Chính trị - Xã hội

Trao giải các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 lần thứ 2, năm 2018

TĐKT - Chiều 12/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 và phát động nhắn tin "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2018. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 Vương Đình Huệ dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu; các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTTG) giai đoạn 2016 - 2020 và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông. Ban tổ chức trao giải nhất cho các tác giả có tác phẩm đạt giải Tính đến hết ngày 10/9/2018, Ban tổ chức Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 lần thứ 2, năm 2018 đã tiếp nhận hàng trăm tác phẩm dự thi của các cá nhân, tập thể các cơ quan báo chí trung ương và địa phương với các thể loại: Phóng sự, ghi chép, bút ký, bài phản ánh, phóng sự ảnh, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình... Qua sàng lọc các tác phẩm dự thi, có 174 tác phẩm lọt vào vòng sơ khảo cuộc thi. Các tác phẩm dự thi được các tác giả lựa chọn, phản ánh khá đa dạng công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trên cả nước, gắn với thực tiễn triển khai công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Các tác giả đã phản ánh khá đậm nét quá trình xây dựng chính sách và triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Trong các tác phẩm dự thi, có phân tích, so sánh với việc thực hiện các nhóm chính sách giảm nghèo từng giai đoạn, qua đó, truyền tới mọi người thông điệp "Mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 không đơn thuần chỉ là giúp hộ nghèo có đủ cơm ăn, áo mặc mà còn phải đảm bảo để họ có thể tiếp cận bình đẳng đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Ban tổ chức đã lựa chọn được 38 cá nhân có các tác phẩm đạt giải (trong đó có 2 giải A, 9 giải B, 13 giải C, 14 giải khuyến khích) và 1 giải tập thể có nhiều tác phẩm dự thi và có nhiều tác phẩm đạt giải. Giải A thuộc về 2 tác phẩm: “Những cách làm mới trong giảm nghèo ở Hậu Giang” (2 bài) của tác giả Bích Châu, Báo Hậu Giang (hạng mục Báo in); tác phẩm “Cây sa mu trên núi cao Huồi Tụ” của tác giả Hà Thư - Văn Duy - Hoàn Huy, Trung tâm Truyền hình Nhân dân, Báo Nhân dân (hạng mục Báo hình). Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Vương Đình Huệ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 biểu dương các tác giả có tác phẩm xuất sắc được trao giải lần này. So với năm 2017, các tác phẩm năm nay có sự đầu tư công phu hơn, sát với thực tiễn hơn. Phó Thủ tướng mong muốn, Cuộc thi tiếp tục được phát động trong năm 2019, với sự tham gia nhiều hơn nữa của các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Những người làm báo cần bám sát thực tiễn cuộc sống hơn nữa để phản ánh đầy đủ, toàn diện, chân thực hơn công cuộc chống lại đói nghèo và giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước; về những tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo; các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia Cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo”, góp phần đưa công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đạt được những thành tựu mới. Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTTG giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức phát động đợt nhắn tin "Cả nước chung tay vì người nghèo" qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 do Bộ TT&TT, Bộ LĐ-TB&XH, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức, với cú pháp: VNN gửi 1409 để hướng ứng Ngày Quốc tế chống đói nghèo và cũng là Ngày Vì người nghèo ở Việt Nam 17/10. Phương Thanh  

Hội thi Giảng viên dạy giỏi lần thứ III năm 2018 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TĐKT - Trong 2 hai ngày 10 - 11/10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thi Giảng viên dạy giỏi lần thứ III năm 2018, với sự tham gia của 39 thí sinh xuất sắc nhất được lựa chọn từ các hội thi giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở của các viện chuyên ngành và các Học viện trực thuộc. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Học viện trao chứng nhận Giảng viên giảng dạy giỏi cấp Học viện cho các cá nhân Đánh giá chất lượng của Hội thi, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Chính sự khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm từ công tác chuẩn bị đến tổ chức triển khai Hội thi, cùng với sự nỗ lực của các giảng viên tham gia thi cũng như tinh thần làm việc khách quan, nghiêm túc của ban giám khảo đã tạo nên thành công của cuộc thi. Đây là lần đầu tiên Hội thi tổ chức đánh giá công khai từng giảng viên. 39 thí sinh dự thi với những bài giảng và phong cách khác nhau đã minh chứng cho tâm huyết, sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ giảng viên Học viện trong việc đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy và học. Các giảng viên dự thi dù bốc thăm được bất kỳ chủ đề nào cũng bình tĩnh, tự tin, đĩnh đạc lên lớp với tinh thần của người giảng viên trường Đảng. Đặc biệt, họ có cách tương tác hiệu quả với học viên lớp cao cấp lý luận chính trị, trong đó đối tượng học viên là lớp lãnh đạo quản lý. Các bài giảng dự thi sử dụng đồng bộ nhiều phương tiện, từ sử dụng bảng phấn cho đến thành thạo sử dụng các videoclip, powerpoint….đã tạo không khí hứng khởi, sôi nổi cho người dự nghe, người học. Đặc biệt, nhiều giảng viên nắm vấn đề bài giảng rất chắc, không chỉ dựa trên giáo trình mà còn tự cập nhật, vận dụng thực tiễn mới nhất của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong bài giảng của mình. Có những bài giảng còn cập nhật cả văn kiện Hội nghị Trung ương 8... Hội thi Giảng viên dạy giỏi lần thứ III - năm 2018 thực sự là cơ hội cho các giảng viên trong toàn hệ thống Học viện thể hiện năng lực, nghiệp vụ sư phạm và trình độ kiến thức của bản thân từng cá nhân, trau dồi kinh nghiệm với các đồng nghiệp. Đồng thời là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó giúp lãnh đạo Học viện có cách nhìn tổng thể hơn trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thi “Hiệu quả nhất của Hội thi lần này có lẽ là sự trưởng thành của các giảng viên trường Đảng. Tôi đánh giá cao sự chủ động cập nhật các Nghị quyết, kết luận mới nhất của Trung ương trong bài giảng của các đồng chí, từ đó truyền tải đến học viên sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Tôi mong rằng các đồng chí tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học phục vụ đào tào và tư vấn chính sách của Học viện xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng”  - GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh. Sau Hội thi, vinh dự được công nhận danh hiệu “Giảng viên giỏi”, anh Nguyễn Chí Tùng, cán bộ Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Gần 2 năm giảng dạy ở Học viện, khó khăn nhất với tôi đó là yêu cầu không ngừng tự nâng cao chuyên môn, nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy. Là giảng viên, tôi thường xuyên thông qua trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp và học viên để tiếp thu thực tế; kết hợp đọc sách báo, nghiên cứu, bổ sung thêm các kiến thức mới. Khi đến với Hội thi, tôi mong muốn vượt qua chính bản thân mình, củng cố bản lĩnh của người giảng viên trường Đảng. Và thực sự, kết quả sau Hội thi đã cho tôi cảm giác tự tin hơn. Tôi được củng cố thêm về phong thái giảng dạy hòa đồng hơn, cách giao tiếp, tương tác với học viên một cách hiệu quả hơn. Kết thúc Hội thi, ban tổ chức đã trao chứng nhận Giảng viên giảng dạy xuất sắc và Bằng khen của Học viện cho 3 cá nhân; 13 cá nhân khác được trao chứng nhận Giảng viên giảng dạy giỏi cấp Học viện. Mai Thảo  

Hà Nội: Thông xe cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên

TĐKT - Sáng 11/10, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ thông xe cầu vượt tại nút giao An Dương  - đường Thanh Niên, để hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn quận Ba Đình và Tây Hồ. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Kể từ khi hoàn thành cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài từ năm 2015 đã tạo thêm một tuyến đường trục chính đô thị kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm thành phố nhanh chóng, thuận lợi. Theo đó lưu lượng giao thông kết nối với Trung tâm chính trị Ba Đình, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì cũng tăng đột biến và tạo áp lực rất lớn lên nút giao An Dương - đường Thanh Niên, cũng như tuyến đê Nghi Tàm, dẫn đến khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại và sinh hoạt của nhân dân. Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên Để nhanh chóng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này, UBND thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên theo cơ chế đặc thù. Sau hơn 10 tháng thi công, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, do vướng công trình ngầm nổi, tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý dự án, các đơn vị thi công và các sở, ban, ngành của thành phố nên công trình đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, mỹ quan và đủ điều kiện để thông xe đưa vào khai thác sử dụng.  Phát biểu tại Lễ thông xe, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, việc thông xe công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên có ý nghĩa rất quan trọng, một mặt giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, tạo sự kết nối thuận lợi giữa Trung tâm chính trị Ba Đình với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài, mặt khác, thực hiện được việc gia cố vững chắc đê điều, đảm bảo an toàn phòng, chống lũ và tạo được cảnh quan đô thị trong khu vực, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung của Thủ đô. Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá cao và biểu dương các sở, ban, ngành của thành phố; UBND các quận: Ba Đình, Tây Hồ; các đơn vị thi công, các cán bộ, kỹ sư, người lao động… đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, lao động cật lực trên công trường để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ quan và an toàn. Từ hiệu quả mang lại của công trình này, Chủ tịch cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu để triển khai tiếp đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Nhật Tân và sẽ báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành cho phép cơ chế để triển khai nhanh chóng thuận lợi nhằm sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ cả tuyến, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Để công trình sau khi đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả, Chủ tịch đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố tổ chức bàn giao ngay các hạng mục cho các đơn vị quản lý để tiếp nhận và thực hiện công tác duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức thực hiện nghiệm thu, quyết toán hoàn thành công trình sau đầu tư theo đúng tiến độ quy định; đẩy nhanh các thủ tục để triển khai đoạn tiếp theo từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân. Sở Giao thông Vận tải tổ chức tiếp nhận bàn giao công trình cầu để thực hiện duy tu, duy trì; phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận Ba Đình, Tây Hồ theo dõi tình hình giao thông đi lại của khu vực sau khi thông xe để kịp thời có phương án tổ chức giao thông hợp lý đảm bảo an toàn, thuận lợi. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Xây dựng tổ chức tiếp nhận bàn giao toàn bộ hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, cấp nước đã đầu tư để thực hiện duy tu, duy trì ngay các hạng mục công trình theo quy định cũng như tổ chức đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tiếp nhận bàn giao hạng mục đê bê tông cốt thép để thực hiện duy tu, duy trì; phối hợp với Ban Quản lý dự án để triển khai thực hiện đoạn tiếp theo quy định. UBND các quận Ba Đình, Tây Hồ thường xuyên tổ chức tuyên tuyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị tại phạm vi nút giao và thực hiện chỉnh trang tuyến phố, đảm bảo mỹ quan đô thị. Thục Anh

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện

TĐKT - Tối 10/10, tại Hà Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Trung ương MTTQ tỉnh Hà Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 – 13/10/2018) và Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng”. Dự lễ kỷ niệm, có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, quyền Chủ tịch nước; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; nhiều lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các gia đình liệt sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm Đồng chí Lương Khánh Thiện quê ở Mễ Thượng, tổng Mễ Tràng (nay là tổ dân phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Năm 1923, đồng chí rời quê hương, ra TP Hải Phòng học Trường Kỹ nghệ thực hành và được giác ngộ cách mạng. Năm 1925, đồng chí tham gia vận động học sinh bãi khóa, viết đơn đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Tháng 4/1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hải Phòng. Tháng 8/1929, Tỉnh ủy lâm thời Hải Phòng thành lập, đồng chí được phân công phụ trách xây dựng cơ sở, tổ chức đảng ở Nhà máy Chai. Tháng 5/1930, đồng chí bị mật thám Pháp bắt; đến tháng 9/1936, đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động tại Hà Nội. Từ tháng 3/1937 đến tháng 10/1940, đồng chí Lương Khánh Thiện đảm nhận các chức vụ: Xứ ủy Bắc Kỳ; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An) và Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ngày 18/1/1941, đồng chí bị địch bắt tại Hải Phòng, sau đó đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ngày 1/9/1941, đồng chí Lương Khánh Thiện bị xử bắn tại Kiến An (Hải Phòng). Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cuộc đời của đồng chí Lương Khánh Thiện là một trang sử vẻ vang, một tấm gương của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tư chất cao đẹp của người cộng sản yêu nước. Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, với phương pháp và phong cách cách mạng quyết đoán, sáng tạo đồng chí đã góp quan trọng trong việc tuyên tuyền, đấu tranh, xây dựng, củng cố các tổ chức, cơ sở cách mạng, mở rộng địa bàn hoạt động của đảng ở các tỉnh phía Bắc. Đào tạo đội ngũ cán bộ làm nòng cốt trong phong trào cách mạng của Đảng ta. Khí phách hiên ngang, tinh thần kiên trung cùng với những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện, sự hy sinh dũng cảm của các nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ sẽ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập, noi theo. Đồng chí đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao các quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tặng 9 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ Nhân dịp này, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao các quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tặng 9 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ. Tại Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng”, các đại biểu và nhân dân được thưởng thức các ca khúc, hoạt cảnh nghệ thuật theo 3 chương: Người cộng sản kiên trung; tiếp bước truyền thống cách mạng, các thế hệ người dân Hà Nam hăng say lao động, anh dũng chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Hà Nam hội nhập và phát triển. Thông qua đó, khắc họa cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện; tấm gương hy sinh anh dũng của các nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ; những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam trong quá trình hội nhập và phát triển. Nguyệt Hà

Phòng, chống dịch bệnh trong mùa Đông - Xuân

TĐKT- Chiều 9/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thong tin về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng lưu hành và gặp tại hầu hết ở 63 tỉnh, thành. Bệnh ghi nhận ở nước ta từ năm 2005, tuy nhiên, số mắc tăng cao chủ yếu từ năm 2011 với số ca mắc hàng năm khoảng 100 nghìn trường hợp. 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó 29.324 trường hợp mắc nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. Quang cảnh họp báo Số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Tuy vậy, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội. Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn, bệnh sởi cũng mang đến nguy cơ cao trong mùa đông xuân. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 ca sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó, có 1.093 ca dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, với 1 ca tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). So với năm 2017, số ca mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Các ca mắc sởi lẻ tẻ, tản phát, không thành ổ dịch lớn. Các tỉnh có số ca mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao như: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh. Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết trong các tuần gần đây có xu hướng tăng nhẹ, do miền Nam đã bắt đầu vào mùa mưa. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2017, số mắc giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh: Thứ nhất, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà...). Thứ hai, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, cổ, đầu. Thứ ba, tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người. Thứ tư, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Thứ năm, đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Thứ sáu, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, xử trí kịp thời. Hồng Thiết

Đạp xe diễu hành hưởng ứng Tháng phòng, chống cháy nổ 2018

TĐKT – Sáng 10/10, gần 200 bạn trẻ tại Hà Nội đã tham gia Chương trình “Đạp xe diễu hành hưởng ứng Tháng phòng, chống cháy nổ 2018”. Chương trình do Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công thương), Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu hộ, cứu nạn (CHCN) - Bộ Công an, Đại học PCCC tổ chức. Ban Tổ chức cắt băng khai mạc Chương trình Chương trình là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và một số kỹ năng trong công tác phòng, chống cháy nổ, qua đó, bảo vệ an toàn tài sản của cơ quan, đơn vị, tính mạng và tài sản của nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Ông Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo – Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi mong muốn qua chương trình, toàn dân sẽ nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm đối với hoạt động PCCC, qua đó chủ động trong công tác PCCC khi có sự cố cháy nổ xảy ra.” Đại diện các đơn vị khởi động Chương trình đạp xe diễu hành hưởng ứng Tháng phòng, chống cháy nổ 2018 Theo thống kê, năm 2017 tình hình cháy, nổ trên cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trên địa bàn cả nước xảy ra 4.114 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Tình hình cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tập trung chủ yếu cháy nhà dân, nhà liền kề (1290 vụ) và một số loại hình cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ, nhưng vẫn còn đơn vị, cá nhân chủ quan, chưa thực sự chú trọng công tác này, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng. Tháng phòng, chống cháy nổ 2018 với chủ đề “Vì bình yên cuộc sống” là hoạt động thường niên được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày 4 tháng 10 - Ngày toàn dân PCCC. Phương Thanh

Thuốc lá - gánh nặng bệnh tật và kinh tế

TĐKT - Sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế nặng nề cho Việt Nam. Theo WHO, tại Việt Nam, thuốc lá gây ra trên 40.000 ca tử vong mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả. Theo số liệu của Bệnh viện K (năm 2000), tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%; không hút thuốc lá là 3,2%. Theo nghiên cứu của Viện chiến lược và chính sách y tế (2011), bệnh tật và tử vong do thuốc lá làm mất đi hơn 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Thuốc lá gây ra tổn thất kinh tế ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương gần 1% GDP của năm, số liệu thống kê năm 2011). Những tổn thất này bao gồm chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và bệnh tật, và tổn thất do tử vong sớm do hút thuốc gây ra ở Việt Nam. Ngoài ra, người dân Việt Nam phải bỏ ra 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá hút hàng năm. Giá thuốc lá ngày càng rẻ so với thu nhập, sức mua thuốc lá gia tăng. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao nhất về hút thuốc lá ở nam giới (45,3% năm 2015) và phơi nhiễm với hút thuốc thụ động ở môi trường trong nhà. Trong năm 2013, Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia, phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, với tầm nhìn 2030, trong đó đưa ra các mục tiêu cụ thể để giảm tỷ lệ hút thuốc trong nhóm: Thanh niên (15 - 24 tuổi), từ 26% năm 2011 xuống còn 18% vào năm 2020; nam giới, từ 47,4% năm 2011 xuống còn 39% vào năm 2020; phụ nữ còn dưới 1,4% vào năm 2020. Thục Anh

Tăng thuế thuốc lá: Bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tăng nguồn thu cho ngân sách

TĐKT - Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, việc tăng thuế thuốc lá có hai lợi ích cơ bản: Một là làm giảm sử dụng thuốc lá, qua đó giảm bệnh tật và tử vong và giảm chi phí khám, chữa bệnh do sử dụng thuốc lá; hai là tăng thu thuế của Chính phủ. Chính vì vậy, tăng thuế được gọi là biện pháp có lợi đôi đường: Lợi cho sức khỏe người dân và lợi cho ngân sách của Chính phủ. Đầu tiên, việc tăng thuế thuốc lá làm giảm sử dụng và ngăn ngừa trẻ em bắt đầu hút thuốc. Theo WHO, trung bình nếu giá thuốc lá tăng 10%, tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm 4% ở những nước có thu nhập cao và 5% ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Việc tăng thuế thuốc lá đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm trẻ và vị thành niên. Ước tính khi tăng thuế để giá tăng 10% thì tỷ lệ giảm tiêu dùng ở nhóm này cũng là 10% hoặc cao hơn. Thứ hai, việc tăng thuế thuốc lá làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trên phạm vi toàn cầu khi thuế tăng 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá của Chính phủ thêm 7%. Theo ước tính của WHO: Chính phủ các nước trên thế giới có thể thu thêm 141 tỷ USD từ thuế thuốc lá nếu tăng thuế với mức trung bình là 0,8 USD mỗi bao. Việc tăng thuế thuốc lá làm tiêu dùng thuốc lá giảm đi nhưng doanh thu thuế vẫn tăng vì thuốc lá là loại hàng hoá có tính gây nghiện nên tốc độ giảm tiêu dùng sẽ chậm hơn tốc độ tăng giá. Hơn nữa, do sự gia tăng dân số nên ngay cả khi tỷ lệ hút thuốc giảm thì tổng số người hút có thể chưa giảm hoặc giảm chậm. So sánh với các nước trong khu vực, có thể thấy việc tăng thuế thuốc lá đã có những tác động tích cực. Tại Thái Lan, từ 1993 - 2012, thuế thuốc lá tăng từ 55% lên 87% giá bán buôn đã có thuế (tương đương mức tăng từ 120% giá xuất xưởng lên thành 670% giá xuất xưởng). Kết quả là thu ngân sách tăng gấp 4 lần, (từ 500 triệu USD năm 1993, lên 2,1tỷ USD năm 2015, tỷ lệ hút thuốc chung giảm từ 32% (năm 1991) xuống còn 19,9% (năm 2015), trong khi sản lượng thuốc lá không thay đổi nhiều, dao động quanh con số 2 tỷ bao mỗi năm. Trong khi đó, năm 2012, Philippines thông qua luật thuế, tăng thuế thuốc lá từ 100% tới 300% (so với mức thuế năm 2012) với các nhóm thuốc lá khác nhau để tiến tới một mức thuế chung vào năm 2017. Kết quả là thu thuế thuốc lá của chính phủ Philippines đã tăng hơn gấp đôi ngay sau năm đầu tiên, từ 680 triệu USD năm 2012 lên thành 1,6 tỷ USD năm 2013, và tiếp tục tăng thành 2,2 tỷ USD năm 2015, hơn gấp 3 lần so với trước khi tăng thuế. Trong cùng thời gian, tỷ lệ hút thuốc ở Philippines đã giảm từ 29,7% năm 2009 xuống còn 23,8% năm 2015, đồng thời tỷ lệ hút thuốc ở giới trẻ (13 - 15 tuổi) đã giảm từ 6,8% xuống còn 5,5%. Các chuyên gia của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế và Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 2000 đồng hoặc tối ưu là 5000 đồng/bao thuốc lá từ 2020. Bên cạnh đó, thuế thuốc lá nên được tăng thường xuyên để theo kịp mức tăng thu nhập và lạm phát. Thuế thuốc lá nên tăng cho tới khi đạt 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ, như khuyến cáo của WHO. Hưng Vũ  

Tọa đàm Giáo dục ngày nay

TĐKT -  Ngày 6/10, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông đã tổ chức buổi Tọa đàm về nội dung “Giáo dục ngày nay”. Ông Ngô Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông Phát biểu tại buổi Tọa đàm Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Ngô Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: “Hiện nay Trung tâm đang chuẩn bị việc biên soạn và xuất bản Đặc san Giáo dục Ngày nay, số đầu tiên phát hành trong tháng 10/2018 theo GPXB số 97/GP-XBĐS ngày 23/7/2018 của Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc san Giáo dục Ngày nay có tôn chỉ mục đích đăng tải các nội dung về hoạt động dạy và học, về khoa học giáo dục. Với mục tiêu xây dựng Đặc san Giáo dục Ngày nay thật sự là một ấn phẩm hữu ích trong ngành giáo dục, và là người bạn của thầy cô giáo, sinh viên, học sinh và phụ huynh… Tọa đàm về nội dung “Giáo dục ngày nay”, nhằm khẳng định: Giáo dục ngày nay là giáo dục toàn diện theo tinh thần đổi mới hiện nay là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học; chú trọng cả dạy chữ, dạy người và dạy nghề. Giáo dục và đào tạo phải làm sao để tạo ra được những con người có phẩm chất, năng lực cần thiết để phục vụ đất nước, xây dựng xã hội; có đủ hiểu biết và kỹ năng cơ bản để sống tốt và làm việc hiệu quả… Toàn cảnh buổi tọa đàm “Giáo dục ngày nay” Tại tọa đàm đã có 5 tác giả trình bày tham luận: Nhà báo Hoàng Lê tham luận với chủ đề “Cải cách thi cử, được và chưa được”; Đại tá PGS, TS. Hồ Sơn Đài với chủ đề “Từ đổi mới nghiên cứu đến đổi mới giảng dạy môn học lịch sử quân sự hiện nay”; TS. Lê Hồng Minh với chủ đề “Tư vấn học đường, trách nhiệm giáo dục kỹ năng sống”; TS. Nguyễn Thị Hợp với chuyên đề “Giáo dục Việt Nam trong thời kỳ công nghệ 4.0”; ThS. Khánh Toàn với chủ đề “Giáo dục ngày nay”. Cùng với đó là nhiều ý kiến phát biểu thảo luận, góp phần làm sáng tỏ về giáo dục ngày nay là giáo dục toàn diện về năng lực và phẩm chất của người học; chú trọng cả dạy chữ, dạy người và dạy nghề…   Xuân Phúc

Phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ

TĐKT – Sáng 5/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Khoa học, Công nghệ toàn quốc ngành đo đạc và bản đồ năm 2018. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu khai mạc Hội nghị Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh: Lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc, Hội nghị khoa học, công nghệ toàn quốc ngành đo đạc và bản đồ là một sự kiện quan trọng của ngành, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý hoạt động đo đạc, bản đồ, viễn thám trên toàn quốc và các ngành có liên quan trao đổi, báo cáo thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ đo đạc và bản đồ toàn quốc trong giai đoạn vừa qua. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa mong muốn các báo cáo khoa học cùng các nội dung thảo luận tại Hội nghị sẽ làm cơ sở định hướng trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển ngành đo đạc, bản đồ đến năm 2030 và định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của ngành trong thời gian tới. Trong số các báo cáo khoa học được gửi tới Hội nghị, Ban tổ chức cùng với Hội Trắc địa, Bản đồ và Viễn thám Việt Nam cũng đã lựa chọn được hơn 15 bài viết tiêu biểu để đề xuất đăng ký báo cáo tại Hội nghị quốc tế các nhà đo đạc thế giới (FIG Working Week 2019). Hội nghị gồm 2 phần: Phiên toàn thể và 5 nhóm thảo luận chuyên đề (Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; đo đạc cơ bản; bản đồ; đo ảnh và viễn thám; đo đạc ứng dụng). Các báo cáo khoa học, công nghệ được giới thiệu tại Hội nghị là những công trình tiêu biểu về kết quả hoạt động, định hướng phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý. Ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam được ra đời ngày 14/12/1959 theo Quyết định số 44-TTg của Thủ tướng Chính phủ, được xác định là ngành điều tra cơ bản, phục vụ công tác quản lý, quy hoạch lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, nâng cao dân trí. Đo đạc và bản đồ cũng là ngành khoa học và kỹ thuật, có liên quan chặt chẽ đến nhiều lĩnh vực khác nhau, sự phát triển khoa học và công nghệ đo đạc và bản đồ cũng chịu sự tác động và ảnh hưởng trực tiếp của sự phát triển khoa học và công nghệ nói chung. Trong thập kỷ cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, công nghệ đo đạc và bản đồ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những thay đổi mang tính chất bước ngoặt: Công nghệ truyền thống dựa trên các phương pháp đo góc, đo cạnh, xử lý ảnh chụp mặt đất bằng mô hình quang học đã được thay thế bằng công nghệ số dựa trên nền tảng của công nghệ vệ tinh và công nghệ thông tin. Sự thay đổi công nghệ đo đạc và bản đồ đã tạo nên một vị thế mới cho ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam - là ngành điều tra cơ bản đóng vai trò quan trọng sản xuất thông tin địa lý về trái đất để tạo nên hạ tầng cơ sở thông tin cho xã hội, giúp cho quản lý tốt về lãnh thổ, đủ thông tin phục vụ cho quy hoạch phát triển bền vững, trợ giúp thông tin cho các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường, cung cấp thông tin cho nhu cầu sử dụng của cộng đồng. Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành đo đạc và bản đồ đã đóng góp quan trọng trong việc hình thành hệ thống lý luận khoa học phục vụ việc ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ điều tra cơ bản, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh. Ngay từ khi thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, nay là Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mới trong công tác đo đạc và bản đồ. Trong giai đoạn này, công nghệ đo GPS, công nghệ ảnh số, công nghệ Lidar và công nghệ GIS đã được nghiên cứu và áp dụng vào thực tế sản xuất tại Việt Nam. Các dự án lớn như: “Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:10.000 kèm mô hình số độ cao phù trùm cả nước và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 cho khu vực đô thị và kinh tế phát triển”, “Xây dựng mô hình số độ cao độ chính xác cao khu vực đồng bằng và ven biển phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, đã được thực hiện trên nền tảng các công nghệ hiện đại. Sản phẩm của các dự án này đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu quản lý nhà nước về lãnh thổ, về các hoạt động chung của xã hội cũng như phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng hệ thống lưới các trạm định vị vệ tinh (Continuously Operating Reference Station - CORS) đã được khởi động và đang triển khai thực hiện, đổi mới công nghệ đo đạc thực địa để xác định chính xác và kịp thời tọa độ, độ cao của các điểm chi tiết trong bối cảnh nhu cầu cần phải xác định nhanh chóng, chính xác và hiệu quả các dữ liệu bản đồ và thông tin địa lý, đáp ứng công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã triển khai công nghệ đo trọng lực tuyệt đối hiện đại để xây dựng mạng lưới trọng lực quốc gia, mạng lưới trắc địa địa động lực phủ trùm cả nước phục vụ việc nghiên cứu biến dạng vỏ trái đất trên lãnh thổ Việt Nam. Ngày 14/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Đo đạc và bản đồ, là một bước tiến rất quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở pháp lý để quản lý thống nhất nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, thúc đẩy ngành đo đạc và bản đồ phát triển trong thời gian tới. Luật Đo đạc và bản đồ đã ưu tiên công tác nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; nghiên cứu cơ bản về trái đất bằng phương pháp đo đạc và bản đồ tiên tiến, hiện đại. Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ thế giới, lĩnh vực đo đạc và bản đồ đã có những thay đổi đáng kể trong việc tạo lập, duy trì hạ tầng kỹ thuật hiện đại và thu nhận, xử lý, cung cấp các sản phẩm, dữ liệu đo đạc và bản đồ với độ chính xác cao. Phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ là yêu cầu quan trọng để đảm bảo sự phát triển của lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Đồng thời, khoa học và công nghệ cũng đã được xác định là then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện thế giới đang áp dụng những thành tựu to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành đo đạc và bản đồ đứng trước thách thức xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu sản phẩm đo đạc bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí. Phương Thanh

Trang