Chính trị - Xã hội

Hướng đến cơ hội việc làm bền vững cho nữ lao động nhập cư

TĐKT - Theo kết quả khảo sát về thị trường lao động cho phụ nữ nhập cư tại Hà Nội, được hỗ trợ bởi tổ chức Plan International, đa số nữ lao động nhập cư đang làm việc trong các khu vực kinh tế phi chính thức, họ có rất ít cơ hội tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội và chưa được đào tạo nghề nghiệp chính quy bởi các doanh nghiệp sử dụng lao động. Cuộc khảo sát chỉ ra rằng khoảng 70% phụ nữ nhập cư lao động trong khu vực phi chính thức chưa có được hợp đồng lao động. Cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2017 đã cho thấy đại đa số nữ lao động nhập cư đang làm việc trong các khu vực kinh tế phi chính thức và chưa được được đào tạo kỹ năng nghề. Họ chỉ có được các kỹ năng nghề nghiệp qua tích lũy kinh nghiệm thực tế làm việc. Hầu hết nữ lao động nhập cư tham gia khảo sát không biết ngoại ngữ, thiếu kỹ năng tin học; kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp còn hạn chế. 256 nữ lao động nhập cư được hỏi cho biết họ có rất ít cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng nghề do việc làm bấp bênh, thu nhập thấp vả thời gian làm việc kéo dài. Họ ít nhận được hỗ trợ từ người sử dụng lao động và khoảng 70% không được ký hợp đồng lao động nên cũng không được nhận các đãi ngộ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe, nghỉ ốm hay nghỉ phép hàng năm. Đó là những chia sẻ được nêu tại Hội thảo “Thực tiễn và chính sách về việc làm bền vững cho phụ nữ nhập cư” tổ chức tại Hà Nội sáng 28/3. Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo Hơn 100 đại diện từ các cơ quan chính phủ, các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học và đơn vị giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế có mặt tại Hội thảo “Thực tiễn và chính sách về việc làm bền vững phụ nữ nhập cư” - đồng tổ chức bởi Plan International Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ - để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các can thiệp và chiến lược hiệu quả, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về mặt chính sách cho Việt Nam để tạo dựng một môi trường tốt đẹp hơn cho nữ lao động nhập cư, tăng cơ hội việc làm bền vững. Khai mạc Hội thảo, bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam phát biểu: Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác bao gồm Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh và Tổ chức Light thực hiện một dự án với mục tiêu tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho nữ lao động nhập cư ở khu vực thành thị bằng cách cung cấp các kỹ năng nghề cho nữ thanh niên và phụ nữ ở độ tuổi 18 - 30 nhằm tăng cơ hội việc làm bền vững. Nhu cầu việc làm bền vững, môi trường sống an toàn và cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội ở các khu vực đông người nhập cư luôn rất lớn. Các tổ chức quốc tế cũng nỗ lực không ngừng để thúc đẩy tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trong đó có Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế về bình đẳng giới. Tổ chức Plan International cũng đang thực hiện các chương trình phù hợp với các Công ước này nhằm không ngừng thúc đẩy khả năng của phụ nữ có được việc làm bền vững đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Việt Nam đã có hệ thống luật pháp, chính sách về lao động, việc làm khá toàn diện, trong đó có các quy định hỗ trợ cho nữ lao động nhập cư. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay vẫn là việc thực thi luật pháp, chính sách liên quan đến nhóm lao động này. Mặt khác, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể nào dành cho nữ lao động nhập cư làm việc trong khu vực kinh tế phi chinh thức vì hầu hết các luật và chính sách đều hướng tới điều chỉnh đối tượng lao động làm việc ở khu vực chính thức. Phát biểu tại Hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng sự kỳ thị và bất bình đẳng là nguyên nhân của chênh lệch về thu nhập và bất ổn xã hội. “Nếu các nỗ lực nhằm hạn chế khoảng cách về giới và tăng cơ hội việc làm bền vững cho phụ nữ không được đẩy mạnh, những thay đổi có tính xu thế hiện nay như biến đổi khí hậu, nhân khẩu học, di cư và cách mạng kỹ thuật - sẽ tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em gái”. "Để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam đòi hỏi phải có cam kết mang tính hệ thống nhằm đảm bảo "không ai bị bỏ lại sau", đặc biệt, cần xây dựng các tiêu chí việc làm bền vững và tiếp cận an sinh xã hội, tôn trọng quyền của nữ lao động nhập cư ở Hà Nội", bà nói thêm. “Chúng tôi chưa được tiếp cận thông tin hoặc tư vấn về nghề nghiệp hay việc làm. Một số người trong số chúng tôi muốn được tham gia bảo hiểm xã hội và y tế tự nguyện, nhưng chúng tôi không có được thông tin là sẽ đóng như thế nào và ở đâu. Thêm nữa, nếu chúng tôi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm này không áp dụng cho các ngày nghỉ phép do con ốm, do mình ốm hay bệnh hoặc tai nạn nghề nghiệp trong khi những quyền lợi ngắn hạn này lại rất quan trọng đối với những người nhập cư chúng tôi" - một nữ lao động nhập cư 26 tuổi chia sẻ trong cuộc khảo sát. Hội thảo “Thực tiễn và chính sách về việc làm bền vững phụ nữ nhập cư” được tổ chức trong bối cảnh đang có những thay đổi chính sách về bảo trợ xã hội và quyền lao động, bao gồm việc sửa đổi Bộ luật Lao động, tạo cơ hội thúc đẩy môi trường cho nữ lao động nhập cư tiếp cận việc làm bền vững. Nội dung thảo luận nêu bật mối quan ngại về tình trạng phụ nữ thường tập trung làm các công việc có thu nhập thấp ở khu vực phi chính thức không có cơ hội tiếp cận với an sinh xã hội và nằm ngoài phạm vi áp dụng của Bộ luật Lao động. Các khuyến nghị trong hội thảo sẽ được chia sẻ rộng rãi với các bên liên quan và các nhà hoạch định chính sách nhằm cải thiện môi trường làm việc cho nữ lao động nhập cư ở Việt Nam. Hưng Vũ

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ ngay từ đầu năm

TĐKT - Chiều ngày 27/3, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 3/2018. Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm BHXH Đào Việt Ánh. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh chủ trì Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, BHXH Việt Nam đã tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng gặp một số khó khăn nhất định, nhất là liên quan đến công tác thanh toán, giám định chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Thời gian qua, ngành BHXH đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó có sự đóng góp của các cơ quan báo chí. Do vậy, BHXH Việt Nam mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục hỗ trợ, giúp toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ước đến 31/3/2018, cả nước có 13,68 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 240.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 11,8 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và 80,81 triệu người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ 86,1% dân số. Toàn ngành đã thu được 68.718 tỷ đồng (thu BHXH 48.209 tỷ đồng; thu Bảo hiểm thất nghiệp 3.245 tỷ đồng và thu BHYT 17.264 tỷ đồng).  Cùng với đó, toàn ngành đã giải quyết các chế độ cho hơn 2,1 triệu lượt người, trong đó có 28.306 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 125.382 lượt người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần; 2.039.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trên 39 triệu lượt người KCB BHYT. Đặc biệt, cơ quan BHXH phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết cho 81.068 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 5.345 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Về thực hiện chính sách BHYT, năm 2018, toàn ngành đã ký hợp đồng KCB BHYT với 2.316 cơ sở y tế, trong đó có 1.669 cơ sở công lập, 647 cơ sở ngoài công lập (43 cơ sở tuyến trung ương, 655 cơ sở tuyến tỉnh, 1.407 cơ sở tuyến huyện và 211 cơ sở tuyến xã). Cũng trong số này, có 1.996 cơ sở KCB BHYT thanh toán theo phí dịch vụ, 320 cơ sở thanh toán theo định suất. Tính đến hết tháng 2/2018, quỹ BHYT đã chi trả cho 24,775 triệu lượt KCB, trong đó số lượt ngoại trú chiếm 91%, nội trú chiếm 9%, với tổng số tiền 12.577 tỷ đồng - vượt khoảng 18% quỹ KCB BHYT được sử dụng, trong đó số chi ngoại trú chiếm khoảng 40,3% và số chi nội trú chiếm khoảng 59,7%. Theo dữ liệu trên Hệ thống giám sát của BHXH Việt Nam, tất cả 63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt quỹ KCB được giao. Trong đó, 9 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng vượt quỹ KCB khoảng 30%: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long. Thống kê của Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cũng cho thấy, nhiều cơ sở KCB chưa thực hiện liên thông dữ liệu hằng ngày, nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) chỉ gửi dữ liệu đề nghị thanh toán vào cuối tháng. Trong tháng 2/2018, một số cơ sở KCB tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có chi phí KCB lớn, nhưng gửi dữ liệu thiếu so với thực tế phát sinh, có bệnh viện dữ liệu gửi chỉ đạt khoảng 40% so với thực tế phát sinh... Cũng theo BHXH Việt Nam, ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ, trong tháng 4/2018, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy tổ chức sơ kết và hoàn thiện báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,  Bộ Y tế, Bộ Tài chính hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xử lý những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Thực hiện giao kế hoạch, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; dự toán thu- chi cho từng BHXH tỉnh, thành phố. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy trình quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; cập nhật, hoàn thiện việc cấp mã số BHXH cho người tham gia trên cơ sở dữ liệu thống kê danh sách hộ gia đình; hoàn thiện dữ liệu và trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH. Nghiên cứu dự thảo về mẫu và quy trình kiểm soát dữ liệu cấp và quản lý thẻ BHXH, thẻ BHYT điện tử; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 36a và Nghị định 166, phấn đấu mở rộng cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4... Tại hội nghị, BHXH Việt Nam cũng đã giải đáp những thắc mắc của các phóng viên liên quan vấn đề nợ đọng tiền BHXH, BHYT; công tác đấu thầu thuốc; thực hiện chính sách BHXH cho lao động là người nước ngoài. Đặc biệt là công tác thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT; những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi nợ đối với các doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản… Hồng Thiết  

Bộ Y tế công bố chỉ số hài lòng của người bệnh

TĐKT - Chiều 27/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, Oxfam Việt Nam công bố báo cáo Chỉ số hài lòng người bệnh, đánh giá chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập ở Việt Nam từ góc nhìn của người bệnh. Quang cảnh hội nghị Kết quả khảo sát gần 3000 bệnh nhân nội trú và người nhà đi theo chăm sóc ở 29 bệnh viện cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98/5, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt gần 80% so với kỳ vọng. Trong số 29 bệnh viện khảo sát thì có 5 bệnh viện được phản hồi tốt nhất từ người bệnh, đó là: Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu), Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Phụ sản (TP Cần Thơ), Bệnh viện Lao và bệnh Phổi (tỉnh Thái Bình), thuộc nhóm xếp hạng Rất tốt, 16 bệnh viện được xếp hạng tốt và 8 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng Khá, 2 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng trung bình. Nhóm bệnh viện được xếp hạng cao nhất và thấp nhất theo phản hồi của người bệnh đều là các bệnh viện thuộc tuyến tỉnh. Báo cáo Chỉ số hài lòng người bệnh cho thấy, yếu tố khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh được người bệnh hài lòng nhất (4,15/5), còn yếu tố cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,74/5). Báo cáo cũng cho thấy, nhìn chung người bệnh thấy hài lòng nhất về tiêu chí cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc (4,25/5). Tiêu chí nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58), tiếp theo là tiêu chí chi phí khám, chữa bệnh (3,99) và chất lượng giường, chăn, ga, gối, đệm (3,9). Theo Bộ Y tế, việc công khai Chỉ số hài lòng người bệnh sẽ giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của các bệnh viện thông qua tăng cường minh bạch về chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát của người dân và cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ y tế công, đặc biệt khi Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, gia tăng quyền tự chủ cho các bệnh viện, tăng giá các dịch vụ y tế theo lộ trình hướng đến “tính đúng, tính đủ” theo giá thị trường vào năm 2020. Hồng Thiết  

Thầy thuốc trẻ vì sức khỏe cộng đồng

TĐKT - Hưởng ứng Tháng thanh niên 2018 và kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Bệnh viện K tổ chức Chương trình Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2018 tại Trung tâm y tế huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Đây là hoạt động cao điểm của một trong 3 chương trình theo Nghị quyết Đại hội Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 – 2020, thiết thực hướng về những nơi khó khăn nhất của Tổ quốc. GS.TS Trần Văn Thuấn – Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K (bên phải) trao Bằng khen cho bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu Đoàn khám tình nguyện bao gồm các bác sĩ của Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Bệnh viện K, Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ bệnh viện Nhi Trung ương, phối hợp cùng các bác sĩ và điều dưỡng của Trung tâm y tế huyện Mường Nhé và Tỉnh đoàn Điện Biên đã tổ chức khám, chữa bệnh, khám sàng lọc ung thư, tặng quà và cấp phát thuốc miễn phí cho 1000 người dân tại huyện Mường Nhé. Đoàn khám có sự tham gia của bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu, một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017, hiện đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Mường Nhé theo Đề án 585 đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn của Bộ Y tế. Mường Nhé là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, là khu vực miền núi, biên giới với dân số đa phần là người dân tộc thiểu số, các cơ sở vật chất và điều kiện y tế còn rất thiếu thốn. Được đón đoàn y, bác sĩ tay nghề giỏi từ Trung ương với đầy đủ các chuyên khoa khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí tận nơi nên bà con rất háo hức và đăng ký khám từ rất sớm. Phát biểu khai mạc Chương trình, GS.TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh “Cả nước hiện nay còn rất nhiều huyện, xã nghèo với điều kiện đi lại khó khăn, cơ sở y tế thiếu thốn từ trang thiết bị đến thuốc điều trị, đặc biệt là bác sĩ có tay nghề cao. Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Bệnh viện K và các đơn vị phối hợp triển khai chương trình ý nghĩa này nhằm thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ ngành y tế, tình nguyện đi đến những nơi khó khăn nhất vì người bệnh cần. Trong thời gian tới, các bác sĩ trẻ như bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu sẽ tiếp tục tình nguyện, xung phong, xung kích tham gia khám tình nguyện tại những nơi biên giới, hải đảo xa xôi nhất của Tổ quốc, cùng đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”. Trong khuôn khổ chương trình, Giáo sư Trần Văn Thuấn cùng đoàn khám đã trao tặng Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chuyên môn: Một máy siêu âm 4D trị giá 950 triệu đồng, một máy trợ thở trị giá 100 triệu đồng. Ngoài 1000 suất thuốc khám và quà cho bà con trị giá hơn 100 triệu đồng, đoàn khám còn tặng 250 suất quà cho thiếu nhi tổng trị giá 30 triệu đồng và hơn 300 cơ số thuốc khám Nhi khoa trị giá 20 triệu đồng; Bệnh viện K và Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng thăm, tặng quà cho 30 bệnh nhân ung thư nghèo đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên trị giá 28 triệu đồng. Cũng nhân dịp này, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tặng Bằng khen cho bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện và chăm sóc sức khỏe cộng đồng năm 2017. Là bác sĩ theo chương trình 585 của Bộ Y tế, bác sĩ Hiếu là tấm gương điển hình về tinh thần tình nguyện, dù bản thân mắc bệnh viêm dính khớp cột sống vẫn đăng ký và tích cực tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh tại nơi công tác cũng như tại cộng đồng. Ghi nhận những đóng góp của thầy thuốc trẻ Việt Nam, đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên phát biểu cảm ơn Giáo sư Trần Văn Thuấn và đoàn công tác. Đồng chí cũng bày tỏ hy vọng, thông qua các chương trình nâng cao tinh thần tình nguyện, cống hiến của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, sẽ ngày càng có nhiều bác sĩ trẻ giỏi tay nghề, có tâm sáng, tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn như Mường Nhé, góp phần cải thiện điều kiện y tế, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hồng Thiết

Bộ Nội vụ tham mưu, trình cấp có thẩm quyền các văn bản, đề án đúng tiến độ đề ra

TĐKT - Chiều 26/3, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian qua, dự kiến một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Bộ Nội vụ. Đến dự, có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. Cùng dự, có Chánh văn phòng, phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại buổi họp báo Phát biểu khai mạc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cảm ơn sự phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua đã đồng hành cùng Bộ Nội vụ trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Đồng thời, qua thông tin của báo chí, Bộ Nội vụ cũng nhận thấy những vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Được biết, trong quý 1 năm 2018, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền các văn bản, đề án đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành các văn bản: Thông tư số 03/2018/TT-BNV ngày 06/3/2018 của Bộ Nội vụ quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Nội vụ; Quyết định kiện toàn Tổ công tác của Bộ trưởng, thành lập Đoàn kiểm tra và ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng giao các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ năm 2018. Quang cảnh họp báo Với vai trò là cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn cho các Bộ, các tỉnh để triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2017; phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tiến hành khảo sát các đối tượng liên quan với trên 18.000 mẫu phiếu đánh giá về kết quả cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, các tỉnh; phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát sự hài lòng của hơn 34.000 người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2017. Về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đang tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trên cơ sở báo cáo của 29 bộ, ngành và 57 địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới. Mặc dù, đa số các bộ, ngành và địa phương đã phê duyệt đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021 của từng cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý nhưng vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt … Theo thống kê, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP từ năm 2015 đến ngày 28/02/2018 là 34.663 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người và 2 tháng đầu năm 2018 là 4.302 người). Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 07-KH/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14; trong đó, đưa ra 21 nhiệm vụ, đề án để tổ chức triển khai, thực hiện. Đồng thời, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Nội vụ báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ dự thảo Tờ trình, Nghị định và Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để báo cáo Bộ Chính trị trước khi trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2006/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính; dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 55/2012/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; báo cáo đánh giá tác động Dự án Luật về hội; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định Chánh Văn phòng, phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cũng cung cấp một số nội dung của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ: Đối tượng người tài được tuyển dụng; cơ sở giáo dục được đề xuất người tài; minh bạch, công khai trong tuyển dụng; các chính sách ưu đãi người tài sau tuyển dụng.  Bên cạnh đó, một số vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua cũng được người phát ngôn của Bộ Nội vụ cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí như thông tin liên quan đến việc 500 giáo viên mất việc làm tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk và quan điểm xử lý của Bộ Nội vụ; về đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời báo chí về các nhiệm vụ liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ: Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc hợp nhất các sở, ngành hiện nay và việc sắp xếp nhân sự sau hợp nhất; việc thành lập Tổ công tác của Bộ trưởng Bộ Nội vụ để kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tuyển dụng, bổ nhiệm; quan điểm của Bộ Nội vụ về việc 500 giáo viên mất việc làm tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk… Phát biểu kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và tin tưởng trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa đối với các hoạt động của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ. Hồng Thiết

Năm 2018 sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng một số loại vắc xin mới

TĐKT- Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã góp phần quan trọng trong thanh toán và phòng, chống nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến ở trẻ em. Để tiếp tục duy trì thành tựu và kết quả công tác tiêm chủng mở rộng, năm 2018, Bộ Y tế có kế hoạch đưa một số vắc xin mới vào chương trình TCMR.   Thứ nhất là vắc xin phòng bệnh sởi – rubella: Giai đoạn 2014 – 2016, Việt Nam đã triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho hơn 23 triệu trẻ em dưới 19 tuổi trên toàn quốc do Ấn Độ sản xuất, góp phần kiểm soát dịch bệnh sởi, rubella, năm 2017 số ca mắc thấp nhất trong 10 năm gần đây. Được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin sởi – rubella. Trong tháng 3/2018, vắc xin sởi – rubella được đưa vào sử dụng trong chương trình TCMR, bước đầu triển khai tại 4 tỉnh, kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vắc xin sởi – rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016. Theo kế hoạch, từ tháng 4/2018, vắc xin sởi – rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR. Thứ hai, vắc xin bại liệt tiêm (IPV): Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và bảo vệ thành quả trong hơn 17 năm qua. Để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đạt được, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV (vắc xin bại liệt 2 tuýp), Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào chương trình TCMR từ tháng 8/2018. Thứ ba, vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib: Trong hơn 7 năm qua, Chương trình TCMR đã sử dụng vắc xin Quinvaxem để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi. Hiện nay, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem, số vắc xin Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5/2018 trên quy mô toàn quốc. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. Theo kế hoạch, loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 này sẽ được đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại 4 tỉnh, sau đó sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc vào cuối quý II năm 2018. Vắc xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình TCMR cùng với việc chuyển đổi sử dụng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1. Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình mở rộng, để trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và kết quả của một số nghiên cứu, đánh giá cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai thấp; Bộ Y tế khuyến cáo các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh sởi – rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh sởi, hội chứng rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu về việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi vào cuối năm 2018. Hồng Thiết  

Ngày hội "Vòng tay yêu thương" dành cho trẻ tự kỷ

TĐKT - Chiều 27/3, tại Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức gặp mặt báo chí chương trình Ngày hội Vòng tay yêu thương lần thứ IV năm 2018 dành cho trẻ tự kỷ khu vực phía Bắc. Gặp mặt báo chí giới thiệu chương trình Chương trình được tổ chức với mục đích tạo sân chơi chung mang tính hòa nhập cộng đồng với không gian ấm áp, thân thiện và đầy ắp niềm vui dành cho trẻ tự kỷ. Đây sẽ là nơi gặp gỡ, chia sẻ những thông tin về cách chăm sóc và can thiệp trẻ tự kỷ, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về hội chứng tự kỷ; kích thích sự tham gia của toàn xã hội quan tâm đến trẻ em mắc chứng tự kỷ. Ngày hội có sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành của Trung ương và thành phố, đặc biệt, có sự góp mặt của hơn 600 trẻ tự kỷ đến từ 20 trường, trung tâm đang can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh. Các nội dung hoạt động tại Ngày hội đều miễn phí: Khu vực trò chơi; khu vực làm kiểm tra sàng lọc và tư vấn các vấn đề phát triển của trẻ; khu vực trưng bày sản phẩm hướng nghiệp của trẻ tự kỷ. Tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là thuật ngữ nói đến một nhóm các rối loạn phức tạp trong sự phát triển của não bộ. Nhóm rối loạn này được đặc trưng bởi những khó khăn và thiếu hụt trong tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không lời, các hành vi sở thích định hình lặp lại. Trẻ tự kỷ thường không khác biệt về hình dáng bề ngoài hay hình thái não bộ, nhưng khác biệt về chức năng và cách tiếp nhận, xử lý và truyền thông trong não bộ. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc để ý, chia sẻ, bắt chước, chú ý; có thể gặp khó khăn về tiếp nhận và xử lý thông tin thị giác, thính giác, tư duy trừu tượng. Phương Linh

Giờ Trái đất năm 2018 tiết kiệm khoảng 834 triệu đồng

TĐKT -Tối 24/3, cùng với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố trên toàn thế giới, đồng loạt 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất bằng hành động biểu trưng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong 1 giờ từ 20h30 đến 21h30. Đây là sáng kiến của Tổ chức  Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Đến nay, có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố và hàng tỷ người dân trên toàn thế giới đã tham gia hưởng ứng Chiến dịch.  Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết: Biến đổi khí hậu được xem là một trong những thách thức lớn nhất trong thế kỷ 21 đối với sự phát triển bền vững của nhân loại. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan do biến đổi khí hậu đang gia tăng theo chiều hướng phức tạp cả về mức độ ảnh hưởng và khó dự báo đang là mối lo ngại, đe dọa thành quả phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đèn tắt, các tình nguyện viện giơ cao những chai nhựa đựng nến. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đối khí hậu. Mỗi năm GDP thiệt hại khoảng 1,5% do thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu, đến năm 2100 nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng từ 2 đến 3 độ C, nước biển dâng từ 78 đến 100 cm. Nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 5% diện tích lãnh thổ bị ngập gây ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 10% dân số; riêng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng gần 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Do vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách và pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Chiến dịch Giờ Trái đất 2018 chính thức được lan tỏa từ sự kiện Khởi động tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 3/3/2018. Sự kiện đã thu hút rất đông đảo sinh viên của nhiều Trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều tình nguyện viên và người dân Thủ đô tham gia. Tiếp đó, hàng loạt hoạt động hưởng ứng đã diễn ra trong suốt tháng 3 tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Các Đại sứ của Chiến dịch Giờ Trái đất 2018: Hoa hậu H’Hen Nie, ca sỹ Soobin Hoàng Sơn, ca sĩ Bảo Trâm, diễn viên Việt Anh, MC, Á hậu Thụy Vân, MC Danh Tùng đã có nhiều buổi giao lưu với hàng nghìn bạn trẻ, tuyên truyền ý nghĩa và chia sẻ hành động bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu và cùng tham gia đi bộ, cổ động và vận động cộng đồng tham gia Chiến dịch. Không chỉ góp phần tiết kiệm một phần sản lượng điện tiêu thụ, chiến dịch Giờ Trái đất 2018 đã góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của người dân, nhằm mục tiêu phát trỉển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự kiện chính của chiến dịch Giờ Trái đất 2018 là Lễ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch được diễn ra tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội từ 20h30 đến 21h30 ngày thứ bảy 24/03/2018, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, cùng các chương trình, hoạt động hưởng ứng đồng thời diễn ra tại các thành phố lớn trên cả nước. Sau 1 giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện không cần thiết, hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được lượng điện năng là 485.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 834 triệu đồng. Mai Thảo

Diễn tập hợp tác khu vực về y học thảm họa

TĐKT - Trong 3 ngày 26 - 28/3, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức Diễn tập quốc tế ứng phó về y tế trong thảm họa với sự tham gia của 10 đội y tế khẩn cấp (EMTs) từ các quốc gia ASEAN, Nhật Bản và 2 đội của Việt Nam. Diễn tập quốc tế ứng phó về y tế trong thảm họa là hoạt động trong khuôn khổ dự án tăng cường năng lực các quốc gia ASEAN trong quản lý y học thảm họa, hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản - JICA và Viện quốc gia về Y học khẩn cấp của Thái Lan– NIEM, với mục tiêu nâng cao cơ chế hợp tác về y tế để ứng phó thảm họa trong khu vực ASEAN. Quang cảnh họp báo Tình huống giả định của cuộc diễn tập là một cơn bão cường độ mạnh đổ bộ vào khu vực duyên hải miền trung gây thiệt hại nặng về người và tài sản tại TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận. Các cơ sở y tế bị tàn phá nên không đáp ứng được yêu cầu cứu chữa cho nạn nhân, nhất là những khu vực bị cô lập. Trước tình hình đó, UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã báo cáo Chính phủ và Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thảm họa (AHA) kêu gọi sự giúp đỡ của các nước thành viên ASEAN cứu trợ nhân đạo. 10 đội y tế khẩn cấp (EMTs) của 9 nước thành viên ASEAN và Nhật Bản đến Đà Nẵng và Quảng Nam thông qua cảng hàng không Đà Nẵng và cùng phối hợp với các đội y tế địa phương thiết lập các cơ sở y tế lưu động, phối hợp cứu chữa những người bị nạn. Các nội dung diễn tập gồm thực hành tình huống các đội EMTs quốc tế đến Đà Nẵng. Vận hành 3 trung tâm điều phối y tế bao gồm 1 Trung tâm vùng và 2 Trung tâm tuyến tỉnh, tiếp nhận sơ cứu các nạn nhân, đánh giá nhu cầu chăm sóc y tế tại các làng bị thiệt hại do thiên tai. Các đội EMTs hoàn thành nhiệm vụ và báo cáo công việc cứu nạn, đăng ký rời khỏi quốc gia.  Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định việc triển khai hoạt động của diễn tập quốc tế lần 2 tại Việt Nam có nhiều lợi ích thiết thực, hoạt động này thể hiện sự cam kết của Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN trong công tác hỗ trợ, ứng phó y tế trong tình huống xảy ra thảm họa tự nhiên ở quy mô khu vực. Thông qua việc tham gia hoạt động diễn tập quốc tế, đơn vị y tế các tuyến tại Việt Nam sẽ được tiếp cận, nâng cao năng lực chuyên môn theo tiêu chuẩn khu vực. Các cơ quan quản lý y tế trung ương và địa phương cũng được tăng cường năng lực quản lý điều hành hoạt động y tế trong tình huống có thảm họa tự nhiên, bổ sung kỹ năng chuyên môn về lập kế hoạch ứng phó trong tương lai.  Phụ trách Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA Văn phòng Việt Nam Sadmoto cho hay, mục đích của cuộc diễn tập nhằm tăng cường hợp tác giữa các đội y tế để ứng phó khẩn cấp nếu có thảm họa xảy ra trong khu vực ASEAN. Thông qua việc cử các đội y tế đến Việt Nam và thực hiện các hoạt động diễn tập trong điều kiện mô phỏng khi xảy ra thảm họa tự nhiên, các nước ASEAN hiểu sâu hơn về phương pháp báo cáo phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và phương thức quản lý thông tin khi xảy ra thảm họa, đồng thời dự án JICA sẽ thu được những phản hồi cụ thể, trên cơ sở đó sẽ xây dựng được công cụ hợp tác khu vực ASEAN về y tế khẩn cấp đối phó với thảm họa tự nhiên. Hồng Thiết

Ngày hội khoa học STEM 2018 của học sinh trường Nguyễn Siêu

TĐKT - Ngày 24/3, Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Nguyễn Siêu đã tổ chức Ngày hội khoa học STEM Day năm 2018. STEM là từ viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Math (Toán học) trong tiếng Anh. Trong thực tế cuộc sống, một sản phẩm bất kì đều phải có sự tích hợp của các kiến thức liên quan đến các môn học của STEM. Giáo dục STEM là cách tiếp cận mới trong dạy và học, trong đó tích hợp nội dung và kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Đây là một mô hình giáo dục tiên tiến, mang xu hướng toàn cầu, được các nước áp dụng tích cực nhằm chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của học sinh trong thế kỷ 21. Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Trọng Vĩnh và Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy ấn nút khai mạc Ngày hội STEM Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết: “Trường Nguyễn Siêu là trường Việt Nam đầu tiên thực hiện chương trình song bằng đã 6 năm nay (bằng của Việt Nam và bằng của Đại học Cambridge) và đưa cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào trường học. Chính chương trình song bằng với sự vào cuộc của giáo viên nước ngoài phối hợp với giáo viên Việt Nam đã làm thay đổi tích cực cả giáo viên lẫn học sinh, tăng cường khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm… Đó cũng là nền tảng để phát triển STEM, xu thế mới và tất yếu trong công tác dạy và học của thế kỷ 21, tích hợp ứng dụng kiến thức đã học trong sách vở để kích thích sự sáng tạo, trí tò mò khám phá khoa học và hiểu biết về đời sống.  Những đam mê, sáng tạo ấy của học sinh sẽ được STEM phát huy hết khả năng. Khi tổ chức Ngày hội STEM, chúng tôi thấy vui mừng và được khích lệ khi học sinh toàn trường đã tích cực hưởng ứng thông qua việc sáng tạo và nộp cho Ban tổ chức nhiều sản phẩm STEM hết sức thú vị.” Phần thi lắp ghép robot Tại Ngày hội, các em học sinh trường Nguyễn Siêu đã tự tin trình diễn những sản phẩm độc đáo của mình: Xe tự hành, máy hút bụi làm bằng vỏ chai nhựa, hệ thống nhà thông minh, kính viễn vọng chế tạo từ ống nước, máy gọt bút chì… Đồng thời các em còn được tự tay tham dự các phần thi lắp ghép robot, là quần áo, nấu ăn, cắm hoa nghệ thuật… Ngày hội STEM 2018 của trường sẽ mở ra một bước tiến mới, giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn và cha mẹ học sinh cũng cảm thấy hữu ích hơn với giáo dục STEM. Mai Thảo

Trang