Bộ Y tế tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong ban hành quy định về bảo hiểm y tế
10/04/2018 - 15:06

TĐKT - Chiều 9/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có cuộc làm việc với Bộ Y tế về việc sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), sửa đổi Thông tư liên tịch số 37 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ y tế, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018 - 2020, công tác tổ chức đấu thầu, đàm phán giá thuốc và đấu thầu thiết bị y tế.

http://www.nhandan.com.vn/cdn/vn/media/k2/items/src/3603/db54a735fcc59f10c90ff427a0c92f2c.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ rất quan tâm tới việc điều chỉnh một số nội dung trong Thông tư 37 cho phù hợp với giá dịch vụ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa triển khai và báo cáo Chính phủ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chậm nhất đến tháng 5 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37.

Trong giai đoạn đầu tiên, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn nội dung thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của một số dịch vụ (khám bệnh, ngày giường bệnh, X-Quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi tai, mũi, họng) đối với các đơn vị có số lượng dịch vụ vượt định mức hoặc công suất tính giá. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ như X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai, mũi, họng, y học cổ truyền, xét nghiệm.

http://www.nhandan.com.vn/cdn/vn/images/2018/truongbichngoc/04/30581923_10209082110209202_2438349450444275712_n.jpg

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo

 Trong giai đoạn hai, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay. Theo đó, Bộ đang triển khai giảm từ 18 nghìn dịch vụ y tế xuống còn khoảng 3.000 dịch vụ, đang xây dựng định mức và giá cho 3.000 dịch vụ này.

Về vấn đề cơ cấu giá điều chỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay giá vẫn bao gồm chi phí trực tiếp, tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao. Bên cạnh đó, cũng chưa tính chi phí ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đang khảo sát công suất khám bệnh thực tế, công suất các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, chi phí của một số xét nghiệm để tính toán và điều chỉnh lại giá cho phù hợp.

Lộ trình từ ngày 1/7 sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ nêu trên. Trong năm 2018, Bộ xây dựng, ban hành mức giá khám chữa bệnh, gồm chi phí trực tiếp (theo định mức đã rà soát, giá vật tư, hóa chất tại thời điểm tính giá), tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đ), và chi phí quản lý. Dự kiến mức giá sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5 - 8%, tác động đến CPI khoảng 0,41% (do điều chỉnh theo lương cơ sở 1.390.000 đồng là 0,14%, đưa chi phí quản lý là 0,27%). Do đó nếu CPI chung 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Theo đó, Bộ trưởng khẳng định việc thay đổi giá không ảnh hưởng tới quỹ BHYT, sau khi bù trừ giữa giá tăng, giá giảm dự kiến làm tăng chi quỹ BHYT khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện cuối năm, làm nhiều đợt thì tăng không nhiều, đồng thời thực hiện tốt việc đấu thầu giá thuốc giảm khoảng 15%, điều chỉnh lại cách tính ngày giường bệnh, quản lý chặt chẽ việc chỉ định thì Quỹ BHYT tăng chi không nhiều. Số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng, quỹ vẫn có khả năng cân đối đến 2020.

Trước đề xuất điều chỉnh giá viện phí của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tính toán lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018 - 2020 phù hợp chi tiêu theo cơ chế thị trường, tính đúng tính đủ nhưng phải hợp lý, bảo đảm kiểm soát mức chi trả, kiểm soát quỹ BHYT.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Y tế cần sớm sửa đổi Thông tư 37 giai đoạn một trước ngày 15-5. Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, cùng với BHXH và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ lộ trình đăng ký kế hoạch tổ chức sửa đổi bổ sung giai đoạn hai của Thông tư 37 gồm các vấn đề: Khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, sắp xếp lại các dịch vụ, ban hành định mức, xây dựng giá…

Bộ Y tế cần rà soát lại và hoàn thiện thêm về vấn đề đàm phán giá thuốc quốc gia trước khi quyết định đàm phán giá thí điểm, cũng như cần có sự phối hợp giữa đấu thầu và đàm phán giá thuốc quốc gia.

Về việc đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Y tế trước mắt làm thí điểm theo gợi ý của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong phạm vi các bệnh viện trực thuộc Bộ trước. Sau đó, BHXH sẽ cùng tham gia vào sau. Bộ Y tế phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch các vật tư có chất lượng, bảo đảm tính cạnh tranh về giá.

Tại cuộc họp, nhiều nội dung cũng được Phó Thủ tướng quan tâm chỉ đạo như sửa đổi Nghị định 105, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, quyền phân phối của doanh nghiệp dược có vốn nước ngoài tại thị trường Việt Nam…

Hồng Thiết