TĐKT - Nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022), ngày 14/12, tại Hà Nội, CLB “Trái tim người lính Việt Nam” (chủ trì) phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí môi trưởng và Đô thị Việt Nam và CLB “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức giới thiệu tác phẩm nhật ký chiến trường “Lính chiến” của tác giả Phạm Hữu Thậm; đồng thời, tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” của 3 gia đình cựu chiến binh hiến tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Nhật ký chiến trường “Lính chiến” của Trung úy, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn liên kết với nhà sách Tri Thức Trẻ ấn hành quý IV năm 2022, được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu.
Tác giả Phạm Hữu Thậm sinh năm 1945, tại thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn (nay là phường An Phụ, thị xã Kinh Môn), tỉnh Hải Dương. Nhập ngũ tháng 4/1968, chỉ qua huấn luyện tân binh 2 tháng, ông đã cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam và được biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Từ một chiến sĩ, trải qua nhiều trận đánh sống chết với kẻ thù vô cùng gan dạ và dũng cảm, anh lính Phạm Hữu Thậm đã trở thành Phó Tiểu đoàn trưởng quân sự, với quân hàm Trung úy.
Cuốn nhật ký chiến trường “Lính chiến” của tác giả Phạm Hữu Thậm
Trong Đại thắng mùa Xuân 1975, sau khi cùng đơn vị tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng, Phạm Hữu Thậm cùng đơn vị được điều đi chi viện cho lực lượng hải quân giải phóng quần đảo Trường Sa. Ông đã xung phong cùng đồng đội bí mật lên tàu vượt biển, trực tiếp cùng bộ đội đặc công nước tham gia các trận đánh và lần lượt giải phóng các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca và Nam Yết. Khi quần đảo Trường Sa được giải phóng, Phạm Hữu Thậm được giao nhiệm vụ làm chính trị viên đảo Sơn Ca trong 3 tháng. Tiếp đó, ông đảm nhiệm trọng trách làm Đảo phó Song Tử Tây đến hết tháng 8/1976 mới vào đất liền và được điều động bổ sung về Lữ đoàn 126 của Bộ Tư lệnh Hải quân…
Sau khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tháng 12/1978, Phạm Hữu Thậm lại được điều động đi làm nhiệm vụ quốc tế tại mặt trận Campuchia, liên tục tham gia hàng chục trận đánh ác liệt, tháng 7/1979 được lệnh rút về nước… Tháng 1/1982, do sức khỏe yếu, Trung úy Phạm Hữu Thậm được nghỉ chế độ mất sức của bệnh binh.
Vợ chồng Trung ủy, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm
Phát biểu tại buổi lễ, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm cho biết: Những ngày ở chiến trường, ông có thói quen ghi chép vắn tắt hoạt động của mình và anh em trong đơn vị vào một cuốn sổ tay. Khi có thời gian rảnh rỗi, ông viết bổ sung thêm nhiều chi tiết cụ thể cho những sự việc và hiện tượng mình đã chứng kiến. Đó là tư liệu vô cùng quý giá, cộng với trí nhớ minh mẫn để ông có thể hoàn thành bản thảo tác phẩm nhật ký “Lính chiến”.
Cuốn nhật ký dày gần 300 trang, khổ 16x24cm, là những chuyện kể từ lúc đi bộ đội tới những ngày vượt biển giải phóng đảo Song Tử Tây -Trường Sa, tháng 4/1975 của tác giả. Thông tin thêm về cuốn sách, nhà văn Lê Hoài Nam, một trong những người đầu tiên đọc bản thảo nhật ký “Lính chiến” cho biết: “Cuốn sách đã chuyển tải tới người đọc rất nhiều thông tin trung thực về những người lính đã sống và chiến đấu tại chiến trường Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ. Sự trung thực đến trần trụi về cuộc sống và những trận chiến ác liệt. Đó thật sự là những khúc ca bi tráng của người lính tại chiến trường”.
Ba gia đình các cựu chiến binh đã hiến tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam một số kỷ vật vô giá
Cũng tại sự kiện đã diễn ra lễ tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” gồm thư từ, sổ tay, sách… do gia đình các cựu chiến binh hiến tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Cụ thể: Gia đình vợ chồng Trung úy, CCB Phạm Hữu Thậm và và bà Dương Thị Gái đã hiến tặng cho bảo tàng một số kỷ vật vô giá, mà họ đã lưu giữ nhiều năm: Bút tích sổ tay, giấy chứng nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ”, bản đồ tác chiến…
Gia đình vợ chồng Đại uý CCB Nguyễn Đình Độ và bà Trần Thị Huyền (đến từ tổ dân phố số 3, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội): Hiến tặng gần 20 lá thư riêng, được viết trong chiến tranh biên giới phía Bắc (1979 – 1989).
Gia đình vợ chồng CCB - Tiến sĩ Nguyễn Minh Vỹ và bà Nguyễn Thị Khi (đến từ khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiến tặng bảo tàng một số tư liệu ảnh đen trắng về chiến trường Quảng Trị và cuốn sách “Phút giây đáng nhớ” cùng một số lá thư được viết tại chiến trường Quảng Trị (1973 – 1975).
Thục Anh