Chính trị - Xã hội

Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo video clip “Con gái thật tuyệt” năm 2019

TĐKT -  Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12, Tổng cục Dân số tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo video clip “Con gái thật tuyệt” năm 2019 và phát trực tuyến trên trang fanpage Hạnh phúc gia đình. Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tác giả đạt giải tại Lễ tổng kết Trong nhiều năm gần đây, mất cân bằng giới tính khi sinh đã và đang là vấn đề nan giải đối với công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở nước ta, đặt ra nhiều thách thức đối với toàn xã hội nói chung và công tác dân số nói riêng. Chính vì vậy, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những nội dung trọng tâm được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Từ ngày 11/10 đến 11/12/2019, Tổng cục Dân số đã tổ chức cuộc thi Sáng tạo video clip “Con gái thật tuyệt” trên trang thông tin điện tử www.cpcs.vn. Đây là một trong nhiều hoạt động truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đồng thời từng bước đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền theo định hướng của Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Cuộc thi được phát động tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày quốc tế trẻ em gái 11/10/2019 càng làm tăng thêm ý nghĩa, mục đích và giá trị nội dung của cuộc thi. Cuộc thi năm nay sử dụng thông điệp bổ trợ xuyên suốt là “Con gái – Hạnh phúc từ những điều giản dị”. Sau hai tháng tổ chức, Cuộc thi đã nhận được 11.155 bài dự thi đến từ 46 tỉnh/ thành phố, trong đó số bài dự thi hợp lệ được đăng tải là 8.474, thu hút gần 125.000 lượt bình chọn và hơn 30.000 lượt chia sẻ. Số lượng video dự thi gửi về đã cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng đông đảo của các cá nhân và tập thể đối với chủ đề của cuộc thi năm nay. Đáng chú ý, cuộc thi được triển khai trên internet nhưng các tác phẩm dự thi đến từ miền núi, cao nguyên, vùng sâu, vùng xa, những khu vực khó tiếp cận với internet vẫn chiếm một lượng lớn trong tổng số bài thi gửi về cho Ban tổ chức. Các bài thi có sự đa dạng về cách thể hiện nội dung, từ đóng tiểu phẩm, bản tin, thuyết trình, phóng sự, tự sự, clip ảnh, kỹ xảo đồ họa hay hoạt hình. Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, khai thác câu chuyện về phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, nhà trường, nơi làm việc, vấn đề bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh đã được truyền tải một cách sinh động và hấp dẫn, đem tới cảm xúc và gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa. Điều này góp một phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và bình đẳng giới, cũng chính là mục tiêu của cuộc thi. Bước sang năm thứ ba tổ chức với chủ đề về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, cuộc thi năm nay tiếp tục thu hút nhiều thành phần tham gia từ học sinh, sinh viên đến các giáo viên, văn nghệ sĩ, sĩ quan quân đội cũng như các cá nhân/người lao động trong các lĩnh vực khác. Đặc biệt có sự tham gia của các tác giả/nhóm tác giả là người dân tộc thiểu số như dân tộc Tày, dân tộc Ê-đê… Với sự đa dạng đó, quan điểm của các tác giả về ý nghĩa và giá trị của con gái được thể hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, vừa truyền thống vừa hiện đại nhưng vẫn bám sát được chủ đề và thông điệp của cuộc thi. Sau 2 tháng triển khai, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Dân số, cuộc thi cơ bản đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, cung cấp thông tin, kiến thức về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Cuộc thi đã tiếp cận được lượng lớn các thanh niên nam, nữ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, là đối tượng quan trọng của công tác truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh. Cuộc thi là cơ hội để nhóm đối tượng này chủ động tiếp cận thông tin và thực hiện việc không lựa chọn giới tính thai nhi, nâng cao vị thế của phụ nữ và em gái trong gia đình và xã hội. Không chỉ vậy, các tác giả và nhóm các tác giả tham gia cuộc thi chính là những tuyên truyền viên tích cực mang thông điệp của mình quay trở lại đời sống nhằm chuyển đổi hành vi có lợi của từng nhóm đối tượng về bình đẳng giới và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Công tác tổ chức cuộc thi đã được thể hiện ngày một chuyên nghiệp, từ khâu xây dựng Kế hoạch, ban hành các Quyết định thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và Tổ Thư ký đến việc tổ chức các hoạt động truyền thông bên lề cuộc thi và kết nối tương tác chặt chẽ với các nhóm đối tượng trên mạng xã hội… Sức lan tỏa của Cuộc thi lại thêm một lần nữa khẳng định việc ứng dụng công nghệ và tận dụng lợi thế mạng internet là rất phù hợp và có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp cận đến người dân để truyền thông về dân số và phát triển, đặc biệt trong công tác truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Có thể nói, Cuộc thi là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12. Hồng Thiết  

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam

TĐKT - Sáng 24/12, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, vì cuộc sống bình yên và phát triển, giai đoạn 2014 - 2019. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; ngày 11/9/2014, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 949/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Hội được thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, kết nối các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn nhằm giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, góp phần bảo đảm an toàn và trong sạch môi trường sống cho nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trung tướng Nguyễn Đức Soát – Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Trong 5 năm qua, Hội luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động và đạt được những kết quả tích cực, hiệu quả trên các mặt công tác của mình, được lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân địa phương, đối tác trong và ngoài nước tin tưởng, đánh giá cao. Cho đến nay, Hội đã vận động và kết nạp được gần 1.500 hội viên tham gia sinh hoạt tại 2 hội và 17 chi hội trên cả nước, đã có trên 1000 đồng chí được cấp thẻ hội viên. Thời gian qua, công tác tuyên truyền được chú trọng với nhiều nội dung, hình thức phong phú cả trực tiếp và gián tiếp như nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân; tuyên truyền, vận động các nhà tài trợ trong nước và quốc tết chung tay góp sức hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam. Công tác vận động tài trợ, ủng hộ tài chính để hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân được Hội thường xuyên thực hiện. Trong 5 năm qua, từ nguồn quỹ của Hội và tài trợ của Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong cả nước và đồng hành của Quỹ Hòa bình Mỹ Lai, nhóm từ thiện TP Hồ Chí Minh… Hội đã tiến hành 26 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế nạn nhân trên địa bàn 19 lượt tỉnh, thành phố, tập trung vào các tỉnh trọng điểm, ô nhiễm nặng bom mìn. Đã có gần 5.500 người được hỗ trợ sinh kế và tặng quà, trong đó có 240 gia đình nạn nhân được hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản; gần 5.000 người được hỗ trợ sinh kế và nhận quà tặng với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: Tặng nhà tình nghĩa (35 triệu đồng/nhà); hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở  mức hỗ trợ từ 5-12 triệu đồng/người); tặng một số phương tiện nghe, nhìn (ti vi 42 inch); hàng trăm chân tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho nạn nhân; tặng tiền quà nhân dịp tết Nguyên đán cho 957 gia đình nạn nhân và 200 suất quà Tết… Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc và hỗ trợ tiền thuốc cho gần 1.000 nạn nhân bom mìn, gia đình chính sách, nạn nhân da cam và người nghèo; hỗ trợ quỹ Nâng bước em đến trường 156 triệu đồng; trao tặng hàng nghìn sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh các trường dân tộc nội trú và 3.000 bộ sách truyện tranh tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn cho thiếu nhi và học sinh trường học các địa phương. Cùng với các hoạt động thường xuyên, Hội cũng kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đột xuất tới gia đình nạn nhân bị tai nạn bom mìn đột xuất như: 6 nạn nhân bom mìn - trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Quảng Bình; 8 nạn nhân trong vụ bị tai nạn bom mình ở Văn Phú - Hà Đông - Hà Nội; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ một số nạn nhân tại Hải Phòng, Sóc Sơn - Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị. Trung tướng Nguyễn Đức Soát – Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao bằng khen cho các đơn vị có thành tích trong tham gia hoạt động Hội. Gần đây, Hội đã hỗ trợ đột xuất trong vụ nổ 6 nạn nhân bị chết, 1 bị thương nặng tại Khánh Sơn - Khánh Hòa và 2 nạn nhân trong vụ nổ ở Yên Phong - Bắc Ninh. Số tiền hỗ trợ hàng trăm triệu đồng được Trung ương Hội trực tiếp giúp đỡ, các nạn nhân bị tai nạn bom mìn đột xuất và gia đình họ đã kịp thời được động viên, giúp đỡ, sớm vượt qua khó khăn. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phòng ngừa và khắc phục hậu quả bom mình, vật nổ sau chiến tranh bằng việc đa dạng hóa nội dung tuyên truyền; nâng cao hiệu quả của các phương tiện truyền thông như website của Hội, mạng xã hội youtube, facebook. Nâng cao hiệu quả các mô hình hỗ trợ sinh kế, phù hợp đối tượng, bền vững. Triển khai nghiên cứu vận dụng các mô hình khác như: Hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ tái định cư ở vùng bị ô nhiễm nặng bom mìn, vật nổ… Tại Hội nghị, 22 tập thể, 32 cá nhân được tặng Bằng khen và Giấy khen của Chủ tịch Hội vì có thành tích xuất sắc giai đoạn 2014 - 2019 trong công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mai Thảo

Ngành tư pháp góp phần quan trọng thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng

TĐKT - Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 đã diễn ra ngày 24/12, tại Hà Nội. Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại Hội nghị Năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành của ngành tư pháp tiếp tục đổi mới, theo đúng phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” của Chính phủ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra. Ngành tư pháp đã tập trung nguồn lực tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng; đặc biệt tham mưu tổng kết, sơ kết nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng. Ngành đã tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 18 dự án Luật và nhiều nghị quyết; xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 881 văn bản, ban hành được 49 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, chất lượng, tiến độ thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được cải thiện. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện, đề xuất, kiến nghị xử lý kịp thời các văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền, được dư luận xã hội hoan nghênh. Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu được giao. Số tiền đã thi hành xong tăng cao so với năm 2018 và đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, đã thi hành xong trên 579.000 việc với số tiền lên đến hơn 52.700 tỷ đồng (tăng đến 52,77% so với năm 2018)... Bộ Tư pháp đã tham gia trách nhiệm, toàn diện về các vấn đề pháp lý quốc tế trong quá trình hội nhập; kịp thời tham mưu, đề xuất đưa ra các phương án hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, khai thác được các lợi ích từ việc hội nhập quốc tế cũng như đề xuất tham gia vào các thiết chế pháp lý quốc tế đa phương để cùng với các quốc gia xây dựng, định hình khuôn khổ luật pháp quốc tế. Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận: Với những nỗ lực, cố gắng, nhiều kết quả của ngành tư pháp đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, củng cố, hoàn thiện những nền tảng chính trị - pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Phó Thủ tướng đề nghị, năm 2020, ngành tư pháp cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật để phục vụ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý mọi mặt kinh tế - xã hội bằng pháp luật. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần đảm bảo việc hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên và khai thác những lợi thế từ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hạn chế những tác động tiêu cực thông qua việc xây dựng các biện pháp phòng vệ, hàng rào pháp lý. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trong đó tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực; nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; xử lý nghiêm trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không chấp hành án hành chính nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính. Tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp đầu tư. Chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những chuyển biến rất nhanh của tình hình thực tiễn trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tham gia tích cực vào triển khai các nhiệm vụ công tác của bộ, ngành, địa phương mình; đồng thời, tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp địa phương cũng cần phối hợp tốt hơn nữa với Bộ Tư pháp trong triển khai các nhiệm vụ. Trang Lê    

HUBT ký kết hợp tác đào tạo thực hành với Bệnh viện Thanh Nhàn

TĐKT - Ngày 24/12, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã ký kết Hợp tác về đào tạo đào tạo thực hành cho sinh viên chuyên ngành Dược học và Điều dưỡng với Bệnh viện Thanh Nhàn. PGS.TS. Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và PGS.TS. Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn ký kết Hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học Theo đó, hai bên cam kết hợp tác phát triển đào tạo nguồn nhân lực y tế, đào tạo theo nhu cầu của ngành và của xã hội; phát triển các dịch vụ y tế; hợp tác thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ công tác khám, chữa bệnh; hợp tác trong các hoạt động đào tạo thực hành về dược học và điều dưỡng với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật Trước đó, vào năm 2018, Ban Giám hiệu nhà trường đã có buổi ký kết hợp tác với Bệnh viện Thanh Nhàn trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, tạo cơ sở pháp lý cho các đơn vị thành viên trong Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (trong đó có Khoa Y, Dược, Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng) và Bệnh viện Thanh Nhàn triển khai các hoạt động cụ thể, dựa trên cơ sở hợp tác bình đẳng, thiện chí và xây dựng, nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho mỗi bên, gia tăng giá trị cho xã hội. Việc hợp tác giữa Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn sẽ phát huy tiềm năng, các thế mạnh của mỗi bên để cùng hợp tác triển khai và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và cung cấp các dịch vụ có liên quan; góp phần cung cấp nguồn nhân lực, các sản phẩm khoa học công nghệ và các dịch vụ y tế chất lượng cao trong lĩnh vực sinh - y - dược cho xã hội. PGS.TS. Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng phát biểu tại buổi ký kết Hợp tác Phát biểu tại Lễ ký kết, PGS.TS. Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ mong muốn sinh viên chuyên ngành Dược học và Điều dưỡng sẽ nhận được sự chỉ dạy nhiệt tình, giàu tâm huyết của các y, bác sĩ của bệnh viện, góp phần trong công tác phối hợp đào tạo, nâng cao ý thức, năng lực chuyên môn cũng như kiến thức nghiệp vụ của sinh viên. PGS.TS. Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn phát biểu tại buổi ký kết Đồng quan điểm với PGS.TS. Phạm Dương Châu, PGS.TS. Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hiện nay, Bệnh viện đang tiếp nhận các sinh viên của Khoa Y của nhà trường đến thực tập và bước đầu đã có những kết quả rất đáng ghi nhận. Chia sẻ về việc tiếp tục ký hợp tác đào tạo thực hành cho sinh viên Khoa Dược và Khoa Điều dưỡng, Phó Giáo sư Đào Quang Minh cũng khẳng định việc hợp tác lần này sẽ góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực y tế tại Bệnh viện nói riêng và trên cả nước nói chung. Đây cũng là mong muốn của Bệnh viện Thanh Nhàn và mang lại lợi ích cho cả 2 bên và cho xã hội.                                                                                 Tin: Thu Hương                                                                                 Ảnh: Huy Thuyết

Đại hội Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ VII

TĐKT - Ngày 22/12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ (CLB) Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (VAJA) đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2019 - 2024), nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ VI (2016 - 2019), xây dựng phương hướng công tác nhiệm kỳ VII phù hợp với tình hình mới của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản; củng cố tổ chức, sửa đổi Điều lệ, bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Tham dự Đại hội có đại diện của Đại sứ quán Nhật Bản; Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam; Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và gần 50 thành viên CLB. Nhiệm kỳ qua, các hoạt động của CLB diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt - Nhật phát triển rất mạnh mẽ, hướng tới kỷ niệm 45 năm hợp tác Việt - Nhật năm 2018. Các quan hệ hợp tác trong giáo dục - đào tạo và phát triển nhân lực được chính phủ hai nước thúc đẩy và đạt được nhiều thành tựu. Sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức cả từ phía Nhật Bản, các hội cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á đã tiến thêm một mức độ cao hơn trước với sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn từ Đại sứ quán Nhật Bản, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Trong điều kiện đó, CLB đã chủ động và phối hợp thực hiện các hoạt động đầy đủ theo Điều lệ, làm tốt vai trò chức năng thúc đẩy các hoạt động thiết thực hỗ trợ các học sinh, sinh viên Việt Nam đi học tập, nghiên cứu và giao lưu tại Nhật Bản với nhiều loại chương trình; làm tốt công tác tuyên truyền cho các học sinh, phụ huynh có nguyện vọng tham gia học tập và gắn kết với Nhật Bản; tham gia các Đại hội ASCOJA và các hoạt động khoa học công nghệ quốc tế. Với những hoạt động đa dạng đó, CLB đã đóng góp lớn và hiệu quả vào công tác phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, làm tốt công tác ngoại giao nhân dân và tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và với các nước Đông Nam Á. Nhiệm kỳ VI gắn với việc mở rộng các quan hệ hợp tác, có thêm nhiều đối tác và thực hiện thành công tất cả các hoạt động theo kế hoạch công tác đã đề ra cũng như các hoạt động bổ sung. Đặc biệt, ngoài những chương trình học tập - giao lưu - nghiên cứu tại Nhật Bản vẫn đang được triển khai thường niên, trong nhiệm kỳ này, CLB đã thực hiện thêm được 2 chương trình dành cho học sinh Việt Nam với số lượng 19 em học sinh THPT tham gia chương trình JENESYS tại Nhật Bản và 12 em học sinh THPT sang Nhật Bản tham gia chương trình Kakehashi (Chương trình cầu nối, học tập, homestay từ 6 đến 10 tháng tại Nhật Bản). CLB cũng đã ký kết thực hiện thêm một số hoạt động mới như xây dựng chương trình và chắp nối/ hỗ trợ cho đoàn công tác của cán bộ Việt Nam đi tập huấn tại Nhật Bản; hợp tác thực hiện thành công chương trình thực tập tại Nhật Bản cho hơn 50 sinh viên đại học. Ban chấp hành CLB đã khắc phục khó khăn về nhân lực và về kinh phí hoạt động, với sự nỗ lực của các thành viên tích cực trong CLB, đã duy trì được các hoạt động đối ngoại tốt, tạo được uy tín ở Đông Nam Á và Nhật Bản. Số lượng hội viên chính thức của CLB cũng tăng lên con số sấp xỉ 2000 (so với con số 1600 hội viên đầu nhiệm kỳ VI). Trong 3 năm của nhiệm kỳ VI, CLB cũng đã tổ chức được 3 đoàn tham dự các đại hội ASCOJA 23, 24, 25 tại Brunei, Campuchia và Lào với số lượng từ 20 - 30 thành viên mỗi đoàn. Tuy vậy, với đặc điểm Ban chấp hành CLB là sự gắn kết đa dạng về nhân sự là những cán bộ tham gia công tác quản lý tại các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp khác nhau và tính chất hoạt động là kiêm nhiệm/ tình nguyện nên bên cạnh những thành công lớn như trên, vẫn còn một số tồn tại cần được điều chỉnh trong hoạt động nhiệm kỳ tới như: Chưa có nhiều hoạt động ngoài lĩnh vực giáo dục, đào tạo thu hút thêm sự tham gia của nhiều thành viên cựu lưu học sinh; mức độ hoạt động của các thành viên BCH chưa đều, kế hoạch hoạt động hướng tới gia đình của thành viên CLB chưa thực hiện được. Về phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ VII, Ban chấp hành CLB đã đề ra 2 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với các nội dung hoạt động cụ thể và vừa có tính sâu sắc, vừa phong phú hơn một bước so với các nội dung hoạt động nhiệm kỳ VI như: Nâng mức chuyên nghiệp hơn trong hoạt động văn phòng, tăng cường các hoạt động khoa học - công nghệ, mở rộng hoạt động tới các đối tượng trong lĩnh vực kinh tế như các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp Nhật Bản hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ với Nhật Bản… Đặc biệt, trong Nhiệm kỳ VII, CLB có kế hoạch triển khai các hoạt động tại Nhật Bản hướng tới đối tượng là các lưu học sinh đã tốt nghiệp nhưng ở lại hoặc quay lại Nhật Bản làm việc, đồng thời hỗ trợ cho các em học sinh - sinh viên đang học tập tại Nhật Bản. Trải qua 18 năm thành lập với 6 kỳ Đại hội, Đại hội lần này ghi nhận sự đổi mới với việc sửa đổi một số chi tiết của Điều lệ hoạt động của Câu lạc bộ cho phù hợp với tình hình mới: Thay đổi tên viết tắt tiếng Anh thành VAJA; nhiệm kỳ của Đại hội được thực hiện theo thời hạn 5 năm; số lượng thành viên BCH tăng từ 35 lên 36 người và dự kiến sẽ bổ sung thêm 1 người trong thời gian tới. Phát biểu tại Đại hội, ông Bùi Khắc Sơn, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, đã đánh giá cao những cố gắng của CLB trong nhiệm kỳ qua, nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ. Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng đã dành những lời tốt đẹp đánh giá cao ý nghĩa các hoạt động của CLB trong việc thúc đẩy các hoạt động văn hóa, giáo dục và khoa học - công nghệ. Nhân dịp này, để ghi nhận những đóng góp tích cực của các thành viên cho CLB trong nhiệm kỳ VI, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương cho Phó Chủ tịch CLB Đinh Thị Bích Lân và Phó Chủ tịch/ Tổng thư ký Phan Trung Nghĩa. Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cũng tặng bằng khen cho CLB và 4 cá nhân tiêu biểu là thành viên Ban chấp hành CLB đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động của CLB và tình hữu nghị Việt - Nhật.  Đại hội xác định, trong nhiệm kỳ VII, hoạt động của CLB sẽ gắn với 3 sự kiện lớn mà CLB quyết tâm thực hiện xuất sắc là: Kỷ niệm 20 năm thành lập ASJA International tại Nhật Bản (2020), Đại hội ASCOJA lần thứ 29 được tổ chức tại Việt Nam (2023) và Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023). Hưng Vũ  

Chọn ngành học và kiếm việc làm: Câu chuyện không của riêng ai

TĐKT - Hơn 150 người tham dự, hơn 20 câu hỏi được đặt ra và nhiều câu chuyện được chia sẻ trong Tọa đàm “Một đích đến – Nhiều hành trình” của Diễn đàn sinh viên Nội thất Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức cho sinh viên nội thất trong ngày 21/12 tại Hà Nội. Tọa đàm thu hút đông đảo sinh viên, học sinh tham gia Ngành nội thất Việt Nam đã cán mốc 4 tỉ USA giá trị nhập khẩu và đạt 7,2 tỉ USD tại thị trường châu Âu. Theo báo cáo về thị trường nội thất Việt Nam được thực hiện bởi EVBN, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 2 châu Á và thứ 4 thế giới về xuất khẩu nội thất. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ nội thất tại nước ta đã có hơn 700 đơn vị, chưa kể, các thương hiệu nước ngoài hiện nay đánh giá rất cao tiềm năng ngành nội thất Việt Nam, cơ hội nghề nghiệp cho ngành này là vô cùng lớn. Tuy nhiên, ngành đào tạo lĩnh vực nội thất vẫn gần như “vô hình” trong danh sách các ngành học được sinh viên, học sinh lựa chọn hàng đầu. Thậm chí, theo thống kê từ các trường đại học, trong nhiều năm gần đây, tuyển sinh rất khó, nhiều lớp học chưa được đến 10 người. Một trong những lý do dẫn đến điều này, chính là ở việc dư luận không đánh giá được tiềm năng của ngành, còn sinh viên vẫn lo sợ về cơ hội nghề nghiệp. “Một đích đến – Nhiều hành trình” - Buổi tọa đàm định hướng nghề nghiệp đầu tiên dành riêng cho các bạn sinh viên nội thất, đã khởi động chuỗi hoạt động off-line của Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà thiết kế nội thất trẻ, mở ra một cánh cửa mới, với nhiều cơ hội cho các bạn trẻ đam mê lĩnh vực nội thất có thêm niềm tin vào sự lựa chọn ngành học và nghề nghiệp của chính mình, đồng thời, giới thiệu một “mảnh đất” đầy tiềm năng cho các bạn trẻ khi lựa chọn trường đại học. Tại sự kiện, KTS Lê Trương – Founder của TT-As , một trong 10 công ty thiết kế - xây dựng hàng đầu tại Việt Nam khẳng định “Người làm mảng sáng tạo trong thiết kế chỉ chiếm 0,5% tổng khối lượng công việc của ngành kiến trúc – nội thất”. Thậm chí, chính sự sáng tạo, bay bổng lại trở thành con dao hai lưỡi, làm giảm đi chất lượng công việc của người làm trong lĩnh vực này. Đó là quan điểm của Giám đốc Đỗ Văn Chương – Eleganz Furniture khi chỉ ra một thực tế rằng, rất nhiều người trẻ thiếu tính kỷ luật và sự nghiêm túc trong công việc, khiến cho chất lượng công việc bị suy giảm, chỉ bởi vì họ “quá bay”. Thay vào đó, người tốt nghiệp ngành nội thất có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực khác để phù hợp với khả năng, đam mê của mỗi người như nghiên cứu, thiết kế thi công hoặc làm kinh doanh với thu nhập rất cao, mà không hề lo thiếu “đất diễn”. Kết thúc sự kiện, sau gần 20 câu hỏi, nhận được hơn 30 lời giải đáp từ 4 vị chuyên gia, điều mà người tham dự rút ra được, chính là “tạm gác lại những định kiến, hay lo phiền không cần thiết”, thay vào đó, hãy học hỏi, đọc sách nhiều hơn để phát triển khả năng hội họa, thẩm mỹ, thậm chí học cả về âm nhạc. Thay vì nuông chiều bản thân với công việc freelance “việc nhẹ, lương cao” thì hãy cho mình một cơ hội trở thành một mắt xích trong những doanh nghiệp, để học hỏi và nâng cao các kỹ năng chuyên ngành và giao tiếp xã hội. Đó là quan điểm của Nhà thiết kế nội thất Lê Đỗ Huyền Trang chia sẻ tại Tọa đàm. Đặc biệt là chia sẻ tâm đắc của bà Hoàng Thái Ly, founder R.Design JSC, với vai trò vừa điều phối vừa là diễn giả dành cho các bạn trẻ: “Đừng ngại thử, vì bạn sẽ không thể thành công chỉ từ việc học từ kinh nghiệm của người khác”.  Chuỗi hoạt động được tổ chức bởi Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam, với sự đồng hành của các thương hiệu lớn trong ngành nội thất: Nội thất Kenli, thương hiệu thảm Interface, tập đoàn LIXIL Việt Nam, thương hiệu Gỗ Minh Long…và sự tham gia kết nối của hơn 27 trường đại học đào tạo thiết kế nội thất trên cả nước, dự kiến sẽ tiếp tục với các tọa đàm tiếp theo tại miền Trung, miền Nam vào đầu năm 2020. Mai Thảo  

Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững

TĐKT - “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững” là vấn đề “nóng” trong giai đoạn hiện nay. Để tập trung thảo luận làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới chính sách đất đai hiện nay như: Chính sách liên quan đến tập trung và tích tụ đất nông nghiệp; những bất cập trong chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; những vấn đề cần sửa đổi để hài hòa giữa Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Lâm nghiệp… Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) và Tổng cục Quản lý đất đai đã có những chủ đề và ý kiến hay tại Diễn đàn “Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững”. Toàn cảnh Diễn đàn Cần thiết bổ sung luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp Theo TS. Phạm Xuân Phương - Viện quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, Luật Lâm nghiệp được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2017 và có hiệu lực từ 1/1/2019, ngoài việc kế thừa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) năm 2004, Luật Lâm nghiệp 2017 đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với bối cảnh của đất nước, như điều chỉnh về phân loại rừng, giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng… Trong khi đó Luật Đất đai được Quốc hội thông qua vào năm 2013 đến nay đã có điểm không còn phù hợp với thực tế nói chung và với Luật Lâm nghiệp nói riêng. Quốc hội đã có kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tiễn quản lý lâm nghiệp Việt Nam, đồng thời tránh sự trồng chéo bất cập giữa 2 luật. Điểm qua các bất cập giữa 2 luật, TS. Phạm Xuân Phương nêu: “Luật Lâm nghiệp quy định rừng tín ngưỡng (rừng ma, rừng thiêng...) thuộc rừng đặc dụng, trong khi đó Luật Đất đai quy định đất tín ngưỡng thuộc đất phi nông nghiệp. Luật Lâm nghiệp quy định khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia thuộc rừng đặc dụng, trong khi đó Luật Đất đai quy định các loại đất này thuộc đất phi nông nghiệp”. Trong khi Luật Đất đai quy định quy hoạch sử dụng đất 3 cấp: Quốc gia, tỉnh, huyện; kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh là 5 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm… thì theo Luật Lâm nghiệp chỉ có quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia với thời gian là 10 năm, trong đó có nội dung định hướng phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất ở cấp quốc gia (Luật Quy hoạch quy định quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia). Về đối tượng giao đất, giao rừng, Luật Đất đai (Điều 137) quy định Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng, trong khi đó không có giải thích cụm từ “tổ chức quản lý rừng” là tổ chức nào? (có thể chỉ hiểu là ban quản lý rừng đặc dụng hay còn tổ chức khác?), trong khi đó Luật Lâm nghiệp (Điều 16) quy định cụ thể giao rừng đặc dụng cho từng loại chủ rừng (Ban quản lý rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế, và cả cộng đồng dân cư…). Theo TS. Phạm Xuân Phương, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và góp phần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Sửa đổi bất cập sẽ thúc đẩy các mô hình tích tụ đất nông nghiệp TS. Nguyễn Anh Phong (đại diện Tổ chức AgroInfo) cho biết, năm 2016 cả nước có tổng số 9,29 triệu đơn vị sản xuất nông nghiệp thì số hộ chiếm 99,89%; số doanh nghiệp chỉ chiếm 0,04% và số hợp tác xã chiếm 0,07%. Trong đó, hộ sử dụng đất nông nghiệp dưới 0,2 ha chiếm 36,1% tổng số hộ; hộ sử dụng từ 5,0 ha đất trở lên chỉ chiếm 2,3%; số doanh nghiệp nông nghiệp có số lao động dưới 10 người chiếm 49%; trang trại chiếm tỷ lệ 0,3% trong tổng số hộ nông nghiệp của Việt Nam. Các đại biểu tham dự tại Diễn đàn Theo đó, việc tập trung đất đai hiện nay diễn ra dưới các hình thức: Doanh nghiệp thuê đất của nông dân; chính quyền thuê đất của nông dân để cho doanh nghiệp thuê lại; nông dân và doanh nghiệp thuê lại đất của Nhà nước. Về tích tụ ruộng đất, có hai hình thức là chuyển nhượng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất diễn ra dưới các hình thức: Hợp tác xã, dồn điền đổi thửa, cánh đồng lớn sản xuất theo hợp đồng. Hiện nay, khó khăn đối với việc tích tụ và tập trung đất nông nghiệp thể hiện ở các quy định pháp lý hiện nay chưa phù hợp, chính sách hỗ trợ chưa đầy đủ, khó áp dụng… Quy định về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho thấy: Doanh nghiệp, hợp tác xã, người ở ngoài địa phương không được nhận quyền sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng quyền sử dụng đất; hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thấp; mức thuế, phí và lệ phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác. Quyền tài sản đối với đất nông nghiệp chưa được đảm bảo. Chưa có các thị trường/sàn giao dịch để tạo quỹ đất cho các bên chuyển nhượng và cho thuê đất nông nghiệp hoặc các thị trường/sàn này hoạt động quá kém hiệu quả…. Tại Diễn đàn, các đại biểu thống nhất quan điểm chung là đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất đặc biệt, ngoài việc phục vụ mục tiêu kinh tế, còn là phương tiện đảm bảo an sinh xã hội, văn hóa…Mọi quy định, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc tích tụ đất đai cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và lâu dài của nhóm nông dân nhỏ, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số, phụ nữ. Các vướng mắc về đất đai là “nút thắt” cuối cùng cần phải giải quyết, sau khi đã có đầy đủ các điều kiện về an sinh xã hội, việc làm nông thôn và xúc tiến thương mại/chế biến nông sản. Việc sửa đổi những bất cập hiện nay sẽ thúc đẩy các mô hình tích tụ đất nông nghiệp ở quy mô nông hộ để đạt đến ngưỡng sản xuất hiệu quả theo từng loại sản phẩm. Các giao dịch chuyển nhượng trên quy mô lớn cần được quản lý chặt chẽ. Nhà nước không thu hồi đất để phục vụ tích tụ và tập trung (TT&TT) đất nông nghiệp; các tiến trình TT&TT đất nông nghiệp cần được thực hiện trên cơ chế thị trường, có sự thỏa thuận và đồng thuận của các bên, Nhà nước hỗ trợ về mặt pháp lý và tư vấn để đảm bảo quyền và lợi ích của nông dân nhỏ và các nhóm yếu thế được đảm bảo trong các giao dịch này. Gỡ bỏ các rào cản hạn chế việc giao dịch đất nông nghiệp, thay vào đó là các chế tài đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Hồng Thiết        

Bộ Y tế khuyến cáo: Chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, tránh lây lan

TĐKT - Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc bệnh cúm có thể gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông xuân và dịp Tết Nguyên đán, lễ hội tập trung đông người. Bộ Y tế cho biết, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong vì biến chứng viêm phổi do cúm. Năm 2019, tại Việt Nam, số ca mắc cúm và tử vong do cúm trong cả nước thấp hơn so với năm 2018, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam chưa ghi nhận chủng virus cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gien làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người. Các chủng được ghi nhận chủ yếu là virus cúm A (H1N1) và cúm B. Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... khiến bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây: Thứ nhất, đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thứ hai, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Thứ ba, tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Thứ tư, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết. Thứ năm, người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Thứ sáu, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Hồng Thiết  

HUBT kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

TĐKT - Sáng 20/12, Hội Cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2019) và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2019). Dự buổi Lễ, có: GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Hà Đức Trụ - Phó Hiệu trưởng nhà trường. Hội cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang nhà trường có: Đại tá, ThS. Bùi Văn Phúc - Trưởng ban; Đại tá, TS. Nguyễn Văn Ba - Phó trưởng ban, Chủ nhiệm khoa Giáo dục Quốc phòng - An ninh cùng các ủy viên của Hội. Đến dự buổi Lễ còn có lãnh đạo các Khoa, phòng ban, trung tâm, tập thể cán bộ giảng viên và đông đảo các cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang trong trường. Đại tá. ThS. Bùi Văn Phúc - Trưởng ban Hội cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang nhà trường báo cáo tại buổi Lễ Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Bùi Văn Phúc, Trưởng ban Hội cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang nhà trường đã đọc diễn văn ôn lại những kỷ niệm hào hùng về ngày Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), biểu dương sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của toàn thể dân tộc Việt Nam, truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của quân và dân ta, đồng thời cũng báo cáo những kết quả hoạt động, thành tích nổi bật của Hội Cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang nhà trường trong năm vừa qua. Hội Cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có 138 đồng chí là cựu cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang công tác tại trường (chiếm hơn 17% tổng số cán bộ, giảng viên cơ hữu của nhà trường). Trong số này, có 26 đồng chí là sĩ quan cao cấp. Hội có 1 Ban đại diện gồm 7 ủy viên và 138 hội viên được chia thành 4 tổ hoạt động ở các khu vực khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Hầu hết các hội viên có trình độ từ cử nhân trở lên. Một số đồng chí là Giáo sư, Phó Giáo sư và đang đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo của những đơn vị, khoa, phòng ban. Nhiều đồng chí đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được khen tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được tín nhiệm bầu vào các Chi ủy, Đảng ủy các cơ sở và Ban chấp hành Công đoàn của nhà trường. Trong hơn 20 năm qua, Hội Cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang đã tích cực tham gia giáo dục về tư tưởng, nhận thức về quốc phòng - an ninh cho hội viên, sinh viên của nhà trường thông qua việc phối hợp với Bản tin Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội xuất bản một số chuyên đề về Quốc phòng - An ninh. Đặc biệt là các hội viên thuộc khoa Giáo dục Quốc phòng - An ninh thường xuyên lồng ghép các nội dung ứng dụng vào trong hoạt động giảng dạy cho sinh viên. Trong năm 2017, Hội tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo nhà trường về các công tác chính sách dành cho hội viên là thương binh, gia đình người có công, tặng quà sinh nhật cho các hội viên cao tuổi, duy trì thường xuyên các hoạt động tình nghĩa đồng đội, thăm hỏi, động viên các gia đình hội viên. GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi Lễ Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường biểu dương, ghi nhận và bày tỏ sự tin tưởng đối với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của các cán bộ, giảng viên là các cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang trong công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho sinh viên, học viên trong toàn trường. Giáo sư Vũ Văn Hóa mong muốn các đồng chí trong Hội cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang của nhà trường luôn mạnh khỏe, vững vàng, tiếp tục đóng góp công sức trong việc xây dựng và phát triển Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vươn lên một tầm cao mới trong tương lai. PGS.TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng phát biểu tại buổi Lễ PGS.TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng có đôi lời nhắn nhủ đối với các thành viên của Hội Cựu chiến sĩ lực lượng vũ trang hãy luôn vượt qua khó khăn, việc gì cũng không nề hà, hoàn thành tốt công việc được giao với tinh thần trách nhiệm cao, tiếp tục phát huy, giữ gìn bản chất tốt đẹp của anh Bộ đội cụ Hồ. Đại diện cho Ban Giám hiệu nhà trường, GS.TS. NGND Vũ Văn Hóa tặng hoa cho các Hội viên Nhân dịp này, đại diện Ban Giám hiệu đã tặng quà tri ân các hội viên là những thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và chúc mừng sinh nhật các cựu chiến sĩ binh cao tuổi.   Tin: Thu Hương Ảnh: Huy Thuyết

Bộ Y tế: Bảo đảm cung ứng thuốc Tamiflu 75mg trị cúm

TĐKT - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh mùa đông xuân nói chung và bệnh cúm mùa nói riêng, ngày 19/12, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã gửi công văn cho Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (đơn vị cung cấp thuốc điều trị cúm Tamiflu cho nhiều bệnh viện) về việc đảm bảo cung ứng Tamiflu 75mg. Thuốc Tamiflu khan hiếm tại một số bệnh viện Theo đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75 mg phục vụ nhu cầu điều trị khi bệnh nhân cúm nhiều nơi tăng mạnh. Theo Cục Quản lý Dược, tình trạng thiếu thuốc Tamiflu không chỉ xảy ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương mà tại TP Hồ Chí Minh cũng có công văn báo cáo Cục Quản lý Dược về việc Bệnh viện Nhiệt đới hết thuốc điều trị cúm Tamiflu. Nguyên nhân được các bệnh viện báo cáo là do phía công ty không tiếp tục ký hợp đồng và cung cấp thuốc cho bệnh viện; do công ty đang hết hàng, không có khả năng cung ứng thuốc Tamiflu 75mg. Do đó, Cục Quản lý dược đề nghị Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75 mg phục vụ nhu cầu điều trị của nhân dân. Trong cùng động thái liên quan, Cục Quản lý Dược cũng có công văn gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc nhằm tìm giải pháp cung ứng thuốc điều trị cúm đang bị thiếu. Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động dự dù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp tăng giá thuốc. Các đơn vị nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc điều trị cúm chứa oseltamivir có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh. Hồng Thiết  

Trang