TĐKT – Sáng 6/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về trẻ em chính thức ra mắt, tiến hành họp phiên đầu tiên và khai trương Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Chủ tịch Ủy ban. Các Phó Chủ tịch Ủy ban: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Các Ủy viên là lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Ủy ban Quốc gia về trẻ em có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện quyền và các nhiệm vụ liên quan đến trẻ em; các báo cáo thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.
Ủy ban Quốc gia về trẻ em làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban.
Sau phiên họp đầu tiên của Ủy ban, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức khai trương Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài này sẽ hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với chiều gọi đến. Phí viễn thông của Tổng đài sẽ do Bộ Lao động – Thương binh và xã hội trả cho doanh nghiệp viễn thông thay cho người sử dụng dịch vụ lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước được cấp hàng năm.
Theo số liệu thống kê, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em hiện tại số 18001567 thành lập từ năm 2004. Sau 13 năm hoạt động, đầu số này đã tiếp nhận trên 2,5 triệu cuộc gọi trên phạm vi cả nước nhưng thực tế là người dân khó nhớ được số đường dây nóng này. Đối với trẻ nhỏ thì lại càng khó nhớ nên khó có thể gọi ngay khi xảy ra tình huống khẩn cấp, cần có sự can thiệp kịp thời…
Nguyệt Hà