Chính trị - Xã hội

Đảm bảo tốt công tác dự báo, thông tin và dữ liệu khí tượng thủy văn

TĐKT - Chiều 19/12, tại Hà Nội, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia, Vụ Quản lý Dự báo KTTV, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV (Tổng cục KTTV) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 về công tác dự báo, thông tin và dữ liệu KTTV. Toàn cảnh Hội nghị Năm 2019, cán bộ, viên chức, người lao động 3 đơn vị thuộc Tổng cục KTTV luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu đảm bảo tốt nhiệm vụ được giao. Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình KTTV trên phạm vi cả nước nhằm phát hiện và kịp thời dự báo các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm. Theo dõi, dự báo mực nước và dòng chảy các sông trên toàn quốc, đáp ứng yêu cầu phát điện và chỉ đạo điều hành liên hồ chứa phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2018 - 2019. Trung tâm đã thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ khai thác, vận hành và phòng, chống thiên tai cho 11 lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa. Các bản tin dự báo KTTV hạn ngắn, hạn vừa, hạn dài được thực hiện đầy đủ, cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra. Trung tâm thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Quy trình, Quy phạm, Quy định chuyên môn dự báo KTTV do Tổng cục KTTV ban hành. Chủ trì xây dựng Thông tư Quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo hải văn và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia dự báo, cảnh báo lũ... Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV đã quản lý, duy trì và đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống máy chủ, hệ thống truyền hình trực tuyển, Voip, các hệ thống thông tin chuyên ngành KTTV thông suốt trong mọi tình huống; thu thập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ số liệu KTTV đầy đủ, chính xác; phát báo quốc tế số liệu KTTV thời gian thực đảm bảo đúng quy định của WMO; sao lưu định kỳ vag bảo đảm an toàn dữ liệu; lưu trữ, bảo quản và bảo đảm an toàn kho tư liệu giấy KTTV, thực hiện các nhiêu vụ phòng cháy, chữa cháy, chống ẩm, chống mối cho tài liệu. Trung tâm đã tổ chức nghiêm túc trực tăng cường trong các đợt bão, lũ, thời tiết nguy hiểm theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục, không để có sự cố đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đề tài khoa học và công nghệ các cấp đã được Trung tâm thực hiện đúng theo tiến độ, kế hoạch công tác đề ra. Các sản phẩm có hàm lượng khoa học đạt yêu cầu, được ứng dụng vào công tác chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng sự phát triển ngày càng cao của ngành KTTV. Vụ Quản lý dự báo KTTV đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý dự báo, thông tin dữ liệu KTTV và đạt được những kết quả quan trọng trong nhiều mặt. Tiêu biểu, Vụ đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ: Chủ trì xây dựng 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước và Quyết định thay thế Quyết định số 46/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; xây dựng 2 Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo hải văn và Thông tu ban hành Quy chuẩn Quốc gia về dự báo, cảnh báo lũ; xây dựng Dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về "Tăng cường công tác KTTV đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh của đất nước"... Cùng với đó, Vụ đã xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ về phòng, chống thiên tai; theo dõi, kiểm tra kết quả đánh giá chất lượng dự báo, cảnh bảo KTTV theo quy định và việc thi hành pháp luật KTTV tại các tỉnh. Là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ TNMT và Tổng cục KTTV, Vụ đã tham mưu giúp lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Tổng cục theo dõi giám sát công tác dự báo phục vụ các đợt mua lũ ở các tỉnh miền Bắc và Trung Bộ, diễn biến các cơn bão số 1, 2, 3, 4, 5 hoạt động trên Biển Đông; chủ trì xây dựng các văn bản chỉ đạo tăng cường quan trắc, dự báo, cảnh báo phục vụ chỉ đạo phòng, chống khi có thiên tai xảy ra... Minh Phương

Khoa Luật Kinh tế (HUBT) trao bằng tốt nghiệp khóa 20 – ngành Luật Kinh tế

TĐKT - Ngày 19/12, tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT), Khoa Luật Kinh tế đã tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp cho 180 sinh viên ngành Luật Kinh tế khóa 20 niên khoá 2015 – 2019. Trong số 2700 sinh viên khóa 20 nhập học tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, có 255 em lựa chọn học ngành Luật Kinh tế, chiếm tỷ lệ 9,5%. Đến nay, đã có 180 em đủ điều kiện để được cấp bằng cử nhân đợt I, chiếm tỷ lệ 70%, cao hơn tỷ lệ chung toàn trường (64%). Trong đó, có 11 em đạt loại giỏi, 142 em đạt loại khá. Số các em khá giỏi là 153/180 em, chiếm tỷ lệ 84%, cao hơn tỷ lệ chung toàn trường (81%). Phó Hiệu trưởng GS. TS Nguyễn Công Nghiệp phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Phan Thành Vinh) Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường chúc mừng Khoa Luật kinh tế và căn dặn các tân cử nhân: “…Những điều các em học ở trường là những kiến thức cơ bản, nền tảng, hành trang ban đầu để các em bước vào cuộc sống mưu sinh, lập nghiệp. Sau khi ra trường, các em cần tiếp tục học tập, nghiên cứu bổ sung và nâng cao kiến thức. Con đường phía trước của các em còn dài, có nhiều cơ hội và thách thức. Thầy mong rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, các em cũng giữ vững niềm tin, ý chí để đến được bờ vinh quang…” Phó Hiệu trưởng GS. TS Nguyễn Công Nghiệp trao bằng tốt nghiệp cho các tân cử nhân. (Ảnh: Phan Thành Vinh) Tại buổi lễ, 180 tân cử nhân ngành Luật Kinh tế đã được đón nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sau 4 năm học tập miệt mài. Bích Hạnh

Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường

TĐKT - Sáng 19/12, tại Hà Nội, Cục Công nghệ thông tin (CNTT) và Dữ liệu tài nguyên môi trường (TNMT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch công tác năm 2020. Năm 2019, công tác thi đua, khen thưởng của Cục đã đi vào nền nếp, có nhiều đổi mới. Phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sâu rộng, có sức lan tỏa trong toàn cơ quan, đơn vị. Cục có nhiều giải pháp để chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành. Từ đó, toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Cục CNTT và dữ liệu TNMT đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, tích cực làm việc để hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ được giao, phát huy hiệu quả ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành, chuyên môn nghiệp vụ của Bộ và toàn ngành TNMT, góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia. Cục đã hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản theo Quyết định số 3921/QĐ-BTNMT ngày 27/12/2018 Ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ TNMT năm 2019. Cụ thể, về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, đã kết nối thông tin chủ đạo, điều hành thông suốt giữa các đơn vị thuộc Bộ, Sở TNMT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; giữa Bộ với Chính phủ, các bộ, ngành. Cơ bản 100% văn bản, tài liệu (không mật) là văn bản điện tử, trao đổi trên môi trường mạng; từ tháng 9/2018 cơ bản đã gắn với chữ ký số; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thường xuyên thư điện tử trong công việc. Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, đã cung cấp cơ bản 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ. Bảo đảm 100% các thủ tục hành chính vận hành theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN theo kế hoạch của Chính phủ. 100% văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, văn bản cần phổ biến đã đưa lên mạng. Năm 2020, trong bối cảnh Chính phủ, Bộ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Cục xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, thực hiện Quyết định số 964/QĐ-BTNMT ngày 17/4/2019 của Bộ trưởng Bộ TNMT ban hành Kế hoạch hành động của Bộ TNMT thực hiện Nghị quyết sói 17/NQ-CP ngày 7 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Hai là, tích cực thực hiện chuyển đổi số ngành TNMT trong bối cảnh chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bình Nguyên

Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế

TĐKT - Ngày 17/12, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức “Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0”. Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong giảm nghèo đa chiều, khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo trong giai đoạn 4 năm từ 2012 đến 2016. Thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại là làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ giải quyết tình trạng nghèo kinh niên đang tập trung chủ yếu ở các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng miền núi, xa xôi hẻo lánh. Dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của cuộc cánh mạng 4.0” được xây dựng và triển khai dựa trên cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, hướng tới bảo đảm “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Thông qua dự án này, các nhóm dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt là phụ nữ và các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách của chính phủ có cơ hội được kết nối, cùng đồng hành trong Hành trình Tăng tốc giảm nghèo (Accelerator Lab Journey). Sáng kiến 4M (Meet, Match, Mentor and Move – Gặp Gỡ, Kết nối, Đồng hành và Phát triển) được thực hiện trong Dự án đã tạo điều kiện cho 784 người, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số, có thể khởi nghiệp, tham gia và mở rộng sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường và liên kết kinh doanh, quảng bá và bán sản phẩm trên thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và nhờ đó thoát nghèo. Ngoài các đối thượng thụ hưởng trực tiếp, có 2.636 người đã tham gia và hưởng lợi trong chuỗi cung ứng sản phẩm thông qua các HTX, tổ, nhóm sản xuất ở hai tỉnh Bắc Kạn và Đắk Nông. Tại Diễn đàn các bên tham gia Dự án chia sẻ những kết quả, thách thức, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp tiếp tục nhân rộng mô hình “Liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi sản phẩm bản địa ứng dụng nền tảng thương mại điện tử” phù hợp với hộ nghèo và người dân tộc thiểu số gắn kết với phương pháp truyền thống, văn hóa bản địa một cách hiệu quả và bền vững tới các địa phương khác, như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kon Tum... Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thứ trưởng cho biết những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số đã góp phần đẩy nhanh nỗ lực giảm nghèo của cả nước từ 9,88% hộ nghèo đầu năm 2016 xuống còn 5,23% cuối năm 2018; bình quân trong 3 năm giảm trung bình 1,55%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm. Qua đánh giá sơ bộ giữa kỳ, thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần; thu nhập hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2,2 lần so với cuối năm 2015, vượt chỉ tiêu đề ra là 2 lần. Diễn đàn là nơi chia sẻ kết quả đã đạt được trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng, đồng thời được lắng nghe những chia sẻ của các đại biểu đến từ các tổ nhóm, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, bộ ngành. Thông qua những chia sẻ, Diễn đàn này sẽ giúp cho cơ quan quản lý có thêm những gợi ý trong hoạch định chính sách, Chương trình giảm nghèo trong thời gian tới hiệu quả nhất. La Giang  

USAID công bố thông điệp truyền thông mới nhằm chấm dứt việc sử dụng trái phép sừng tê giác

TĐKT – Ngày 18/12, chương trình Động vật hoang dã châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID Wildlife Asia) đã công bố hai bộ hình ảnh và thông điệp sáng tạo truyền thông mới, nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Chí Giai đoạn III - là một chiến dịch tiếp thị xã hội giảm thiểu nhu cầu sử dụng trái phép sừng tê giác và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác của nhóm đối tượng doanh nhân. Việt Nam hiện được biết đến là thị trường cung cấp, trung chuyển và tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD bị buôn bán trái phép. Do đó, việc giảm nhu cầu sử dụng trong nước đối với các sản phẩm này là một trong những chìa khóa quyết định góp phần giảm thiểu các hoạt động săn bắt và buôn bán trái phép ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Thị trường Việt Nam sử dụng sừng tê giác và các loài ĐVHD nguy cấp khác vào hai mục đích chính: Chữa bệnh và thể hiện đẳng cấp. Hai bộ hình ảnh và thông điệp truyền thông thay đổi hành vi của Sáng kiến Chí Giai đoạn III hướng đến việc khuyến khích người sử dụng xóa bỏ những niềm tin sai lầm về tác dụng của sừng tê giác và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác. Hình ảnh đầu tiên truyền tải thông điệp nhấn mạnh sức khỏe và sự dẻo dai của người đàn ông đến từ lòng quyết tâm, sự kiên nhẫn và tinh thần tập luyện thể dục thể thao, chứ không đến từ ĐVHD trái phép. Hình ảnh thứ hai khẳng định việc liên quan đến các hành vi buôn bán và sử dụng ĐVHD để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh là đi ngược lại với các chuẩn mực quốc tế.  Cụ thể, doanh nhân hay doanh nghiệp có liên quan đến các hành vi sử dụng sừng tê giác hay các sản phẩm ĐVHD trái phép sẽ phải đối mặt với những rủi ro bao gồm việc mất uy tín và danh tiếng của mình trên trường quốc tế. Cộng đồng doanh nhân Việt Nam cũng tham gia vào quá trình phát triển hai bộ hình ảnh Sức tại Chí Giai đoạn III này, nhằm đảm bảo thông điệp truyền thông phù hợp, mang tính tích cực có thể khuyến khích sự thay đổi hành vi. Bộ hình ảnh cũng đã thử nghiệm truyền thông trên các nhóm đối tượng đích và sẽ được truyền tải rộng rãi hơn sau buổi lễ công bố qua các kênh truyền thông như các ấn phẩm in, bảng biển ngoài trời và mạng xã hội. Ban Tuyên giáo Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam và Hội Phật giáo Việt Nam là những đối tác chiến lược của Dự án và đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa những hình ảnh và thông điệp này. Năm 2014, TRAFFIC - Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã đã phát động Sáng kiến Chí (http://www.suctaichi.com/) nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng trái phép sừng tê giác của nhóm đối tượng doanh nhân có độ tuổi từ 35-55. Là một Sáng kiến truyền thông xây dựng trên phương pháp truyền thông thay đổi hành vi, Chí lan tỏa thông điệp thành công, bản lĩnh và sự may mắn của người đàn ông đến từ nội lực, chứ không đến từ việc sử dụng sừng tê giác và ĐVHD. Sáng kiến Chí đã kết nối được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong việc bảo vệ ĐVHD thông qua việc hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp có lồng ghép các hoạt động bảo tồn. Sáng kiến Chí Giai đoạn II được xây dựng dựa trên những thành công của Giai đoạn I, mở rộng phạm vi địa lý và tầm ảnh hưởng bằng cách xây dựng mối quan hệ đối tác quan trọng với một số tổ chức xã hội dân sự lớn nhất Việt Nam. Dưới sự tài trợ của USAID, Giai đoạn III của Sáng kiến Chí được phát động vào tháng 8/2018. Trong giai đoạn này, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của Sáng kiến Chí trong việc tiếp tục thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bảo vệ ĐVHD ngày càng sâu và rộng hơn cũng chính là bước đi giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh trạnh so với đối thủ trên thương trường. Sáng kiến Chí cũng góp phần khuyến khích việc lồng ghép các nội dung về bảo vệ ĐVHD trong kế hoạch làm việc của Quốc hội thông qua các hoạt động phối hợp với Văn phòng Quốc hội ra mắt bộ hình ảnh sáng tạo truyền thông thay đổi hành vi Sáng kiến Chí giai đoạn III. Mai Thảo

Tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng

TĐKT - Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống chi trả bưu điện. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng Theo báo cáo từ đại diện Bưu điện Việt Nam, tính đến tháng 10/2019, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện đã được triển khai thí điểm tại 19 tỉnh, thành phố. Từ tháng 11/2019, triển khai mới công tác chi trả tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nâng tổng số địa phương triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện lên 20 tỉnh, thành phố. Hàng tháng, Bưu điện Việt Nam đã tổ chức 3.592 điểm chi trả trên tổng số 2.703 xã, phường, bố trí 3.242 nhân viên chi trả để thực hiện chi trả cho gần 360.000 người hưởng với số tiền trên 620 tỷ đồng. Việc chi trả đáp ứng được các yêu cầu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là chi trả đúng đối tượng, chi đủ số tiền, đúng thời gian quy định, đảm bảo an toàn về tiền mặt tại tất cả các địa phương thí điểm. Công tác triển khai được ứng dụng công nghệ thông tin, giúp cho việc khai thác và quản lý an toàn, nhanh chóng, mang lại hiệu quả cho các bên và đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính. Sau một thời gian triển khai, công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố ghi nhận bởi những tiện ích trong quá trình triển khai: Đảm bảo an toàn các nguồn tiền chi trả; tách bạch công tác chi trả với công tác quản lý đối tượng, tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, góp phần tạo sự minh bạch trong quản lý cũng như giảm tải được áp lực cho cán bộ xã, phường trong điều kiện Chính phủ yêu cầu thực hiện tinh giản biên chế “đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% số biên chế so với năm 2015” theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017. Đối với người thụ hưởng, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện cũng như các tiện ích mà việc nhận tiền qua Bưu điện mang lại đã được đánh giá cao. Các địa phương đã thực hiện điều tra lấy ý kiến người hưởng đều có kết quả tỷ lệ người hưởng hài lòng với việc nhận tiền trợ cấp ưu đãi người có công qua Bưu điện khá cao, hầu hết đều đạt tỷ lệ từ 95% - 100%. Trong thời gian tiếp theo, chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019, đã nêu: “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các tổ chức, đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận các khoản trợ cấp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo ít nhất trên địa bàn đô thị đạt 10% đến hết năm 2019 và 30% đến hết năm 2020”. Để góp phần cùng với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn thành mục tiêu của Chính phủ giao, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam dự kiến tổ chức triển khai công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công bằng 2 phương thức: Phương thức chi trả điện tử và phương thức chi trả bằng tiền mặt. Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, nhìn chung, sau 3 năm thực hiện thí điểm, các địa phương ghi nhận nhiều tiện ích như: Tách bạch công tác chi trả với công tác quản lý đối tượng, công tác tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, góp phần tạo sự minh bạch trong quản lý cũng như giảm áp lực cho cán bộ xã, phường. Dòng tiền luân chuyển ổn định, kịp thời, không xảy ra sai sót trong quá trình chi trả. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, vẫn còn tồn tại một số tồn tại như: Nhân viên bưu điện chưa biết rõ đối tượng, không nắm hết các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nên hạn chế trong việc giải đáp thắc mắc; chưa thực hiện tốt việc chi trả tại nhà đối với những đối tượng già yếu, ốm đau, dẫn đến tỷ lệ chi trả chưa cao... Mặc dù vậy, hầu hết người hưởng đều đánh giá thời gian chi trả đảm bảo, thái độ phục vụ và tinh thần trách nhiệm của nhân viên bưu điện khi thực hiện chi trả đạt mức tốt và rất tốt. Các địa phương thực hiện thí điểm đều đề xuất tiếp tục thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện. Thời gian tới, Bưu điện Việt Nam và các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, xây dựng cơ sở dữ liệu về người có công gắn với thực hiện chính sách; có giải pháp tổng quát, toàn diện, khắc phục ngay những tồn tại trong năm 2020. Các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại các địa phương thí điểm cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chi trả (bổ sung, hoàn thiện phần mềm quản lý đối tượng, quản lý tài chính, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công), đảm bảo chi trả đúng đối tượng, đủ chế độ, kịp thời và đến tận tay người được hưởng chế độ. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng  cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá cao thái độ phục vụ của Bưu điện Việt Nam trong thời gian qua. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ có cách tiếp cận, phương thức trình chủ trương chung để áp dụng với các tỉnh còn lại để đạt 100% tỉnh thành trong cả nước triển khai chi trả người có công qua hệ thống Bưu điện trong năm 2020; đồng thời, sẽ trình để xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương. Thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành xây dựng đề án tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, chi trả qua thẻ để người có công có thể rút ra sử dụng bất cứ lúc nào. Hồng Thiết    

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

TĐKT - Ngày 12/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức Hội thảo “Chính sách, giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” nhằm quán triệt thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo. Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đánh giá, nhìn nhận đầy đủ về cơ hội cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh việc thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về TNMT, phục vụ quản lý “không gian phát triển” của đất nước. Đồng thời, nâng cao nhận thức trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành TNMT. Toàn cảnh Hội thảo Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh rằng trong thời cuộc phát triển ngày hôm nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đóng vai trò tiên quyết trong các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Bộ TNMT nhận thức được rằng, các hoạt động quản lý nhà nước; điều tra cơ bản; xử lý, phân tích, dự báo chuyên ngành về TNMT buộc phải có các thông tin, dữ liệu dạng số, trong đó nhiều dữ liệu theo thời gian thực; đồng thời, kết quả hoạt động của ngành TNMT còn cung cấp dữ liệu đầu vào cho mọi hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác tài nguyên tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường. Để nắm bắt được cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ TNMT cần phải đánh giá được tác động, nhận diện rủi ro, cơ hội và thách thức đối với toàn ngành TNMT. Trên cơ sở đó, xây dựng được Kế hoạch hành động của Bộ trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cần xác định được mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp và hoạch định lộ trình cụ thể của Bộ TNMT để từng bước tận dụng được cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại mà Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo. Vụ trưởng Vụ công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiền cho rằng: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp; cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Dự báo đến năm 2030, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể thúc đẩy GDP tăng trưởng 28,5 tỷ - 62,1 tỷ USD so với kịch bản cơ sở, tương đương mức tăng trưởng GDP 7 - 16%. GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315 - 640 USD/người so với mức cơ sở. Giá trị tăng thêm khu vực hành chính công sẽ tiết kiệm được 0,6 tỷ USD. Nếu chuyển đổi số thành công, GDP đến năm 2045 có thể tăng thêm 168,6 tỷ USD, bình quân tác động đến tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1,1%. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TNMT Lê Phú Hà đề nghị: Bộ TNMT tiếp tục tạo điều kiện để các lĩnh vực thuộc ngành tham gia các hoạt động hợp tác dữ liệu trong khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề chung về TNMT; xây dựng cơ chế cung cấp, chia sẻ thông tin chính thống của ngành, đặc biệt là các thông tin về hiện trạng, thông tin về số liệu quan trắc, đo đạc, khảo sát, điều tra cơ bản… cho mọi đối tượng có nhu cầu. Bộ cần bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin của ngành trên các nền tảng công nghệ hiện đại; nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và người dân về sử dụng thông tin, dữ liệu TNMT; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; từng bước chuyển đổi các thiết bị quan trắc, thu nhận dữ liệu sang sử dụng các thiết bị tự động, thông minh... Bình Nguyên

Lớp học công nghệ cho học sinh khó khăn

TĐKT - Với mong muốn chung tay đóng góp vào sự dịch chuyển số của ngành Giáo dục Việt Nam, Samsung Việt Nam vừa giới thiệu mô hình giáo dục STEM đầu tiên (phương pháp giáo dục liên môn: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) tại tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Ninh với tổng giá trị đầu tư lên đến 2 tỷ đồng. Samsung Việt Nam chính thức ra mắt Lớp học STEM tại Ngôi trường Hy vọng Samsung Thái Nguyên và Bắc Ninh trong mô hình không gian mở hiện đại, thân thiện với trẻ em, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, thực hành về STEM. Lớp học STEM giúp các em học sinh mạnh dạn tiếp cận với sân chơi giáo dục hiện đại Với nội dung đa dạng, phong phú; trang thiết bị công nghệ tân tiến của Samsung gồm bảng tương tác thông minh, máy tính bảng, STEM Lego Robotics, máy cắt CNC và máy in 3D... cùng các chương trình bồi dưỡng đào tạo nhân lực, lớp học STEM mong muốn lan tỏa của phương pháp giáo dục STEM trong cộng đồng và giúp các em học sinh Việt Nam mạnh dạn tiếp cận với sân chơi giáo dục hiện đại này. Tiếp nối không gian Công nghệ thiếu nhi - S.hub Kids tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, trong không gian đầy tính sáng tạo của lớp học STEM tại Thái Nguyên và Bắc Ninh, các em học sinh sẽ có cơ hội bộc lộ năng khiếu, phát triển tư duy logic và nâng cao hiệu suất học tập của mình. Bên cạnh đó, chương trình thiết kế và tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức và kinh nghiệm thực hành mô hình STEM nhằm trang bị cho các giáo viên những kỹ năng cần thiết để nâng cao tính thực tiễn và chất lượng bài giảng, từ đó truyền cảm hứng học tập và khuyến khích các em học sinh nuôi dưỡng đam mê trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. STEM là phương pháp học mà học sinh được học các kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học một cách tích hợp. Thông thường, các môn học STEM được thiết kế ở dạng chủ đề và học sinh được học kiến thức tích hợp dựa trên các chủ đề này. So với phương pháp giáo dục truyền thống, giáo trình STEM được xây dựng có hệ thống từ các vấn đề thực tiễn, chú trọng tư duy và các khái niệm lớn trong cách mạng 4.0 và các kỹ năng thiết yếu trong thế kỷ 21. Việc dạy và học cũng không bị bó hẹp, thay vào đó, học sinh được đánh giá qua các kỹ năng, ví dụ như phương cách giải quyết vấn đề. Hiệp hội các giáo viên dạy khoa học quốc gia Mỹ (NSTA) - Tổ chức uy tín nhất hiện nay trong lĩnh vực giáo dục khoa học trên thế giới đã định nghĩa rằng giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học. Trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó các học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán vào trong các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu, để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và cùng với đó có thể cạnh tranh trong nền kinh kế mới. Mô hình STEM Lego Robotics tương tác thông minh Phát biểu tại buổi lễ trao tặng, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đồng hành với Việt Nam nhiều hơn nữa để hiện thực hóa tầm nhìn về cách mạng công nghiệp 4.0. Nhịp độ phát triển của đất nước không chỉ lệ thuộc vào tốc độ phát triển của kinh tế, của khoa học kỹ thuật, mà còn phụ thuộc vào nhịp độ phát triển của giáo dục, đào tạo. Chính vì thế, giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải được ưu tiên phát triển đi trước một bước, việc đầu tư vào giáo dục STEM sẽ lan tỏa nhận thức trong cộng đồng cũng như đưa STEM đến gần với các em học sinh hơn trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam. Samsung Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục giới thiệu các mô hình giáo dục tiên tiến như STEM và mang đến môi trường giáo dục tốt hơn nhằm hiện thực hóa khả năng và tiềm năng của các thế hệ tương lai Việt Nam”. Việc đầu tư vào chương trình giáo dục STEM tại Thái Nguyên và Bắc Ninh một lần nữa thể hiện cam kết của Samsung trong việc đồng hành cùng Việt Nam triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu cấp thiết là phát triển nhanh nguồn nhân lực thích ứng với sự chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ này. Trong nhiều năm qua, Samsung đã triển khai hàng loạt dự án đào tạo thể hiện trách nhiệm xã hội nhằm nâng cao năng lực học tập và giảng dạy công nghệ số tại Việt Nam. Tiêu biểu nhất phải kể đến Lớp học Thông minh Samsung - Smart School, Thư viện Thông minh 2.0 “S.hub” và “S.hub Kids” giảng dạy STEM tại các tỉnh, thành; triển khai các thư viện thông minh lưu động “Mobile STEM Library” đến các miền quê nghèo. Dương Triều    

Phẫu thuật nhân đạo thay khớp háng và khớp gối cho những bệnh nhân nghèo

TĐKT - Từ 13 - 21/3/2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với tổ chức Operation Walk Ireland sẽ tiến hành đợt phẫu thuật nhân đạo thay khớp háng và khớp gối cho những bệnh nhân nghèo, có bệnh lý tại khớp háng và khớp gối. Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ)108 sẽ tiến hành tiếp nhận hồ sơ bệnh nhân từ ngày 01/10/2019 đến hết ngày 28/02/2020. Những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khi đến đăng ký cần mang theo chứng minh thư, Bảo hiểm hộ nghèo hoặc giấy chứng nhận hộ nghèo. Chương trình phẫu thuật khớp nhân đạo của Bệnh viện phối hợp với Operation Walk Ireland năm 2019 Để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân nghèo cũng như công tác tổ chức phẫu thuật nhân đạo tại Bệnh viện TWQĐ 108 được thuận lợi, trước khi nộp hồ sơ, bệnh nhân xin vui lòng liên hệ trước với: Ban Công tác xã hội - Bệnh viện TWQĐ 108 qua số điện thoại: 1900.986.869 để được tư vấn chi tiết. Operation Walk là tổ chức nhân đạo về phẫu thuật thay khớp, được thành lập từ năm 1996 tại Mỹ. Qua hơn 20 năm hoạt động, tổ chức này đã phẫu thuật cho hàng ngàn bệnh nhân trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, đoàn Operation Walk đã tham gia hoạt động nhân đạo hơn 10 năm nay và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luôn là địa chỉ tin cậy để đoàn Operation Walk tổ chức phẫu thuật. Cho đến nay, Bệnh viện đã phối hợp với tổ chức Operation của Hoa Kỳ và Ireland thực hiện 8 đợt mổ nhân đạo. Sau phẫu thuật, các bệnh nhân đều được phục hồi chức năng vận động của chi thể, trở lại lao động và sinh hoạt bình thường. Mai Thảo

Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam"

TĐKT - Ngày 11/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam". Ban tổ chức thông tin về Hội thảo Hội thảo sẽ diễn ra vào sáng 19/12/2019 tại Hội trường UBND tỉnh Bến Tre, với sự tham dự của 350 đại biểu, phóng viên và 180 cán bộ, chiến sĩ, sinh viên của tỉnh Bến Tre. Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định và làm rõ đường lối đúng đắn, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 15 (khóa II), sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào Đồng khởi. Phân tích, làm rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhằm đàn áp, ngăn chặn sự lớn mạnh, phát triển của phong trào Đồng khởi; sự thất bại của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong chiến lược "Chiến tranh đơn phương"; diễn biến, kết quả của phong trào Đồng khởi; vai trò của các lực lượng tham gia nổi dậy; đặc điểm nổi dậy của từng địa phương trong phong trào Đồng khởi, đỉnh cao là cuộc Đồng khởi tại Bến Tre (17/1/1960). Đánh giá đúng tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và rút ra những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, sự phát triển của nghệ thuật mở đầu chiến tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam; phát huy giá trị của những bài học kinh nghiệm; bài học lịch sử vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 75 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo một số địa phương, lãnh đạo, chỉ huy một số đơn vị trong quân đội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trên cả nước. Ngoài những vấn đề chung, các tham luận khoa học tập trung vào 2 nội dung chính: Phong trào Đồng khởi biểu hiện sự sáng tạo, độc đáo của cách mạng Việt Nam; khẳng định tầm vóc, lịch sử và bài học kinh nghiệm của phong trào Đồng khởi. Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17/01/1960 - 17/01/2020). Kết quả Hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới. Phương Thanh  

Trang