TĐKT - Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội(LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam “Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người”. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà và bà Caitlin Wiesen - Quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Caitlin Wiesen - Quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã ca ngợi những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong giảm nghèo, qua đó giúp tạo việc làm cho người dân; đồng thời tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản, các chương trình mục tiêu và chính sách bảo trợ xã hội…
Quang cảnh Hội thảo
Theo bà Caitlin Wiesen, năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều. Đây là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ đo lường nghèo thu nhập sang đo lường nghèo đa chiều. Điều này đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong việc áp dụng cách tiếp cận nghèo đa chiều, trong quá trình thực hiện các cam kết trong Mục tiêu phát triển bền vững số 1 (SDG1).
Theo đó, tỷ lệ nghèo cùng cực giảm mạnh từ 49,2% năm 1992 xuống còn 2% năm 2016. Trong số 17 SDGs mà Việt Nam cam kết đạt được vào năm 2030, SDG1 về giảm nghèo có khả năng đạt được cao nhất. Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc về chỉ số SDG năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017. Tỷ lệ nghèo đa chiều (theo chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam) giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016. Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng hơn 6 triệu người đã thoát nghèo.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện SDG1. Nghèo đói vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Khoảng cách nghèo đói tính theo các chiều về chi tiêu, thu nhập, giáo dục và tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh giữa dân tộc Kinh và các DTTS ngày càng gia tăng trong giai đoạn 2012 - 2016. Các hộ nghèo đa chiều có người khuyết tật được tiếp cận ít hơn với cơ hội giáo dục và việc làm so với mức trung bình của cả nước…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đạt những con số ấn tượng, đời sống người dân được cải thiện.
Bên cạnh thành công, vẫn còn những thách thức như nguồn lực đầu tư cho các tỉnh nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chính sách cho những người dân thuộc DTTS chưa phát huy hiệu quả… Do đó, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần xác định giảm nghèo phải được thực hiện ở nhiều nơi và vấn đề an sinh xã hội cho người dân được thực hiện nghiêm túc.
Trong thời gian tới, cần thực hiện các hành động nhằm trang bị cho người dân năng lực để nỗ lực thoát nghèo, hỗ trợ cho các vùng DTTS, tăng cường sự tham gia của người dân để tăng quyền, trao quyền tham gia vào công tác giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường mở rộng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để huy động các nguồn lực cho công cuộc giảm nghèo.
Song song với đó, ngoài việc mở rộng dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội theo hướng phổ quát, cần tăng cường năng lực phát triển kinh doanh của đồng bào DTTS, giúp người dân tiếp cận tài chính và ươm mầm khởi nghiệp.
La Giang