BTĐKT- Xác định hạ tầng giao thông là cốt lõi, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nếu không đầu tư, cải tạo, xây dựng hạ tầng giao thông thì không thể thành công trong xây dựng nông thôn mới (NTM)... Từ quan điểm đó, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã rà soát quy hoạch, định hình chiến lược phát triển và đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường giao thông trên địa bàn.
Hiện nay, Ninh Bình đã làm mới, nâng cấp được hơn 4.200 km đường giao thông nông thôn. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh đã hỗ trợ trên 270.000 tấn xi măng, làm được trên 17.000 tuyến đường với tổng chiều dài trên 2.100 km. Người dân đã hiến hơn 1.180 ha đất và phá bỏ hàng ngàn công trình để làm đường giao thông nông thôn.
Những con đường dẫn vào khu dân cư khá rộng rãi, khang trang
Là 1 trong 2 huyện đang hoàn tất hồ sơ trình huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, Yên Khánh đã lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn vốn đầu tư và huy động sức dân để cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn. Đến nay, hệ thống giao thông kết nối của huyện đã khá hoàn thiện với mạng lưới quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã có tổng chiều dài hơn 200 km. Trong đó, 100% các tuyến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, có các hạng mục cần thiết về an toàn giao thông theo quy định (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, lan can phòng hộ…), được trồng cây xanh, được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Riêng các tuyến đường xã, liên xã chủ yếu có bề rộng mặt đường đạt 3,5 - 5,5 m trở lên. Đặc biệt, tại một số xã như: Xã Khánh Phú, xã Khánh Cư, xã Khánh An, hầu hết các tuyến đường xã có nền đường rộng từ 8 - 15 m, mặt đường rộng từ 7 - 9 m.
Phong trào hiến đất làm đường giao thông đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của nhiều người dân ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Mới đây, tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, gia đình ông Nguyễn Đăng Khoa đã hiến gần 5 nghìn m2 đất để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông và các công trình công cộng phục vụ xây dựng NTM nâng cao. Ông Khoa chia sẻ: “Là một người đảng viên, với tinh thần đi trước, tôi đã tình nguyện tiên phong hiến đất làm đường. Thấy gia đình tôi lùi hàng rào của gia đình, người dân dọc con đường cũng tự nguyện lùi theo. Từ khi có con đường mới, người dân rất phấn khởi”.
Tại huyện Kim Sơn, huyện cuối cùng đạt chuẩn NTM của tỉnh Ninh Bình, tiêu chí giao thông luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện. Đến Kim Sơn hôm nay, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được đổ bê tông phẳng lì, rộng rãi, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, tạo ra diện mạo mới ở vùng quê ven biển này.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều hộ dân đã tự nguyện phá dỡ tường rào, các công trình phụ, hiến đất, góp tiền, của và ngày công để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Tính đến tháng 5/2023, toàn huyện Kim Sơn có 784 hộ hiến trên 16.000 m2 đất, ước tính giá trị 2,4 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp trên 9,1 tỷ đồng tiền mặt, góp ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn… Các xã trong huyện đã tiếp nhận trên 7.668 tấn xi măng, hỗ trợ tiền mua vật liệu khác và vận động nhân dân tổ chức đổ bê tông 346 tuyến đường với tổng chiều dài gần 71 km, trong đó: Làm mới 286 tuyến đường, chiều dài gần 52 km; cải tạo, nâng cấp 60 tuyến đường, chiều dài trên 18,8 km. Phong trào làm đường giao thông nông thôn tại huyện Kim Sơn là một phong trào thiết thực, hiệu quả được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và huy động được nguồn lực từ trong dân để thực hiện.
Ông Phạm Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn cho biết: Phát triển đường giao thông tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi đi lại, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế. Do đó, người dân rất phấn khởi. Đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, Đồng Hướng đang tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu.
Để duy trì và nhân rộng các tuyến đường đẹp, ở mỗi địa phương đã đẩy mạnh các phong trào, nhân rộng các mô hình như “ngày thứ 7 xanh”; tuyến đường tự quản, nhà sạch, đường đẹp…
Có thể nói, nhờ giao thông tốt, người dân mới mạnh dạn đầu tư các phương tiện hiện đại, những chiếc máy gặt, máy tuốt lúa có thể tiếp cận mọi bờ đồng góc ruộng, tiết kiệm rất lớn về sức lao động và thời gian, cũng đồng nghĩa với tiết kiệm chi phí đầu tư khác. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật cũng vì thế mà thuận lợi hơn rất nhiều.
Những tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được cứng hóa, không chỉ đáp ứng yêu cầu giao thông phát triển kinh tế, tiện ích cộng đồng, mà còn sẵn sàng cho những tình huống cấp bách như cháy nổ, cứu thương, phương tiện cứu hộ có thể đến tận từng nhà dân.
Tùng Chi