 : 2008 và thành công trong xây dựng hàng loạt các công trình lớn trong và ngoài tỉnh như: Bãi rác Đá Mài Tân Cương (Tp.Thái Nguyên); ĐT 258 Bắc Kạn; ĐT 255 Bắc Kạn; đường QL 37 cải dịch (đoạn qua mỏ Núi Pháo, Thái Nguyên); đường Linh Nham - Đèo Nhâu; nâng cấp QL4A (Tân Thanh, Lạng Sơn); đường 47m (Tổ hợp điện tử Samsung Thái Nguyên); đường gom cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên... Đặc biệt, Hoàng Hải còn là đơn vị duy nhất của tỉnh Thái Nguyên trúng thầu xây lắp và thi công hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng tất cả các hạng mục thuộc gói thầu số 8 và cầu Pắc Mé đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới - Chợ Chu. Có thể nói, sau mỗi công trình hoàn thành là mỗi lần người lao động Hoàng Hải trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, càng thêm khát khao chinh phục những đỉnh cao hơn. Năm 2018 vừa qua, doanh nghiệp một lần nữa làm nên thành công ấn tượng khi hoàn thành vượt tiến độ công trình nâng cấp cải tạo con đường Thanh Niên Xung Phong (TNXP) dẫn từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đại đội TNXP 915 đội 91 Bắc Thái - một di tích lịch sử Quốc gia tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên. Để phục vụ Lễ tri ân các anh chị TNXP vào ngày 21/12/2018, cần phải nâng cấp cải tạo đường TNXP thành quy mô đường hai làn trong vòng 50 ngày. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn từ khâu giải phóng mặt bằng, đến khối lượng thi công lớn, cộng thêm rất nhiều phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường, cũng như điều kiện thời tiết không tốt... Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa chính trị, xã hội lớn lao của công trình, Hoàng Hải đã thành lập một Ban chỉ đạo phát động thi đua, tổ chức thi công theo các ca liên tục cả ngày lẫn đêm. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, không quản ngại ngày đêm, người lao động Hoàng Hải đã bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những nỗ lực, cống hiến của họ đã được đền đáp xứng đáng. Sau 47 ngày đêm thi công, tất cả các hạng mục của tuyến đường đã hoàn thành đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mỹ thuật, vượt tiến độ 3 ngày. Tuyến đường khang trang, đẹp đẽ đã hiện hữu, góp phần quan trọng vào thành công của Lễ dâng hương tưởng niệm 46 năm ngày hy sinh của 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, được truyền hình trực tiếp trên VTV1 ngày 21/12/2018. Khép lại năm 2018 thành công, Hoàng Hải đạt kết quả sản xuất, kinh doanh cao: Doanh thu đạt 150.315 triệu đồng; lợi nhuận 260,1 triệu đồng; nộp ngân sách 2.812 triệu đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt 8,3 triệu đồng/người/năm; dành hơn 300 triệu đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Miệt mài trên những công trình, góp phần tích cực mang đến diện mạo khởi sắc cho tỉnh Thái Nguyên, những nỗ lực cống hiến của người lao động Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải đã được ghi nhận xứng đáng. Nhiều năm liền, Công ty được tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; được Bộ Công thương tặng Bằng khen năm 2016, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội tặng Bằng khen năm 2017; UBND tỉnh Thái Nguyên tặng 2 Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của tỉnh năm 2016, 2017, tặng Cúp Doanh nghiệp xuất sắc, cùng nhiều Bằng khen. Đặc biệt, Công ty hiện đang được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Báo Cao Bằng: Làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền với nhân dân các dân tộc trong tỉnh và phục vụ nhu cầu thông tin của công chúng

Cao Bằng là một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn nhưng cũng rất giàu tiềm năng phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp chính quyền, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc, diện mạo tỉnh ngày càng khởi sắc, kinh tế - xã hội tăng trưởng ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân đã thay đổi tích cực. Báo Cao Bằng với nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa phương. Tổng Biên tập Báo Cao Bằng Bàn Thanh Hiền Đồng chí Bàn Thanh Hiền, Tổng Biên tập Báo Cao Bằng khẳng định: Trong những năm qua, Báo Cao Bằng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, tuyên truyền có hiệu quả các sự kiện nổi bật của địa phương, đất nước, kỷ niệm các ngày lễ lớn của địa phương, của đất nước, hoạt động của các ngành, đơn vị. Đặc biệt là tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Trong giai đoạn 5 năm (2013 - 2017) Báo đã đăng tải trên 38.500 tin, bài, ảnh, clip; duy trì thường xuyên các chuyên mục: Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; người tốt, việc tốt; quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; cải cách thủ tục hành chính... trên các ấn phẩm của Báo Cao Bằng. Báo luôn tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, góp phần tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; thông tin nhanh, kịp thời, chính xác, thuyết phục để góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, âm mưu chống phá của các thế thực thù địch. Coi trọng việc biểu dương tập thể, cá nhân điển hình tiến tiến, những kinh nghiệm tốt, cách làm hay của các tập thể và cá nhân tạo sức lan tỏa trong xã hội. Cán bộ, viên chức Báo Cao Bằng học tập nghị quyết của Trung ương Cùng với việc làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, Báo chú trọng thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện, góp phần định hướng dư luận và kịp thời phát hiện, phản ánh những biểu hiện tiêu cực, giúp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có hướng xử lý. Nổi bật là những vấn đề được dư luận quan tâm như: đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình, dự án trọng điểm; việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; vận chuyển gỗ trái phép; lợi dụng chức vụ tham ô tài sản của cán bộ, viên chức tại một số địa phương trong tỉnh, như: Vụ việc một cán bộ công an huyện Hà Quảng đã đem xe môtô tang vật đi cầm đồ; một số lãnh đạo xã Thông Huề (Trùng Khánh) chiếm dụng tiền thuê đặt trạm phát sóng Viettel của người dân; tình trạng hỗ trợ các chính sách xã hội không đúng đối tượng hưởng thụ, gây mất lòng tin của nhân dân tại xã Hồng Trị (Bảo Lạc); những sai phạm trong thực hiện dự án kè Sông Bằng gây bức xúc trong nhân dân... Bên cạnh đó, Báo đã chủ động ngăn chặn các thông tin độc hại, trái với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, chống phá Nhà nước và chế độ phát tán trên môi trường mạng. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý đơn thư bạn đọc, kịp thời xem xét, điều tra và phản ánh những nội dung của bạn đọc gửi Báo trên chuyên mục Bạn đọc, các vấn đề ngoài thẩm quyền xử lý, chuyển cơ quan chức năng xem xét. Với tinh thần chủ động, tích cực trong công tác giám sát, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực, Báo đã ký kết quy chế phối hợp tuyên truyền với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy tuyên truyền công tác kiểm tra, giám sát, góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; việc nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng... Đồng thời nêu gương các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; gương điển hình tiên tiến tích cực tham gia hiệu quả công tác phổ biến pháp luật, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Báo Cao Bằng khen thưởng các cá nhân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ năm 2018 Báo chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh nắm bắt thông tin, phát hiện, điều tra, phê phán các biểu hiện tiêu cực như: Tham nhũng, buôn lậu, các hành vi vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội. Nhiều vụ việc được báo chí phát hiện, phản ánh đã giúp tỉnh và các cơ quan chức năng triển khai kịp thời các biện pháp khắc phục, xử lý có hiệu quả. Điển hình là các chuyên đề: Khai thác gỗ trái phép rừng phòng hộ tại huyện Trùng Khánh, việc lấn chiếm hành lang vỉa hè tại Thành phố để kinh doanh, lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, dự án làng thanh niên lập nghiệp Lý Quốc hoạt động không hiệu quả, Khu định cư Bành Tổng - Phiêng Phát vắng bóng người dân. Hoạt động giết mổ lợn trái phép không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh hoạt động gây ô nhiễm môi trường, xuồng cào phá nát lòng sông... Mỗi năm Báo đăng tải trên 700 tin, bài về quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa con người Việt Nam và tỉnh Cao Bằng. Nhiều bài viết trực tiếp đấu tranh với những thông tin thiếu chính xác, kịp thời cung cấp thông tin chính xác, tránh những suy diễn, đồn đoán không có căn cứ, giúp công chúng hiểu rõ vấn đề, có suy nghĩ và hành động đúng, vì lợi ích và sự phát triển của tỉnh, của đất nước. Để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, theo Tổng Biên tập Bàn Thanh Hiền, lãnh đạo Báo luôn quán triệt thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, định hướng tuyên truyền của Đảng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ mục tiêu, lý tưởng, quan điểm, tư tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Xây dựng Chi bộ Đảng và các tổ chức đoàn thể trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị. Tập trung chỉ đạo, động viên cán bộ, đảng viên, quần chúng nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không ngừng cải tiến, đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, thông tin trung thực, khách quan, nhanh nhạy, chính xác, nâng cao tính chiến đấu, tính hấp dẫn của tờ báo. Trong công tác quản lý luôn thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, có trao đổi bàn bạc thống nhất từ Chi ủy, Ban Biên tập đến các tổ chức đoàn thể. Đội ngũ cán bộ, phóng viên của Báo đã tích cực tham giacác cuộc thi báo chí do Trung ương và tỉnh phát động, qua đó thể hiện bản lĩnh chính trị cũng như nghiệp vụ chuyên môn, đồng thời trau dồi kinh nghiệm trong sáng tạo các thể loại báo chí. Có nhiều phóng viên đạt giải cao tại các cuộc thi: Thi viết về Nông nghiệp nông thôn đoạt 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 7 giải khuyến khích; thi viết về Xây dựng Đảng đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba; thi tìm hiểu về Luật Hợp tác xã đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba; thi viết về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng năm 2017 đoạt 1 giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban Biên tập Báo chú trọng phát động và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để khơi dậy tinh thần thi đua lao động sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, nhân viên. Đồng chí Bàn Thanh Hiền, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Cao Bằng trao Cúp cho đội đoạt giải nhất Giải bóng chuyền Bộ đội Biên phòng tỉnh tranh cúp Báo Cao Bằng lần thứ 5, năm 2019 Với sự cố gắng của cán bộ, viên chức cơ quan, sự hoạt động hiệu quả của các tổ chức đoàn thể, 5 năm liên tục (2013 - 2017) đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt danh hiệu Cơ quan văn hóa, được UBND tỉnh tặng 3 Cờ thi đua xuất sắc (2013, 2014, 2016); Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Cờ thi đua xuất sắc (2013, 2017); 100% gia đình cán bộ, viên chức đạt danh hiệu Gia đình văn hóa các năm. Đặc biệt, tập thể Báo Cao Bằng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2013), tháng 12 năm 2018 Báo Cao Bằng đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của quê hương, đất nước, trong thời gian tới Báo Cao Bằng tiếp tục thực hiện tốt hơn vai trò là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn tin cậy của nhân dân; đặc biệt không ngừng đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền với nhân dân các dân tộc trong tỉnh... phục vụ nhu cầu thông tin của công chúng, tuyên truyền, vận động, cổ vũ nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển, xây dựng Cao Bằng ngày càng giàu mạnh - đồng chí Tổng Biên tập Ban Thành Hiền cho biết.

Trang