TĐKT – Sáng 5/4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ và UBND TP Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4: tầm nhìn và giải pháp công nghệ”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá về thực trạng và đề ra những giải pháp cho việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong sự phát triển của Chính phủ điện tử, nhằm tăng cường năng lực quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước, đồng thời, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công, đón đầu xu thế phát triển đất nước khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang gần kề.
Các báo cáo tại Hội thảo đã đề cập đến những vấn đề nổi bật: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các vấn đề đặt ra đối với phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam; một số vấn đề cần quan tâm trong chương trình cải cách hành chính công trong xu hướng phát triển Chính phủ điện tử hiện nay; đảm bảo xác thực và bảo mật phục vụ triển khai Chính phủ điện tử; ứng phó thách thức an ninh mạng trong bảo mật thành phố thông minh; phát triển giáo dục và y tế của TP Hà Nội, hướng đến đô thị thông minh và hiện đại
Toàn cảnh Hội thảo
Hưởng ứng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 quy mô toàn cầu, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước Việt Nam đã và đang được quan tâm đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện Nghị quyết 36a, lộ trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực. Theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc công bố tháng 7/2016, Việt Nam xếp thứ 89/193 trên thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014, đứng thứ 6 trong ASEAN và cũng chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao. Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao với 0,57 điểm, xếp hạng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Trong lộ trình phát triển Chính phủ điện tử, việc xây dựng hạ tầng công nghệ tốt song song với việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là điều thiết yếu. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại rất nhiều cơ hội phát triển to lớn, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các cơ quan Chính phủ cũng như các tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng các giải pháp an ninh thông tin phù hợp nhằm ứng phó kịp thời với những hiểm họa an ninh khi các cuộc tấn công mạng đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Bình Nguyên
Chính trị - Xã hội
Quan tâm triển khai các hoạt động thiết thực trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi
TĐKT - Chiều 4/4, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Hội (nhiệm kỳ 2017 - 2022) và chương trình "Một trái tim - Một thế giới" lần thứ XIV, kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội (4/1992 - 4/2017) và Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4). Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội, Trưởng Ban tổ chức chủ trì buổi gặp mặt. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam lần thứ V (nhiệm kỳ 2017 - 2022) sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội vào ngày 14/4/2017. Đại hội là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với công tác Hội ở Trung ương và 46 tổ chức thành viên. Đại hội có nhiệm vụ tổng kết 5 năm hoạt động nhiệm kỳ IV (2012 - 2017), nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, chưa đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm để tổ chức hoạt động Hội hiệu quả hơn trong tình hình mới, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ V (2017 - 2022). Tham dự Đại hội có 287 đại biểu chính thức được lựa chọn từ 46 tỉnh, thành Hội, hiệp thương với các cơ quan Trung ương, những cá nhân tiêu biểu. Trong đó, có 212 đại biểu là nữ, 19 đại biểu người dân tộc, 17 đại biểu tôn giáo. Trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội sẽ diễn ra Chương trình giao lưu "Một trái tim - Một thế giới" lần thứ XIV được ghi hình lúc 20h ngày 12/4 và phát sóng trên VTC2 lúc 20h ngày 15/4. Chương trình gắn với hoạt động kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội, kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam. Đây là chương trình thường niên của Hội nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các vấn đề của người khuyết tật, biểu dương những tấm gương vượt khó, tri ân các tấm lòng người bảo trợ, đồng thời vận động quyên góp ủng hộ Quỹ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Ban tổ chức chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí 5 năm qua, trong tình hình kinh tế còn khó khăn, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ quỹ bằng tiền và hiện vật quy tiền được hơn 1.862 tỷ đồng; phối hợp với các đơn vị khác thực hiện các hoạt động trợ giúp với tổng trị giá gần 275 tỷ đồng; triển khai nhiều hoạt động trợ giúp, hỗ trợ hơn 6 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác. Trong đó: tổ chức phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể cho 58.900 người khiếm thị; phẫu thuật, chỉnh hình phục hồi chức năng cho 8.300 người khuyết tật; mổ tim cho 2.300 người; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1,3 triệu lượt người; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 84.000 người khuyết tật, trẻ mồ côi và một số đối tượng thuộc hộ cận nghèo; tặng 51.900 xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ khác cho người khuyết tật; tặng 18.900 xe đạp cho trẻ mồ côi; xây mới, sửa chữa 5.300 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; đào tạo nghề cho 11.800 người khuyết tật... Nhận định về hoạt động Hội nhiệm kỳ IV, ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội cho biết: Hội đã chú trọng triển khai các chương trình hỗ trợ gần hơn với nhu cầu của người khuyết tật, trẻ mồ côi, đặc biệt là chăm lo cho các đối tượng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Xu hướng đưa hoạt động bảo trợ theo cách tiếp cận mới dựa trên quyền đã đi vào chiều sâu, mang tính bền vững, thu hẹp dần cách trợ giúp theo chiều rộng, mang tính từ thiện, nhân đạo thuần túy. Phương ThanhChung kết cuộc thi Hùng biện tiếng Anh toàn cầu EF Challenge năm 2017
TĐKT - Sáng 26/3, tại Hà Nội, Tổ chức Giáo dục quốc tế EF Education First tổ chức vòng chung kết cuộc thi Hùng biện tiếng Anh toàn cầu EF Challenge năm 2017 với sự tham gia của Đại sứ Anh, ngài Giles Lever trong vai trò là Ban giám khảo. Vượt qua gần 10.000 đối thủ và vòng thi khu vực được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (ngày 18/3 – 19/3), 9 học sinh xuất sắc nhất của cả hai cấp THCS và THPT trên toàn quốc đã tham dự vòng thi chung kết. Ban Tổ chức trao hoa và phần thưởng cho 2 học sinh đạt giải nhất Kết thúc cuộc thi, giải nhất khối THPT thuộc về em Lý Khánh Quỳnh, Trường THPT Thoại Ngọc Hầu, An Giang, em sẽ đại diện Việt Nam tham dự diễn đàn Lãnh đạo trẻ tại New York, Mỹ mùa hè này. Giải nhất khối THCS thuộc về em Trần Mỹ Trâm Mai,THCS thị trấn Dương Minh Châu, Tây Ninh, em sẽ tham gia khóa học hè 2 tuần tại trường EF Singapore mùa hè này. Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp EF Việt Nam tổ chức cuộc thi này với mục đích mang lại cho các em học sinh trung học một sân chơi mang tính toàn cầu đúng nghĩa để các em được tự do và tự tin thể hiện tính sáng tạo, tư duy sắc sảo, nội dung sâu sắc và phong cách thuyết trình bằng tiếng Anh ấn tượng. Đây là cuộc thi có quy mô toàn cầu và học sinh Việt Nam đã liên tục có đại diện giành giải thưởng cao nhất để tham gia các diễn đàn cùng các bạn đến từ các quốc gia khác nhau. Chủ đề của cuộc thi EF Challenge năm nay là: “What does it mean to be a Global Citizen” (tạm dịch: Trở thành công dân toàn cầu, điều đó có nghĩa là gì?). Phương ThanhTĐKT - Tối 25/3, đồng loạt 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất bằng hành động biểu trưng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong 1 giờ từ 20h30 đến 21h30.
Đây là sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Đến nay, có 172 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố đã tham gia hưởng ứng chiến dịch.
Chiến dịch Giờ Trái đất 2017 tại Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương chỉ đạo, dưới sự tổ chức của Tổng cục Năng lượng, sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Sài Gòn và Daikin Việt Nam.
Chương trình tắt đèn 1h hưởng ứng Giờ Trái đất 2017 tại Hà Nội
Chiến dịch Giờ Trái đất 2017 chính thức được lan tỏa từ sự kiện Khởi động tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vào ngày 5/3/2017. Sự kiện đã thu hút đông đảo sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội và nhiều tình nguyện viên tham gia. Tiếp đó, hàng loạt hoạt động hưởng ứng đã diễn ra trong suốt tháng 3 tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.
Chiến dịch Giờ Trái đất nhận được sự ủng hộ của nhiều sinh viên Thủ đô
Các Đại sứ của Chiến dịch Giờ Trái đất 2017: ca sĩ Noo Phước Thịnh, diễn viên Nhã Phương, MC Phan Anh, Á hậu Thụy Vân đã có nhiều buổi giao lưu với hàng nghìn bạn trẻ, tuyên truyền ý nghĩa và chia sẻ hành động bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và cùng tham gia đi bộ, đạp xe cổ động và vận động cộng đồng tham gia chiến dịch. Không chỉ góp phần tiết kiệm một phần sản lượng điện tiêu thụ, chiến dịch Giờ Trái đất 2017 đã góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của người dân, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Sự kiện chính của chiến dịch Giờ Trái đất 2017 là Lễ tắt đèn chiếu sáng được diễn ra tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, trước Nhà hát lớn Hà Nội từ 20h30 đến 21h30 tối 25/3, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, tiến hành đồng thời tại các thành phố lớn trên cả nước.
Sau 1 giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết, hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được 471.000 kwh, tương đương khoảng 764 triệu đồng.
Mai Thảo
TĐKT - Tối 26/3, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Ninh Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1/4/1992 - 1/4/2017). Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự có đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; các thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, đại biểu lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, đại biểu chức sắc tôn giáo, các tầng lớp nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Mặc dù xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, song sau 25 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình đã nỗ lực vượt lên khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế có bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,59% trong 25 năm qua. Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) gấp 52 lần so với năm 1992 (tính theo giá hiện hành); thu ngân sách, đạt 7.264 tỷ đồng - cao nhất từ trước tới nay, gấp 181 lần so với năm 1992; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gấp trên 400 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Du lịch có bước phát triển đột phá, với quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, mở ra cơ hội đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2016, Ninh Bình đã đón 6,5 triệu lượt khách, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 8.300 tỷ đồng; công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến nay toàn tỉnh có 60/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng Hoa Lư đã trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và cũng là của cả nước theo tiêu chí mới. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện, đạt được nhiều kết quả tốt; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của tỉnh.
Chủ tịch nước tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu, kết quả to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong 25 năm qua. Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đạt được đã từng bước làm thay đổi diện mạo của vùng đất thuần nông nghèo khó, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Đây là niềm tin, động lực to lớn, là cơ sở vững chắc để Ninh Bình tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tiếp theo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình cần ra sức phát huy truyền thống cách mạng, nguồn lực văn hóa đặc sắc của quê hương, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trên tinh thần này, Ninh Bình cần tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sạch; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, giá trị gia tăng cao... Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng theo quy hoạch, bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường. Cần chú trọng phát triển du lịch bền vững, nhất là du lịch hướng về cội nguồn, sinh thái - nghỉ dưỡng gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia. Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, các di tích lịch sử - văn hóa; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với phát triển văn hóa và tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch, bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Cùng với phát triển kinh tế, Ninh Bình cần chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; xây dựng, triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập, chống tái nghèo. Phát huy đoàn kết lương giáo, định hướng, động viên các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự. Tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, gần dân, sâu sát dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ninh Bình cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp; phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu đẹp…
Hà Thanh
TĐKT - Chiều 24/3, Bộ Y tế tổ chức Lễ khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự.
Sau hơn 30 năm triển khai, chương trình tiêm chủng mở rộng đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở nước ta và được người dân hưởng ứng, tham gia tích cực. Hơn 600 triệu liều vắc - xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em cũng như người dân Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dịch vụ tiêm chủng đã gặp không ít khó khăn trong việc quản lý đối tượng do biến động dân số, người dân thay đổi chỗ ở. Việc theo dõi lịch sử tiêm chủng của con em mình, đặc biệt trong những năm gần đây khi mà mỗi đối tượng được tiêm nhiều loại vắc - xin trong suốt cuộc đời mình theo hình thức tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Những khó khăn này đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc quản lý, thống kê, báo cáo và chỉ đạo điều hành công tác tiêm chủng.
Nghi thức khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia
Để khắc phục những khó khăn này, từ cuối năm 2015 đến nay, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) xây dựng, triển khai áp dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia. Hiện nay, hệ thống này đã triển khai thí điểm ở 5 tỉnh, thành phố và sẽ được tiến hành nhân rộng trên toàn quốc vào tháng 6/2017.
Hệ thống quản lý tiêm chủng với việc phân cấp quản lý, đảm bảo tính bảo mật cho hệ thống và người tham gia. Khi thực hiện quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, các cán bộ y tế nắm được tình hình tiêm chủng trên phạm vi cả nước, từng tỉnh, huyện, xã phụ trách nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và triển khai hoạt động tiêm chủng một cách kịp thời, khoa học, hiệu quả.
Thông qua hệ thống, lịch sử tiêm chủng người dân được theo dõi suốt đời. Đặc biệt, dù đối tượng tiêm chủng thay đổi chỗ ở vẫn được theo dõi trên hệ thống. Ngoài ra còn có các tiện ích cho người dân: chủ động khai báo thông tin, đăng ký tiêm chủng, hẹn lịch tiêm, nhận tin nhắn nhắc người dân đi tiêm chủng, tra cứu lịch sử tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia này, đồng thời yêu cầu Bộ Y tế phối hợp các đơn vị liên quan để có thể lồng ghép quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến y tế cơ sở vào phần mềm.
Hệ thống Quản lý thông tin Tiêm chủng Quốc gia được áp dụng chính thức từ 24/3, và áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1/6/2017. Đến ngày 1/6/2018 sẽ không sử dụng giấy trong tiêm chủng trên 17.000 điểm tiêm chủng trong toàn quốc. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc áp dụng hệ thống sẽ giúp Hà Nội tiết kiệm được hơn 13.000 ngày công.
Từ năm 2016 đến nay, hệ thống đã được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố với kết quả 100% xã, phường đã nhập thông tin của hơn 700.000 trẻ em trong 2 năm gần nhất, trên 1.400 đơn vị đã tham gia nhập liệu và sử dụng hệ thống.
Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: sự ra đời của hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia thêm một lần nữa khẳng định những bước tiến rất xa của ngành y tế trong việc đưa ứng dụng viễn thông và công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân.
Mai Thảo
TĐKT - Chiều 22/3, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, Bệnh viện K, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec và Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ sàng lọc và điều trị bệnh ung thư dành cho bệnh nhân nghèo.
Lễ ký kết hợp tác
Theo đó, thông qua Quỹ Thiện Tâm và hệ thống y tế Vinmec, Tập đoàn Vingroup sẽ tài trợ hơn 10 tỷ đồng để triển khai các hoạt động tầm soát, sàng lọc và phát hiện sớm ung thư. Đồng thời, Bệnh viện K và Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tương sáng sẽ lựa chọn và gửi tới điều trị tại Vinmec hơn 300 ca bệnh ung thư và 130 ca ghép tạng (gan, thận).
Với những bệnh nhân ung thư gan, phổi, vú, đường tiêu hóa và các ca ghép gan (dành cho bệnh ung thư gan chưa di căn)… có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị.
Mục tiêu của hợp tác 4 bên nhằm phát huy năng lực và thế mạnh của từng bên, tận dụng hiệu quả các tiềm năng về cơ sở vật chất, con người , chuyên môn trong việc hỗ trợ các bệnh nhân nghèo ung thư tiếp cận công nghệ điều trị tân tiến và tuyên truyền phòng, chống ung thư cho cộng đồng.
Hồng Thiết
TĐKT - Chiều 22/3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam (VAIP) tổ chức lễ công bố Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam năm 2016 (Vietnam ICT Index 2016)
Báo cáo Vietnam ICT Index 2016 tiếp tục cung cấp các thông tin về thực trạng phát triển và ứng dụng CNTT-TT, đồng thời đưa ra những đánh giá, xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT dựa trên cơ sở số liệu thu thập được từ các khối bộ, cơ quan ngang bộ; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tập đoàn kinh tế, tổng công ty và ngân hàng thương mại.
Năm nay, báo cáo Vietnam ICT Index có sự tham gia xếp hạng của 24 bộ, ngành; 63 địa phương; 29 ngân hàng thương mại và 21 tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Đây là năm thứ 11, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với VAIP thực hiện báo cáo Vietnam ICT Index.
Theo báo cáo, ở nhóm 20 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, 2 vị trí dẫn đầu tiếp tục thuộc về Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo vươn lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng. Cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2016 còn có 4 bộ, cơ quan ngang bộ cũng tăng hạng so với năm 2015, gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Dân tộc.
Trong nhóm 5 cơ quan thuộc Chính phủ, không có dịch vụ công, Đài Truyền hình Việt Nam dẫn đầu về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT năm 2016; tiếp đó là Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Riêng Đài Tiếng nói Việt Nam do không có số liệu nên không tham gia xếp hạng.
Đối với khối 63 địa phương, vị trí dẫn đầu bảng bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT 2016 vẫn thuộc về Đà Nẵng, tiếp đến là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Với nhóm 29 ngân hàng thương mại, 5 vị trí dẫn đầu lần lượt là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội và Ngân hàng TMCP Nam Á.
Ở nhóm 21 tập đoàn kinh tế, tổng công ty, 3 vị trí đầu bảng xếp hạng lần lượt thuộc về các Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị, Thép Việt Nam và Hàng không Việt Nam.
Bình Nguyên
TĐKT - Ngày 22/3, tại TP Bắc Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới 22/3. Dự mít tinh có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến; đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo học sinh trên địa bàn TP Bắc Ninh.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện đang có hơn 663 triệu người trên toàn cầu phải xếp hàng nhiều giờ, đi bộ cả chục cây số để lấy nước sinh hoạt, đó là chưa kể số người chịu ảnh hưởng tiêu cực do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn. Trong khi đó, phần lớn nước thải từ các hộ gia đình, các thành phố, các khu đô thị hiện nay trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa được xử lý, thải thẳng vào môi trường, làm gia tăng ô nhiễm môi trường và nguồn nước sạch vốn đang ngày càng trở nên khan hiếm dưới tác động của biến đổi khí hậu. Giảm thiểu nước thải, tăng cường xử lý và tái sử dụng nước thải là góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, qua đó nâng cao chất lượng sống của người dân. Với ý nghĩa đó, năm 2017, Liên hợp quốc chọn “Nước thải” làm chủ đề cho Ngày nước thế giới nhằm ủng hộ mục tiêu phát triển bền vững về nâng cao chất lượng nước, giảm thiểu nước thải, tăng cường xử lý và tái sử dụng nước thải với thông điệp quan trọng nhất là giảm thiểu và tái sử dụng nước thải để tránh lãng phí, cải thiện nguồn nước cho các sinh vật sống.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ mít tinh
Là quốc gia nằm ở cuối các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước đang đứng trước rất nhiều thách thức, hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng. Theo đánh giá của Ngân hàng Châu Á, Việt Nam thuộc diện quốc gia thiếu nước. Tài nguyên nước nội địa Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới, khoảng 3.600 m3/người/năm, thấp hơn mức bình quân toàn cầu là 4.000 m3/người/năm. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước gắn liền với công tác bảo vệ môi trường theo phương pháp tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước đảm bảo tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị cộng đồng xã hội cùng chung tay hành động, nỗ lực để giải quyết những thách thức về môi trường nói chung, vấn đề nước thải nói riêng.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh khẳng định: phát triển kinh tế sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu không gắn liền bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống con người, trong đó nước sạch là yếu tố hàng đầu để đảm bảo sức khỏe cho con người - đây không phải là nguồn tài nguyên vô hạn nhưng chắc chắn đó là tài nguyên có thể tái tạo. Trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện; đồng thời tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức, hành vi của toàn xã hội về giảm thiểu ô nhiễm, tái sử dụng nước thải, sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn đồng thời phát triển bền vững môi trường.
Bình Nguyên
Vận động cộng đồng quan tâm chăm sóc răng miệng cho bản thân và trẻ em
TĐKT – Sáng 20/3, tại Hà Nội, Bệnh viện Răng Hàm Mặt (RHM) Trung ương Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Nha khoa tổ chức Lễ Mít tinh Ngày sức khỏe răng miệng thế giới, phát động tuần lễ khám răng miệng miến phí và tuần phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em khuyết tật khe hở môi và khe hở vòm miệng. GS,TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội, cho biết: ở nước ta hiện có hơn 90% dân số mắc các bệnh về răng miệng, phổ biến như sâu răng, viêm lợi, lệch lạc răng ở trẻ em, mất răng ở người lớn... Các bệnh răng miệng thường gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sức khỏe, thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh răng miệng còn là ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng trong khoang miệng và có thể còn là nguyên nhân của một số bệnh nội khoa như viêm cầu thận, viêm nội tâm mạc, viêm khớp... Do các bệnh này có tỉ lệ mắc khá cao trong cộng đồng nên việc chưa trị là rất tốn kém. Thực tế cho thấy không có nước nào có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị các bệnh răng miệng cho cả cộng đồng và hầu hết các nước đều phải quan tâm tới phòng bệnh với các hoạt động dự phòng được thực hiện trong phạm vi cả nước. Thấy được các khó khăn khi mở rộng chương trình Nha học đường và flour hóa nước cấp, từ năm 2006, Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội đã cùng WHO triển khai kế hoạch đưa flour vào muối ăn cho cộng đồng để có thể trong một khoảng thời gian không lâu nữa, toàn bộ hơn 90 triệu người Việt Nam đều được dự phòng sâu răng bằng flour theo đường toàn thân (qua ăn, uống). Năm 2011, WHO đã công nhận Việt Nam là Quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á sử dụng muối flour để dự phòng sâu răng cho cộng đồng ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Sau 5 năm thực hiện, cuối năm 2016, Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đã có kết luận sử dụng muối flour dự phòng sâu răng cho cộng đồng ở Lào Cai là an toàn và hiệu quả. Nhân dịp này, ngành RHM sẽ tổ chức tuần lễ khám răng miệng và tư vấn miễn phí cho cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước; khám và điều trị sâu răng cho trẻ em ở các trường tiểu học. Cùng với đó, Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội sẽ cùng Bệnh viện Mắt - RHM Cần Thơ tổ chức tuần lễ mổ nhân đạo cho trẻ em khuyết tật khe hở môi và khe hở vòm miệng. Bệnh viện RHM Trung ương Hà Nội cũng sẽ trao tặng các trang thiết bị, dụng cụ và vật liệu nha khoa cho các phòng nha học đường của 15 trường Tiểu học thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) và một số trường ở tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu để chăm sóc răng miệng toàn diện cho trẻ em học đường... Minh PhươngTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 290
- 291
- 292
- 293
- 294
- …
- sau ›
- cuối cùng »