Chính trị - Xã hội

Chuyển đổi mã mạng thuê bao di động từ 15/9/2018

TĐKT - Chiều 29/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức cuộc họp thông báo về Kế hoạch chuyển đổi mã mạng thuê bao di động. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải chủ trì cuộc họp. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải chủ trì cuộc họp Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, nhiều loại hình dịch vụ viễn thông mới ra đời và phát triển. Trước đây chỉ có điện thoại cố định, chưa có điện thoại di động thì nay đã có dịch vụ di động từ 2G, 3G đến 4G và sắp tới là 5G, kết nối Internet vạn vật (IoT)... Vì vậy cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch kho số để đáp ứng xu thế phát triển lâu dài cho thị trường viễn thông, yêu cầu phát triển của nền kinh tế số: giao thông thông minh, y tế thông minh, hệ thống điện lực thông minh... phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0, tránh tình trạng thiếu kho số cho di động trong khi thừa kho số cho cố định. Với sự cần thiết đó, căn cứ Luật Viễn thông và Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011, Bộ TT&TT đã ban hành Quy hoạch kho số viễn thông kèm theo Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT ngày 22/12/2014, trong đó điều chỉnh quy hoạch mã vùng và quy hoạch mã mạng. Việc chuyển đổi mã vùng đã hoàn thành vào tháng 8/2017, bước tiếp theo là chuyển đổi mã mạng. Vì vậy, sau khi có sự thống nhất cao của tất cả các doanh nghiệp viễn thông di động, Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi mã mạng kèm theo Quyết định số 798/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2018. Việc điều chỉnh Quy hoạch kho số viễn thông, chuyển đổi mã vùng và chuyển đổi mã mạng như nêu trên là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nội dung chính của Kế hoạch là chuyển đổi mã mạng VSAT từ 99.2xxxxxx sang mã mạng 67.2xxxxxx và chuyển đổi mã mạng của thuê bao di động 11 số về 10 số như sau: MobiFone từ mã mạng cũ là 120, 121, 122, 126, 128 chuyển đổi sang mã mạng mới là 70, 79, 77, 76, 78; VinaPhone từ mã mạng cũ là 123, 124, 125, 127, 129 sẽ chuyển đổi sang Mã mạng mới là 83, 84, 85, 81, 82; Viettel mã mạng cũ là 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168, 169 chuyển đổi sang mã mạng mới là 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39; Vietnamobile từ mã mạng cũ là 186, 188 chuyển đổi sang mã mạng mới 56, 58; Gmobile từ mã mạng cũ là 199 chuyển đổi sang mã mạng mới 59. Thời gian bắt đầu chuyển đổi vào 00 giờ 00 phút ngày 15/9/2018 và kết thúc chuyển đổi vào 23 giờ 59 phút ngày 30/6/2019. Thời gian bắt đầu quay số song song vào 00 giờ 00 phút ngày 15/9/2018 và kết thúc quay số song song vào 23 giờ 59 phút ngày 14/11/2018. Thời gian bắt đầu duy trì âm thông báo vào 00 giờ 00 phút ngày 15/11/2018 và kết thúc âm thông báo vào 23 giờ 59 phút ngày 30/6/2019. Theo đó, tất cả 10 chữ số của thuê bao di động 10 số vẫn được giữ nguyên không thay đổi. Ví dụ: muốn gọi tới số di động 10 số của VinaPhone là 091.2345678 thì trước và sau khi đổi mã mạng ta vẫn quay số 091.2345678, không có gì thay đổi. Số thuê bao (7 chữ số cuối) của thuê bao di động 11 số và của thuê bao VSAT được giữ nguyên không thay đổi, chỉ thay đổi mã mạng. Ví dụ: muốn gọi tới số di động 11 số của VinaPhone là 0123.4567890, trước khi đổi mã mạng ta quay số 0123.4567890 thì sau khi đổi mã mạng ta quay số 083.4567890. Nghĩa là chỉ thay mã mạng cũ (123) bằng mã mạng mới (83) khi quay số. Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông thì có khoảng 60 triệu thuê bao di động 11 số và khoảng 700 thuê bao VSAT chịu sự tác động của Kế hoạch. Các sản phẩm có gắn với mã mạng (card visit, bao bì, biển quảng cáo…), các số điện thoại lưu giữ trong điện thoại di động… cũng chịu sự tác động của Kế hoạch. Việc chuyển đổi mã mạng là cần thiết và đem lại lợi ích lâu dài cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng có tác động đến doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng. Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các biện pháp thông tin, tuyên truyền kết hợp với các biện pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa tác động, với 4 bước thực hiện như sau: Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, cơ quan quản lý viễn thông các nước, Liên minh Viễn thông Quốc tế trước thời điểm chuyển đổi khoảng 3,5 tháng. Các doanh nghiệp viễn thông triển khai việc phát tờ rơi, cung cấp thông tin cho các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông về việc chuyển đổi mã mạng; giải đáp, hỗ trợ khách hàng qua tổng đài chăm sóc khách hàng; cung cấp, hỗ trợ phần mềm cập nhật danh bạ điện thoại.  Tiến hành quay số song song trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm bắt đầu chuyển đổi. Trong thời gian này người sử dụng quay số theo mã mạng cũ hoặc quay số theo mã mạng mới thì cuộc gọi đều thành công.  Duy trì âm thông báo trong thời gian khoảng 7,5 tháng kể từ thời điểm kết thúc việc quay số song song. Trong thời gian này các cuộc gọi quay số theo mã mạng mới được tiến hành bình thường; các cuộc gọi quay số theo mã mạng cũ sẽ nhận được âm thông báo (bằng 02 thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Anh) cho biết mã mạng đã thay đổi và hướng dẫn quay số theo mã mạng mới. Kết thúc duy trì âm thông báo: Các cuộc gọi chỉ thực hiện thành công khi người sử dụng quay số theo mã mạng mới. Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, việc chuyển đổi mã mạng di động, Bộ TT&TT đã thực hiện đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp các cơ quan chức năng có liên quan trước khi ban hành Quy hoạch kho số viễn thông quốc gia; Quyết định "Ban hành kế hoạch chuyển đổi mã mạng". Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo, đài, các doanh nghiệp cần thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc chuyển đổi này, cũng như sự phát triển lâu dài của viễn thông, CNTT và cuộc cách mạng 4.0 của Việt Nam. Theo quyết định hiện hành về truyền thông phải thực hiện trước 60 ngày, hiện thông báo về Quyết định chuyển đổi mã mạng đã được thông báo, truyền thông trước 3 tháng (dự kiến việc chuyển đổi sẽ bắt đầu từ ngày 15/9/2018 ). Đây là thời gian các doanh nghiệp, các cơ quan báo đài cần tăng cường truyền thông, hỗ trợ các phương pháp kỹ thuật cho người dân và khách hàng một cách hiệu quả nhất, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh. Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp viễn thông như MobiFone, Viettel, Vinaphone...cam kết sẽ đảm bảo thông báo đầy đủ cho khách hàng về quá trình chuyển đổi cũng như hỗ trợ hệ thống phần mềm chuyển đổi đầu số theo mã mạng mới... Nguyệt Hà

Ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam và công bố Quy tắc hòa giải

TĐKT – Sáng 29/5, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) và công bố Quy tắc hòa giải. Các thành viên của Trung tâm Hòa giải Việt Nam chụp ảnh cùng các đại biểu Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết: Theo Báo cáo Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 và 2017, có thể nhận định rằng các doanh nghiệp Việt đang có xu hướng giảm lựa chọn sử dụng Tòa án để giải quyết các tranh chấp của mình và sử dụng các phương thức thay thế khác, trong đó, lựa chọn được dùng nhiều là trọng tài thương mại. Việt Nam trong những năm gần đây luôn được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong khu vực và thế giới. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ để cải cách theo hướng kiến tạo nhiều hơn nữa, với mục tiêu xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh với nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp đồng thời giúp doanh nghiệp có thể làm ăn lâu dài, bền vững tại Việt Nam. Trong đó có việc hoàn thiện khung pháp lý cho các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Được thành lập năm 1993 theo sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VIAC luôn nỗ lực không ngừng để dần hoàn thiện thủ tục trọng tài, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày một tốt hơn. Sau 25 năm hoạt động, VIAC hiện đã trở thành một điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi có tranh chấp. Cùng với trọng tài thương mại, hơn 10 năm trước, VIAC cũng đã ban hành Quy tắc hoà giải và bắt đầu cung cấp dịch vụ hoà giải để cộng đồng doanh nghiệp có thêm lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Với tư cách là tổ chức giải quyết tranh chấp có nhiều hoạt động tại Việt Nam, VIAC đã đi tiên phong trong việc quảng bá phương thức hòa giải, tích cực chủ động trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định 22; đã chủ động xây dựng mới Quy tắc Hoà giải đảm bảo tính tuân thủ Nghị định 22 và được Bộ Tư pháp bổ sung hoạt động hòa giải. Ngày hôm nay, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) chính thức ra mắt, sẽ là một trong ít tổ chức đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải trên cơ sở Nghị định số 22/NĐ-CP. Bộ Quy tắc VMC được chắp bút bởi Tổ biên tập Quy tắc VMC với sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia hòa giải của IFC thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới giúp đảm bảo thủ tục hòa giải tại VMC sẽ đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc của một thủ tục hòa giải điển hình trên thế giới. Bộ Quy tắc cũng đã được góp ý chi tiết và kỹ lưỡng từ các chuyên gia về các thủ tục tố tụng tại Việt Nam để đảm bảo thủ tục hòa giải của VMC tuân thủ các khuôn khổ của Nghị định 22/NĐ-CP về Hòa giải thương mại và có thể vận hành tốt trong thực tiễn tại Việt Nam. Bộ Quy tắc VMC bao gồm 15 điều, mô tả các trình tự, các bước tiến hành, các hướng dẫn cũng như các nguyên tắc bắt buộc của một thủ tục hòa giải tại VMC. Theo đó, bất cứ bên nào khi có tranh chấp, dù đã có hay chưa có một thỏa thuận hòa giải, nếu mong muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đều có thể theo các hướng dẫn tại Điều 3: Bắt đầu hòa giải khi có thỏa thuận hòa giải và Điều 4: Bắt đầu hòa giải khi chưa có thỏa thuận hòa giải. Quy tắc VMC, Biểu phí Hòa giải VMC và các thông tin liên quan được đăng tải trên trang thông tin điện tử: www.viac.vn và www.facebook.com/viac.vn/ Phương Thanh – Mai Thảo

Tăng cường tin học hóa cho các trạm y tế xã

TĐKT - Ngày 25/5, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã đi kiểm tra hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động kiểm tra, giám sát thực trạng hoạt động của các trạm y tế xã trong khuôn khổ chương trình xây dựng 26 trạm y tế xã điểm, một trong những bước đi triển khai thực hiện Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm việc tại trạm y tế xã Mường Vi Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều đặc thù: Cộng đồng dân cư đa sắc tộc, một bộ phận đông đồng bào dân tộc sống tại các khu vực miền núi hẻo lánh có điều kiện phát triển kinh tế xã hội hạn chế, đường giao thông không thuận lợi. Nhưng đây là tỉnh nhiều tiềm năng với cửa khẩu quốc tế thông thương nhộn nhịp và các điểm du lịch nổi tiếng thu hút tới 4 triệu du khách trong năm 2017. Đây cũng là nơi dễ du nhập của các dịch bệnh. Tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của liên bộ Bộ Y tế - Bộ Nội vụ; tuyến huyện thực hiện sáp nhập thành Trung tâm Y tế huyện thực hiện 2 chức năng khám, chữa bệnh và dự phòng (trừ những huyện có bệnh viện đa khoa đạt hạng 2). Giải thể 14 phòng khám đa khoa khu vực không còn phù hợp, kém hiệu quả. Nâng cấp 18 phòng khám đa khoa khu vực còn lại thành cơ sở 2, cơ sở 3 của bệnh viện đa khoa hoặc trung tâm y tế huyện. 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế trực thuộc trung tâm y tế huyện. Đoàn đã tới thăm và kiểm tra 3 trạm y tế tại các xã Bản Vược (vùng 1), Mường Vi (vùng 2) và Dền Sáng (vùng 3) thuộc huyện Bát Xát. Tại các nơi kiểm tra, đoàn ghi nhận những nỗ lực to lớn của Đảng ủy, UBND tỉnh và ngành y tế tỉnh Lào Cai trong việc xây dựng hệ thống y tế cơ sở ở địa phương. Các trạm y tế này đều là những công trình khang trang, được trang bị đầy đủ trang thiết bị cơ bản, với đội ngũ cán bộ y tế yêu nghề, tận tình bám dân, bám bản. Các trạm y tế này đã thực hiện tốt công tác tiêm chủng (với tỷ lệ tiêm chủng đạt 95%), trực tiếp đỡ đẻ cho 25% thai phụ trong năm 2017; làm tốt phòng, chống dịch bệnh... Trực tiếp trò chuyện với trưởng trạm và các nhân viên trạm y tế để tìm hiểu nhu cầu và khả năng thực tế tại địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các trạm y tế bố trí lại vị trí các phòng cho hợp lý hơn. Ví dụ, tại trạm y tế xã Mường Vi cần đặt phòng khám bệnh và phòng cấp cứu vào vị trí phòng hành chính; phòng đẻ và phòng kế hoạch hoá gia đình cần bố trí vào chung một phòng. Lưu ý ngoại cảnh, vườn thuốc nam... phù hợp điều kiện trạm y tế xã. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo Ban quản lý Dự án Giáo dục và Đào tạo Nhân lực Y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET), đơn vị chủ trì xây dựng chương trình xây dựng 26 trạm y tế điểm, cân nhắc đưa vào danh mục trang thiết bị cho các trạm y tế xã những thiết bị: Tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vắc xin bằng năng lượng mặt trời, máy đo đường huyết, máy tạo oxy, máy giặt, máy sấy, máy lọc nước, tivi để phát các thông điệp, chương trình truyền thông... Các giường bệnh dùng chiếu cần được thay cả giường và ga để đảm bảo vệ sinh. Các nhân viên y tế cần được tập huấn thêm về nghiệp vụ để thực hiện một số thủ thuật được thực hiện tại tuyến xã; quản lý 4 bệnh không lây nhiễm là tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các rối loạn tâm thần; xây dựng và quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân cho tất cả người dân sinh sống trên địa bàn. Về hoạt động ngoại trạm, đạo lãnh đạo Dự án HPET trang bị cho mỗi trạm y tế 2-3 bộ dụng cụ khám bệnh hiện đại; đặc biệt cân nhắc khả năng thay thế việc trang bị máy tính để bàn thành máy tính bảng để các cán bộ y tế xã có thể sử dụng các ứng dụng apps (có sẵn hoặc sẽ được xây dựng và tải lên Internet) để quản lý các chương trình bao phủ chăm sóc sức khoẻ, đồng thời thực hiện truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho người dân. Các trang bị truyền thông lưu động cũng cần bổ sung để tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lào Cai, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Lào Cai trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy y tế cơ sở như thành lập trung tâm y tế huyện 2 chức năng, hoàn thiện các phòng khám đa khoa khu vực; đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn có trạm y tế xã, thực hiện 2 chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh hoặc chỉ thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu tùy thuộc tình hình địa phương. Đối với Đề án Y tế cơ sở, triển khai mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 - 2020 tại 26 trạm y tế xã trên toàn quốc, trong đó tỉnh Lào Cai có 3 trạm y tế xã, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo triển khai sớm, đồng bộ: nâng cấp hoàn thiện cơ sở vật chất; bổ sung trang thiết bị chuyên môn và truyền thông đảm bảo công năng và hiệu quả hoạt động; đảm bảo đủ nhân lực và đào tạo tập huấn chuyên môn, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe; triển khai quản lý sức khỏe toàn dân; triển khai tin học hóa y tế cơ sở. Hồng Thiết

Chung kết cuộc thi Giám đốc Tài chính tương lai 2018

TĐKT - Tối 24/5, tại Hà Nội, đã diễn ra Chung kết cuộc thi Giám đốc Tài chính tương lai năm 2018 (Future CFO 2018) do Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng phối hợp với Tập đoàn Trí Việt tổ chức. Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên từ năm 2017, với mục đích tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện về kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn dành cho sinh viên kinh tế nói chung và khối ngành tài chính – ngân hàng nói riêng trên địa bàn Hà Nội. Ban tổ chức trao giải nhất cho sinh viên Nguyễn Yến Nhi, Đại học Kinh tế quốc dân Đây là cơ hội để các bạn sinh viên áp dụng những kiến thức tích lũy trên giảng đường vào những tình huống thực tế; giúp họ có cơ hội làm chủ kiến thức và vận dụng linh hoạt vào thực tiễn, thông qua đó phát triển khả năng tư duy và thực hành của mình. Bên cạnh việc trau dồi kiến thức trong lĩnh vực tài chính, đây cũng là cơ hội để các sinh viên năng động học hỏi và hoàn thiện các kỹ năng mềm của bản thân mình thông qua việc chia sẻ quan điểm quan điểm, rèn luyện năng lực chuyên môn cũng như sự nhạy bén thông qua các vòng thi, tranh luận và phản biện. Tham dự chung kết là 5 gương mặt xuất sắc nhất đến từ các trường: Đại học ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài Chính và Học viện Ngân hàn, được lựa chọn từ hơn 200 thí sinh đến từ các trường đại học khu vực phía Bắc. Các thí sinh đã trải qua 4 phần thi: Phần thi thứ nhất có tên “Bạn là ai”. Trong phần thi này, mỗi thí sinh (cùng với các cộng sự) sẽ thể hiện một tiết mục để giới thiệu mình và vị trí, vai trò của CFO trong doanh nghiệp bằng hình thức tự do. Tiếp theo là phần thi thứ 2 có tên “Vượt qua thử thách”. Mỗi thí sinh tham gia phần thi trả lời 1 gói 10 câu hỏi về các lĩnh vực kinh tế, tài chính. Phần thi thứ 3, phần thi “Xử lý tình huống”. Cả 5 thí sinh lần lượt phân tích 1 Báo cáo phân tích tài chính ngay tại sân khấu của cuộc thi. Kết thúc thời gian, thí sinh phải dừng phần xử lý trên laptop của mình lại để bước sang phần trình bày và trả lời các câu hỏi từ Ban giám khảo. Cuối cùng là phần thi "Bản lĩnh CFO". Mỗi thí sinh xử lý tình huống do ban giám khảo đặt ra bằng cách trực tiếp vào vai CFO trong tình huống đó. 2 thí sinh còn lại sẽ phản biện phần xử lý tình huống của thí sinh vừa dự thi. Trải qua những giờ phút tranh tài gay cấn và hồi hộp, Nguyễn Yến Nhi, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi, nhận số tiền thưởng lên đến 53 triệu đồng. Ngoài ra, Nguyễn Yến Nhi còn có cơ hội trở thành trợ lý hội đồng quản trị tại Tập đoàn Trí Việt. Thục Anh  

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại Tòa nhà Kinh Đô 93 Lò Đúc

TĐKT - Sáng 26/5, UBND phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Phòng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) số 1 phối hợp cùng Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Tòa nhà Kinh Đô số 93 Lò Đúc, Hà Nội. Dự buổi diễn tập có ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, đại diện lãnh đạo phòng Phòng Cảnh sát PCCC số 1, các đơn vị chức năng và hàng trăm người dân đang sinh sống tại tòa chung cư Kinh Đô. Các lực lượng chuẩn bị thiết bị chữa cháy Tình tiết giả định xảy ra vào lúc 9h00 sáng 26/5 tại tầng hầm B1 của tòa nhà, đám cháy xuất hiện ở khu vực để xe máy, ô tô... Nguyên nhân do sự cố chập điện tại một chiếc xe máy. Chất cháy chủ yếu là nhựa, xăng nên khi gặp nguồn nhiệt, đám cháy nhanh chóng bùng lớn và cháy lan sang các phương tiện xe máy ở gần đó. Sự cố cháy đã tạo ra lượng khói lớn bao trùm toàn bộ khu vực hầm B1, đang có xu hướng thoát lên các tầng phía trên thông qua khu vực cầu thang bộ hở, gây ra hoảng loạn cho người dân và cán bộ, công nhân viên sống tại tòa nhà. Người dân và tài sản được các lực lượng chức năng nhanh chóng đưa ra khỏi tòa nhà Ngay sau khi xảy ra cháy, đầu báo cháy tại khu vực này nhận tín hiệu và truyền về tủ trung tâm báo cháy, kích hoạt hệ thống chuông báo cháy tại các khu vực khác của tòa nhà. Ngay sau khi nhận được thông tin báo cháy từ trung tâm, bảo vệ tại khu vực phòng kỹ thuật nhanh chóng cắt điện khu vực xảy ra cháy. Đồng thời, báo cho Trưởng Ban Quản lý tòa nhà, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ tổ chức triển khai các biện pháp chữa cháy và tổ chức thoát nạn. Thông báo chỉ dẫn thoát nạn qua hệ thống loa phát thanh, đồng thời gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, UBND phường Phạm Đình Hổ, Công an phường Phạm Đình Hổ.   Các thiết bị tiếp tục khống chế đám cháy Buổi diễn tập diễn ra thành công. Sau quá trình ứng cứu đã có hàng trăm người dân cùng tài sản được đảm bảo an toàn. Phát biểu rút kinh nghiệm sau buổi diễn tập, Thiếu tá Nguyễn Khắc Nam, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 1cho biết: Mục đích tổ chức tập huấn để nhận thức rõ vai trò người đứng đầu cơ quan, tổ chức và lực lượng PCCC cơ sở đối với công tác PCCC. Quán triệt việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong tổ chức chữa cháy, quy trình tổ chức chữa cháy, sử dụng thành thạo hệ thống PCCC tại chỗ của Tòa nhà Kinh Đô. Qua đó, kiểm tra sự phối hợp, điều hành chỉ huy, thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng PCCC cơ sở khi có cháy, nổ xảy ra... Buổi diễn tập giúp người dân sống tại tòa nhà có được kỹ năng thoát nạn cũng như kỹ năng phối hợp chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Thiếu tá Nguyễn Khắc Nam Nam cho biết hệ thống PCCC của tòa nhà Kinh Đô đã tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, hệ thống hút khói và một số hạng mục cần được kiểm tra khắc phục để đảm bảo an toàn khi cháy nổ. Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn cả nước việc cháy nổ diễn ra vô cùng phức tạp. Do vậy, việc chuẩn bị, phòng tránh sự cố xảy ra góp phần giảm thiểu thiệt hại. Buổi diễn tập hôm nay giúp người dân hình dung ra sự cố và biết cách thoát nạn thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đánh giá cao công tác chủ động phối hợp đảm bảo an toàn công tác PCCC trên địa bàn phường Phạm Đình Hổ, kết luận chỉ đạo qua buổi diễn tập, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch quận Hai Bà Trưng nhấn mạnh: Thời gian qua, lãnh đạo phường Phạm Đình Hổ rất quan tâm đến công tác PCCC trên địa bàn. Phường cũng chủ động phối hợp với Phòng cảnh sát PCCC và chủ đầu tư tổ chức buổi diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại tòa nhà Kinh Đô. Để đảm bảo an toàn cháy nổ trên địa bàn, thời gian tới, UBND Phường Phạm Đình Hổ cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên đôn đốc kiểm tra, qua đó có thông báo yêu cầu xử lý kịp thời nếu phát hiện có vi phạm. Phương Linh

Ra mắt nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe dành cho trẻ em tại Việt Nam

TĐKT – Ngày 24/5, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Master Tran đã chính thức ra mắt nhóm 5 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz Kinder của hãng dược phẩm hàng đầu tại Đức - Queisser Pharma tới thị trường Việt Nam. Sự kiện ra mắt sản phẩm mới của Doppelherz Kinder tại Việt Nam Chia sẻ tại Lễ ra mắt, TS. Phan Bích Nga, bác sĩ Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao. Theo thống kê, cứ 4 trẻ thì lại có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. TS. BS Phan Bích Nga chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Trong đó, một trong những nguyên nhân thường gặp nhất chính là trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt, trẻ em Việt không chỉ bị thiếu 1 hoặc 2 vi chất dinh dưỡng mà là bị thiếu đa vi chất dinh dưỡng. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn. Tỷ lệ nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở Việt Nam là 542/1.000 trẻ sơ sinh thành thị và 691/1.000 trẻ sơ sinh ngoại ô. Hơn 77% số trường hợp viêm phổi xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ tiêu chảy trong vòng 1 năm đầu đời ít nhất là 271/1.000 trẻ. Để ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ. Khẩu phần ăn của trẻ cần đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và đa dạng (bao gồm cả chất lượng và số lượng). Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ vì khả năng hấp thụ dinh dưỡng của mỗi trẻ là hoàn toàn khác nhau. Ngoài việc bổ sung các vi chất cho trẻ thông qua các loại thực phẩm, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung vi chất. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, Công ty cổ phần Master Tran đã chính thức ra mắt nhóm 5 sản phẩm: Kinder Multivitamin, Calciovin, Vitamin D3 nhỏ giọt, Immune và Omega 3 là các sản phẩm bổ sung Vitamin và khoáng chất dạng lỏng với các công dụng chuyên biệt hỗ trợ các vấn đề sức khỏe khác nhau giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh. Kinder Multivitamin Syrup bổ sung 17 Vitamin và khoáng chất với L-lysin giúp cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ, kích thích trẻ ăn ngon và tiêu hoá tốt một cách tự nhiên. Kinder Immune Syrup bổ sung các Vitamin A, D, E, C cùng Kẽm và Selenium với hàm lượng thích hợp nhằm tăng cường chức năng hệ miễn dịch, giúp trẻ bớt ốm vặt và đề kháng tốt hơn với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Kinder Calciovin Liquid cung cấp hàm lượng Canxi hữu cơ (Canxi Citrate) vượt trội 150mg/5ml cùng với Vitamin D3, Magie, Kẽm, Mangan và Vitamin C hỗ trợ sự phát triển hệ cơ xương chắc khỏe và tăng trưởng chiều cao tốt cho trẻ em. Mỗi giọt Kinder D3 Drops cung cấp 100 IU Vitamin D3 trong dầu Hướng Dương tự nhiên, không mùi, không vị có thể dùng trực tiếp hoặc pha vào thức ăn rất dễ sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Kinder Omega 3 Syrup có thành phần chính là DHA kết hợp với 11 Vitamin A, C, D, E và Vitamin nhóm B giúp hỗ trợ thị lực, phát triển não bộ và cải thiện khả năng tập trung ở trẻ nhỏ, nhất là các bé quá hiếu động và thiếu tập trung. Sản phẩm được bào chế dạng siro với công nghệ không tách pha (microencapsulation) khử hoàn toàn mùi vị tanh của cá và có vị cam thơm ngon giúp trẻ dễ dàng sử dụng. Phương Linh  

Quyết tâm xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá

TĐKT - Sáng 24/5, tại Hà Nội, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25/5 - 31/5). Ký kết giao ước thi đua xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá. Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, tại buổi lễ, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã ký kết giao ước thi đua xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá, với những nội dung: Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá; củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá các cấp trong Bộ tư lệnh. Cùng với đó, đưa tiêu chí “không hút thuốc lá” vào tiêu chuẩn công nhận “Đơn vị văn hóa” và là một tiêu chí đánh giá kết quả thi đua của tập thể, cá nhân hằng năm... Những năm qua, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá các cấp; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ tại các cơ quan, đơn vị bảo đảm chất lượng, hiệu quả thiết thực. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá với nhiều nội dung, hình thức phong phú, trực quan, sinh động... Nhờ đó, số người hút thuốc lá trong các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội giảm từ 57,5% (năm 2015) xuống còn 20,1% (năm 2017), các bệnh lý về hô hấp giảm từ 30% xuống còn 8%. Việc triển khai thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá đã góp phần quan trọng xây dựng cơ quan, đơn vị có môi trường văn hóa lành mạnh, xanh - sạch - đẹp, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Thủ đô lịch sự, văn minh. Bình Nguyên

Đối thoại về cải thiện chính sách giáo dục liên quan đến trẻ em dân tộc

TĐKT – Sáng 23/5, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (VACR) phối hợp Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) tổ chức “Đối thoại về cải thiện chính sách giáo dục liên quan đến trẻ em dân tộc” để giới thiệu kết quả thí điểm các mô hình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào việc cải thiện chất lượng môi trường học tập được triển khai tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái trong 3 năm (2015 - 2018) và một số đề xuất cải thiện chính sách giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số cũng như thúc đẩy vai trò của các tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em trong trường học. Tham dự đối thoại có 30 trẻ em là đại diện học sinh của 9 trường THCS và Phổ thông trung học bán trú của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và đại diện các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo; đại diện của Vụ Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái; các phòng Giáo dục Đào tạo, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, giáo viên, phụ huynh học sinh tham gia mô hình thí điềm ở huyện Văn Chấn. Tại buổi đối thoại, em Lò Thị Thu Uyên, thành viên Hội đồng tự quản của trường TH&THCS Ba Khe, trình bày bài tham luận với chủ đề “Thúc đẩy sự tham gia của trẻ và quyền trẻ em thông qua mô hình Câu lạc bộ trẻ em và Hội đồng tự quản của trẻ em”. Đây là các mô hình được thí điểm trong khuôn khổ Dự án “Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể và học sinh trong việc thúc đẩy giáo dục có chất lượng, giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc trong trường học” do VACR và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp triển khai tại tỉnh Yên Bái trong giai đoạn 2015 - 2018. Đối thoại về cải thiện chính sách giáo dục liên quan đến trẻ em dân tộc Em Bàn Thị Còi, thành viên Câu lạc bộ trẻ em trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Các cuộc thi vẽ tranh về quyền trẻ em, kể chuyện qua ảnh... đã lôi cuốn các bạn học sinh tham gia nhiệt tình, tích cực. Các mẩu chuyện do chúng em tự viết về thầy cô giáo, về đôi bạn cùng tiến, về cuộc sống sinh hoạt ở khu bán trú, về phong tục tập quán ở địa phương được đánh giá là tốt. Đặc biệt trong Hội thi sân khấu hóa về quyền trẻ em, các thành viên được lựa chọn tham gia đã tích cực luyện tập, có buổi tập còn được bác lãnh đạo xã và đại diện Hội cha mẹ học sinh đến xem, động viên. Chúng em đã đạt giải Ba của hội thi, đây là kết quả rất đáng khích lệ cho chúng em." Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe các tham luận về “Cải thiện chính sách giáo dục liên quan đến trẻ em dân tộc thông qua phương pháp đánh giá chất lượng môi trường học tập và xây dựng kế hoạch phát triển trường học có sự tham gia” và “Vai trò của các tổ chức xã hội trong hỗ trợ và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ dân tộc trong trường học”. Đây là những yếu tố có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái và cha mẹ để thực sự tham gia đóng góp ý kiến vào việc lập kế hoạch và quản lý của nhà trường, đảm bảo giáo dục có sự phù hợp và gần gũi với văn hóa địa phương. Phát biểu tại đối thoại, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam khẳng định những kết quả mà dự án đạt được trong 3 năm đã góp phần thay đổi không nhỏ trong nhận thức, hành động của trẻ em và các bậc phụ huynh, Ban giám hiệu nhà trường về cải thiện chất lượng môi trường học tập đặc biệt là tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, nơi mà trẻ em dân tộc học tập và sinh hoạt. Trẻ em có quyền được tham gia vào những vấn đề liên quan tới trẻ em như Luật trẻ em 2016 đã quy định. Từ những thay đổi về điều kiện sinh hoạt và học tập của các em đã minh chứng cho sự thay đổi về nhận thức và hành động của người lớn trong việc đảm bảo quyền tham gia của trẻ em được thực hiện tại trường học. Vì vậy cần phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm rút ra sau 3 năm thí điểm cũng như duy trì và nhân rộng để từ đó góp phần cải thiện môi trường giáo dục cho trẻ em dân tộc nói chung và cho trẻ em dân tộc của tỉnh Yên Bái nói riêng. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là tổ chức xã hội được thành lập theo quyết định số 464/QĐ-BNV ngày 08/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hoạt động vì mục đích bảo vệ quyền trẻ em. VACR có trách nhiệm tổ chức kết nối, thu thập thông tin của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến của Hội đối với các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến trẻ em (theo quy định của Luật Trẻ em 2016). Với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và tổ chức Cứu trợ Trẻ em, Hội đã triển khai Dự án “Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể và học sinh trong việc thúc đẩy giáo dục có chất lượng, gìn giữ văn hóa và bản sắc dân tộc trong trường học” trong thời gian 3 năm từ 2015 - 2018.  Dự án nhằm thúc đẩy sự tham gia của tổ chức xã hội, đoàn thể và cộng đồng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách liên quan đến quyền cơ bản về giáo dục, với mục tiêu tác động tới hơn 3.000 trẻ em ở cấp trung học cơ sở và 4.500 thành viên cộng đồng thuộc các nhóm dân tộc Mông, Dao, Thái và Khơ mú, cùng 300 giáo viên và cán bộ quản lý của 10 trường tiểu học và trung học cơ sở và phổ thông dân tộc bán trú tại 9 xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Thục Anh

Hơn 2000 sinh viên trường nghề được đào tạo kỹ năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lao động thời đại 4.0

TĐKT - Sáng 23/5, tại Hà Nội, tổ chức Plan International phối hợp Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị tổ chức Hội thảo Công bố tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề. Bộ tài liệu được xây dựng dựa trên đánh giá thực trạng kiến thức, kỹ năng sống của thanh niên đang theo học chương trình nghề và yêu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng của các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Sau 2 năm triển khai và áp dụng, 100% sinh viên của hai trường Cao đẳng nghề đã được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm thích ứng được với môi trường học nghề, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng bước vào thị trường lao động. Đối với thanh niên học nghề nói chung và nhóm thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, việc phát triển bản thân và sẵn sàng làm việc càng trở nên quan trọng và cần thiết để nắm bắt cơ hội thành công cho chính họ. Trong bối cảnh của Việt Nam, thị trường lao động luôn yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng và tận tâm. Trong khi đó, nhận thức về ý nghĩa của việc học nghề, có việc làm ổn định vẫn là một khoảng trống đối với thanh niên tham gia học nghề. Thu hẹp khoảng cách giữa mong đợi của doanh nghiệp và người lao động là nội dung tiên quyết, cần được chuẩn bị cho các bạn thanh niên. Hội thảo Công bố tài liệu và chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đó, dự án đã xây dựng một bộ tài liệu đào tạo kỹ năng mềm 60 giờ, bao gồm tài liệu giảng dạy dành cho giáo viên và sách thực hành dành cho học sinh. Bộ tài liệu đã được triển khai thử nghiệm với hơn 2000 sinh viên của hai trường nghề, được đánh giá có tính áp dụng cao và hiệu quả trong thực tiễn. Bộ tài liệu cũng được xây dựng với mục đích sử dụng rộng rãi cho tất cả các nhóm thanh niên học nghề từ hệ đào tạo trung cấp đến cao đẳng. Hội thảo mang đến cho các đại biểu những góc nhìn thực tiễn của giảng viên, sinh viên trong quá trình triển khai chương trình lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng các thành công của dự án. Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội cho biết: “Suốt hơn 40 năm hình thành và phát triển, trường chúng tôi luôn chú trọng phát triển kỹ năng mềm song song với chương trình đào tạo nghề. Hiện nay chúng tôi đã có được một đội ngũ giáo viên đào tạo kỹ năng mềm cơ hữu. Chương trình này còn được đánh giá cao từ phía các đối tác doanh nghiệp đang hợp tác với chúng tôi trong tuyển dụng lao động”. Cô Trần Thị Sinh, giáo viên dạy kỹ năng mềm, Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị chia sẻ: “Chương trình đào tạo kỹ năng mềm này thực sự có giá trị không chỉ đối với học sinh mà còn với cả giáo viên. Chúng tôi thấy được sự thay đổi rõ rệt của học sinh, sự mạnh dạn và tự tin, sự quyết tâm và nghị lực sau từng bài giảng. Bản thân giáo viên chúng tôi cũng thay đổi rất nhiều từ thái độ đến ý thức trách nhiệm với học sinh”. Nhóm biên soạn tài liệu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo “Em đã thực sự thay đổi trong cách nghĩ và giao tiếp với mọi người. Trước đây em không có định hướng cho cuộc sống của mình. Em thậm chí còn không biết làm gì để có thể giúp đỡ được gia đình mình. Em đã từng có suy nghĩ rằng em không có khả năng để làm được điều gì tốt hơn. Bây giờ em đã có kế hoạch rõ ràng cho cuộc sống của em: Hoàn thành khóa học để về làm việc ở tỉnh và giúp đỡ vợ em đi học nghề may như mong muốn của cô ấy” - Chia sẻ của Lò Văn Ngọc, khóa trung cấp Đường ống công nghệ 3, đến từ tỉnh Sơn La. Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội mong muốn chương trình này sẽ tiếp tục được chia sẻ và áp dụng ở nhiều trường nghề tại TP Hà Nội. Hưng Vũ    

Nâng cao nhận thức cho thanh niên về sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học

TĐKT – Ngày 22/5, tại Hà Hội, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, CLB Liên kết trẻ, Tổ chức YVS Vietnam tổ chức Vòng chung kết Cuộc thi Tranh biện BnW 2018 với chủ đề "Sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học". 2 thí sinh đạt giải nhất cuộc thi Năm 1993, Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học (gọi tắt là Công ước CBD) đã thống nhất lựa chọn ngày 22/5 hằng năm là Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học để kêu gọi các Quốc gia, tổ chức, cộng đồng cùng hành động để bảo tồn đa dạng sinh học. Năm 2018, kỷ niệm 25 năm ngày Công ước có hiệu lực; hưởng ứng ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học, với mong muốn nâng cao nhận thức và trách nhiệm hành động của cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ về sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), CLB Liên kết trẻ, Tổ chức YVS Vietnam tổ chức cuộc thi tranh biện dành cho học sinh, sinh viên với chủ đề "Sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học". Tham gia cuộc thi là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 18 - 22 đang theo học tại các trường THPT và đại học tại Hà Nội, có đam mê và tiềm năng tư duy, tranh luận và hùng biện tốt, đặc biệt quan tâm và mong muốn thể hiện quan điểm, tinh thần trách nhiệm của giới trẻ với vấn đề sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Cuộc thi nhằm kêu gọi sự chung tay hành động của cộng đồng xã hội đối với việc sử dụng hợp lý và hiệu quả đồng thời có thể bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Trải qua gần 1 tháng với 3 vòng thi: Vòng đơn – Vòng phỏng Vấn – Vòng Camp. Ban Tổ chức đã chọn ra 8 thí sinh xuất sắc nhất (trong số 300 thí sinh thi) để tham gia vào vòng Chung kết BnW 2018. Vòng chung kết Cuộc thi được tổ chức với hình thức mới mẻ, hấp dẫn, phát huy tính sáng tạo, tư duy phản biện, cách thức lập luận, hùng biện, tranh biện về việc sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học của các bạn trẻ. Ở phần thi khởi động (Tư duy liên kết), mỗi đội chọn 1 từ ngữ liên quan tới chủ đề "đa dạng sinh học" và trình bày 1 bài hùng biện ngắn trong thời gian 5 phút để nói về từ mà mình đã chọn. Điểm của phần thi này sẽ chiếm 30% tổng số điểm. Phần thi tranh biện chính được tiến hành theo luật tranh biện BP (The British Parliamentary Debate Format). Có tất cả 8 thí sinh tham gia được chia là 4 đội để bước vào phần thi này. Kết thúc cuộc thi, giải nhất (8 triệu đồng) đã thuộc về đội thi của thí sinh Nguyễn Thị Ngân Hoa, Đại học Kinh tế Quốc dân, thí sinh Trần Tuấn Anh, Học viện Báo chí tuyên truyền. Giải nhì (5 triệu đồng) thuộc về đội thi của thí sinh Trịnh Như Phương, Đại học Ngoại Thương và Trần Lê Anh, THPT Chu Văn An. Ngoài ra, ban tổ chức trao giải ba (2 triệu đồng/giải) cho 2 đội còn lại. Nhân dịp này, trong chương trình, Ban tổ chức đã phát động Cuộc thi hùng biện online về đa dạng sinh học nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên, sinh viên Việt Nam về đa dạng sinh học, các cơ chế tài chính bền vững cho đa dạng sinh học và các Mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến đa dạng sinh học. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây là một sân chơi bổ ích, giúp tăng khả năng sáng tạo và trang bị kỹ năng thuyết trình, phân tích và tổng hợp cho sinh viên. Thời gian dự kiến tổ chức chương trình: Từ 20/7/2018 đến 5/8/2018. Phương Thanh

Trang