TĐKT - Sáng 6/6, tại Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp với Tập đoàn Sơn Hà tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Bồn tự hoại Septic Sơn Hà - Giải pháp xanh trong xử lý nước thải". Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý đến từ Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng đại diện các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước.
Hội thảo đã được nghe các diễn giả thảo luận về một số vấn đề: thực trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt và những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người; các giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt tại Việt Nam. Hội thảo còn có phần đối thoại của diễn giả nước ngoài về giải pháp xử lý nước thải ở các nước tiên tiến, cũng như độ phủ của sản phẩm bồn tự hoại Septic, đặc biệt là khu vực châu Á.
Toàn cảnh Hội thảo
Ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt của các hộ dân, các khu chung cư, khu công nghiệp đang trở thành vấn đề báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Theo đánh giá của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 9000 người chết vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; trên 100.000 trường hợp mắc ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước đang gây tổn thất lớn cho các ngành sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...
Việc xử lý nước thải sinh hoạt trong các khu dân cư, khu đô thị hiện nay vẫn dựa trên hệ thống bể phốt bằng bê tông. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, dưới sức ẩm và tác động của môi trường, các bể tự hoại truyền thống bằng bê tông có nguy cơ xuống cấp và rò rỉ chất thải trực tiếp ra môi trường, thậm chí tràn vào nguồn nước ăn được chứa trong bể ngầm, ngấm vào nguồn nước ngầm. Đây cũng là một trong rất nhiều tác nhân dẫn tới ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá và đưa ra giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo an toàn, không gây hại tới môi trường và sức khỏe con người được các nhà khoa học, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Tại Hội thảo, các chuyên gia môi trường, các nhà khoa học và các doanh nghiệp đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ. Trong đó, Tập đoàn Sơn Hà mang đến giải pháp xanh, an toàn cho môi trường với sản phẩm bồn tự hoại Septic - giải pháp thay thế cho các bể tự hoại bằng bê tông cốt thép truyền thống.
Bồn tự hoại Septic Sơn Hà được sản xuất từ vật liệu nhựa LLDPE (nhựa nguyên sinh) liền khối dày từ 6 - 8 mm, với nhiều gân cứng xung quanh nên rất cứng vững, chịu được rất nhiều tạp chất hóa học, có khả năng chống thấm cực cao, ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ rò rỉ nước thải. Sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền công nghệ của Ấn Độ và thử nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế vô cùng khắt khe. Bồn có thiết kế kiểu dáng dạng cầu hiện đại. Ngoài chức năng chứa nước thải, bồn tự hoại Septic còn trang bị hệ thống hàng trăm quả cầu lọc thông minh vừa đánh tan chất thải thô, vừa có tác dụng là nơi trú ngụ của các vi sinh vật kỵ khí, giúp lọc, tiêu hủy và ngăn không cho chất thải thô hữu cơ thoát ra môi trường, đảm bảo chất lượng nước thải đạt loại B (an toàn với môi trường). Đặc biệt, sản phẩm dễ dàng vận chuyển, lắp đặt với mọi địa hình như trong nhà, ngoài vườn, các công trình công cộng..., giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bình Nguyên
Chính trị - Xã hội
TĐKT - Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017, tối 4/6, tại TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường năm 2017 với chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên”. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi.
Tháng hành động vì môi trường được phát động nhằm kêu gọi toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp bằng những hành động thiết thực cùng nhau bảo vệ môi trường; thay đổi hành vi, lối sống để góp phần cải thiện, bảo vệ thiên nhiên, môi trường cho chính chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện bảo vệ môi trường trong kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư; thực hiện chính sách thu hút đầu tư đối với những ngành, lĩnh vực ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của các tổ chức chính trị- xã hội, cộng đồng, quần chúng nhân dân từ hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách pháp luật, huy động nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường, đồng thời cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường… Mỗi người mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp hãy sớm hành động, sống hài hòa với thiên nhiên, hãy bảo vệ thiên nhiên vì sức khỏe của mình, vì an lành của mình, vì tương lai của mỗi gia đình, mỗi làng quê, góc phố, mỗi quốc gia và toàn cầu… Hãy nói không với các hành động hủy hoại môi trường, hãy xấu hổ, hãy ngủ không yên khi mình hủy hoại môi trường và sự bình yên của người khác, của đất nước và nhân loại.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ phát động Tháng hành động vì môi trường 2017
Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai đồng loạt các nhiệm vụ trọng tâm gồm xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nhằm khắc phục những tồn tại, nhất là quy định về công cụ, biện pháp quản lý nhà nước, biện pháp kỹ thuật kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp; xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư; rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tổng cục Môi trường; hoàn thiện cơ chế chính sách, mô hình xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đảm bảo sau năm 2020 không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng giải thưởng Môi trường Việt Nam cho các tổ chức, nhóm cộng đồng, cá nhân có thành tích trong lĩnh vực môi trường năm 2017.
Minh Phương
TĐKT - Sáng 2/6, tại Hà Nội, Học viện Quân y, Hội Ghép tạng Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học tổng kết thành tựu 25 năm ghép tạng Việt Nam. Tới dự, có: GS, TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; GS, TS. Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam; GS, TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y.
Hội nghị được tổ chức nhằm kỷ niệm ngày ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam, tôn vinh các nhà khoa học có nhiều công lao, đóng góp cho ngành ghép tạng Việt Nam. Đồng thời, đây là diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đề cập một số vấn đề cần đặt ra cho sự nghiệp phát triển của chuyên ngành ghép tạng tại Việt Nam.
GS, TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS, TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết: ghép tạng là một trong những thành tựu lớn nhất của y học. Đến nay, ghép tạng đã trở thành một biện pháp điều trị rộng rãi và có hiệu quả đối với nhiều bệnh lý, cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đến nay, kỹ thuật ghép tạng trên thế giới đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thời gian sống sau ghép của bệnh nhân đã tăng đáng kể (trên 30 năm với ghép thận, trên 25 năm với ghép gan, trên 20 năm với ghép tim), chất lượng cuộc sống sau ghép của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt và có thể hòa nhập với cộng đồng trong lao động, học tập, kết hôn và sinh con...
Ước mơ ghép tạng đã được các nhà khoa học Việt Nam thai nghén từ trong những năm tháng còn khói lửa chiến tranh, nhưng do điều kiện khó khăn của đất nước, ước mơ đó chưa thành hiện thực. Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, Học viện Quân y đã ghép thận thực nghiệm. Sau khi đoàn cán bộ đầu tiên đi học tập về ghép tạng từ Cu Ba về nước, với sự quyết tâm cao của ngành Y tế, sự kết hợp quân dân y và những nỗ lực của các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Đài Loan, ngày 4/6/1992, trường hợp ghép thận đầu tiên ở Việt Nam đã được thực hiện thắng lợi. Thành công này đã viết lên trang sử mới cho nền y học nước nhà, đánh dấu mốc son trên bản đồ ghép tạng và khởi đầu cho một chuyên ngành mới ở nước ta - chuyên ngành ghép tạng. Từ đó đến nay, chuyên ngành ghép tạng Việt Nam, trực tiếp là Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đã tiến hành ghép gan (2004), ghép tim (2010), ghép đồng thời đa tạng thận - tụy (2014) và ghép phổi (2017). Sau 25 năm, nước ta đã có 18 cơ sở (trong đó có cả bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện ngành) có đủ điều kiện để tiến hành ghép tạng.
Tuy nhiên, chuyên ngành ghép tạng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là có nhân lực, kỹ thuật trong tay, nhưng nguồn tạng để ghép lại thiếu, chi phí thực hiện ghép tạng cao… Đến nay, cả nước mới chỉ có khoảng hơn 1.500 ca ghép tạng được thực hiện. Con số đó là quá ít ỏi so với nhu cầu của người bệnh. Theo các thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước có khoảng 6000 người suy thận mạn tính cần được ghép thận, 300.000 người bị mù lòa vì các bệnh lý giác mạc cần được ghép giác mạc… Theo số liệu điều tra sơ bộ mới thực hiện tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội với 4.143 người bệnh gan thì có đến 1.353 người được chỉ định ghép gan. Như vậy, nhu cầu được ghép tạng là quá lớn, trong khi số người cho, hiến tạng ở nước ta quá hiếm hoi. Đa phần các tạng được ghép đều là những ca ghép tạng cùng huyết thống, do chính anh, chị, em… trong gia đình người bệnh hiến tặng cho họ.
GS, TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cán bộ y, bác sĩ Học viện Quân y chụp ảnh lưu niệm với các bệnh nhân ghép gan, ghép phổi đầu tiên tại bệnh viện
GS, TS. Đỗ Quyết nhấn mạnh: để chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam tiếp tục phát triển, mang lại cơ hội kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân suy tạng, chúng ta cần tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh các loại hình ghép tạng truyền thống, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng và kết quả ghép tạng. Xây dựng quỹ hỗ trợ ghép tạng, duy trì, phát huy vai trò của Hội Ghép tạng để trao đổi, học tập, nâng cao trình độ của chuyên ngành.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành công và đóng góp của chuyên ngành ghép tạng đối với nền y học nước nhà 25 năm qua. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến mong muốn các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, nhất là các cơ quan báo chí, truyền thông cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động về việc hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người... để ngành Y có đủ nguồn tạng cứu chữa bệnh nhân và có điều kiện nghiên cứu nâng cao trình độ y khoa, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nguyệt Hà
Giới thiệu công nghệ Hybrid tại Việt Nam - công nghệ xanh vì cuộc sống
TĐKT - Ngày 1/6 - 2/6, tại Hà Nội, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) tổ chức Hội thảo "Công nghệ Toyota Hybrid" nhằm chia sẻ tính ưu việt của công nghệ xanh này. Thông qua sự kiện, TMV một lần nữa muốn khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với cộng đồng sở tại. Là doanh nghiệp tiên phong về công nghệ Hybrid, nhân dịp này TMV tổ chức hoạt động lái thử và trải nghiệm Prius mới, mẫu xe sử dụng nhiên liệu thay thế bán chạy nhất trên thế giới hiện nay. Vào đầu năm 1939, chỉ sau 2 năm thành lập, Toyota đã bắt tay vào việc nghiên cứu về công nghệ sinh thái. Cho đến năm 1968, việc nghiên cứu về xe Hybrid được triển khai. Để đáp ứng các vấn đề môi trường đang gia tăng, loại tua bin khí đầu tiên và tua bin khí đốt Hybrid đã được phát triển vào những năm 1970 và 1980. Với quá trình theo đuổi lâu dài các công nghệ môi trường, Toyota đã sẵn sàng cho thập niên 90 - một giai đoạn mà các nhà sản xuất ô tô phải đối mặt với sự phát triển mạnh mẽ và nhu cầu xe hơi tăng trưởng đáng kể trên quy mô trên toàn cầu trong thế kỷ 21. Năm 1997, Toyota đã đưa ra một dự án đầy tham vọng với một mục tiêu - thiết kế một chiếc xe đẹp và thân thiện với môi trường để có thể phát triển bền vững cùng với thiên nhiên. Đại diện TMV giới thiệu công nghệ Hybird Trong cùng năm đó, Toyota đã giới thiệu chiếc xe Hybrid đầu tiên trên thế giới, Prius. Kể từ đó, đã có 34 mẫu xe Hybrid khác nhau được giới thiệu ra thị trường để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Tính tới ngày 31/1/2017, Toyota thông báo doanh số bán xe Hybrid trên toàn thế giới đạt hơn 10 triệu chiếc, bao gồm cả các xe plug-in Hybrid (xe hybrid sạc điện). Nhờ sử dụng xe Hybrid của Toyota, thay vì các loại xe chạy bằng xăng thông thường có kích thước và hiệu năng lái xe tương đương, đã giảm thiểu phát thải khoảng 77 triệu tấn khí CO2 và tiết kiệm được khoảng 29 tỷ lít xăng. Cho đến năm 2050, Toyota đặt mục tiêu giảm 90% lượng khí thải CO2 từ các mẫu xe mới so với năm 2010. Mục tiêu này đã được Toyota công bố khi đề cập đến kế hoạch bảo vệ môi trường cho đến năm 2050. Để đạt được điều này, Toyota tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các loại xe thế hệ mới bao gồm các mẫu xe Hybrid, xe Hybrid sạc điện, xe điện và các mẫu xe sử dụng pin nhiên liệu. Lái thử xe ô tô ứng dụng công nghệ Hybrid Tại Việt Nam, ngay từ ngày đầu thành lập, bên cạnh các hoạt động kinh doanh, TMV luôn coi việc bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu. Không chỉ tuân thủ hệ thống quản lý môi trường tiêu chuẩn trong hoạt động sản xuất, TMV còn tiên phong trong việc thực hiện Quy trình Sản xuất sạch. Theo đó, TMV luôn quan tâm đến các ảnh hưởng của môi trường đối với toàn bộ vòng đời sản phẩm từ sản xuất đến bán hàng và sử dụng, sau đó áp dụng và thực hiện các hoạt động phù hợp, giảm thiểu bất kỳ tác động nào. Thêm vào đó, TMV cũng đã kêu gọi các đối tác kinh doanh như đại lý và nhà cung cấp tham gia vào các hoạt động môi trường cũng như hỗ trợ các đối tác trở thành những "Công ty xanh". Nhận thức được tình hình khủng hoảng năng lượng và ô nhiễm không khí đang là những vấn đề cấp bách mà thế giới phải đối mặt ngày nay, cùng với việc thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường mà Toyota đề ra, TMV giới thiệu công nghệ Toyota Hybrid tại Việt Nam với mục đích tạo ra sự hài hòa giữa con người, thiên nhiên và phương tiện giao thông để cùng hướng tới sự phát triển bền vững của xã hội. Phát biểu trong buổi hội thảo, ông Toru Kinoshita – Tổng giám đốc Toyota Việt Nam nhấn mạnh: "Để bảo tồn năng lượng, giảm phát khí thải CO2, đóng góp cho sự phát triển môi trường của Việt Nam, chúng tôi cho rằng các mẫu xe Hybrid là giải pháp tốt nhất với nhiều lợi ích phù hợp với tình hình hiện tại của Việt nam. Trong tương lai, TMV mong muốn giới thiệu những chiếc xe tốt hơn tại đây nhằm giảm lượng khí thải CO2 nhờ công nghệ Hybrid. Hướng tới việc kiến tạo một xã hội thực sự bền vững, chúng tôi hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và tất cả các đối tác, hãy cùng chúng tôi bảo vệ môi trường Việt Nam". Phương ThanhTĐKT - Chiều 1/6, tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp Hiệp hội Sữa Việt Nam tổ chức Hội thảo "Sữa, sản phẩm sữa với sức khỏe cộng đồng" nhằm cung cấp những bằng chứng khoa học, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về tầm quan trọng của sữa và các sản phẩm từ sữa, vai trò và giá trị dinh dưỡng của sữa đối với sức khỏe.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi các nội dung chính: khuyến nghị về việc sử dụng sữa, sản phẩm sữa đối với người Việt Nam; công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với sữa, sản phẩm sữa tại Việt Nam; chia sẻ một số vấn đề liên quan đến những lợi ích của sữa, quy trình chế biến và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, những ứng dụng thực tế của các doanh nghiệp ngành sữa trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo nguồn sữa chất lượng và đầy đủ dinh dưỡng đến tay người tiêu dùng; tọa đàm sữa với sức khỏe người Việt.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), trong thập kỷ qua, bữa ăn của người Việt Nam đã có nhiều biến đổi. Điều tra tiêu thụ thực phẩm năm 2010 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy: khẩu phần trung bình đã được cải thiện rõ rệt do sự gia tăng đáng kể các thức ăn động vật (đặc biệt là thịt), dầu mỡ, lượng quả chín... làm cho bữa ăn đa dạng và cân đối hơn. Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh (trung bình 84 g/người/ngày), kéo theo tăng lượng protein khẩu phần nhưng phần lớn nguồn protein đều từ các thực phẩm như thịt, giò, chả, cá, trứng, đậu đỗ… chưa mang lại cho khẩu phần tính cân đối và hợp lý cho việc cung cấp, hấp thu và sử dụng canxi cho cơ thể bởi thịt không phải là nguồn canxi tốt. Mức tiêu thụ sữa trung bình chỉ khoảng 12 lít/người/năm, chưa bằng một nửa của Thái Lan, 1/3 Singapore và kém xa mức tiêu thụ sữa của người châu Âu. Vì thế, mức đáp ứng nhu cầu canxi của người Việt nói chung mới chỉ đạt ở mức xung quanh 60%.
Theo kết quả tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2010 thì chiều cao trung bình của người Việt Nam là 164,4 cm đối với nam và 153,4 cm đối với nữ, thấp hơn nhiều so với người Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Singapore. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý; đặc biệt là một khẩu phần canxi thấp trường diễn của người Việt Nam.
Khuyến cáo sử dụng sữa hàng ngày như một phần của chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe đã được nhất trí cao của nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), Chính phủ các nước như Mỹ và Liên Minh Châu Âu. Tháng 2/2016, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã đưa ra khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm cho người Việt Nam. Theo đó, sữa và chế phẩm từ sữa được khuyến cáo như 1 thực phẩm trong khẩu phần hàng ngày với mức tiêu thụ phù hợp với nhu cầu canxi theo tuổi và tình trạng sinh lý. Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm được tính theo đơn vị sữa (1 đơn vị sữa tương đương với 100 mg canxi). Cụ thể là từ 3 - 5 tuổi: 4 đơn vị sữa/ngày; 6 - 7 tuổi: 4,5 đơn vị sữa/ngày; 8 - 9 tuổi: 5 đơn vị sữa/ngày; 10 - 19 tuổi: 6 đơn vị sữa/ngày; 20 - 49 tuổi: 3 đơn vị sữa/ngày; 50 - 69 tuổi: 3,5 đơn vị sữa/ngày; từ 70 tuổi trở lên: 4 đơn vị sữa/ngày; phụ nữ có thai: 6 đơn vị sữa/ngày và bà mẹ cho con bú cần tiêu thụ 6,5 đơn vị sữa/ngày.
Các hiểu biết về mối quan hệ giữa sữa, chế phẩm sữa và sức khỏe là rất cần thiết để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng biết cách thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm phát triển tối ưu tiềm năng di truyền, bảo vệ sức khỏe và từng bước cải thiện tầm vóc người Việt.
Phương Thanh - Hồng Thiết
TĐKT – Sáng 1/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Sữa Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk tổ chức Lễ phát động “Hưởng ứng Ngày Sữa thế giới - World Milk Day” và Chương trình chào mừng “Ngày hội Quốc tế Thiếu nhi 1/6”. Thông qua sự kiện, Ban tổ chức mong muốn kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, các bậc phụ huynh, nhà trường, các tổ chức đoàn thể đồng hành cùng Hiệp hội Sữa Việt Nam và Vinamilk mang đến cơ hội uống sữa cho tất cả trẻ em Việt Nam để các em được phát triển toàn diện.
Theo Báo cáo Quốc gia về Thanh niên Việt nam, chiều cao trung bình của người Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á, kém 8 cm so với Nhật Bản, Hàn Quốc; kém 7 cm so với Trung Quốc, 5- 6 cm so với Thái Lan và Singapore. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, đặc biệt là thói quen uống sữa của người Việt Nam. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trung bình mỗi người Việt tiêu thụ chỉ khoảng 15 lít sữa một năm, con số này chỉ bằng một nửa của Thái lan, 1/3 Singapore và kém xa mức tiêu thụ 300 lít sữa một năm của châu Âu.
Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), Chính phủ các nước như Mỹ và Liên Minh châu Âu đều khuyến cáo sử dụng sữa hàng ngày như một phần của chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Điều này cho thấy tại các nước phát triển, từ lâu họ đã ý thức được tầm quan trọng của sữa đối với sức khỏe con người. Do đó, tổ chức Nông Lâm thế giới (FAO) đã chọn ngày 1/6 hàng năm làm Ngày Sữa thế giới nhằm tăng sự nhận biết về tầm quan trọng của sữa và các sản phẩm từ sữa, cũng như giúp hiểu thêm mọi khía cạnh liên quan đến ngành sữa (nguồn gốc, giá trị dinh dưỡng từ sữa….). Trong đó, vai trò của sữa được nhấn mạnh là nguồn thực phẩm dinh dưỡng quan trọng trong các bữa ăn hàng ngày của tất cả mọi người trên toàn thế giới, đặc biệt là trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước.
Tổng giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên kỳ vọng: “Tôi mong muốn giới trẻ Việt Nam có thể đạt mức như các nước trong khu vực, mỗi ngày chỉ cần dùng khoảng 0,5 lít sữa hoặc các sản phẩm từ sữa để thể lực và trí tuệ cải thiện". Với tôn chỉ đó, trong suốt chặng đường 40 năm hình thành và phát triển, Vinamilk đã không ngừng nỗ lực tạo cơ hội uống sữa cho trẻ em Việt Nam thông qua các chương trình Sữa học đường, mang đến hơn 4 triệu ly sữa cho hơn 2000 trường học cả nước hoặc chương trình Quỹ Sữa Vươn cao Việt Nam với hơn 30 triệu ly sữa miễn phí cho trẻ em nghèo trên khắp Việt Nam. Vinamilk luôn mong muốn mang các sản phẩm sữa chất lượng quốc tế đến tay người tiêu dùng Việt với giá thành chỉ bằng 60% - 70% các sản phẩm sữa nhập khẩu để mang đến cơ hội được uống sữa cho mọi trẻ em Việt Nam, vì một Việt Nam vươn cao.
Ngày hội Sữa thế giới đã mang đến các hoạt động vui chơi bổ ích cho các em thiếu nhi với các màn trình diễn sôi động và nghi thức trao sữa đến 1000 em học sinh tham dự. Nghi thức thả bong bóng thể hiện ước mơ bay cao, bay xa của trẻ em Việt Nam vươn tầm thế giới cũng là điểm nhấn của ngày hội.
Sự kiện này mang một ý nghĩa đặc biệt to lớn, góp phần kêu gọi các bậc phụ huynh, nhà trường, các doanh nghiệp ngành Sữa, cộng đồng xã hội quan tâm, chăm sóc dinh dưỡng cho mọi trẻ em Việt Nam để cải thiện tầm vóc, thể lực và trí lực cũng như góp phần phát triển một thế hệ trẻ Việt Nam tài năng và khỏe mạnh. Sự kiện này cũng đã đánh dấu bước tiến dài trên con đường hội nhập với ngành Sữa thế giới, và một lần nữa khẳng định sự tiên phong mở lối cho các hoạt động xã hội ý nghĩa tại Việt Nam.
Phương Thanh
TĐKT - Chiều 31/5, tại Hà Nội, Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), Hiệp hội Sữa Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Công nghệ tiệt trùng - Tương lai ngành Sữa Việt Nam trước xu thế mới”.
Hội thảo xoay quanh các nội dung: “Ngành sữa Việt Nam: cơ hội và thách thức”; “Phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa bền vững”; “Công nghệ chế biến và đóng gói tiệt trùng Tetra Pak trong sản xuất thực phẩm”; “Xu hướng tiêu dùng của thế hệ trẻ - hướng đi mới cho các nhà sản xuất”; “Tetra Pak và định hướng phát triển bền vững”…
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành và người tiêu dùng
Ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cho biết: Theo quy hoạch phát triển ngành Sữa Việt Nam, năm 2020 cả nước sản xuất khoảng 2,6 tỷ lít quy ra sữa tươi, tiêu thụ trung bình đạt khoảng 27 lít/người/năm. Kế hoạch nguồn cung cấp sữa tươi sản xuất trong nước dự kiến đạt 1 tỷ lít, đáp ứng khoảng 38% nhu cầu sản xuất. Thống kê cho thấy, thế hệ trẻ từ 16 tuổi đến 30 tuổi đang chiếm khoảng 1/3 dân số cả nước và đây là thị trường tiềm năng cho sự phát triển ngành Sữa của Việt Nam.
Chia sẻ về các cơ hội kinh doanh mới trong ngành Sữa, ông Robert Graves, Tổng giám đốc công ty Tetra Pak Việt Nam (tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm) nhận định: thị trường sữa Việt Nam đang ở “thời kỳ vàng”, và vẫn đang tiếp tục mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp trong ngành. Chúng ta có thể đẩy mạnh tăng trưởng thông qua việc tăng cường thâm nhập thị trường mới, đổi mới sản phẩm, bao bì, nắm bắt các xu hướng tiêu dùng và chú trọng vào hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Ngoài ra, chất lượng và an toàn thực phẩm hiện nay là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết. Xu hướng hiện nay là các nhà sản xuất đang phải kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn, thông qua việc cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng đang diễn ra mạnh mẽ, len lỏi tới mọi lĩnh vực khác nhau của hoạt động sản xuất, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nâng cao kiểm soát chất lượng.
Ông Robert cho biết thêm: hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam ở khu vực nông thôn đã bắt đầu được tiếp cận với sản phẩm sữa an toàn nhờ vào công nghệ tiệt trùng. Công nghệ này cho phép các sản phẩm sữa được phân phối tới những nơi xa xôi một cách an toàn với chi phí thấp vì không đòi hỏi điều kiện bảo quản lạnh.
Phương Thanh – Hồng Thiết
TĐKT - Chiều ngày 30/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam”.
TS Phạm Anh Cường, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường cho biết: Việt Nam được ghi nhận là một trong nhưng nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái tự nhiên, các loại sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. ĐDSH Việt Nam mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra ĐDSH còn là nguồn cảm hứng văn hóa nghệ thuật và gắn liền với đời sống tinh thần của con người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Hiện nay, loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ tiếp tục bị đe dọa do hoạt động khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật, thực vật hoang dã vẫn diễn ra phức tạp, đang trở thành vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Để ngăn chặn tình trạng suy thoái đa dạng sinh học hiện nay, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý đa dạng sinh học, cần thực hiện một số giải pháp: tăng cường công tác quản lý về bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn ĐDSH; tăng cường thực hiện các công cụ tài chính mới cho bảo tồn ĐDSH; xã hội hóa công tác bảo tồn ĐDSH.
Hội thảo “Đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam”
Với những giải pháp đưa ra, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn ĐDSH và đạt được một số kết quả đáng khích lệ: diện tích và chất lượng hệ sinh thái rừng trên cạn tăng; có thêm khu bảo tồn được công nhận danh hiệu quốc tế; tích cực tham gia các điều ước, công ước quốc tế…Tuy nhiên, thực trạng suy thoái ĐDSH vẫn đang diễn ra nghiêm trọng, đòi hỏi những cách làm hiệu quả hơn nữa để khắc phục tình trạng này.
Tại Hội thảo các đại biểu đã tham luận tích cực, sôi nổi. Trong đó, tiêu biểu là tham luận của TS. Lê Mạnh Hùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật về “Bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam gắn với khai thác các hoạt động du lịch sinh thái” và tham luận của bà Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) về “Bảo vệ môi trường và du lịch bền vững - Tư duy đột phá”…
Hồng Thiết
TĐKT - Chiều 29/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức họp báo thường kỳ Quý II/2017. Tại họp báo, Bộ đã thông tin về các hoạt động "Tháng hành động vì môi trường", kỷ niệm "Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam" năm 2017, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6).
Năm 2017, chủ đề Ngày Môi trường thế giới 5/6 là "Sống hài hòa với thiên nhiên" nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng đồng gắn bó hữu cơ với thiên nhiên, từ đó cảm nhận vẻ đẹp, tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống; đồng thời chia sẻ, tiếp nối lời kêu gọi bảo vệ trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa con người và thiên nhiên.
Bộ TNMT họp báo thường kỳ Quý II/2017
Năm 2017 là năm thứ hai Bộ TNMT phát động "Tháng hành động vì môi trường" hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới nhằm tập trung các nguồn lực để thực hiện các hoạt động cụ thể hướng tới cộng đồng, vì cộng đồng. Năm nay, "Tháng hành động vì môi trường" của Bộ TNMT bao gồm các hoạt động chính: Hội chợ Triển lãm quốc tế về công nghệ môi trường và sản phẩm sinh thái năm 2017; các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học năm 2017; Hội thảo "Phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường"; tổ chức lớp học môi trường cho học sinh trung học cơ sở; Lễ phát động "Tháng hành động vì môi trường" và trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2017; chương trình Trồng cây xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017; Hội nghị "Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững" khu vực phía Nam; Hội thảo "Nâng cao nhận thức về nguy cơ sức khỏe và môi trường do hoạt động đốt ngoài trời"; Tọa đàm về "Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp với công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường"; phát động Cuộc thi Sáng tác ảnh về bảo vệ môi trường; tập huấn Quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Là một trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm 2017, các sự kiện chính của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được Bộ TNMT tổ chức từ 1/6 - 8/6 tại Cà Mau, với chủ đề "Vì tương lai của chúng ta". Trong tuần lễ này sẽ diễn ra các hoạt động: mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2017 và kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới; Lễ ra quân của lực lượng thanh niên, tình nguyện viên làm sạch môi trường bãi biển, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực mít tinh và tại khu Ramsar, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau; tặng quà, cấp thuốc chữa bệnh cho chiến sĩ và nhân dân đảo Hòn Chuối. Các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2017 được tổ chức nhằm củng cố, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, hải đảo Việt Nam; tăng cường ý thức chấp hành pháp luật; khuyến khích, đẩy mạnh hơn nữa những hành động, việc làm thiết thực nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Đồng thời, nâng cao ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển trong cộng đồng người Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế Việt Nam là một quốc gia mạnh về biển trong khu vực. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy lòng tự hào dân tộc, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động tuyên truyền của các thế lực cơ hội, thù địch trong và ngoài nước âm mưu lợi dụng vấn đề chủ quyền trên biển làm tổn hại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ đối ngoại truyền thống, tốt đẹp của Việt Nam với các nước láng giềng.
Phương Thanh
TĐKT - Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 từ lâu vốn được biết đến là ngày Tết dành riêng cho trẻ em. Đây là dịp thế hệ tương lai của chúng ta được thỏa sức vui chơi, được bảo vệ và chăm sóc tốt nhất. Đồng thời là dịp để gia đình và cộng đồng thể hiện tình yêu thương vô bờ bến dành cho các con trẻ.
Giáo dục trẻ qua những tấm gương khuyết tật
Với mong muốn tạo một sân chơi sáng tạo, mới mẻ, hướng đến cách sống nhân văn trong mỗi người, đặc biệt là các em thiếu nhi, ngày 27/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Kym Việt tổ chức chương trình “Giáo dục trải nghiệm – Tay trong tay – Gắn kết cộng đồng”.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm, vui chơi, gặp gỡ trực tiếp những tấm gương người khuyết tật giàu nghị lực trong cuộc sống; cùng trải nghiệm các tình huống khó khăn của người khuyết tật như thử điều khiển xe lăn, thử bày tỏ cảm xúc và thông tin, học giao tiếp thông qua ngôn ngữ ký hiệu, tập làm thú nhồi bông … các em học sinh và gia đình có dịp thấu hiểu sự nỗ lực vươn lên hòa nhập, bình đẳng cùng cộng đồng của những người yếu thế; qua đó rút ra cho mình những giá trị cuộc sống ý nghĩa.
Một góc hoạt động ý nghĩa của chương trình “Giáo dục trải nghiệm – Tay trong tay – Gắn kết cộng đồng”
Chị Như Hoa, Phó Trưởng Phòng Truyền thông gGiáo dục - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: chương trình trải nghiệm không chỉ làm lan tỏa nghị lực sống và niềm cảm hứng, tình yêu cuộc đời đến các bạn trẻ mà còn là một hoạt động nhân văn sâu sắc, hướng đến mục tiêu đem lại cơ hội cho người khuyết tật gắn kết cộng đồng, tạo cơ hội việc làm và giúp họ tự tin khẳng định mình trong xã hội.
Dành cho trẻ những điều tốt nhất
Chăm sóc trẻ là cả một quá trình dài, đòi hỏi mỗi người làm cha làm mẹ phải luôn sát sao, bằng cả tấm lòng. Chăm sóc trẻ được thực hiện ngay từ khi con còn ở trong bụng mẹ.
Chị Minh Nguyệt, Bộ phận Truyền thông Tiếp thị của Bibo Mart cho biết: với Công ty cổ phần Bibo Mart, 365 ngày thì ngày nào hệ thống cũng nỗ lực vì các con trẻ, ngày nào cũng là “Ngày cho con”. 11 năm qua, Bibo Mart không ngừng cố gắng đem đến một thế giới tiện ích cho các mẹ, có thể mua sắm cho con yêu những sản phẩm an toàn, thuận tiện, đẹp mắt và giá cả cạnh tranh. Ngoài hoạt động bán hàng, Bibo Mart còn chú trọng tổ chức hàng loạt các hoạt động ý nghĩa hoàn toàn miễn phí: lớp học tiền sản cho mẹ bầu, lớp học dinh dưỡng cho bé, đại tiệc sinh nhật theo tháng cho bé, quốc tế thiếu nhi, ngày hội gia đình, đêm hội trăng rằm, điều ước giáng sinh…
“Ngày cho con” năm 2017 do Bibo Mart tổ chức nhân dịp Ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6 đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, thực sự là bữa tiệc tràn ngập yêu thương với sự góp mặt của bé Minh Khánh top 5 của “Biệt tài tí hon 2017” cùng với nhiều gameshow thú vị, giúp các gia đình gắn kết thêm tình cảm yêu thương.
Công viên nước Hồ Tây luôn đổi mới, sáng tạo mang lại nhiều trò chơi thú vị cho trẻ
Cùng góp phần làm cho các bé thêm vui dịp 1/6, Công viên nước Hồ Tây đã dày công chuẩn bị những điều bất ngờ lý thú với thông điệp “Vui tết Thiếu nhi, ly kỳ hấp dẫn”; mở rộng diện tích vui chơi, tạo không gian vui chơi thoải mái, an toàn trong những ngày hè. Những tiểu cảnh nhỏ xinh được dựng lên phục vụ nhu cầu chụp ảnh của các bé với chủ đề gần gũi: những chú pokemon dễ thương, biệt đội siêu anh hùng dũng mãnh hay khu vườn elsa tràn ngập bóng bay; tổ chức cuộc thi ảnh “Mùa hè bé yêu”; dàn dựng các chương trình tạp kỹ với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc: nhảy hoạt hình ngộ nghĩnh, đáng yêu cùng vũ đoàn, ca sĩ nhí, ảo thuật, xiếc thú ly kỳ… Đặc biệt, từ ngày 1 - 11/6 tới, các khách hàng nhí cao dưới 1,1 mét sẽ được miễn phí khi tham gia vui chơi tại công viên Mặt trời Mới. Với khách hàng cao trên 1,1 mét, vé trọn gói công viên Mặt trời Mới sẽ được giảm 30% - chỉ còn 130.000đ.
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, các em chính là những mầm non tương lai của đất nước, vì vậy các em cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục toàn diện. Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 đang đến rất gần, sự chung tay của mỗi cá nhân, tổ chức, của từng gia đình và cả cộng đồng xã hội là món quà lớn nhất cho ngày 1/6 thêm ý nghĩa trọn vẹn.
Mai Thảo
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 286
- 287
- 288
- 289
- 290
- …
- sau ›
- cuối cùng »