Chính trị - Xã hội

Nắn chỉnh biến dạng cột sống bệnh nhân “siêu gù”

TĐKT - Đầu tháng 4, khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 đã nắn chỉnh thành công cột sống biến dạng “siêu gù” cho bệnh nhân L.Đ.Q (Nam, 44 tuổi, TP Bắc Ninh). Anh Q bị bệnh viêm cột sống dính khớp (VCSDK) cách đây 23 năm và bị gù cột sống từ 15 năm. Bệnh nhân (BN) không thể nằm ngửa được suốt 10 năm nay, 3 năm nay luôn đi lại trong tư thế cúi gằm mặt xuống đất, tầm nhìn chỉ khoảng 2 mét trở lại bàn chân. BN phải chịu đựng gù cột sống trong rất nhiều năm, chất lượng sống giảm xuống nghiêm trọng. BN luôn tự ti và mặc cảm về hình thể, không lập gia đình được. Qua tìm hiểu trên mạng internet, BN tìm đến Bệnh viện 108 để điều trị. Qua thăm khám, anh bị gù rất nặng toàn bộ cột sống, đỉnh đầu còn thấp hơn cả vùng đỉnh gù cột sống, tầm nhìn chỉ 1 - 2 mét. Không khó thở, mệt khi đi lại nhiều (200 - 300 mét). Bụng gấp hết mức, có rất nhiều nếp gấp lằn bụng, mặt cúi gần sát đất. Các khớp vai, khớp háng, khớp gối vận động bình thường. Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán gù toàn bộ cột sống do viêm cột sống dính khớp. Qua hình ảnh phim X-quang cho thấy góc gù toàn bộ cột sống T7L4 112 độ, khoảng cách từ đường dây rọi C7 đến đốt sống 25 cm. Trước khi phẫu thuật BN có chỉ định phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù cột sống. Kíp phẫu thuật do TS. BS Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Chấn thương, Chỉnh hình cột sống đứng đầu đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân cố định cột sống T8-S1, cắt V xương thân đốt L4, L1, nắn chỉnh biến dạng gù và ghép xương.  Khó khăn, thách thức nhất của ca phẫu thuật là làm sao nắn chỉnh biến dạng gù này tối đa nhất mà không để gây liệt hai chi dưới. Sau gần 9 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được nắn chỉnh biến dạng gù bằng cách phẫu thuật cắt V xương hai thân đốt L1, L4 và cố định cột sống, thay đổi tư thế bàn mổ và nép ép giữa các vít. Diễn biến hậu phẫu trong 2 tuần thuận lợi, bệnh nhân đã hồi phục tốt, tập đi lại tốt, không liệt. Không gặp những tai biến, biến chứng kể trên. Biến dạng gù cột sống được nắn chỉnh rất tốt, bệnh nhân cao hơn 34 cm so với trước mổ. Dáng ngồi, đứng và đi lại cải thiện rõ rệt. Tầm nhìn của bệnh nhân về như người bình thường, cải thiện đáng kể so với tầm nhìn 2 mét trước phẫu thuật. BN cũng có thể nằm ngửa được. Các nếp lằn bụng (6 nếp) đều được giãn ra nhiều ngay sau mổ. Từ những thay đổi nghiêm trọng về cấu trúc hình thể cột sống nói trên, nếu bệnh nhân không được phẫu thuật tại những cơ sở y tế chuyên khoa bệnh nhân có thể xảy ra những tai biến, biến chứng như tổn thương thần kinh. BN có biến dạng gù rất nặng, đỉnh gù lên rất cao, ngang với đĩa đệm T12L1. Do vậy, bác sĩ đã xác định phải cắt V xương (pedicle subtraction osteotomy – PSO) ít nhất là hai vị trí thân đốt, đó là thân đốt L4 và đĩa đệm T12L1 cùng một phần xương thân đốt L1. Can thiệp vào xương thân đốt càng lên cao thì mức độ, nguy cơ gây tổn thương thần kinh càng lớn, đặc biệt là tổn thương tủy ngang T12 L1 có thể gây liệt cả hai chân, bí tiểu tiện và đại tiện. Bằng kinh nghiệm phẫu thuật hơn 20 năm qua, các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống đã không để xảy ra tổn thương thần kinh nào cho bệnh nhân. Thứ hai, có thể xảy ra nhiễm trùng và chậm liền vùng mổ. Bệnh nhân này gầy, nặng chỉ 37 kg, sờ rất rõ xương cột sống. Phẫu thuật vô cùng lớn vì bộc lộ phần mềm rộng rãi, đường mổ dài hơn 60 cm, mất nhiều máu (2000 ml máu), đặt nhiều dụng cụ nẹp vít cột sống (16 vít, 2 thanh dọc). Chính vì vậy, nguy cơ nhiễm trùng vùng mổ cao, chậm liền vết mổ. Sau mổ dễ dàng sờ thấy hệ thống nẹp vít dưới da. Tại phòng bệnh của khoa, công tác điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân rất tốt như tập vận động sớm (trăn trở BN thường xuyên tại giường những ngày đầu sau mổ, 4 ngày sau mổ thì tập ngồi dậy. 6 ngày sau mổ thì tập đi lại), dinh dưỡng cho BN tốt (truyền đạm, huyết tương, khối hồng cầu, ăn uống sớm từ ngày thứ 2 sau mổ). Do đó, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe nhanh chóng, mau ngồi và đi lại được, vết mổ liền kỳ đầu thuận lợi. Thứ ba, có nguy cơ chảy máu nhiều. Thời gian cắt, đục xương, nắn chỉnh cột sống kéo dài 3 - 4 tiếng, đây là thì chảy máu chủ yếu. BN mất gần 2000 ml máu nên có nguy cơ rối loạn đông máu do truyền máu nhiều. Thứ tư, nguy cơ không đảm bảo độ vững của dụng cụ cố định cột sống. Chất lượng xương của BN viêm cột sống dính khớp luôn luôn không được tốt. Nên độ chắc của hệ thống vít cố định các đốt sống và khả năng liền xương sau ghép xương sẽ không được như tốt nhất. Có thể nảy sinh vấn đề lỏng vít và không đạt được mục tiêu nắn chỉnh. Chụp X-quang sau mổ Đây là trường hợp bị gù toàn bộ cột sống do bệnh lý viêm cột sống dính khớp mức độ biến dạng nặng nhất từ trước đến nay. Việc lập kế hoạch phẫu thuật cũng rất khó quyết định, đặc biệt là tính toán vị trí cắt V xương thân đốt qua cuống, số lượng xương cần cắt để đạt được hiệu quả nắn chỉnh tốt nhất trong khi vẫn đảm bảo được việc hạn chế nguy cơ tổn thương thần kinh. Sự thành công của phẫu thuật do nhiều yếu tố: Sự chuẩn bị chu đáo trước mổ, sự quyết tâm của người bệnh và gia đình, sự phối hợp ăn ý của kíp phẫu thuật. Ngoài ra, có rất nhiều thách thức, khó khăn trong ca phẫu thuật như đã kể trên. Kết quả cuối cùng thật ấn tượng, BN hồi phục nhanh, có thể nói kết quả điều trị vượt quá sự mong đợi của kíp phẫu thuật, không để xảy ra tai biến, biến chứng. Bệnh VCSDK là bệnh lý viêm mạn tính kéo dài đặc trưng bởi tình trạng đau và cứng cột sống tiến triển. Nguyên nhân của bệnh chưa được biết rõ hoàn toàn. Có hai đặc điểm chính là hiện tượng viêm và xơ hóa, canxi hóa các dây chằng, bao khớp (đặc biệt tại vị trí cột sống), các điểm bám gân. Gù cột sống là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh như: Gù cột sống nặng làm ảnh hưởng thẩm mĩ và hạn chế chức năng hô hấp, đau thắt lưng do mất vững cột sống. Mai Thảo

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật vi phẫu “hồi sinh” 4 chi thể đứt rời trong 2 tuần cách ly xã hội

TĐKT - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa cho biết các bác sĩ khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình - Thẩm mỹ của bệnh viện đã nối thành công trường hợp cẳng tay bị cắt đứt rời bởi máy nghiền bột gạo. Đây chỉ là 1 trong 4 trường hợp chi thể lớn đứt rời (3 cẳng tay, 1 cẳng chân) được “hồi sinh” bằng phẫu thuật vi phẫu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong 2 tuần giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Đến bây giờ, anh T.Đ.T (44 tuổi, Hà Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giây phút mình bị các lưỡi dao của máy nghiền bột cắt đứt phăng cẳng tay bên trái. Anh T kể: Kinh tế vợ chồng anh trông vào nghề làm bún, vốn chẳng khá giả gì, lại đang giữa mùa dịch bệnh Covid-19, khó khăn lại càng khó khăn hơn. Khi tai nạn bất ngờ xảy đến, nhìn thấy cẳng tay trái lại là tay thuận của mình bị máy cắt đứt lìa ra, máu chảy xối xả, anh không khỏi hoảng loạn và lo lắng. Ngay sau đó, anh được gia đình cầm máu tạm thời và đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam sơ cứu cầm máu, giảm đau và bảo quản lại phần tay đứt rời, rồi anh được chuyển ngay lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.    Sau khi được thăm khám, hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ chuyên khoa Tạo hình Thẩm mỹ phối hợp cùng với các bác sĩ Chấn thương chỉnh hình đã tiến hành phẫu thuật vi phẫu cấp cứu nối lại cẳng tay đứt rời cho người bệnh. Năm ngày sau mổ, sáng ngày 20/4, cẳng tay đứt rời đã thực sự được “hồi sinh” trên cánh tay tưởng như tàn phế của anh T.Đ.T. Bàn tay đã bắt đầu có cử động và cảm giác, cùng với đó là niềm vui hiện lên trong ánh mắt của anh T và gia đình. Hiện tại người bệnh vẫn được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa, trong thời gian tới người bệnh còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa. Kết quả sau mổ Bác sĩ Tô Tuấn Linh, Khoa phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, người trực tiếp tham gia ca mổ cho biết cũng giống như 3 trường hợp còn lại, đây là một ca mổ rất khó khăn, do tổn thương bị cắt bằng các lưỡi dao của máy nghiền bột, tổn thương ở vị trí cao 1/3 trên cẳng tay, các thành phần tổ chức và mạch máu thần kinh bị dập nát nhiều, lại có nhiều dị vật dính vào, nên trong quá trình phẫu thuật vừa phải đảm bảo làm sạch dị vật và tổ chức dập nát nhưng lại không được cắt bỏ quá nhiều để vẫn đảm bảo chức năng của bàn tay sau mổ. Ngoài ra việc nối ghép lại mạch máu và thần kinh cho bệnh nhân là kỹ thuật rất khó, phải thực hiện hoàn toàn dưới kính hiển vi với các dụng cụ và kim chỉ rất nhỏ. Thêm vào nữa việc phẫu thuật phải được sự phối hợp nhuần nhuyễn của các chuyên khoa phẫu thuật và gây mê hồi sức để có thể rút ngắn thời gian mổ, đảm bảo tái tưới máu cho phần tay đứt rời sớm nhất có thể. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận hàng trăm trường hợp người bệnh đứt rời các phần cơ thể như tay chân, da đầu, môi, mũi, tai, dương vật do các nguyên nhân tai nạn khác nhau. Trong đó có không hiếm các trường hợp đặc biệt như vết thương đứt rời cả hai tay, hai chân hay phối hợp trong các bệnh cảnh đa chấn thương nặng khác. Đây là những ca bệnh phức tạp, bởi đứt rời hai tay hoặc hai chân là các tổn thương nặng không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà tổn thương mất cả 2 tay hoặc 2 chân cùng lúc là có thể ảnh nặng nề đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh sau này. Cho nên có những đêm bệnh viện đã phải huy động nhiều kíp vi phẫu thuật làm việc 10 h đến 1 5h liên tục để kết hợp xương, nối gân và nối các mạch máu, thần kinh bằng vi phẫu thuật cứu sống cả hai chi thể cũng như tính mạng người bệnh. PGS. TS Nguyễn Hồng Hà cũng cho biết thêm, các tổn thương đứt rời bộ phận cơ thể do tai nạn khác thường gặp ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam, mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ và an toàn lao động để tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Được biết trong 2 tuần qua ngay trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, bệnh viện đã tiếp nhận xử lý cấp cứu tối khẩn cấp nối ghép lại cho 4 ca đứt rời cẳng tay cẳng chân như trường hợp anh T.Đ.T. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn sẵn sàng tổ chức cấp cứu 24h/24h cho tất cả các bệnh nhân có chỉ định nối ghép các bộ phận cơ quan như tay chân, da đầu, môi, mũi, dương vật để không một bệnh nhân nào phải mất đi các phần cơ thể quý báu của mình ngay cả trong thời gian dịch bệnh. Hồng Thiết  

Người lao động cần cân nhắc khi quyết định nhận Bảo hiểm xã hội một lần

TĐKT - Trong thời gian qua, toàn hệ thống Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã thực hiện rất nhiều các hoạt động truyền thông tới người lao động (NLĐ) về ý nghĩa, lợi ích của chính sách BHXH với các chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; đẩy mạnh truyền thông để người lao động không lựa chọn nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, trong thời điểm này, trước tình hình dịch Covid-19 đang ngày một diễn biến phức tạp, đã có một bộ phận NLĐ đã lựa chọn hưởng BHXH một lần, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và về lâu dài của người lao động. Người lao động cần cân nhắc khi nhận BHXH một lần Nhận BHXH một lần - “lợi trước mắt, thiệt thòi lâu dài” Một phần lớn nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do một số lao động gặp khó khăn khi tìm lại việc làm trong thời điểm dịch Covid-19, họ mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống. Cạnh đó, một bộ phận NLĐ vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen tự đảm bảo an sinh khi về già, đóng BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, chủ động với cuộc sống của mình, không phụ thuộc vào con cái. Việc NLĐ ra khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng quan tâm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân, không để ai ở lại phía sau. Bởi nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ rất thiệt thòi cho NLĐ khi hết tuổi lao động. Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu, đơn cử như: Thứ nhất, nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Như vậy NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì do thời gian đóng BHXH ít nên số tiền lương hưu sẽ thấp, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động. Thứ hai, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu (độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người), NLĐ được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT miễn phí (người nghỉ hưu có lương hưu không phải tự mua thẻ BHYT) và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Khi người hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần. Thứ ba, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước. Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may bị chết thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất theo quy định. Thứ tư, việc nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn khi với 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Thứ năm, người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Như vậy, khi NLĐ nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Để đến khi về già, không được hưởng hưu trí, họ phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội; nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí KCB chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Vì vậy, việc cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần là điều hết sức quan trọng với mỗi NLĐ, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già. Trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, NLĐ nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ Gói an sinh của Chính phủ. Đợi qua đợt khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nền kinh tế tiếp tục được vận hành, NLĐ có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này. Quyền lợi NLĐ được hưởng với chế độ BH thất nghiệp: Được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng; được hưởng chế độ BHYT theo quy định để khám, chữa bệnh BHYT khi không may ốm đau; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của các chế độ BHXH Trong thời gia qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác truyền thông để NLĐ và nhân dân thấy rõ hơn về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong việc ổn định đời sống người dân, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp và khó khăn này. BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là các chính sách an sinh xã hội rất ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước để chăm lo cuộc sống trước mắt (BHYT, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp…) và lâu dài cho người dân (hưu trí, tử tuất). Do vậy, BHXH Việt Nam mong muốn người lao động hãy nghĩ đến cả lợi ích trước mắt và lâu dài, không lựa chọn BHXH một lần để cùng Nhà nước tự đảm bảo an sinh xã hội cho bản thân, nhất là khi hết tuổi lao động. Hồng Thiết    

Ngăn chặn tình trạng trục lợi hưởng Bảo hiểm xã hội

TĐKT - Trong thời gian gần đây, tại Bình Dương xuất hiện các đối tượng lập trang Facebook giả mạo cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương để tổ chức thu mua sổ BHXH của người lao động (NLĐ) nhằm trục lợi. Ngay sau khi phát hiện sự việc, BHXH Việt Nam đã gửi thông tin về các trang Facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ BHXH của NLĐ để trục lợi tới Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) để đề nghị xử lý, ngăn chặn các hoạt động này trên môi trường mạng; BHXH tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi Công an tỉnh Bình Dương (Phòng PA06) báo cáo về tình hình trên và đề nghị ngành Công an phối hợp vào cuộc để điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã kịp thời gửi Thông tin báo chí về việc cảnh báo tình trạng mạo danh tài khoản Facebook mang tên cơ quan BHXH để thu gom sổ BHXH của NLĐ nhằm trục lợi đợt dịch Covid-19 tới đông đảo các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 2858/VPCP-NC ngày 12/4/2020 về việc thông tin báo chí phản ánh việc nhiều đối tượng thu gom, mua bán sổ BHXH nhằm trục lợi, ngày 13/4/2020, ban hành Công văn số 1164/BHXH-CSXH về việc thực hiện Công văn số 2858/VPVP-NC về việc ngăn chặn trục lợi hưởng BHXH; Công văn số 1165/BHXH-ST về việc lạm dụng chính sách BHXH của NLĐ gửi Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. BHXH Việt Nam thông tin chi tiết về 2 văn bản nêu trên, cụ thể như sau: Tại Công văn số 1164/BHXH-CSXH, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố thực hiện ngay một số nội dung sau: Khẩn trương rà soát, nắm tình hình thu gom, mua bán sổ BHXH tại địa bàn quản lý theo phản ánh của báo chí. Thực hiện đúng quy định của chính sách pháp luật về BHXH, các quy trình nghiệp vụ và chỉ đạo của BHXH Việt Nam, trọng tâm thực hiện chặt chẽ các nội dung sau đây:Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần của ngườilao động, phải kiểm soát các thông tin tại Đơn đề nghị (Mẫu số 14-HSB), đối chiếu dữ liệu trên Hệ thống với thông tin trên sổ BHXH và Đơn đề nghị, đảm bảo các thông tin của người hưởng phải thống nhất; kiểm tra tính pháp lý của Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền. Khi xem xét giải quyết phải kiểm tra, đối chiếu đảm bảo đủ điều kiện giải quyết hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH, Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội và Điều 4 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế. Khi trả kết quả giải quyết hưởng BHXH một lần phải kiểm tra, đối chiếu kỹ giấy tờ tùy thân của người nhận kết quả; đảm bảo trả hồ sơ, trả tiền đúng cho người lao động hoặc người được ủy quyền hợp pháp. Tiến hành thẩm tra, thống kê những trường hợp một người được ủy quyền nhận BHXH một lần cho từ hai người trở lên, kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để nâng cao nhận thức của người lao động về quyền lợi hưởng chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; đồng thời cảnh báo đến người dân, người lao động để không bị lôi kéo, xúi giục bán sổ BHXH và kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền của địa phương phối hợp với BHXH tỉnh có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng thu gom, mua bán sổ BHXH nhằm trục lợi; điều tra, kết luận xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm điển hình. Tại Công văn số 1165/BHXH-ST gửi Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, BHXH Việt Nam kiến nghị nội dung như sau: Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng NLĐ giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp. Việc mua bán, chuyển nhượng hoặc cầm cố, thế chấp sổ BHXH là các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố có tình trạng đối tượng mạo danh cơ quan BHXH lập ra các trang Facebook, công khai số điện thoại để rao thu mua, thanh lý sổ BHXH trước thời hạn của NLĐ nhằm trục lợi. Thời gian qua BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, công an, lao động , công đoàn … cơ quan báo chí tại địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến đông đảo NLĐ và nhân dân về các quy định của của pháp luật về BHXH; khuyến cáo NLĐ không thực hiện mua bán sổ BHXH, ký hợp đồng ủy quyền giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần, hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người khác nếu không có lý do chính đáng; phối hợp với cơ quan công an điều tra hành vi mạo danh tài khoản Facebook mang tên cơ quan BHXH của các đối tượng xấu để xử lý theo quy định của pháp luật BHXH hiện hành. Để quản lý chặt chẽ việc quản lý sổ BHXH khi giải quyết các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, ngăn chặn tình trạng trên, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất cho phép cơ quan BHXH các cấp tạm thời không nhận hồ sơ của NLĐ ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ và nhận hộ tiền hưởng trợ cấp BHXH một lần, trừ trường hợp NLĐ bị ốm đau, tai nạn lao động không thể đến cơ quan BHXH (có Giấy xác nhận của cơ sở y tế về tình trạng sức khỏe của người ủy quyền) để tránh lạm dụng và việc mua bán, lừa đảo đang diễn ra hàng ngày. Đặc biệt, theo đề nghị của BHXH Việt Nam, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) đã thực hiện xử lý và gỡ bỏ hoàn toàn trang Facebook mạo danh BHXH tỉnh Bình Dương và các trang Facebook tổ chức thu mua sổ BHXH khác. Sau đó A05 đã phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Bình Dương triệu tập 2 đối tượng Ngô Thị Thúy Kiều và chồng là Lê Quốc Việt (sinh năm 1990, quê Bình Định), ngụ tại quận 12, TP Hồ Chí Minh để làm rõ hành vi mạo danh cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương, thu mua sổ BHXH để trục lợi bất chính. Trong quá trình xác minh, A05 xác định vợ chồng Kiều - Việt đã lập trang Facebook giả mạo BHXH tỉnh Bình Dương để thu mua sổ BHXH của NLĐ mất việc do dịch bệnh. Ngoài trang "Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương", vợ chồng này còn lập hàng loạt tài khoản khác để giao dịch như: "Thu mua bảo hiểm xã hội giá cao", "Thu mua bảo hiểm xã hội"… Ngoài ra, cơ quan công an đã thu được hàng chục sổ BHXH của công nhân và nhiều tài liệu liên quan khác. Bộ Công an đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương điều tra làm rõ những người có hành vi tương tự. Theo A05, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương và Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ BHXH, siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ, cũng như uy tín của ngành BHXH. Thiếu tướng Lê Minh Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo, NLĐ phải hiểu rõ giá trị của cuốn sổ BHXH đối với mỗi cá nhân, mỗi NLĐ; các hành vi mua bán sổ BHXH đều là các hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Hồng Thiết

Đường sắt chạy thêm 1 đôi tàu Thống Nhất và 2 đôi tàu địa phương

TĐKT - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải về việc tổ chức vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân sau khi cơ bản dừng giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước, từ hôm nay (ngày 23/4), ngành Đường sắt chính thức chạy thêm một đôi tàu khách Thống Nhất SE1/SE2 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, nâng tổng số lên 3 đôi/ngày gồm: SE3/4, SE5/6 và SE1/2. Cụ thể, tàu SE1 xuất phát tại ga Hà Nội 22h15 đến Sài Gòn 5h45, tàu SE2 xuất phát tại ga Sài Gòn 21h55 đến Hà Nội 5h30. Theo hành trình, Đoàn tàu dừng chủ yếu tại các ga lớn: Huế (10h54), Đà Nẵng (13h42) và ngược lại Đà Nẵng (14h01), Huế (16h35). Đây là đôi tàu có hành trình nhanh và được ưu tiên nhất trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đối với tàu địa phương, trước mắt, tổ chức chạy lại tàu NA1/2 (tuyến Hà Nội - Vinh) và LP5/6 (tuyến Hà Nội - Hải Phòng) với hành trình cụ thể như sau: Tuyến Hà Nội - Hải Phòng, từ ngày 24/4/2020, tổ chức chạy tàu LP5 chạy tại ga Hà Nội 15h20 (chạy tại Long Biên 15h30 thứ 2 - thứ 6); tàu LP6 chạy tại ga Hải Phòng 9h05. Tuyến Hà Nội - Vinh: Từ ngày 23/4/2020, tàu NA1 chạy tại ga Hà Nội 22h45; tàu NA2 chạy tại ga Vinh 22h05. Đặc biệt, hành khách mua vé tàu tuyến Hà Nội - Vinh sẽ được giảm giá từ 10 - 30%. Trong những ngày tới, căn cứ vào nhu cầu đi lại của hành khách, ngành Đường sắt sẽ tiếp tục tổ chức chạy lại tàu trên các tuyến: Sài Gòn – Nha Trang, Sài Gòn – Phan Thiết, Sài Gòn – Đà Nẵng; Hà Nội – Đồng Hới, Hà Nội – Đà Nẵng, Hà Nội – Yên Bái, Hà Nội – Lào Cai… Hưng Vũ

Chương trình “Vững vàng Việt Nam” phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Unilever Việt Nam (UVN) đẩy mạnh chiến dịch truyền thông  “VỮNG VÀNG VIỆT NAM” nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, tăng cường điều kiện vệ sinh thông qua việc duy trì thói quen vệ sinh của người Việt, từng bước thích nghi để sẵn sàng cho một thực tiễn bình thường mới. Đặt mục tiêu tiếp cận ít nhất 25 triệu người, “Vững vàng Việt Nam” sẽ tiếp tục cổ vũ và biểu dương quyết tâm, tinh thần đoàn kết, lạc quan của người dân đồng lòng cùng Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ ngành và chính quyền địa phương chiến thắng dịch bệnh. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng- biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả Trong 10 năm qua, hơn 20 triệu người Việt Nam đã được hỗ trợ cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe trong khuôn khổ chương trình Vì một Việt Nam khỏe mạnh, vốn là một chiến lược hợp tác dài hạn giữa Bộ Y tế và Unilever Việt Nam. Năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, Bộ Y tế đã tiếp tục triển khai hợp tác cùng Quỹ Unilever Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh với chương trình mang tên “Vững vàng Việt Nam” bao gồm gói tài trợ sản phẩm tới các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung trên toàn quốc cũng như các chương trình truyền thông nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng. Chương trình do Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế và Quỹ Unilever Việt Nam đồng chủ trì, dự kiến sẽ tiếp cận và hỗ trợ thông tin cho ít nhất 25 triệu người Việt Nam. Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng sớm bởi đại dịch COVID-19, tuy nhiên cho đến nay Việt Nam chỉ phát hiện 268 ca nhiễm, không có ca nhiễm mới trong gần 6 ngày qua và không ghi nhận ca tử vong nào. Tình hình dịch bệnh suốt những tháng qua luôn nằm trong vòng kiểm soát chủ động của Chính phủ - Bộ Y tế và các địa phương; với số ca lây nhiễm cộng đồng thấp và 81% bệnh nhân đã khỏi bệnh. Công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 hiệu quả của Việt Nam đã được dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Để kiểm soát, tiến tới “chung sống an toàn” với dịch bệnh như chiến lược Chính phủ đặt ra, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông “Vững vàng Việt Nam”, nhằm tuyên truyền để người dân duy trì các biện pháp an toàn sức khỏe, lối sống vệ sinh, quyết tâm bảo vệ những thành quả mà chúng ta không dễ dàng đạt được và từng bước thích nghi để sẵn sàng cho một thực tiễn bình thường mới. Chương trình cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang đến các sản phẩm tăng cường điều kiện vệ sinh từ Unilever Việt Nam hỗ trợ những điểm nóng như bệnh viện tuyến đầu, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, trường học, xây dựng trạm rửa tay dã chiến nơi công cộng… nhằm chung sức cùng cộng đồng duy trì các biện pháp vệ sinh an toàn khi quay trở lại cuộc sống bình thường. Các nội dung được truyền thông trong chiến dịch bao gồm: Cập nhật thông tin về đại dịch tới các cộng đồng mục tiêu, cung cấp các khuyến cáo của Bộ Y tế, lời khuyên từ chuyên gia, kiến thức khoa học để giữ vệ sinh phòng chống dịch, duy trì thói quen vệ sinh sau dịch bệnh để nâng cao sức khỏe cho mọi gia đình Việt Nam, câu chuyện truyền cảm hứng của đội ngũ tuyến đầu… Những nội dung này sẽ được xây dựng theo các hình thức đa dạng và sáng tạo, với sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, những câu chuyện người thật việc thật trong cuộc chiến chống COVID-19. Chương trình mong muốn sẽ tiếp cận và hỗ trợ những thông tin bổ ích đến hàng triệu người Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, để không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống COVID-19. PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết vi rút SARS-CoV-2 có thể lây trực tiếp từ người sang người do hít phải các giọt bắn trong không khí khi người mang vi rút ho, hắt hơi, nói chuyện. Hoặc thông qua tiếp xúc gián tiếp do các giọt bắn có chứa vi rút rơi xuống đất và các bề mặt xung quanh và lây truyền qua bàn tay khi chúng ta cầm nắm, tiếp xúc với các bề mặt vật dụng như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, bàn phím, điện thoại… sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt. Các nghiên cứu cho thấy, vi rút SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong vòng vài giờ đến nhiều ngày tùy loại bề mặt vật liệu. Do vậy, việc thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, vệ sinh bề mặt bằng các dung dịch vệ sinh khử khuẩn là một trong những biện pháp quan trọng để cắt đứt đường lây truyền của bệnh COVID-19 cũng như các dịch, bệnh truyền nhiễm khác lây qua đường hô hấp, tiêu hóa. Vì vậy, Chương trình “Vững vàng Việt Nam” hợp tác với Unilever Việt Nam có ý nghĩa hết sức thiết thực trong giai đoạn hiện nay, nhằm nâng cao nhận thức và duy trì các thói quen vệ sinh của người dân về phòng chống dịch COVID-19, “chung sống an toàn” với dịch bệnh như chiến lược của Chính phủ đặt ra nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đại diện Unilever Việt Nam, Ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Bộ phận Phát triển bền vững và Đối ngoại cho biết: “Với trách nhiệm của một đơn vị đã đồng hành cùng Bộ Y tế trong hơn 10 năm qua trong công tác nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh các nhân, vệ sinh môi trường vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn, Unilever hiểu rằng việc tăng cường các biện pháp vệ sinh là yếu tố tiên quyết để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Vì thế chúng tôi đã nỗ lực hỗ trợ cộng đồng và đội ngũ y bác sĩ những sản phẩm vệ sinh thiết yếu, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế nhằm đẩy mạnh chương trình truyền thông giáo dục sâu rộng, với mong muốn chung sức cùng Việt Nam vững vàng chiến thắng dịch bệnh.” Phương Thanh

L’Oréal Việt Nam hỗ trợ gia đình gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19

TĐKT – Vừa qua, L’Oréal Việt Nam đã khởi động chương trình L’Oréal – Lan tỏa sự tử tế (LOreal #ActsOfKindness) gây quỹ khẩn cấp trong 3 ngày. Tổng số tiền gây quỹ khẩn cấp được 216 triệu đồng được trao tặng ngay cho 54 gia đình học viên nghèo của chương trình cộng đồng “L’Oréal - Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp” đang bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch trên 20 tỉnh thành cả nước, trong đó có các gia đình thuộc đồng bào dân tộc miền núi. Cam kết mang lại cuộc sống mới cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn từ năm 2009, L’Oréal đã xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nghề cho các gia đình khó khăn trong cả nước trong hơn 11 năm nay. Đến nay đã có hơn 2.500 gia đình được thay đổi cuộc sống, tạo ra hơn 3.000 việc làm cho xã hội. Do đại dịch Covid-19, ngành dịch vụ làm đẹp chịu thiệt hại nặng nề do tác động của dịch bệnh, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong ngành là 100%. Tác động của dịch bệnh đến ngành tóc ở quy mô toàn cầu cũng khá nặng nề, khảo sát gần đây của Hiệp hội Tóc toàn cầu cho thấy 28% thợ tóc đang nằm trong nhóm khẩn thiết cần được giúp để vượt qua nạn đói và hơn 65% chỉ có thể cầm cự trong vòng 1 tháng. Gia đình chị Mai Thị Vân (Quảng Bình) vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ từ L’Oréal Việt Nam Tiến hành khảo sát các trường hợp khó khăn trong ngành tóc, L’Oréal nhận thấy có 54 thợ tóc là học viên của chương trình cộng đồng có hoàn cảnh cần hỗ trợ khẩn cấp. Ngay lập tức, đội ngũ nhân viên công ty đã kêu gọi gây quỹ, trong 72 giờ, số tiền gây quỹ từ nhân viên đã được công ty đối ứng tương xứng để nhanh chóng chuyển đến các gia đình khó khăn tại 20 tỉnh thành, trong đó có các gia đình thuộc khu vực miền núi ở Yên Bái, Nghệ An, Lạng Sơn, Thanh Hóa… để giúp đỡ các thợ tóc vượt qua khó khăn trong thời điểm này, tiếp tục theo đuổi nghề tóc sau khi dịch chấm dứt để cuộc sống ổn định và tương lai bền vững hơn. Chị Chu Thị Thìn, Hà Nội, chia sẻ, khi nhận được số tiền này, cô liền đi mua sữa cho hai con và đi bốc thuốc, đắp lá để điều trị rạn xương quai xanh vì bị tai nạn xe gần cả tháng nay mà không có tiền để mua thuốc. Hay như Vàng A Do, Điện Biên, cả tháng cầm hơi bằng mì gói, giờ có tiền mua gạo, số còn lại sẽ để dành để tiếp tục trang trải chi phí sống khi lớp học nghề tóc miễn phí của L’Oreal được mở lại sau khi hết dịch. Bạn Trần Thị Lệ Hằng ở Tây Ninh đã gửi lên trang Facebook những lời cảm ơn rất xúc động: “Giữa cái nắng gắt gao ở vùng quê, em như vỡ òa vì hạnh phúc vì sự xuất hiện của cô, cô đã không quản đường xá xa xôi hẻo lánh, lặn lội đến tận nhà để trao cho em món quà từ công ty, thắp lên niềm hy vọng cho căn nhà nhỏ. Với số tiền này, mẹ con em không còn ăn mì gói mỗi ngày, em còn trả được 1 phần nợ do trước khi dịch đến, em phải mượn nợ để sửa chiếc xe làm phương tiện đi làm, nhưng chưa kịp đi làm trả nợ thì dịch ập đến với biết bao nỗi lo và gánh nặng trên vai”. “Chương trình L’Oréal - Lan tỏa sự tử tế là hoạt động nhân văn, ý nghĩa giúp chúng tôi lan tỏa sự tử tế trong đội ngũ nhân viên và ra đến cộng đồng. Trong những lúc khó khăn, đội ngũ những người làm đẹp như chúng tôi đều mong muốn chia sẻ với cộng đồng ý nghĩa trọn vẹn của ngành làm đẹp. Không chỉ giúp con người chăm sóc hình thể, cái đẹp còn là sự chia sẻ, là mang đến cho con người sự tự tin, niềm hy vọng và những giá trị tinh thần đáng kể, để con người tiếp tục đương đầu với những thử thách trong những giai đoạn thăng trầm của cuộc đời” - Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông và Phát triển bền vững của L’Oréal chia sẻ. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ở cấp độ toàn cầu, L’Oréal đã đóng góp 1 triệu euro cho tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế, 21 nhà máy của Tập đoàn chuyển sang sản xuất gel kháng khuẩn mang tên các thương hiệu L’Oréal Paris, La Roche-Posay, Garnier…. L’Oréal đã dành tặng 40 triệu chai gel kháng khuẩn cho đội ngũ tuyến đầu ở khắp thế giới, từ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên hỗ trợ chăm sóc y tế, nhân viên nhà thuốc, lính cứu hỏa, cảnh sát, các tổ chức từ thiện, đến tất cả những nơi nào cần. L’Oréal đang ngày đêm mang sản phẩm của mình chia sẻ với thế giới để góp phần trong cuộc chiến chống lại Covid-19 trên toàn cầu và bảo vệ đội ngũ tuyến đầu của các nước. Mai Thảo  

Phát động chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”

TĐKT - Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về triển khai các hoạt động ứng phó với dịch Covid-19; nhằm chăm lo, hỗ trợ thanh thiếu nhi và người dân và có hoàn cảnh khó khăn chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, với tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau”, sáng 22/4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức phát động Chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”. Chương trình sẽ được triển khai từ ngày 22/4/2020 đến khi công bố hết dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước. Chương trình tập trung vào các nhóm đối tượng: Thanh niên công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp bị mất việc; thanh niên nông thôn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; sinh viên, học sinh, thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn; thanh niên khuyết tật; người nghèo đô thị, người dân là lao động tự do, mất việc, đang bị bệnh hiểm nghèo. Chương trình triển khai 2 nhóm nội dung, giải pháp chính. Thứ nhất là hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu để ổn định cuộc sống hàng ngày. Theo đó, sẽ tổ chức các hoạt động tặng quà, nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu; quầy thực phẩm lưu động 0 đồng, quầy hàng bình ổn giá; tổ chức các bếp ăn từ thiện, cơm nhân ái... để hỗ trợ thanh niên công nhân và người nghèo đô thị, người dân là lao động tự do, mất việc, đang bị bệnh hiểm nghèo, sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động cung cấp sữa, bữa ăn bổ sung dinh dưỡng cho thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, tập trung thiếu niên, nhi đồng là con em công nhân, người lao lao động tự do bị mất việc. Nhiều đơn vị đã tham gia hỗ trợ, đồng hành cùng chương trình ngay tại buổi lễ phát động. Giải pháp thứ hai là hỗ trợ việc làm, điều kiện sống, điều kiện học tập. Theo đó, chương trình vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê phòng trọ và chi phí điện, nước sinh hoạt; trao tặng thẻ bảo hiểm y tế, các thiết bị phòng, chống dịch; hỗ trợ thanh niên công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp bị mất việc tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 42/NQ-CP về “các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”. Đồng thời, giới thiệu việc làm thêm bán thời gian, thời vụ, việc làm trực tuyến cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghỉ việc không lương, mất việc do tác động của dịch bệnh; trao tặng trang thiết bị; các dịch vụ viễn thông giá ưu đãi phục vụ học tập trực tuyến; trao tặng học bổng, giới thiệu các khóa học trực tuyến miễn phí, giảm giá cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các đội hình sinh viên tình nguyện làm gia sư hỗ trợ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh là con em công nhân tại các khu lưu trú, khu nhà trọ. Cụ thể hóa Chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ triển khai 64 cửa hàng bình ổn giá hỗ trợ thanh niên công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, người lao động bị mất việc, nghỉ việc không lương; 100 chuyến xe “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch” hỗ trợ tiêu thụ nông sản của thanh niên nông thôn làm kinh tế, cung cấp lương thực, thực phẩm trợ giá cho người dân; chương trình “Nghìn việc làm” hỗ trợ, giới thiệu công việc bán thời gian, việc thời vụ, việc trực tuyến cho thanh niên công nhân nghỉ việc, mất việc do tác động của dịch bệnh. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Chương trình “Triệu bữa cơm” trao tặng suất ăn miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Hội Sinh viên Việt Nam triển khai trao tặng các gói viễn thông, các học bổng, khóa học miễn phí, giảm giá hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tập trực tuyến. Hội Đồng đội Trung ương triển khai chương trình trao tặng “Một triệu ly sữa” trao tặng thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Tại Lễ khởi động chương trình, Trung ương Đoàn đã tiếp nhận kinh phí và vật phẩm của các đơn vị đồng hành: Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hỗ trợ 100 suất học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số (mỗi suất 2 triệu đồng); Báo Thanh niên hỗ trợ 10 tấn gạo và 150 triệu đồng; Báo Tiền Phong và 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 hỗ trợ 120 triệu đồng; Công ty Bel Việt Nam hỗ trợ 66.666 “bữa cơm” trị giá 1 tỷ đồng, cán bộ công nhân viên Công ty Suntory PepsiCo và đối tác của công ty ủng hộ 6.000 “bữa cơm” trị giá 90 triệu đồng cho Chương trình “Triệu bữa cơm”; Metub Network ủng hộ 1.000 suất quà nhu yếu phẩm; “Nhạc của tui” hỗ trợ 300 triệu đồng; Công ty TTC Sugar hỗ trợ 4 tấn đường; Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood, Công ty Cổ phần Chuỗi Thực phẩm dinh dưỡng TH, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế hỗ trợ tổng số 120 nghìn hộp sữa trong Chương trình “Triệu ly sữa”. Tổng giá trị ủng hộ tại Lễ khởi động là hơn 3 tỷ đồng. Đồng thời, Chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch” đã nhận được nhiều sự hưởng ứng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong xã hội như: Chương trình “Chia sẻ thực phẩm hàng ngày – chung tay vượt qua đại dịch Covid-19” trao tặng thực phẩm cho người có hoàn cảnh khó khăn tại 50 phường, xã tại 15 quận, huyện tại Hà Nội; Chương trình “Bếp ăn dã chiến” của FoodBank trao tặng 100 nghìn suất ăn hỗ trợ người lao động tự do tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre; Chương trình “Chuyến xe yêu thương” của CLB Công tác xã hội hỗ trợ 60 nghìn suất ăn cho người bán vé số, ve chai, lao động tự do mất việc tại TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Thanh Bình - Đồng Nai hỗ trợ 400 tấn gạo tặng các ATM gạo, bếp ăn dã chiến phục vụ công nhân mất việc trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng 100 tấn gạo cho công nhân mất việc trên địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh. Hội Tình nguyện Chung tay vì cộng đồng vận động mạng lưới các mạnh thường quân hỗ trợ 100 tấn gạo tặng các ATM gạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh… Ngay sau Lễ Khởi động đã diễn ra các hoạt động: Triển khai Chương trình “Triệu bữa cơm” trao 93 nghìn “bữa cơm” cho 31 nghìn người có hoàn cảnh khó khăn tại 5 thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng; triển khai Chương trình “Một triệu ly sữa” tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và Thái Nguyên. Riêng trong ngày 22/4, sẽ có hơn 1.500 thiếu nhi là con em thanh niên công nhân, người lao động tự do được nhận quà tặng từ chương trình, gồm: Sữa, sách, gạo, trứng, rau, bánh kẹo… (trung bình mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng); khởi hành 2 chuyến xe “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch” chở 1000 suất quà nhu yếu phẩm thiết yếu tới trao cho thanh niên công nhân; khai trương gian hàng “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch” tặng 1.000 suất quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại khu công nghiệp Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội; trao tặng hơn 5.000 phần quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, trong ngày 22/4, nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn được các cấp bộ Đoàn triển khai đồng loạt trên toàn quốc như: Khởi động “Hành trình Hạt gạo yêu thương” tại Đồng Tháp, triển khai ATM gạo tại Khánh hòa, Đà Nẵng, khai trương cửa hàng 0 đồng tại Lâm Đồng... Mai Thảo

Hỗ trợ lưu học sinh Lào trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Từ ngày 16/4/2020, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã thay mặt Thành Đoàn Hà Nội - Hội Sinh viên TP Hà Nội tặng quà hỗ trợ cho các lưu học sinh Lào đang học tập tại cơ sở 2 của trường tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Trao quà cho các lưu học sinh Lào 249 suất quà đang được Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên nhà trường kịp thời chuyển đến tận tay lưu học sinh Lào, giúp các bạn yên tâm hơn trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian trao quà dự kiến sẽ được thực hiện đến hết tháng 4/2020. Anh Trần Hữu Hạnh, Bí thư Đoàn Thanh niên nhà trường đã thay mặt cho các lưu học sinh Lào gửi lời cảm ơn chân thành đến Thành Đoàn Hà Nội – Hội Sinh viên TP Hà Nội về những hoạt động ủng hộ, giúp đỡ vô cùng cần thiết, nhân văn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Anh Trần Hữu Hạnh cho biết, do dịch bệnh nên toàn bộ lưu học sinh Lào của trường không thể trở về nước mà phải ở lại tại ký túc xá. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ lưu học sinh Lào được nhà trường quan tâm đặc biệt như: Theo dõi, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, hỗ trợ các bạn trong giai đoạn khó khăn. Sau khi có quyết định cho toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ học tập trung, để đảm bảo an toàn cho các sinh viên ở lại, nhà trường cũng đã duy trì các hoạt động của các thành viên trong khuôn viên ký túc xá, không tiếp xúc với người lạ, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đại diện cho các lưu học sinh Lào đang sống và học tập tại cơ sở 2 (Từ Sơn, Bắc Ninh), sinh viên Phonsey bày tỏ sự xúc động và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thành Đoàn  Hà Nội – Hội sinh viên TP Hà Nội, Ban Giám hiệu cùng Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên nhà trường đã quan tâm, động viên, giúp đỡ trong thời điểm khó khăn, Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung đang căng mình chống lại dịch Covid-19. Sinh viên Phonsey cũng cho biết, tất cả các lưu học sinh đều đã được phổ biến về tình hình ở trong nước, chính sách và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh của Việt Nam, cũng như nguy cơ lây nhiễm trong quá trình di chuyển về nước. Chính vì vậy, các lưu học sinh Lào ổn định tâm lý và phần lớn quyết định ở lại, không về nước. Với quyết tâm “Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chung sức, vững tâm vượt qua đại dịch Covid-19” và mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”, nhà trường đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và UBND TP Hà Nội, đồng thời luôn nâng cao công tác đảm bảo an toàn sức khỏe cho tất cả cán bộ, giảng viên, công nhân viên và đặc biệt là giúp đỡ, động viên toàn bộ sinh viên của các hệ đào tạo.                                                                       Thu Hương

Việt Nam có tổng 216 ca mắc Covid-19 khỏi bệnh

TĐKT – Tính đến 12h ngày 21/4, Việt Nam đã có tổng 216 ca mắc Covid-19 khỏi bệnh. * Ngày 14/4, Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 17 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có 2 bệnh nhân người nước ngoài và 15 bệnh nhân người Việt Nam. Tại bệnh viện dã chiến Củ Chi có 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có 3 bệnh nhân người nước ngoài và 2 bệnh nhân người Việt Nam. * Ngày 15/4, có 2 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh; 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ. 1 bệnh nhân quốc tịch Anh, điều trị tại bệnh viện dã chiến Củ Chi – TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 6/4/2020; lần 2 vào ngày 8/4/2020 và lần 3 vào ngày 9/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. * Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 17 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Các bệnh nhân ở đây đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính 2 - 3 lần với SARS-CoV-2. * Tại bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan - Ninh Bình, 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, ngày vào viện: 2/4/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 10/4/2020; lần 2 vào ngày 12/4/2020 và lần 3 vào ngày 14/4/2020. * Tại bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Trà Vinh (Bệnh viện dã chiến số 1) có 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Cả 3 bệnh nhân này đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 qua 3 lần xét nghiệm liên tiếp, hiện tại sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. * Ngày 21/4, tại bệnh viện dã chiến Củ Chi 1 bệnh nhân nam đã công bố khỏi bệnh. Ngày vào viện: 7/4/2020 bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện dã chiến Củ Chi được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến nay cả nước đã có tổng cộng 216 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Các bệnh nhân trên đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 qua 3 lần xét nghiệm, hiện tại sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh và sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Hồng Thiết

Trang