Hành khách người Nhật dương tính với COVID-19 đi trên chuyến bay Vietnam Airlines
TĐKT - Theo thông tin từ nhà chức trách Nhật Bản, ngày 4/3, một hành khách quốc tịch Nhật Bản đã bị phát hiện nhiễm Covid-19 sau khi nhập cảnh vào nước này. Trước đó, hành khách này đã lưu trú tại Campuchia và nối chuyến tại TP Hồ Chí Minh để trở về Nhật Bản trên chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đến Nagoya do Vietnam Airlines khai thác. Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Vietnam Airlines đã nhanh chóng báo cáo, phối hợp với Bộ Y tế, Cục Hàng không Việt Nam, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các cơ quan chức năng tại Nhật Bản để thu thập thông tin về quá trình di chuyển cũng như sức khỏe của hành khách. Theo ghi nhận, sau khi hạ cánh tại Nhật Bản, hành khách này có dấu hiệu bất thường về sức khỏe và kiểm tra với bộ phận y tế tại sân bay, được xác định dương tính với Covid-19. Trong quá trình phục vụ các chuyến bay giữa TP Hồ Chí Minh và Nagoya (Nhật Bản), phi hành đoàn và nhân viên phục vụ mặt đất của Vietnam Airlines đều được trang bị đầy đủ thiết bị y tế gồm găng tay, khẩu trang... Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh, Vietnam Airlines đã lập tức khử trùng tàu bay thực hiện các chuyến bay và triển khai cách ly tập trung đối với phi hành đoàn, nhân viên mặt đất phục vụ chuyến bay. Hãng đã rà soát và tổng hợp thông tin của các hành khách ngồi gần hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân trên toàn bộ hành trình, các hành khách đi trên chuyến bay từ Nagoya trở về TP Hồ Chí Minh trên cùng tàu bay để cung cấp cho nhà chức trách nhằm có phương án khoanh vùng, cách ly và xử lý kịp thời. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines luôn duy trì thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như khử trùng máy bay; hạn chế các sản phẩm dịch vụ dùng nhiều lần; trang bị khẩu trang, nước rửa tay cho toàn bộ nhân viên, phi hành đoàn và hành khách khi cần; điều chỉnh nhiệt độ máy bay lên 26 độ C và tăng cường bảo dưỡng hệ thống lọc không khí HEPA trên máy bay, giúp hạn chế đến 99,99% vi khuẩn, vi rút theo khuyến cáo của WHO và các nhà sản xuất máy bay. Hồng ThiếtChính trị - Xã hội
TĐKT - Chiều ngày 4/3, tại cuộc giao ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm thông tin về 1 trường hợp sốt, ho, tức ngực phải nhập viện, có tiền sử đi từ Italia về.
Đó là cô giáo 39 tuổi ở Bắc Từ Liêm, đi theo đoàn hội thảo gồm 30 người do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Italia từ ngày 22 đến 26/2, đến nay có triệu chứng sốt, ho, tức ngực hiện nay (ngày 4/3) đưa vào bệnh viện kiểm tra, theo dõi sức khỏe.
Theo thông tin từ giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, kết quả xét nghiệm của cô giáo này ÂM TÍNH.
Sức khoẻ các thành viên còn lại trong đoàn đều bình thường và đang được y tế Hà Nội theo dõi, tư vấn.
Hồng Thiết
Chấm dứt việc cách ly với xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
TĐKT - 0h ngày 4/3, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức công bố chấm dứt việc cách ly với xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Được biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngay từ những ngày đầu, toàn hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc ở tất cả các cấp đã quyết liệt vào cuộc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, xây dựng kế hoạch của tỉnh. Ngay sau đó BCĐ của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ khẩn cấp nhằm thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện khoanh vùng, kiểm soát cách ly tại địa bàn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô công bố quyết định số 442/QĐ-UBND về việc chấm dứt hoạt động cấm tạm thời trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc Kết quả các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc: Trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 11 ca dương tính với Covid-19, trong đó, trên địa bàn xã Sơn Lôi: 6 ca; xã Quất Lưu: 1 ca; xã Thiện Kế 1; thị trấn Gia Khánh 1; 1 ca tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo và 1 ca ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương. Số ca dương tính được theo dõi cách ly, điều trị tại Trung tâm điều trị viêm đường hô hấp cấp do nCoV Quang Hà (phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà), huyện Bình Xuyên là 5 ca; số ca dương tính được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là 5 ca; 1 được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả điều trị: Tính đến ngày 26/02/2020, ca cuối cùng được theo dõi cách ly, điều trị tại Trung tâm điều trị nCoV Quang Hà đã điều trị khỏi bệnh. Như vậy, toàn bộ 11 ca bệnh của Vĩnh Phúc đã được điều trị khỏi và đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh đã trải qua 22 ngày không xuất hiện thêm trường hợp nào dương tính với Covid-19. Chốt cách ly ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc được dỡ bỏ Kết quả các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên: Hơn ½ số ca bệnh COVID-19 (6 ca) là người dân xã Sơn Lôi. Do vậy từ ngày 13/02/2020, UBND tỉnh và BCĐ đã quyết định triển khai thực hiện cách ly y tế đối với xã này. Các lực lượng công an, quân đội phối hợp với ngành y tế và chính quyền địa phương thành lập 12 chốt kiểm soát trên các trục đường ra, vào xã; mỗi chốt bố trí từ 30 - 40 cán bộ thường trực 24/24h để quản lý, giám sát chặt chẽ người dân vùng dịch theo các quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, thành lập tổ công tác đảm bảo hậu cần, vật tư, trang thiết bị; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp với địa phương thực hiện khoanh vùng khử khuẩn môi trường. Cụ thể: 6/6 thôn và 100% các hộ gia đình trong xã được phun khử khuẩn môi trường bằng Cloaramin B; các khu vực có nguy cơ như chợ, trường học, cơ quan nhà nước cũng được khử khuẩn môi trường. Nhờ sự chỉ đạo thống nhất, tập trung, công tác khoanh vùng, kiểm soát cách ly tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên đã đảm bảo các yêu cầu chuyên môn về phòng, chống dịch; công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý y tế phòng, chống dịch thực hiện theo đúng quy định, được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ. Đến nay, qua 22 ngày triển khai thực hiện việc khoanh vùng, kiểm soát cách ly, tình hình tại địa bàn địa bàn xã Sơn Lôi cơ bản ổn định, không có thêm trường hợp nào mắc mới, không phát sinh các tình huống phức tạp; các đối tượng cách ly trọng điểm, nguy cơ cao đều an toàn, không bị lây lan dịch bệnh. Hồng ThiếtPhụ nữ các cấp chung tay phối hợp và phòng ngừa dịch Covid - 19
TĐKT – Chủ động theo dõi sát sao diễn biến tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Covid-19 gây ra, các cấp Hội phụ nữ đã nhanh chóng triển khai công tác phòng, chống dịch phù hợp với thực tế và có nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả. Cụ thể, 100% các cấp Hội phụ nữ trên toàn quốc đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân (phát tờ rơi, hướng dẫn cách khử trùng, làm sạch môi trường, kỹ năng rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách…), hướng dẫn chị em tiếp cận thông tin từ các nguồn chính thống, không chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng để tránh gây hoang mang. Các cấp Hội cũng chủ động tiếp cận địa bàn đông người như các xóm trọ, chợ, trung tâm hành chính của các địa phương để tuyên truyền, tặng khẩu trang… Với chỉ đạo hạn chế hội họp đông người, các cấp Hội đã tăng cường trao đổi thông tin chỉ đạo trong cán bộ cũng như cung cấp thông tin dưới hình thức infographic, video hướng dẫn kỹ năng cho hội viên, phụ nữ, người dân thông qua các trang web của Hội, trên trang thông tin của Hội trên mạng xã hội, qua nhắn tin vào các nhóm zalo; đồng thời lắng nghe ý kiến phản hồi của hội viên, phụ nữ để kịp thời xử lý theo quy định. Chị em phụ nữ tham gia dọn dẹp, vệ sinh lớp học để đón học sinh đến trường Bên cạnh đó, Hội LHPN nhiều tỉnh/thành cũng phối hợp với y tế và trường học trong công tác vận động phụ huynh, học sinh trang bị phòng dịch cho trẻ như rửa tay sát trùng thường xuyên, trang bị khẩu trang, bổ sung các loại vitamin, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ khẩu trang, xà phòng rửa tay..., vận động hội viên phụ nữ may khẩu trang để tặng cho người nghèo, trẻ em trong các trường học… Để tăng cường phòng dịch, các tỉnh/thành Hội hướng dẫn và tổ chức cho hội viên ra quân làm sạch môi trường nơi công cộng, phun thuốc khử khuẩn, rắc vôi bột… Theo thông tin nhanh từ 63 tỉnh/thành phố, đến hết ngày 29/02/2020, các cấp Hội đã tổ chức hàng chục nghìn cuộc truyền thông, phát 4,15 triệu tờ rơi cung cấp thông tin, gần 4,8 triệu khẩu trang và hơn 180.000 chai nước rửa tay cho người dân trên địa bàn. Điển hình như Hội LHPN thành phố Hà Nội đến ngày 17/2, đã tổ chức phát 112.000 khẩu trang miễn phí, 7.500 chai nước rửa tay, 10.300 bánh xà phòng tới người dân; đồng thời, tổ chức 300 hội nghị tuyên truyền kiến thức, cách phòng chống dịch Covid - 19; thành lập 45 đội xung kích, 137 tổ, nhóm tuyên truyền, 7 đoàn xe tuyên truyền, 51 điểm tuyên truyền lưu động phòng chống Covid-19; tổ chức 950 buổi ra quân tổng vệ sinh môi trường. Thành lập 10 đội phản ứng nhanh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và tiếp cận các hộ gia đình có người Trung quốc sinh sống trên địa bàn, phối hợp với các tổ dân phố phát gần 200.000 tờ rơi đến tay từng người dân trong khu dân cư, tổ dân phố. Hội LHPN Thái Nguyên tổ chức thực hiện “Tuần cao điểm phụ nữ Thái Nguyên ra quân thực hiện vệ sinh môi trường, góp phần đẩy lùi vi rút Corona” với các hoạt động cụ thể. Điểm nhấn của Tuần cao điểm là hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện mô hình "3 có" trong phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Theo mô hình này, mỗi gia đình cần tuân thủ: Có hố rác gia đình, có túi đựng rác tiết kiệm, có túi đựng rác ni lông; xử lý rác thải trong gia đình và nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh. Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cùng với chương trình hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách, Hội LHPN Bắc Ninh duy trì thường xuyên công tác giám sát các cửa hàng bán khẩu trang bình ổn giá thực hiện đúng sự chỉ đạo của tỉnh. Hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có 23 điểm bán khẩu trang bình ổn giá. Đồng thời, các cấp Hội phụ nữ cũng rà soát, vận động các cơ sở sản xuất khẩu trang do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh tích cực sản xuất, tăng sản lượng nhằm đảm bảo nguồn khẩu trang đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh của nhân dân. Đặc biệt, phát huy tinh thần tương thân tương ái, cán bộ Hội đã vận động các cơ sở sản xuất khẩu trang và người dân chia sẻ thông tin hữu ích, tham gia bán hàng bình ổn giá các mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, với tình hình diễn biến dịch phức tạp của dịch bệnh, Hội LHPN tỉnh cũng có những chỉ đạo trực tiếp và qua Zalo với Hội LHPN huyện để chỉ đạo Hội LHPN các xã thực hiện tốt việc tuyên truyền, động viên các hội viên, phụ nữ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các cấp Hội LHPN xã cũng cử người cùng với các tổ chức khác nắm thông tin để cuối giờ chiều hàng ngày báo cáo lên cấp trên nhằm có thông tin cập nhật về dịch bệnh… Riêng tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên - “điểm nóng” của dịch Covid-19, Đoàn Công tác của Tổ chức tài chính vi mô TNHH Tình Thương (TYM) do bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, Tổng Giám đốc TYM, dẫn đầu đã đến huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) thăm hỏi, động viên cán bộ, Hội LHPN huyện Bình Xuyên và cán bộ của TYM và tặng 30 triệu đồng cho Hội LHPN huyện Bình Xuyên để mua sắm một số trang thiết bị, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ trong điều kiện xã bị cách ly. Chi nhánh TYM ở huyện Bình Xuyên cũng đã giãn nợ cho các hội viên, phụ nữ vay vốn xã Sơn Lôi trong toàn bộ thời gian xã phải cách ly để chị em yên tâm. Ngày 17/02/2020, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Công ty FrieslandCampina Việt Nam (FCV) - nhãn hàng Cô gái Hà Lan trao tặng hỗ trợ hội viên, phụ nữ địa bàn bị cách ly của tỉnh Vĩnh Phúc sữa và nước rửa tay sát khuẩn trị giá 350 triệu đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Với sự chung tay, quyết tâm của các cấp Hội phụ nữ, tin rằng, cuộc chiến chống lại dịch bệnh nCoV của chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những kết quả tích cực, mang lại sự bình yên cho nhân dân cả nước. Mai ThảoTĐKT - Ngày 4/3, tại Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) đã tổ chức Hội nghị bàn giao khẩu trang y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cho Sở Y tế Hà Nội. Buổi bàn giao có ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đến dự có, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên; Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng.
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên phát biểu tại hội nghị bàn giao
Được biết, tính đến 16h ngày 3/3/2020, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra: 242 vụ, xử lý 203 vụ; phạt hành chính: 494.215.000 đồng; tạm giữ khẩu trang: 736.404 chiếc. Mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn vừa qua ở trong tình trạng khan hiếm hàng, giá đẩy lên cao do nhu cầu tăng đột biến và vẫn có hiện tượng khan hiếm khẩu trang, dung dịch nước rửa tay khử khuẩn, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Ký biên bản bàn giao
Trước tình hình trên, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sau khi kiểm nghiệm chất lượng số khẩu trang trên đã đạt yêu cầu theo Tiêu chuẩn Quốc Gia TCVN 8389-1:2010, quyết định bàn giao cho Sở Y tế Hà Nội 126.116 chiếc khẩu trang y tế. Số khẩu trang này sẽ được phân phát về các bệnh viện phục vụ công tác chống dịch Covid -19.
Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, nâng giá, không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết mặt hàng khẩu trang, trang thiết bị, vật tư y tế.
Cục QLTT bàn giao 126.116 chiếc khẩu trang cho Sở Y tế Hà Nội
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, thời gian qua, Cục QLTT Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt xử lý các đối tượng vi phạm. Đặc biệt, có những đối tượng chống đối cả người thi hành công vụ, Cục đã phối hợp với Công an Hà Nội xử lý nghiêm minh và chuyển đối tượng cho công an kinh tế phụ trách. Đây là đợt 1 Cục bàn giao khẩu trang để gửi tới các đơn vị còn thiếu để tăng cường giữ gìn sức khỏe cho người dân Thủ đô, mang sản phẩm phục vụ tốt cho cộng đồng.
Hồng Thiết
TĐKT - Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 vừa cứu sống một bệnh nhân mang thai 37 tuần tuổi bị suy thai cấp, đa chấn thương do tai nạn giao thông.
Theo đó, sản phụ 28 tuổi bị tai nạn vào ngày 29/2. Theo lời kể của gia đình, khi đó sản phụ đang mang thai lần 2, thai 37 tuần và gặp tai nạn giao thông khi đi cùng chồng.
Ngay lập tức, sản phụ N.T.H (Hà Nội) được gia đình đưa đến Bệnh viện TWQĐ 108 để cấp cứu.
Bác sĩ Trang và bé trai được “cứu sống” trong sự vỡ òa hạnh phúc của cả kíp mổ trong một ngày thật đặc biệt, ngày 29/2
Sau khi được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, vỡ nền sọ, xuất huyết dưới nhện, gãy xương đòn, mất máu nhiều, nguy cơ tử vong cao. Lúc đến cấp cứu, nhịp tim thai nhi 70 ck/ phút. Ngay lập tức, kíp trực đã nhanh chóng hội chẩn với các chuyên khoa chấn thương, ngoại bụng, lồng ngực, sản và nhi ngay tại phòng mổ phối hợp cứu chữa sản phụ.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai cấp cứu mặc dù khả năng cứu sống em bé chỉ khoảng 30 %. Thời gian giành giật em bé khỏi lưỡi hái tử thần chỉ tính bằng phút.
Theo bác sĩ Bùi Thu Trang, khoa Sản, Bệnh viện TWQĐ 108: Các bác sĩ quyết định mổ bắt con nhưng vẫn cố gắng làm hết sức có thể để cứu mẹ. Bé trai khóc tiếng khóc đầu tiên sau 10 phút hồi sức, nặng 3 kg, hồng hào trong niềm vui hân hoan của toàn bộ kíp trực. Hiện tại em bé được chăm sóc tại khoa sản, bé hồng hào, bú tốt và rất ngoan, bé đã được xuất viện về với gia đình. Người mẹ đáp ứng tốt với điều trị và đang được điều trị tích cực tại khoa hồi sức cấp cứu.
Cũng theo bác sĩ Trang, đây là ca cấp cứu với sự phối hợp nhanh chóng và nhịp nhàng của các chuyên khoa trong bệnh viện “7 phút để huy động cả kíp và 10 phút tính từ lúc lấy con mềm nhũn trong bụng mẹ ra đến khi con khóc oe oe trong niềm hân hoan của mọi người”.
Thục Anh
TĐKT - Mới đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã phẫu thuật thành công cắt bỏ dị tật còn đuôi bẩm sinh ở bệnh nhi 5 tháng tuổi.
Bệnh nhân Phạm D.G.H, 5 tháng tuổi, giới tính nữ, trú tại Lệ Chi - Gia Lâm - Hà Nội. Khi nhập viện trẻ tỉnh, hồng hào, môi hồng, mạch: 110l/p; nhiệt độ: 37, nhịp thở: 45l/p; cân nặng: 7kg.
Bệnh nhi 5 tuổi còn đuôi bẩm sinh
Bệnh nhân được phát hiện còn đuôi bẩm sinh từ khi sinh ra, được khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - bệnh viện Đa khoa Đức Giang hội chẩn, theo dõi, hẹn tái khám định kỳ chờ đủ điều kiện phẫu thuật. Bệnh nhân đã được khám sàng lọc sau sinh và không phát hiện bệnh gì khác.
Trong khoảng thời gian 4,5 tháng từ khi trẻ sinh ra, trẻ ăn, ngủ tốt, tăng cân đều, không phát hiện bất thường gì khác. Qua khai thác tiền sử gia đình: 2 bên gia đình bên nội, ngoại, không phát hiện bệnh gì đặc biệt, không có ai còn đuôi bẩm sinh.
Qua theo dõi, bệnh nhi còn đuôi vùng cùng cụt, kích thước đuôi bình thường 5cm, kéo dài là 9,5cm, đường kính vùng lớn nhất 4cm. Đuôi ấn mềm, không đau, đuôi không vận động được. Đuôi lớn dần theo tuổi của bé, các cơ quan bộ phận khác chưa phát hiện gì đặc biệt. Qua chụp X-quang không thấy hình ảnh xương vùng đuôi. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có dị tật còn đuôi bẩm sinh. Có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn vùng đuôi.
Bệnh nhân được kíp phẫu thuật do Bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thực hiện vào ngày 27/2, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn vùng đuôi. Hiện tại tình hình bệnh nhân khỏe mạnh, sớm được xuất viện.
Đuôi bẩm sinh sau khi được cắt bỏ
Bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ chia sẻ: "Mức độ nguy hiểm của dị tật này không cao như mức độ hiếm gặp của nó, đây là một cái đuôi nhưng không có dây thần kinh, xương và không được kết nối với tủy sống. Đuôi người có 2 loại: Đuôi giả và đuôi thật. Đó là một cái đuôi thật (tương tự như một ngón tay thừa). Nó không khiến cơ thể gặp nguy hiểm".
Bác sĩ Lan cũng cho biết, sau khi chụp X-quang và làm các xét nghiệm cần thiết đủ yếu tố an toàn, mới tiến hành làm phẫu thuật cho bé và ca phẫu thuật đã diễn ra thành công đúng như tiên lượng của mình. Cũng theo lời bác sĩ, đây là 1 trong những dị tật hiếm gặp, hiện trên thế giới chỉ có khoảng 35-40 trường hợp dị tật còn đuôi bẩm sinh.
La Giang
Nam bệnh nhân 49 tuổi, suýt mất chân do tự điều trị thuốc nam tại nhà
TĐKT - Vào những ngày cuối năm 2019, anh Tr.V. N, 49 tuổi (Trực Ninh – Nam Định) cảm thấy bàn chân phải của mình đau nhức, đi lại khó khăn. Một phần vì công việc giáp tết còn bề bộn, một phần vì nghe theo lời khuyên của những người xung quanh, anh N. quyết định tự đi mua thuốc nam về đắp. Rất nhanh sau đó chân của anh càng sưng đau nhiều hơn, xuất hiện các vết hoại tử và chảy dịch mủ thối. Nghe thấy thế, vợ của anh N. đang đi làm ăn xa vội thu xếp công việc về đưa chồng lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám. Tại đây các bác sĩ đã quyết định can thiệp ngay lập tức để xử lý tình trạng nhiễm trùng hoại tử ở bàn chân phải, mặc dù tiên lượng khả năng giữ lại bàn chân rất khó khăn. Nam bệnh nhân 49 tuổi, suýt mất chân do tự điều trị thuốc nam tại nhà. Qua nhiều cuộc phẫu thuật, với sự quyết tâm của các bác sĩ viện chấn thương chỉnh hình và đơn vị chăm sóc vết thương - khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn, cùng với sự chăm sóc tận tình của các điều dưỡng, dần dần vết thương của anh N tiến triển tốt hơn. Tuy nhiên, cũng phải trải qua 2 tháng ròng rã “xuyên năm mới”, bàn chân của anh N. mới có khả năng giữ lại, tuy chức năng vẫn còn hạn chế. Theo bác sĩ, thạc sĩ Trần Tuấn Anh, bác sĩ khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn và chăm sóc vết thương, người trực tiếp điều trị và phẫu thuật cho bệnh nhân N. thì do ngại đi bệnh viện, ngại phải mổ xẻ nên anh N. đã tự ý điều trị thuốc nam. Rất may mắn anh đã được các bác sĩ xử lý kịp thời, giữ lại bàn chân cho mình. Anh N. cũng cho biết thêm tình trạng sử dụng thuốc nam và tự ý điều trị tại nhà ở địa phương anh còn nhiều, khi trở về quê hương anh sẽ gặp và trao đổi kinh nghiệm của chính bản thân mình cho bà con láng giềng để tránh những hậu quả đáng tiếc mà anh đã gặp phải. Nhiều năm công tác tại khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa cho biết đã gặp những trường hợp tương tự anh N. tự điều trị thuốc mang họa vào người do sự thiếu hiểu biết. “Chúng tôi mong muốn mọi người dân hãy tìm hiểu thông tin thật kĩ, nên đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị để đạt được những kết quả tốt nhất, tránh để lại hậu quả “tiền mất tật mang” khi có các vấn đề về sức khỏe hoặc mắc bệnh”, PGS Nguyễn Đức Chính khuyến cáo. Hồng Thiết30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán trở về khỏe mạnh sau 21 ngày cách ly
TĐKT - Chiều 2/3, 30 công dân Việt Nam trở về từ tâm dịch Vũ Hán cách đây ba tuần đã kết thúc đợt theo dõi cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tất cả đều khoẻ mạnh. Tại buổi lễ xuất viện, thay mặt 30 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán, anh Trần Đình Nhân - Giảng viên Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Huế) gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Y tế, cùng tập thể các thầy thuốc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các ban ngành liên quan đã quan tâm, chăm sóc cho anh cũng như các công dân trở về từ Vũ Hán đợt này. 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán trở về khỏe mạnh sau 21 ngày cách ly Anh Nhân chia sẻ, 30 công dân đều ý thức được việc cách ly là rất cần thiết vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân, vừa tránh lây lan cho cộng đồng. TS.BS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, 30 công dân trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) được cách ly, chăm sóc, theo dõi tại bệnh viện. Đến nay, trải qua 21 ngày cách ly, tất cả các công dân đều khỏe mạnh, âm tính với COVID-19. Trong tổng số 30 công dân, có 3 trường hợp sốt, ho. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, tiến hành các xét nghiệm, kết quả đều âm tính với COVID-19. Các công dân này đã được điều trị bằng các thuốc sốt, ho thông thường. TS.BS. Phạm Ngọc Thạch cho biết thêm, ngoài 30 công dân được xuất viện hôm nay, hiện vẫn còn 40 trường hợp cách ly, theo dõi COVID-19 tại bệnh viện. Về sức khỏe của những người này, TS Thạch cho biết, tất cả đều ổn định. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nguyện vọng của công dân, ngày 10/2, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tiến hành đưa 30 công dân Việt Nam (gồm các sinh viên và người thân, khách du lịch Việt Nam...) từ thành phố Vũ Hán - vùng tâm dịch COVID-19 - trở về nước. Sau khi chuyến bay HVN68 hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) lúc 5 giờ 4 phút sáng 10/2, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm thủ tục khử trùng và kiểm tra y tế theo đúng quy định phòng dịch cho 30 công dân. Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu cho biết, ngay khi hành khách bắt đầu xuống máy bay, Trung tâm kiểm dịch y tế và các đơn vị liên quan đã kiểm tra, sàng lọc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ qua máy đo thân nhiệt từ xa; phun khử trùng hành lý xách tay của hành khách... 30 hành khách được làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra hải quan với hành lý xách tay và hành lý ký gửi, sau đó bàn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh đưa về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cơ sở 2 để thực hiện cách ly theo dõi sức khỏe. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tất cả những công dân trở về từ Vũ Hán đều được cách ly đặc biệt. Các bệnh nhân này được theo dõi tình trạng sức khoẻ hàng ngày, thậm chí là 2 lần/ngày. Theo quy định, người nghi nhiễm sẽ được theo dõi, cách ly trong vòng 14 ngày. Các trường hợp có những biểu hiện bệnh sẽ được chuyển sang các buồng cách ly tiếp theo. "Việc tiến hành cách ly đặc biệt với những công dân trở về từ vùng dịch không những giúp cho công tác chăm sóc bệnh nhân tốt hơn mà còn phòng, chống nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh. Hồng ThiếtTrong tháng 2/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 37,1 tỷ USD
TĐKT - Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 2/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,5%. So với cùng kỳ năm 2019, trị giá xuất khẩu của cả nước tăng 34% và trị giá nhập khẩu tăng 26%. Trong tháng 2/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 37,1 tỷ USD Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: Dầu thô: Xuất khẩu trong tháng 2/2020 ước tính là 467 nghìn tấn, tăng 13,3% và trị giá là 213 triệu USD giảm 12,6% so với tháng 1/2020. So với tháng 2/2020, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính trong tháng này tăng 21,2% về lượng và trị giá ước tính tăng 30%. Xuất khẩu quặng các loại trong tháng 2/2020 ước tính là 250 nghìn tấn, giảm 10,3% và trị giá là 7 triệu USD giảm 65,3% so với tháng trước. So với tháng 2/2019, lượng quặng xuất khẩu ước tính trong tháng này tăng 42,6% về lượng và trị giá ước tính giảm 9,7%. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như: Xăng dầu các loại: Nhập khẩu trong tháng 2/2020 ước tính là 650 nghìn tấn, giảm 14,1% so với tháng trước và trị giá là 345 triệu USD, giảm mạnh tới 27,2%. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 2/2020 ước tính giảm 20% về lượng và giảm 22,8% về trị giá so với tháng 2/2019. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 2/2020 là 4,4 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước và tăng 17,1% so với tháng 2/2019. Đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 2/2020 là 2,5 tỷ USD, giảm 11,4% so với tháng trước và giảm 3,7% so với tháng 2/2019. Nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 2/2020 là 900 nghìn tấn, giảm 4,7% và trị giá là 540 triệu USD, giảm 5,3% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2019, lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 2/2020 giảm 8,5% về lượng và giảm 18,5% về trị giá. Ô tô nguyên chiếc các loại ước tính trong tháng 2/2020 là 6 nghìn chiếc, tăng 40,2% và trị giá là 134 triệu USD, tăng 21% so với tháng trước. So với tháng 2/2019, lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 2/2020 giảm 59,9% về lượng và giảm 57,2% về trị giá. Ước thu tháng 2/2020 từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23.700 tỷ đồng, thấp hơn so với tháng 1/2020 là 26.019 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hầu hết kim ngạch xuất nhập khẩu của các mặt hàng đóng góp số thu lớn đều giảm so với tháng trước. Theo Tổng cục Hải quan, ước thu tháng 2/2020 từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23.700 tỷ đồng, thấp hơn so với tháng 1/2020 (26.019 tỷ đồng). Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hầu hết kim ngạch xuất nhập khẩu của các mặt hàng đóng góp số thu lớn đều giảm so với tháng trước, như máy móc, thiết bị, sắt thép, xăng dầu, quặng... Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 49.700 tỷ đồng, bằng 14,7% dự toán, bằng 14,0% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 7,87% so với cùng kỳ năm 2019 (4.243 tỷ đồng). Nguyên nhân, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên số thu có xu hướng giảm dần. Nếu 2 tháng đầu năm 2019 bình quân mỗi ngày thu 1.458 tỷ đồng/ngày, thì 2 tháng đầu năm chỉ thu khoảng 1.308 tỷ đồng/ngày. Hồng ThiếtTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 170
- 171
- 172
- 173
- 174
- …
- sau ›
- cuối cùng »