Chính trị - Xã hội

Nâng cao nhận thức của người dân về Đề án người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam

TĐKT - Ngày 12/5, tại Hà Nội, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 và phát động triển khai giai đoạn 2 “Đề án người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt”. Đề án được phát động nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tại cơ sở y tế và trong cộng đồng. Đồng thời, thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển, tăng cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu dùng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới. Đề án được triển khai nhằm hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong những năm qua, Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách, trong đó, có đưa nội dung, quy định theo hướng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước như Luật Dược sửa đổi 2016; Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật đấu thầu... Tại các địa phương, nhiều Sở Y tế cũng đã tiến hành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án trên địa bàn; đề ra kế hoạch, giải pháp để tăng cường, thúc đẩy thuốc sản xuất trong nước trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tại nhiều bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện cũng đã chỉ đạo xây dựng danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước... Dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP Với nhiều giải pháp được triển khai và tiến hành đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bước đầu, Đề án đã thu được những thành quả đáng khích lệ. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tăng lên so với trước đây. Tại tuyến tỉnh, trước khi thực hiện Đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước là 33,9% nay đã tăng lên 35,4%. Sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; cung cấp 10/12 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, tính đến năm 2015, đã có 164 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Tổ chức Y tế thế giới, một số nhà máy đã đạt tiêu chuẩn của các nước như EU, Nhật Bản... Tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được và đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, Bộ Y tế đã phát động triển khai giai đoạn 2 của đề án với các mục tiêu đề ra là đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% ở tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% tuyến huyện. Hồng Thiết

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cho ngành Công an

TĐKT - Sáng 12/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thao, diễn tập chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày truyền thống Học viện Cảnh sát nhân dân  (15/5/1968 - 15/5/2017) và 10 năm thành lập Khoa Cảnh sát vũ trang Học viện Cảnh sát nhân dân (30/5/2007 - 30/5/2017). Chương trình được tổ chức là dịp để cán bộ, học viên Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) nói chung và Khoa Cảnh sát vũ trang nói riêng ôn lại truyền thống vẻ vang của nhà trường, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua của Bộ Công an, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên nhà trường. Đây cũng là dịp để đánh giá kết quả công tác huấn luyện về điều lệnh đội ngũ, võ thuật; kỹ, chiến thuật trấn áp tội phạm; giải cứu con tin; chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn... của Trung đoàn Cảnh sát dự bị đặc nhiệm - Học viện CSND. Phát biểu tại Hội thao, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện kêu gọi và tin tưởng sâu sắc rằng toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên, sinh viên Học viện sẽ tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, đổi mới, ra sức thi đua lập nhiều thành tích thiết thực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với những danh hiệu cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng, góp phần xây dựng Học viện CSND sớm trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Quốc gia. Diễn tập chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày truyền thống Học viện Cảnh sát nhân dân Gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, các thế hệ thầy và trò Học viện CSND đã viết nên một bảng vàng truyền thống, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và sự nghiệp bảo vệ an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân. Học viện đã và đang đào tạo 42 khóa đại học chính quy, 25 khóa đào tạo thạc sĩ và 21 khóa đào tạo tiến sĩ với trên 3 vạn cử nhân, 2500 thạc sĩ, 300 tiến sĩ, 7000 lượt cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy đã tốt nghiệp ra trường, bổ sung nguồn nhân lực quan trọng cho lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các ngành trong khối nội chính. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã đào tạo, bồi dưỡng trên 1000 cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy cho các nước bạn Lào, Campuchia. Nhà trường đã không ngừng đột phá, phát triển từ tư duy và phương pháp đào tạo nghề sang tư duy và phương pháp đào tạo lý luận, không ngừng nâng cao vị thế, hội nhập hệ thống các trường đại học trong cả nước, đồng thời, tiếp tục khẳng định mô hình đào tạo đại học công an, cảnh sát của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với sự phát triển của nhà trường, Khoa Cảnh sát vũ trang của Học viện  đã trải qua 10 năm xây dựng và trưởng thành. Đây là đơn vị được thành lập với trọng trách đào tạo sĩ quan tham mưu, chỉ huy vũ trang bảo vệ an ninh trật tự. Sau 10 năm thành lập, Khoa đã và đang đào tạo 10 khóa đại học chính quy, 6 khóa liên thông và 2 khóa hệ vừa học vừa với tổng số 860 học viên. Học viên chuyên ngành đã được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng quan trọng trong phối hợp xử lý các tình huống đột xuất, phức tạp về an ninh trật tự. Nhiều học viên của Khoa sau khi tốt nghiệp ra trường một thời gian đã được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân. Nguyệt Hà

Kỷ niệm 45 năm truyền thống Tổng đội 572 làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào

TĐKT - Ngày 7/5, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 45 truyền thống Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP ) 572 Ban Xây dựng 64 (9/5/1972 – 9/52017) và 5 năm thành lập Hội cựu TNXP Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8). Tại lễ kỷ niệm, các cựu TNXP, nguyên lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Cienco 8 đã ôn lại truyền thống hào hùng một thời sát cánh cùng bộ đội, nhân dân Lào giữ vững huyết mạch giao thông phía tây Trường Sơn tại Lào để cùng nhau đánh Mỹ. Ban Xây dựng 64 (tiền thân Cienco 8) được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thành lập năm 1965 với nhiệm vụ quốc tế trên mặt trận GTVT tại Lào. Chiến sự tại Lào ngày càng khốc liệt, địch điên cuồng đánh phá các vùng giải phóng, nhất là các tuyến đường giao thông. Các đơn vị của Ban Xây dựng 64 chịu nhiều gian khổ, hy sinh nhưng vẫn quyết tâm mở đường, giữ vững mạch máu giao thông từ làm đường, cầu, xây dựng nhà máy sửa chữa ô tô, lập đoàn xe chủ lực vận chuyển lương thực, thực phẩm, vật tư, thiết bị… từ trong nước sang các công trường tại Lào… Hơn 600 km đường nối liền các căn cứ địa cách mạng của Lào tại Sầm Nưa với các vùng giải phóng ra mặt trận do Ban Xây dựng 64 phụ trách luôn đảm bảo giao thông thông suốt, để vận chuyển kịp thời vũ khí, lương thực, thực phẩm, sức người, sức của cho các chiến dịch, góp phần làm nên những thắng lợi to lớn, đồng thời chia lửa với TNXP, Đoàn 559 ở Đông Trường Sơn… Tổng đội TNXP 572 Ban Xây dựng 64 được Bộ GTVT thành lập ngày 9/5/1972. Tiếp nhận tuyến đường 217B và đường 6B từ cửa khẩu Na Mèo (biên giới Việt – Lào) tới Sầm Nưa (Lào). Tổng đội được giao nhiệm vụ quốc tế giữ vững mạch máu giao thông phía tây Trường Sơn tại Lào. Hơn 5.000 thanh niên từ các tỉnh đã xung phong tình nguyện tham gia. Những đêm sương gió lạnh, hàng ngàn TNXP vẫn hăng hái thi đua lao động sản xuất để nhanh nối thông những con đường. Không quản giá rét, họ sẵn sàng ngâm mình dưới nước, tận dụng trăng sáng, thức trắng đêm để thi công các cầu Na Khao, Nậm Nùa… cho kịp tiến độ thi công toàn tuyến. Vì vậy, chỉ trong 3 năm từ 1972 - 1975 trong điều kiện khó khăn thiếu thốn trăm bề, Tổng đội đã hoàn thành 82 km rải nhựa của đường 217B và đường 6B, hoàn thành 4,5 km đường thủ phủ kháng chiến của Lào tại Viêng Xay… Nhân dịp này, Ban liên lạc Hội cựu TNXP Cienco 8 đã tổ chức trao tặng Huy hiệu TNXP làm theo lời Bác của Trung ương Hội TNXP Việt Nam, Kỷ niệm chương TNXP làm nhiệm vụ quốc tế nước Lào của Hội truyền thống TNXP Tổng đội 572…  Thục Anh

Nâng cao hiệu quả của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

TĐKT - Sáng 28/4, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu; cùng nhiều nhà báo, nhà khoa học đến từ Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí. Tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của báo chí đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp phần thiết thực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.  Đây cũng là dịp để cung cấp thông tin, định hướng nghề nghiệp cho các nhà báo sáng tạo tác phẩm báo chí tham dự Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong năm 2017 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức. Tọa đàm Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp; đề xuất các khuyến nghị, giải pháp nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc tuyên truyền về hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp, từng bước nâng cao chất lượng tuyên truyền của báo chí hiện nay đối với lĩnh vực này. Phát biểu tại Tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: thực tế đã chứng minh, báo chí, truyền thông có vai trò rất to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, báo chí cần làm thế nào để những phát hiện, phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của mình chuyển thành hành động của Đảng, chính quyền cơ sở, có như thế vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới thật sự hiệu quả. Hiện nay, theo con số thống kê chưa đầy đủ của MTTQ, trong 1 tháng, cả nước có khoảng 450 bài báo phản ánh những yếu kém, tiêu cực. Đây là căn cứ để MTTQ phối hợp với cơ quan báo chí giải quyết đến tận cùng các vụ việc do báo chí nêu ra. Tuy nhiên, để làm được việc này, rất cần sự tham gia tích cực của cả hệ thống MTTQ cũng như các cấp chính quyền cơ sở. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết: hiện nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Viettel xây dựng phần mềm đọc báo điện tử để thống kê, phân loại các bài báo phản ánh tiêu cực trên hệ thống báo chí. Từ số liệu này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phân loại, thông tin về từng địa phương, cơ sở đang có vụ việc mà báo chí phản ánh để phối hợp giải quyết hiệu quả. Nguyệt Hà

Khởi động Cuộc thi chứng minh ý tưởng lần 2

TĐKT - Sáng 28/4, tại Hà Nội, Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC) tổ chức Hội thảo khởi động Cuộc thi chứng minh ý tưởng (Proof of Concept - PoC) lần 2. Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu biến các thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội kinh doanh thông qua hỗ trợ toàn diện các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực phát triển xanh và bền vững. Tham gia cuộc thi, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ sẽ có cơ hội nhận được: vốn tài trợ 75.000 USD; cố vấn và đào tạo; dịch vụ tư vấn doanh nghiệp; gọi vốn đầu tư ở tất cả các giai đoạn phát triển, từ giai đoạn hình thành ý tưởng, ươm tạo, thương mại hóa tới giai đoạn phát triển thị trường. Ban tổ chức giới thiệu về Cuộc thi Các ứng viên được yêu cầu nộp các bản đề xuất cho một sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh đổi mới thuộc một trong các lĩnh vực: năng lượng hiệu quả; nông nghiệp bền vững; công nghệ thông tin; công nghệ năng lượng tái tạo; quản lý và lọc nước; các lĩnh vực, công nghệ khác liên quan tới biến đổi khí hậu. Các tiêu chí để đánh giá hồ sơ: tính khả thi và chiến lược quản trị rủi ro; khả năng nhân rộng, thương mại hóa và tiềm năng thị trường; tính đổi mới, sáng tạo; tác động tích cực tới môi trường và biến đổi khí hậu; năng lực cá nhân, tổ chức đề xuất ý tưởng; thúc đẩy bình đẳng giới... Trong đó, các hồ sơ chứng minh ý tưởng cần chú trọng đáp ứng các yêu cầu: nhấn mạnh được tính đổi mới, sáng tạo trong công nghệ hoặc mô hình kinh doanh có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ giúp cho việc thích ứng, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu; tiềm năng nhân rộng và có hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi lớn của các sản phẩm, dịch vụ của mình. Tham gia cuộc thi PoC, các doanh nghiệp sẽ được đào tạo theo mô hình quốc tế, phát triển bởi các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, các Trung tâm ươm tạo hàng đầu tại Hoa Kỳ. Cụ thể, VCIC sẽ tổ chức các Hội thảo Kêu gọi đề xuất ý tưởng tại Hà Nội (ngày 4/5), Đà Nẵng (ngày 5/5) và TP Hồ Chí Minh (ngày 5/5). Mọi thông tin về địa điểm và thời gian cụ thể sẽ được đăng tải trên website: www.vietnamcic.org. Thời gian tiếp nhận hồ sơ dự thi: từ 28/4 - 23/5/2017. Bình Nguyên

Hội thảo khoa học “Đại tướng Văn Tiến Dũng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nội”

TĐKT - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Đại tướng Văn Tiến Dũng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nội”, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng (2/5/1917 – 2/5/2017). Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và chỉ đạo Hội thảo. Tham dự Hội thảo có: Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; các đại biểu nguyên là lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện các tổng cục, quân đoàn, binh chủng, binh đoàn, học viện… trực thuộc Bộ Quốc phòng; các nhà khoa học và đại diện gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng. Hội thảo là hoạt động chính trị quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; đúc kết những bài học kinh nghiệm nhằm góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.   Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu khai mạc hội thảo Các đại biểu dự Hội thảo đã thảo luận, làm rõ một số vấn đề cơ bản: đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, vị tướng chỉ huy tham mưu chiến lược xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đức độ, tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam; quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp của đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng với quê hương Hà Nội, với cách mạng và Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua đó, tiếp tục phân tích, khái quát, đúc kết những bài học kinh nghiệm thiết thực về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Văn Tiến Dũng, phục vụ sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đại tướng Văn Tiến Dũng (bí danh Lê Hoài), sinh ngày 2/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Tiếp thu truyền thống yêu nước của quê hương, năm 1936, đồng chí đã tham gia cách mạng và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 20 tuổi. Trong hơn 65 năm theo Đảng, Bác Hồ, tham gia hoạt động cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng có 26 năm liên tục đảm nhiệm trọng trách Ủy viên dự khuyết, Ủy viên chính thức Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1960 – 1986). Đồng chí có 25 năm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1953 – 1978 ); nhiều năm làm Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo đánh thắng nhiều chiến dịch lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cách đánh táo bạo, thọc sâu kết hợp với vu hồi, đột phá mạnh vòng ngoài của đồng chí Văn Tiến Dũng được vận dụng, phát triển, góp phần giúp quân và dân ta giành chiến thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975. Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn quân tích cực nghiên cứu, vận dụng các kết quả nghiên cứu về Đại tướng Văn Tiến Dũng vào hoạt động quân sự và công tác huấn luyện, đào tạo để nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới. Nguyệt Hà  

Công tác tư pháp đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra

TĐKT - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Họp báo Thông tin về công tác tư pháp quý I năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác quý II năm 2017. Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển chủ trì buổi họp báo. Quý I năm 2017, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, đảm bảo chất lượng, tiến độ so với kế hoạch đề ra. Nổi bật: công tác chỉ đạo điều hành được đổi mới, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bám sát chủ trương về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ; việc phối hợp giữa Bộ Tư pháp với một số bộ, ngành khác được thực hiện chủ động, hiệu quả hơn. Cùng với đó, việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được triển khai tích cực ngay từ đầu năm, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 3 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 3 văn bản; đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành thẩm định đối với 41 dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật, 22 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 24 điều ước quốc tế; kiểm tra 903 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương…       Kết quả thi hành án dân sự từ ngày 1/10/2016 đến ngày 31/3/2017 tăng cả về việc và về tiền. Bộ Tư pháp cũng đã tích cực thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự; tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài. Ngoài ra, công tác hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, bồi thường nhà nước cũng được tập trung chỉ đạo triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Về công tác bổ trợ tư pháp, Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thành lập Hội Công chứng viên của các địa phương (đến nay, trên cả nước đã có 37 Hội Công chứng viên được thành lập). Về công tác tiếp dân, Bộ Tư pháp đã tiếp 99 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 81 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (chiếm 81,8%). Phát biểu tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, quý II năm 2017, ngành tư pháp xác định tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện một số Luật; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp, pháp chế từ Trung ương đến địa phương; xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2020; triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2016 - 2024; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, đơn vị; mở rộng triển khai việc sử dụng chữ ký số tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp… Phương Thanh

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại biên giới, cửa khẩu, trên biển

TĐKT - Ngày 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến tổng kết Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 9/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực  Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu ý kiến. Trong những năm qua, sự phối hợp giữa các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong công tác phát hiện, đấu tranh chuyên án và điều tra các vụ án về ma túy ngày càng được tăng cường hơn. Trong đó, tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm và thu giữ ma túy ở 25 tỉnh biên giới đất liền đã tăng lên (từ 10% năm 2002 đến nay lên trên 25% tổng số vụ trong cả nước), thể hiện sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong phòng, chống ma túy, quyết tâm đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy ngay từ địa bàn biên giới, hạn chế đến mức thấp nhất lượng ma túy mua bán, vận chuyển trái phép vào trong nội địa. Đặc biệt, đã khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, triệt phá nhiều tụ điểm phức tạp về ma túy tại các tuyến, địa bàn trọng điểm.   Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực  Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị Theo thống kê của Bộ Công an, có trên 10% số vụ trong tổng số vụ của 44 tỉnh, đơn vị ở cấp Bộ phát hiện bắt giữ có sự phối hợp điều tra giữa 4 lực lượng. Sự phối hợp này không chỉ ở giai đoạn trao đổi thông tin mà có nhiều vụ đã phối hợp ngay từ khi xác lập, đấu tranh chuyên án, điều tra ban đầu và điều tra mở rộng vụ án… Do đó tạo thuận lợi, kịp thời, hiệu quả trong điều tra, xử lý tội phạm. Việc thực hiện Quyết định số 133 của Thủ tướng Chính phủ đã được 4 lực lượng ở các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trên nhiều nội dung công tác. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng tiếp tục được nâng lên, phát huy được vai trò chủ công, nòng cốt, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết gắn bó chặt chẽ hơn trong công tác phối hợp phòng chống tội phạm ma túy trong cả nước nói chung và ở khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển nói riêng. Các lực lượng đã phối hợp thực hiện tốt chức năng tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội và toàn dân tham gia công tác phòng chống tội phạm ma túy, góp phần kiềm chế sự gia tăng, không để tội phạm ma túy hoạt động phức tạp kéo dài tại địa bàn biên giới. Công tác phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong trao đổi, xử lý, xác minh thông tin, xác lập, đấu tranh chuyên án chung từng bước đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả. Các bên đã thường xuyên hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, sử dụng các phương tiện kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ của từng lực lượng và chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp. Việc mở rộng mối quan hệ phối hợp với Công an, Cảnh sát các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia được tăng cường không chỉ ở cấp Trung ương mà cả cấp địa phương, cơ sở, đặc biệt là đối với lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy của nước Bạn… Phát biểu tại Hội nghị, đánh giá cao kết quả phối hợp đã đạt được giữa các lực lượng trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý: thời gian tới, tình hình tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhất là tội phạm về ma túy, môi trường, tội phạm mua bán người, buôn lậu, đối tượng truy nã… Hoạt động của các loại tội phạm ngày càng có xu hướng cấu kết chặt chẽ, đan xen lẫn nhau, hình thành các băng nhóm, tổ chức, đường dây tội phạm hoạt động lưu động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài ngày càng rõ nét hơn. Do đó, các lực lượng cần tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy và hành động trong công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương Đảng, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người; tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện tốt các kế hoạch phòng, chống tội phạm mà Chính phủ xác định là trọng tâm. Tích cực phối hợp tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận “lòng dân”. Thường xuyên xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ngay từ cơ sở.  Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng của các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới trong bảo vệ, quản lý an ninh, chủ quyền biên giới lãnh thổ và phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự… Nhân dịp này, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Tổng cục Hải quan đã ký kết Quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển. Phương Thanh

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa

TĐKT - Sáng 25/4, tại Hà Nội, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa quý II năm 2017. Trong 4 tháng đầu năm 2017, ngành đường thủy nội địa đã chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện thủy nội địa, siết chặt hoạt động quản lý vận tải, chống quá mớn, quá tải tại các cảng, bến thủy nội địa, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm ATGT. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 28 người, bị thương 13 người. So với 4 tháng đầu năm 2016, giảm 4 vụ tai nạn, tăng 14 người chết và tăng 10 người bị thương. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu do thuyền viên, người lái phương tiện bất cẩn, tránh, vượt sai quy định (10/26 vụ, chiếm 38,46%); do lật thuyền khi qua sông hoặc trên hồ thủy điện (9/26 vụ, chiếm 34,62%); do cháy tàu du lịch; do điều kiện thời tiết xấu, sóng to, gió lớn; tàu chở quá tải… Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, còn có một số tồn tại: công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn để tình trạng phương tiện chở quá tải trọng, đặc biệt là phương tiện thủy nội địa chở vật liệu xây dựng; công tác phối hợp với doanh nghiệp cảng về kiểm soát bốc xếp hàng hóa lên ô tô chưa được thường xuyên, liên tục, vẫn còn xe ô tô chở quá tải trọng ở cảng thủy nội địa. Có khoảng 154 lễ hội liên quan đến đường thủy nội địa được tổ chức trong năm, phần lớn diễn ra vào 3 tháng đầu năm với số lượng người tham gia lớn, trong khi công tác giám sát, tuyên truyền về bảo đảm ATGT thủy tại lễ hội chưa được chặt chẽ. Ngoài ra, công tác tổ chức quản lý đối với phương tiện thô sơ, phương tiện miễn đăng ký chưa được các địa phương quan tâm. Ý thức của thuyền viên, người lái phương tiện thủy về triển khai các thiết bị cứu sinh đến hành khách, người đi trên phương tiện thủy chưa được thường xuyên, liên tục; áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh chưa được đặt đúng nơi quy định… Để khắc phục tình trạng trên, tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa: rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan điều chỉnh hoạt động vận tải, đảm bảo ATGT; kiên quyết xử lý và không cấp phép cho các phương tiện thủy rời cảng, bến khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn, chở quá tải trọng cho phép; tăng cường phối hợp với địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thực hiện kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện thủy nội địa tại các cảng, bến thủy nội địa. Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành giữa 3 Cục (Cục Đường thủy nội địa, Cục Cảnh sát Giao thông và Cục Đăng kiểm Việt Nam), tập trung kiểm tra, xử lý đối với vận tải hành khách, tham quan, du lịch, lưu trú ngủ đêm, vận tải khách ngang sông, dọc tuyến. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đường thủy nội địa. Thường xuyên kiểm tra, quản lý, bảo trì đường thủy nội địa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành xử lý vi phạm… Nguyệt Hà

13,1 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc

TĐKT  - Chiều 25/4, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT tháng 4/2017. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì. Đến dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị của BHXH Việt Nam; cùng gần 100 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, Hà Nội. Tại hội nghị, BHXH Việt Nam đã thông tin đến các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí về một số nội dung đang được dư luận quan tâm: vấn đề nghỉ hưu trước ngày 1/1/2018, từ ngày 1/1/2018 trở đi và việc điều chỉnh cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018; công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; đổi mới phương thức trong cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho người lao động; tình hình tổ chức hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT năm 2017; việc sử dụng và đấu thầu cung cấp thuốc biệt dược gốc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; kết quả hoạt động quý I/2017 và những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được BHXH Việt Nam triển khai trong quý II/2017. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2017, ước số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,1 triệu người, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016; bảo hiểm thất nghiệp là 11,2 triệu người, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016; BHXH tự nguyện là 235 nghìn người, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016; số người tham gia BHYT là 76,2 triệu người (đã bao gồm lực lượng vũ trang) tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 82% dân số. Theo đó, số thu trong quý I/2017 toàn ngành ước đạt 63.616 tỷ đồng, đạt 22,5% so với kế hoạch giao, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu BHXH là 43.932 tỷ đồng; thu bảo hiểm thất nghiệp là 2.997 tỷ đồng; thu BHYT là 16.687 tỷ đồng. Số nợ tính đến hết 31/3/2017 là 14.019 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH là 10.001 tỷ đồng; nợ bảo hiểm thất nghiệp là 552 tỷ đồng; nợ BHYT là 3.466 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 20/3/2017, đã có 7 địa phương bàn giao 78.491 sổ BHXH cho người lao động. Bên cạnh việc đảm bảo thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho người tham gia theo quy định, trong quý I/2017, toàn ngành đã tổ chức ký kết hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 2.171 cơ sở y tế. Công tác tuyên truyền, công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh… Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn ghi nhận và cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của các phóng viên, biên tập viên trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nhiệp thời gian qua. Đặc biệt, việc phản ánh kịp thời về những bất cập trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của các cơ quan thông tấn báo chí đã giúp BHXH Việt Nam nắm bắt thông tin và chỉ đạo để kiểm tra, xử lý kịp thời một số bất cập, hạn chế trong thẩm quyền, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh cho người lao động, người dân. Hồng Thiết

Trang