Tọa đàm chính sách “8 tiếng công bằng”
21/12/2018 - 09:08

TĐKT - Trong khuôn khổ Dự án thúc đẩy bình đẳng giới trong Luật Lao động (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE cùng các đối tác là Oxfam, VCCI, CARE Quốc tế tại Việt Nam cùng phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và sáng kiến của Chính phủ Australia "Investing in Women", sáng 20/12, tại Hà Nội, iSEE tổ chức Tọa đàm chính sách “8 tiếng công bằng”.

Tại toạ đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề: Sự bình đẳng tiếp cận cơ hội công việc, thực hiện chính sách chế độ, công bằng trong tuyển dụng, trả lương, chia sẻ những công việc không được trả lương như chăm sóc con, làm việc nhà và thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động… đặc biệt nhấn mạnh tiếp cận bình đẳng giới trong lao động.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Theo dữ liệu Khảo sát về lực lượng lao động ở Việt nam (LFS), từ năm 2011 đến năm 2014, nữ giới thu nhập trung bình ít hơn 3 triệu đồng (Giả sử làm việc một tuần 40 giờ và trong 52 tuần làm việc) so với nam giới. Nam giới thu nhập nhiều hơn nữ giới cả trong các lĩnh vực nhà nước và ngoài nhà nước và trong các ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Khoảng cách này vẫn không thay đổi trong suốt bốn năm, cũng theo nguồn dữ liệu trên.

Về khoảng cách thu nhập trên tất cả các nhóm tuổi, có một chênh lệch ở tuổi sinh đẻ và thay đổi rõ rệt trong nhóm tuổi 55 - 59 (khoảng tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ). Nó giảm một lần nữa khi người đàn ông nghỉ hưu ở tuổi 60 ở Bảng 2, cho thấy được sự bất lợi lớn về thu nhập của phụ nữ khi đến tuổi sinh con và nghỉ hưu.

Hiến pháp (2013), Luật Bình đẳng giới (2006) và Bộ luật Lao động (2012) đều khẳng định mục tiêu không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bao hàm cả yếu tố cơ hội việc làm. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động hiện hành vẫn bao hàm một số quy định vô hình chung có tính phân biệt đối xử trên cơ sở giới, như những quy định về các nhóm ngành nghề lao động nữ không được phép thực hiện hay việc chưa có các quy định cụ thể về đào tạo dạy nghề, hỗ trợ an sinh xã hội và bình đẳng cơ hội cho lao động nữ.

Theo đó, việc cải thiện khung pháp lý và áp dụng trong thực tiễn để xóa bỏ phân biệt đối xử trên cơ sở giới và thúc đẩy bình đẳng trong cơ hội việc làm là hết sức cần thiết. Các quy định hợp lý về bình đẳng trong cơ hội việc làm và chia sẻ trách nhiệm đối với gia đình sẽ cải thiện không chỉ chất lượng lao động và thu nhập cho lao động nữ, mà còn góp phần cải thiện năng suất lao động nói chung và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được lực lượng lao động dồi dào và đa dạng hơn.

Tiến sĩ Đỗ Ngân Bình, Đại học Luật Hà Nội, thành viên nhóm cố vấn sửa đổi Bộ luật Lao động cho biết: Trong quá trình thu thập ý kiến sửa đổi Bộ luật Lao động, có 5 vấn đề nổi bật có nhiều ý kiến trái chiều giữa các bên: Tuyển dụng; trả công; bảo hiểm xã hội (BHXH); thời gian làm thêm; cơ hội phát triển.

Trong đó vấn đề BHXH liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu nam và nữ, bà Đỗ Thị Thúy Hương, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Viettronics cho rằng: Thực tế từ doanh nghiệp cho thấy, nhóm đối tượng người lao động chân tay đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu và tuổi nghỉ hưu nên như nhau. Do đó, đề xuất nên linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu từ 55 - 60 tuổi và từ 55 - 62 tuổi. Nếu lao động nặng nhọc thì người lao động có thể lựa chọn nghỉ hưu sớm.

Bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: Việc nghỉ hưu nên phân chia ngành nghề và linh hoạt theo khung độ tuổi để người lao động lựa chọn. Về phía Tổng Liên đoàn cũng cho rằng tuổi nghỉ hưu tiến tới bình đẳng giới giữa nam và nữ.

Đứng ở khía cạnh luật pháp, Tiến sĩ Đỗ Ngân Bình cho rằng, nếu đưa linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu sẽ rất khó cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp sẽ bị treo “lơ lửng” trong khoảng thời gian đó và không biết người lao động sẽ nghỉ khi nào? Do đó, ban soạn thảo Bộ luật Lao động đang đưa ra phương án phải xác định cụ thể con số tuổi nghỉ hưu. Theo đó, với lao động nữ tuổi nghỉ hưu tăng từ 55 lên 60 tuổi và nam tăng từ 60 lên 62 tuổi. Đây là phương án dựa trên thực tế Luật Lao động hiện hành quy định đến tuổi nghỉ hưu (nữ là 55 và nam là 60), doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động và chuyển sang dạng hợp đồng khác.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương lại cho rằng, việc đưa khung về độ tuổi nghỉ hưu không gây khó khăn với doanh nghiệp. Lý do là việc điều chỉnh trong khung thời gian nghỉ hưu (nữ từ 55 đến 60 tuổi và nam từ 60 đến 62 tuổi) căn cứ trên hợp đồng. Chủ sử dụng lao động và người lao động có thể xác định trong hợp đồng tuổi nghỉ hưu dựa trên nhu cầu, sức khỏe.

Theo bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), việc nghỉ hưu theo khung độ tuổi như vậy sẽ phát huy sự thỏa thuận, đàm phán của người lao động. Do đó, đây là một ý tưởng hay mà các bên nên góp ý với Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động để có phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với người lao động.

Theo dự thảo Bộ luật Lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi và thực hiện từ năm 2021. Về lộ trình, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (họp tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (họp tháng 10/2019).

Thục Anh