TĐKT - Sáng 19/12, Khoa tiếng Anh A2 Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đào tạo theo tín chỉ: Cơ hội và thách thức”.
Toàn cảnh Hội thảo
Dự Hội thảo, có: Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh cùng lãnh đạo các Khoa, đơn vị liên quan và Ban chủ nhiệm, tập thể cán bộ, giảng viên Khoa tiếng Anh A2.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích đưa ra những định nghĩa về tín chỉ, giúp cán bộ, giảng viên nhận thức rõ hơn về hình thức đào tạo này trong hệ thống giáo dục đại học trong và ngoài nước, đồng thời bàn luận về các kế hoạch giảng dạy, cơ hội, thách thức khi áp dụng hình thức này trong hoạt động dạy và học của Khoa tiếng Anh A2 thời gian tới.
ThS. Dương Cẩm Tú - Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh A2 trình bày tham luận tại Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, ThS. Dương Cẩm Tú, Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh A2 cho biết: Phương thức đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về môn học, cho phép người học tích lũy độc lập các đơn vị kiến thức cần thiết trong toàn bộ chương trình học tập. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp.
Người học được chủ động lựa chọn, đăng ký một số môn học, thời gian học, thầy, cô giáo trong lộ trình học tập của mình. Chương trình được thiết kế theo phương thức đào tạo tín chỉ bao gồm một hệ thống những môn học thuộc khối kiến thức chung, những môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành, những môn học thuộc khối kiến thức cận chuyên ngành.
Hơn nữa, phương thức đào tạo theo tín chỉ lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học, đề cao phương pháp tự học, tự nghiên cứu của sinh viên và tính vào nội dung, thời lượng của chương trình. Người học là người tiếp nhận kiến thức nhưng đồng thời cũng là người chủ động tạo kiến thức, hướng tới đáp ứng những nhu cầu của thị trường lao động ngoài xã hội.
ThS. Dương Cẩm Tú cũng chia sẻ: Hiện nay, Khoa tiếng Anh A2 đang sử dụng giáo trình Market Leader để giảng dạy cho sinh viên ở các chuyên ngành về kinh doanh và một số chuyên ngành đào tạo khác của trường. Bộ giáo trình Market Leader có 5 cấp độ dành cho người tiếng Anh từ trình độ sơ cấp đến nâng cao (Elementary, Pre-intermediate, Intermediate, Upper intermediate and Advanced). Đây là bộ giáo trình tương đối mới và đầy đủ nhằm đưa thực tiễn của thế giới kinh doanh quốc tế vào lớp dạy tiếng Anh.
Giáo trình này được xây dựng gắn liền với tờ Thời báo Tài chính (the Financial Times) - một trong những nguồn cung cấp thông tin chuyên nghiệp hàng đầu trên thế giới nhằm đảm bảo tầm mức rộng rãi và tính xác thực của nội dung kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì Bộ giáo trình này có thực sự phù hợp với tất cả các ngành đào tạo của trường hay không thì cần phải được xem xét và bàn luận nhiều hơn nữa.
Cũng tại buổi Hội thảo, Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh A2 đã nêu ra một số khó khăn, thách thức khi chuyển từ hình thức đào tạo theo niên chế sang tín chỉ và khẳng định: Để thực hiện được hình thức chuyển đổi này cần phải có sự chung tay, góp sức của Ban Giám hiệu cùng tất cả các đơn vị đào tạo và phục vụ đào tạo của nhà trường.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh đánh giá cao tinh thần tiên phong của Khoa tiếng Anh A2 trong chủ trương chuyển hướng đào tạo từ niên chế sang tín chỉ. Đồng thời, Phó Hiệu trưởng khẳng định: Nhân tố người học và giảng dạy là những điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện thành công của công tác đào tạo nói chung, đặc biệt là hệ thống đào tạo tín chỉ. Với đội ngũ cán bộ, giảng viên hùng hậu, có trình độ chuyên môn cao, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chắc chắn sẽ hoàn thành sớm quá trình chuyển đổi mô hình đào tạo này, mang lại nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu cho sinh viên, học viên của trường.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ cũng như đóng góp xây dựng về những kế hoạch đào tạo và việc có phù hợp hay không khi đưa giáo trình Market Leader vào giảng dạy cho sinh viên của Khoa tiếng Anh A2 trong quá trình áp dụng mô hình tín chỉ này.
Thu Hương