TĐKT - Nhân Kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023), ngày 5/1, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Triển lãm tài liệu lưu trữ “Hội nghị Paris – Cuộc đàm phán lịch sử”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Lễ khai mạc
Triển lãm giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh và hiện vật đang được bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia: II, III; Lưu trữ Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, Lưu trữ Nga, thành viên Liên Ủy ban quân ủy bốn phe trung ương, thành viên của "Trại Davis 823 ngày đêm" và một số nhân chứng của Hội nghị, … đã khái quát về hoàn cảnh trong nước và quốc tế dẫn tới Hội nghị Paris; thể hiện ý chí quyết liệt và vai trò của các bên tham gia trong quá trình đàm phán; khẳng định việc đàm phán, ký Hiệp định Paris là“cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới” đồng thời cũng là sự thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Cuộc đàm phán tại Paris kéo dài gần 5 năm, từ ngày 13/5/1968 - 27/01/1973, trải qua 2 giai đoạn:
Lễ khai mạc
Đàm phán 2 bên, từ ngày 13/5 đến ngày 31/10/1968: Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh từ ngày 31/10/1968 và chấp nhận việc triệu tập hội nghị 4 bên với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam DCCH dự phiên họp khai mạc cuộc hội đàm chính thức giữa đại diện Chính phủ nước Việt Nam DCCH và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ trong Hội nghị Paris, ngày 13/5/1968, tại phòng họp Trung tâm các Hội nghị quốc tế (đường Kleber, Paris, Cộng hòa pháp).( Nguồn: TTLTQG III, Tài liệu ảnh Bộ Ngoại giao, SLT 2979-2242)
Đàm phán 4 bên, từ ngày 25/01/1969 đến tháng 01/1973: Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiên quyết đòi Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Hoa Kỳ muốn chấm dứt chiến tranh nhưng đòi miền Bắc và Hoa Kỳ cùng rút quân, đòi duy trì khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn.
Sơ đồ phòng họp và chỗ ngồi của các phái đoàn tại Hội nghị Paris về Việt Nam (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa , hồ sơ 16665, tờ số 43-44)
Henry A. Kissinger và Lê Đức Thọ bắt tay sau khi ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, năm 1973. (Nguồn: Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ)
Sau gần 5 năm với “201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam”, ngày 27/01/1973 Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa các bên tham gia, là một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là thắng lợi hết sức to lớn trên mặt trận ngoại giao, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Hoa Kỳ buộc phải rút quân về nước là điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Triển lãm là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm góp phần phát huy giá trị, nâng cao hiệu quả sử dụng tài liệu lưu trữ; góp phần bồi dưỡng, giáo dục tinh thần kiên cường, bất khuất, yêu nước, yêu độc lập tự do; ca ngợi và tự hào với truyền thống anh dũng đấu tranh giành độc lập trên mọi mặt trận của dân tộc Việt Nam.
Hồng Thiết