TĐKT - Bệnh giun chỉ bạch huyết do một số loài giun chỉ bạch huyết gây nên và được lây truyền bởi muỗi, rất phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới do điều kiện khí hậu nóng và ẩm. Tại Việt Nam, bệnh đã được biết đến từ lâu và đã từng là một trong những bệnh gây tàn phế hàng đầu cho người mắc bệnh.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế Việt Nam Trần Thị Giáng Hương nhận chứng nhận Loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết cho Việt Nam
Trước năm 1975, bệnh giun chỉ bạch huyết lưu hành rộng rãi trên toàn quốc, một số vùng có tỷ lệ nhiễm cao, từ 5 - 10% dân số và có số lượng đáng kể phù chân voi, gây đau đớn, tàn tật do biến chứng và ảnh hưởng tới thẩm mỹ, khó hòa nhập cộng đồng của người bệnh.
Giai đoạn từ 1976 -2002, với các tiến bộ về chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh thì tỷ lệ mắc đã giảm xuống đáng kể chỉ còn 1 - 3% tại các vùng lưu hành nặng.
Từ năm 2002, Chương trình Loại trừ giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam đã được triển khai và thực hiện trên toàn quốc theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG), để điều tra lập bản đồ dịch tễ, tổ chức điều trị toàn dân (MDA) tại các vùng dịch tễ, tiến hành các vòng điều tra về sự lan truyền bệnh giun chỉ bạch huyết (TAS) và đánh giá kết quả thực hiện theo các tiêu chí của TCYTTG.
Kết quả từ năm 2013 - 2016 đã không phát hiện trường hợp nào dương tính. Năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện và thấy rằng Việt Nam đã loại trừ giun chỉ bạch huyết đạt tiêu chuẩn của TCYTTG và lập hồ sơ gửi TCYTTG đánh giá công nhận Việt Nam loại trừ giun chỉ bạch huyết.
Ngày 8/10/2018, tại Manila, Tổng Giám đốc TCYTTG tại Geneva, TS. Tedros Adhanom Dhebreyesus và Trưởng đại diện TCYTTG khu vực Tây Thái Bình Dương, TS. Shin Young-Soo đã trao chứng nhận Loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết cho các nước gồm Việt Nam, Palau, Wallis và Futuna, nâng tổng số nước đã công bố loại trừ bệnh này trong khu vực lên tới con số 11 nước.
Đại diện Bộ Y tế Việt Nam, bà Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế Việt Nam đã lên nhận chứng chỉ. Đây là lần thứ 2 Việt Nam được công nhận loại trừ một bệnh truyền nhiễm tiếp theo sau công bố loại trừ bệnh bại liệt vào năm 2000.
Hoạt động loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết (GCBH) ở Việt Nam đã nhận được hỗ trợ của TCYTTG từ năm 2001, với các hoạt động đã được thực hiện bao gồm điều tra dịch tễ trên toàn quốc, lựa chọn 6 huyện trọng điểm để đưa vào chương trình giám sát và điều trị toàn dân, đó là Bình Lục (Hà Nam), Phù Cừ (Hưng Yên), Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Ninh Hoà (Khánh Hoà) và Bác Ái (Ninh Thuận).
Giai đoạn từ 2002 - 2008, tại các huyện trọng điểm đã tiến hành 5 vòng điều trị toàn dân liên tiếp bằng Diethylcarbamazine phối hợp với Albendazole với tỷ lệ uống thuốc đạt trên 65% dân số. Điều tra đánh giá nhiều lần sau khi các vòng điều trị toàn dân không phát hiện trường hợp nào dương tính.
Bên cạnh đó, các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực chăm sóc cho bệnh nhân có biến chứng phù voi cũng đã được tiến hành tại các tỉnh trọng điểm. Cùng với đó, công tác giám sát bệnh giun chỉ bạch huyết đã được thực hiện trên toàn quốc để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Kết quả loại trừ giun chỉ bạch huyết của Việt Nam đã được TCYTTG xem xét và đánh giá theo các chỉ tiêu về Loại trừ bệnh Giun chỉ bạch huyết theo tiêu chuẩn của TCYTTG áp dụng trên toàn cầu. Theo đó, các hoạt động tuyên truyền, giám sát và phòng, chống bệnh bệnh giun chỉ bạch huyết đã đạt và đáp ứng tất cả các chỉ tiêu về loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết ở cấp quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh “Trước đây, Việt Nam là nước có lưu hành bệnh giun chỉ bạch huyết với hàng triệu người dân sống trong vùng nguy cơ. Với sự hỗ trợ của TCYTTG và các đối tác, với sự nỗ lực của hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, đến nay Việt Nam đã đạt được mục tiêu Loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết như một vấn đề sức khoẻ cộng đồng. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tiến hành các bước giám sát đánh giá sau khi được công nhận loại trừ theo hướng dẫn của TCYTTG để duy trì được thành quả trên”.
Thành công trong hoạt động loại trừ bệnh giun chỉ bách huyết ghi nhận sự cố gắng nỗ lực không những của ngành y tế mà còn ghi nhận sự nỗ lực chung của toàn dân trong công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Phòng bệnh giun chỉ bằng các biện pháp vệ sinh môi trường: Xây dựng nhà ở cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát để hạn chế muỗi vào nhà. Loại bỏ vũng nước đọng, khơi thông cống rãnh để làm giảm sự sinh sản của muỗi, thả cá ở các ao bèo để diệt bọ gậy.
Thực hiện vệ sinh cá nhân: Mặc quần áo kín khi lao động ban đêm, nhất là vùng có nghề thủ công như làm chiếu, nằm màn tránh muỗi đốt. Phát hiện và điều trị người có bệnh. Thực hiện tốt chương trình quốc gia phòng, chống bệnh giun chỉ bằng uống DEC 1 tháng 1 đợt 3 ngày, mỗi ngày 6 mg/kg điều trị cho mọi người lớn hơn 6 tuổi trong vài năm.
La Giang