Chính trị - Xã hội

Việt Nam thêm ca bệnh thứ 21 nhiễm Sar- CoV-2

TĐKT - Vào hồi 19 giờ ngày 6/03/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông tin thêm 1 trường hợp ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay VN0054 với bệnh nhân N.H.N, có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đã lấy mẫu và chuyển bệnh nhân sang bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, cụ thể như sau: Thông tin ca bệnh: Bệnh nhân N.Q.T nam, 61 tuổi phường Trúc Bạch - Ba Đình - Hà Nội, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Bệnh nhân đi công tác tại Anh, trở về trên chuyến bay VN0054 của Vietnam Airlines (cùng chuyến và ngồi gần với bệnh nhân N.H.N) về đến Hà Nội lúc 4h30, được lái xe riêng đón về đến nhà. Ngày 6/3/2020, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi và ho khan, chưa điều trị gì. 10 giờ sáng ngày ngày 7/3/2020, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm và chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 bằng xe riêng. Kết quả xét nghiệm dương tính với chủng vi rút SARS-CoV-2. Các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra dịch tễ tại chỗ ở, nơi làm việc và các địa điểm liên quan khác, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh và chuyển bệnh nhân đến cách ly điều trị tại bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, kết quả điều tra dịch tễ như sau: Số trường hợp tiếp xúc với bệnh như sau: Tổng số người tiếp xúc gần với bệnh nhân (f1) là 26 người, trong đó tại nơi ở có 2 người (vợ, lái xe) đã được cách ly; tại nơi làm việc hiện đã xác định được 24 người, đang tiếp tục xác minh. Tổng số người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần của bệnh nhân (f2) là 23 người. Tổng số người tiếp xúc gần với các đối tượng f2 (f3) đã xác định được là 29 người. Các biện pháp đã tiến hành: Phun khử khuẩn bằng Cloramin B tại nhà bệnh nhân khu vực nhà bệnh nhân. Thực hiện cách ly y tế đối với: 50 người trong đó tại nơi ở (9 người); tại bệnh viện (41 người). Tiến hành lấy 15 mẫu bệnh phẩm (vợ và 14 người tiếp xúc gần với lái xe) để xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh, hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đang tiến hành xét nghiệm. Các biện pháp tiếp theo: Tổ chức giám sát chặt chẽ những người có liên quan theo đúng quy định; tiếp tục rà soát những người có liên quan, tiếp xúc với bệnh nhân và những người tiếp xúc gần với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để cách ly theo dõi sức khỏe. Bộ Y tế đề nghị các cơ quan báo chí phối hợp để tuyên truyền, thông tin đến người dân. Không gây hoang mang nhưng đừng chủ quan trong phòng, chống dịch. Hồng Thiết

Phát hiện thêm 2 ca bệnh COVID-19 tại Hà Nội

TĐKT - Lúc 17h00 ngày 7/3/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đã phát hiện thêm 2 ca mắc Covid-19 trong số những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố ngày hôm qua là N.H.N, nữ, 26 tuổi, trú quán tại phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội). Đó là bà L.T.H, sinh năm 1956, là bác ruột của bệnh nhân N.H.N. và anh D.Đ.P, sinh năm 1993, là lái xe riêng của gia đình. Đây là hai trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân N.H.N, họ đã được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hà Nội cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau khi phát hiện ra ca bệnh N.H.N. Hồng Thiết

Ca thứ 18 nhiễm COVID-19 khi đang được cách ly tập trung ở Ninh Bình

TĐKT - Bộ Y tế vừa công bố thêm một trường hợp bệnh nhân dương tính với Covid-19, đây là trường hợp ca bệnh thứ 18 trên cả nước tính đến thời điểm hiện tại. Theo đó, bệnh nhân này là N.V.T., nam, sinh năm 1993 quê ở Thái Bình. Trước đó bệnh nhân có ở khu vực thành phố Daegu, Hàn Quốc cùng với em gái. Sau đó bệnh nhân có cùng em gái cùng 2 người bạn đi siêu thị 2 lần vào ngày 18 và 19/2. Hiện 2 người bạn của bệnh nhân đã về Việt Nam vào ngày 26/2 và đang được cách ly tại trường Quân sự Sơn Tây, TP Hà Nội. Đến ngày 29/2 bệnh nhân bắt đầu xuất hiện ho khan và rát họng, không sốt. Bệnh nhân không uống thuốc mà chỉ tự theo dõi và không đi ra ngoài trong thời gian này cho đến khi xuất cảnh về Việt Nam. Sáng 4/3 bệnh nhân cùng em gái lên sân bay quốc tế Busan để về Việt Nam. Chuyến bay khởi hành 8h ngày 4/3 và nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Vân Đồn lúc 11h15 phút cùng ngày trên chuyến bay VJ981. Hai anh em bệnh nhân ngồi ở hàng ghế 33B và 33C. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, bệnh nhân được đưa về khu cách ly tập trung của trường Quân sự, Quân đoàn 1 tổ 19 phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp. 18h ngày 4/3 bệnh nhân về tới khu cách ly tập trung, sau khi khám sàng lọc phân loại và lấy mẫu lúc 20h cùng ngày bệnh nhân được chuyển về khu vực cách ly dành cho người có nguy cơ cao. Ngày 5/3 và 6/3 bệnh nhân vẫn tỉnh táo, không sốt, có ho và rát họng. Đến 1h30 ngày 7/3 bệnh nhân được chuyển lên khu cách ly khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình để theo dõi và điều trị. Ngay sau khi nhận được thông tin về tường hợp bệnh nhân dương tính, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Ninh Bình đã cử 3 đội phản ứng nhanh phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra dịch tễ lập danh sách những người tiếp xúc gần và có liên quan tới bệnh nhân tại khu cách ly;vận chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình để điều trị, đồng thời chuyển 11 người có tiếp xúc gần và trực tiếp gồm em gái bệnh nhân và 10 người ở cùng phòng trong khu vực cách ly đến Trung tâm y tế Tam Điệp và TTYT huyện Hoa Lư. Tất cả hành khách của chuyến bay VJ981 cũng được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và được theo dõi sức khỏe từ đó đến nay. Hồng Thiết

Ca bệnh thứ 17 mắc COVID-19 tại Hà Nội

TĐKT - 21h30 ngày 6/3/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 đối với bệnh nhân N. H. N, 26 tuổi, đã đi thăm chị gái tại Anh và cùng chị gái qua Ý, Pháp du lịch và trở về Hà Nội 4h30 ngày 2/3/2020 trên chuyến bay VN0054. Bệnh nhân N.H.N làm quản lý khách sạn, có địa chỉ thường trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội: Bệnh nhân này xuất cảnh ngày 15/2 bay sang London (Anh), ngày 18/2 bay sang Milan (tỉnh Lombardy, Italia) du lịch. Tại thời điểm này, tại tỉnh Lombardy chưa ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát. Ngày 20/2/2020 quay trở về Anh. Ngày 25/02/2020, bệnh nhân sang Paris, Pháp du lịch 1 ngày. Ngày 29/2, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện ho, nhưng không đi khám. Đến ngày 1/3, bệnh nhân bị thêm đau mỏi người, không rõ sốt. Sau đó bệnh nhân lên máy bay trở về Việt Nam trên chuyến bay có số hiệu VN0054 của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng ngày 2/3. Do bệnh nhân lúc này không sốt, không khai báo tình trạng sức khỏe của mình nên đã được nhập cảnh. Bệnh nhân được lái xe riêng của gia đình đưa về nhà riêng tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Kể từ khi về nước, bệnh nhân biết mình bị bệnh nên đã chủ động tự cách ly tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, không đi đâu ra khỏi nhà, chủ động đeo khẩu trang kể cả khi ở trong nhà. Bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ ngày 2/3. Ngày 5/3 bệnh nhân xuất hiện sốt liên tục (38 độ C) kèm theo ho nhiều, có đờm, mệt mỏi. Bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc cơ sở 55 Yên Ninh, Ba Đình, được chẩn đoán viêm phổi (phim chụp XQ có hình ảnh đám mờ ở đáy phổi phải). Do có tiền sử đi từ nước ngoài về, nên bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung để theo đõi điều trị. Lúc 18h ngày 5/3, bệnh nhân nhập viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, đang được cách ly, theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt tại phòng áp lực âm của bệnh viện. Ngay sau khi ghi nhận thông tin về ca nghi nhiễm, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Ba Đình và các lực lượng của ngành y tế và quận Ba Đình đã trực tiếp xuống khu vực nhà bệnh nhân để chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch, cụ thể: Lập sơ đồ khoanh vùng khu vực có bệnh nhân, lập chốt tại 2 đầu khu phố Trúc Bạch, đóng cửa các hàng quán tại khu vực. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cử 3 đội đáp ứng nhanh phối hợp với đội đáp ứng nhanh của Trung tâm Y tế quận Ba Đình và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra dịch tễ lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần tại khu vực nhà bệnh nhân đang sinh sống; tại Bệnh viện Hồng Ngọc (55 Yên Ninh) nơi bệnh nhân đến khám ban đầu; tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và hồi cứu quá trình nhập cảnh tại sân bay Nội Bài của bệnh nhân. Theo đó, đã làm rõ những thông tin sau: Chuyến bay VN0054 có tổng cộng 201 hành khách và 4 phi công và 12 tiếp viên. Hiện Vietnam Airlines đang phối hợp để rà soát, kiểm soát. Tại nhà riêng của bệnh nhân: có 08 người tiếp xúc gần là bố và bác bệnh nhân, 5 người tạp vụ và 1 lái xe riêng. Hiện tại sức khỏe của những người này đều bình thường, không ai có biểu hiện sốt, ho. Tại Bệnh viện Hồng Ngọc: Có 17 người tiếp xúc với bệnh nhân. Hiện tại sức khỏe của những người này đều bình thường, không ai có biểu hiện sốt, ho. Đã được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức phun khử khuẩn bằng Cloramin B tại nhà bệnh nhân và khu vực lân cận, bệnh viện Hồng Ngọc và nhà những người tiếp xúc gần. Toàn bộ những người tiếp xúc gần đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để cách ly tập trung và lấy mẫu xét. Còn lại những người tiếp xúc gần với những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân được thống kê lập danh sách và yêu cầu thực hiện cách ly y tế tại nơi ở theo quy định. Đề nghị Bộ Ngoại giao làm việc các cơ quan ngoại giao của Anh, Pháp để thông tin về lịch trình, nơi ở để họ có biện pháp kiểm soát. Hồng Thiết

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội quán triệt nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID - 19

TĐKT - Ngày 6/3, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID - 19. Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp nCoV của nhà trường phối hợp với các khoa thuộc Khối sức khỏe, phòng khám đa khoa Phúc An, phòng Y tế phối hợp tổ chức. Dự Hội nghị có TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng đại diện lãnh đạo các khoa, đơn vị, phòng ban chức năng trong toàn trường. Hội nghị được tổ chức nhằm giúp các cán bộ, giảng viên, công nhân viên hiểu rõ về vi rút SARS-CoV-2, cơ chế lây lan, những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút SARS-CoV-2 gây ra và cách phòng, chống hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và chung tay ngăn chặn vi rút trong cộng đồng. Trước đó, nhận thức rõ về sự lây lan vô cùng nguy hiểm của dịch bệnh viêm phổi cấp COVID-19 đang diễn ra tại Trung Quốc và hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp nCoV nhằm hướng dẫn, thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho các cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do vi rút SARS-CoV-2 gây ra. Trường cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bằng cách phun thuốc Cloramin B 25% khử trùng toàn bộ khu vực lớp học, phòng làm việc, khuôn viên ngoài trời… tại 3 cơ sở (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình); chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị y tế cần thiết (máy đo thân nhiệt, khẩu trang, dung dịch sát trùng tay…) để cấp phát cho thầy và trò nhà trường. TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị phát biểu tại Hội nghị Thay mặt cho Ban Giám hiệu nhà trường, TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị yêu cầu toàn bộ cán bộ, giảng viên tập trung quán triệt nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho tất cả sinh viên trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đồng thời quyết tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trong trường. Mang đến buổi họp những thông tin liên quan đến bệnh dịch COVID-19, GS.TS. Phạm Ngọc Đính, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hiện đang công tác tại khoa Y của trường cho biết, theo thống kê mới nhất tính đến ngày hôm nay, trên toàn thế giới đã có 98.424 ca nhiễm bệnh, số được chữa khỏi là 55.635 người. Hiện giờ vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Việt Nam có 16 ca nhiễm bệnh nhưng đã được chữa khỏi hoàn toàn, tính đến nay chưa có thêm ca nhiễm mới nào và vẫn luôn sẵn sàng các phương án đối phó với dịch bệnh bất cứ khi nào. Giáo sư cũng nhấn mạnh, vi rút SARS-CoV-2 có nguy cơ lây lan rất cao và khó kiểm soát nếu như mỗi cá nhân không có ý thức phòng chống theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới. Vì vậy, mỗi người cần phải hiểu rõ những thông tin liên quan đến dịch bệnh, thực hiện các biện pháp phòng dịch như: Rửa tay thường xuyên với xà phòng/dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách, che miệng khi ho/hắt hơi, tránh tụ tập nơi đông người, không tiếp xúc với người từ những vùng dịch trở về, tuân thủ việc cách ly theo quy định của Bộ Y tế… để dịch bệnh không có cơ hội lây lan trong cộng đồng. PGS.TS. Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp nCoV của nhà trường phát biểu tại Hội nghị PGS.TS. Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp nCoV của nhà trường cho biết, khối ngành sức khỏe, đặc biệt là khoa Dược đã nghiên cứu pha chế thành công dung dịch rửa tay sát khuẩn theo công thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cung cấp đủ nội bộ cho toàn trường. Công tác vệ sinh tẩy trùng được thực hiện thường xuyên, sẵn sàng phương án cách ly đối với những trường hợp nghi nhiễm bệnh, phân luồng kiểm tra sức khỏe cho sinh viên khi các em quay trở lại trường vào ngày 9/3 tới đây sau 1 tháng nghỉ học theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phó Giáo sư cũng quán triệt mạnh mẽ: “…Bên cạnh công tác chuẩn bị, sẵn sàng phương án đối phó với dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, các cán bộ, giảng viên cũng cần phải tập trung tuyên truyền, thông tin đầy đủ, chính xác và rộng rãi toàn bộ sinh viên, học viên về dịch bệnh, cách phòng tránh lây lan vi rút SARS-CoV-2 hiệu quả thông qua các kênh thông tin như: Trang thông tin điện tử, fanpage chính thức của nhà trường, Zalo…, nhằm nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân của mỗi cá nhân cũng như cho mọi người xung quanh. PGS.TS. Lê Văn Truyền, Chủ nhiệm Khoa Dược – Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã mang đến Hội nghị một số vấn đề của công nghiệp dược qua khủng hoảng sức khỏe dịch COVID-19, giúp các cán bộ, giảng viên có cái nhìn đa chiều về vấn đề này cũng như các phác đồ điều trị dịch bệnh viêm phổi cấp COVID-19 đang được áp dụng tại một số quốc gia hiện nay. PGS.TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng phụ trách quản lý sinh viên cũng yêu cầu các thầy cô giáo chủ nhiệm của Phòng Công tác sinh viên phổ biến thông tin, phương pháp, tuyệt đối tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh đến toàn bộ sinh viên thuộc các ngành của nhà trường khi toàn trường chính thức quay trở lại học tập, làm việc vào ngày 9/3 sắp tới. Một số hình ảnh phòng, chống dịch bệnh COVIS-19 được thực hiện tại nhà trường: Phun dung dịch khử trùng tại các lớp học   Cung cấp thêm nước rửa tay tại tất cả các khu vệ sinh trong trường Dung dịch sát trùng tay đã được khoa Dược pha chế để cung cấp cho toàn trường                                                                                               Tin: Thu Hương                                                                                                      Ảnh: Huy Thuyết

Cứu người bệnh bị thanh kim loại dài 10 cm cắm vào cổ

TĐKT - Theo thông tin mới nhất từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp người bệnh L.V.T (40 tuổi, Sơn La) bị tan nạn lao động thanh sắt bắn chính giữa vùng cổ. Được biết, Anh T. là người dân tộc Thái, đi làm thuê tại xưởng cơ khí tư nhân tại Bắc Ninh. Trong quá trình làm việc, anh bị thanh sắt bắn vào chính giữa vùng cổ khi đang lao động khiến máu chảy nhiều và người bệnh vô cùng đau đớn. Sau khi được hồi sức, sơ cứu tại Bệnh viện tỉnh Bắc Ninh, anh T được chuyển thẳng đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lúc 23h ngày 2/3. Hình ảnh dị vật trên phim chụp XQ Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, TS Vũ Ngọc Tú - Trung tâm Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Qua phân tích kỹ càng cơ chế ngoại lực, các dấu hiệu lâm sàng thực tế và các xét nghiệm hình ảnh, người bệnh được chẩn đoán vết thương phức tạp vùng cổ, do dị vật kim loại dài,  xiên từ hầu họng vào trong miệng.  Đây là vùng có rất nhiều cơ quan hệ trọng của cơ thể như đường thở (khí quản), đường ăn (thực quản), các mạch máu nuôi não (động mạch cảnh)... Rất may mắn là thanh sắt chưa trực tiếp gây tổn thương các thành phần này, nhưng lại nằm sát cạnh tất cả các cấu trúc đó. Chính vì thế, bài toán rất nan giải đặt ra là phải lấy bằng được dị vật đó ra nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối các thành phần, cấu trúc giúp đảm bảo tính mạng người bệnh và xa hơn nữa là giữ được chức năng cơ thể. Vị trị vết thương vùng cổ Sau khi tính toán kỹ càng mọi khả năng và đề phòng mọi biến chứng có thể xảy ra, người bệnh được tiến hành phẫu thuật cấp cứu kịp thời, với sự kết hợp hết sức chặt chẽ và chuyên nghiệp của ê kíp phẫu thuật gồm các phẫu thuật viên lồng ngực - mạch máu và phẫu thuật hàm mặt. Vị trí tổn thương cũng như dị vật kim loại được bộc lộ hết sức rõ ràng, cách ly đảm bảo an toàn với tất cả các thành phần xung quanh, đặc biệt là các mạch máu nuôi não. Sau quãng thời gian cân não, cuối cùng dị vật kim loại đã được lấy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh. Đây là thanh kim loại dài hơn 10 cm, rất sắc nhọn. Lúc này toàn bộ ê kíp phẫu thuật mới thở phào nhẹ nhõm. Thanh kim loại sau khi lấy ra Sau phẫu thuật, người bệnh phục hồi nhanh chóng, không có bất kỳ biến chứng gì. Hiện tại bệnh nhân đã có thể nói và ăn uống được bình thường, chờ ngày xuất viện. Hồng Thiết            

Thực hiện áp dụng tờ khai y tế đối với COVID-19 đến UBND các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế

TĐKT - Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện nay dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) đang diễn biến phức tạp với số trường hợp mắc tăng nhanh tại nhiều nước trên thế giới trong đó có nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, qua nắm thông tin, có nhiều người dân từ các nước đang có dịch đi qua Cam-pu-chia vào Việt Nam. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam từ các nước thuộc EU và Căm-pu-chia là rất lớn. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, căn cứ Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện áp dụng khai báo y tế đối với COVID-19, cụ thể: Đối tượng phải khai báo y tế: Khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Cam-pu-chia.          Địa điểm áp dụng: Tại tất cả các cửa khẩu. Thời gian áp dụng: kể từ 0 giờ, ngày 07 tháng 3 năm 2020 (Thứ Bảy). Hình thức khai báo y tế: Có thể áp dụng 1 trong 2 hình thức sau: Khai báo y tế qua tờ khai y tế: “Mẫu số 01: Tờ khai y tế đối với người” tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/06/2018 của Chính phủ. Đề nghị lấy mẫu tờ khai y tế tại địa chỉ website: http://baocaokdyt.com.  Khai báo y tế theo hình thức điện tử: Thực hiện theo Công văn số 1044/BYT-CNTT ngày 04/3/2020 của Bộ Y tế về việc thực hiện áp dụng khai báo y tế theo hình thức điện tử tại địa chỉ website: https://suckhoetoandan.vn/khaiyte. Bố trí phiên dịch tiếng Anh, tiếng Khmer làm việc tại cửa khẩu để hỗ trợ việc khai báo y tế và sàng lọc tờ khai y tế. Quy trình thực hiện: Kiểm dịch viên y tế làm thủ tục nhập cảnh chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để khai tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách đến từ hoặc đi qua các nước thuộc EU và Cam-pu-chia. Tại đây kiểm dịch viên y tế và cán bộ phiên dịch có trách nhiệm hướng dẫn hành khách khai báo y tế và đóng dấu xác nhận theo quy định. Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh do COVID-19, kiểm dịch viên y tế áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định. Đối với các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có hoạt động kiểm dịch y tế: Tổ chức in và cấp phát tờ khai y tế bảo đảm chất lượng và đủ về số lượng cho hành khách thực hiện khai báo y tế. Cung cấp miễn phí Tờ khai y tế tại các cửa khẩu. Triển khai khu vực dành cho khai báo y tế tại khu vực cửa khẩu đến (bố trí biển chỉ dẫn, bàn, ghế, bút, tờ khai, người hướng dẫn...). Đồng thời, trang bị con dấu liền mực cho kiểm dịch viên y tế để xác nhận vào tờ khai y tế (con dấu nhảy được ngày, tháng, năm; có dòng chữ ĐÃ KIẾM TRA). Thông báo cho các bên liên quan tại cửa khẩu để phối hợp trong quá trình triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh. Kết thúc ngày làm việc, lập danh sách các trường hợp phải khai báo y tế gửi đến Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của các địa phương nơi các trường hợp này đến cư trú, tạm trú hoặc lưu trú để theo dõi sức khỏe hàng ngày (trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam) theo hướng dẫn của Bộ Y tế, báo cáo tổng số người được khai báo y tế đã thực hiện tại địa phương về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) tại địa chỉ website: http://baocaokdyt.com.. Đối với kiểm dịch viên y tế: Kiểm tra và hướng dẫn các hình thức khai báo y tế của hành khách theo quy định. Đóng dấu xác nhận vào tờ khai y tế. Lưu trữ tờ khai y tế theo quy định. Khi phát hiện hành khách khai báo có triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm long đường hô hấp thì yêu cầu cách ly ngay tại các cơ sở y tế, đối với các trường hợp khác thực hiện cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hồng Thiết  

Mổ đẻ thành công cho một sản phụ đang bị cách ly

TĐKT - BS Vương Trung Kiên, Giám đốc bệnh viện đa khoa (BVĐK) Huyện Thạch Thất, TP Hà Nội cho biết, bệnh viện đã mổ đẻ thành công cho một thai phụ đang trong thời gian theo dõi cách ly 14 ngày. Ca mổ bắt con cho sản phụ bị cách ly Đó là sản phụ N.T.H, 21 tuổi, quê quán: huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Chị H từ Hàn Quốc nhập cảnh về ngày 27/2/2020, mang thai tuần 39, đang được theo dõi sức khỏe tại cơ sở cách ly trên địa bàn huyện Thạch Thất. Ca mổ đẻ thành công Bệnh viện đã huy động kíp mổ bao gồm 20 cán bộ, nhân viên y tế do BS CK2 Nguyễn Thị Thúy Hằng, PGĐ Bệnh viện và BS CK1 Phạm Mạnh Tiến, Trưởng khoa Sản đứng đầu, đã tiến hành mổ đẻ cho sản phụ tại bệnh viện, áp dụng đúng những quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế. Ca mổ đẻ thành công, bé gái chào đời nặng 3100 gr. Sức khoẻ của mẹ và bé tốt. Hồng Thiết  

Tháng 3 hàng năm sẽ trở thành “Tháng Việt Nam hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”

TĐKT -  Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, hưởng ứng chuỗi sự kiện Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Giờ Trái Đất năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các hoạt động thiết thực, tập trung vào các hoạt động trực tuyến, truyền thông kêu gọi sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng về tầm quan trọng, ý nghĩa của các công việc trong ngành tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu đối với hoạt động, đời sống của người dân và cộng đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường họp nghe báo cáo về kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Giờ Trái Đất năm 2020. Ngày Nước thế giới năm 2020 có chủ đề “Nước và biến đổi khí hậu” (Water and Climate change) nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tài nguyên nước, các giải pháp quản lý bền vững nguồn nước trong giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, nhằm thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Việc tập trung vào chủ đề này cũng đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về sự thay đổi điều kiện khí quyển và đại dương đang định hình lại chu trình thủy văn toàn cầu hiện nay. Để hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến tổ chức Tọa đàm trực tuyến chủ đề “Nước và biến đổi khí hậu”. Tọa đàm sẽ tập trung giới thiệu thông điệp, chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020; giới thiệu về ngành và các công việc, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tầm quan trọng của ngành trong phát triển bền vững. Đồng thời, trao đổi, thảo luận về các chủ đề liên quan tới Ngày Nước thế giới năm 2020 như: Các vấn đề về quy hoạch, nguồn tài nguyên nước; biến đổi khí hậu; thảo luận về các cơ chế, chính sách, kế hoạch dự kiến triển khai nổi bật trong thời gian sắp tới của những nội dung, hoạt động liên quan tới lĩnh vực tài nguyên nước, biến đổi khí hậu; trả lời các câu hỏi đã được tổng hợp của phóng viên, nhà báo, khán giả quan tâm sự kiện của ngành. Ngày Khí tượng thế giới năm 2020 có chủ đề “Khí hậu và Nước” (Climate and Water). Chủ đề này có liên quan chặt chẽ và là tiếp nối của chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay. Để hưởng ứng chủ đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Hà Nội), kết nối với 09 Đài khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực và 54 Đài KTTV tỉnh với chủ đề “Ngành Khí tượng thủy văn - Quan trắc tin cậy, phục vụ kịp thời”. Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng tổ chức các hoạt động truyền thông cấp Tổng cục như: Hội thảo khoa học trực tuyến toàn quốc về công tác dự báo, cảnh báo KTTV; tổ chức đưa đoàn phóng viên báo chí đi thực tế mạng lưới trạm KTTV ở khu vực miền Trung; xây dựng phóng sự tuyên truyền trọng điểm về công tác chỉ đạo, điều hành, dự báo KTTV phục vụ theo dõi và cảnh báo thiên tai, giám sát nguồn nước phục vụ phát triển bền vững gắn với đặc thù KTTV của Việt Nam; tổ chức hoạt động Hiến máu nhân đạo... Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các hoạt động kết nối giữa các nhiếp ảnh gia, các chuyên gia, nhà khoa học và các bạn trẻ về hiện trạng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước và những cố gắng, nỗ lực trong việc giảm thiểu tác động và bảo vệ tài nguyên nước; truyền thông qua mạng xã hội; truyền thông qua các phương tiện báo chí, thông tin đại chúng… Các hoạt động hưởng ứng sự kiện Giờ Trái Đất năm 2020 sẽ tập trung vào chủ đề, thông điệp chính liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu, trong đó tập trung chính vào chủ đề tiêu dùng, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa; sử dụng các năng lượng hiệu quả, khuyến khích chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo và không sử dụng các sản phẩm từ động thực vật hoang dã. Các hoạt động chính gồm: Tổ chức Talkshow trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trao đổi, giao lưu, chia sẻ về các nội dung, chủ đề chính của sự kiện Giờ Trái Đất năm 2020; truyền thông qua các hoạt động online và truyền hình; phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải các thông tin, hoạt động, chương trình hưởng ứng sự kiện Giờ Trái Đất năm 2020 trên các phương tiện truyền hình trung ương và địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí khác. Song song với việc tổ chức các hoạt động truyền thông nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ gửi văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp… tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và sự kiện Giờ Trái đất năm 2020 với quy mô gọn, không tập trung đông người. Các nội dung cần thiết tập trung vào các hoạt động truyền thông hưởng ứng; biên soạn và phát hành tài liệu, thiết kế áp phích, băng rôn, pano, bộ nhận diện tuyên truyền cho chủ đề Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới, Giờ Trái đất năm 2020 gửi các bộ, ban ngành, đoàn thể, đài truyền hình trung ương và địa phương để phát sóng trailer và tuyên truyền tới người dân trên cả nước. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành yêu cầu các hoạt động truyền thông cho Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Giờ Trái Đất năm 2020 cần hướng đến làm rõ mối liên quan giữa “Nước - Biến đổi khí hậu - Năng lượng” nhằm phát huy lợi thế khi tổ chức chuỗi các sự kiện này. “Cần đổi mới, sáng tạo, các hoạt động truyền thông về các sự kiện lớn này, nhất là đẩy mạnh truyền thông trực tuyến trên mạng xã hội, thông tin đại chúng, nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng xã hội để Tháng 3 hàng năm sẽ trở thành “Tháng Việt Nam hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” – Thứ trưởng nhấn mạnh. Bình Nguyên

Đã tìm được 5 hành khách trên chuyến bay VN814 từ Siem Reap nhập cảnh TP Hồ Chí Minh

TĐKT - Theo thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sau khi nhận thông tin từ Nhật Bản về ca nhiễm Covid-19, các ngành chức năng của TP Hồ Chí Minh đã lập tức thực hiện xác minh danh tính 5 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay VN814 từ Sieam Reap. Rạng sáng nay 5/3/2020, các đơn vị đã xác minh được 1 hành khách người Việt Nam. Hành khách này được đưa vào khu cách ly tập trung, trong khi người nhà thực hiện cách ly tại nhà. Thông tin mới nhất từ Công an cửa khẩu, 4 hành khách người nước ngoài còn lại đã xuất cảnh trong ngày 4/3, trong đó 3 người Pháp đi Bangkok và 1 người Australia đi Australia. Được biết, hành khách mang quốc tịch Nhật Bản được phát hiện dương tính với SARS-COV-2, virus gây bệnh Covid-19 sau khi hạ cánh xuống sân bay Nagoya. Hành khách này xuất phát từ Sieam Reap, bay đến Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN814 tối 3/3. Sau đó nối chuyến VN840 từ Tân Sơn Nhất đi Nagoya sáng sớm 4/3. Chỉ có 5 hành khách trên chuyến bay VN814 nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Hồng Thiết  

Trang