Văn hóa - Thể thao

Nghệ sĩ Ưu tú Tố Nga: 30 năm với những nỗ lực không ngừng nghỉ

TĐKT - NSƯT Tố Nga tên đầy đủ là Nguyễn Tố Nga, sở hữu chất giọng đẹp, truyền cảm, ngọt ngào và đặc biệt là đầy tự sự, sâu lắng. Sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung nắng gió, ngay từ khi còn bé, dù gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng cuộc sống thấm đẫm những câu ví, câu dặm đã nhen lên trong chị niềm đam mê ca hát. Ngay từ thời còn đi học phổ thông, Tố Nga đã nổi tiếng khi liên tục đi diễn các chương trình văn nghệ của trường, của tỉnh. NSƯT Tố Nga chia sẻ trong buổi họp báo Liveshow “Dòng sông đa tình” vào chiều 6/10 Đam mê với nghề Sau khi học xong chương trình trung học, đam mê nghệ thuật, Tố Nga quyết định theo học tiếp tại trường Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh. Trong suốt thời gian ấy, Tố Nga đã sớm được công chúng biết đến và giành được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ liên hoan ca nhạc như: Huy chương Vàng hội diễn học sinh, sinh viên chuyên nghiệp toàn quốc; Huy chương Vàng liên hoan tiếng hát miền Trung tại Nha Trang; Huy chương Vàng tiếng hát Làng Sen tại Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳngVăn hóa Nghệ thuật Hà Tĩnh khóa 1, với thành tích đã đạt được, Tố Nga đã được Sở Văn hóa Thông tin và Ban Lãnh đạo của trường Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh giới thiệu học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Cũng trong năm đó, chị tiếp tục thi tuyển vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, sau đó tốt nghiệp vào năm 1999. Để có thể theo đuổi được nghệ thuật, Tố Nga cũng phải vượt qua rất nhiều sự ngăn cản của gia đình, đặc biệt là mẹ chị. Tố Nga hiểu mẹ chị, hiểu rằng người mẹ nào cũng muốn con sống cuộc đời an ổn, nhẹ nhàng, lớn lên thì dựng vợ gả chồng, sống giản đơn, bình an một kiếp. Tố Nga thì lại không an phận như vậy, chị muốn được tiến xa hơn trong nghiệp hát, muốn đến được những chân trời mà chị mơ ước. May mắn của Tố Nga là có bố chị luôn cổ vũ, ủng hộ đam mê nghệ thuật của con gái. Tố Nga không thể nào quên hình ảnh năm đó, khi mẹ chị nhất quyết phản đối không cho chị ra Hà Nội học Nhạc viện, bà muốn chị an ổn bởi đã đi làm có lương ở Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, thì bố chị lại âm thầm, lặng lẽ chuẩn bị đồ đạc cho chị trong chiếc hòm sắt, tích cóp được ở đâu 200 ngàn đồng dúi vào tay chị, nửa đêm đợi mẹ chị ngủ say, lén lút dắt chị ra bến xe, đẩy chị lên xe để về Hà Nội học. 200 ngàn đồng là số tiền duy nhất ông có, vừa đủ số tiền xe ra Hà Nội. Ông hiểu khát vọng vươn lên trong nghệ thuật của con gái, nên đã táo bạo “chống” lại vợ. Để bù đắp cho mẹ, ra Hà Nội học, ngay lập tức Tố Nga đã tìm cách đi làm để kiếm thêm. Chị thuê một chiếc áo dài, mỗi ngày đều lóc cóc đạp xe đi hát quán với thù lao 50 ngàn đồng/ buổi. Tiền ấy, Tố Nga tích cóp lo ăn học cho mình và gửi về phụ mẹ lo kinh tế gia đình. Chỉ sau khi về Hà Nội học 2 tháng, Tố Nga đã thường xuyên gửi được tiền về nhà giúp gia đình chị yên tâm hơn về chị. Sau khi giành giải ba tại cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội, Tố Nga đã được đặc cách vào làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. “Dòng sông đa tình” tự truyện cuộc đời bằng âm nhạc của NSƯT Tố Nga Trong 30 năm làm nghề, NSƯT Tố Nga cũng đã cho ra mắt 14 album gồm: Vol1: Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Vol2: Mời anh về Hà Tĩnh, Vol3: Cảm xúc từ câu hò điệu ví, Vol4: Dòng sông đa tình, Vol5:Giếng quê, Vol6: Thương quê, Vol7: Cánh Võng Mẹ Ru, Vol8: Miền quê em, Vol9: Hai đầu nỗi nhớ, Vol10: Thương ơi lòng mẹ, Vol11: Xin đừng trách đa đa, Vol12: Trăng, Vol13: Mưa, Vol14: Ta. Đặc biệt một số MV về chiến tranh như “Cúc ơi”, “Gửi vào thương nhớ” của chị rất nổi tiếng, là một trong những MV về chiến tranh được đầu tư công phu, để lại nhiều dư âm, xúc cảm với người xem. Liveshow “Dòng sông đa tình” không chỉ là kỷ niệm 30 năm ca hát, mà còn ghi nhận một dấu mốc cuộc đời đã có được bình an, có ngọt ngào và êm đềm, đạt được những dấu ấn thăng hoa về nghề của chị. Tố Nga nói, liveshow đến đúng là một ĐỊNH MỆNH, bởi đây là lúc chị thảnh thơi nhất để chuyên tâm vào nghệ thuật, cả tuổi đời và tuổi nghề đều ở độ “chín” quý giá. Bởi thế, chị và ekip thực hiện tin rằng, Liveshow sẽ đem đến một Tố Nga thăng hoa nhất, bứt phá nhất, để lại nhiều ấn tượng nhất. Cuốn tự truyện bằng âm nhạc Tố Nga lấy tên bài hát “Dòng sông đa tình” để đặt tên cho liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát của mình. Đối với Tố Nga, đây là cái tên chất chứa rất nhiều ý nghĩa. Nó biểu thị cho cuộc đời của chị, lúc trầm lúc nổi, lúc cuồn cuộn dữ dội, muốn gào thét bứt phá khỏi bến bờ, khi khát cháy, lúc lại lặng lẽ, dịu dàng, bình yên,… Nhưng, dù ở cung bậc nào thì dòng sông ấy vẫn luôn chan chứa tình cảm, luôn khát khao tận hiến lời ca tiếng hát, những điều đẹp đẽ cho đời. Đó chính là cái sự “đa tình” của “dòng sông Tố Nga”. Có một sự thực là hình như người truân chuyên thường đa tình, Tố Nga rõ ràng thuộc cái lý lẽ ấy. Càng truân chuyên, chị lại càng nhiều khát vọng, nhiều tình cảm cho đời, cho nghề, càng biết ơn sâu nặng hơn đến cuộc sống này khi vượt thoát được vực xoáy số phận để về bến bình an. Bốn chữ “Dòng sông đa tình” đã nói lên phần nào câu chuyện cuộc đời Tố Nga như thế. Điều đặc biệt hơn, đây cũng là ca khúc gắn bó mang nhiều kỷ niệm riêng của chị. Hồi Tố Nga còn là sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật quân đội (nay là Đại học văn hoá nghệ thuật Quân đội), một lần chị lên gặp thầy - nhạc sĩ An Thuyên. Nhạc sĩ An Thuyên thấy hai mắt Tố Nga sưng múp, mới hỏi sự tình. Tố Nga kể chuyện bị bạn trai hồi đó ghen tuông nên buồn, khóc suốt đêm. Nhạc sĩ An Thuyên cười nói: “Con về bảo với nó là con gái Hà Tĩnh không phải đa tình đâu, mà tại dòng sông, con đò đẹp quá nên nhiều người thích rồi thích cả con gái Hà Tĩnh mà thôi. Đừng ghen tuông vớ vẩn”. Sáng hôm sau nhạc sĩ An Thuyên gọi Tố Nga bảo: “Lên đây có bài mới cho con này”, Tố Nga lên gặp thì nhạc sĩ An Thuyên đưa cho chị bản nhạc bài “Dòng sông đa tình”. Nhưng, Tố Nga lại không phải là người hát đầu tiên ca khúc này bởi ngày xưa không dễ để có bản phối, thu âm như bây giờ. Cứ thế đến hai năm sau, vào mùa thi Sao mai, có một thí sinh đã hát “Dòng sông đa tình” dự thi. Nhạc sĩ An Thuyên nghe rồi nói: “Không được, bài này phải là Tố Nga hát”. Vì thế sau đó Tố Nga mới thu âm và hát ca khúc này. Tuy nhạc sĩ An Thuyên không nói đây là ca khúc dành cho chị, nhưng sự ưu ái của nhạc sĩ dành cho chị cùng sự yêu thích của chị đối với ca khúc đã khiến chị có cảm nhận rằng cuộc đời mình và ca khúc dường như có một mối liên quan đặc biệt, như thể con đò với dòng sông vậy. Nhạc sĩ An Thuyên là người thầy Tố Nga kính trọng, cũng là người đã luôn che chở, nâng đỡ chị trong quãng đời mới chập chững bước vào ca hát chuyên nghiệp. Tố Nga cũng từng là một trong những người hát đầu tên một số bài hát nổi tiếng như “Ca dao em và tôi”, “Neo đậu bến quê”… của nhạc sĩ An Thuyên. Đây là những bài hát được viết ướm giọng của Tố Nga, nên nhạc sĩ An Thuyên vừa viết xong là Tố Nga đã thu âm các ca khúc này. Chị có nhiều duyên, nhiều ưu ái như thế. Ngay cả nhạc sĩ Trần Hoàn cũng từng “đo ni đóng giày” một số ca khúc dành riêng cho giọng hát ngọt ngào của chị. Tuy nhiên, Tố Nga lại là phận phụ nữ đa truân, nhiều trắc trở đường đời nên dù tài năng, được coi là chị cả trong các nghệ sĩ dòng nhạc âm hưởng dân gian miền Trung, nhưng sự nghiệp của chị lại không sớm rực rỡ như đáng lẽ phải như vậy, mà luôn chậm một nhịp, sau một bước. NSƯT Tố Nga mang nét duyên của người con gái Miền Trung Năm 2016, lần đầu tiên NSƯT Tố Nga xuất hiện trước báo giới khi ra mắt album “Giếng quê”. Trước đó, chị cũng đã ra mắt nhiều album khác, bao nhiêu đam mê nghề chị đều dồn cả vào hát và sản xuất các album nhưng cũng chỉ âm thầm bán chứ không quảng bá rộng rãi trên truyền thông. Ngày ra mắt album, Tố Nga mới rơi nước mắt chia sẻ rằng, ngày họp báo cũng chính là ngày chị nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời mình. Việc ra mắt album đánh dấu một chặng đường đời được hồi sinh của chị. Trước dấu mốc đó, Tố Nga đã sống đằng đẵng trong bóng tối hôn nhân gần chục năm trời, không thể phát triển được nghề, cũng không được làm nghề một cách thoải mái, không được sống một cách bình thường như mọi người, luôn sợ hãi phải về nơi gọi là gia đình của mình… Quá nhiều góc khuất của cuộc hôn nhân mà Tố Nga không thể kể hết được. NSND Quang Vinh, người “sếp” cũng là người anh lớn của Tố Nga trong cả cuộc sống lẫn nghề nghiệp, người đã chứng kiến mọi gian truân, những đoạn đời cùng cực của chị, đã từng trầm ngâm nói rằng, khi nghĩ đến Tố Nga thời ấy, anh thường nghĩ đến hình ảnh con còng gió bên bờ tuyệt vọng, cứ loay hoay, loanh quanh với những khát vọng của mình nhưng bất lực, không lối thoát. Chính anh là người thường khuyên Tố Nga phải vùng lên, sống cho ra sống. Đến khi thoát khỏi được vực xoáy tối tăm tưởng như vô tận trên đoạn song đời đó, Tố Nga như con nước mùa mưa hân hoan bước sang một giai đoạn sống mới, tràn bờ những khát vọng. Chị bắt đầu xây dựng lại cuộc sống cho mình và liên tục ra mắt các sản phẩm âm nhạc, nhanh chóng gây được chú ý, xác lập một hình ảnh Tố Nga như chị xứng đáng được hưởng từ lâu rồi trong dòng nhạc của mình. Chị làm việc cần mẫn, tích cực như thể bù đắp hết tất cả những thiệt thòi, kìm hãm trước đó. Không những thế, Tố Nga còn cho khán giả thấy nhiều hơn ở tài năng của mình khi khai phá ở những dòng nhạc khác như nhạc xưa, bolero… Và, ở sự khám phá nào chị cũng tạo được những tiếng vang. Mấy năm trở lại đây, Tố Nga là một trong những nghệ sĩ có album được yêu chuộng trong giới Audiophile - giới nghe nhạc rất kỹ và tinh. Nhiều album dưới định dạng đĩa than, băng cối của chị bán với giá hàng triệu đồng nhưng thường xuyên “cháy” hàng. Chị cũng dần tìm được cân bằng trong đời riêng, sống an yên, biết tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc với những điều bình dị, giản đơn trong đời. Tất cả những thăng trầm ấy về đời, về nghề ấy đều được Tố Nga gói ghém, chuyển tải qua “Dòng sông đa tình”. Sở dĩ nói “Dòng sông đa tình” là cuốn tự truyện bằng âm nhạc về cuộc đời chị, là bởi liveshow sẽ khắc họa đủ đầy những khúc quanh trong cuộc sống của chị, những ghập ghềnh và cả những lặng lẽ cho đến khi neo đậu đến bến an yên. Trong mọi nỗi buồn, niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống, Tố Nga đều nương tựa vào âm nhạc, để được an ủi, được sẻ chia. Liveshow “Dòng sông đa tình” của NSƯT Tố Nga dự kiến được chia thành ba chương. Trong đó, chương một sẽ là những ca khúc mang màu sắc dân gian vốn đã quen thuộc với khán giả và tạo nên cá tính âm nhạc của Tố Nga. Chương hai sẽ mang đến sự nhiều bất ngờ cùng những bài hát khác hẳn phong cách nữ ca sĩ theo đuổi trước đó. Tố Nga lựa chọn như vậy để kể về quãng đời với những khúc quanh, vực xoáy mà chị trải qua. Sau những nỗi buồn, chương ba là những đột phá gần hơn với Tố Nga của hiện tại - một Tố Nga tràn đầy năng lượng sống và cống hiến, không ngừng đổi mới, đa sắc và biến hóa. Liveshow kỷ niệm 30 năm ca hát của NSƯT Tố Nga mang tên “Dòng sông đa tình” sẽ diễn ra vào hồi 20h ngày 18/11/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với hai khách mời Quang Linh, Lê Minh Ngọc và được dẫn dắt bởi MC Lê Anh. Hồng Thiết

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Chữ Hàn “Hangeulnal”

TĐKT – Ngày 5/10, Lễ hội Chữ Hàn “Hangeulnal” lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT). Đây là một hoạt động ngoại khóa thú vị do Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn tổ chức. Tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét văn hóa Hàn Quốc Phát biểu khai mạc Lễ hội, thầy Trần Đức Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hangeulnal là một trong những lễ hội lớn nhất của Hàn Quốc, diễn ra vào ngày 9/10 hàng năm, nhằm tôn vinh vẻ đẹp và sức mạnh trí tuệ của dân tộc Hàn Quốc. Thầy Trần Đức Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc Lễ hội Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh tin rằng đây là một hoạt động có ý nghĩa giúp sinh viên nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc cũng như tạo cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực để cùng nhau định hướng trong đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Lễ hội Hangeulnal lần đầu tiên được tổ chức tại HUBT đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia với các gian hàng ẩm thực, các chương trình trò chơi, câu đố về chữ Hàn và văn hóa Hàn, các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Một không gian đậm nét văn hóa Hàn Quốc đã được thầy cô và các bạn sinh viên Khoa Ngôn ngữ Nga - Hàn dàn dựng công phu và đẹp mắt. Các gian hàng ẩm thực thu hút sự quan tâm của sinh viên Được thành lập từ năm 2013, bằng sự nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giảng viên, Khoa tiếng Nga (nay là Khoa Ngôn ngữ Nga – Hàn) từng bước lớn mạnh và phát triển, với số lượng sinh viên theo học tiếng Nga và Hàn ngày một tăng. Song song với các hoạt động đào tạo, hàng năm Khoa thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa mang đậm nét văn hóa đặc trưng của hai quốc gia Liên bang Nga và Hàn Quốc như: Lễ Tiễn mùa Đông (Maslenhisa) của Nga, lễ hội Chữ Hàn Hangeulnal, tham gia các chương trình Đa sắc màu Việt – Nga do Phân viện tiếng Nga Puskin tổ chức, các chương trình bồi dưỡng kiến thức tiếng Nga, các hoạt động do trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức. Các hoạt động ngoại khóa đã giúp các sinh viên hiểu rõ hơn về văn hóa, về dân tộc và về ngôn ngữ mà mình đang theo học, đồng thời giúp các em phát triển kỹ năng mềm phục vụ cho công việc trong tương lai. Kể từ khi thành lập, Khoa ngôn ngữ Nga – Hàn đã có gần 30 sinh viên đạt giải Nhất trong các kỳ thi Olympic tiếng Nga, được học bổng 100% (trị giá hơn 1 tỷ đồng) đi du học tại Liên bang Nga và năm 2022 sẽ có các sinh viên cử nhân đầu tiên của ngành Ngôn Ngữ Nga (K23) tốt nghiệp. Phương Thanh

Tôn vinh những cống hiến, đóng góp của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ

TĐKT - Sáng 4/10, tại Bảo tàng Công an nhân dân, Bộ Công an tổ chức khai mạc trưng bày, giới thiệu chuyên đề "Hành trang đương đầu giặc lửa" nhằm giới thiệu, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH (4/10/1961 - 4/10/2022) và 21 năm Ngày Toàn dân PCCC (4/10/2001 - 4/10/2022); đồng thời, tuyên truyền, giáo dục góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và bổ sung kiến thức, kỹ năng phòng, chống cháy, nổ đối với cộng đồng dân cư, nhất là học sinh, sinh viên. Chuyên đề trưng bày và giới thiệu gồm 3 chủ đề: Chủ đề thứ nhất "Đương đầu với giặc lửa" trưng bày giới thiệu những mốc son lịch sử và thành tựu tiêu biểu qua 61 năm xây dựng và trưởng thành cùng sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH. Chủ đề thứ hai "Giặc lửa - Hiểm họa cũ, đau thương mới" giới thiệu một số vụ cháy, nổ gần đây, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản. Chủ đề thứ ba "Giữ cho cuộc sống bình yên", giới thiệu chương trình giáo dục trải nghiệm (lý thuyết và thực hành) kỹ năng phòng, chống cháy, nổ; thoát hiểm, thoát nạn; dập lửa; sơ cấp cứu nạn nhân... Chuyên đề mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 4/10 - 28/10/2022 tại Bảo tàng Công an nhân dân, từ thứ Ba - Chủ nhật hàng tuần. Ngày 29/9/1961, Cục Phòng cháy và chữa cháy được thành lập. Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Lệnh số 53/LCT, công bố "Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC". Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi về chất trong công tác PCCC của Nhà nước, đồng thời mở ra một trang mới trong lịch sử của lực lượng Cảnh sát nhân dân, trong đó có lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH. Kể từ đó, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã từng bước trưởng thành, lập nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 4/10 trở thành Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH. Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là từ năm 2010, được giao thêm trọng trách CNCH, lực lượng cảnh sát PCCC & CNCH đã tham mưu, đề xuất, giúp Bộ Công an từng bước kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC & CNCH; tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào Toàn dân PCCC & CNCH; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm luật về PCCC; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác PCCC & CNCH; đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC & CNCH. Qua đó, đem lại những hiệu quả tích cực trong chữa cháy, ngăn chặn được nguy cơ cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên tuyến đầu chống "giặc lửa", nhiều cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC & CNCH đã không tiếc máu xương, hy sinh thân mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Ghi nhận những thành tích xuất sắc của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân: 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 3 Huân chương Quân công hạng Nhất, 4 Huân chương Quân công hạng Nhì, 5 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 4 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 13 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 16 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 34 Huân chương Chiến công hạng Ba, 15 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phương Thanh

Sắp diễn ra đêm nhạc “Khát vọng doanh nhân”

TĐKT - Ngày 7/10 tới, tại Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng, Tiến sĩ, Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Shinec cùng nhạc sĩ Xuân Bình sẽ phối hợp tổ chức đêm nhạc với chủ đề “Khát vọng doanh nhân”. Chương trình được sự cho phép của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, là hoạt động ý nghĩa thiết thực chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Chương trình họp báo giới thiệu đêm nhạc “Khát Vọng Doanh Nhân” diễn ra vào sáng ngày 3/10/2022 tại trụ sở Công ty CP Shinec - KCN Nam Cầu Kiền - Hải Phòng Đêm nhạc không chỉ là một chương trình biểu diễn nghệ thuật đơn thuần, mà thực sự là những câu chuyện về tác giả và tác phẩm, khắc họa bức tranh sinh động về tâm hồn, về cuộc sống của một doanh nhân và những đóng góp của một nhạc sĩ đối với đời sống nghệ thuật thành phố. Qua chương trình để minh chứng một điều rằng: “Âm nhạc giúp thanh lọc tâm hồn, khơi dậy sáng tạo cống hiến”. Trong những năm qua, cái tên Phạm Hồng Điệp và Shinec Nam Cầu Kiền, khu công nghiệp sinh thái, có lẽ không xa lạ gì với giới doanh nhân Hải Phòng và các doanh nhân quan tâm đến hệ sinh thái khu công nghiệp, kinh tế xanh. Là một trong 107 doanh nhân Sao Đỏ, Tiến sĩ, Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, còn là người rất mê âm nhạc. Dù anh không qua trường lớp, nhưng chính từ thực tế sáng tạo và tâm huyết của mình mà âm nhạc đã thôi thúc anh sáng tác ca khúc về chính đất và người Nam Cầu Kiền. Các sáng tác của anh đã thể hiện rất đậm nét những khát vọng, những thông điệp, nghĩ suy cùng hành động của các thành viên trong gia đình Shinec đã, đang và sẽ mang lại màu xanh sinh tồn, khát vọng hạnh phúc và thịnh vượng, không chỉ cho nơi đây mà còn lan tỏa cho đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp trong một tương lai gần. TS. Doanh nhân, luật sư, Kỷ lục gia Phạm Hồng Điệp Doanh nhân, luật sư, Kỷ lục gia Phạm Hồng Điệp cũng vinh dự là doanh nhân, luật sư duy nhất tại Việt Nam được đích thân cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp 2 lần viết thư khen ngợi về những đóng góp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ông là Tiến sĩ danh dự của Viện đại học Kỷ lục Thế giới (WRU) trong lĩnh vực khoa học và là thành viên của Liên đoàn các nhà Sáng tạo Thế giới (WRC).  Nhạc sĩ Xuân Bình sinh ra ở Tuyên Quang, anh có duyên gắn bó với Hải Phòng từ khi về làm việc tại Đoàn Văn công Hải quân. Gần 2 thập kỷ sống nơi đây, anh đã tổ chức nhiều đêm nhạc và MV ca nhạc, viết hơn 100 ca khúc về đề tài lực lượng vũ trang, về biển, đảo, về thành phố Hải Phòng. Nhiều ca khúc đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân đất Cảng như: Tôi người Hải Phòng, Bạch Đằng Giang ký sử, Thành phố em, Hải Phòng quê hương tôi, Hải Phòng và nỗi nhớ, Biển Tổ quốc tôi, Mẹ kể con nghe... Các ca khúc này thường xuyên được các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và thành phố lựa chọn biểu diễn trong các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, dịp khai mạc Lễ hội Hoa phượng đỏ nhiều năm, qua phần thể hiện của Thu Phương, Tùng Dương, Minh Quân, Ngọc Anh, nhóm Oplus... Đêm nhạc “Khát vọng doanh nhân” sẽ được diễn ra vào tối 7/10/2022 tại Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng Hồng Điệp và Xuân Bình, 2 trái tim cùng chung nhịp đập âm nhạc. Với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Khánh Hòa, NSƯT Nhật Thuận, ca sĩ Phạm Thu Hà, Sao Mai Xuân Hảo, ca sĩ Yagria, ca sĩ Nhật Thành, Sao mai Thanh Tuấn và các ca sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Hải quân, Đoàn Văn công Quân khu 3. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, đêm nhạc cũng có sự góp mặt của Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng; Câu Lạc bộ ECO Nam Cầu Kiền; Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng; Câu lạc bộ các nhà Công Thương Việt Nam; Câu lạc bộ HBC; Tập đoàn Thép Nhật Việt; Công ty BKT; Công ty GGV; Công ty Liên Minh; Công ty Thùy Anh và các doanh nhân Hải Phòng.                 Mai Thảo

Sôi động đêm Chung kết cuộc thi hát “Bài hát K-pop tôi yêu”

TĐKT – Tối 1/10, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra Vòng chung kết cuộc thi hát “Bài hát K-pop tôi yêu”. Tiết mục biểu diễn của thí sinh Huỳnh Thị Mỹ Loan đến từ TP Hồ Chí Minh đạt giải nhất cuộc thi Chào mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCCA Việt Nam) tổ chức cuộc thi hát “Bài hát K-pop tôi yêu” từ ngày 25/7/2022 - 1/10/2022 tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ca sĩ Anh Tú biểu diễn trong chương trình Cuộc thi hát với chủ đề “Bài hát K-pop tôi yêu” đã thu hút gần 200 đơn đăng ký tham gia từ các bạn trẻ Việt Nam tại 3 vòng loại trực tiếp diễn ra ở Đà Nẵng (27/8/2022), Thành phố Hồ Chí Minh (17/9/2022), Hà Nội (24/9/2022). 18 thí sinh xuất sắc tại 3 khu vực này đã bước vào vòng chung kết ngày 1/10/2022 và trình diễn giao lưu cùng các nghệ sĩ Việt Nam như ca sĩ Anh Tú, nhóm OPLUS, nhóm nhảy The A-code. Khán giả trẻ Thủ đô Hà Nội hòa mình trong đêm nhạc sôi động thưởng thức K-pop Cuộc thi có 6 giải thưởng gồm 1 giải nhất trị giá 20.000.000 VNĐ, 1 giải nhì trị giá 10.000.000 VNĐ, 2 giải 3 trị giá 5.000.000 VNĐ và 2 giải triển vọng trị giá 3.000.000 VNĐ cho mỗi giải. Bạn trẻ Hà Nội tham gia biểu diễn trong chương trình Tại Vòng chung kết cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho thí sinh Huỳnh Thị Mỹ Loan đến từ TP Hồ Chí Minh; giải nhì cho nhóm S.A.P đến từ Hà Nội; giải ba cho thí sinh Trần Thị Thu Thủy đến từ TP Hồ Chí Minh và Trần Thị Thanh Nhã đến từ Đà Nẵng; giải triển vọng cho Nhóm KDC và Nguyễn Ngọc Khanh đến từ TP Hồ Chí Minh. Các bạn trẻ Hà Nội tham gia vào chương trình Cuộc thi hát Bài hát K-pop tôi yêu Đặc biệt cá nhân hoặc nhóm đạt giải sẽ có cơ hội được đứng chung sân khấu cùng các Idol Hàn Quốc trong chương trình K-EXPO Việt Nam 2022 từ ngày 15 - 16/10/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia do Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) tổ chức. Ông Hong Jeong Yong, Trưởng Đại diện KOCCA Việt Nam cho biết “KOCCA Việt Nam hy vọng chương trình sẽ là một sân khấu sắc màu để các bạn trẻ và người dân Việt Nam thêm hiểu hơn về văn hóa Hàn Quốc, đồng thời tăng cường hơn nữa giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia trong thời khắc quan trọng của lịch sử ngoại giao hai nước.”. Phương Thanh

Xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội

TĐKT – Chiều 30/9, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội năm 2022, nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch dịch vụ của tỉnh Ninh Thuận tới các nhà đầu tư du lịch, doanh nghiệp lữ hành tại TP Hà Nội. Hoạt động này hứa hẹn sẽ đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với thị trường trọng điểm TP Hà Nội; đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận; thu hút khách du lịch, góp phần tăng trưởng ngành du lịch tỉnh. Lễ ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Ninh Thuận tại hội nghị Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận là một tỉnh giàu tiềm năng, lợi thế khác biệt về du lịch. Về vị trí địa lý, Ninh Thuận nằm trên giao điểm của các trục giao thông quốc gia, có quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam đi qua. Ninh Thuận cũng có khí hậu ít mưa, nhiều nắng và ít chịu ảnh hưởng gió bão. Đặc biệt, Ninh Thuận có lợi thế lớn nhất đó là bờ biển dài với hơn 105 km, có tuyến đường ven biển đẹp và thuận lợi trong việc kết nối với các điểm đến thuộc dải ven biển của tỉnh. Không những thế, Ninh Thuận còn là địa phương có bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, đặc biệt có những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất độc đáo và nổi tiếng. Đó là nghệ thuật văn hóa Chăm, các làng nghề truyền thống và những phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 239 di tích, di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt (tháp Pôklông Garai và tháp Hòa Lai), 18 di sản cấp Quốc gia và 46 di tích, di sản cấp tỉnh. Về tài nguyên du lịch, Ninh Thuận có hai vườn quốc gia là Phước Bình và Núi Chúa còn mang đậm nét rừng nguyên sinh với hệ sinh thái thực vật đa dạng, phong phú; trong đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ninh Thuận cũng có nhiều vùng vịnh và danh lam thắng cảnh phù hợp cho phát triển du lịch, trong đó có vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam… Tỉnh có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng; có hệ sinh thái biển, rừng, rạn san hô đa dạng, phong phú với cảnh vật thiên nhiên hoang dã, thơ mộng và nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia. Bên cạnh đó, khí hậu nắng ấm quanh năm cũng là một lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như: Măng tây xanh, táo, tỏi, dê, cừu. Đặc biệt, cây nho và các sản phẩm từ nho phát triển, đưa Ninh Thuận trở thành “thủ phủ” của cây nho cả nước. Người dân Ninh Thuận rất hiền hòa, thân thiện và mến khách. Có thể nói, những lợi thế về thiên nhiên và nhân văn đã mang lại cho Ninh Thuận nhiều loại hình du lịch phong phú, độc đáo và khác biệt; mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế bền vững, giúp bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của con người và quê hương Ninh Thuận. Ninh Thuận đề ra mục tiêu phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; có tính chuyên nghiệp; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch tương đối đồng bộ, hiện đại; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có tính cạnh tranh cao, có thương hiệu. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh. Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu trên, Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính. Nhóm 1 gồm 4 sản phẩm đặc thù: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với vườn quốc gia Núi Chúa. Nhóm 2 sẽ gồm 4 sản phẩm mới lạ: Du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát – muối (hai sản phẩm độc đáo của mảnh đất Ninh Thuận), du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Nhóm 3 sẽ gồm 4 sản phẩm bổ trợ: Du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực, du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo, thương mại du lịch. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác hai chiều và hết sức ủng hộ Ninh Thuận trong công tác phát triển du lịch. Để du lịch Ninh Thuận phát triển, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất, thời gian tới cần tăng cường liên kết du lịch giữa Hà Nội với Ninh Thuận để xây dựng sản phẩm, dịch vụ liên tuyến giữa hai địa phương với các vùng, qua đó tận dụng tiềm năng du lịch hiện có của mỗi địa phương. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, xúc tiến và quảng bá để đẩy nhanh tiến độ phục hồi du lịch; đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm từng bước nâng cao sức cạnh tranh du lịch của các địa phương… Nhằm tăng cường xúc tiến du lịch cũng như hiện thực hóa mục tiêu định hướng phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030, trong khuôn khổ hội nghị, tỉnh Ninh Thuận đã ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên: UBND tỉnh Ninh Thuận và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet; chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận và Sở Du lịch TP Hà Nội; chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận với Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội và các địa phương; chương trình hợp tác giữa Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận và Hội Doanh nhân trẻ TP Hà Nội về hợp tác phát triển du lịch và quảng bá sản phẩm du lịch; chương trình hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Pegas Việt Nam về khai thác thị trường khách Nga về Ninh Thuận năm 2023. Nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch Ninh Thuận đến với người dân Thủ đô Hà Nội, du khách trong nước và quốc tế, từ ngày 30/9 – 2/10/2022, tại khu vực Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận tổ chức sự kiện Ngày văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội năm 2022. Các hoạt động diễn ra tại Ngày hội bao gồm: Biểu diễn nghệ thuật hát, múa, giới thiệu nhạc cụ và giao lưu, hướng dẫn múa truyền thống; trình diễn, hướng dẫn nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; trưng bày ảnh đẹp về du lịch, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó còn có 51 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch, ẩm thực của tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt còn có các sản phẩm du lịch của Ninh Thuận liên kết với các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Khánh Hòa. Phương Thanh

Lần đầu tiên tổ chức chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa ý nghĩa của Việt Nam tại Áo

TĐKT - Chương trình Ngày Việt Nam tại Áo 2022 chính thức diễn ra, mở màn chuỗi sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2022. Đây là một trong những hoạt động quan trọng do Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Áo (01/12/1972 – 1/12/2022). Các đại biểu chụp ảnh tại Ngày Việt Nam tại Áo  Chương trình không chỉ góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai quốc gia, mà còn là cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và giới thiệu nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của Việt Nam tới công chúng Áo. Ngày Việt Nam tại Áo 2022 vinh dự có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhân chuyến thăm chính thức đến Áo và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông. Ngoài ra, tham dự Chương trình gồm có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên, Quyền Vụ trưởng Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao Đỗ Minh Hùng, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao cùng các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Áo… Ngày Việt Nam tại Áo 2022 cũng có sự hiện diện các chính trị gia, doanh nghiệp và người dân tại Áo như Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Áo Peter Launsky – Tieffenthal, ​​Phó Chủ tịch Phòng Kinh tế Áo Amelie Gross… Lễ cắt băng khai mạc Chương trình Ngày Việt Nam tại Áo 2022 bao gồm 3 hoạt động chính: Không gian văn hóa Việt Nam diễn ra vào ngày 28/9 tại Dinh Palffy Palais; Lễ kỷ niệm “50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo" diễn ra tối ngày 28/9 tại phòng hòa nhạc Konzerthaus; Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo diễn ra ngày 29/9 tại Phòng Thương mại Công nghiệp Áo. Trong khuôn khổ Chương trình, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cắt băng khai mạc Không gian văn hóa Việt Nam. Không gian văn hóa Việt Nam đã mang đến cho người dân và cộng đồng người Việt Nam tại Áo cơ hội tìm hiểu về chặng đường 50 năm hình thành và phát triển quan hệ hai nước thông qua triển lãm 34 bức ảnh về các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai bên. Đồng thời, cũng tại Không gian văn hóa Việt Nam, công chúng sẽ được tham gia trải nghiệm các loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam như: Nghệ thuật trà Việt, nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ, biểu diễn nghệ thuật tranh sơn mài, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam… Lần đầu tiên được giới thiệu và trải nghiệm trực tiếp các hoạt động văn hóa này, nhiều người dân tại Áo thích thú đón nhận. Không ít bạn trẻ đã ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt này và chia sẻ trên mạng xã hội. Trong khi đó, tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo, khách mời được tham dự lễ thượng cờ và cử quốc ca hai nước theo phong cách opera, điểm đặc biệt và hết sức độc đáo của Chương trình, đồng thời được thưởng thức các tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của hai nước, do dàn nhạc giao hưởng thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và các nghệ sĩ Áo trình diễn. Những tác phẩm nổi tiếng có thể kể đến như: Dân ca Việt Nam “Trống cơm”, “Trở về đất mẹ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Die Forelle của nhà soạn nhạc Franz Schubert, đoạn trích vở nhạc kịch “Cây sáo thần” của nhà soạn nhạc Mozart… Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ: “Thế giới chúng ta đang sống hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến an ninh và phát triển của mỗi nước chúng ta, như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… Trong bối cảnh đó, tôi tin tưởng rằng Việt Nam và Áo sẽ phát huy những nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp, tiếp tục tăng cường hợp tác trên cả bình diện song phương và đa phương, trong đó có hợp tác để thực hiện cam kết của hai nước chúng ta tại Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu, chung tay xây dựng thế giới hoà bình, ổn định và phát triển bền vững”. Tại lễ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Áo, lãnh đạo các doanh nghiệp của Việt Nam và Áo đã cùng bàn luận về các vấn đề như: Tình hình hợp tác kinh tế, kinh doanh giữa Việt Nam - Áo và các cơ hội, thách thức trong giai đoạn tới; tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam và triển vọng quan hệ song phương Việt Nam – Áo… Đại diện Ban tổ chức, ông Trần Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao chia sẻ: “Chương trình Ngày Việt Nam tại Áo 2022 là một hoạt động ngoại giao quan trọng, không chỉ giúp củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác 50 năm Việt Nam - Áo, mà còn là dịp để giới thiệu tới công chúng tại Áo, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại sở tại về hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nhưng vô cùng mới mẻ, mạnh mẽ và giàu sức sống. Việt Nam đã duy trì phát triển kinh tế bền vững, trở thành đất nước có mức thu nhập ổn định và là điểm đến đầu tư lý tưởng của các nhà đầu tư quốc tế. Chúng tôi đã nỗ lực phối hợp với các đối tác để có thể truyền tải những giá trị ấy tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, công chúng và bạn bè quốc tế”. Chương trình Ngày Việt Nam tại Áo 2022 được Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, công ty MarknB, công ty Mỹ Thanh và Tập đoàn Truyền thông Lê tổ chức. Nối tiếp Ngày Việt Nam tại Áo 2022, Ngày Việt Nam tại Ấn Độ 2022 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 3 - 4/11 tại Thủ đô Niu Đê-li nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ. Diễn ra từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, chương trình Ngày Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2022 sẽ là hoạt động cuối cùng kết thúc chuỗi chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2022. Chương trình này được tổ chức tại Thủ đô Xơ-un, hướng đến kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc. Ngày Việt Nam ở nước ngoài là chương trình quảng bá quốc gia thường niên được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức từ năm 2010. Chương trình thường diễn ra bên lề các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước đối tác và nhận được sự tham gia, hưởng ứng rộng rãi của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. La Giang

Phát động cuộc thi Trạng nguyên tuổi 13 năm 2022

TĐKT - Sáng 29/9, Lễ phát động cuộc thi "Cùng Đức Việt & O'Food trở thành Trạng nguyên tuổi 13" đã diễn ra tại Trường THCS Ngô Gia Tự, Hà Nội. Nhà giáo Nghiêm Thúy Châm - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi Cuộc thi do Tạp chí Thể thao và Cuộc sống cùng Công ty truyền thông Văn hóa - Giáo dục Trạng Nguyên tổ chức từ năm 2015 nhằm động viên khuyến khích học sinh Việt Nam noi gương truyền thống hiếu học của dân tộc. Đây là một sân chơi kiến thức bổ ích và hấp dẫn giúp cho các em được trải nghiệm cả về kiến thức lẫn khả năng ứng xử một cách chắc chắn và linh hoạt. Các thí sinh nhỏ tuổi được các giải thưởng cao trong cuộc thi này đến nay đã trở thành những sinh viên và học sinh THPT tiêu biểu, xuất sắc. Tại cuộc thi hôm nay, 9 sĩ tử xuất sắc vượt qua vòng loại bằng bài thi trắc nghiệm Toán - Văn - Tiếng Anh đã được chọn thi ứng xử trên sân khấu. Ban Tổ chức đã trao 3 giải Trạng nguyên, 3 giải Bảng nhãn và 3 giải Thám hoa. Ban Tổ chức tặng hoa chúc mừng 9 thí sinh tham dự thi Ứng xử Vòng Chung kết toàn quốc cuộc thi sẽ diễn ra vào cuối tháng 12/2022, với sự tham gia của 100 thí sinh xuất sắc tại vòng thi Sơ khảo toàn quốc. Các em đoạt giải nhất trong cuộc thi chung kết toàn quốc sẽ được nhận những phần thưởng có giá trị, với giải Đệ nhất Trạng nguyên là 200 triệu đồng, giải Đệ nhị Trạng nguyên là 50 triệu đồng, giải Trạng nguyên là 30 triệu đồng… Ngoài tổ chức tại một số trường ở Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai... cuộc thi khuyến khích học sinh lứa tuổi THCS dự thi theo hình thức online và thi bằng cách giải được tin trên báo chí. Phương Thanh

Phát động cuộc thi “Cùng Đức Việt & O’Food thắp sáng những ngôi sao buổi sớm”

TĐKT – Ngày 26/9, Lễ phát động cuộc thi toàn quốc “Cùng Đức Việt & O’Food thắp sáng những ngôi sao buổi sớm” – lần thứ VIII năm 2022 đã diễn ra sôi nổi tại Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội. Lễ phát động Cuộc thi Qua 7 năm tổ chức, cuộc thi đã thực sự trở thành một sân chơi nghệ thuật bổ ích, lành mạnh và lý thú. Đã có hơn 200 trường tiểu học và trung học cơ sở trên cả nước hào hứng tham gia cuộc thi. Từ cuộc thi này, rất nhiều em học sinh có năng khiếu nghệ thuật được các nhà trường và gia đình vun vén, chăm sóc, tạo điều kiện để trở thành những ngôi sao nhỏ lung linh trên bầu trời nghệ thuật. Cuộc thi cũng đã thật sự góp phần mang lại không khí vui tươi cho các em học sinh, đồng thời góp phần tích cực vào việc xây dựng các Ngôi trường toàn diện và hạnh phúc. Tiết mục múa “Ước mơ của em” của học sinh lớp 7D Trường THCS Thăng Long tham gia cuộc thi Ngay tại Lễ phát động, 67 em học sinh có năng khiếu nghệ thuật của Trường THCS Thăng Long đã trình diễn nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc: “Ước mơ của em” (múa) lớp 7D; “Lớn rồi còn khóc nhè” (hát) lớp 9B, “Tát nước đầu đình” (múa) lớp 9A5 và “Bài ca tôm cá” (nhảy) lớp 9B… Với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo và sự tích cực luyện tập của các em học sinh, những tiết mục đó đã tạo nên một bầu không khí vui tươi, sinh động, góp phần mang lại niềm vui trong trẻo cho các em học sinh sau những giờ học căng thẳng. Ban Tổ chức đã trao tặng các em nhiều huy chương vàng – bạc – đồng, giấy khen và quà tặng thú vị. Nhằm tạo điều kiện cho đông đảo học sinh ở nhiều vùng miền trên cả nước được tham gia cuộc thi toàn quốc này, Ban Tổ chức đã chọn một số trường học tiêu biểu tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai… để tiến hành thi trực tiếp. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn tạo điều kiện để các em được dự thi theo hình thức online bằng cách ghi hình, gửi video clip về Ban Tổ chức, trên cơ sở đó, các tiết mục nghệ thuật có chất lượng tốt sẽ được mời về Thủ đô Hà Nội dự thi Chung kết toàn quốc. Ban Tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn ở và đi lại cho tất cả các em ở xa được về Hà Nội dự thi Chung kết toàn quốc, với các giải thưởng có giá trị: Đội Nghệ thuật đặc biệt xuất sắc: 80 triệu đồng, Đội Nghệ thuật xuất sắc: 10 triệu đồng và nhiều giải thưởng tập thể, cá nhân khác. Phương Thanh

Câu chuyện pháp luật: Nơi đầu sóng ngọn gió

Sáng sớm, ngoài khơi xa những con thuyền đánh cá nối đuôi nhau trở về. Khung cảnh ngoài bãi rất nhộn nhịp. Những khoang thuyền đầy ăm ắp cá thân bạc óng ánh. Những giỏ cá, giỏ mực được chuyển xuống liên tục. Các bà, các chị đang tíu tít gọi nhau. Nam dạo bước ra bãi và đưa mắt nhìn quanh thì chợt có tiếng gọi. Tiếng gọi: Nam, Nam ơi! Tiếng gọi đâu đó nghe rất quen khiến Nam mạnh bước hơn. Nam: A, anh Sóng, anh Biển. Đó là hai anh Sóng và Biển con trai bác Ruân. Hai anh vẫn thường đi biển, cuộc sống gắn liền với nơi đầu sóng ngọn gió, ăn to nói lớn. Nam: Khi nào các anh lại ra khơi để cho em đi cùng với. Sóng: Chắc phải cuối tuần. Tàu đang phải mang đi bảo dưỡng máy. Chú về lâu không? Nam: Em về một tuần thôi, chắc chắn sẽ theo các anh được một chuyến. Sóng: Thế thì quá vui rồi! Mấy anh em lại như xưa, rong ruổi ngày đêm, đi thì nhẹ về thì nặng. Biển: Không gặp chú ở đây thì các anh cũng định qua có chút việc cần chú giải đáp. Nam: Nếu em biết thì xin sẵn sàng. Biển: Lên mái lá kia ngồi. Qua anh câu được mấy con mực, hấp lên mấy anh em vừa nhắm rượu vừa hàn huyên. Dưới mái lá nhìn ra phía biển, ba anh em ngồi uống rượu nhắm với mực hấp. Biển: Bọn anh đi biển vẫn được tuyên truyền về việc tham gia phối hợp giúp đỡ các đơn vị Cảnh sát biển Việt Nam nhưng chú cũng biết các anh ít học, nghe nhưng không nhớ chả biết trách nhiệm đến đâu, chế độ thế nào. Chú biết thì nhắc lại giúp bọn anh với. Nam: Việc này thì em biết. Điều 6 Luật cảnh sát biển Việt Nam quy định là “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chức năng , nhiệm vụ, quyền hạn”. Sóng: Trách nhiệm thì anh cũng nhớ kha khá! Thế ngoài ra còn có trách nhiệm gì nữa không chú? Nam: Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện quyết định huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kĩ thuật dân sự của cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam. Biển (quay sang Sóng): Đấy đấy hôm trước em nói gần như chú Nam nhé! Sóng: Thế chú nhớ các chế độ chính sách không? Nói xem nào. Biển nghe thế thì gãi đầu cười trừ. Biển: Việc này thì phải nhờ chú Nam giúp anh. Nào, mời chú một chén rồi giải đáp cho bọn anh. Ba anh em cạch chén với nhau vui vẻ. Uống xong, Nam vui vẻ nhìn các anh. Nam: Điều 6 Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân, tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát biển Việt Nam được nhà nước bảo vệ và giữ bí mật khi có yêu cầu;”. Sóng với Biển gật gù ra chiều đã hiểu. Nam (nói tiếp): Ngoài ra, nếu “có thành tích thì được khen thưởng; bị thiệt hại về tài sản thì được khôi phục. Biển: Thế còn bị thương khi tham gia phối hợp thì sao liệu có được hưởng chế độ chính sách gì không? Nam: Có chứ ạ! “Người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật”. Sóng: Đấy, Luật Cảnh sát biển quy định rõ ràng thế cơ mà. Hôm trước, tàu cá của nhà bác Thuần cũng tham gia phối hợp, hỗ trợ và được khen thưởng đấy. Biển: Nghe chú nói mà bọn anh càng yên tâm hơn. Bọn anh sẽ tham gia cộng tác và giúp đỡ khi cần. Nam: Dạ vâng ạ, thi thoảng trong quá trình làm nhiệm vụ các đơn vị Cảnh sát biển cũng cần huy động sự giúp đỡ của các cá nhân ngư dân đang tham gia hoạt động trên biển. Nếu các anh nghĩ được thế thì tốt quá! Sóng: Quân với dân như cá với nước mà. Chú không biết thì thôi, cách đây nửa năm, tàu của bọn anh đang chạy thì chết máy giữa biển. Sóng biển ngày càng mạnh, tàu phải phát tín hiệu cầu cứu. Biển (tiếp lời kể): May sao, một lúc sau có tàu cảnh sát biển đang đi tuần đến giúp lai dắt tàu vào bờ một cách an toàn nên các anh cũng tâm niệm sau này nếu bên Cảnh sát biển cần giúp đỡ, bọn anh nhất định sẽ dốc hết sức mình. Nam: Vâng, em mời các anh! Nam vui vẻ rót rượu mời hai anh. Ba anh em vừa uống rượu, nhắm mực hấp vừa hàn huyên trò chuyện vui vẻ, sôi nổi. Câu chuyện xoay quanh những ngày Nam đi huấn luyện xa nhà rồi cả những chuyện ly kì khi hai anh cùng với các bà con ngư dân ra khơi. Thật có ngồi cả ngày cũng chẳng hết chuyện. Bất giác, Nam hướng mắt nhìn ra xa. Con tàu mang số hiệu CSB đang rẽ sóng ra khơi. Trên đó là các bác, các anh những đồng đội trong tương lai của Nam. Và sau này, Nam cũng sẽ là một thành viên trên con tàu ấy. Con tàu Cảnh sát biển phăm phăm lướt đi nơi đầu sóng ngọn gió. Cảnh sát biển Việt Nam

Trang