Chính trị - Xã hội

Gây quỹ hỗ trợ các em nhỏ bị dị tật tại Việt Nam

TĐKT - Tối 6/5, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương cho bà Katrin Kandel, Giám đốc Điều hành Tổ chức Y tế thiện nguyện Vương quốc Anh mang tên Facing The World nhằm ghi nhận những đóng góp, cống hiến của bà và tổ chức này tại Việt Nam trong 10 năm qua.  Đây là một bước đánh dấu lớn trong chặng đường hoạt động của Facing The World, thể hiện sự ghi nhận của các cơ quan nhà nước Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế đối với những cống hiến và đóng góp của tổ chức thiện nguyện này trong việc thay đổi cuộc sống của các em nhỏ kém may mắn, giúp các em có cuộc sống tốt đẹp hơn, để Việt Nam dần bớt đi những mảnh đời thiệt thòi vì tật nguyền. Đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương cho bà Katrin Kandel, Giám đốc Điều hành Tổ chức Facing The World. Facing the World là tổ chức y tế thiện nguyện của Vương Quốc Anh được thành lập với mục tiêu chữa trị và phẫu thuật sọ mặt ở trẻ em tại các nước đang phát triển. Trong hơn 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Facing the World đã và đang góp phần rất lớn thay đổi cuộc sống của hàng nghìn em nhỏ bị dị tật của nước ta. Được biết, trong 2 năm vừa qua, tại Việt Nam, các thiết bị y tế với trị giá hơn 1 tỷ Bảng Anh đã được Facing The World tài trợ. Trong năm nay, Tổ chức sẽ tài trợ thiết bị khám bệnh từ xa cho Bệnh viện Hồng Ngọc và Bệnh viện Việt Đức. Đây là 2 trong số các bệnh viện đã có sự hợp tác rất tích cực với Facing The World. Gần đây, tổ chức đã ký Biên bản ghi nhớ với Tổ chức Chất độc da cam Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ và Direct Relief – một trong những tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới. Đặc biệt, Facing The World đã được Thủ tướng Vương quốc Anh trao tặng giải thưởng Point of Light để công nhận sự xuất sắc, và được ghi nhận bởi Nhóm Nghị viện Vương quốc Anh cho Việt Nam. Dịp này, Facing The World đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Pan Pacific nhằm gây quỹ hỗ trợ phẫu thuật cho các trẻ nhỏ bị dị tật tại Việt Nam. Với mong muốn chung tay quan tâm tới sức khỏe cộng đồng của Tập đoàn Pan Pacific, trong vòng 1 năm tới, Pan Pacific Hà Nội sẽ kết hợp cùng Facing The World tiến hành nhiều hoạt động quyên góp gây quỹ phẫu thuật, đem đến cơ hội thay đổi cuộc đời cho các em nhỏ khó khăn. Cụ thể hơn, Tập đoàn Pan Pacific sẽ xây dựng nên một kênh truyền thông chuyên biệt, không ngừng tìm kiếm các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ, đối tác… nhằm nhân rộng trái tim nhân ái, góp sức nâng cao sức khoẻ cộng đồng, xây dựng một xã hội tốt đẹp và phát triển hơn. Thục Anh

Nỗ lực vì nụ cười cho trẻ thơ Việt Nam

TĐKT - Từ ngày 5 -13/5, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc tiếp tục kết hợp với tổ chức Facing The World phẫu thuật miễn phí cho các trường hợp dị tật có hoàn cảnh khó khăn, giúp thắp lên ánh sáng niềm tin trong tâm hồn con trẻ. Sáng ngày 5/5, Bệnh viện Hồng Ngọc phối hợp với đoàn chuyên gia đến từ tổ chức Facing The World” đã thăm khám trực tiếp cho các em nhỏ dị tật có hoàn cảnh khó khăn trước khi tiến hành phẫu thuật từ thiện. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Nguyệt Nhã, một trong những người có nhiều năm kinh nghiệm trong thực hiện chương trình phẫu thuật miễn phí đã cùng đoàn chuyên gia Anh quốc thăm khám trực tiếp cho hơn 40 em nhỏ. Mỗi trường hợp đều được xem xét cẩn thận và chỉ định chụp CT sọ mặt nếu cần thiết để chẩn đoán chính xác khả năng phẫu thuật. Hầu hết các em nhỏ đều có hoàn cảnh khó khăn, đến từ nhiều vùng miền trên cả nước: Tuyên Quang, Hà Giang, Nam Định, TP Hồ Chí Minh… dị tật tập trung chủ yếu ở vùng hàm mặt, gây biến dạng khuôn mặt và khiến các em gặp khó khăn trong sinh hoạt. Bác sĩ Nguyệt Nhã cùng đoàn chuyên gia Anh Quốc thăm khám cho các em nhỏ dị tật Sau khi thăm khám và hội chẩn, những trường hợp đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe sẽ được bác sĩ Nhã cùng đoàn bác sĩ, chuyên gia “Facing the world” tiến hành phẫu thuật miễn phí từ 6 - 13/5/2018. Để các ca phẫu thuật được đảm bảo theo tiêu chuẩn y tế toàn cầu, Bệnh viện Hồng Ngọc đã chuẩn bị chu đáo từ phòng phẫu thuật, dụng cụ mổ đến đội ngũ y, bác sĩ. Đặc biệt đối với một số trường hợp trẻ em dị tật có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện còn hỗ trợ kinh phí lưu viện điều trị, giúp cha mẹ các em nhẹ bớt một phần gánh nặng kinh tế. Lần thứ hai đến phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Hồng Ngọc, em Trần Văn Đức (22 tuổi), ở Hương Khê, Hà Tĩnh bị sứt môi hở hàm ếch không giấu nổi cảm xúc: Em rất biết ơn các bác sĩ ở Bệnh viện Hồng Ngọc cũng như tổ chức Facing The World đã tạo cơ hội cho em cũng như nhiều hoàn cảnh khó khăn khác được “thay hình đổi dạng” hòa nhập với cuộc sống. Em mong rằng việc làm nhân đạo này còn đến được với nhiều người khác nữa. Ông Cao Độc Lập, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho biết: Đây là lần thứ 4 Bệnh viện Hồng Ngọc phối hợp với tổ chức Facing The World thực hiện phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo dị tật, giúp các em hoàn thiện những khiếm khuyết của tạo hóa, tự tin hòa nhập với cộng đồng. Đến nay, qua 4 lần tổ chức, Bệnh viện Hồng Ngọc đã đưa được 30 trường hợp là các cháu nhỏ tự tin, từ “bóng tối mặc cảm” bước ra ánh sáng. Facing The World là tổ chức y tế thiện nguyện của Anh, được thành lập từ năm 2002, hoạt động vì mục tiêu chữa trị dị tật sọ mặt cho trẻ em ở các nước đang phát triển. Kể từ khi thành lập, các chuyên gia Anh Quốc đã phẫu thuật thành công cho rất nhiều em nhỏ đến từ 20 quốc gia trên thế giới. Trong hơn 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Facing The World đã và đang góp phần rất lớn thay đổi cuộc sống của hàng nghìn em nhỏ bị dị tật của nước ta. “Nụ cười rạng ngời trên môi các em trong diện mạo mới cùng ánh mắt hạnh phúc của phụ huynh chính là động lực mạnh mẽ cho mỗi bác sĩ tiếp tục hành trình phẫu thuật từ thiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này” - Đó là lời cam kết của những bác sĩ, chuyên gia và những người thực hiện chương trình này. Mai Thảo

Kỷ niệm 10 năm thực hiện công tác vận động hiến máu tình nguyện

TĐKT - Trong 10 năm trở lại đây, hoạt động hiến máu tình nguyện của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng. Tỷ lệ dân số hiến máu, số lượng máu được tiếp nhận tăng dần hàng năm góp phần rất lớn vào sự phát triển của ngành truyền máu nói riêng và ngành y tế nói chung. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2008 - 2017 Dù trong giai đoạn nào thì nhu cầu nguồn máu phục vụ cấp cứu và điều trị đều trở nên cấp thiết, quyết định sự sống còn của bệnh nhân cần máu trên cả nước. Theo đó, ngày 26/2/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 235/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện. Năm 2008, Ban chỉ đạo quốc gia đã xây dựng “Chiến lược phát triển chương trình Hiến máu tình nguyện (HMTN) giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến 2020. Kết quả năm 2008, cả nước vận động tiếp nhận được hơn 518.000 đơn vị máu thì năm 2017 vận động tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị. Trong giai đoạn 2008 – 2017, cả nước đã tiếp nhận được gần 10,2 triệu đơn vị máu. Đồng thời, số đơn vị máu của người hiến máu tình nguyện ngày càng chiếm ưu thế, số đơn vị máu của người hiến máu lấy tiền và người nhà cho máu ngày càng giảm mạnh... Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng từ 72% (năm 2008) lên 98% (năm 2017). Hơn 10,2 triệu đơn vị máu được tiếp nhận từ năm 2008 - 2017 đã căn bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh. Hàng năm, thường trực Ban chỉ đạo quốc gia hướng dẫn các cơ quan thành viên và Ban chỉ đạo cấp tỉnh tổng kết công tác vận động HMTN và lập kế hoạch năm tiếp theo; ban hành kế hoạch thực hiện các chiến dịch và các sự kiện lớn: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và tổ chức Lễ hội Xuân hồng; sự kiện hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4; Chiến dịch “Những giọt máu hồng” hè và “Hành trình Đỏ”, “Chủ nhật đỏ”… đã căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh. Hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống. Hơn hết, công tác truyền thông gắn với các chiến dịch, sự kiện HMTN được tổ chức càng bài bản, chuyên nghiệp, có sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Tiêu biểu là Chiến dịch vận động HMTN dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm. Từ đầu năm 2008 và 2009, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Ban chỉ đạo TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức Lễ hội Xuân hồng. Trong 1 ngày của Lễ hội đã có hàng nghìn người dân Thủ đô tham dự. Năm 2008, Ban tổ chức tiếp nhận được 2.610 đơn vị máu; năm 2009 tiếp nhận 4.158 đơn vị máu. Tiếp nối những thành công đó của Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, Ban chỉ đạo quốc gia đã phát động chiến dịch HMTN dịp Tết và tổ chức Lễ hội Xuân hồng trong toàn quốc; thời gian thực hiện từ 2 - 3 tháng (trước và sau Tết Nguyên đán); đỉnh cao của chiến dịch là “Lễ hội Xuân hồng” hoặc “Ngày hội Xuân hồng” (thường diễn ra trong 1- 2 ngày). Mục tiêu của chiến dịch là tiếp nhận từ 20 - 25% lượng máu của năm. Kết quả: 100% tỉnh, thành phố đều tích cực hưởng ứng, thực hiện chiến dịch, đã vận động, tiếp nhận được 1.261.353 đơn vị máu qua các năm. Năm 2010, có 18/63 tỉnh, thành phố triển khai lễ hội với số máu thu được trong 1 ngày là 6.485 đơn vị thì năm 2017 đã có hầu hết địa phương tham gia, với 74.523 người đăng ký và tiếp nhận 53.073 đơn vị máu trong 1 ngày hội. Trong 10 năm qua, Ban chỉ đạo các cấp đã tổ chức được 477.266 cuộc tuyên truyền, vận động về HMTN với 15.482.986 sản phẩm truyền thông  và 11.401.885 lượt người tham dự. Hầu hết các cuộc tuyên truyền, vận động đều được Ban chỉ đạo các cấp gắn kết với các chiến dịch, các sự kiện và tổ chức các đợt HMTN. Bên cạnh đó, công tác phát triển lực lượng và nguồn người hiến máu tình nguyện đã được Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện và Hội Chữ thập đỏ các cấp chú trọng, quan tâm. Tính đến năm 2017 trên cả nước có hơn 3.300 câu lạc bộ hiến máu với 135.000 thành viên (tăng gần 5 lần về số câu lạc bộ và 6 lần số thành viên so với năm 2008). Công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị “Ngân hàng máu sống” ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được quan tâm và triển khai có hiệu quả, đảm bảo luôn có lượng máu cần thiết vào bất cứ thời điểm nào cho các ca cấp cứu. Hoạt động tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện cũng được triển khai thường xuyên, ấn tượng trong các cấp. Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta mặc dù khởi đầu muộn hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên hiện đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhìn lại con số hơn 10 triệu đơn vị máu tiếp nhận được từ năm 2008 - 2017 mới thấy được những nỗ lực không nhỏ của những người làm công tác vận động hiến máu tình nguyện. Hành trình để mỗi giọt máu đào đến với người bệnh thực sự là hành trình của những tấm lòng nhân ái, những người luôn biết sẻ chia niềm hạnh phúc với những người kém may mắn. Với thông điệp mang đầy ý nghĩa nhân văn “Hiến giọt máu đào - trao đời sự sống”, với công tác truyền thông phong phú, đa dạng, với nhận thức ngày càng mở của cộng đồng, công tác vận động hiến máu tình nguyện những năm tiếp theo dự kiến sẽ thu hút ngày càng nhiều tình nguyện viên tham gia để giúp đỡ nhiều người bệnh cần máu vượt qua bệnh tật, trở về với cuộc sống. Hồng Thiết

Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam sẽ được tổ chức từ ngày 9-12/5/2018

TĐKT - Chiều 2/5, tại Hà Nội, Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Việt Nam (VIMEDIMEX VN), Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) họp báo thông tin về Triển lãm Quốc tế Chuyên ngành Y Dược Việt Nam (VIETNAM MEDI- PHARM) năm 2018. Được tổ chức thường niên, đến nay, Triển lãm đã trở thành một sự kiện uy tín, được doanh nghiệp, người tiêu dùng và giới chuyên môn trong nước và quốc tế đánh giá cao. Họp báo Triển lãm Quốc tế Chuyên ngành Y Dược Việt Nam 2018 Triển lãm có quy mô 9.000 m2, quy tụ 535 gian hàng của 450 đơn vị tham dự, là các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và các tổ chức, doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Ấn Độ, Ba Lan, Bangladesh, Bỉ, CHLB Đức, CH Séc, Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Indonesia, Israel, Liên Bang Nga, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Thụy Điển, Trung Quốc, Phần Lan, Việt Nam… Với chủ đề chung “Tăng cường Y tế cơ sở - Hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân”, nổi bật tại VIETNAM MEDI-PHARM 2018 là khu trưng bày của Bộ Y tế, tập trung tuyên truyền chủ chương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác y tế; giới thiệu với nhân dân cả nước những hoạt động đổi mới tích cực, những thành tựu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế Việt Nam năm 2018. Năm nay, các doanh nghiệp đến từ Ba Lan lần đầu tiên tham dự với khu trưng bày về các giải pháp phần mềm chi phí y tế; linh kiện điện tử và tự động hóa, thiết bị truyền động và ổ đĩa cho các thiết bị y tế; các sản phẩm kim loại tấm như vỏ kim loại, các loại container đặc biệt, tủ, hộp kim loại, các loại vỏ bọc đặc biệt cho ngành công nghiệp chế tạo máy... Trong khuôn khổ triển lãm có diễn ra các hoạt động chuyên môn, hội thảo chuyên đề do Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Y tế dự phòng Việt Nam, Hội người cao tuổi TP Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, và đơn vị đồng hành tài trợ phối hợp tổ chức: Phổ biến "Lịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho mọi lứa tuổi"; Hội thảo: "Y tế cơ sở làm nền tảng trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân”; Hội nghị chuyên ngành Tim mạch - Huyết áp; Chương trình hưởng ứng Ngày Phòng, chống tăng huyết áp thế giới “Phổ biến kiến thức - đo tim mạch, huyết áp, tiểu đường”. Cùng với đó là các hoạt động tư vấn, hỏi đáp thông tin về pháp luật, thị trường dược phẩm, trang thiết bị y tế; tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; hoạt động trải nghiệm các thiết bị y tế, thiết bị giám sát sức khỏe hàng ngày; dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp... Triển lãm VIETNAM MEDI-PHARM thực hiện tốt vai trò xúc tiến thương mại giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ và không ngừng mở rộng tới nhiều cường quốc thông qua việc tổ chức thường niên, gia tăng số lượng doanh nghiệp với sự góp mặt các thương hiệu hàng đầu, tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tăng c­­­ường trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội đầu tư­­­, mở rộng thị trường, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Ban tổ chức tin tưởng, thành công chung của VIETNAM MEDI-PHARM sẽ đem lại cơ hội và sự thành công cho các doanh nghiệp tham dự, góp phần thực hiện chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Hồng Thiết – Phương Thanh

Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao

TĐKT - Cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao bắt đầu hoạt động từ ngày 1/5 đến 24h00 ngày 29/6/2018. Phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ chữa khỏi bệnh lao Theo Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù công tác phòng, chống lao đã đạt được những thành tựu đáng kể song bệnh lao vẫn đang là một vấn đề sức khỏe chính trên toàn cầu. Mặc dù đã cắt giảm được 50% số mắc và số chết do lao so với năm 2000 nhưng Việt Nam vẫn còn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và xếp thứ 13/30 nước có bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Năm 2016 ước tính có 126.000 người mắc lao mới, Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại gần 30.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2016 ở Việt Nam do Tổ chức Y tế Thế giới ước tính là 13.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông, mặc dù đã giảm so với ước tính năm 2015 là 3000 người. Số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình Chống lao Quốc gia. Bảo hiểm y tế là một chính sách hết sức đúng đắn để giúp cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh lao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí đồng chi trả của người có thẻ theo Luật Bảo hiểm y tế dù là 5% cũng sẽ là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao. Ngày 16/3/2018, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký, ban hành Quyết định số 380/QĐ-BNV về việc thành lập “Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB”. Đây là là một quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Mục tiêu cơ bản của Quỹ là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao, “Không bỏ lại ai ở phía sau” như tiêu chí của Đại hội đồng Liên hiệp Quốc cho mục tiêu phát triển bền vững. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, đầu tư 1 đồng cho lao, chúng ta có thể thu về cho xã hội 46 đồng. Nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Ngoài ra, các tổ chức/cá nhân có thể tài trợ cho Quỹ trực tiếp hoặc chuyển khoản theo thông tin: Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao; Số tài khoản: 160 10 00 028869 9, tại Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 3. Theo ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, mỗi tin nhắn của chúng ta gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng, tiến tới chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam, đồng nghĩa với việc tránh đi cái chết không đáng có của 13.000 người mỗi năm hiện nay. Hồng Thiết    

Công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2017

TĐKT - Ngày 2/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017. Đến dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Ủy viên Trung ương Đảng Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 225/QĐ-TT ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 2640/QĐ-BNV, ngày 10/10/2017, phê duyệt Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 2498/QĐ-BNV, ngày 28/12/2017, phê duyệt Đề án Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ, ngành được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả từ 80% trở lên, bao gồm 12 bộ, trong đó, Ngân hàng Nhà nước đạt chỉ số cao nhất với 92,36%. Sau đó lần lượt là các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 19 bộ, ngành đạt được là 79,92%. Không có bộ, ngành nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 70%. Kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của các tỉnh, thành phố có sự thay đổi đáng kể so với năm 2016 khi mà sự quan tâm của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố cho công tác CCHC ngày càng nhiều. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2017 với kết quả đạt được là 89,45/100 điểm, xếp thứ 2 là TP  Hà Nội. Tỉnh Đồng Nai xếp thứ 3, Đà Nẵng xếp thứ 4 và Hải Phòng xếp thứ 5. Trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng cuối bảng, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có chỉ số thấp nhất với 59,69 điểm. Đối tượng của bộ chỉ số này là 19 bộ, ngành Trung ương và 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ, ngành được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 79 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100, trong đó: Điểm tự đánh giá của các bộ (có sự thẩm định của Hội đồng) là 63,5/100 và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 36,5/100 điểm. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí, 81 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100 (có sự thẩm định của Hội đồng) là 65,5/100 và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 34,5/100 điểm. Mục tiêu của hoạt động này là theo dõi, đánh giá một cách toàn diện, thực chất, khách quan, công bằng kết quả việc triển khai CCHC hằng năm của các bộ, ngành, địa phương. Thông qua Chỉ số CCHC, xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện CCHC của các bộ, ngành, địa phường. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các nội dung CCHC. Việc đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ CCHC bằng định lượng, trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện CCHC hằng năm giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau. Phương pháp đánh giá là sự kết hợp tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương với đánh giá thông qua điều tra xã hội học. Việc tự đánh giá được các bộ, ngành, địa phương tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của bộ, ngành, địa phương theo các tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số CCHC cấp bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ sẽ thẩm định điểm số tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương với sự tư vấn của Hội đồng thẩm định. Căn cứ vào theo dõi thực tế, điểm tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết trên cơ sở thực tế và tài liệu kiểm chứng (điểm này được gọi là điểm Bộ Nội vụ kiểm chứng). Việc đánh giá thông qua điều tra xã hội học được tiến hành khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng: Cấp bộ, ngành điều tra xã hội học với 4 nhóm đối tượng: Lãnh đạo cấp vụ, lãnh đạo cấp sở, lãnh đạo cấp phòng thuộc sở, công chức phụ trách CCHC của cấp bộ thuộc đối tượng xác định chỉ số CCHC. Với cấp tỉnh, điều tra 4 nhóm đối tượng là đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo sở, lãnh đạo phòng thuộc sở và lãnh đạo huyện. Người dân và doanh nghiệp được điều tra qua Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. Nhân dịp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có báo cáo Kết quả triển khai Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam với Bộ Nội vụ trong triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2017. Theo đó, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung cả nước là 80,90%. Tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ cao nhất là 95,97%, tỉnh thấp nhất là 67,70%. Cụ thể, 6 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung của tỉnh ở mức trên 90%, 12 tỉnh trong khoảng 85 - 90%, 13 tỉnh trong khoảng 80 - 85%, 19 tỉnh trong khoảng 75 - 80% và 13 tỉnh dưới 75%. Về sự mong đợi của người dân, tổ chức về việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung trong cả nước tập trung ở 3 nội dung (được sắp xếp theo thứ tự từ mong đợi nhiều nhất). Đó là, mong đợi tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính (74,72% số người được hỏi); mở rộng các hình thức thông tin (56,22% người được hỏi); rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (41,49% số người được hỏi). Hồng Thiết

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp thông tin định kỳ tháng 4

TĐKT - Ngày 27/4, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 4/2018. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 4/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,75 triệu người, BHXH tự nguyện là 240 nghìn người, bảo hiểm (BH) thất nghiệp là 11,6 triệu người; BHYT là 80,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị Trong tháng 4/2018, toàn ngành thu 27.909 tỷ đồng, giải quyết các chế độ BHXH cho hơn 1,1 triệu lượt người, cả nước có khoảng 15,6 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 52.662 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 3.386 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.  Toàn ngành thực hiện chi BHXH, BHYT, BHTN 25.086 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 4/2018 toàn ngành thu 96.747 tỷ đồng, giải quyết các chế độ BHXH cho hơn 3,3 triệu lượt người, có trên 55 triệu lượt người KCB BHYT, giải quyết cho 133.730 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 8.731 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành là 93.366 tỷ đồng... Tính đến 24/4/2018, các cơ sở y tế đã gửi 49,9 triệu hồ sơ lượt KCB BHYT; chi phí đề nghị thanh toán là 26.120 tỷ đồng, tăng 19,21% so với cùng kỳ năm 2017. Chi phí KCB tăng cao nhất tại tuyến tỉnh với 1.999 tỷ đồng, tăng 19,74%. Tỷ lệ điều trị nội trú chung toàn quốc là 8,6%, các tỉnh có tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú cao hơn tỷ lệ chung là: Phú Thọ (17,72%), Hà Giang (17,46%), Thanh Hóa (16,5%), Sơn La (16,46%), Vĩnh Phúc (16,19%). Chi phí ngày giường điều trị trong quý 1/2018 là 3.711 tỷ đồng, tăng 928 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Một số tỉnh có chi phí tiền giường cao: Thừa Thiên Huế 90,6 tỷ đồng (tăng 46,32%), Quảng Bình 41,8 tỷ đồng (tăng 24,35%), Sơn La 45 tỷ đồng (tăng 16,52%). Trong tháng 4/2018, đã có bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả số tiền lớn nhất từ trước đến nay cho 1 đợt điều trị (hơn 1,390 tỷ đồng do điều trị xơ gan tại Bệnh viện Bạch Mai). Tính đến hết tháng 3/2018, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra của toàn ngành là 943 đơn vị. Trong đó: 443 đơn vị được thanh tra chuyên ngành, 348 đơn vị được thanh tra, kiểm tra liên ngành và 152 đơn vị được kiểm tra. Qua thực hiện thanh tra đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, toàn ngành đã phát hiện 1.487 lao động chưa được đóng hoặc đóng thiếu thời gian phải tham gia với số tiền truy đóng là hơn 6,5 tỷ đồng; 33 lao động đã được đóng không đúng đối tượng, đóng thừa thời gian với số tiền thoái thu, hoàn trả là gần 230 triệu đồng. Các đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 67 đơn vị; đã ban hành 65 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; số tiền xử phạt phải thu là hơn 2 tỷ đồng, trong đó đã thu được 567 triệu đồng. Cũng trong tháng 4/2018, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc trả sổ BHXH cho người lao động; hoàn thiện việc cấp, đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH đã được đồng bộ với dữ liệu hộ gia đình; tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định 636/QĐ-BHXH và Quyết định 828/QĐ-BHXH trong giải quyết hưởng và chi trả các chế độ BHXH, BHTN theo hướng liên thông với dữ liệu thu, sổ thẻ trên cơ sở dữ liệu tập trung; điều chỉnh và triển khai bộ công cụ tập trung dữ liệu Quản lý thu theo Quyết định 595/QĐ-BHXH; bộ công cụ tập trung dữ liệu chính sách BHXH tại Trung ương và địa phương. Điều chỉnh và triển khai Hệ thống giao dịch điện tử theo Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 9/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cấp cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT theo Quyết định 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ Y tế. Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế Quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam về các lĩnh vực thu, cấp, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BHYT. Rà soát đơn giản hóa chế độ báo cáo, các quy trình nghiệp vụ của ngành BHXH Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh: BHXH Việt Nam luôn chủ động cung cấp các thông tin về tình hình tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tới phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng mong rằng, các đồng chí phóng viên, biên tập viên sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với BHXH Việt Nam, tích cực trao đổi, đặt câu hỏi về các vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm để BHXH Việt Nam và các cơ quan có liên quan kịp thời cung cấp các thông tin chính thức, tránh những thông tin gây dư luận tiêu cực, làm sai lệch đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước. Hồng Thiết

Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT

TĐKT - Ngày 27/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức họp báo về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học – cao đẳng năm 2018. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: tổng số thí sinh đăng ký dự thi ĐKDT năm 2018 là 925.964 thí sinh (năm 2017 là 866.006 thí sinh). Bộ GD& ĐT chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT Trong đó, học sinh đang học lớp 12 năm học 2017 - 2018 là 868.980 (năm 2017: 786.304); thí sinh tự do là 56.984 (năm 2017: 33.0557); số thí sinh ĐKDT chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT là 237.354; số thí sinh ĐKDT để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh là 642.587; số thí sinh ĐKDT chỉ để xét tuyển sinh: 46.023. Về tỷ lệ thí sinh chọn bài thi tổ hợp, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy có 341.576 thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (KHTN), chiếm 37% (năm 2017: 38%); 444.538 thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội (KHXH), chiếm 48%. Có 4% thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp. 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Số này là thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH - CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017. Như vậy, so với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5% và tiếp tục có tỷ lệ cao hơn so với thí sinh đăng ký chọn bài thi KHTN. Theo ông Mai Văn Trinh, kỳ thi năm nay sẽ rút ngắn thời gian giữa các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp từ 20 phút xuống còn 10 phút. Bộ GD&ĐT yêu cầu cán bộ coi thi phối hợp với cán bộ giám sát chỉ cho từng thí sinh có nhu cầu đặc biệt ra ngoài phòng thi trong thời gian 10 phút này để đảm bảo không xảy ra rối loạn và tránh những tiêu cực có thể phát sinh. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi. Thành lập Hội đồng ra đề thi và triển khai hoạt động của hội đồng tại khu vực cách ly. Bên cạnh đó, tăng cường hoàn thiện phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh cho rằng các địa phương cần nỗ lực cố gắng thực hiện công tác chuẩn bị trước, trong và sau kỳ thi thật tốt, không được có tâm lý chủ quan. Các trường ĐH-CĐ phối hợp chặt chẽ với các Sở GD&ĐT liên quan trong công tác chuẩn bị tổ chức thi, bố trí đầy đủ, có chất lượng, đủ tiêu chuẩn các thành phần tham gia kỳ thi theo điều động của Bộ, đảm bảo đúng quy định của Quy chế, nghiêm túc quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi. Hồng Thiết    

Hội chợ việc làm Học viện Ngân hàng năm 2018

TĐKT – Sáng 24/4, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng tổ chức khai mạc Hội chợ việc làm – Cầu nối nhân lực năm 2018. Hội chợ đã trở thành cầu nối thực sự giữa các nhà tuyển dụng với sinh viên tốt nghiệp và sắp tốt nghiệp của Học viện. Là hoạt động thường niên được tổ chức tại Học viện Ngân hàng từ năm 2011 đến nay, Hội chợ việc làm (HCVL) luôn nhận được sự quan tâm đồng hành và tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong các lĩnh vực liên quan đến ngành nghề đào tạo tại Học viện. Với phương châm thiết thực và hiệu quả, nhiều năm qua, Hội chợ đã trở thành cầu nối thực sự giữa các nhà tuyển dụng với sinh viên tốt nghiệp và sắp tốt nghiệp của Học viện. Thông qua Hội chợ, nhiều sinh viên đã có cơ hội trở thành thực tập sinh tiềm năng và sau đó là nhân viên chính thức của các cơ quan, đơn vị tham gia Hội chợ. Hội chợ cũng là địa chỉ chính thức giới thiệu các thông tin liên quan đến định hướng nghề nghiệp, nhu cầu tuyển dụng, các yêu cầu, điều kiện mà nhà tuyển dụng đưa ra giúp sinh viên trải nghiệm và tích lũy thêm những gì còn thiếu cho quá trình ứng tuyển sau này. Hội chợ việc làm là hoạt động cao điểm trong công tác hướng nghiệp cho sinh viên hàng năm. Cùng với Hội chợ, trong suốt năm học, Học viện còn phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo hướng nghiệp, khóa học ngắn hạn bổ sung kỹ năng mềm, kỹ năng chuẩn bị hồ sơ dự tuyển… Đồng hành cùng Hội chợ việc làm 2018 là các ngân hàng, tổ chức, công ty, trung tâm, các hiệp hội có uy tín lớn đang có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn Hà Nội. Tại Hội chợ, các nhà tuyển dụng có cơ hội được tiếp xúc với các sinh viên của Học viện Ngân hàng, sinh viên của nhiều trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội. Tại đây, sinh viên có cơ hội được trực tiếp giao lưu với nhà tuyển dụng, được tư vấn giải đáp thông tin, hướng dẫn viết hồ sơ ứng tuyển, được nộp hồ sơ và được nhà tuyển dụng sắp xếp phỏng vấn tuyển trực tiếp các vị trí tại Hội chợ. Thông tin các nhà tài trợ tham dự Hội chợ việc làm được Ban tổ chức tổng hợp và thông báo để sinh viên biết và chuẩn bị hồ sơ. Bình Nguyên

Hà Nội: Triển khai thành lập tổ chức khuyến học trong các trường đại học, cao đẳng

TĐKT - Sáng 24/4, Hội Khuyến học TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai thành lập tổ chức khuyến học trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội. Dự Hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành thành phố và đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Hội nghị triển khai thành lập tổ chức khuyến học trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội. Việc thành lập tổ chức khuyến học trong trường nhằm khuyến khích việc học tập, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên và giúp đỡ sinh viên vươn lên trong học tập. Nhiệm vụ chính của tổ chức khuyến học trong trường là khuyến khích và hỗ trợ việc dạy và học trong nhà trường; vận động cán bộ, giảng viên, nhân viên tích cực học tập, học tập suốt đời; huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm giúp sinh viên nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt; khuyến khích sinh viên học giỏi trên các lĩnh vực; hỗ trợ sinh viên trong nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp; khuyến khích người lớn học tập nâng cao trình độ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội đề nghị hiệu trưởng các trường quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức khuyến học thành lập, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và có hiệu quả, phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài trường để thúc đẩy hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Theo thống kê của Hội Khuyến học Viêt Nam, hiện nay, trên cả nước có 58,2% tổng số trường đại học, cao đẳng đã thành lập Hội Khuyến học; 28,5% tổng số trường đã thành lập Ban Khuyến học; 13,3% tổng số trường đã thành lập Chi hội khuyến học. Việc thành lập tổ chức khuyến học của trường đại học, cao đẳng do Hội Khuyến học tỉnh, thành phố chuẩn y và ra quyết định thành lập. Tổ chức khuyến học của các trường đại học, đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, các trường cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố nào thì trực thuộc Hội Khuyến học tỉnh, thành phố ấy. Nguyệt Hà

Trang